Sân Ngoài Còn Lá
Tác giả: Vĩnh hảo
Có một chú tiểu đâu chừng mười ba tuổi thôi, mà đã bỏ chùa của thầy tổ lên tĩnh tu trên một ngọn núi cao, cao đến nỗi không ai nhọc công lên đến chỗ chú ở.
Chú tu trên núi đã được bốn năm. Nay chú đã trở thành một chàng thanh niên tu sĩ cao lớn, mạnh khỏe. Lâu lâu chú xuống núi một lần để về nhà thăm mẹ và đứa em trai trong làng. Mỗi lần chú xuống núi, trong làng ai thấy chú cũng xì xầm những lời khen ngợi hoặc xuýt xoa như tiếc rằng chú đi tu là làm uổng phí mất một thanh niên đẹp trai của làng xã.
Chỗ chú ở là một hang đá lẩn khuất đâu đó gần đỉnh núi. Cây cối to lớn, cỏ gai rậm rịt, bít hết mọi chỗ trống, chẳng thấy đâu là con đường đi lên. Những hiểm trở, gai góc, vách đá cheo leo của ngọn núi như là một thái độ rõ rệt của chú đối với tục lụy. Chưa hết, từ ngọn núi mà chú ẩn dật đi đến một làng gần nhất cũng phải đi băng qua một cánh rừng hoang mà nơi đó chỉ có đời sống của muông thú chứ không có bóng dáng của loài người. Qua khỏi cánh rừng hoang đó, phải đi bộ khoảng nửa ngày đường nữa mới đến được những bụi tre làm ranh giới của một ngôi làng, mà trong làng này, có căn nhà nhỏ của bà mẹ già của chú.
Thường thường, chú xuống núi thăm mẹ vào dịp tết trung nguyên rằm tháng bảy, nhằm vào ngày lễ Vu Lan. Chú đi xuất gia không phụng dưỡng mẹ già được nên mỗi năm cứ vào dịp lễ Vu Lan—mà người ta quen gọi là Mùa Báo Hiếu—thì xuống núi để thăm mẹ đồng thời giảng thuyết đạo lý của Phật cho mẹ nghe.
Năm nay, còn nửa tháng nữa mới đến rằm tháng bảy nhưng chú linh tính có chuyện bất tường, bèn khăn gói lên đường xuống núi sớm hơn mọi năm. Chú phải mất một ngày để xuống khỏi núi và hai ngày để ra khỏi rừng, sau đó là nửa ngày để đến làng của mẹ già.
Vừa đến đầu làng, đã có mấy người láng giềng hối hả chạy đến chỗ chú, vừa vái chào vừa thưa với giọng ái ngại:
"Thưa chú... thưa chú... có chuyện chẳng lành..."
Chú hỏi mau:
"Chuyện gì vậy?"
"Dạ... cậu Tú em chú bị... rắn độc cắn chết. Mẹ chú đau khổ quá, bỏ ăn bỏ uống, chẳng ai dỗ dành gì được. May có chú về..."
"Em tôi mất bao lâu rồi?"
"Thưa cũng ba tuần rồi. Mẹ chú ngồi thẫn thờ suốt ngày này qua ngày kia..."
Chú lặng người đi một lúc, không nói gì. Rồi vội vàng về nhà tìm mẹ.
Bà mẹ đang ngồi lặng câm bên thềm cửa, nhìn xa xăm. Thấy chú, đứa con trai yêu dấu của mình trở về, mắt bà sáng hẳn lên, nở một nụ cười, đứng dậy. Chú bước vội đến bên mẹ. Hai mẹ con ôm nhau. Bà mẹ khóc òa lên, chẳng nói được lời nào. Chú thì ôm mẹ một cách ngượng ngập tuy nhiên nỗi thương cảm của chú lại dâng trào mãnh liệt. Chú thấy thương, thấy tội nghiệp cho mẹ quá. Chú không ngờ chú đã bỏ mẹ đi tu bảy năm rồi, mà giờ đây, trước tình huống này, bao nhiêu tình cảm thế tục lại quay về dào dạt như thể chú vẫn cứ là một đứa con lâu nay khắng khít chưa rời mẹ nửa bước. Một sơn tăng ẩn cư trên núi cao, quyết chí đạt đạo thì không có những xung động tình cảm ủy mị như vậy. Lâu nay chú tưởng rằng lòng mình đã nguội lạnh với tình trần, ngay cả tình huynh đệ, phụ tử, hay mẫu tử. Nay, trước cái chết thảm thương của đứa em trai và nỗi sầu thảm đơn chiếc của người mẹ già, chú nhận thức thật rõ rằng bảy năm xuất gia học đạo của mình vẫn chưa đạt được kết quả gì đáng kể. Kẻ ôm chí xuất trần trước tiên phải ý thức tính cách vô thường, mong manh, giả tạo của thế gian. Nhờ ý thức đó mà vượt thoát cái đau khổ thường tình của biệt ly chia cách. Nhờ ý thức đó mà vươn lên khỏi cuộc đời. Nhưng hôm nay, đứng bên người mẹ già đau khổ, chú thấy mình chìm lỉm trong nỗi thống khổ vô vàn của thế nhân. Chú đứng im, ôm mẹ, không nói gì. Bà mẹ thì chỉ khóc nức nở. Lâu lâu bà lại gào lên, gọi tên đứa con trai đã chết. Giọng bà nghe thật bi thảm khiến chú không khỏi bùi ngùi, quặn đau trong lòng.
"Nín đi mẹ, con đưa mẹ vào trong nhé!"
Rồi chú dìu bà mẹ vào nhà. Ngồi trên chiếc chõng tre, bà mẹ vẫn cứ sụt sùi khóc. Chú ngồi kế bên bà, chẳng biết nói gì. Lâu nay, cứ mỗi lần về thăm mẹ, chú có thể giảng cho bà nghe đạo lý vô thường, nhân quả, v.v... nhưng bây giờ chú chẳng biết nói gì. Chú không hiểu sao mình lại có thể thụ động, cứng nhắc và vô dụng trong những trường hợp đặc biệt mà sự khổ đau được biểu lộ rõ rệt như vầy. Không phải chú đã từng quán sát về khổ đau, quán sát về tính hư huyễn, tạm bợ của thế gian đó sao! Công phu thiền quán lâu nay, coi như không kết quả gì trước thực tế đau thương đang diễn ra trước mắt.
