Hồi 03
Tác giả: Ưu Đàm Hoa
Cuộc tình vụng trộm dưới mái Tây Sương ngày càng thắm thiết, song chỉ được hơn tháng là phải chia lìa.
Trung tuần tháng năm, Đan Nhược tiên tử đi núi Từ Sơn thăm sư phụ vì Đại Lương Quái Tẩu thân thể bất an.
Quái Tẩu Vân Thế Duyệt là anh họ xa của Trang chủ phu nhân, tuy là đạo sĩ nhưng khoái uống rượu hơn tu tiên. Do vậy sức khỏe không được tốt lắm.
Tiết Như Xuân cũng đi cùng Đan Nhược tiên tử, được Dương Hổ và hai chục gia đinh hộ tống. Ở nhà Trang chủ Thuần Vu Hồng tiếp được thiếp mời của Tri phủ Khai Phong. Thời ấy phủ đường đặt tại thành Khai Phong, dù phạm vi gồm cả mấy huyện lân cận. Là chỗ thâm giao nên Thuần Vu Hồng vui vẻ đến phủ đường dùng cơm trưa với Tri phủ Quảng Phúc Hán.
Họ Quảng trấn nhậm không đã hơn hai chục năm, được tiếng thanh liêm và có tài xử án công minh. Sau bữa cơm là đến tiệc trà, lúc này họ Quảng mới nói rõ mục đích :
- Này Thuần Vu hiền đệ. Lão phu đã biết việc hiền đệ tìm lại được đứa con thất lạc trong trận lụt mười bảy năm trước. Tuy nhiên lão phu rất buồn khi phải báo cho hiền đệ biết rằng còn có một Thuần Vu Kỳ thứ hai nữa.
Thuần Vu Hồng kinh ngạc hỏi dồn :
- Thực thế ư? Sự tình thế nào mong đại nhân kể rõ cho tiểu đệ nghe.
Quảng tri phủ đăm chiêu vuốt râu :
- Số là mười bảy ngày trước, Huyện lệnh huyện Tân Hương có chuyển đến cho bổn phủ một vụ án liên quan đến trận lũ lụt năm xưa. Lão bá hộ tên Tề Khả Khách có nhà ở cạnh dòng sông Linh Giang đã đến huyện đường Tân Hương nhờ đem đứa con nuôi về đoàn tụ gia đình. Mười bảy năm trước, nghe nói đê Khai Phong bị vỡ, lão cấp tốc chèo thuyền lớn mang theo lương thực đến giúp đỡ tai dân. Lúc ấy, nước lũ đã tràn đến tận đoạn giữa sông Linh Giang nên lão có thể đi thẳng đến Khai Phong bằng thuyền. Lúc còn cách thành chục dặm, lão phát hiện một đứa bé trai áo đỏ đang vướng trên một thân cây còn ló khỏi mặt nước lũ. Lão họ Tề đã ghé vào cứu được đứa bé kia mang về. Vì không có con nên lão giữ lại mà nuôi dưỡng. Nay tuổi đã cao, sắp chầu trời, lão không muốn đứa con nuôi bị cô độc nên mới nói ra sự thật để chàng trai kia về với cha mẹ ruột.
Thuần Vu Hồng cẩn trọng hỏi :
- Thế họ Tề có chứng cứ gì không? Trong trận lụt năm xưa có đến hai mươi sáu đứa trẻ bị nước cuốn trôi.
Quảng tri phủ gật đầu :
- Có bằng cớ. Tề Khả Khách còn giữ được chiếc áo lụa của đứa bé, trên ấy có thêu ba chữ Thuần Vu Kỳ. Thứ hai là dung mạo của chàng trai kia giống lệnh phu nhân như đúc. Y lại thông minh xuất chúng, phong thái đường bệ, trầm tĩnh, chẳng khác gì hiện đệ cả. Tề Khả Khách đặt tên cho y là Tề Khôi Nguyên, mời thầy dạy dỗ tử tế nên y tinh thông lễ nhạc, thi phú, đáng mặt trạng nguyên sau này. Lão phu tiếp xúc có mấy ngày mà đã bị y chinh phục hoàn toàn.
Những lời tán dương về Tề Khôi Nguyên của Quảng tri phủ càng khiến Thuần Vu Hồng thêm bối rối. Ông đã thực lòng yêu thương chàng trai câm thần dũng và hiếu nghĩa. Không ngờ Á Tử lại chẳng phải là con mình.
Là người cẩn trọng, Trang chủ tư lự hỏi :
- Việc này quả là rất lạ. Tiểu đệ muốn được gặp mặt Tề lão và Tề Khôi Nguyên để hỏi han thật kỹ.
Quảng Phúc Hán mỉm cười :
- Lão phu cũng nghi ngờ đây là kế thay mận đổi đào hòng chiếm đoạt gia sản họ Thuần Vu. Khốn nỗi Tề Khả Khách đã từ trần ngay sau khi dâng sớ lên Tri huyện Tân Hương. Vậy thì ai sẽ hưởng lợi? Lão phu đã cho công sai triệu Tề Khôi Nguyên về phủ đường để điều tra. Hiện y đang ở hậu sảnh.
