Hồi 5
Tác giả: Ưu Đàm Hoa
Sau khi trao hộp đựng cốt hôi của Ðồng Kim Tuấn cho Tư Ðồ Lan, Phiêu Trần rời Nga Mi Sơn, đi về hướng Ðông. Chàng cũng trả luôn tấm mặt nạ rỗ hoa, để lộ chân diện mục, vì dung mạo kia đã quá nổi tiếng, sau trận đấu với Bạch Phán Quan. Từ nay, nhân vật Đồng Ngân Tú sẽ không còn tồn tại nữa!
Dọc đường gió bụi hình bóng của Hà Vân Bích là bạn đồng hành nhưng thỉnh thoảng dung nhan của Tiêu Tương Thần Nữ Tư Ðồ Lan lại hiện ra. Phiêu Trần giật mình hổ thẹn vì hai nữ nhân ấy đều bất khả xâm phạm. Một người là dì ruột, một người là goá phụ mới chết chồng. Chàng cố quên họ và nghĩ đến cậu bé Ðồng Phỉ. Phiêu Trần tủm tỉm cười hoài khi nghĩ đến việc mình mới đôi chín mà đã có con nuôi!
Bẩy ngày sau, Phiêu Trần đến cánh rừng ở chân rặng Kinh Sơn, cách thành Giang Lăng mười mấy dặm. Nghe trong rừng có tiếng quát tháo, tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát, Phiêu Trần rẽ vào xem. Chàng còn rất trẻ nên hiệp tâm cao vạn trượng, chẳng bao giờ bỏ qua việc nghĩa. Trong hai phe giao đấu kia, biết đâu có một bên là người lương thiện, đang cần sự giúp đỡ? Ðất nước loạn lạc, giặc cướp nổi lên khắp nơi, là dịp để người hiệp sĩ thi thố sở học.
Phiêu Trần được Kim Nhãn Điêu và Dạ Tri Thù dạy dỗ chu đáo nên hành động rất thận trọng. Lúc đến gần trảng cỏ trống trong rừng, nơi xảy ra xung đột, chàng xuống ngựa, nhẩy lên cây quan sát.
Đã là oan gia thì luôn chạm mặt, phe đang thắng kia chính là người của Khổng Tước Bang. Phiêu Trần nhận ra chúng nhờ những bộ trường bào xanh, trước ngực thêu hình chim công bằng chỉ ngũ sắc. Như vậy, sáu lão già này có cấp bậc thấp hơn Hắc Diêm La và Bạch Phán Quan, có lẽ là hộ pháp hay đường chủ gì đó!
Sáu cao thủ ấy đều sử dụng trường đao, một loại vũ khí không thông dụng trên giang hồ. Nhờ vậy, Phiêu Trần nhận ra họ xuất thân từ Trường Ðao phái ở đất Trung Châu, Hồ Bắc. Thế là Khổng Tước Bang đã thu phục được phái võ này!
Đối thủ của Trung Châu Lục Hán là ba lão nhân, hai nam một nữ tuổi độ thất tuần. Lão bà kia mặc cung trang màu lục, tóc bới cao, gương mặt phúc hậu, hiền hòa và tái xanh. Thanh trường kiếm trong tay bà có vẻ yếu ớt nên phải nương tựa vào sự che chở của hai vị lão nhân áo trắng.
Phiêu Trần đặc biệt chú ý đến lão nhân cao gầy, mặt vàng. Kiếm pháp của lão lợi hại và ảo diệu tuyệt luân, phong thái lại đường bệ ung dung, ra dáng một tôn sư.
Lão nhân thứ hai thì hoàn toàn trái ngược. Ông ta thâm thấp, to ngang, tóc xỏa đến lưng, đôi vai rộng gấp rưỡi người thường nên trông càng lực lưỡng. Vũ khí của lão là một cây Đại Phủ cán dài, lưỡi hình trăng khuyết nặng không dưới sáu mươi cân. Thế mà lão múa tít cây búa ấy rất nhẹ nhàng, biểu lộ một thần lực kinh hồn.
Lại thêm đấu pháp của lão nhân tóc ngắn ấy cực kỳ dũng mãnh, như không hề biết sợ chết là gì. Do vậy, ba người mới cầm cự được với đao trận lừng danh vũ nội của Trung Châu Lục Hán! Võ lâm đã xưng tụng rằng Trường Ðao Trận của đất Trung Châu lợi hại không thua gì La Hán Trận của Thiếu Lâm và Thất Tinh Bắc Đẩu Kiếm Trận của Võ Đang.
Bản lãnh của từng người trong Lục Hán thì không bằng Phiêu Trần, nhưng khi sáu người hợp thành đao trận, uy lực tăng lên gấp bội, và chưa ai thoát chết. Trận này cũng vậy, ba người kia dù bản lãnh cao cường cũng không địch lại đao trận. Huống hồ, họ lại phải bảo vệ phụ nhân mặc cung trang?
