Trần Đình Thu
Hàn Mặc tử - nhà thơ có số phận kỳ lạ
Tác giả: Trần Đình Thu
Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử?
Bút tích và chữ ký của Hàn Mặc Tử.
Trong loạt bài này, chúng tôi đã sử dụng bút danh Hàn Mặc Tử cho nhà thơ. Tuy nhiên cũng xin đưa ra đây vấn đề tranh cãi hai bút danh này cho bạn đọc tham khảo. Vì đây là một cuộc tranh cãi thú vị.
Cho đến nay, những nhà sưu tầm, nghiên cứu, những người quan tâm vẫn phân thành 2 "trường phái" khác nhau: Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử. Vì thế các cuốn sách, bài báo in ra cũng chia làm 2 nhóm: nhóm Mặc và nhóm Mạc.
Những "đại biểu tiên phong" cho "trường phái Mạc" có thể kể:
Giáo sư Hoàng Như Mai, Giáo sư Văn Tâm, nhà sưu tầm Phạm Xuân Tuyển. Phạm Xuân Tuyển đã làm một bản thống kê những tài liệu sử dụng chữ Mạc như sau:
- Báo Người Mới trong các số chuyên đề về Tử năm 1941,
- Trần Thanh Mại trong cuốn sách viết về Tử năm 1942,
- Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam năm 1942,
- Phó tiến sĩ Phùng Quý Nhâm trên Kiến Thức Ngày Nay số 47,
- Giáo sư Hà Minh Đức trong Tổng tập Văn học Việt Nam số 27,
- Giáo sư Lê Đình Kỵ trong Thơ Mới - Những bước thăng trầm - 1993,
- Giáo sư Vũ Ngọc Khánh trong tập Thơ tình yêu - 1995,
- Giáo sư Hà Vinh - Khoa tiếng Việt - Đại học Tổng hợp Hà Nội trong Tạp chí Văn Học - 1995,
- Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh - Phó tiến sĩ Trần Đăng Xuyền trong sách Những bài văn hay và khó - 1995...
Còn những người theo "trường phái Mặc" gồm những ai? Có lẽ hai người quan trọng nhất là Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ và Quách Tấn, bạn thân nhà thơ.
Nguyễn Bá Tín đã dùng Mặc trong hai cuốn sách quan trọng của mình, cuốn Hàn Mặc Tử anh tôi - 1991 và Hàn Mặc Tử trong riêng tư - 1994. Quách Tấn cũng dùng Mặc trong Bóng ngày qua - 2000. Những người khác có thể kể: Chế Lan Viên trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử - 1987, Lữ Huy Nguyên trong Hàn Mặc Tử thơ và đời - 1994, Trần Thị Huyền Trang trong Hàn Mặc Tử hương thơm và mật đắng, Vương Trí Nhàn trong Hàn Mặc Tử - Hôm qua và hôm nay...
Nguyễn Bá Tín cho biết, bút danh Hàn Mặc Tử đã có trước, còn bút danh Hàn Mạc Tử chỉ là bạn bè đặt cho để trêu đùa: "Có nhiều hôm anh ngồi thừ trên chiếc ghế mây, nhìn qua bức mành tre sáo trước cửa, đợi chị Cúc đi ngang qua, trông anh đến thiểu não. Chị Cúc biết điều đó, về sau kể với con gái chị Như Lễ rằng: Nghĩ tội nghiệp anh quá. Bạn bè đến chơi trông thấy anh ngồi buồn bã như kẻ thất tình, nên thường trêu cợt anh là con người sau bức rèm lạnh và gọi đùa anh là Hàn Mạc Tử. Chữ Hàn ở đây có nghĩa là lạnh và chữ Mạc không dấu là bức màn. Hai chữ Hàn Mạc là bức rèm lạnh. Anh chỉ cười, không nói gì, cũng không để ý đến nữa. Mãi về sau khi anh qua đời còn nhiều người vẫn tưởng lầm bút hiệu của anh là Hàn Mạc Tử". Ông Tín cho biết, Tử vốn rất ngưỡng mộ triết gia Mặc Dịch thời Chiến Quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm ái, nên anh cũng tự nhận thuộc môn phái Mặc Dịch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử có ý nghĩa là môn đồ Mặc Dịch. Chữ Mạc Tử thì không có ý nghĩa gì. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la.
Quách Tấn thì kể tỉ mỉ hơn và có phần khác Nguyễn Bá Tín.
Quách Tấn cho biết, khi mới bước vào làng thơ, Tử lấy bút danh là Minh Duệ Thị. Sau đổi là Phong Trần. Tử nổi tiếng với bút danh Phong Trần nhờ cuộc xướng họa thơ văn lịch sử với Phan Bội Châu.
Khi Quách Tấn quen thân Tử, Quách Tấn chê bút danh Phong Trần không hợp với Tử. Vì thế Tử đổi qua bút danh Lệ Thanh. Bút danh này đã gắn chặt với tập thơ Lệ Thanh Thi Tập của Tử. Nhưng được ít lâu Quách Tấn lại chê. Tử lại đổi qua Hàn Mạc Tử. Quách Tấn lại chê nữa. Khi đó Tử nổi nóng. Quách Tấn liền gợi ý: "Đã có rèm thì thêm bóng trăng vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?". Nghe vậy, Tử thêm "bóng trăng" là dấu á trên đầu chữ a nên chữ Mạc thành ra Mặc. Từ đó bút danh đổi nghĩa từ kiếp rèm lạnh ra anh chàng bút mực. Bút danh này khiến Tử rất thích và dùng luôn.
Lời giải thích trên đây nghe cũng thật có lý nhưng mấy chục năm nay vẫn không thuyết phục được những người theo "trường phái Mạc", cho nên cuộc tranh cãi này chưa biết bao giờ kết thúc nếu không tìm được bút tích của chính nhà thơ để chứng minh ai đúng ai sai.
Trần Đình Thu