Thuần Vu Hồng hồi hộp đáp :
- Xin đại nhân cho tiểu đệ được gặp y.
Lát sau, tỳ nữ dẫn lên một chàng trai tuổi đôi mươi, mặt trắng như ngọc, không râu, ngũ quan thanh tú, xinh đẹp nhưng hơi yếu đuối vì giống mẹ. Á Tử chỉ có vài nét hao hao giống Tiết Như Xuân như mắt, mũi, song miệng quá rộng và vành tai đầy đặn giống Thuần Vu Hồng. Dĩ nhiên gã không đẹp bằng Tề Khôi Nguyên và lại còn bị câm nữa.
Nghe Quảng tri phủ giới thiệu, Tề Khôi Nguyên vén áo quỳ xuống lạy, mắt ươn ướt lệ mừng, đầy vè thiết tha, giọng nói hơi run :
- Hài nhi bái kiến phụ thân.
Rồi gã phục xuống luôn và khóc nức nở. Thuần Vu Hồng cảm động rời ghế đỡ y lên thì thấy nước mắt đầm đìa. Tuy nhiên lòng ông lại nghĩ :
- Lạ thực. Sao gã này lại yếu đuối thế nhỉ? Kỳ nhi hiếu động và gan lỳ. Thuở bé chẳng bao giờ khóc lóc cả.
Song mười bảy năm có thể thay đổi tính tình của một đứa trẻ nên Trang chủ lại chẳng nghi ngờ gì.
Ông ở lại phủ đường đến tận chiều, trò chuyện hỏi han về Tề Khôi Nguyên đủ điều, phát hiện y đúng là một nhân tài hiếm có như lời Quảng tri phủ đã khen ngợi.
Ông cũng xem xét rất kỹ tấm áo ngắn bằng lụa đã cũ và rách vài chỗ, nhận ra hình thêu tinh vi của vợ mình. Tiết Như Xuân đã thêu một chữ “Phúc” khá lớn bằng chỉ vàng sau lưng tấm áo. Trên nền chữ Phúc ấy, bà lại kín đáo thêu thêm ba chữ Thuần Vu Kỳ thật nhỏ. Ông đã từng nhìn thấy nhiều lần nên không thể lầm được.
Bằng cớ quan trọng thứ hai là Tề Khôi Nguyên có nhắc đến nốt ruồi son lồi lớn bằng hạt lạc trên ngực Tiết Như Xuân. Đây là bí mật mà chỉ có ông mới biết.
Tuy hơi áy náy về Á Tử song Thuần Vu Hồng lại vui vẻ khi Tề Khôi Nguyên không tật nguyền và có văn tài xuất chúng. Sau này sẽ làm rạng rỡ tông môn. Ông có một tật xấu được che giấu rất kỹ là ước muốn làm rạng danh dòng họ Thuần Vu. Và một kẻ võ biền tàn tật như Á Tử chẳng thể đáp ứng nguyện vọng ấy. Phần chàng trai câm tội nghiệp kia, ông sẽ nhận là nghĩa tử.
Biết chắc rằng sáng hăm bốn là vợ mình sẽ có mặt ở nhà, Thuần Vu Hồng bàn bạc với Quảng tri phủ rồi hồi trang, mang theo tấm áo trẻ con tín vật.
Tối hôm ấy, Thuần Vu Hồng không ngủ được, cứ trăn trở mãi với câu chuyện ban chiều. Lời kể của Tề Khôi Nguyên hoàn toàn hợp lý và tài mạo của gã cũng làm hài lòng ông. Nhưng dường như vẫn còn một điều gì đó chưa làm ông yên tâm.
Do dự bất quyết nên Thuần Vu Hồng liền nghĩ đến Vệ Cửu. Lão Tổng quản già này tuy không sắc sảo bằng ông song lại giàu kinh nghiệm, từng lăn lộn giang hồ hai mươi năm.
Thuần Vu Hồng rời giường thay áo, ra cửa bảo gia đinh đang đi tuần mời Vệ tổng quản đến.
Trời đã rất khuya song là phiên trực nên Vệ Cửu có mặt ngay. Nghe xong quái sự, lão trầm ngâm nói :
- Cơ trí của lão không dám sánh với Trang chủ nên cũng chỉ kết luận rằng Tề Khôi Nguyên mới là Thuần Vu Kỳ. Tuy nhiên chỉ có mình phu nhân mới có thể xác định việc này. Tình mẫu tử thiêng liêng sẽ giúp cho bà phân biệt được giả chân.
