BÚT KÝ CỦA MỘT NHÀ THƠ-ĐIÊN
Tác giả: Vĩnh hảo
Hắn đi thật rồi. Chỉ để lại một xấp bản thảo trên bàn viết, hầu hết là thơ, chỉ có một bài văn xuôi, viết theo lối tùy bút, hay có thể nói là một thứ lưu ký để gửi cho người ở lại. Chủ nhà cũng là chỗ quen biết nên ráng chờ cho tới khi nào xấp bản thảo được trao đúng người rồi mới lo dọn dẹp căn phòng để cho người khác mướn. Căn phòng vẫn còn nồng mùi khói thuốc. Một cái giường nhỏ. Một bàn viết nhỏ ngó ra cửa sổ nhỏ. Xấp bản thảo được lấy đi rồi thì trên bàn chỉ còn trơ lại một cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh đã được rửa sạch, lau khô, và đặt úp xuống. Hắn đi thật rồi. Một nhà thơ. Một gã điên. Một bàn viết. Một cái gạt tàn. Một cuộc đời. Hắn có điên không nhỉ? Cái đó khó mà nói được. Có thể đối với cuộc đời này, đối với thiên kỷ mới này, hắn điên thật đấy. Không tin à? Thì đọc thử những gì hắn viết xem. Hắn viết rất tỉnh. Đây là bài viết tỉnh nhất của hắn. Nhưng vẫn không bao giờ được chúng ta chấp nhận. Vậy thì hắn điên thật rồi còn gì! Nhưng nói cho cùng thì hắn là một gã điên rất đáng yêu. Một gã điên rất thơ. Một gã thơ rất điên. Một gã điên không quậy phá, không phiền nhiễu ai. Điên một cách lặng lẽ, âm thầm. Hắn vào đời bằng nỗi điên âm thầm rồi từ giã cuộc đời cũng bằng nỗi điên âm thầm ấy…...
*
Nếu ở đời này còn có một thứ gì đó đáng nói, và có một cách nói nào đó đáng dùng đến, thì hẳn là cái bọn biết chữ nghĩa như chúng ta phải nghĩ đến thơ, phải không? Ừ, chỉ có thơ thôi, chứ còn văn xuôi với ba thứ tiểu thuyết, hồi ký, nhật ký, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tùy bút, tự truyện, biên khảo... thì có quái gì đâu. Chỉ được cái dài hơi mà thực chất chỉ phản ảnh đức tính rườm rà của những kẻ nhiều chuyện mà thôi.
Tôi nói vậy không phải chỉ vì tôi là một thi sĩ đâu nhé. Đừng vội cười. Bạn nghĩ rằng tôi tự đề cao mình chứ gì? Không đâu. Thực tế nó như vậy. Dù đã có vài thi phẩm được in, tôi vẫn chưa bao giờ lấy đó làm điều minh chứng cho cái vẻ thơ của tự thân. Tôi chỉ tự thấy mình thơ khi tôi sống và thở được cái thơ ấy bằng những tra vấn, bằng những dấu hỏi đối với con người và cuộc đời (thơ-hỏi-thở ấy mà!). Í dà, nói đến đây thì lòng bốc hứng, xin chờ một chút để tôi đốt điếu thuốc cái đã. Ừm ừm. Xong rồi, tôi đã nói gì đấy nhỉ. À, vì đời tôi rất thơ mộng, cho nên tôi tự cho tôi là một nhà thơ chứ chẳng phải là giống khỉ nào khác! Còn những bài thơ trong mấy tập thơ của tôi đấy à? Úi dào, có thấy ai nhắc gì đến thơ tôi đâu, mà thực ra thì ngoài một số bằng hữu cùng có thơ văn trên cùng một tờ báo, cũng chẳng mấy ai biết gì đến tôi hay cái bút hiệu làm thơ của tôi cả. Nhưng chẳng sao đâu. Thế giới thơ hôm nay chỉ còn ở những người điên. Những người không điên thì không biết thưởng thức thơ. Cho nên thơ tôi mà chẳng ai thèm đọc, hoặc đọc mà chẳng thèm để ý, hoặc để ý mà chẳng thèm cảm nhận, hoặc cảm nhận mà rồi vẫn không sướng muốn điên lên được... thì đó vẫn là lẽ thường tình của một thế giới thường tình.
Ôi, hãy thử tưởng tượng một thế giới thường tình! Nó kinh tởm và dị dạng khủng khiếp biết bao! Làm sao những người điên và những nhà thơ có thể sống trong đó được nhỉ! Người ta không biết rằng khi mọi thứ trên đời đều được sắp xếp gọn ghẽ, ngăn nắp, ổn định, nề nếp, ngay hàng thẳng lối, và nhất là an ninh, trật tự... và healthy!... ờ, ờ, lành mạnh, tức là sức khỏe cá nhân cũng như môi trường sinh thái, và cả tinh thần nữa, đều được chùi rửa, kì cọ cho trong sạch, thì thế giới sắp sửa bước vào một cơn khủng hoảng cực kỳ khiếp đảm thần sầu! Một cơn khủng hoảng với sự thác loạn của những cơn điên, mà lại là những cơn điên không thơ mộng! Những cơn điên tiết của những kẻ không điên, hoặc những kẻ không điên mà giả vờ như ta đây là điên khủng khiếp lắm (mà kỳ thực chỉ là điên láu cá, điên mà ma lanh khôn vặt dữ thần dữ tợn! Tôi gọi những gã giả điên này là những thằng khùng, chứ còn điên đấy à, điên nó thượng thừa cao cả hơn nhiều. Cái thằng điên nó trong sạch lắm, nó không biết hại ai, cũng không biết lợi dụng ai, không nhiều lời lắm chuyện, và đặc biệt là không biết giận, hờn, lẫy, tự ái, tự cao, tự tôn...). Ủa, tôi nói gì vậy kìa? À, thế giới khủng hoảng.