Lão nhân tóc xõa giận dữ gầm vang, múa tít Đại Phủ cố phá vòng vây. Nhưng cây búa nặng nề bị ba thanh trường đao đánh bật lại, và còn bị vạch một đường dài trên vai của lão. Một người trong Lục Hán cao giọng khuyến dụ:
- Vương Giáo chủ đừng chống cự vô ích. Nếu thức thời thì hãy đem Ma Giáo đầu phục Khổng Tước Bang, sau này cùng hưởng vinh hoa phú quý!
Lão nhân cao gầy cười nhạt:
- Phế ngôn! Bổn giáo tuy bị võ lâm xa lánh, nhưng quyết không làm tay sai cho bọn vô lại!
Phiêu Trần giật mình, không ngờ ông ta lại là Giáo Chủ Ma Giáo Vương Nam Ðiền! Hai mươi năm trước, tiền nhiệm Giáo chủ Ma Giáo Chữ Lam Kiều hóa điên, đến Tổng Ðàn Võ Lâm ở Hứa Xương, giết cố Minh Chủ là Long Ðao Tư Mã Cách, cùng mấy chục cận vệ, vì lý do này, các phái đã hội quân tấn công Quang Minh Đỉnh, phá hủy Tổng Đàn Ma Giáo. Từ ấy, Ma Giáo âm thầm hoạt động chứ không lộ diện nữa.
Đương nhiên giáo chủ Vương Nam Ðiền chỉ lo việc trượng hành, chấn hưng Thánh Hỏa Giáo, không nghĩ đến việc giang hồ. Ông không xây dựng tổng đàn cố định mà đi khắp nơi để truyền bá tôn giáo thờ thần lửa! Nhờ vậy, tín đồ Ma Giáo ngày càng đông đảo. Nếu Khổng Tước Bang thu phục được Ma Giáo thì xem như bá nghiệp của họ đã thành công một nửa phần!
Phiêu Trần cũng biết vậy nên không thể để Giáo Chủ Ma Giáo bị khống chế! Chàng rút kiếm, từ ngọn cây lao vút xuống bìa trận, tấn công lão già đầu hói. Lão này đang quay lưng về phía chàng, nhưng năm người kia đều phát hiện ra đòn tập kích. Họ kinh hãi kêu lên:
- Đại ca! Có kẻ đánh trộm!
Lão hói lập tức quay lại cử đao đón chiêu kiếm của Phiêu Trần. Vương giáo chủ mừng rỡ cùng lão nhân cầm búa tấn mạnh để phá vây. Nhưng trường đao trận biến hóa khôn lường, đã dự liệu trước trường hợp có người ở ngoài tấn công vào, nên năm thanh đao còn lại lồng lên như thần long, khoá chặt ba tù nhân.
Họ chỉ tính sai một điều là đại ca của họ không thể đỡ nổi đòn của người lạ mặt.
Phiêu Trần đã dồn toàn lực vào chiêu kiếm La Hán Lạc Tĩnh (La Hán té giếng). Tuy cái tên của chiêu kiếm có hơi khôi hài, nhưng uy lực rất phi thường. Kiếm kình bổ xuống đầu đối phương mãnh liệt như núi đổ, kiếm ảnh tua tủa tựa bàn chông, phủ kín mục tiêu. Ðao kiếm chạm nhau tinh tang vài tiếng rồi tắt lịm. Trường kiếm của Phiêu Trần đã trượt theo thân đao, lướt xuống đâm thủng trán lão hói. Lão ta rú lên, chưa kịp ngã xuống thì chàng đã đạp vào vai lão để lấy đà, bay sang tấn công lão lùn bên cạnh.
Đối tượng cửa chàng đang phải đối phó với cây Đại Phủ nên không thể trở tay kịp trước chiêu kiếm bất ngờ và mãnh liệt. Chiêu Bát Tiên Trạch hoa tuy chỉ có tám thức kiếm, nhưng lại là chiêu sát thủ khi cận chiến. Phiêu Trần vung kiếm điểm liền tám nhát. Ðối phương chỉ tránh được năm, ngực thủng ba lỗ nằm thành hình chữ phẩm.
Vương Giáo chủ thấy áp lực của Ðao Trận tan biến, hiển lộng thần uy lao vào đối thủ trước mặt. Ðây mới là lúc biểu lộ bản lãnh tuyệt luân của một bậc Tôn Sư. Thanh trường kiếm trong tay họ Vương rít lên vo vo, khoá chặt trường đao, tiện đứt hai bàn tay cầm đao, rồi lướt ngay vạch toang bụng đối phương.
Phần lão già cầm Đại Phủ cũng không chịu kém, hung hãn nhẩy xổ vào lão một mắt trong Trung Châu Lục Hán. Lưỡi búa chặt gẫy trường đao và chẻ dọc thân hình địch thủ. Cùng lúc ấy, Phiêu Trần hạ thủ luôn lão thứ năm, không phải bằng kiếm mà bằng một mũi Bát Túc Phi Tiền. Khổng Tước Bang lừng danh bởi ám khí Khổng Tước Mao, thì có chết bởi ám toán cũng chẳng trách được ai.