Lão ngập ngừng uống hớp trà rồi e dè tiếp :
- Lão phu chợt nghĩ lại rằng nếu đây là một mưu kế tinh vi và chu đáo của ai đó thì thực là đáng ngại. Trong võ lâm Trung Nguyên có một nhân vật cực kỳ lợi hại danh hiệu là Xảo Quá Thiên, tên gọi Phó Từ Trọng. Họ Phó đa mưu túc trí, có tài cải sửa dung mạo bậc nhất thế gian. Lão ta từng cải trang vào những nhà đại phú, lấy sạch của cải rồi chuồn mất. Những vụ án này đã làm điên đầu nha môn các phủ phía nam Trường Giang. Lệnh truy nã Xảo Quá Thiên ban ra khắp nơi nhưng không làm sao bắt được vì lão ta có cả ngàn bộ mặt.
Thuần Vu Hồng chột dạ cau mày suy nghĩ rất lâu. Cuối cùng ông nghiêm giọng :
- Ta cũng từng nghe Tổng bộ đầu Hà Nam nhắc qua việc này nhưng Xảo Quá Thiên đã biệt tăm mười năm, không gây ra thêm vụ án nào tương tự nữa. Vả lại không thể vì lão họ Phó ấy mà không dám nhận lại giọt máu của mình. Ta quyết định rước Tề Khôi Nguyên về trang và việc giám sát y là của Vệ lão đấy.
Vệ Cửu nghe cũng phải, vòng tay nhận mệnh và lui gót. Lão rất yêu mến Á Tử nên lòng xốn xang, tìm đến phòng Dương Hổ mà tâm sự.
Họ Dương thở dài sườn sượt :
- Quỷ quái thực, sao lại chui ra thêm một Thuần Vu Kỳ thế này. Tiểu đệ e rằng Á Tử là người chất phác, thẳng thắn, cương liệt, tất sẽ không chịu phận con nuôi mà bỏ đi ngay thôi.
Thời gian qua, Dương Hổ rất thân thiết với Á Tử. Gã phục sát đất tài đánh kiếm của đại công tử, liền nhờ chàng chỉ điểm. Á Tử vui vẻ và tận tình chỉ bảo, bổ khuyết những thiếu sót trong pho Tảo Vân kiếm pháp của gã. Chàng ta còn truyền cho Dương Hổ một chiêu kiếm cực kỳ lợi hại, khiến gã mừng khôn xiết.
Vệ Cửu rầu rĩ nói :
- Ta chợt có một linh cảm chẳng lành, cứ như con sói già ngửi thấy mùi bẫy vậy.
Sáng mai, hiền đệ hãy đi triệu tập anh em về đây. Phải có thêm cao thủ thì chúng ta mới mong bảo vệ được Thuần Vu gia trang.
Do lời cảnh báo của Vệ Cửu mà Thuần Vu Hồng sinh lòng cảnh giác hơn. Hôm sau quay lại phủ đường để tiếp xúc với Tề Khôi Nguyên, ngày kế tiếp cũng vậy. Ông đi từ sớm và gần trưa mới về. Lúc này Dương Hổ đã gọi được bốn cao thủ từ Hàm Đan đến, cùng Vệ Cửu bảo lãnh cho họ về làm võ sư hộ viện ở Thuần Vu gia trang.
Phần vì tuyệt đối tin tưởng vào Vệ tổng quản, phần tự hào về nhãn quang sắc bén của mình, Thuần Vu Hồng đã chấp nhận, mặc dù tướng mạo của bốn người này còn đáng sợ hơn cả Dương Hổ. Họ chính là em kết nghĩa sinh tử chi giao của Vệ Cửu và Dương Hổ.
Vệ Cửu là lão dại, Dương Hổ thứ hai. Người thứ ba là Hoàng Bưu, ba mươi chín tuổi, người phốp pháp, mặt tròn nung núc thịt, miệng rộng, răng thưa, luôn nở nụ cười dễ dãi nhưng phía trên chiếc mũi to kia là đôi mắt hí, loang loáng những tia lạnh lẽo, tàn độc.
Tứ đệ của Vệ tổng quản là Đỗ Xung. Ba mươi tám tuổi, người cao lêu nghêu và ốm như quỷ đói, mặt ngựa đầy góc cạnh, đuôi mắt và khóe môi luôn sụ xuống, trông buồn tựa kẻ thác cha.
Người đứng thứ năm tên là Ngô Phương, cũng ba mươi tám tuổi mà đầu đã hói nên trái cao vút, làng bóng. Tóc ít nhưng lông mày và râu họ Ngô thì rậm rạp, che khuất cả chiếc miệng nhỏ.