Tại sao tôi dám nói như vậy? Tại sao tôi có thể thấy trước được cơn khủng hoảng tồi tệ của nhân loại sắp xảy đến? Tiên tri chăng? Không, tôi không phải nhà tiên tri. Tôi cũng không phải nhà khảo cứu về nhân chủng, về môi trường, về xã hội, về tâm lý và tâm phân học, về giáo dục hay về kinh tế, về văn hóa hay về y-dược... Tôi chỉ nói lên cái thấy rất thực tế của tôi đối với những gì mà người ta đang vận động, đang tranh thủ sắp xếp và yêu cầu cả thế giới phải thế này thế nọ. Tóm lại một câu là khi những người điên và những người sắp điên không còn cơ hội để điên nữa, cũng như khi những nhà thơ và những người đọc thơ không còn cơ hội để thơ nữa, thì thế giới sẽ hỗn loạn theo chiều hướng thiếu hẳn chất điên và chất thơ. Tình trạng của thế giới hơn năm ngàn năm nay là tình trạng hỗn loạn rất thiên nhiên được điều hướng và dung hòa bởi những nhà thơ và những nhà điên. Khi cái đầu của những nhà thơ và những nhà điên từ từ được tẩy rửa đi chất thơ và chữa lành đi chất điên thì nhân loại cũng từ từ bước vào một kỷ nguyên của sự không-thơ-không-điên! Nhân loại sẽ tự hào, sung sướng với những điều họ đang làm để cứu chữa, cứu nguy cho hành tinh này, mà kỳ thực, họ đang tay trong tay, đề huề bước vào một cõi chết tàn úa, khô khan, lạnh lùng...
Thế giới không-thơ-không-điên là thế giới phản thiên nhiên, là thứ thế giới của những con số và những ký hiệu tân kỳ điện tử. Những con số không còn được dùng để đếm bao nhiêu con chim, bao nhiêu chiếc lá, bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu ngày tháng đợi chờ, bao nhiêu người tình qua nẻo mộng... mà chỉ lo đếm những đồng tiền, ngân sách thăng giảm, số người bị ung thư, số người bỏ thuốc lá, số người bị bệnh Aids, số đĩ điếm ma cô, số băng đảng tăng giảm, số tội ác và tai nạn xe cộ trong năm, số người đến trường và không đến trường, số người có con và không có con, bao nhiêu cặp vợ chồng ly dị và không ly dị, bao nhiêu người ủng hộ ông tổng thống và bao nhiêu người không ủng hộ... Ôi, những con số của thăm dò, thống kê, liệt kê, đối chiếu, so sánh... những con số bị lôi đi, bị bức hiếp phải xếp hàng đôi với những danh từ, những cụm từ không có chút gì thơ mộng! Con số không còn là những biểu tượng đơn thuần, không còn đơn sơ mộc mạc như chính nó, mà cũng không còn nữa những biểu tượng. Chỉ có ký tượng, ký hiệu của những con số không còn chất thơ, những con số nô lệ đã bị tục-hóa... Ấy, bạn cho rằng tôi nói gì khó hiểu quá hả? Có gì khó hiểu đâu, chỉ tại bạn đã mất hết chất thơ và chất điên mới không hiểu những gì tôi nói đó thôi. Đừng có lắc đầu, đừng có quay đi, hãy nghe tôi nói này, tôi nói lại cái điều khi nãy tôi muốn nói mà chưa nói hết ý: có một số người, hay có thể nói là có một thế lực, đang vận động tước bỏ tất cả tính chất thơ và những phụ thuộc của thơ. Thế lực này được điều động bởi những kẻ có đầu óc được trang bị và cấu thành bởi hệ thống điện tử và những kẻ này lại được sự tôn thờ, trọng vọng và chí thành chí thiết của một đám môn đệ cuồng tín khoa học. Chính họ đang xua đuổi và truy diệt những gì thơ mộng nhất trên hành tinh này. Bạn thử nghĩ lại xem, có phải là con người càng lúc càng tự mâu thuẫn và khùng hơn không! (vừa vận động trở về với thiên nhiên vừa hưởng thụ các nhu liệu điện tử, CD-Rom, mạng lưới điện toán, tiện nghi vật chất của thời đại văn minh kỹ thuật...)
Khoan đã, chờ một chút, để tôi mồi điếu thuốc. Được rồi, được rồi, hì hì, thuốc lên giá làm cho hồi nãy đi bộ ra chợ không đủ tiền trả, phải quay về lục lại ba tiền cắc lẻ trong nhà. Đó, đó, sẵn đây nói luôn, chẳng hạn như cái việc hút thuốc. Người ta vận động cấm hút thuốc nơi công cộng, rồi lại vận động cấm hút thuốc trong nhà có đàn bà và con trẻ, vận động cai thuốc, rồi lại tiến thêm, cấm quảng cáo thuốc lá... sau này sẽ tiến đến việc cấm sản xuất thuốc lá cho xem. Hề hề, nói đến chuyện cấm thuốc lá thấy thật là buồn cười quá đỗi! Nhân loại đang tiến đến một tình trạng tự mâu thuẫn, tự tạo cho mình những điều kiện hỗn loạn mới, luýnh qua luýnh quýnh trong chính sợi dây trói của mình mà không biết! Bạn không thấy điều đó sao. Cho ví dụ à? Vậy chưa rõ sao lại cần ví dụ nữa. Để coi nào, ví dụ như... ví dụ như... à, đã ví dụ rồi đó mà, ví dụ như chuyện cấm thuốc lá đó. Này nhé, hãy đi từng bước một...
Bất kể điếu thuốc mà tôi có trên tay bắt nguồn từ đâu, từ một thứ lịch sử xa xôi nào... chẳng hạn như Kha-luân-bố khi khám phá ra châu Mỹ năm 1492 đã thấy những người da đỏ bản xứ hút thuốc bằng những ống píp dài sọc! Từ đó, thuốc lá theo chân ông Kha-luân-bố cũng như những thủy thủ đoàn tìm đất mới sau này, đem thuốc lá truyền vào châu Âu. Từ châu Âu, thế kỷ thứ 16, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gieo rắc hương vị của thuốc lá khắp thế giới theo bước chân viễn chinh, đô hộ. Ủa, nghĩ rằng không cần phải nói những điều trên mà sao tự nhiên lại nói! Thôi, hãy quay lại cái hiện tiền này. Có thể nói rằng điếu thuốc trên tay tôi, là món quà tặng quí giá nhất mà Kha-luân-bố mang lại cho thế giới để kềm chế bớt cơn khủng hoảng của những thế kỷ cận đại và hiện đại. Cái đó cũng là một thứ duyên kỳ lạ đấy chứ, phải không nào? Nếu thực sự có một ông Thượng đế tối cao nào đó sắp xếp mọi thứ thì hẳn là ông đã sắp đặt cái chuyện Kha-luân-bố khám phá ra châu Mỹ để rồi khám phá luôn một thú vui mới cho nhân loại. Chính cái thú vui có muộn này là dược chất (đúng là dược chất theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) có khả năng kềm chế lại phần nào những xuẩn ngốc và sai lầm mà con người tạo ra. Này nhé, đây là những ví dụ cụ thể: khi tôi đang bận bịu với một điếu thuốc, có phải rằng tôi phải tạm thời ngưng một công việc khác, chẳng phải sao!