Thực ra Phiêu Trần bắt buộc phải tàn nhẫn, quyết liệt để Trung Châu Lục Hán không có thời gian thi thố tuyệt học Phi Mao Đoạt Mệnh của Khổng Tước Thần Ma! Nhưng dẫu sao cuối cùng trong Lục Hán đã kịp dở trò, và mục tiêu của lão lại là phụ nhân áo xanh đang đứng ở ngoài.
Vương Giáo chủ và lão già cầm búa vừa lao đến, đã thấy đối phương vẫy tay, phóng ám khí. Vương Giáo chủ thừa biết uy lực của Khổng Tước Mao, đau đớn thét lên:
- Phu nhân hãy coi chừng!
Nhưng ông đã biết là không còn kịp nữa, nên dồn hết lòng căm giận vào lưỡi kiếm, thọc vào năm đại huyệt từ vai đến rốn kẻ thù. Lão ta không tránh được cái chết, vì lưỡi Ðại Phủ cũng đồng thời ập đến.
Hạ xong địch thủ Vương giáo chủ quay lại xem tình hình người vợ thân yêu. Ông dụi mắt khi thấy bà vẫn đứng yên, còn chàng trai lạ kia đang từ từ khuỵu xuống, vì trên vai trái cắm chặt mũi Khổng Tước Mao! Vương giáo chủ thức ngộ được rằng chàng trai kia đã liều mình hứng lấy mũi ám khí, chịu chết thay cho vợ mình!
Lúc này, giáo chủ phu nhân đã ngồi xuống thăm mạch Phiêu Trần, mắt bà đẫm lệ. Vương giáo chủ đến nơi, buồn bã nói:
- Chưa ai thoát chết dưới chất độc của Khổng Tước Mao cả! Ơn này phu thê chúng ta đành nợ đến kiếp sau mới trả được!
Giáo chủ phu nhân bật khóc:
- Chàng trai xinh đẹp này là ai mà lại liều thân để cứu chúng ta như vậy nhỉ? Tính danh không biết, làm sao ghi mộ chí và thờ phụng được đây!
Vương Giáo chủ rút mũi ám khí, điểm huyệt xung quanh vết thương, lau nước mắt, bảo lão già tóc xõa:
- Tứ đệ hãy thủ tiêu tử thi của Trung Châu Lục Hán rồi bồng ân nhân của chúng ta lên núi!
Thì ra lão già vạm vỡ này là Lôi Phủ Thiên Vương, một trong bốn hộ pháp của Ma giáo. Lão tên gọi Thôi Quỳ, được xem là người có sức mạnh cử đỉnh bạt sơn, chỉ kém Ðại Lực Thần Quân Từ Lộc ở Kỳ Liên Sơn một bậc.
Thôi Quỳ móc lọ sành, rắc Hủy Thi Tán vào sáu xác chết, rồi bước đến bồng Phiêu Trần lên. Còn Vương giáo chủ thì ẵm phu nhân vì bà đã bị kiệt lực sau trận đấu vừa rồi. Hơn nữa, Vương phu nhân mắc bệnh đã tám năm nay nên cơ thể hư nhược. Tuy tuổi mới hơn năm mươi nhưng căn bệnh đã khiến tóc bà bạc đi nhiều và nhan sắc kém tươi. Nằm ngửa trên tay trượng phu bà tư lự bảo:
- Tướng công là người thông tuệ sao không tìm cách cứu được chàng trai này? Chẳng lẽ Ma Giáo chúng ta chịu thua chất độc của Khổng Tước Mao hay sao?
Bà dừng lại, nuốt lệ rồi nói tiếp:
- Không hiểu sao thiếp lại cảm thấy dung mạo của chàng trai này rất quen thuộc và thân thiết lạ lùng!
Vương giáo chủ gật đầu:
- Lão phu cũng đang tính xem có phương cách nào không. Nhưng chỉ sợ cậu ta không sống đến lúc vào sơn cốc. Chất kỳ độc của Khổng Tước Mao phát tác rất nhanh!
Thôi Quỳ bỗng nói:
- Giáo chủ đại ca! Tiểu đệ thắc mắc vì sao Trung Châu Lục Hán lại biết chúng ta sẽ về đến Kim Đỉnh Sơn mà mai phục!
Vương giáo chủ chua chát đáp:
- Việc chúng ta rời Hán Khẩu để đi Kinh Sơn chỉ có phó giáo chủ biết. Như vậy đủ suy ra ai là nội gián của Khổng Tước Bang!
Thôi Quỳ gầm lên:
- Mẹ kiếp! Không ngờ nhị ca lại là kẻ chó má như vậy! Phen này tiểu đệ sẽ chẻ sọ lão ra!