Rồi cũng từ đau thương nầy, chú biết mình đang đứng trước một hoàn cảnh mới, hoàn cảnh khó xử cho một người đã từ bỏ gia đình xuất gia. Trước kia, người em trai của chú hãy còn, chú có thể yên tâm rời nhà xuất gia, tìm nơi ẩn tu để đạt đạo giải thoát. Nay đứa em đã mất, chú không thể để mẹ mình phải sống đơn côi quạnh quẽ trong tuổi già, không người phụng dưỡng dâng cơm dâng nước. Huống chi, từ ngày chồng mất, mẹ chú tuy không nói ra nhưng hẳn nhiên là trong lòng cũng mong đợi hai anh em sẽ làm tròn chức năng của những đứa con trai, không để cho dòng họ phải tuyệt tự. Nghĩ đến đó, chú không khỏi rùng mình và đau xót cho chí nguyện xuất gia của mình. Chú không ngờ cuối cùng rồi chú cũng phải đương đầu với nghịch cảnh ghê rợn nhất đối với một người xuất gia: lập gia đình. Rõ ràng như vậy. Chú phải lập gia đình để có con nối dõi tông đường. Không bao lâu đâu, mẹ chú sẽ mở lời yêu cầu về chuyện đó. ở làng này, và ở trong tộc họ nhà chú, chuyện nối dõi tông đường là một bổn phận thiêng liêng mà không người trai nào có thể và có quyền từ chối, trừ phi kẻ ấy xuất gia. Nhưng nếu là đứa con trai độc nhất trong gia đình thì chuyện xuất gia hầu như không bao giờ được chấp nhận như là một chọn lựa hợp lý. Trong làng, người ta rất quí mến những người xuất gia; nhưng quan niệm về sự nối dõi vẫn mạnh mẽ, thâm căn, lâu đời hơn, khiến người làng không thể chấp nhận một đứa con trai làm ngơ trước sự tuyệt tự của một gia tộc. Mọi người đều có thể chọn lựa một cách nhanh chóng thay cho chú, rằng chú phải trở về phụng dưỡng mẹ già và lập gia đình, có con cái để giữ giống. Nhưng chú, dù gì đi nữa, cũng đã xuất gia một thời gian, chú thấy khó xử. Chú đau lòng nếu phải từ bỏ cuộc sống ẩn tu để trở về với thế tục, và nhất là phải cưới vợ. ở tuổi của chú, trai trong làng đã có vợ có con cả rồi. Còn chú, đi tu đã lâu, cho dù đến tuổi trưởng thành, cơ thể nẩy nở, sinh lý phát triển tự nhiên, chú cũng không và hầu như chưa hề có ý niệm gì về chuyện yêu thương ai nói chi chuyện cưới vợ. Mỗi khi vào làng, chú cứ theo luật chùa dạy, nhìn dưới đất ngay trước mặt, cách mình ba bước, cứ vậy mà đi thẳng, không liếc ngó hai bên. Cho nên, có vào làng chú cũng chẳng bắt gặp ai. Giới luật bảo vệ chú, tránh cho chú những rung động về ái và dục. Giờ này đây, chú biết là chú sắp mở cái rào cản giới luật ra để chạm trán, đối diện với cuộc đời tục lụy. Chú không biết rõ lắm là khi cưới vợ chú sẽ làm gì để mà có con nối dõi. Chú chỉ hiểu rất đại khái rằng khi người nam người nữ (không phải là anh chị em ruột của nhau) mà sống chung với nhau thì... một ngày nào đó, người nữ tức là cái người mà người ta gọi là vợ, sẽ mang thai và cuối cùng đẻ ra con. Thực là chán ngán. Chú thầm nghĩ như vậy. Khó lòng mà chấp nhận một cuộc sống chung với một người khác phái để rồi có con cái nheo nhóc, đủ thứ rối rắm của cuộc đời. Hình ảnh những cặp vợ chồng già, trẻ ở trong làng không hề gây chút hứng cảm gì nơi chú. Đôi lúc nhìn thấy họ, chú chỉ thấy tội nghiệp dùm.
Mấy năm đầu mới xuất gia, chưa lên núi ẩn tu, chú được thầy dạy cho rằng muốn đạt đạo giải thoát thì điều tiên quyết là phải xa lìa ái dục. Chú khát khao giải thoát đến độ một đêm nọ, chú quyết định lạy thầy mà xin lên núi ẩn tu. Thầy ngăn cản, nói rằng chú chưa được chín chắn và chưa đủ bản lãnh để sống cuộc sống độc cư. Nhưng chú vẫn không nghe lời thầy, lặng lẽ bỏ đi. Năm đó chú mới mười ba tuổi, còn bé xíu mà đã dám một mình độc cư trên núi. Mấy năm trên núi, trồng rau hái quả, đêm ngày ngồi thiền, tụng kinh, chú nào biết ái dục là cái gì. Từ ngoại cảnh cho đến nội tâm, chẳng có gì quấy nhiễu chú cả. Chú nghĩ vậy là đã giải thoát rồi còn gì! Vậy đó, mà nay đứng trước gia cảnh bi thương, chú mới ý thức được rằng giải thoát không phải chỉ đơn giản như là chú từng quan niệm. Không phải chỉ bỏ mặc thế gian ngoài tai là đã giải thoát.
Chú nhìn mẹ, thấy mắt bà đã ráo lệ nhưng nỗi đau khổ vẫn cứ còn hiện rõ trên khuôn mặt nhăn nheo và xạm nắng. Chú thương mẹ lắm. Chưa bao giờ chú thấy thương mẹ như lúc này. Chú biết chú nên ở lại bên bà để phụng dưỡng, không thể bỏ đi được nữa. Việc này, chú dễ dàng chấp nhận cho dù từ bỏ cuộc sống xuất gia là một điều thật đau xót đối với chú. Tuy nhiên, nếu về nhà phụng dưỡng mẹ rồi lại lo cưới vợ để nối dõi tông đường thì chú thấy tâm lý mình chưa thích nghi để đồng ý một cách thoải mái được. Nối dõi tông đường, theo chú nghĩ, chỉ là hành động kéo dài cái giây oan nghiệt sầu não của cuộc đời ra mà thôi. Nhưng bây giờ, chú đang được khuyến khích, được yêu cầu đi vào con đường đó. Chú có cảm giác mình như một con bò bị kéo vào lò sát sinh. Cuộc đời, với những phiền toái của nhân tình thế thái, với những tham muốn, những sân hận, si mê v.v... là một cái gì rất kinh khiếp đối với chú thì giờ này chú buộc lòng phải bước vào đó!
Chú đi quanh trong nhà mấy vòng để suy nghiệm về hoàn cảnh của mình, rồi chú lại đến ngồi bên mẹ. Người mẹ im lặng không nói gì. Bà cũng đã hết thút thít than vản. Bà quay nhìn chú một thoáng rồi cúi mặt nhìn xuống đất. Có lẽ bà đang do dự là có nên mở lời yêu cầu con mình, một tu sĩ, trở về sống bên mình không. Bà thấy khó lòng để nói ra cái điều mong mỏi đó, dù rằng đó là nhu cầu tự nhiên. Bà đã quen nhìn con như một tu sĩ rồi, giờ này kêu gọi người tu sĩ đó hãy làm tròn bổn phận làm con, bà thấy thật khó xử. Bà cứ ngồi đó, im lặng.
Chú cũng ngồi im, chưa biết nói gì. Một chặp lâu, chú mới yêu cầu mẹ đưa đi ra thăm mộ đứa em. Người mẹ vội vàng đứng dậy dẫn chú đi ngay. Bà có vẻ như tin rằng đứa con tu sĩ của mình sẽ tự nguyện quay về khi chính anh ta đòi đi thăm mộ em trai. Trước nấm mồ của đứa em trai đã chết hẳn, không thể nào anh ta quên được rằng mẹ anh bây giờ chỉ còn có một mình.