Công việc khác là công việc gì? Có thể là sự táy máy xuẩn động của cánh tay, bàn tay, ngón tay. Cũng là cử động của tay, người ta làm nên điều thiện hay điều ác. Hút thuốc tự nó không là thiện, không là ác. Đó chỉ là một hành động, một cử chỉ trung gian, một thời gian ngắn cho sự ngơi nghỉ giữa các hành vi ác hay thiện. (Mà nói đến thiện-ác thì chẳng bao giờ nhân loại có thể cùng đưa ra được một kết luận phổ quát để xác định thế nào hoàn toàn là thiện, thế nào hoàn toàn là ác trong từng hành vi, cử chỉ, ý niệm của mỗi con người trong hoàn cảnh và thời gian đặc biệt của nó). Cho nên trong cái tiêu cực tác hại của thuốc lá, hẳn là phải có những điều bổ ích ở mặt nào đó khiến cho hàng triệu người trên thế giới từ mấy trăm năm nay, hay cả vài ngàn năm nay, đã bỏ công, bỏ của ra mà đốt, mà phì phèo khói thuốc bất kể nó hại đến buồng phổi hay sức khỏe của chính họ.
Dù cho các nhà khoa học và y dược học có chứng minh bao nhiêu điều tác hại của thuốc lá, họ cũng không thể phản bác được thực tế rằng thuốc lá là một thứ kích thích tố, một chất xúc tác tinh thần để sản sinh những kiệt tác nghệ thuật của các triết gia, văn thi sĩ, kịch tác gia, nhạc sĩ, họa sĩ... nói chung là các nghệ sĩ tài danh lỗi lạc của nhân loại. Thử tưởng tượng đi, nếu không có thứ xúc tác thơ mộng và độc hại (cho sức khỏe) đó, thì làm sao các nghệ sĩ có thể sáng tạo các nghệ phẩm của họ một cách bềnh bồng thơ mộng được; và thử hỏi nếu nhân loại từ 2000 năm nay không thưởng thức và chịu ảnh hưởng bởi các nghệ phẩm đó thì thế giới hôm nay là cái đống phân dập dềnh hôi thúi đến mức nào chứ! Không phải rằng thuốc lá đã làm quân bình cán cân lực lượng giữa các đối lực thiện-ác, điên-tỉnh, thánh-phàm, thơ-không thơ... trong thế giới loài người khiến cho những kẻ ác (hay những kẻ không có chút máu điên và thơ mộng nào) chết sớm hơn một chút để thế giới bớt hỗn loạn cũng như chính thuốc lá đã khiến cho những kẻ điên và thơ mộng chọn được con đường thật thơ mộng và điên để rút lui khỏi thế giới khùng này một cách sớm sủa hơn! Họ phải rút lui bớt và tùy theo mức độ xuống lên của cái đám phàm phu không điên kia chứ nếu những nhà điên và những nhà thơ cứ hì hục sinh sản và giành vườn lấn đất với bọn phàm phu thì thế giới này cũng chẳng còn là thế giới. Cho nên, cái gì cũng tương đối thôi nhé. Ở cái cõi bấp bênh ảo hóa này mà cứ đòi hỏi niềm bình an hay sự lành mạnh tuyệt đối thì rõ thật là khùng đấy ạ. Nếu tất cả nhân loại đều điên và sống rất thơ thậm chí chỉ cần cái tỉ lệ người điên-thơ nhiều hơn mức cần thiết chút xíu thôi thì thế giới này nổ tung ngay; ngược lại cũng vậy, thiếu một nhà thơ-điên trong đám 1,000 người không-thơ-điên thì thế giới sẽ bị hủy hoại. Cứ chờ xem. Hề hề, chưa hiểu à? Thì cứ 1,000 tên phàm phu tục tử không có máu điên thì có một gã điên ra đời để chế ngự bớt. Khi đám không-điên tăng nhiều thì bọn điên cũng tăng theo tỉ lệ 1/1,000 đó.
Cho nên, khi đám phàm không-điên ngày nay nẩy ra cái chiêu thức cấm thuốc lá thì quả thật là muốn báo hiệu một thời kỳ đen tối mù lòa của một thế giới bằng thẳng ngay ngắn như phi đạo của sân bay... Cái thế giới ấy chắc chắn sẽ cáo chung ngay sau đó chẳng bao lâu đâu bởi vì nó rất là khùng khi đòi hỏi các điều kiện thuận lợi một chiều cho đời sống bình an của đám phàm phu (vốn dĩ càng lúc càng gia tăng khủng khiếp khiến cho tỉ lệ 1/1,000 đã bị phá vỡ và biến thành 1/10,000!) mà không ngờ rằng chính một chút bất an dặm thêm cho đời sống này mới giữ được sự bình an cho thế giới và làm nổi bật cái vẻ đẹp bi tráng của cuộc đời. Khoan, cần phải giải thích thêm chút xíu ở điểm này: không phải cái tay nào hút thuốc lá cũng là những nhà điên và những nhà thơ cả đâu nhé! Ở đây chỉ có tỉ lệ 1/100 (e có thể là 1/1,000 nữa kia, nhưng thôi, cứ cho một con số khiêm nhường là 1/100 đi). Tức là trong 100 gã hút thuốc, chỉ có 1 gã là thực sự hút thuốc thôi. 99 gã hút thuốc một cách cuồng nhiệt, hút như nghiện ngập, hút không thưởng thức và không sáng tạo bất cứ một thành phẩm nghệ phẩm nào cho đời qua khói thuốc; đám này hút thuốc để gián tiếp góp phần làm giảm tuổi thọ và nhân số cần thiết cho nhân loại. Chỉ có một gã điên trong số đó là hút để giữ gìn một chút thơ cho thế giới thôi. Đấy, cho nên cấm thuốc lá, tưởng rằng đơn giản làm lành mạnh cho thế giới hóa ra chỉ làm hại. Bởi vì sự sáng tạo độc đáo thì không bao giờ được nẩy sinh từ những phi đạo hay từ một thế giới bình an. Cái sáng tạo nó tới từ những cơn điên, từ sự dẫy dụa đớn đau của thân xác hay của tâm hồn. Thế giới này sở dĩ còn tồn tại đến ngày hôm nay với nhân số tràn lan lai láng một cách không cần thiết mà không bị nổ tung là chính nhờ sự mấp máy, động đậy hay động cỡn của những cơn điên. Hãy thử gia thêm một chút tưởng tượng để thấy cái kết quả mà con người ngày nay mong đợi qua các cuộc vận động và các phong trào làm sạch môi trường của họ. Rõ ràng là mâu thuẫn, mâu thuẫn một cách khôi hài và rất là vô duyên.