Vương Phu nhân thỏ thẻ:
- May mà giáo chúng chỉ tuân mệnh tướng công, nếu không thì cơ nghiệp Ma Giáo đã rơi vào tay Khổng Tước Bang rồi!
Vương giáo chủ đau đớn nói:
- Cũng nhờ có chàng trai thần dũng này, nếu không thì chúng ta khó thoát với Nhiếp Hồn Thuật của Khổng Tước Thần Ma, đối phương khống chế lão phu khó khăn gì!
Giáo chủ phu nhân buột miệng ao ước:
- Giá mà cậu ta thoát chết, chịu làm nghĩa tử của chúng ta thì hay biết mấy! Thiếp rất thèm có một đứa con như chàng trai này!
Tứ Thiên Vương nhăn mặt:
- Ðại tẩu định thu cậu bé này làm nghĩa tử thì con nha đầu Vệ Yên Hà sẽ tủi thân lắm đấy! Nó mù lòa nên hay nhõng nhẽo!
Lúc này, họ đã vượt hết đoạn sơn đạo cao hai chục trượng, đến một sơn cốc nằm trên sườn núi. Trước cửa cốc là một bãi loạn thạch ngổn ngang, mù mịt sương thu. Ðây chính là một tận kỳ môn rất ảo diệu, do Tàn Tẩu, sư thúc của Vương Giáo chủ bày ra, để bảo vệ chốn ẩn cư của mình. Sau khi Tàn Tẩu qua đời, Vệ Yên Hà, nghĩa nữ của vợ chồng Giáo chủ, đã chọn nơi này để luyện võ. Ba năm trước, Vệ Yên Hà đang luyện công phu Ma Nhãn Đại Pháp thì chân khí chạy sai đường, khiến nàng trở nên mù lòa, Yên Hà dũng cảm chấp nhận định mệnh, sống đời tăm tối với hai tỳ nữ.
Thỉnh thoảng, phu thê giáo chủ lại đên đây để an ủi nàng. Họ dễ dàng vượt qua Thạch Trận, vào cốc và bước nhanh đến gian nhà gỗ ở cuối. Một ả tiểu tỳ đang quét lá trước sân, mững rỡ buông chổi:
- Ðệ tử bái kiến giáo chủ cùng phu nhân!
Thôi Quỳ trừng mắt:
- Sao tiểu nha đầu không chào ta!
Ả che miệng cười:
- Thôi Hộ Pháp còn thiếu nợ đệ tử mười lượng tiền rượu, lại còn dám lên mặt nữa sao?
Thôi Quỳ ngượng ngùng:
- Ừ nhỉ! Ðể lát nữa ta xin đại tẩu trả cho ngươi!
Vệ Yên Hà và nữ tỳ thứ hai bước ra, nếu không có cây gậy trúc trong tay, chẳng ai dám bảo nữ lang xinh đẹp này là kẻ đui mù. Gương mặt trái xoan trắng trẻo nổi bật giữa mái tóc xõa đen huyền điểm thêm đôi mắt to tròn và đôi môi đỏ thắm! Nàng mỉm cười khoe hàm răng trắng đều:
- Nữ nhi bái kiến phụ mẫu và Tứ thúc!
Bỗng nàng hít mạnh rồi hỏi:
- Còn ai khác đi theo tam vị vậy?
Vương Giáo chủ cười khổ:
- Chàng trai này đã liều mạng cứu chúng ta thoát khỏi trận mai phục của Trung Châu Lục Hán. Y sắp bỏ mạng vì chất độc của Khổng Tước Mao!
Ông buông phu nhân đứng xuống đất rồi cùng Lôi Phủ Thiên Vương đưa Phiêu Trần vào nhà, đặt chàng xuống trường kỷ! Vương giáo chủ thăm mạch bệnh nhân. Thấy chàng vẫn còn sống nhưng mạch yếu như tơ nhện.
Lần này mũi Khổng Tước Mao cắm sâu vào lưng, xuyên thủng phổi phải nên chất kỳ độc phát tác rất nhanh và công phá não bộ dữ dội. Nếu là người khác thì đã chết ngay rồi! Vương Giáo chủ quay sang hỏi hai ả nữ tỳ:
- Dược thất phía sau có được dọn sạch sẽ hay không?
Một ả vội đáp:
- Bẩm giáo chủ! Ðệ tử mới quét sáng nay!
Tuy ở vai nô tỳ nhưng họ cũng là giáo chúng Ma Giáo nên xưng hô như vậy! Vương giáo chủ đích thân bồng Phiêu Trần đi ra phía sau. Trên vách sơn cốc có một động khẩu, dẫn đến nơi luyện linh đan của Tàn Tẩu. Tiếng là luyện linh đan chứ thực ra là bào chế thuốc độc và thuốc chữa thương. Do đó, nơi này cách khá xa căn nhà gỗ.