Bước ra khỏi nhà, hai mẹ con thấy gần như cả xóm tụ họp lại trước nhà mình. Ai cũng trố mắt nhìn chú, như thể họ đang chờ cái kết quả, cái quyết định quan trọng từ nơi chú vậy. Hình như ai trong làng cũng đoán biết rằng cái chết của em trai chú sẽ làm thay đổi cuộc đời tu hành của chú. Mẹ chú chào mọi người. Chú chỉ cúi đầu, không nói gì, lẳng lặng đi theo mẹ ra mộ địa. Một vài người hiếu kỳ bước theo sau hai mẹ con.
Chú thắp hương cho đứa em trai nhỏ hơn mình ba tuổi — thằng em ngoan ngoãn, thật thà, cần cù, siêng năng mà trong xóm ai cũng mến. Nếu người em không chết thì có lẽ chỉ trong vòng một hai năm nữa đã có thể làm cha rồi, có thể làm tròn bổn phận nối dõi rồi, đâu có cần người anh tu sĩ này phải trở về! Chú cắm nhang vào cái lọ nhỏ trước bia mộ của em thì bỗng dưng nước mắt trào ra. Khuôn mặt hiền hậu của đứa em nhập nhòa trong làn nước mắt của chú. Bà mẹ chú thì khỏi nói rồi, bà đã khóc ngay từ khi mới bước đến cổng nghĩa trang, nhác thấy mộ con từ xa. Bây giờ thấy đứa con tu sĩ chảy nước mắt, bà càng khóc nhiều hơn. Chú nuốt nghẹn, vội vàng lau nước mắt, lúng túng che giấu, không muốn cho người khác biết.
Bà mẹ vừa khóc vừa than oán:
"Con ơi là con... Con đành bỏ mẹ ở lại một mình sao con!"
Nghe mẹ than mà như thầm nhắc chú cái thực trạng hiu quạnh của bà, chú cúi xuống đỡ mẹ dậy, nói liền để mẹ yên tâm:
"Thôi, nghiệp của em con vậy cũng không tránh được. Mẹ đừng đau buồn nữa. Lo cầu nguyện cho nó là được rồi. Không có nó thì còn có con. Con sẽ về với mẹ."
Bà mẹ ngước lên, lau nước mắt. Bà đã nghe được những lời bà mong đợi. Những lời đó đối với bà đáng ra là một lẽ tự nhiên thì bây giờ, như là đặc ân mà bà tưởng là khó có thể được hưởng. Bà níu lấy cánh tay rắn chắc của thằng con tu sĩ để đứng lên.
Chú dìu mẹ bước ra khỏi nghĩa địa. Vài người hàng xóm lẽo đẽo theo sau, chẳng biết theo làm gì, chú tự hỏi như vậy. Dọc đường về nhà, bà mẹ bỗng ngước lên hỏi lại chú lần nữa cho chắc ăn:
"Con nói con sẽ về với mẹ hở?"
"Dạ, con phải về chứ. Mẹ chỉ còn một mình."
Bà mẹ cười vui trong lòng, cho dù bà cũng vừa mất một đứa con trai cách đây không lâu. Điều mà bà cần lo nghĩ tính toán lúc này đây là làm sao để thằng con trai duy nhất còn lại của giòng họ chấp nhận sứ mệnh nối dõi tông đường (từ lúc đứa con bị rắn cắn chết, bà như giật mình thấy rằng vấn đề nối dõi của nhà chồng là điều cần kíp chứ không nên chậm trễ nữa). Chỉ cần anh ta bằng lòng thôi, chứ chuyện kiếm vợ cho anh ta thì chẳng khó khăn gì. Người con tu sĩ của bà vừa to cao, vừa đẹp trai, vừa có học, vừa hiền đức, chỉ cần thay chiếc áo ca-sa thành thường phục là trở thành thần tượng của gái trong làng cho mà xem. Thậm chí, ngay khi anh ta còn là tu sĩ mà nhiều cô còn nhìn trộm liếc lén mỗi khi anh từ trên núi về thăm nhà nữa kia. Bà nhớ tới Liên, cô gái mồ côi ở cạnh nhà, cứ qua nhà hỏi thăm chừng nào chú về hoài. Con Hoa con bà Thuận cũng chẳng vừa gì, có lúc nó đã nói với bà rằng "chú đi tu uổng quá bác à!" Dĩ nhiên bà biết con bà đẹp trai, đẹp mà thánh thiện lắm, nhưng vì anh ta tu, bà không dám nghĩ tầm bậy. Bây giờ, anh ta về rồi, anh ta tự nguyện về, bà có quyền nghĩ. Phải nghĩ, phải tính cái chuyện lấy vợ cho anh ta. Vừa đi bà vừa đo lường, cân nhắc giữa mấy đứa con gái trong làng mà bà biết. Làm sao thì làm chứ chọn dâu tương lai bà phải kỹ lưỡng. Nhất là Tuấn con bà, lâu nay đi tu chỉ biết tụng kinh niệm Phật, ăn chay nằm đất, lại ẩn cư trên núi, nào có biết cái chuyện đời ra sao. Nếu chẳng may cưới về cho anh ta người vợ dữ như chằn thì khổ cho anh cả đời. Anh ta tu nên hiền và khờ khạo biết bao! Không cưới được con vợ nhu mì, đức hạnh thì chắc chắn anh sẽ bị ăn hiếp. Bà không an lòng chút nào. Thằng Tú em của anh ta cũng hiền khô như thầy tu, nhưng dù sao cũng có va chạm với đời, cũng hiểu được đời chút chút. Đằng này, Tuấn tuy là anh, lớn hơn thằng Tú ba tuổi, trông đạo mạo uy nghi khi khoác áo tăng sĩ, nhưng khi thay đổi thường phục thì chỉ còn là một cậu bé ngờ nghệch, vụng dại mà thôi.
Khi hai mẹ con vào nhà, chú Tuấn đóng cửa lại thì nhìn thấy mấy người hàng xóm nãy giờ đi theo hai mẹ con ra nghĩa trang, bây giờ cũng theo về đến nơi, đứng ở ngoài nhìn vào, xầm xì. Trong số những người đó, có một thiếu nữ trạc tuổi chú. Chỉ trong một thoáng nhìn thấy cô ta, chú như bắt gặp một cái gì quen thuộc nhưng lại mông lung không hiểu nổi. Thiếu nữ thấy chú nhìn ra thì e thẹn ngó lơ chỗ khác, miệng hơi mỉm cười. Chú thấy run lên, hoảng sợ. Chú từng nghe thầy dạy rất nhiều về những cám dỗ mà một tu sĩ cần phải tránh để tiến tu trong sự nghiệp giải thoát giác ngộ, trong đó tiền tài và sắc đẹp đứng hàng đầu. Nhưng đối với vấn đề tiền tài, những người xuất gia không mấy hãi sợ. Hoàn cảnh của họ ở chùa, ở vùng quê hẻo lánh, ở rừng sâu hay núi cao, vấn đề tiền tài không phải là đối tượng nguy hiểm. Nguy hiểm nhất cho mọi hoàn cảnh vẫn là nữ sắc mà thôi. Chú vội đóng nhanh cánh cửa rồi cài then lại. Mặt chú ửng đỏ lên rồi lại tái mét như một kẻ vừa được thoát hiểm. Mẹ chú thấy vậy liền hỏi:
"Gì vậy? Gì mà... con giật mình hoảng sợ vậy?"