Này nhé, tại sao người ta có thể vừa sợ nhân mãn vừa khuyến khích sinh sản! Thực là buồn cười khi người ta bắt đầu nơm nớp lo sợ sự tràn ngập của con người khiến cho diện tích đất sống cũng như lương thực sẽ bị khan hiếm thiếu hụt trong một tương lai nào đó đồng thời người ta lại tạo ra những qui ước để ràng buộc nhau rồi khích lệ sự sinh đẻ, cấm kỵ những phương thức làm giảm thiểu hay cản trở sự sinh đẻ... nhưng cũng không quên đọc sách báo playboy, playgirl, coi phim khiêu dâm, uống thuốc Viagra! Ôi trời, cứ tưởng tượng một nhà giáo đang vận động sinh viên học sinh phát truyền đơn chống thuốc lá sau khi tan trường ghé vào hiệu thuốc tây mua vài viên Viagra! Cái hình ảnh gì kỳ quái thế! Chẳng phải nhà giáo ấy vận động ủng hộ nạn nhân mãn sao chứ! Bộ tưởng rằng chuyện nhân mãn và chuyện thuốc lá không quan hệ gì nhau sao cà!
Xem nào, năm vừa qua trên một đài phát thanh quốc tế nổi tiếng loan tin rằng các nhà nghiên cứu y dược vừa đưa ra một giả thiết (chỉ là giả thiết thôi, mấy ổng khôn lắm, đâu có tuyên bố những kết luận chắc nịch 100%!ù) rằng, "có thể" thuốc lá sẽ làm giảm vấn đề ham muốn tình dục cho phái nam. Hì hì, nghe cái tin đó tôi biết ngay là mấy ông bà khoa học gia đã bị sự mua chuộc của các hội cấm thuốc lá để đưa ra một vài lời cảnh cáo như thế mà thôi (cảnh cáo bằng một giả thiết thì chẳng có hại gì cho uy tín nghề nghiệp chuyên môn của khoa học gia cả). Thử tưởng tượng thêm một chút nữa đi: sau khi những lời cảnh cáo trên đưa ra, những người trong bang hội chống thuốc lá hẳn là rất đắc ý, ngồi rung đùi nhấp trà nóng ăn bánh ngọt để chúc mừng nhau, ca tụng nhau... và chính vì không hút thuốc nên vấn đề tình dục của họ rất mạnh, họ cũng sẽ ăn mừng bằng những cuộc hành lạc thâu đêm suốt sáng, vợ hay chồng không đáp ứng được nhu cầu tình dục của họ thì họ lăng quăng lắn quắn đi tìm đối tượng khác, mèo mả gà đồng, loan phụng nem chả... tệ hơn thì dẫn đến những vụ hãm hiếp bậy bạ, hoặc hãm hiếp có sự đồng thuận của nạn nhân, hoặc sách nhiễu tình dục với người cùng sở, khác sở, với người cùng nhà, khác nhà... cho đến cả những bậc mẫu mực đứng đầu trong chính quyền, trong tôn giáo, trong ngành giáo dục... vẫn cứ bị mang tiếng mang tai như thường về chuyện tình dục bậy bạ... Sao vậy? Có cái gì thừa mứa bất ổn nơi những thân thể cường tráng không bịnh của những người không hút thuốc chăng? Và quí vị hãy trả lời dùm tôi câu hỏi này: làm sao có thể giải quyết được nạn nhân mãn trong tương lai như quí vị yêu cầu trong khi quí vị rất là hí hửng đưa ra cái "giả thiết" là thuốc lá làm giảm tình dục? Rồi quí vị còn thòng thêm một câu vừa hăm dọa vừa khích lệ rất ư là dâm đãng: "Có lẽ từ nay (khi giả thiết này được đưa ra) các đấng mày râu sẽ giảm đi chuyện hút thuốc rất nhiều bởi vì chẳng ai muốn giảm đi cái chuyện rất cần thiết..." Làm như là cuộc sống chỉ có ròng một thứ nhu cầu phàm tục ấy vậy! Rõ ràng là một thứ giả thiết được đưa ra bởi một nhóm phụ nữ, hẳn là vậy, vì quí vị nghĩ rằng đối với đàn ông thì chỉ có một thứ họ khoái nhất, muốn dụ dỗ họ thì chỉ cần nhắm vào cái khoái ấy thôi. Tôi còn nghĩ rằng cái đầu mối của sự tranh cãi kiện tụng, chống đối nhau về thuốc lá nó được khởi nguyên từ hai vợ chồng nào đó (hoặc là chồng hút thuốc vợ không, hoặc ngược lại). Gây cãi nhau trong nhà mãi mà không cùng, họ đẩy vấn đề ra trước công chúng... rồi từ từ thành một phong trào. Hai vợ chồng đầu tiên đưa phong trào ấy ra chắc bây giờ đã già lú không còn hơi sức tranh luận hoặc đã qua đời vì bệnh lao phổi (không phải lao phổi vì thuốc lá mà vì lao tâm khổ trí và nhọc hơi cãi cọ nhau quá độ) nhưng phong trào cứ vậy mà đi tới, đi tới, thành một món hàng thời thượng hợp vệ sinh nhất của thế kỷ. Đấy, như vậy đấy. Hãy quay lại vấn đề tình dục và thuốc lá. Quí vị muốn gì đây? Muốn cấm thuốc lá và khuyến khích tình dục? Chấp nhận nạn nhân mãn hơn là cho phép hút thuốc? Quí vị thực là khùng! Cho rằng cái giả thiết của quí vị đưa ra là khả tín đi, vậy thì, khi tình dục sung mãn mà không hút thuốc để làm giảm cơn dục thì chỉ có tìm cách làm bậy mà thôi. Thế sao những đầu óc thông minh của quí vị không nghĩ ra thứ thuốc nào làm giảm tình dục mà lại đi chế biến thuốc Viagra? Mà cái nạn của tình dục tôi e rằng nó còn khủng khiếp hơn cái nạn hút thuốc cả trăm lần. Nhất là cái nạn ấy lại được bày ra bởi những người không có chút chất thơ hay chất điên nào! Cái nạn ấy có hai mặt nghịch chiều mà mặt nào cũng hại cả: hoặc góp phần làm lây lan bệnh Aids và các chứng bệnh liên quan trực tiếp đến bộ phận tình dục (chưa kể các bệnh khác như yếu thận, đau lưng, rã đầu gối...), hoặc góp phần làm tăng dân số! Quí vị muốn cả thế giới này sinh và sống trong sự dìu dắt của những cơn động cỡn dục tình không chút thơ mộng điên cuồng lai rai nào sao? Quí vị muốn cả thế giới này biến thành một màu thuần túy, một màu trắng đục của giới học đường, y dược, bệnh viện, nhà xác? Hay chỉ đơn giản là muốn kiến tạo một thế giới lành mạnh về thể chất? Lành mạnh thể chất để làm quái gì với những tâm hồn bệnh hoạn chứ! Cái thể chất lành mạnh của quí vị, và cả phong trào rình rang rầm rộ đang lên của quí vị cũng chẳng mang theo một thứ hành lý đạo đức mới mẻ cao đẹp nào cả ngoại trừ sự lạm dụng đàn bà và trẻ em làm lá chắn tranh đấu cho mục tiêu riêng của mình. Vậy rồi với một thể xác lành mạnh và sự thúc bách của dục vọng, quí vị sẽ đóng góp gì cho thế giới này? Làm tình, ngoại tình, hiếp dâm, sách nhiễu tình dục, sinh sản bừa mứa, hô hào ngừa thai hay chống phá thai, kết án và giết chết những người thuộc phe ủng hộ ngừa thai hay những người chống phá thai, uống thêm nhiều thuốc bổ và Viagra? Đấy, đấy, nền đạo đức an sinh xã hội của quí vị là như thế? Quí vị gân cổ lên, gồng sức mình lên, cả một đời, để thiết lập một xã hội, một thế giới khật khùng dường ấy! Hãy tự hỏi lại xem, thế giới này có cần chăng sự truyền giống của những con người chỉ thuần túy thông minh một cách vệ sinh sạch sẽ ngay ngắn thẳng thớm thơm tho lịch lăng xăng lẩn thẩn nhộn nhịp rộn ràng rỗng ta rỗng tuếch mà không hề một lần trong đời biết ngồi lắng một mình? Rốt cuộc, quí vị chỉ tự diễu và đang tự tử mà không biết. Hừ, tôi chưa kể một vấn nạn khác cũng liên quan đến nhân mãn là sự thiếu hụt lương thực. Hè hè, nếu thực sự bạn muốn nói một chút về những điều thực dụng thì tôi cũng nhắc thêm như vầy: bạn cho rằng thuốc lá làm giảm chuyện ăn uống, làm người ta ăn mất ngon. Đúng, tôi công nhận điều đó đã được chứng minh trong thực tế. Vì mấy người bạn bỏ thuốc lá của tôi đã trở thành những người hạm ăn một cách đáng sợ. Bây giờ họ đã mập phì ra gấp đôi so với thời gian hút thuốc trước đây và bắt đầu chịu tốn tiền tốn bạc để xin tham dự những chương trình kiêng cữ ăn uống rất khổ nhọc. Đó quả thật là thành quả đáng kể cho một xã hội luôn mong ước đào tạo những người mập mạp mũm mĩm thừa mứa. Nhưng thử tưởng tượng mấy chục triệu người trên thế giới bỏ hút thuốc và trở thành một lực lượng hạm ăn hùng hậu thì có phải là làm tăng thêm nỗi lo âu cho toàn cầu về vấn đề thiếu hụt lương thực hay sao chứ! Rõ ràng là những cố gắng của các bạn chỉ tạo ra những kết quả chống trái lẫn nhau.
