Bóng cũ
Tác giả: Trang Hạ
Ngày Danh từ Sài Gòn trở về, nhà Thủy đã rước dâu được ba ngày. Bên nhà cũ chỉ còn con Phượng ngồi nhặt thóc trước sân. Nhặt một buổi được lưng thùng thì mỏi quá, con em út ngồi ngả trên hè hát “Lý con sáo sang sông” nghe não cả lòng. Danh đi lại qua cái hàng rào bông bụt hàng chục lần, hàng trăm lần, muốn mở lời hỏi, nhưng sao có nỗi buồn cứ chực dâng lên nghẹn ngang cổ. Nỗi buồn cắt ngắn lưỡi thằng con trai hai mươi hai tuổi, đeo đẳng theo Danh lên chạc ba cây ổi già nhẵn thín vết trèo. Danh ra vuông tôm bỏ chùm lá Thuốc Cá, vòng vèo sao lại ra chỗ bờ sông cũ. Cậu trai ngồi thẫn thờ ném đất cục xuống sông, hòn đất chìm nghỉm mất tăm theo dòng nước đục. Đò máy từ chợ huyện về xóm chạy qua quạt nước ràn rạt vào những chùm lục bình ven sông, duềnh những vầng hoa tím ngang tầm mắt, nhức nhối.
Được hai ngày thì Danh không chịu nổi, cậu bắt chuyến xe lúc chập tối từ huyện ngoại thành về Sài Gòn. Xe đầy, lắc lư ì ạch như một bà già xách cái làn nặng trĩu, dúi đầu Danh vào cửa kính đau nhói. Lúc đó, Danh mới nhận ra nước mắt mình thành vệt, trên lớp kính mờ mờ bám đầy bụi đường đỏ lừ. Hết những chờ mong.
Trưa hè nắng đổ lửa, hơn chục quả cầu gió quay tít mù trên mái kho hàng, cái nóng vẫn phả vào cửa hầm hập. Những cơn gió hiếm hoi từ Bến Nhà Rồng không len qua nổi những dãy Công-ten-nơ xếp chất ngất. Ông Vẽ, bảo vệ mắc võng dù vắt ngang lối đi độc đạo bít bằng rào B40, gác chân lên cánh cổng, đánh giấc trưa quen thuộc. Anh tài xế Thượng ngủ ngay trên buồng lái chiếc IFA cũ nép dưới hiên kho. Còn Danh, quanh quẩn ôm chồng Shift Order và Lệnh xuất hàng buổi sáng, chữ tuôn vào mắt chứ đọc hiểu được gì nữa đâu. Cái nóng trong kho quẩn với nỗi ngao ngán trong lòng. Danh không tìm được người nào khả dĩ cảm thông với cậu, để cậu có thể trút hết nỗi lòng, dẫu chỉ một câu nói: “Em thương cô ấy từ hồi hai đứa còn trèo ổi, vượt rào tắm sông kìa!”.
Mỗi ngày Danh chỉ nghe những mệnh lệnh cộc lốc: “Nào, đếm đủ hàng chưa để còn ký vào đây!”. Thủ kho ra lệnh, chủ hàng khẩn khoản. Tất cả đã lên chương trình hết, đúng quy định! Một, hai, ba... đủ dây hàng rồi thì đóng Công lại, bấm Seal, Danh chưa bao giờ lầm số. Nhưng sao cuộc sống của chàng trai quê cũng phải cuốn theo trình tự do một ai đó, ở xa tít tắp, định ra? Như đã định ra Danh phải lên thành phố hòng kiếm một cô vợ cùng dòng máu Hoa Kiều, để người con gái ở quê chờ đến mỏi, rồi lặng lẽ lên đò về phố huyện theo chồng?
