Hồi 7
Tác giả: Vô Danh
Nói về chàng Phương Quang Diệm, con trai Phương Kế Võ cũng là học trò của Địch Long Tuấn, nay chàng học tập võ nghệ đã thành công nên được thầy giao cho thanh kiếm để hạ san giúp Liễu Tinh Đởm một tay trừ kẻ thù là Không Nham hòa thượng ở Ngọc Long tự.
Dặm trường lững thững, ngày kia Phương Quang Diệm đi đến một nơi rừng núi hoang vu không biết thuộc vào địa hạt nào, vì chàng là con nhà phú quý chưa từng đem thân giang hồ lữ thứ bao giờ nên dọc đường chỉ mải ngắm phong cảnh nơi tha hương khách địa mà tầm mắt chàng chưa hề thấy lần nào thành thử không nhìn phương hướng đi lạc lõng đến đây. Nhưng cũng không để ý cứ cắm cúi đi mãi từ sáng đến đến trưa không gặp hàng quán nào vào ăn uống, may chàng có tài thần xạ nên mang sẵn cung tên bên mình vừa đi vừa bắn chim chóc được rất nhiều gà rừng, công, trĩ.
Trời vừa đứng bóng trưa, Phương Quang Diệm lên một ngọn đồi ngồi nghỉ mát dưới gốc cây như đám lộng che. Chàng thấy đói bụng, nhân có lũ gà rừng bắn được đó bèn vặt lông một con, vun những cành cây khô, nhóm lửa lên nướng gà, lúc chín mùi thơm tho, chàng xé ra ăn rất ngon lành, trong phút chốc đã hết con gà, trong lòng khoan khoái cho là thú vị hơn khi ở nhà.
Nhìn sang ngọn đồi bên kia, Phương Quang Diệm thấy một thiếu nữ cầm ngọn đinh ba đuổi theo con nai lớn như con ngựa, nàng chạy lên núi xuống ngành nhanh như gió, sắp đuổi kịp con nai chỉ còn cách xa chừng mười mấy thước, Phương Quang Diệm biết thiếu nữ bản lãnh cao cường có thuật phi hành khác thường.
Nhân khi ngẫu hứng, Phương Quang Diệm đứng trên ngọn đồi giương cung đặt tên nhắm con nai bắn một phát, tuy một quãng đường xa chừng nửa dặm mà trúng đầu, nai ngã gục xuống.
Kế đó thiếu nữ đến nơi phóng luôn một mũi đinh ba vào bụng con nai giẫy giụa chết. Thiếu nữ thấy mũi tên lấy làm lạ, ngước mặt nhìn lên ngọn đồi xa tít thì thấy một chàng thiếu niên, nàng kinh ngạc khi thấy thanh niên không những có tài thần xạ lại có sức mạnh vô cùng mới bắn được xa như thế.
Phương Quang Diệm thấy đã bắn chết con nai, chàng rất vui mừng vội vàng chạy xuống chân đồi, khi đến nơi thấy thiếu nữ bận quần áo võ trang màu lục, thắt dây lưng đỏ thắm, đầu cũng bịt khăn màu lục, cắm quả cầu màu đỏ ở mang tai, chân đi giày thêu bông sen vàng, mình đeo thanh bảo kiếm, coi dung nhan thì xinh đẹp tuyệt vời mày liễu, mắt hạnh mũi cao, môi thắm, hàm răng đều đặn như hàng ngọc vụn, khuôn mặt thon trái xoan, nước da mịn trắng như trứng gà bóc, vẻ thật là hoa nhường nguyệt thẹn, cá lặn nhạn sa. Nhưng ngoài sự xinh đẹp lại có vẻ trai tơ, đôi mắt nàng liếc tình coi rất phóng đãng không phải trang danh lưu khuê các.