Hậy, tôi chưa hết ý đâu: còn một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến chuyện loại bỏ thuốc lá ra khỏi hành tinh này. Chẳng hạn, nơi một số đất nước luôn bị đe dọa bởi sự nghèo đói và nỗi sầu thảm triền miên như đất nước của tôi chẳng hạn... nơi đó, 75% người dân hút thuốc lá, có nghĩa là phải có ít nhất hàng mấy chục triệu người hút thuốc và đồng thời cũng có hàng triệu người sinh sống bằng nghề bán thuốc lá lẻ. Thử tưởng tượng một xứ sở như thế mà không có thuốc lá thì xã hội sẽ rối loạn, khổ đau hơn đến mức nào! Bạn có biết rằng ở xứ sở ấy, bây giờ người ta nói: "Điếu thuốc chạy tuốt công việc" thay vì "miếng trầu làm đầu câu chuyện" như người xưa của họ; và "điếu thuốc đốt cháy tờ giấy" thay vì "đồng bạc chọc thủng tờ giấy" như người phương Tây nói. Cả một đất nước có nền văn hiến gần năm nghìn năm đáng tự hào bây giờ lại lấy điếu thuốc làm nền tảng cho mọi giao tiếp, từ tình bằng hữu cho đến các thương vụ tài chính lớn hay nhỏ, thậm chí cả những trao đổi trong những địa hạt nghiêm túc như tôn giáo, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, chính trị, ngoại giao... không phải chỉ từ hạ tầng cơ sở mà còn chẳng chừa ở cấp thượng tầng trung ương nữa kia: tất cả từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ, bất kỳ địa hạt nào, cũng đều lấy điếu thuốc làm chất xúc tác để mồi cho cháy cái năng lượng của sự thỏa thuận và ý chí làm việc. Không có thuốc lá thì công việc không thể nào chạy được đâu bạn ạ. Hừm, cái xã hội ấy, con người ù lì và thụ động giống như những đầu tàu hỏa của thời thế chiến, không đốt thì nó chẳng chịu chạy đâu à. Trong khi ở các xứ giàu có, văn minh, người ta đánh giá nhau qua chiếc xe hơi cũ mới, hiệu gì, thì ở đất nước tôi, người ta liếc mắt thật nhanh—nhanh như sao xẹt ấy—vào điếu thuốc gắn trên môi một người, hoặc nơi cái hộp thuốc mà người ấy đặt trên bàn. Cái hộp thuốc vuông vắn, có chữ mạ vàng, in nhiều màu và đóng dấu nổi, thì hiển nhiên là giá trị hơn những bao thuốc xọp in mực xanh hay đen lem luốc... Điếu thuốc có đầu lọc, được sản xuất bằng máy móc, nơi những hãng thuốc nổi tiếng lúc nào cũng no tròn đầy đặn, cầm lên thấy nằng nặng thì ắt là thơm và sang cả hơn những điếu thuốc vấn bằng tay của người lao động già trẻ lớn bé trong những nhà lá, nhà tôn, hầm hập nóng bức... Cái hộp quẹt nằm trên hộp thuốc cũng thế, nó góp phần chứng minh phẩm giá của chủ nhân đấy bạn ạ. Hực hực, muốn tôi nói thêm chút gì nữa không về đất nước tôi? Này nhé, trong khi những xã hội văn minh ngày nay đang gần lại với nhau qua sự nối kết mạng lưới điện toán thì ở đất nước đó, người ta đã nhiệt tình đan kết với nhau, một cách gắn bó, chằng chịt, bởi những đường dây thuốc lá đấy trời! Điếu thuốc ở xứ tôi đa dụng, đa năng hơn điếu thuốc ở xã hội này nhiều. Cho nên, cũng thật khó tưởng tượng nổi là xứ sở tôi sẽ ra làm sao khi không có thuốc lá. Có lẽ lúc ấy những người cầm quyền sẽ khó tính hơn; những người lao động sẽ lười biếng hơn; những người buồn nản và thất vọng sẽ dễ tự tử hơn; những người bực dọc sẽ dễ gây gổ và ấu đả hơn; những giây phút ngơi nghỉ sẽ mất đi; những người chờ đợi nhau sẽ không còn nhẫn nại được nữa; và những cơn sầu muộn thất chí sẽ không còn lối thoát... nói tóm lại là giữa con người với nhau, sẽ không có một gạch nối thỏa thuận đồng tâm nào nữa cả. Như vậy, một khi thuốc lá không còn thì xã hội ấy sụm theo. Ha, bạn không tin được sao? Chuyện dễ tin như vậy mà vẫn không tin được, lạ nhỉ! Có gì đâu, chỉ vì ở cái nơi chốn mà mọi thứ đều không thật, mọi thứ đều là giả—ngay cả thuốc lá cũng có hàng nghìn thứ thuốc lá giả—thì con người ở đó chỉ còn một phương cách duy nhất để giữ cho mình tồn tại là bám vào cái chất xúc tác dẫn mình vào những cơn mộng ảo.
Thôi, có lẽ tôi chỉ nói sơ sơ vài điều như vậy. Nói nhiều quá không chừng những lời của mình lại trở thành thứ phương châm tào lao cho một nhóm tài phiệt bán buôn nào đó vận động cho ngành sản xuất thuốc lá! Tôi chẳng bao giờ có ý ủng hộ mấy cái đại công ty sản xuất thuốc lá cả (dù rằng tôi hay các bạn đều có thể thấy trước một viễn tượng khá bi thảm là hàng triệu người sẽ bị thất nghiệp dù ở xứ này hay ở xứ sở nghèo đói của tôi—nếu các đại công ty ấy bị khai phá sản hoặc bị cấm hoạt động). Tôi chỉ ngậm ngùi nhắc lại, nhìn lại một chút về cái thú tiêu khiển đã có từ nhiều thế kỷ, đã từng đóng góp những trang sử tráng lệ huy hoàng cho thế giới, đã từng vỗ về bao tâm hồn đau khổ sầu muộn, bao giây phút chờ đợi nhớ nhung nhau, bao công trình tim óc quên ngày quên tháng. Ôi, nhìn lại xem, biết bao là hình ảnh đẹp, biết bao là kỷ niệm êm đềm quấn qua quấn quít giữa điếu thuốc và con người, giữa những người bạn chung tình đồng điệu ở khắp nơi trên hành tinh này. Điếu thuốc, mỗi điếu thuốc, là một người bạn, một tri kỷ không lời, một người bạn luôn lắng nghe, biết vỗ về an ủi bằng chính sự thiêu hủy bản thân mình. Ở đời bạn có thấy ai hy sinh chính họ để làm vui lòng người khác như điếu thuốc không nhỉ? Điếu thuốc cũng phù du như con phù du, cháy lên trong ánh lửa, nhưng con phù du thì hy sinh cho chính nó, còn điếu thuốc thì hy sinh cho bạn, cho nỗi buồn hay niềm vui của bạn, cho thời gian trống vắng của bạn, cho cái cô đơn khủng khiếp tàn bạo của đời bạn.