"Đâu có gì đâu mẹ," chú đáp.
Bà mẹ bước đến cửa, kéo tấm liếp nhỏ ở trên nhìn ra ngoài thì thấy những người hàng xóm vừa tan hàng, chỉ có Liên ở nhà kế bên là còn tần ngần đứng lại như chưa muốn về. Bà âm thầm ngắm nhìn cô gái mà bà vẫn thường gặp hàng ngày. Bà thấy cô ấy đẹp lạ. Hình như chính lúc này bà mới nhận ra được cái vẻ mặn mà duyên dáng của Liên. Quần áo đơn sơ xoàng xĩnh của một cô gái quê nghèo không lấp nổi cái nét sắc sảo mà nghiêm trang toát ra từ đôi mắt sáng và sóng mũi thanh cao của cô. Đôi môi hồng, nhỏ, với môi dưới hơi trề ra như nũng nịu càng làm tăng thêm vẻ quyến rũ của nàng. Bà gật gù hiểu ra được nguyên do vì sao con bà thất sắc. Và bà thầm nghĩ: "Tại sao phải tìm kiếm ở đâu cho xa! Chính cô ta là dâu tương lai của ta đây rồi."
Bà đóng nhẹ liếp cửa, quay trở lại thì thấy con mình đang ngồi nơi bàn, có vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi chuyện gì quan trọng. Bà e dè hỏi:
"Con tính sao? Con nghĩ là con có thể trở về đây sống với mẹ được không?"
Chú Tuấn ngước lên trả lời ngay:
"Dạ được chứ mẹ, đâu có gì trở ngại đâu. Dù gì thì con vẫn là con của mẹ mà."
Nghe vậy bà cảm động lắm. Nhưng cái điều bà muốn hỏi, bà vẫn chưa biết làm sao để mở lời. Mà không nói bây giờ thì chờ lúc nào nữa. Trước sau gì cũng phải cho con mình biết hoặc ít nhất cũng có trước chút ý niệm gì về những gì mà bà mong đợi nơi anh ta. Ngưng một lúc, bà nói:
"Tội nghiệp thằng Tú, và cũng tội nghiệp cho con. Nếu nó không... thì con đâu phải bỏ tu như vầy. Mẹ thấy trong lòng xót xa lắm vì không để cho con đi trọn con đường của con. Nhưng mẹ biết làm sao hơn... Dòng họ nhà mình... chỉ còn có con thôi..."
Bà nói vậy, không rõ ràng lắm, nhưng chú Tuấn cũng nhận ra được ngay cái ý chính của bà. Cái chuyện nối dõi tông đường. Chú thở dài rồi nói:
"Con biết, con biết con phải gánh cái trách nhiệm mà nếu Tú còn sống nó phải gánh."
Bà mẹ lắng nghe, thích ý lắm, nhưng cũng chưa dám chắc là con mình đã hiểu mình. Bà không biết là đứa con tu sĩ khờ khạo của bà nghĩ gì về trách nhiệm của thằng Tú. Trách nhiệm đó không phải chỉ là đi kiếm củi, mang củi ra chợ bán để phụng dưỡng mẹ già mà chỗ chính yếu nhất của trách nhiệm làm con (trai) ở làng này, ở trong giòng họ nhà này là sinh đẻ con cái kia. Bà lại dợm lời nói tiếp:
"Thực ra chuyện sinh nhai độ nhật không phải là điều khó khăn cho mẹ. Mẹ có thể bắt chước cô Liên bên cạnh nhà nuôi tằm dệt lụa cũng sống được. Cái khó là... cái mà mẹ không thể làm được, chỉ có con với thằng Tú làm được mà thôi..."
"Dạ, con biết. Tụi con là thanh niên trai tráng mà, khác với mẹ chứ!"
Bà gật gù rồi làm thinh, suy nghĩ. Anh ta nói vậy là đã biết trách nhiệm thiêng liêng của anh ta chưa nhỉ? Cái trách nhiệm đó đâu phải là chuyện mạnh khỏe, làm việc giỏi dang của trai tráng! Bà kiên nhẫn gợi ý tiếp:
"Ý mẹ muốn nói là... gia đình ta cần phải lấy lại sinh khí, làm đẹp mặt tổ tông nơi chín suối..."
"Dạ, con biết. Mẹ muốn nói đến chuyện nối dõi đó mà."
Bà mẹ sáng mắt lên. Bà không ngờ đứa con tu sĩ của bà cũng tự biết được cái trách nhiệm thế tục này chứ không cần bà phải giải thích, kêu gọi dông dài. Vậy mà bà cứ tưởng anh ta khờ khạo không hay biết gì! Bây giờ anh đã tự nói ra, khỏe cho bà biết bao. Bà sung sướng nắm lấy cánh tay con, nói với giọng phấn khởi:
"Ở làng mình, người ta để tang cha mẹ ba năm mới tính đến chuyện cưới hỏi. Nhưng anh chị em thì không cần phải để tang lâu. Hơn nữa, cái chuyện nối dõi đối với gia đình này là vấn đề cần kíp. Cho nên..."
Chú nghe đến đó liền cắt ngang:
"Thưa mẹ, con đã biết. Nhưng con..."
"Khỏi lo. Mẹ lo hết. Mẹ sẽ lo tới nơi tới chốn mọi chuyện. Chỉ cần con đồng ý là được rồi, đừng có lo là không có."
"Không phải, ý con muốn nói là con cần phải lên chùa lạy thầy và xin xả giới."
"Nghĩa là sao, mẹ không hiểu?"
"Con đã thệ nguyện giữ mười giới trọn đời. Nay không giữ nữa thì phải lên lạy thầy xin xả giới, tức là xin bỏ lời thệ nguyện đó, khi nào cảm thấy có thể giữ được thì xin giữ lại."
Bà mẹ tỏ vẻ ái ngại. Bà sợ con bà đến chùa, gặp thầy, gặp bạn, thấy lại cảnh chùa rồi đổi ý không chịu về nhà nữa.
"Không lên chùa xả giới được không con?"
"Thực ra chuyện thệ nguyện giữ giới thì cần có giới sư truyền trao, nhưng khi xả bỏ thì chỉ cần đứng trước bàn thờ Phật mà xin xả cũng được rồi. Tuy nhiên, con muốn nhân dịp này, trở về chùa để thăm thầy bạn luôn thể. Chỉ hoàn cảnh đặc biệt lắm thì mới tự xả giới, còn bây giờ có chùa, có thầy thì nên về chùa để xả giới."
"Có phải không xả giới thì con sẽ có mặc cảm mang tội mỗi khi làm bất cứ điều gì không đúng với giới luật, dù rằng con hoàn tục?"