Giáo chủ đặt chàng xuống thạch sàng, là một tảng Vân Thạch đỏ và ấm như có lò lửa bên trong. Loại thạch này rất hữu ích chẳng những người luyện nội công và cả những người mắc bệnh. Họ Vương cởi hết y phục của Phiêu Trần, dùng kim vàng cắm đầy người và cho uống viên linh đan màu đỏ rực. Ông trở ra ngoài ăn bữa tối rồi lại thăm chừng bệnh trạng của Phiêu Trần. Ðến đầu canh ba, giáo chủ nhổ hết kim, thấy mạch chàng vượng hơn một chút, yên tâm về căn nhà gỗ để nghỉ ngơi.
Vệ Yên Hà phải ngủ chung với hai ả tỳ nữ nhường phòng mình cho phụ mẫu. Nàng giả vờ ngủ say nhưng tai vẫn nghe tiếng bàn bạc thì thầm của hai ả Tiểu Cúc, Tiểu Quỳnh. Chúng hết lời tán dương vẻ anh tuấn phi phàm của chàng trai sắp chết kia, khiến nàng nổi tính hiếu kỳ!
Cuối canh ba, chờ bọn nữ tỳ ngủ say, Yên Hà cầm gậy, rời phòng tìm đến dược thất trong động đá. Nàng ở đây bốn năm, trước khi mất đi thị giác nên thuộc lòng địa hình, đi lại dễ dàng. Ngoài tính hiếu kỳ, Yên Hà còn bị thôi thúc bởi lòng nhân. Nàng bất nhẫn khi nghĩ đến cảnh cô đơn của người bệnh trong dược thất. Chàng ta đã liều mình cứu phụ mẫu nàng, thì nàng có bổn phận chăm sóc để biểu lộ lòng biết ơn!
Hơn nữa, Tứ thúc Thôi Quỳ đã hết lời khen ngợi bản lĩnh tài nghệ của chàng, càng khiến Yên Hà thêm ngưỡng mộ! Yên Hà không hề e ngại vấn đề danh tiết, vì nàng tự hiểu mình tàn tật chẳng thể lấy ai được.
Vào đến nơi, đầu gậy chạm phải thạch sàng, Yên Hà mừng rỡ đặt gậy xuống rồi đưa tay mò mẫm. May thay, nàng chạm phải búi tóc bệnh nhân.
Yên Hà nén thẹn thùng, vuốt ve gương mặt, cố tưởng tượng ra dung mạo của chàng! Thấy da chàng lạnh toát, Yên Hà kinh hãi, áp tai vào ngực xem tim chàng còn đập hay không? Nàng hân hoan nhận ra chàng trai vẫn còn sống, Yên Hà như bị lồng ngực săn chắc, vạm vỡ kia hút chặt, nằm im mãi, hít thở mùi nam nhân nồng nàn. Giòng lệ hạnh phúc và hổ thẹn trào ra như suối. Đây là giây phút kỳ diệu duy nhất của đời nàng. Dẫu chàng trai này có sống sót cũng chẳng bao giờ thuộc về một cô gái mù lòa!
Bỗng nàng nhận ra da thịt chàng ấm hẳn lên, và nhịp tim mạnh mẽ, rộn rã hơn. Thế rồi, đôi cánh tay thép kia vươn ra, đưa nàng lên hẳn trên giường, lần cởi xiêm y.
Yên Hà đang say sưa với cảm giác êm nhu nên không hề phản kháng. Nàng tự nhủ rằng mình có hiến thân cho chàng thì cũng là cách để báo ân! Sợ đôi bàn tay mạnh bạo kia xé rách áo, Yên Hà tự trút bỏ y phục.
Trong tâm trạng thoải mái, cam chịu ấy. Yên Hà dễ dàng vượt qua đau đớn, tận hưởng cảm giác hoan lạc tột cùng. Nàng không hề oán trách chàng trai mà vẫn cảm kích về cuộc ái ân nồng thắm này! Kỷ niệm đêm nay sẽ sưởi ấm lòng nàng trong suốt quãng đời còn lại!
Yên Hà nhắm mắt thả hồn theo những đợt sóng tình cao vút, liên tiếp rùng mình vì sự bền bỉ của chàng trai kiên dũng. Bỗng nàng có cảm giác rằng dường như bóng đêm quanh mình có ánh hồng, liền mở mắt ra. Ánh đèn tọa đăng vàng vọt ở vách động khiến nàng chói mắt, phải nhắm lại ngay.
Sau vài lần nhắm mở, Yên Hà mới tin rằng mình đã hồi phục một nửa thị lực! Nàng hân hoan khôn xiết, ngắm nhìn gương mặt anh tuấn của người đàn ông đang ân ái với mình. Chàng thật xinh đẹp vô cùng! Và chính chàng đã xóa tan màn đêm trong đôi mắt của nàng! Những cảm giác rung động mãnh liệt đã khai thông được bế tắc trong nhãn mạch, trả lại chút ánh sáng cho đôi mắt Yên Hà. Nàng chợt nghe lòng biết ơn vô hạn, vuốt ve tấm lưng rộng của tình quân.