Lão lục lại là một nữ nhân, tuổi hai mươi bảy, nhũ danh Sầm Tú Linh. Gương mặt nàng trẻ hơn nhiều so với tuổi tác, trông chỉ độ quá đôi mươi và đẹp một cách khủng khiếp. Mắt phượng mày ngài, mũi cao thanh tú, môi anh đào đỏ thắm, chẳng chỗ nào chê được. Tiếc rằng hàm răng trắng đều ngà ngọc kia lại cắc cớ đâm ra hai chiếc răng nanh dài như răng sói. Do vậy, đàn ông tốt trong thiên hạ chỉ dám đứng xa xa, lén ngắm nghía dung nhan và thân hình thon dài, nảy nở của Sầm Tú Linh chớ không dám cầu hôn. Nửa đêm biết đâu hai chiếc răng sắc nhọn ấy sẽ cắm vào cổ họ. Khách võ lâm gọi nàng là Lang Nha mỹ nhân. Họ còn đồn rằng nàng thích uống máu người.
Sau khi được tiếp nhận, bốn quái nhân kéo đến tiểu xá của Vệ Cửu để dự bữa tiệc đoàn viên. Tuy vẫn thường liên lạc như cơ hội đông đủ sáu người thế này thì rất hiếm.
Vả lại, Vệ Cửu còn muốn thông báo cho các em một số việc.
Nghe xong câu chuyện về chàng trai câm thần dũng Thuần Vu Kỳ, một mình một kiếm được cự với Đơn Nhai chân quân, Lang Nha mỹ nhân phục lăn, suýt xoa khen ngợi :
- Thế mới đáng mặt Thiết Đảm anh hùng. Tiểu muội nóng lòng muốn diện kiến chàng trai tuyệt diệu ấy.
Lão ngũ Ngô Phương có tật hay bỡn cợt liền cười khẩy :
- Dầu y có là Thiết Đảm anh hùng chính hiệu thì cũng té xỉu vì nụ cười của lục muội thôi.
Ý gã ám chỉ hai chiếc răng sói của Sầm Tú Linh. Cả bọn phì cười nhưng Lang Nha mỹ nhân thản nhiên đáp :
- Chưa chắc. Đại công tử thần oai lẫm lẫm, lẽ nào lại sợ ma?
Lão tứ Đỗ Xung cười hề hề :
- Thì cứ mời y đến là sẽ biết ngay thôi. Ta đánh cược với lục muội trăm lượng bạc.
Y mà rú lên bỏ chạy là ngươi thua đấy.
Đỗ Xung là con ma cờ bạc, bất cứ trường hợp nào cũng gài độ ăn thua. Do vậy, giới hắc đại gọi gã là Sầu Diện Đổ Quỷ.
Sầm Tú Linh nóng mũi cấp nhận ngay. Cả bọn bàn bạc một hồi rồi kéo sang chổ ở của Dương Hổ cạnh đấy. Sau khi sai ả tỳ nữ đi mời Thuần Vu Kỳ, họ nấp kỹ vào sau vách ngăn giữa chỗ uống trà và ngọa thất. Lát nữa, khi chàng trai câm đến thì sẽ chỉ mình Lang Nha mỹ nhân xuất hiện để làm tăng thêm tính khủng bố. Đỗ Xung bắt Sầm Tú Linh phải xõa tóc, mặc áo dài trắng. Đã cuối canh hai ngoài trời tối tăm, trong phòng chỉ có ánh đèn lờ mờ, xem ra Thuần Vu Kỳ khó mà giữ được bình tĩnh.
Lát sau, chàng câm xuống đến, thấy cửa chỉ khép hờ, chàng thản nhiên bước vào, ú ớ lên tiếng gọi Dương Hổ. Đúng như kế hoạch, Sầm Tú Linh từ trong lù lù xuất hiện, nhe răng cười kinh khiếp.
Quả nhiên Thuần Vu Kỳ cũng giật bắn mình nhưng lạ thay, chàng không rú lên mà lại cười rất tươi, lướt đến ôm chặt lấy Sầm Tú Linh rồi hôn tới tấp lên mặt.
Cả Lang Nha mỹ nhân lẫn năm người đang ẩn nấp đều choáng váng trước diễn tiến bất ngờ này, đứng trơ ra như phổng. Riêng Sầm Tú Linh hổ thẹn đến bủn rủn tay chân, không nói nên lời. Lần đầu được nam nhân âu yếm, nàng bàng hoàng ngây ngất như người say rượu.
Té ra, Thuần Vu Kỳ đang nhung nhớ Đan Nhược tiên tử mà trong ánh sáng lờ mờ này, trông Lang Nha mỹ nhân rất giống. Chàng tưởng Thuần Vu Tiệp đã về và bày trò để đùa giỡn. Là người chất phác, nồng nhiệt và không biết sợ, Thuần Vu Kỳ đã biểu lộ ngay tình cảm khát khao, chẳng thèm để ý dến việc đây là phòng của Dương Hổ.
Cuối cùng thì Vệ Cửu cũng trấn tĩnh được, hắng giọng rồi bước ra, cười như mếu :
- Xin công tử buông lục muội ra.
Thuần Vu Kỳ không hiểu gì nhưng cũng vì xấu hổ mà buông người đẹp, cười với Vệ lão. Sầm Tú Linh lập tức chạy vào trong, nhảy lên giường Dương Hổ, trùm chăn, chẳng biết nên khóc hay cười.