"Dạ phải, thưa mẹ. Chính vì vậy luật Phật mới đặt ra vấn đề xả giới."
"Vậy con nhất quyết phải đi lên chùa?"
"Dạ, con cần phải đi. Nhưng con e ngại là để mẹ ở nhà một mình."
Bà mẹ thở dài rồi nói:
"Nếu phải vậy thì mẹ cũng không cản con làm gì. Có điều, mẹ muốn con hứa với mẹ."
"Mẹ à, mẹ sợ con đi luôn sao? ở chùa thì quét lá đa, về nhà thì phụng dưỡng mẹ. Lúc con ở chùa, con đã một lòng siêng năng tinh tấn tu học thì nay về nhà con cũng đem cả lòng mình để làm tròn bổn phận đứa con. Làm sao con có thể bỏ mẹ mà đi luôn được!"
"Không, không phải mẹ bảo con hứa chuyện đó. Mà chỉ muốn con hứa với mẹ là dù thế nào đi nữa, con cũng không để cho giòng họ nhà này phải bị tuyệt tự."
Chú Tuấn im lặng một lúc. Chú đã biết không thể tránh cái chuyện đó được nhưng giờ nầy nghe mẹ nói chú vẫn cứ nghe trong lòng như đau nhói và hãi sợ. Chú cúi mặt xuống một lúc rồi ngẩng lên ngay:
"Con hứa với mẹ. Đó là bổn phận mà con, đứa con trai duy nhất của giòng họ phải gánh lấy. Xin mẹ yên tâm."
"Vậy thì tốt rồi. Con có thể lên đường ngày mai. Mẹ ở nhà không sao đâu. Có cô Liên bên cạnh nhà cũng thường qua lại giúp đỡ mẹ. Những ngày thằng Tú mới chết, con chưa xuống núi, cô ấy chăm sóc mẹ đó."
"Vậy hả mẹ. Nếu có người giúp đỡ, chăm sóc mẹ thì con đỡ lo."
"Cô ấy mồ côi cha mẹ, ở sát bên cạnh nhà mình. Tánh tình cô ấy hiền dịu mà lại đảm đang việc nhà nên mẹ thích cô ấy lắm. Để chiều nay mẹ gọi cô ấy qua chơi giới thiệu cho con biết trước khi con lên đường."
"Thôi, khỏi cần mẹ ạ."
"Đừng có sợ mà, trước sau gì cô ấy và con cũng thành vợ thành chồng mà. Biết trước cũng là hay hơn chứ."
"Cái gì? Mẹ đã chọn cô ấy cho con rồi sao? Con đâu biết cô ấy là ai, mặt mũi thế nào đâu!"
"Bởi vậy mới nói là để gọi cô ấy qua cho con biết mặt," bà vừa nói vừa cười sung sướng như thể chuyện thành thân của con bà và Liên đã là chuyện ăn chắc rồi vậy.
Mà bà tin như vậy cũng phải.
Liên có cảm tình với con bà ngay từ khi anh ta còn tu, nay biết anh ta hoàn tục, cô ta hẳn là phải thích ý rồi. Ngoài ra, nàng còn cảm thấy vinh dự khi được sánh duyên với chú rể là một người tu có đạo đức nổi danh trong làng ai cũng biết. Bà mở lời thì nàng sẽ nhận lời ngay, làm sao mà từ chối cho cam. Bà tính là trong vòng chiều hay tối nay bà sẽ gợi ý trước với Liên. Sau khi con bà từ chùa về, sẽ tiến đến việc tổ chức đám cưới. Chuyện hãy còn trong dự tính mà đã vui mừng khấp khởi, đến độ hầu như quên luôn cái chết đau thương của đứa con trai khác của mình cách đây chưa đầy một tháng.
Chú Tuấn cũng vậy, chú đã không khỏi nghe một nỗi xao xuyến lạ kỳ đong đưa trong tâm hồn mình. Chú không ngờ lâu nay tĩnh tu trên núi cao, cắt đứt những tham luyến thường tình của thế gian, vậy mà nghe mẹ khen ngợi một thiếu nữ và nói rằng sẽ cưới nàng về làm vợ mình, lòng chú đã thấy rung động, bâng khuâng khôn tả được. Chú như nhìn thấy được những chồi non của ái dục cùng một lúc trỗi dậy, vươn lên khỏi mặt đất phẳng lặng của tâm mình. Chú không hiểu sao chú lại có thể bị đánh bại một cách dễ dàng trước dục vọng, đối thủ hàng đầu của người xuất gia học đạo.
Chú đang băn khoăn với những rạo rực, những đổi thay rõ rệt của lòng mình thì nghe có tiếng gõ cửa. Chú giật mình đứng dậy, nhưng mẹ chú đã xua tay, nói:
"Con cứ ngồi đi, để mẹ ra mở cửa xem thử ai."
Khi mẹ chú đến nơi cửa, lòng chú bỗng hồi hộp, run bấn lên, như thể bà đang mở ra cho chú cánh cửa của một kho tàng bí mật. Chú bỗng linh cảm rằng người gõ cửa sẽ là thiếu nữ mà mẹ thường nhắc đến tên, và thiếu nữ đó sẽ là thiếu nữ mà chính chú đã bắt gặp lúc nãy khi chú đóng cửa. Chú nhìn theo mẹ, dán mắt vào cánh cửa, chờ đợi.
Quả nhiên, khi mẹ chú mở cửa ra thì Liên đang đứng đợi, hai tay nàng bưng một cái khay nhỏ thức ăn. Nàng đúng là người thiếu nữ mà chú đã nhìn thấy khi nãy. Nàng nói với mẹ chú những lời nhỏ nhẹ mà chú ngỡ như là mình vừa lạc vào một cõi trời nào đó và nghe được lần đầu âm thanh nhẹ nhàng thánh thót của tiên nữ trên ấy.
"Thưa bác, con đem qua chút ít thức ăn để bác và chú... dùng. Con biết bác và chú đang còn bối rối chuyện của em Tú nên chưa chuẩn bị được thức ăn thức uống trong nhà..."
"Ôi chao Liên à... con thật tốt bụng. Thật là phiền con quá. Bác có thể tự lo được mà. Thôi được, con đã có lòng mang qua, bác không dám từ chối. Cám ơn con. À này, sẵn đây bác giới thiệu con cho... Tuấn biết."
Nói rồi bà đón lấy khay thức ăn đặt lên bàn, kéo tay Liên bước vào trong nhà. Liên hơi níu lại, nhưng rồi cũng bước theo bà đến chỗ chú Tuấn đang ngồi.
"Tuấn con, đây là cô Liên mà mẹ nói với con lúc nãy đây. Liên thì biết con rồi, mẹ khỏi phải giới thiệu."
"Chào... chú."
Chú Tuấn ngượng ngập đứng dậy, mặt chú đỏ bừng lên, lúng búng nói:
"Chào... cô."