Lát sau, Phiêu Trần lăn ra ngủ vùi. Yên Hà mau chóng mặc xiêm y rời dược thất.
Sáng hôm sau, Vương Giáo chủ vào thăm bệnh nhân nhìn thây cây gậy của Yên Hà. Giáo chủ cau mày, thăm mạch tượng, thấy chàng trai kia đã bình phục hoàn toàn.
Ông nghe rõ mùi phấn son của nữ nhân vương vấn trên da thịt chàng, liền quan sát kỹ. Những sợi tóc óng ả và dấu vết để lại đã tố cáo một cuộc ái ân cuồng nhiệt!
Vương Giáo chủ toát mồ hôi lẩm bẩm:
- Lỗi tại ta! Vì không còn cách nào khác, ta đã dùng phép Dĩ Độc Công Độc cho cậu bé uống Hỏa Dược Đan. Tuy cứu được mạng sống, nhưng hai chất độc tương tác nhau, biến thành dâm dược. Nếu có Hà nhi không có mặt ở đây thì cậu ta đã hóa điên rồi! Nhưng mối duyên tình này sẽ giải quyết sao đây?
Ông mặc y phục vào cho Phiêu Trần rồi rời dược thất, tìm đến phòng Yên Hà. Nàng biết việc đã lộ nên hổ thẹn, giả như còn khiếm thị. Vả lại, nàng muốn chờ cho phục hồi hoàn toàn rồi mới thổ lộ. Hiện nay, trừ những vật ở gần trước mắt, còn xa hơn thì vẫn lờ mờ chưa rõ! Vương Giáo chủ nhét cây gậy trúc vào tay nàng rồi buồn rầu bảo:
- Ta biết con đã thất thân với chàng trai kia. Nhưng lỗi là do ở lão phu phục dược, gây ra hậu quả ấy! Con định thế nào?
Yên Hà thản nhiên đáp:
- Hài nhi tự nguyện hiến thân và không hề dám đòi hỏi lương duyên. Nếu chàng không phát giác thì phụ thân cũng đừng tiết lộ! Hài nhi tàn tật, đâu xứng đáng làm vợ một bậc anh hùng tài mạo!
Vương Giáo chủ bối rối:
- Việc này để ta bàn với mẫu thân Hà nhi xem sao?
Ông ra khách sảnh kể mọi chuyện cho phu nhân và Tứ đệ nghe! Thôi Quỳ nói ngay:
- Xem như Hà nhi đã hy sinh danh tiết để cứu mạng cậu ta, phải cử hành hôn lễ ngay thôi!
Vương phu nhân bác bỏ:
- Không được! Việc này phải để hai đứa trẻ giải quyết với nhau, chúng ta nên rời khởi đây thôi! Tính Hà nhi rất cương liệt, không thể ép uổng được đâu!
Bà sai Tiểu Cúc ra gọi Yên Hà đến, rồi bày kế sách của mình! Nàng thẹn thùng nói:
- Mẫu thân quả là hiểu thấu lòng con trẻ! Hà nhi thà chết chứ không ép uổng chàng phải gượng ép lấy một cô gái không quen!
Bàn bạc một hồi, phu thê Vương giáo chủ và Lôi Phủ Thiên Vương rời sơn cốc. Còn Vệ Yên Hà chống gậy vào dược thất. Nàng lay gọi Phiêu Trần:
- Công tử! Công tử!
Phiêu Trần mở mắt ngồi dậy. Nhìn cây gậy trúc và ánh mắt xa xôi chàng nghi hoặc hỏi:
- Phải chăng cô nương bị tật nguyền?
Yên Hà mỉm cười gật đầu:
- Thưa phải! Thiêp luyện công sai đường nên bị mù lòa!
Phiêu Trần thở dài, liếc quanh rồi hỏi:
- Dám hỏi cô nương đây là địa phương nào và vì sao tại hạ ở chốn này?
Yên Hà vui vẻ đáp:
- Đây là một sơn cốc trên sườn núi Kinh Sơn. Công tử vì cứu gia mẫu mà trúng Khổng Tước Mao. Gia phụ đem chàng lên đây chữa trị. Khi biết công tử đã thoát nạn, người giao lại cho thiếp và phải về ngay Hán Khẩu để trừng trị kẻ phản bội. Họ tha thiết yêu cầu chàng ở lại tĩnh dưỡng vài ngày, chờ họ quay lại!
Nàng lại cười và hỏi:
- Thiếp là Vệ Yên Hà, nghĩa nữ của Vương Giáo chủ. Dám hỏi phương danh công tử?
Phiêu Trần đáp:
- Tại hạ là Sở Phiêu Trần, quê đất Trường Sa, đang trên đường đi Chiết Giang vì có chút việc cấp bách, chắc không thể lưu lại đây được!
Yên Hà lộ vẻ buồn rầu:
- Thiếp mù lòa, chẳng có ai là bằng hữu. Nay nhận lời song thân phụng hầu công tử, nếu chàng bỏ đi ngay thì thiếp tủi thân lắm!