Bọn nam nhân biết tình hình rất gây cấn, mặt méo xẹo bước ra chào Thuần Vu Kỳ. Vệ Cửu giới thiệu các em rồi ấp úng giải thích. Đến lượt chàng câm đỏ mặt và nhăn nhó, ú ớ ra hiệu rằng mình xin lỗi Sầm Tú Linh.
Sầu Diện Đổ Quỷ bị thua đau trăm lượng bạc nên tức tối hỏi :
- Chẳng lẽ công tử háo sắc đến mức gặp ma quỷ cũng chẳng tha hay sao?
Không thể thú nhận cuộc tình vụng trộm với người lạ mới đến nên chàng câm chỉ còn cách gượng cười và gật đầu.
Thấy lỗi do bọn mình chứ không phải Thuần Vu Kỳ nên Dương Hổ liền quắc mắt nhìn tứ đệ rồi mời chàng câm không sợ ma sang tiểu xá của Vệ Cửu nhâm nhi. Chàng câm nhận lời nhưng chỉ ngồi hai khắc là cáo lui. Có lẽ Thuần Vu Kỳ áy náy vì chuyện lúc nãy.
Khách đi rồi, Vệ Cửu thở dài thường thượt :
- Lục muội tính tình trinh liệt, không chừng sẽ vì chuyện này mà nghĩ quẩn. Ta phải sang khuyên bảo nó vài câu mới được.
Bốn người kia rầu rĩ nhìn nhau, hối hận vì đã tham gia trò đùa tai hại này. Vệ lão đi sang phòng Dương Hổ, thấy không có ai, biết Sầm Tú Linh đã về tiểu xá của nàng.
Bốn vị hộ viện võ sư đã được Thuần Vu Hồng cấp cho chỗ ở riêng yên tịnh và khang trang.
Vệ Cửu gõ cửa và lên tiếng gọi. Sầm Tú Linh ra mở cửa, cúi gầm mặt vì xấu hổ.
Vệ lão vào ngồi xuống ghế, nghiêm giọng :
- Lục muội, ngươi tự hào mình nhan sắc tuyệt luân, không chịu che giấu khuyết điểm, cố tìm một trượng phu anh hùng cái thế và biết chấp nhận, cho nên tình duyên lần lữa mãi đến bây giờ. Khiến ta phải hổ thẹn với sư phụ dưới suối vàng. Nay Thuần Vu Kỳ vô tình mạo phạm ngươi, chắc cũng là do thiên duyên tiền định. Nếu lục muội không chê y tật nguyền thì ta hứa sẽ tác thành duyên nợ. Ta có ơn cứu mạng Trang chủ nên chắc chắn ông ta sẽ chấp thuận. Vả lại, khi ngươi cắt đi hai chiếc răng nanh kia thì trong thiên hạ còn ai đẹp hơn. Có dâu như ngươi thì Trang chủ và phu nhân sẽ rất vui lòng.
Trong sáu anh em thì Lang Nha mỹ nhân còn là ái nữ của sư phụ Vệ Cửu, do vậy ông rất yêu thương nàng.
Sầm Tú Linh ngước lên, ánh mắt đầy vẻ cương quyết :
- Đại sư huynh đừng sợ tiểu muội tự sát. Còn việc lương duyên với đại công tử thì cứ để tiểu muội suy nghĩ lại. Tiểu muội sẽ tìm cách gần gũi Thuần Vu Kỳ. Nếu được y thật lòng yêu thương thì tiểu muội sẽ nhờ đại sư huynh đứng ra tác hợp.
Vệ Cửu gật gù và cau mày :
- Thế cũng được. Nhưng xem tình hình thì có lẽ Thuần Vu Kỳ sẽ phải rời gia trang khi gã giả hiệu kia xuất hiện. Tính khí y ta biết rất rõ. Vậy thì sư muội hãy chuẩn bị hành trang, tiền bạc, bám theo y ngay. Bọn ta sẽ ở lại đây tìm cách điều tra sự tình. Ta linh cảm việc này là âm mưu quỷ quyệt của Xảo Quá Thiên.
Hai người bàn bạc kỹ lưỡng xong, Vệ Cửu mới ra về.
Giữa giờ Mùi ngày hai mươi bốn, Tri phủ Quảng Phúc Hán dẫn Tề Khôi Nguyên đến Thuần Vu gia trang. Khổ thay, Trang chủ phu nhân lại không về kịp trong buổi sáng nên Thuần Vu Hồng chẳng thể báo trước cho bà biết sự việc. Do vậy, lúc cuối giờ thìn, khi chủ khách đang uống trà, đàm đạo thì Tiết Như Xuân bước vào. Sau khi thi lễ với Quảng tri phủ, bà rất đỗi kinh ngạc khi thấy chàng trai tuấn tú, áo vải xanh kia quỳ xuống, mắt nhòa lệ, giọng run run :
- Mẫu thân. Hài nhi mừng được gặp mặt người.