Bà mẹ cười tủm tỉm trước cảnh lần đầu tao ngộ của đôi trẻ. Rồi bà dắt tay đưa Liên đến bàn định mời nàng ngồi chơi nhưng Liên không ngồi, nàng tự nhiên đi xuống bếp lau chén đũa mang lên. Chú đứng chết trân nhìn theo dáng đi khoan thai uyển chuyển của nàng. Có một mùi thơm nhẹ thoang thoảng mà chú nghĩ là do nàng mang đến, làm ngây ngất tâm hồn chú. Trong phút chốc, chú thấy công phu học đạo của mình tan tành theo mây khói. Cuộc đời trước mặt chú, trước kia là một bể khổ mênh mông đầy sóng thì nay được phơi bày như một bức tranh nên thơ, tuyệt đẹp, không có bút mực nào tả xiết. Chú thấy trong lòng dâng lên một niềm rung động lâng lâng, nhẹ nhàng. Chú mỉm cười. Chú đón nhận cuộc đời một cách dễ dàng không thể tưởng.
Mẹ chú bắt được tia nhìn say đắm của con mình. Bà thầm cám ơn Trời Phật đã không ngăn cản mà còn khuyến khích con bà đáp ứng kỳ vọng của bà một cách không khó khăn, vướng mắc gì.
Liên sắp đặt mâm cơm với hai đôi đũa, hai cái chén trên bàn rồi nói:
"Mời bác với... dùng cơm," rồi cô nói nhỏ với mẹ chú rằng "con nghĩ chú ăn chay lâu năm rồi, bây giờ chú có về luôn không tu nữa thì cũng phải cần một thời gian mới ngã mặn được."
"Bác biết chuyện đó. Mà con cũng tinh ý nữa. Con thật trẻ mà chu đáo mọi bề. Này, con cũng ngồi ăn miếng cơm với mẹ con bác chứ. Sao chỉ lấy có hai chén hai đũa thôi?" Nói rồi, bà vội vã xuống bếp lấy thêm một chén và một đôi đũa nữa.
Trong lúc đó, Liên bới cơm vào chén. Xong nàng quay qua, thấy chú Tuấn vẫn còn đứng gần cuối phòng, mắt đăm đăm nhìn mình.
"Mời... chú."
Chú lúng túng, không biết nói gì.
"Lại ăn đi con, đừng để cô ấy nhọc lòng mời mãi," mang chén đũa từ bếp lên, bà mẹ chú vừa nói.
Chú theo mẹ bước đến bàn ăn. Liên định rút lui để hai mẹ con tự nhiên, nhưng thấy mẹ chú mang chén lên nên cũng chần chừ chưa quyết định. Mẹ chú nắm tay nàng giữ lại, bảo ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh bà. Chú Tuấn vẫn dán mắt nhìn nàng. Chú thấy nàng đẹp quá, không giống như những mô tả về nữ giới trong kinh điển mà chú từng đọc thấy. Không những từ thể chất qua làn da trắng hồng thơm tho của nàng mà ngay cả đến tinh thần của nàng nữa, chú như nhìn thấy, cảm thấy được cái vẻ trong suốt sáng ngần như pha lê hay như giọt nước cam lồ trong vắt từ bình tịnh thủy của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Chú không thấy gì là bất tịnh, là ô uế, là tạp nhiễm, là cấu bẩn... nơi con người nàng cả. Ngược lại, chú thấy nàng là hiện thân của những gì cao đẹp, thánh thiện, trong sạch nhất của cuộc đời.
Mẹ chú đã dự tính là sẽ nói chuyện, gợi ý riêng với Liên rằng bà muốn cưới nàng cho chú Tuấn. Nhưng bỗng dưng, trước sự đắm say say đắm nhau thấy rõ giữa đôi trẻ, bà thấy không cần phải úp mở gì nữa. Bà muốn nói ngay những gì bà mong ước, ngay bây giờ, chứ không còn dịp nào tốt hơn, vì ngày mai con bà sẽ phải lên đường về chùa để xin xả giới. Một hứa hẹn tuy chưa có sự chính thức thừa nhận của làng xã xóm giềng bằng một lễ cưới nhưng cũng tạo đủ sức mạnh để lôi kéo đứa con trai cưng của bà quay trở lại cái tổ ấm nầy.
Nghĩ vậy rồi, tay phải cầm tay Liên, tay trái cầm tay chú Tuấn, bà nói:
"Sáng sớm ngày mai Tuấn lên đường rồi," (bà nói ngang đây thì Liên sửng sốt trố mắt nhìn bà rồi quay sang nhìn Tuấn), "mẹ muốn trước khi Tuấn đi, hai con ngay trước mặt mẹ, hãy hứa với nhau một điều là sẽ trở thành vợ chồng của nhau, chung sống với nhau tới ngày răng long tóc bạc. Mẹ thấy hai con rất xứng với nhau, không thể chọn lựa được người nào khác hơn nữa. Thương mẹ, hai con hãy nói cho chính tai mẹ nghe lời hứa của hai con. Nào, Tuấn, con là trai, con hãy nói trước. Nói đi, hứa đi. Con có muốn cưới Liên làm vợ không?"
Mặt chú Tuấn đỏ bừng bừng lên. Chú không ngờ mẹ lại đặt mình vào một tình thế gay cấn như vậy. Dĩ nhiên là chú bằng lòng rồi, nhưng ai lại đi hỏi thẳng thừng trước mặt nàng, làm sao mở miệng được. Chú lúng túng, chẳng biết làm sao. Liên cũng e thẹn cúi mặt xuống như muốn lẩn trốn, dù rằng trong lòng nàng thật sung sướng.
Mẹ chú nhắc lại:
"Tuấn, con không thương mẹ sao? Con đã nói là con sẽ không từ chối chuyện đó mà. Hứa với mẹ đi nào."
Ngập ngừng một chốc chú mới nói:
"Đâu có biết ý của... ra sao?"
Bà mẹ liền quay qua Liên. Nàng đang bẻn lẻn vân vê góc áo bà ba của mình.
"Liên con, Tuấn muốn biết ý của con rồi mới dám hứa. Vậy con nghĩ sao? Con có đồng ý là sẽ làm vợ của Tuấn không?"
Liên thẹn thùng, nhưng cũng biết đây là cơ hội tốt của nàng và Tuấn, nàng mạnh dạn nói:
"Con muốn biết là... đi đâu sáng mai cái đã."
"À, lên chùa xin xả giới. Tuấn sẽ đi trong ba ngày thôi, sẽ quay lại và chúng ta sẽ tiến hành việc tổ chức đám cưới. Bác muốn biết trước ý của con và Tuấn hôm nay trước khi Tuấn lên đường."
"Dạ... nếu chú đi rồi quay trở lại thì... thì con xin hứa."
"Thấy chưa, Tuấn. Liên đã thuận hứa rồi đó. Con sao, con có đồng ý cưới Liên làm vợ không?"
"Dạ... con hứa."