Anh Thượng đã dậy từ lâu, anh nằm trên buồng lái ngắm nghía cậu trai mắt xếch tuổi đôi mươi, mặt đần ra không sinh khí! Nghĩ sao anh nhảy xuống, phủi áo bảo Danh: “Mày có muốn lái xe nâng hàng không, tao dạy cho! Không học thì đời nào mày thoát khỏi cái kiếp đầu sai cho bọn kho cảng này?”. Danh choáng, tưởng như anh Thượng đọc được ẩn ức của mình. Anh Thượng bĩu môi: “Mày giấu thuốc lá ở đâu? Thèm quá lên xe tao. Đừng giấm giúi, chúng nó lại có cớ mà đì!”
Tranh thủ những buổi trưa đợi bốc hàng ở cảng, anh Thượng mượn cái xe nâng cũ kỹ nhất kho, trả tiền dầu nhớt đàng hoàng, cho Danh chạy thử! Gạt cần lái sang trái, sang phải là nâng kiện hàng lên, tiến tới số 3, lùi để số 1. Đến ngày Danh chạy trơn tru, túc tắc nâng được những dây hàng, biết đánh đống ngay ngắn thì anh Thượng đột ngột biến mất. Thay anh là một thằng cha lầm lì, chưa đánh xong hàng đã chực chạy, đuôi xe nhổng nhổng xả khói ngay cửa kho! Anh Thượng đổi chỗ làm. Anh sang hãng Giao nhận Kho vận ngoại thương, lãnh xe Công-ten-nơ 40 “phít”. Loại xe này thường xuyên vượt tải cầu, lại nguềnh ngoàng, hay bị cảnh sát giao thông hỏi thăm, nhưng bù lại tiền lót tay nhiều hơn. Anh Thượng biết chạy những đường “né cầu”, “né cảnh sát” rất tài, và xe chạy đêm thú hơn hẳn! Danh đâm bối rối. Nhất là khi chịu khó chạy được cái chứng chỉ, Danh lên làm tài xế xe nâng đàng hoàng thì cái món nợ ơn nghĩa kia cứ thúc hoài trong dạ.
Một bữa, anh Thượng lái Công gần đến chân cầu Sài Gòn thì thấy Danh vẫy rối rít trước mui xe. Anh cho xe chạy băng qua cánh tay với của cậu trai, kịp ngó thấy cái mặt cậu đen sạm hơn, rắn rỏi chứ không khờ khờ thất tình như dạo trước. Thế là mừng rồi, xe nặng lên dốc cầu, dừng lại có họa là điên!
Một ngày, bất ngờ Phượng lù lù xuất hiện ở cảng, ngay trúng cái chỗ lối vào độc đạo do ông Vẽ canh giữ, giữa một giấc ngủ trưa. Cô gái quê mười sáu, tay nón lá tay khép vạt áo vải trắng, lay ông già dậy. “Bác ơi bác cho con hỏi thăm...”. Giấc mơ kết thúc bất thình lình, ông già bật dậy hoảng hốt, trợn mắt nhìn người khách lạ. Trời ơi trời, sao cô lại đi đường này? Kết quả là mấy người trong kho kéo lại, rồi khen Phượng đẹp, vừa ngáp vừa bỡn cợt, có phải cô em định xin vào kho làm việc? Ồ, ở đây thiếu lắm, những cô gái xinh đẹp như em thì các anh đi qua ngắm nhìn là quên cả mệt mỏi nóng bức. “Sẽ mát rợi như là sờ vào que kem ấy chứ lị!” Thủ kho nhại giọng Bắc của Hồng Vân trên tivi kênh 7. Cả bọn cười ồ. Danh lầm lũi chen đám đông, kéo tay Phượng ra sân. Lần đầu tiên, Danh cầm tay một cô gái mà tràn đầy xót thương, hờn tủi, nhưng nhức nỗi nhớ về một người con gái khác!