Phiêu Trần tưởng nàng mù thật, tha hồ ngắm nghía gương mặt đẹp tuyệt trần, thầm tiếc cho nỗi bất hạnh của một nữ nhân. Chàng băn khoăn nói:
- Tại hạ phải đi Chiết Giang để tìm gia phụ! Hay cô nương đã nói vậy, tại hạ xin ở lại ba ngày để bầu bạn!
Yên Hà mỉm cười:
- Chiết Giang là trọng địa của Ma Giáo, đệ tử đông đến hàng vạn. Nếu công tử muốn tìm người thì thiếp sẽ giúp cho! Chẳng hay Sở lão bá đi đến địa phương nào vậy?
Phiêu Trần lúng túng đáp:
- Tháng chín vừa rồi tại hạ trúng Khổng Tước Mao, mê man như sắp chết. Vì vậy, gia phụ và gia nghĩa thúc mới rời Trường Sa để đi Chiết Giang tìm thuốc, nhưng không biết rõ là đến đâu!
Yên Hà cười mát:
- Phủ Chiết Giang rộng đến mấy chục dặm vuông, không biết rõ mục tiêu, công tử có đi cũng chỉ vô ích thôi! Chàng cứ yên tâm ở lại đây, thiếp hứa sẽ huy động giáo chúng tìm cho ra Sở lão bá!
Phiêu Trần nghe có lý gượng cười:
- Thế thì tại hạ xin tuân mệnh!
Chàng bỗng nghe thân thể nhớp nhúa vì dơ bẩn, nhất là vùng hạ thể, liền ấp úng nói:
- Phiền cô nương chỉ cho mỗ chỗ tắm gội!
Yên Hà gật đầu:
- Hành lý và ngựa của công tử đã được mang lên núi. Mời chàng theo thiếp!
Nàng đứng lên, chống gậy lần đi. Sau ba năm mù lòa, nàng chẳng cần giả đò thì cử chỉ cũng giống hệt như người mất thị giác! Phiêu Trần thở dài, bước theo người con gái tật nguyền Ra khỏi thạch động, nàng chỉ về mé tả:
- Vách trái sơn động có một hồ nước, công tử cứ đi về hướng này sẽ đến nơi! Thiếp vào phân phó thủ hạ đi Giang Lăng truyền tin về Chiết Giang, rồi sẽ mang y phục đến cho công tử!
Phiêu Trần hơi chột dạ, nhưng nghĩ nàng chẳng nhìn thấy gì nên thôi không ngăn cản! Chàng lướt nhanh về hướng trái, đến một hồ nước trong xanh, được vây kín bởi hàng rào mộc cẩn dày đặc!
Phiêu Trần yên tâm trút bỏ y phục, ngạc nhiên trước những sợi tóc mềm mại của nữ nhân còn dính trên ngực. Và dường như thân chàng thoang thoảng mùi hương nhè nhẹ của loại nước hoa.
Phiêu Trần rùng mình kinh hãi bởi một ý niệm loé lên trong đầu. Hình như đêm qua chàng đã có một giấc mộng vu sơn, nhưng sao giờ lại có những dấu vệt thực này? Chàng nhảy ùm xuống hồ, xõa tóc tắm gội. Cơ thể sách sẽ, sảng khoái thì đầu óc minh mẫn, và giấc mộng đêm qua càng hiện rõ mồn một. Chàng đã nhớ ra gương mặt của người tình trong mơ! Đó chính là cô gái mù lòa Vệ Yên Hà!
Cảm giác đau rát nhẹ ở dương vật càng khẳng định tính chân thực của cuộc ái ân. Phiêu Trần nghe người lạnh toát, tự phỉ nhổ mình là một kẻ khốn nạn!
Nhưng nghĩ đến thái độ vui vẻ hồn nhiên của Yên Hà, chàng bỗng nghi ngờ lập luận của mình. Nếu quả thực rằng nàng đã bị chàng chiếm đoạt, sao chẳng hề oán giận hoặc nói ra?
Phiêu Trần quyết hỏi cho ra lẽ rồi sẽ tính. Chàng lên bờ, thẫn thờ giặt giũ bộ y phục hôi hám, lòng suy nghĩ miên man! Lát sau, Vệ Yên Hà mang quần áo sạch của chàng đến, đứng ngoài gọi vọng vào:
- Công tử, thiếp đã mang y phục đến!
Phiêu Trần đáp:
- Cô nương cứ ném vào!
Yên Hà nghe theo lời chàng. Phiêu Trần mặc y phục xong, đi ra, thì thấy nữ lang mù vẫn đứng bên ngoài hàng rào, mân mê hoa Mộc Cẩn trắng! Chàng bước đến, dịu giọng hỏi:
- Vệ cô nương! Phải chăng đêm qua ta đã tiết mạn nàng? Nếu đúng như vậy, xin cô nương cứ nói ra, ta quyết không phụ rẫy nàng!