Bà mẹ nắm tay đôi trẻ đặt vào nhau. Hai cánh tay hơi rút lại lúc đầu nhưng rồi cũng đi theo chiều kéo của bà mẹ, tìm đến nhau. Hai bàn tay nắm lấy nhau một lúc bỡ ngỡ. Chú Tuấn nghe như có luồng điện chạy rần rần vào tim mình. Chú nhìn thẳng vào mắt Liên, không e dè nữa. Liên cũng mạnh dạn, ngước nhìn chú, rồi chớp chớp đôi mắt. Hai bàn tay im lặng. Hai trái tim lên tiếng rộn rã. Bà mẹ nói:
"Hai con đã hứa trước mặt mẹ rồi. Vậy kể từ hôm nay, duyên vợ chồng coi như đã thành. Mẹ vui mừng đón nhận Liên vào gia tộc nầy."
Nói đến đó, bà mẹ thả tay đôi trẻ ra. Liên định rút tay về nhưng thấy tay Tuấn cứ nắm chặt lấy tay mình nên cứ để yên như vậy, chờ đợi. Thấy mẹ tủm tỉm cười, chú giật mình buông vội tay Liên ra, rút về. Chú và Liên nhìn nhau, cảm thấy mình đã là sở hữu của nhau rồi.
Sau bữa ăn, Liên trở về nhà nàng và lo chuẩn bị chút thức ăn để làm hành trang cho người chồng tương lai của mình lên đường vào sáng sớm ngày mai. Lòng nàng vui rộn rã, nàng thức luôn cả năm canh để mơ mộng, suy tưởng về cuộc sống chung đang cận kề của nàng và chú Tuấn, một chàng trai hiền lành, đẹp trai, đạo đức mà nàng hằng ôm ấp hình bóng từ mấy năm nay.
Chú Tuấn cũng không ngủ được. Buổi tối ngồi tham thiền, quán tưởng, chú chỉ thấy hình bóng Liên với môi cười tươi như một đóa hoa, với mắt sáng long lanh và hiền như mắt nai, với bàn tay mềm mại, với làn tóc óng ả, với giọng nói thanh tao dễ mến... Hình ảnh nàng chiếm đoạt cả tâm tư chú trong suốt những giờ ngồi thiền. Chú mong cho đến sáng để được nhìn lại nàng lần nữa trước khi lên đường.
*
Chùa vắng tanh như chùa hoang. Lâu lắm chú mới về thăm lại chùa nên thấy cảnh chùa có vẻ khác lạ. Tuy nhiên, những kỷ niệm xa xưa cũng trỗi dậy, làm chú thoáng thấy buồn trong lòng. Chú bước nhanh hơn về phía phương trượng để bái kiến thầy và cũng để đánh tan đi những lưu luyến mà chú nghĩ là vô ích vừa mới dâng lên trong lòng.
Thầy đang ngồi tĩnh tọa trên bồ đoàn, thấy chú bước vào, gật gù hỏi:
"Thiền sư xuống núi có duyên sự gì lớn lao lắm hả?"
Chú Tuấn ngượng ngập một lúc, sụp lạy ba lạy rồi quỳ thưa:
"Bạch thầy, gia đình con chỉ còn mẹ già và một đứa em trai. Tháng rồi em con bị rắn độc cắn chết khi đang đi đốn củi, mẹ con yêu cầu con hoàn tục để lo việc nối dõi tông đường."
"Đau xót thay cho con! Vậy, con tính xin xả giới hôm nay, phải không?"
"Bạch thầy, phải. Con xin thầy cho con xả giới."
"Thầy làm chứng cho rồi, giới đã xả, con yên tâm lo về phụng dưỡng mẹ già và lo việc gia tộc."
Chú Tuấn lại lạy thầy ba lạy, nước mắt chú rơi xuống đất. Ngày đầu tiên lạy thầy để xuất gia, chú đâu có khóc như vậy.
"Đừng khóc con ạ. Con hẳn biết nghiệp quả của mỗi người là cái do chính người ấy tự tạo và tự lãnh thọ. Không có gì rơi ngoài vòng nhân quả. Con hãy về ngay bây giờ đi. Ta không muốn con ở lại chùa đêm nay."
"Bạch thầy, vì sao? Con muốn ở lại một đêm cuối cùng bên thầy để được chỉ giáo trước khi quay về với thế tục. Xin thầy cho phép."
"Không. Ta không cho phép. Ta muốn con về ngay lập tức, không nên nấn ná."
Biết thầy đã dứt khoát, chú đành lạy dài rồi thưa:
"Dạ, bạch thầy con về," chú lại sa nước mắt. Bước đến cửa, chú sực nhớ điều gì đó, liền đứng lại, hỏi thầy:
"Bạch thầy, tại sao con tu tập thiền định đã gần bảy năm rồi mà cho đến bây giờ con vẫn chưa thoát ly được ái dục?"
Vị thầy không trả lời câu hỏi, chỉ nghiêm sắc mặt nói rằng:
"Về đi!"
Chú quày quả lui ra, rời chùa lập tức. Chú lủi thủi bước đi, lòng cứ thắc mắc sao thầy lại xua mình về sớm.
Chú đi suốt đêm không dừng nghỉ, một phần vì mong gặp lại mẹ già và người vợ sắp cưới, một phần vì nghi ngại là trong sự xua đuổi của thầy có lý do gì liên quan đến mẹ mình ở nhà.
Ngày hôm sau chú đã về đến đầu làng. Từ xa, chú thấy khói đen mịt mù trong khắp xóm làng. Chú kinh hãi, thầm nghĩ: "Chắc có tai biến gì cho làng rồi!" Nghĩ vậy, chú vụt chạy nhanh vào làng. Hai bên đường, chú thấy nhà cửa xác xơ tiêu điều. Có nhiều tiếng than khóc, nghe rất sầu thảm. Chú vừa chạy vừa hồi hộp lo sợ cho mẹ già và Liên. Chú tính dừng chân hỏi thăm những người than khóc, nhưng đôi chân chú không chịu dừng, nó như muốn kéo chú đi thật nhanh về nhà mình.
"Mẹ! Mẹ ơi!" chú vừa hét lên vừa xông vào căn nhà cháy rụi của mẹ. Chú tìm không thấy mẹ đâu cả. Chú hốt hoảng chạy ra khỏi nhà, tìm qua nhà của Liên bên cạnh. Nhà Liên gần bên nhưng cũng cách một bờ rào và khoảng vườn giữa hai nhà nên khuất sau những tàng cây. Vào đến sân nhà của nàng, chú mới biết là nhà nàng cũng bị đốt cháy như nhà mình. Chú tính xô cửa vào nhà nàng thì sực nhìn thấy mẹ mình đang nằm dưới đất, mặt mày lem luốc cháy nám. Một cây cột ngã xuống đè ngang ngực bà. Chú vội đỡ cây cột lên, lay gọi mẹ. Mẹ chú sắp tắt thở rồi. Với hơi thở thì thào, bà nói:
"Cướp bóc... hãm hiếp... cả làng bị tai họa. Liên... Liên bị... nên nó tự tử rồi. Nó... chết rồi, trời ơi! Con dâu của mẹ. Con ơi! Sao gia đình ta tan nát thế này... hở con?... (nghẹn ngào một lúc, bà tiếp) À, mẹ nghĩ ra rồi, mẹ hiểu rồi... ôi, tất cả đều như thế. Con à, con đã hứa là không để dòng họ bị tuyệt tự... phải không? Nhưng hôm nay, mẹ xả bỏ lời hứa cho con, mẹ không buộc con phải giữ lời hứa đó. Tất cả chỉ là những trò bày vẽ của thế gian... Con là người xuất gia, con đã chọn đúng đường đi của mình. Con không cần phải quay về để làm những chuyện của thế tục... Hơn nữa, con và Liên đã hứa trước mặt mẹ là trở thành vợ chồng của nhau. Tuy hai con chưa thực sự chung sống nhưng nghĩa vợ chồng và lời kết ước thề nguyện của hai con chẳng phải phút chốc mà quên, mà xóa đi được. Do đó, mẹ yêu cầu con hãy quay trở về chùa với thầy con. Về mặt thế tục, đó cũng là cách tỏ tấm lòng thủy chung của con đối với nàng; về mặt tu hành, cũng là sự lựa chọn tốt đẹp cho đời con. Mẹ yên tâm nhắm mắt nếu con trở lại với thầy tổ chứ không muốn con dấn bước trở lại với dòng đời hỗn mang này để làm cái chuyện nối dõi tầm phào. Thế gian này chẳng có gì tồn tại lâu dài... không có gì đáng để luyến tiếc, vậy thì nối dõi đâu có nghĩa gì, con thấy không?"