Cả buổi chiều, Phượng dọn phòng trọ bé xíu mà bề bộn, bẩn thỉu của anh hàng xóm cũ. Danh về muộn, bỏ ra bàn bộ đồ vải hoa li ti, có cả chiếc sơ mi màu xanh lá chọn từ trong đống đồ si-đa chất trước cổng chợ Bà Chiểu. Cô gái mừng rỡ, ríu rít thay ra mặc vào, sau rồi mặt đỏ lựng đứng bên góc bàn nước, nhìn lén anh, không biết nói sao. Danh cũng chẳng biết nói sao, cuối cùng thở hắt ra: “Mày lên đây làm gì?”. Cô bé con chực khóc, Danh khoát tay: “Thôi, mày ra đầu ngõ ăn cơm sườn với tao!” Trời ơi, cái giọng này sao nghe quen, như điệu nói của anh Thượng với Danh dạo nào?
Một dĩa cơm sườn đầu ngõ chỉ năm ngàn, hai ngàn cà phê đá cho Danh, và cốc xá xị nâu đỏ cho cô gái quê nghèo. Tính ra cũng kha khá, Phượng nằng nặc đòi trả tiền. Mười sáu mà chưa bước qua trẻ thơ, lại biết tính phần mình quá sớm, sao Phượng mang cái tính giống hệt chị Thuỷ xưa. Phượng kể, chị Thuỷ bấy năm nay cứ vật vờ đi mãi con đường từ nhà chồng về nhà bố mẹ. Cưới nhau chưa được hai tháng, anh chồng phố huyện ôm hết tiền bạc riêng tư theo bạn bè đi xuất khẩu lao động Hàn quốc. Mỗi lá thư về, chồng chỉ hỏi thăm vợ mấy dòng tái bút, còn những chuyện lớn, tiền đô gửi về, chỉ bàn với bố mẹ. Nhà chồng cũng bưng kín việc tiền bạc lớn bé trong nhà. Chị Thuỷ thành người ở không lương, được nuôi hai bữa cơm ngày, giường đơn chiếc kê ra góc cửa hàng xay xát gạo mặt phố, để chị vừa ngủ vừa canh chừng chiếc cần câu cơm của gia đình nhà chồng. Gian buồng riêng hạnh phúc phải nhường cho cậu em chồng sửa sang để cưới vợ. Như ở giá, như không chồng lại như bán cả thân xác lẫn tâm hồn về phố, đêm ôm bụng bầu lặc lè không trở được mình. Chừng đó nước mắt, chừng đó nỗi niềm Phượng kể xong mắt mũi đỏ lựng, còn mắt Danh khô rang, đỏ đọc, trông càng xếch hơn. Cậu lầm lì gẩy tàn thuốc rơi tõm trong chiếc âu sứ ắp nước. Danh chỉ nói câu này, làm Phượng chết điếng: “Mày tưởng tao sẽ về nhà à?”
Chim quyên ăn trái nhãn lồng tận nơi nảo nơi nào, chứ đâu có bay ngang Cần Giờ cho Danh ngó? Thôi, hết những mộng mơ, ngày Danh nghe tin Thuỷ vác bao thóc leo lên máy xát, trượt chân, mất cái thai tám tháng mang thân con gái sắp chào đời. Chính là ngày Danh điên khùng lái xe nâng xông thẳng qua những dãy Công-ten-nơ xếp lớp, chạy qua những thân tàu cặp hông bến cảng. Từ kho ra bãi một ngàn mét mà Danh chạy mãi trong cơn đau bưng bít sặc xăng dầu, nồng mùi da thuộc và những giấc mơ vỡ nát bên đường. Có thể trong tâm tưởng, có lần nào đó Danh đã lái chiếc Sumitomo năm sức ngựa quay lại Cần Giờ, đón được Thuỷ. Chiếc xe như con thú dữ chồm lên, đâm gãy ba-ri-e cổng cảng lao ra đường lớn nhưng bị cảnh sát chặn lại trên cầu Khánh Hội, và anh tài rũ gục trên buồng lái, như chiếc lá bị hun nóng, lả ra.
Danh không về Cần Giờ, Phượng cũng không chịu về. Danh đành chở cô bé qua quận Tân Bình, gửi nhà người quen để Phượng phụ nghề in lụa, in những danh thiếp, vỏ hộp vặt. Đợi bao giờ đủ tuổi, Danh cho Phượng đi làm thợ may liên doanh.