Nguyên thiếu nữ họ Lương tên Ngọc Nga, hiệu là Hồng Phấn Hồ Ly, vì tâm tính nàng phóng đãng dâm ô nên người ta đặt cho cái hỗn danh đó. Lương Ngọc Nga lại có người chị là Lương Ngọc Tiên nhan sắc cũng xinh đẹp như em, vì cành một cây nên tính tình dâm đãng như nhau, người ta cũng đặt cho cái hỗn danh là Yên Chi Điêu Thử. Hai chị em họ Lương là con của một tên chúa đảng cường đạo Lương Phi Sơn xưa kia đã gây ra bao huyết án trên chốn giang hồ. Triều đình đã cho các quan địa phương tầm nã ráo riết cũng không được, thực là nghênh ngang dưới mắt không biết đời có ai. Sau nhờ tay đại hiệp Địch Long Tuấn trừng trị.
Lương Phi Sơn phải trốn đến Tảo Tùng Lâm, khu rừng này thuộc địa hạt Hồ Nam, lên chiếm Ma Vân Lãnh, tụ tập rất nhiều quân chỉ chuyên nghề bóc lột hành khách qua lại. Nay vợ chồng Lương Phi Sơn đã qua đời để lại hai đứa con gái là chị em nàng Lương Ngọc Tiên, Lương Ngọc Nga thay nghề của cha mẹ lại trấn thủ Ma Vân Lãnh.
Hai chị em nàng lại tính tình rất phóng đãng, hễ gặp thấy trai xinh đẹp thì tâm hồn điên đảo, đến cho chết ngay cũng không từ, thực là một thói xấu xa vô cùng ấy cũng bởi cách tàn bạo của Lương Phi Sơn khi trước nên mới báo ứng ra hai đứa con gái xấu xa như thế.
Sở dĩ cha con họ Lương chiếm cứ ở khu Tảo Tùng Lâm này mấy chục năm trời cũng là nhờ oai Không Nham hòa thượng, vì Lương Phi Sơn là sư đệ của hòa thượng trước thì bọn cường đạo, thảo khấu ở các nơi mới sợ không dám xâm phạm, vả lại chị em họ Lương cũng là tay tài giỏi vô cùng.
Lúc ấy Ngọc Nga thấy Phương Quang Diệm là một chàng thiếu niên xinh đẹp lạ thường, mày tằm mắt phượng, mũi thẳng miệng vuông, mặt trắng như điểm phấn, môi đỏ như tô son chẳng kém gì gã Phan An chàng Tống Ngọc đời trước sống lại, làm Lương Ngọc Nga đứng đờ ra nhìn không chớp mắt.
Phương Quang Diệm mải nhìn con nai thích chí không để ý đến nàng cứ nghiễm nhiên nói :
- Con nai nầy tức là vật của tôi bắn được, xin cô nương trả lại cho.
Như muốn trêu ghẹo, Lương Ngọc Nga nói :
- Chàng nói mới lạ, ta đã dụng công săn mãi nó mới đến đây mới đâm chết sao lại nhận là vật của chàng được?
Phương Quang Diện tức mình cãi lại :
- Thật cô đâm chết chứ nếu ta không bắn thì sao nó đã chịu ngã xuống?
Thấy chàng đang vặn lý, Lương Ngọc Nga chọc tức để thử tài chơi liền nói :
- Ta cấm anh không được nói nhiều lời, những loài cầm thú trong khu rừng này tức là của ta hết, anh dừng hòng đòi, ta có thể bắt anh phải đền mạng con nai này, đố anh dám rờ vào đó?
Thấy nàng nói bướng, Phương Quang Diệm nổi giận trợn mắt nói :
- Nàng là một người quần vận yếm mang, có tài cán gì mà dám khoe miệng nào, ta thử lấy con nai chơi xem làm gì nổi?
Dứt lời Phương Quang Diệm bèn túm lấy hai cẳng con nai nặng hơn năm trăm cân, vì nó to như con ngựa rồi quay người đi.
Lương Ngọc Nga thốt nhiên nổi giận quá :
- Ngươi chớ chạy vội, hãy coi ngọn đinh ba của ta ném lòi ruột ra đã.
Tức thì Lương Ngọc Nga lao ngọn đinh ba đang cầm trong tay vào người Phương Quang Diện.
Chàng ngoảnh lại vội né mình tránh khỏi, ngọn đinh ba cắm phập xuống mặt đất. Phương Quang Diệm cả giận liền ném con nai vào mặt Lương Ngọc Nga.
Nàng không chút sợ hãi bắt lấy con nai, ném trả lại, chàng biết là nàng có sức mạnh vô cùng vội nhảy sang một bên tránh con nai.
Không ngờ Lương Ngọc Nga đã dùng chiêu “Bả Áp Xuyên Liêu” nhảy xả vào đánh.
Phương Quang Diệm biết nàng là tay lợi hại bèn dùng chiêu “Động Tĩnh Công Thủ” phá chiêu ấy.
Lương Ngọc Nga lại dùng luôn chiêu “Khấn Đàn Trảm Kiếm” sấn đến.
Phương Quang Diệm cũng giở chiêu “Cử Thủ Triều Thiên” lên nghinh địch.
Lương Ngọc Nga biết chàng chẳng phải tay vừa liền dùng một chiêu rất mạnh là “Trực Tiến Bình Dương” phóng đánh vào giữa ngực chàng.
Phương Quang Diệm lại đổi sang chiêu “Hoàng Oanh Ẩm Thủy” chống cự lại.
Kế đó cặp trai gái trổ hết tài nghệ phấn đấu trên bãi cỏ xanh, xoay đi đảo lại coi rất dữ dội, hai người đều gìm nhau từng ly từng tí, vì đều là tay tài giỏi gặp nhau, nếu để hở cơ ắt bị thiệt mạng.
Lương Ngọc Nga lúc ấy mới biết Phương Quang Diệm là tay kịch liệt, phải trổ tài thủ đoạn mới được mong thắng lợi, nàng liền trá bại quay người chạy.
Chàng vội đuổi theo sau, trong khi bất phòng nàng lấy quả phi tiêu ném vèo trở lại nhanh như gió, may chàng là người nghệ cao mắt rất tinh tường liền hét lên một tiếng bắt quả phi tiêu ném trở lại, nàng biết ý tránh ngay được.
Lương Ngọc Nga thấy ám toán không nổi thì rất kinh hãi, lại rút thanh kiếm ở cạnh người ra xung đột.
Phương Quang Diệm cũng rút nhanh thanh kiếm ra kháng cự.
Thành thử hai người lại múa kiếm tranh đấu, lần nầy càng hăng hái hơn trước nhiều. Hai người càng đánh càng thấy tinh thần hăng hái, những làn kiếm quang tỏa lẩn dưới ánh nắng sáng chói lòa cả mắt cuộc đấu võ nầy rất mãnh liệt, tiếc rằng bọn khách trần tuyệt nhiên không ai thấy, họa chăng mấy vị thần rừng núi được xem rõ. Phút chốc đã được vài trăm hiệp mà chưa phân thắng bại.
Lương Ngọc Nga tự nghĩ nếu cứ chống chọi với chàng e xảy ra sự nguy hiểm vì hai bên đều không chịu kém nhau, âu là trá bại nhử về chân núi sẽ dùng mưu bắt sống, Lương Ngọc Nga nghĩ vậy chém bậy một phát quay đầu chạy, vừa chạy nàng vừa nói chọc tức :
- Ngươi khôn hồn mau trở lại chớ theo ta mà chết uổng mạng.
Phương Quang Diện cả giận quát :
- Con tiện tỳ, ta đố ngươi trốn đâu cho thoát, nếu ta không bắt được ngươi thề không là kẻ đường đường nam tử.
Phương Quang Diệm tức tốc đuổi theo sau Lương Ngọc Nga, chàng vừa chạy vừa đề phòng nàng phóng ám khí, vòng quanh qua mấy khu rừng và mấy ngọn núi lớn, đến một nơi có mấy cây táo mọc um tùm che lấp cả đường lối, thảo nào tục gọi là Tảo Tùng Lâm, Phương Quang Diệm theo đến đây bỗng không thấy Lương Ngọc Nga đâu, chàng sục sạo tìm trong những gốc táo chợt thấy bóng nàng ở phía xa chàng lại cố đuổi theo riết một quãng thì nàng đứng lại múa kiếm với chàng vài chục hiệp nữa rồi quay đầu chạy quanh co hết chỗ này sang chỗ kia.