Yên Hà cười nhạt:
- Quả là đêm qua thiếp có đến thạch động chăm sóc công tử nhưng hoàn toàn không có gì xảy ra cả! Mong công tử đừng suy nghĩ vẩn vơ!
Phiêu Trần ngượng chín người:
- Tại hạ thất ngôn, mong Vệ cô nương lượng thứ!
Yên Hà mỉm cười:
- Công tử là đại ân nhân của Ma Giáo, thiếp nào dám trách móc gì!
Hai người trở vào tòa nhà gỗ dùng điểm tâm. Phiêu Trần ngạc nhiên hỏi:
- Chẳng lẽ cô nương sống ở đây một mình?
Nàng cười đáp:
- Có ả tiểu tỳ, nhưng thiếp đã sai đi Giang Lăng lo việc tìm kiếm lệnh tôn rồi. Công tử đừng lo, thiếp tuy tật nguyền nhưng cũng có thể nấu nướng, không để chàng đói đâu!
Trong những ngày sau đó, hai người quấn quýt bên nhau không rời. Phiêu Trần vì lòng nhân hậu, cố đem lại niềm vui cho cô gái bạc mệnh. Chàng dắt nàng đi khắp sơn cốc, cố diễn tả lại cảnh vật, cỏ cây. Tuy đã là cuối thu nhưng trong sơn cốc khí hậu ấm áp, trồng nhiều loại cây thường xanh nên đỡ tiêu điều. Đó là những cây Đông Thanh, Hoài Dương lá xanh quanh năm, dẫu giữa mùa đông rét mướt tuyết phủ đầy cũng vẫn tràn trề sức sống.
Nhưng cảnh đẹp của mùa thu lại nằm ở màu lá đỏ rực của đám cây Phong, cây Thích, điểm xuyến cho màu vàng cố hữu của tiết thu!
Phiêu Trần đã đem hết chuyện của mình ra kể cho Yên Hà nghe. Đối với nàng chàng hoàn toàn không e ngại giấu giếm gì cả. Khoảng cách giữa hai người mỗi ngày một ngắn lại, có thể thản nhiên nắm tay nhau mà không bối rối. Đến ngày thứ bảy, Phiêu Trần chợt phát giác ra lòng mình quyến luyến Yên Hà.
Giữa chàng và nàng không có hàng rào luân lý ngăn cách như với Tiểu Quận Chúa. Hơn nữa, chàng chưa bao giờ gần gũi với nữ nhân nào nhiều hơn cô gái mù này. Yên Hà lại kiều diễm, thông tuệ và rất nhu thuận, bảo sao tình cảm không mau chóng đâm chồi, nảy lộc?
Nhưng nghĩ đến kẻ địch hùng mạnh nhất là Khổng Tước Bang, chàng chẳng dám dấn thân vào lưới tình, sợ Yên Hà sớm trở thành góa phụ! Phiêu Trần quyết định rời núi Kinh Sơn để đi Chiết Giang. Trưa ngày đầu tháng mười một, chàng ra hồ tắm gội để lên đường. Phiêu Trần vừa cởi y phục thì Yên Hà từ dưới nước trồi lên, chàng đứng chết lặng, nhìn đôi ngực mơn mởn và bờ vai trắng muốt.
Phiêu Trần rón rén nhặt áo quần rời khỏi hồ nước, vì người đẹp đã tiến dần lên bờ. Thân hình nàng tuyệt mỹ, lộ dần theo mực nước. Yên Hà thấy chàng bỏ chạy, mỉm cười thích thú. Nàng đã yêu chàng tha thiết, và đã từng dâng hiến nên chẳng có gì phải thẹn thùng! Khi nàng vào đến khách sảnh thì thấy Phiêu Trần đã để sẵn tay nải và trường kiếm trên bàn. Chàng điềm đạm nói:
- Tại hạ chờ ở đây bảy ngày mà không thấy phu thê giáo chủ trở lại. Tại hạ xin phép cáo từ để đi Chiết Giang!
Yên Hà ai oán đáp:
- Chẳng lẽ công tử nỡ để thiếp ở lại đây một mình?
Phiêu Trần lúng túng:
- Quả thực là tại hạ cũng không nhẫn tâm như vậy. Nhưng lòng này nóng như lửa đốt khi không nhận được tin của gia phụ và gia thúc!
Yên Hà gật đầu:
- Thiếp cũng đang băn khoăn về song thân! Hay là công tử khai ân đưa thiếp về Vũ Xương xem tình hình thế nào? Sau đó công tử đi Chiết Giang cũng thuận đường mà?
Phiêu Trần nghe hữu lý, tán thành ngay!
- Tại hạ xin tuân mệnh! Vệ cô nương vào thu xếp hành lý đi!
Nàng cười đáp:
- Còn công tử thì ra hồ tắm gội đi, ngoài ấy không còn ai đâu!
Phiêu Trần giật mình, đỏ mặt, đoán rằng nàng đã phát hiện ra mình nhìn trộm!