Đúng một năm thì Danh gặp lại anh Thượng. Anh bụi đời hơn và đã quyết tâm độc thân, lại đâm ra nghiện Salem. Ngửi khói thuốc, anh còn đoán được là loại nào. Hai anh em ngồi đoán khói thuốc, đoán mùi nước hoa đàn bà hết nửa buổi tối thì phát chán. Quán bar đã chật, đèn lại nhức mắt và váy thì chao ôi là ngắn. Các em đi như hội, Danh bị liếc cháy mặt, anh Thượng bảo về ngủ sớm cho khoẻ, mày học tao mãi mà chưa khôn thêm à? Thấy chúng nó thơm tho đã hoắng lên, chứ cộng cả son phấn lẫn vòng vàng chưa bằng cái gót chân gái cửa biển! Về quê, cưới vợ đi cho quên hẳn cơn điên dạo nào! Chà, sao anh Thượng ở tận đâu đâu cũng biết vụ Danh húc đổ barie của hải quan, chạy một mạch định... về quê tìm Thuỷ?
Những bông trứng cá dọc đường nở hoa trắng, trong veo, gợi niềm thương nhớ tháng mười trong lòng cậu trai trẻ. Thành phố có những con đường mạn Tân Bình, Gò Vấp còn nguyên đất đỏ, bụi mù trời phủ dầy trên hàng rào dọc đường, giống hệt con đường về quê biển. Danh nhiều khi nghĩ, mình đã chết một lần khi bỏ quê lên thành phố, chết một thằng Danh nữa khi Thuỷ lên đò hoa làm dâu phố huyện, vậy thì bây giờ sống là cộng thêm, là được phải hơn mất, có gì mà đắn đo? Nhưng những bông trứng cá dọc đường Danh đi sao cứ bình dị và nhẹ nhõm thả những chấm trắng lên vòm lá xanh như ngày nào, không đổi thay?
Những ngày nắng, trời xanh vô cùng trên những tàng cây từ bến cảng về khu chung cư, buổi chiều Danh thường qua chợ Bà Chiểu ăn dĩa cơm sườn cùng anh em bốc xếp Quận Tư, tránh cữ nhậu quán ông Sáu để vòng vèo sang tít Tân Bình thăm Phượng. Danh bớt lầm lì từ khi nào! Tin của Thuỷ đôi khi tới rất chậm, bì thư nhàu. Phượng viết thư cho chị thường quên gửi. Chỉ mỗi điều này Phượng đã làm người con trai bồn chồn, làm những buổi ghé chơi của Danh cứ lưng chừng, nấn ná và lẳng lặng.
Một lần hai anh em ngồi quán cà phê, nghe nhạc Ngô Thuỵ Miên, ngồi suông chứ chẳng nói năng gì. Ngồi im để nghe người con trai nào hát về người con gái nào, trong một mối tình đầu đời mỏng manh và rạn vỡ, xa xôi vô vàn. Phượng cứ ngọ ngoạy đầu bồn chồn. Sau lưng Danh, một cái đầu tabu rẽ ngôi giữa kiểu Đan Trường rũ rợi nhuộm vàng hoe đang lắc lư, sến không chịu được. Mắt Phượng sắc lẻm và háo hức, chạm vào cái nhìn trừng trừng của Danh, Phượng cụp mi, bậu môi: “Thì thôi!”
Giọng nói ấy gợn lên một cái gì bất ổn. Danh chộp cổ tay cô thiếu nữ tròn trịa mượt mà, vặn chặt, vuột ra đôi vòng Si-men vàng choé, mảnh như sợi chỉ nãy giờ giấu trong tay áo:
- Của ai?
- Của em!
- Lấy của ai?
- Anh hỏi làm gì?
Phượng vừa sợ hãi vừa cong cớn, mắt liếc trộm cái đầu tabu rồi lướt qua má Danh một cái lườm. Má Danh rần rật nóng, mạch máu căng nhức nhối thái dương. Nỗi đau giống một lưỡi dao sắc bén chém ngược về quá khứ.