Nhìn lại xem, nào hãy nhìn lại xem. Khoan, chờ tôi đốt điếu thuốc, vâng một điếu nữa thôi, hoặc có thể là một vài điếu cuối cùng của đời tôi. Bạn có thấy không, ôi, có khi chỉ kéo một hơi thuốc thôi mà thấy cả một bức tranh toàn bích của nhân loại. Không phải là toàn nhân loại trong giây phút hiện tại mà bao gồm luôn cả quá khứ. Cái đẹp tuyệt vời nhất của đời người là ở chỗ đó—nó luôn luôn phát sinh từ sự liên tưởng, từ sự tưởng tượng. Nếu chẳng có chút trầm tư suy tưởng, liên tưởng hay tưởng tượng thì đốt điếu thuốc này chẳng có ý nghĩa gì cả, chỉ là đốt tiền và đốt sức khỏe. Nhưng khi một người biết hút thuốc, biết nói chuyện với điếu thuốc, biết giá trị của điếu thuốc, thì đốt một điếu thuốc là thắp sáng lên bức tranh toàn bích ấy, thắp sáng cả một lịch sử dài lâu của nhân loại. Đây này, điếu thuốc này, cách đây trăm năm hay ngàn năm, hay là ở ngay trong hiện tại này, ở những nơi chốn khác nhau, có những người không hề biết nhau, không từng thấy mặt nhau, không từng nghe tiếng nhau, đang cùng đốt lên và phà những làn khói mỏng vào không gian. Một gã tình si lặng đứng bên bờ hồ. Một văn sĩ bên cửa sổ nhìn ra vườn sau. Một thi nhân đứng trên đỉnh núi cao. Một người lính trận lom khom tựa mình vào vách đá. Một kỹ nữ gõ nhịp chân trên hè phố vắng khách. Những người bạn tri âm gặp gỡ nhau. Những người tình quay quắt chờ đợi nhau. Những người tử tù thức sáng đêm trong ngục thất. Những bờ sông. Những quán cà phê vỉa hè. Những công viên với ghế đá bỏ trống. Những sân trường không thấy bóng sinh viên. Những bãi đậu xe vắng ngắt. Những hàng hiên không người qua lại. Những bình minh tráng lệ huy hoàng. Những buổi trưa văng vẳng tiếng còi tàu xa xa. Những màn đêm ôm xiết bao tình sầu. Những buổi chiều màu nắng lặng lẽ rơi xuống cùng nỗi bâng khuâng nhớ nhà. Ôi cái gì thế? Vâng, những nơi chốn, những hoàn cảnh, những tâm tình, những thời gian, đã lần lượt hiện hữu rồi trôi đi cùng khói thuốc. Người ta chỉ thấy cái đẹp của những tác phẩm mỹ thuật mà không thấy cái đẹp lặng lẽ vô danh của những điếu thuốc trên tay người nghệ sĩ. Không thấy những tàn tro âm thầm rơi xuống. Không thấy những làn khói mỏng lãng đãng bay lên. Khói, tro, tan biến đi. Chỉ có nghệ phẩm là ở lại lâu dài với đời. Người thưởng lãm, người ái mộ, làm bạn với nhà nghệ sĩ khi ông ta buông bút xuống. Chỉ có điếu thuốc mới là người bạn đường của nghệ sĩ trong những phút trầm lắng nhất của tư duy, trong những cơn dật dờ phiêu hốt nhất của mộng tưởng và hoang tưởng. Đêm cũng như ngày, lúc no cũng như lúc đói, lúc giàu cũng như lúc nghèo, lúc vinh quang cũng như khi sa cơ thất vận, luôn luôn điếu thuốc là người bạn cận kề và trung thành nhất của người nghệ sĩ tài hoa.
Có những tay đại phú bỏ hàng triệu mỹ kim để mua những bức danh họa của Picasso, Van Gogh hay Claude Monet về treo trong phòng khách tư gia. Những người này cũng ủng hộ hội chống thuốc lá đấy. Lại có những nữ độc giả đọc hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách của nhiều tác giả khác nhau, từ cận đại đến hiện đại, đi đâu cũng mang theo mình những cuốn sách, mê sách mê truyện đến dường đó, nhưng chính họ cũng đang tham gia những cuộc vận động chống thuốc lá đấy. Đối với đa phần các nghệ sĩ tài hoa mà nói, thực ra cấm họ hút thuốc họ vẫn cứ sáng tác được chứ chẳng phải không. Nhưng cái gia vị vô hình để nêm vào các món ăn tinh thần đã bị lược giảm đi rồi. Bạn không biết đâu, ở một đoạn văn, một câu thơ, hay một nét vẽ đó, nếu có một hơi thuốc lá vào thì kết quả sẽ không giống với khi không hút thuốc. Đúng vào cái lúc ngầy ngật lâng lâng khi rít vào một hơi thuốc, những tư tưởng tuyệt vời nào đó ở sâu thẳm nhất trong tiềm thức có thể được vực dậy. Hậy, các cậu các cô nghiên cứu y dược cứ đưa ra những phân tích, những kết quả chi li, cho rằng thực ra khói thuốc với chất nicotine chỉ làm trì trệ sự suy tưởng chứ không có khả năng làm phấn khích như những người hút thuốc quen nghĩ; rồi lại nói rằng sự tin tưởng vào khói thuốc trong tư duy sáng tạo chỉ là ảo tưởng. Ôi, nói vậy thì cũng chẳng hiểu cóc lác gì cái quá trình sáng tác của nghệ nhân cả. Ha, phải biết rằng cái điều mà nghệ sĩ tư duy nghiêm chỉnh theo phong cách thông tục đời thường chỉ mới là cái phông cho nghệ phẩm—ở phần ấy, chẳng cần hút hơi thuốc nào cũng chả sao cả. Nhưng những tư tưởng thậm thâm tuyệt vời nhất của hắn thì bộc phát ở chính giây phút mà hắn phải vượt qua cái lề thói của tư duy, bước vào thế giới của ảo tưởng, loạn tưởng, cái thế giới mà hắn không còn khả năng để kiểm soát được nữa. Chính từ giây phút đó, chính ở giai đoạn đó, cái thần của nghệ phẩm mới được phát tiết, tuôn trào. Nếu chỉ ngồi nghiêm chỉnh ngay ngắn nơi cái bàn viết sạch sẽ thơm tho ngăn nắp gọn gàng để hít thở đều đặn và suy tư một cách nề nếp thận trọng đàng hoàng thì... ôi chao, chỉ đẻ ra những sách biên khảo, giáo khoa và sách học làm người thôi bạn ạ!