Lương Ngọc Nga bèn đứng dừng lại cười nói :
- Ngươi đã đến ngày tận số nên dám theo ta đến chỗ này.
Dứt lời, Lương Ngọc Nga lại quay đầu chạy vào phía trong rừng táo.
Phương Quang Diệm đang cơn tức giận không thèm trả lời cứ đuổi theo, không ngờ đến một nơi bị sụt xuống dưới hầm sâu thăm thẳm, tức thì những móc câu liêm treo sẵn dưới ấy móc chặt vào quần áo, chàng càng cục cựa mạnh càng móc sâu vào tận thịt, không sao thoát khỏi được.
Lương Ngọc Nga đứng trên miệng hầm nói khẩu hiệu, bỗng thấy bọn lâu la nấp trong bụi táo đổ ào ra chỉa móc câu liêm xuống kéo chàng lên lấy các sợi dây trói chặt lại.
Chàng trợn mắt quát mắng bọn lâu la om sòm, lúc ấy chúng giật thanh kiếm ở tay chàng đưa cho Lương Ngọc Nga, nàng cầm xem biết là thanh kiếm báu bèn dắt vào cạnh người rồi bước đến gần Phương Quang Diệm cười lạt nói :
- Bây giờ chàng đã thân cá chậu chim lồng, quyền sống chết ở trong tay ta chàng định sao?
Phương Quang Diệm thốt nhiên nổi giận đùng đùng mắng :
- Con tiện tì, ta không ngờ con người như thế mà làm cường dạo để mạ danh muôn thuở, ta sa cơ là lỡ ý chứ không phải kém tài thua sức vậy người hãy cứ giết ta đi, ta thề không sợ chết.
Lương Ngọc Nga láy lại lời chàng :
- Không hề sợ chết thì ngươi hãy coi lưỡi kiếm của ta đây.
Lương Ngọc Nga liền rút thanh kiếm sáng loáng kề vào cổ Phương Quang Diệm, không dè chàng không chút sợ hãi cứ điềm nhiên chịu chết, bỗng nhiên nàng dừng hẳn tay lại tra thanh kiếm vào vỏ nói :
- Ta khen chàng can đảm, nhưng lại rất ngu si đến như loài giun dế còn muốn sống nữa là người, thôi ta hãy tha cho chàng sống thêm giây khắc để giải về sơn trại cho chủ ta định đoạt.
Kỳ thực Lương Ngọc Nga thấy mặt mũi Phương Quang Diệm xinh đẹp như ngọc thì lửa tình dục đã thiêu đốt trong lòng nên không thể nào đang tay chém chàng được, đành một mặt sai lâu la áp điệu chàng lên núi, một mặt sai đi khiêng con nai săn được hồi nãy về.
Phương Quang Diệm bị áp giải lên Ma Vân Lãnh thấy đường lối quanh co khúc chiết, quả núi cao giáp tầng mây, coi thế viện ác hiểm thực là nơi thuận lợi cho bọn cường đạo tụ tập. Sau khi áp giải chàng vào tòa Tụ Nghĩa đường thấy cảnh bày bố oai nghiêm, bọn đầu mục đeo kiếm đứng sắp hàng hai bên, chính giữa ngồi một viên nữ tướng y phục chỉnh tề tức là nàng Lương Ngọc Tiên chị Lương Ngọc Nga, hình dung cũng lộng lẫy như em thực là một trang sắc nước hương trời, ắt hàng ngàn vàng không mua được, chỉ tiếc rằng cũng vẫn có vẻ lẳng lơ.
Khi ấy bọn lâu la bắt Phương Quang Diệm quỳ xuống, nhưng chàng cứ đứng sừng sựng trợn mắt quát mắng lại bọn lâu la.
Lương Ngọc Tiên ngồi trên bệ cao thấy vậy cả giận quát hỏi :
- Quân tội đồ nào đó? Sao dám vô lễ trước mặt ta? Tả hữu đâu mau nọc nó ra đánh ba mươi côn cho ta!
Dứt lời cặp mắt phượng xếch ngược tỏa ra hai luồng điện sáng quắc coi rất ghê người, đồng thời mấy tên lâu la xông vào định nọc chàng xuống đánh.