Danh trả tiền, lầm lì bỏ đi thẳng. Cái hon-đa cà tàng tối nay tự dưng dở chứng, đạp vật vã không nổ. Vài hạt mưa nặng nề đập lên mái hiên quán cà phê lạnh tanh. Danh mắt xếch ngược lên, luống cuống hờn dỗi và giận dữ kéo xềnh xệch chiếc xe cũ mèm băng sang bên kia đường, hứng trọn đợt mưa đầu. Đôi mắt Phượng đen như mắt Thủy ngày xưa nhìn Danh, sao nỡ làm đau Danh thế, nhắc về những gì anh không thể mang cho những người mà anh thương đến buốt lòng xót ruột?
Hình như Phượng cũng quên luôn căn phòng nhỏ bề bộn, bé xíu và chiếc áo hoa li ti xanh ngày nào Danh mua cho. Cô bé bướng bỉnh từng ngồi đò máy, bám xe đò về thành phố rốt cuộc cũng không nói nổi một lời chia tay. Một đêm anh Thượng chạy xe về hãng, thấy Danh tóc tai cắt cua trụi lủi, tay cầm chiếc mũ mềm đập đập vào quần, bụi không thể tả:
- Em chờ anh mãi, lâu lâu mình chưa uống rượu lần nào!
Anh Thượng khụt khịt mũi như con sói, thản nhiên.
- Bây giờ toàn gái miền Tây, duyên hải, mày ăn mặc thế này vào là các em đuổi ra!
-------
Bắt đầu là một ly “Giôn” uống vào mà nhạt và chát tận đâu đâu. Bắt đầu là một chuyến phụ xe chạy chơi chiều thứ bảy nhưng nửa đêm về kiểm tiền đầy chặt túi, hai anh em nằm vật ra ngủ ngay trên đống tiền. Canh bạc đầu tiên ở Vũng Tàu, cuộc đòi nợ thuê lần đầu cách thành phố gần 300 cây số... Đến lần thứ hai thứ ba thì anh Thượng không phải chỉ dẫn, Danh tự biết mình phải làm gì. Một chủ nợ ngã lăn ra ngất xỉu khi nhìn thấy thằng trai trẻ tự rạch tay mình hứng máu đòi nợ. Cũng có lần những gói hàng “đặc biệt” trong xe được anh Thượng đưa đi lúc nào, không cần Danh biết. Có nhiều ngày đi xe tải về taxi, ngủ tạm qua loa một quán trọ rẻ tiền ven đường với những cô gái không rõ tên tuổi, ngầy ngật mùi dầu gió.
Rốt cuộc ý định dành dụm tiền nhượng lại một căn chung cư tiêu tan. Danh cũng tin rồi mình sẽ độc thân, như anh Thượng, hoặc như những người đã từng biết đến nỗi đau trong sâu thẳm tâm can.
Tháng Chạp, dưa hấu xếp lớp dọc vỉa hè, những bồn hoa vạn thọ từ Sa Đéc theo thuyền lên thành phố, biến đường phố thành biển hoa vàng. Xe nghỉ từ Tết ông Táo hai ba, anh Thượng rủ đi câu cá thư giãn, rút Mô-bai gọi ríu rít cho mấy chiến hữu hay ăn nhậu cùng nhau: “Nhà vườn, phục vụ hết sảy!”. Mỗi câu khen của anh Thượng có một cái cười nửa miệng, cười mà như không, mắt nhìn lơ láo.
Nhà vườn mang ra một túi mồi câu, mấy chùm lưỡi giả rồi líu ríu đứng ké bên làm trò hỏi han ngây thơ. Áo đen hai dây lẳn lên đôi vai trần tròn trịa mát rượi. Anh Thượng mặt tỉnh bơ luồn tay trong áo miết một vệt mạnh mẽ. Mớ tóc cuốn cao sổ ra che khuất cái gáy trắng ngần và tiếng cười giòn tan. Một tiếng cười?