Phu nhân ngơ ngác nhìn chồng và Thuần Vu Hồng đàng phải đi thẳng vào vấn đề.
Ông bảo bà an tọa rồi đưa ra tấm áo lụa đỏ :
- Phu nhân hãy xem thử vật này.
Tiết Như Xuân chẳng khó khăn gì để xác nhận một vật mà mình tự tay làm ra. Bà ngơ ngác nói :
- Đây chính là chiếc áo của Kỳ nhi mặc khi bị nước cuốn trôi. Nhưng sao chàng trai kia lại gọi thiếp là mẹ?
Thuần Vu Hồng liền kể lại nguồn cơn khiến Tiết Như Xuân bàng hoàng, sửng sốt.
Bà mơ màng nhìn kỹ gương mặt của chàng trai đang quỳ, và nhớ đến đứa con khác đang ở hậu viện, bối rối bật khóc :
- Tướng công. Sao lại có chuyện quái lạ này? Đứa nào mới chính thực là Kỳ nhi?
Thuần Vu Hồng vội vỗ về bà và phân tích mọi lẽ, khẳng định Tề Khôi Nguyên chính là con ruột. Ông hứa sẽ giữ Á Tử lại làm con nuôi.
Trước đó, Thuần Vu Hồng đã sai tỳ nữ mời đại công tử. Thuần Vu Kỳ lên đến phòng khách cúi đầu thi lễ và bước đến mừng từ mẫu. Thấy bà khóc, chàng ngạc nhiên ra dấu hỏi lý do. Trang chủ phu nhân càng mủi lòng khóc, gục xuống bàn mà nức nở.
Thuần Vu Hồng liền bảo :
- Á Tử. Con hãy ngồi xuống ta có chuyện muốn bàn.
Rồi ông từ tốn thuật lạu sự việc, kể cả chuyện sẽ nhận chàng làm nghĩa tử.
Thuần Vu Kỳ bị tật nguyền nên tính khí khá quyết liệt, không chịu đựng nổi sự oan khuất. Chàng đau lòng khôn xiết khi bị phụ thân từ chối. Niềm bi phẫn phủ mờ tâm trí, chàng đứng dậy, đấm ngực kêu lên những tiến bi thương, ai oán. Rồi chàng quỳ xuống dập đầu lạy Trang chủ và phu nhân chín lạy, nước mắt tuôn như mưa.
Linh cảm sắp mất con khiến Tiết Như Xuân sợ hãi, run rẩy nài nỉ :
- Kỳ nhi đừng bỏ mẹ.
Nhưng chàng trai tội nghiệp kia đã đừng lên lao vút ra ngoài cửa nhanh như làm gió thoảng. Trang chủ phu nhân đau đớn rú lên :
- Kỳ nhi.
Rồi bà ngất xỉu, may mà được chồng nhanh tay đỡ lấy. Thuần Vu Hồng vội cáo lỗi với Quảng tri phủ rồi bồng ái thê về khuê phòng, gọi tỳ nữ chăm sóc.
Lát sau, phu nhân tỉnh lại, nhớ đến cảnh con trai ra đi tay trắng, không tiền bạc, không hành lý và sẽ trở lại kiếp ăn mày như trước, bà đau xé ruột gào khóc và trách móc chồng :
- Tướng công một đời sáng suốt mà nay lại hồ đồ từ bỏ con ruột, đẩy Kỳ nhi vào cảnh khốn cùng. Thiếp hận chàng.
Rồi bà lại ngất xỉu, nằm liệt giường, không ra khỏi phòng. Mỗi lần gặp mặt trượng phu là bật khóc và nói :
- Chàng đã giết con của chúng ta rồi. Thiếp không muốn thấy mặt chàng nữa.
Dù tin rằng mình có lý nhưng Thuần Vu Hồng cũng rầu thúi ruột, sợ ái thê phát cuồng. Ông cho mời đại phu tới phục dược nhưng Tiết Như Xuân hất đổ, không chịu uống.
Trưa đầu tháng sáu, Thuần Vu Tiệp hồi trang, nghe hai ả tỳ nữ kể lại sự tình, nàng bật khóc và cơ hồ té xỉu. Giờ đây, nàng chẳng cần của cải hay tài sản, chỉ cần được sống với người yêu. Thuần Vu Tiệp quyết định ra đi tìm kiếm Thuần Vu Kỳ.
Nhưng Vệ Cửu đã đến to nhỏ với nàng rất lâu. Sắc mặt Đan Nhược tiên tử tươi lại, thay áo sang thăm mẹ.