Người ta kêu gọi các nghệ sĩ hãy sáng tạo, hãy sáng tác, hãy vẽ, hãy viết, hãy đàn, hãy ca cho hay, cho đạt, nhưng đồng thời cứ la ó chống đối khói thuốc, ý chừng họ muốn các nghệ sĩ này hãy vừa nhai kẹo chewing gum vừa sáng tác ấy mà. Hãy thử tưởng tượng một tác phẩm được hoàn thành bởi mười ngàn cho tới mười triệu cái nhóp nhép của hai hàm răng sạch sẽ, khỏe mạnh và cần cù xem nào! Tác phẩm ấy nói cái gì thế nhỉ? Có tư tưởng thâm viễn nào hay một ý tứ xuất thần nào được nẩy sinh bởi sự vận động ồn ào và thô bạo của quai hàm không nhỉ? Nhai kẹo hay nhấm mực khô với bia chỉ có thể thích hợp với những người viết sách dạy nấu ăn thôi!
Tôi sẽ không hút thuốc nữa trong một ngày rất gần, có lẽ là như vậy. Không phải tôi bị thúc đẩy bởi những lời rao giảng về tác hại của thuốc lá đâu bạn ạ, nhưng bởi vì sống ở đời này cũng phải biết điều một chút. Người ta nói rằng tôi hơi gàn, hơi điên, nhưng thực ra tôi cũng biết điều lễ nghĩa, biết lẽ đúng sai thuận theo môi trường xã hội lắm chứ. Tôi không muốn gàn bướng chống lại kỳ cùng cho quyền tự do của tôi—một cái quyền mà mọi người ở thế giới văn minh đều đề cao hết mực—để rồi các bạn lại mang tiếng là tước đoạt nó của tôi. Tôi cũng không muốn nói lên tất cả điều này để rồi được một chính quyền hay một ủy ban quốc tế về thuốc lá cho tôi hay những người nghệ sĩ sáng tác thứ đặc ân đặc quyền gì đó về việc hút thuốc lá, chẳng hạn cấp cho một giấy phép hút thuốc hoặc một cái bằng chứng nhận nghệ sĩ để được hút thuốc. Hừ, cả hai trường hợp trên đều không được, nhất định là không được. Thứ nhất, tôi ghét nhất những cái gọi là "đặc quyền"; cái thứ ấy trao đến tay ai là dìm chết ngay kẻ ấy trong hư đốn, hèn mạt và kiêu hãnh một cách lố bịch. Còn về giấy chứng nhận nghệ sĩ đó à? Ối, chỉ là chuyện ruồi bu kiến đậu thôi. Vì sao ấy à? Bởi vì, không lẽ những người không có một chút thơ hay chút điên nào mà lại có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận điên, chứng nhận thơ cho một nghệ sĩ? Còn nữa, không lẽ những người thơ và những người điên lại đi điền đơn để xin giấy chứng nhận được làm nghệ sĩ? Còn nữa, lấy cái tiêu chuẩn nào để xét định rằng gã này, gã nọ xứng đáng là một nhà thơ, một nhà điên, một nhà nghệ sĩ? Còn nữa, không lẽ kẻ nào có tác phẩm in ra thì đều được coi là nghệ sĩ? Không lẽ kẻ nào không có tác phẩm được in thì không phải là nghệ sĩ? Không lẽ muốn được hút thuốc thì phải ráng làm cái gì đó để chứng minh rằng mình là nghệ sĩ? Ôi mấy cái trò đó mà bày ra chỉ thêm thối cho đời. Đó là chưa nói đến khi mà mọi lý do không thể chấp nhận vừa nêu ở trên đều được ậm ừ chấp nhận, thì cái màn nghệ-sĩ-được-đặc-quyền-hút-thuốc sẽ dẫn đến một thứ vấn nạn buồn cười lố bịch khác. Chẳng hạn khi một thi nhân đang ngồi hút thuốc bên bờ sông để lấy hứng cảm thì có anh chàng cảnh sát lăm le khẩu súng bên hông, với bộ mặt làm ra vẻ oai phong lẫm liệt lắm, tiến đến gần, đòi phải trình giấy chứng nhận nghệ sĩ! Ôi, chỉ mới tưởng tượng thử chút xíu cái màn đó đã thấy nó thảm sầu và chán ngấy thế nào ấy!
Cho nên, tôi nói rồi: tôi không cố gắng nhiều lời để đòi hỏi cái gì cho tôi hay đồng bạn của tôi đâu. Tôi chỉ muốn thuận theo vần xoay của cuộc đời. Khi đa số mọi người muốn vậy, tôi sẽ tôn trọng tuân theo. Tuân theo bằng cách không làm gì chống trái với nó chứ không phải là chấp nhận nó.
Cuộc đời tương lai mà các bạn nỗ lực gầy dựng nó sẽ như vậy, giống như một trường học tôn giáo hay một bệnh viện tâm thần. Thế giới ngày mai có thể là không còn thuốc lá nữa và đồng thời cũng không còn bất kỳ một nghệ phẩm sáng tạo nào ra đời nữa—nói vậy không có nghĩa rằng không có thuốc thì không sáng tác; mà chỉ có nghĩa rằng, khi những cá nhân bị lùa đi như vịt vào một ao tù có vòng rào vây sẵn, bị đồng hóa đến tận cùng hơi thở, nụ cười và suy tưởng để kết thành một tổng thể từ trên xuống dưới giống nhau, từ trái qua phải đều nhau, từ trước đến sau chẳng khác, thì thực sự là chẳng còn một thứ gì có thể được coi là "nghệ phẩm." Chỉ có những sản phẩm được sản xuất bởi những đầu óc toán học nghiêm chỉnh. Thế giới này sẽ không còn chất thơ. Và không còn chất điên. Tôi không muốn chờ đợi thế giới ấy trở thành hiện thực, vì vậy tôi phải lên đường đi trước. Đi đâu đấy à? Chắc là vào rừng sâu núi thẳm, hay một xó xỉnh xa xôi nào đó, nơi mà "chút thơ mộng ấy hãy còn, anh về thì cũng vừa tròn trăm năm."