Một tiếng cười giống như nước chảy, giống một con chim hót ngâm nga song sắc như mắt liếc, giòn tan và vỡ vụn như những viên đá chạm lanh canh trong ly nước. Tiếng cười nghẹn lại vì một cái ghì xiết ngạt thở. Miệng anh Thượng mất hút.
Danh chỉ mất có vài giây để nhảy bổ ra cái Tiểu đình sát mép hồ câu, nhìn trừng trừng vào mặt con ghệ. Sững sờ, đứa con gái kêu lên một tiếng thảng thốt, giật khỏi tay anh Thượng.
Danh tối tăm mặt mũi, láng máng nhớ hình như Danh đấm rất mạnh vào mặt anh Thượng và bị giáng trả một cú trời giáng chảy máu mồm. Đứa con gái áo đen đã nhảy xuống hồ câu, trằn mình bơi gấp gáp hoảng sợ sang bờ bên kia, đầu tóc rũ rợi, áo hai dây tuột xuống bên vai để hở khoảng da thịt trắng hếu. Những tiếng huýt sáo man rợ từ các lều câu kế bên vang lên giữa những trận cười hềnh hệch các cung bậc. Đám câu hôm nay toàn bọn cậy tiền, ghệ đi theo vênh váo chửi nhau và đốt thuốc, bình luận: “Hai thằng ngu tranh nhau một con béo!”
-------
Danh chạy xe rất lâu, rất lâu trên phố. Danh bị lạc đường. Danh định về nhà trọ, nhưng không hiểu sao quen lối chạy xe lại qua phía nhà anh Thượng. Cầu Bình Triệu, cầu Khánh Hội, người ta đi sắm Tết đông đặc đường phố cuối năm, những chậu mai bò nghễu nghện giữa phố. Không khí ấy nóng ấm, sực nức mùi hoa và trái cây song dễ làm cho người ta mủi lòng. Lại một cái Tết nữa, rồi Danh sẽ đi đâu, về đâu trong cuộc đời muôn nẻo, bao giờ về lại những cái Tết êm đềm ngồi canh nồi bánh Tét và ném những hạt muối giản dị vào đống lửa tưng bừng đêm Ba mươi ngày xưa?
Bóng tối tràn trong căn phòng bé xíu, mùi âm ẩm đến từ cái vòi nước rỉ rả không được khoá chặt. Danh mở cửa phòng, vật mình lên trên nệm giường, chùm khoá xe rơi xủng xoảng trong bóng tối. Một tiếng thở dài rất khẽ. Một tiếng nấc trong góc phòng. Danh bật nhổm dậy nghe ngóng, rồi sờ soạng đi về phía cái bàn kê ở góc phòng phía trong. Trước cái bàn để một chiếc ghế nhỏ. Danh đá vào chiếc ghế.
Hai bàn tay Danh đang áp vào đôi má đẫm nước mắt của một khuôn mặt nhỏ mềm mại. Một đôi môi nóng rực như sốt, hôn vồ vập và mê man lên mấy đầu ngón tay Danh. Tiếng khóc tức tưởi cố nén nói lên tất cả, về một người con gái đẹp, một giấc mơ vỡ nát, một lỗi lầm, những lời ngọt ngào trả lại bằng cay đắng của cô gái quê biển. Phượng đã vứt chiếc áo đen hai dây khêu gợi trả lại bên hồ câu.
Danh nói trong nỗi cô đơn:
- Sau này mình chỉ đẻ con gái thôi Phượng nhé! Đừng để những đứa con trai mình cũng phải lang thang đi tìm một mái ấm cuối năm!
Ngoài kia, mùa xuân đang nảy nở những ngôi sao long lanh xanh biêng biếc trên nền trời sẫm tối. Rất nhiều ngôi sao đã im lặng suốt những đêm xuân, khi người ta yêu nhau, ở bên nhau bình yên và hoà tan nhau trong những cái hôn vụng về.
Cao Hùng 29-11-2003
Trang Hạ