Thấy con gái, Trang chủ phu nhân ôm chầm lấy mà khóc, kể lể. Thuần Vu Tiệp liền thì thầm :
- Mẫu thân hãy an tâm. Vệ tổng quản đã cho người mang vàng bạc đuổi theo để chiếu cố cho đại ca. Mẫu thân phải gượng vui để cùng hài nhi điều tra cái gã giả mạo kia. Vệ lão đã sớm cử người đi Tân Hương dọ thám, chỉ ít ngày nữa là có tin. Vệ lão đoan chắc là sẽ đưa đại ca về cho mẫu thân.
Những điều cụ thể ấy đã khiến Tiết Như Xuân yên lòng. Bà rất tin tưởng vào sự mẫn cán của Vệ Cửu.
Phu nhân vui vẻ tắm gội, thay áo rồi cùng Thuần Vu Tiệp bàn tính kế hoạch.
Thấy đã chu toàn, bà sai tỳ nữ mời Thuần Vu Hồng đến. Thấy ái thê đã tươi tỉnh trở lại, Trang chủ vui mừng khôn xiết, khen ngợi con gái :
- Tiệp nhi quả là có tài thuyết khách nên mới an ủi được mẫu thân. Nếu con không về chắc ta chết mất.
Đan Nhược tiên tử che miệng cười khúc khích :
- Phụ thân khoan mừng, hãy nghe mẫu thân hỏi tội đây.
Thuần Vu Hồng bẽn lẽn nhìn vợ yêu và nói :
- Ta biết nàng rất đau khổ nhưng hãy tin vào quyết định của ta.
Tiết Như Xuân cười mát :
- Chứng cứ của Tề Khôi Nguyên nào có vững chắc hơn những gì Kỳ nhi đã kể? Tướng công có nghi ngờ gì xin cứ nói ra. Lúc đầu, do quá bất ngờ nên thiếp bối rối, sau suy nghĩ lại thì hoàn toàn có thể khẳng định ai là con mình.
Thuần Vu Hồng bực bội kể ra những ngi vấn :
- Thứ nhất là việc Á Tử có quá nhiều râu trong khi mấy đời nhà Thuần Vu đều không phải dòng đa mao. Thứ hai vì sao Á Tử lại biết viết chữ Kỳ khi bị câm trước lúc được cứu mạng. Thứ ba là Trương chân nhân chẳng thể sống đến một trăm bốn chục tuổi và chính Vệ tổng quản đã xác nhận rằng Á Tử không thi triển võ nghệ của núi Võ Đang. Phu nhân thử giải thích cho ta nghe xem?
Tiết Như Xuân thở dài, buồn bã :
- Sao tướng công không sớm hỏi thiếp mà nuôi dưỡng trong lòng để trở thành hồ đồ. Ba điều ấy thiếp đều biết rất rõ.
Thuần Vu Hồng chột dạ trước sự tự tin của vợ. Ông ấp úng hỏi :
- Thế sự thực ra sao?
Tiết Như Xuân tư lự :
- Chúng ra lấy nhau sau khi tiên phụ từ trần bốn năm. Do vậy, chàng đâu biết tiên phụ là người đa mao, râu rất rậm. Kỳ nhi giống thiếp thì tất phải thừa hưởng nét ấy của ông ngoại, có gì là lạ?
Thuần Vu Hồng bối rối :
- Nàng có lý nhưng còn việc thứ hai thì sao? Kỳ nhi của chúng ta đâu biết viết tên mình?
Tiết Như Xuân thở dài, ứa nước mắt :
- Chính thiếp đã dạy con đấy. Chàng không nhớ là đã mang về từ Bắc Kinh về một con mèo bằng ngọc bích hay sao? Dưới bụng con mèo có khắc một chữ Kỳ và thiếp đã chỉ vào đấy, bắt con dùng phấn viết theo ra mặt bàn. Kỳ nhi thông minh đĩnh ngộ nên chỉ vài lượt là nhớ ngay.
Thuần Vu Hồng toát mồ hôi, không tin vào chính mình nữa. Ông còn đau lòng hơn khi nghe Tiết Như Xuân kể :
- Năm ấy, Kỳ nhi nghe kể về đám tang Hồ phú hộ, liền bắt chước đem Bích Ngọc Miêu đi chôn trong một hốc đá kín đáo của hòn giả sơn phía Đông Bắc hoa viên. Hồi đầu năm vừa rồi, Kỳ nhi đã tìm lại được, đem khoe với thiếp. Nếu không phải y giấu thì làm sao tìm ra được? Còn việc Trương chân nhân thì chính sư phụ của Tiệp nhi đã xác nhận rằng mới gặp hồi hai tháng trước. Chân nhân có kể rằng mình đang đi tìm đứa học trò nhỏ bị câm, nghe Quái tẩu bảo rằng Kỳ nhi đã về Thuần Vu gia trang, chân nhân mừng rỡ bỏ đi.
Thuần Vu Hồng nghe xong bủn rủn tay chân, hối hận đến mức chỉ muốn chết cho xong. Ông ứa nước mắt, cầm tay vợ :
- Ta thật đáng chết ngàn lần, mong nương tử tha lỗi cho kẻ hồ đồ, ngu ngốc này. Ta thề sẽ tìm ra Kỳ nhi trong thời gian sớm nhất.