Chú chỉ ôm mẹ mà lắng nghe, nghẹn ngào không nói được một lời. Đau khổ tột cùng. Chú chưa bao giờ cảm nhận được một nỗi đau khổ to lớn đến mức độ này. Chú ngồi với mẹ mà khóc rưng rức. Nhìn thi thể mẹ, nghe giọng nói thì thào của mẹ, chú biết mẹ sẽ chẳng còn sống bao lâu. Chú chia xẻ niềm đau với mẹ bằng sự im lặng và vòng tay của chú để tiễn đưa bà đi về thế giới khác. Một lúc lâu, chú mới thức tỉnh rằng chú nên niệm Phật lớn tiếng để cầu nguyện cho mẹ. Mẹ chú chớp chớp mắt nhìn, không nói, đưa tay chỉ vào nhà trong. Chú biết bà muốn nói gì. Có lẽ thi thể của Liên ở trong đó. Mẹ chú muốn chú đem xác nàng ra để bên cạnh bà để chú ngồi niệm Phật cho cả hai người. Chú tạm rời mẹ, mở cửa ra nhìn vào. Liên treo cổ chết trên cây đà ngang duy nhất còn lại trong căn nhà cháy rụi. Xác nàng thâm đen, treo lủng lẳng, đôi mắt sáng đẹp và hiền như nai của nàng trợn trừng lên; lưỡi nàng lè ra, tím ngắt; đôi môi tươi hồng của nàng cũng đã biến thành bầm xanh. Chú đau xót gỡ nàng xuống. Ẵm nàng ra ngoài, đặt bên cạnh mẹ. Mẹ chú đưa tay qua, cầm lấy tay Liên, ứa nước mắt. Rồi bà nói với chú:
"Không cần phải nối dõi tông đường. Đừng phụ tình của Liên. Hãy chôn mẹ và nàng bên nhau, cạnh mộ của Tú."
Đó là những lời cuối cùng của bà.
*
Tuấn chôn cất mẹ và Liên trong khu đất nghĩa trang, gần mộ của Tú. Nhiều người trong làng cũng lo chôn cất người thân của họ. Không ai màng để ý đến chú.
Chôn cất mẹ và Liên xong rồi, chú cứ quanh quẩn bên mộ của cả ba người để niệm Phật cầu nguyện và thiền quán, chẳng muốn rời đi. Suốt cả tuần lễ như vậy mà chú vẫn không ăn không ngủ được. Cho đến đêm thứ tám, chú mới mệt mỏi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, chú thấy mình đang chèo một chiếc thuyền bé tí trên giòng sông cuồn cuộn sóng. Mẹ, Tú và Liên đều từ nơi bờ xa vẫy tay với chú. Nhưng ba cách vẫy mang ba ý nghĩa khác nhau. Tú vẫy tay như giã từ chú; Liên vẫy tay như kêu gọi chú đến với nàng; còn mẹ chú thì như xua tay bảo chú đừng tấp vào bờ. Đang phân vân với ba cách vẫy tay của ba người thì chiếc thuyền con của chú đụng phải đá ngầm, vỡ toang. Chú kinh hãi thức giấc.
Mặt trời đã lên cao. Chú dụi mắt một lúc mới tỉnh trí để nhận biết chú đang ở đâu. Chú tiếp tục ngồi thiền nhưng hình ảnh ba người thân cứ lởn vởn trong tâm chú. Cuối cùng, chú sực nhớ tới thầy. Phải, thầy có linh giác để đoán biết một sự việc bất tường xảy ra cho gia đình chú. Thầy bảo chú về gấp là để nghe những lời cuối cùng của mẹ. Chú ôn lại lời mẹ dặn. "Con là người xuất gia, con đã chọn đúng đường đi của mình." Chú vội vàng đứng dậy. Lạy mộ mẹ ba lạy, từ giã Tú và Liên với giây phút ngậm ngùi rồi lên đường.
*
Tuấn bước vào phương trượng, thấy thầy vẫn ngồi trên bồ đoàn. Không nói một lời, chú sụp lạy thầy. Nước mắt chú rơi xuống nền đất. Lạy xong ba lạy, chú quỳ thưa:
"Bạch thầy, sao con tu tập thiền quán đã gần bảy năm rồi mà vẫn chưa thoát được những đau khổ thường tình của thế nhân?"
"Hãy ra ngoài mà quét sân đi," thầy chỉ nói với chú như vậy.
Chú lại lạy thầy ba lạy rồi lui ra. Vừa đi, chú vừa suy gẫm lời thầy. Có lẽ thầy muốn nói rằng quét sân chưa sạch thì đừng toan tính đến chuyện vào rừng lên non để làm chàng ẩn sĩ.
Chú bước ra sân. Lá hãy còn rụng đầy mà chưa ai quét. Chú nhớ có lần thầy dạy chú rằng hãy xem lá đa rụng ở vườn chùa như là những phiền não tham lam, sân hận, si mê nơi chính vườn tâm mình. Quét lá và rác rưởi cũng chính là quét đi những cấu bẩn của tự tâm: không để cho bất cứ một ngọn lá hay một cọng rác nhỏ nào sót lại thì mới tạo ra được một khu vườn sạch đẹp.
Có một cây chổi nằm trơ dưới đất, bị lá đa phủ lấp đi một nửa. Chú đến nhặt lấy cây chổi, cầm trên tay một lúc để nhớ lại bài nguyện nói về quét sân chùa mà lâu lắm rồi vì không quét sân nên chú không đọc tới. Chú vẫn chưa quên bài nguyện.
Gió thổi qua vườn chùa làm rụng thêm nhiều chiếc lá vàng khô. Chú nhìn cái sân ngập lá mà vẫn thấy tâm mình thanh thản, nhẹ nhàng như được trở lại cái thời thơ ấu mới xuất gia năm xưa. Chú bắt đầu quét lá.