Và ông nghiến răng :
- Để ta bảo Quảng tri phủ tra hỏi tên giả mạo kia xem ai là kẻ chủ mưu.
Đan Nhược tiên tử đang khóc rấm rức, chợt lên tiếng :
- Khoan đã phụ thân, hài nhi e rằng chính Quảng tri phủ cũng liên quan đến âm mưu này. Chúng ta phải bí mật thu thập chứng cứ đầy đủ rồi mới có thể đưa Tề Khôi Nguyên ra trước công đường. Tạm thời, phụ thân cứ bảo họ Tề sang dinh Tri phủ ở tạm, chờ mẫu thân lành bệnh. Sau đó, chúng ta cho người nghe ngóng những cuộc bàn bạc của họ. Hơn nữa, Vệ lão đã cử hai sư đệ đi Tân Hương điều tra Tề gia trang cũng như dinh huyện lệnh.
Thuần Vu Hồng tròn mắt kinh ngạc :
- Té ra mẹ con ngươi đã có kế hoạch chu đáo từ trước rồi sao? Nha đầu này không ngờ lại có tài bày binh bố trận.
Đan Nhược tiên tử bẽn lẽn thú nhật :
- Hài nhi nào có tài cán gì. Đấy là ý của Vệ tổng quản đấy chứ.
Thuần Vu Hồng hổ thẹn than :
- Không ngờ Vệ Cửu lại sáng suốt hơn cả Hồng này.
Đan Nhược tiên tử cười khanh khách :
- Thực ra phụ thân còn kém cả mẫu thân bà hài nhi nữa đấy.
Thuần Vu Hồng gật đầu công nhận và lẩm nhẩm :
- Lạ thực. Nhưng sao Tề Khôi Nguyên lại có tấm áo và biết được vị trí nốt ruồi son trên ngực nàng nhỉ?
Tiết Như Xuân đỏ mặt đáp :
- Tấm áo kia có lẽ đã tuột khỏi người Kỳ nhi, vướng trên tàng cây. Hôm ấy, Tề Khả Khách quả thực có cứu được một đứa bé, đồng thời nhặt được cả tấm áo. Chắc lúc ấy tấm áo còn tốt nên lão giữ lại cho đứa con nuôi mặc. Sau này, ai đó phát hiện ra nên mới bàn với lão việc thay mận đổi đào. Và có thể người ấy chính là Tề Khôi Nguyên. Còn nốt ruồi kia thì mấy chục tỳ nữ của Tiết gia trang đều thấy lúc thiếp còn nhỏ, có gì là bí mật?
Cách lý giải thông suốt của Tiết Như Xuân khiến Thuần Vu Hồng thán phục :
- Ta thật đáng xấu hổ khi không hề biết vợ mình lại thông tuệ đến như thế.
Tiết Như Xuân nguýt chồng và nháy mắt ra hiệu, rồi hiền hòa bảo con gái :
- Tiệp nhi. Con là bậc thiên hương quốc sắc nên ta không nỡ bắt con làm vợ một kẻ tàn tật như Kỳ nhi. Để ta tìm người tài mạo song toàn mới xứng đáng với con.
Thuần Vu Tiệp giật thót mình, sợ hãi nói ngay :
- Mẫu thân chớ nói thế. Hài nhi nào dám chê bai Kỳ ca tàn phế. Hài nhi chẳng hề muốn xa rời Thuần Vu gia trang và phụ mẫu.
Hiểu ý vợ, Thuần Vu Hồng nghiêm sắc mặt :
- Không được. Dẫu sao cũng có danh nghĩa huynh muội, đâu thể lấy nhau được. Ta đã chọn nam tử của Quảng tri phủ cho Tiệp nhi rồi đấy. Khoảng tháng tám sẽ cử hành hôn lễ.
Thuần Vu Tiệp thất sắc, tụt khỏi ghế, quỳ xuống khóc lóc, van xin :
- Hài nhi quyết không lấy ai ngoài Kỳ ca. Mong song thân thành toàn cho, nếu không hài nhi sẽ tự sát.
Tiết Như Xuân mỉm cười :
- Thôi được. Con đã quyết tâm làm vợ Kỳ nhi thì ta cũng tác thành. Hãy đứng lên đi.
Đan Nhược tiên tử mừng rỡ và xấu hổ, đến gục đầu vào vai mẹ.
Thuần Vu Hồng cười khanh khách tỏ ý hài lòng rồi rời khỏi phòng. Ở đây, Tiết Như Xuân kéo con dâu ngồi xuống rồi nói nhỏ nhưng Đan Nhược tiên tử nghe chừng như sét đánh :
- Để ta thăm mạch thử xem con có thai chưa.
Té ra bà đã biết tất cả những gì xảy ra dưới mái Tây Sương?