Lương Ngọc Nga ngồi cạnh đấy, vội đứng dậy bảo bọn lâu la hãy khoan, rồi nàng ngoảnh lại nói với chị :
- Thưa chị hãy khoan đã, chàng thanh niên nầy là một tay bản lãnh cao cường ta chớ nên dùng thủ đoạn tàn nhẫn quá, âu là ta hãy thâu nạp chàng làm bộ hạ để thêm vây cánh.
Nói đoạn Lương Ngọc Nga thuật rõ chuyện đi săn nai vừa rồi gặp chàng cho chị nghe.
Dường như bị một luồng điện thu mất hồn, vì lúc nầy Lương Ngọc Tiên mới trông rõ mặt mũi Phương Quang Diệm xinh đẹp như khối ngọc dương chi, từ trước đến giờ chưa từng thấy người con trai nào phong lưu tuấn nhã đến thế, bất giác nàng nhìn chàng dăm đăm, chỉ muốn chiếm đoạt cho bằng được nên khi nghe lời em bảo chàng trai võ nghệ cao cường thì vội thích chí nói :
- Thế ra chàng cũng là tay anh dũng, ta xin nghe lời em thu đụng làm kẻ tâm phúc vì trên sơn trại đây đang cần thêm người để thêm lực lượng và vây cánh.
Khẽ nhìn Phương Quang Diệm, Lương Ngọc Tiên lấy lời êm ái nói :
- Chàng tên họ là gì? ấy cũng may cho chàng gặp được em ta là người nhân đức bảo ta thu nhận chàng làm thủ hạ lại xin tội cho chàng, vậy chàng hãy nói rõ lai lịch cho hai chị em ta nghe rồi ta sẽ sai thủ hạ cởi trói cho.
Nộ khí xung thiên Phương Quang Diệm trợn mắt nói :
- Hay cho lũ cường đạo vô liễm sỉ chúng bây thớ hòng mua chuộc lòng dạ ta, có khi nào ta chịu theo hai con tiện tì làm điều nhơ nhuốc. Còn như chúng bây muốn biết tên họ ta tức là Phương Quang Diệm con trai Phương Kế Võ ở Sơn Tây lại là học trò Địch Long Tuấn, nay chúng bây bắt được thì cứ đem giết đi hay có sợ thì thả ta ra, nếu không chẳng khỏi chết về tay sư phụ và cha ta sau nầy.
Kinh hồn, chị em họ Lương nghe lời chàng nói là con trai Phương Kế Võ, là học trò Địch Long Tuấn thì rất khiếp hãi, vì Phương, Địch hai người là tay cừu địch của Lương Phi Sơn cha hai nàng khi xưa, nhưng hai nàng cũng không hề thù oán bởi cả hai đã bị sắc đẹp chàng chinh phục rồi, lúc ấy Lương Ngọc Nga lại kiếm lời hòa nhã nói :
- Dẫu cho thảo mộc vô tri còn tham sống huống hồ loài người, vả chăng chị em ta vì ái ngại tài nghệ của chàng nên tha thứ không sợ gì ai, nhưng khi nghe nói là con trai Phương lão anh hùng và học trò Địch Long Tuấn thì chúng ta càng thêm cảm kích, nên quyết giữ cho được chàng ở đây, chàng đừng nên trái ý hãy nghe theo thì sẽ được sung sướng không biết nhường nào.
Không hề chuyển ý Phương Quang Diệm vẫn cương quyết nói :
- Chớ nhiều lời vì hai tai ta trong sạch không muốn nghe những sự nhơ nhuốc. Ta lấy làm hổ thẹn cho chị em ngươi thanh lịch như thế, không biết điếm nhục chịu làm cường đạo để ô danh muôn đời còn dám khuyên bảo ta làm điều càn bậy, quyết không khi nào ta chịu, thà chết còn hơn để nhục đến tiền nhân.
Thấy chàng cương quyết biết không thể khuyên dụ ngay được, chị em họ Lương liền sai lâu la dẫn Phương Quang Diệm vào một gian phòng kín khóa cửa lại rồi dặn chúng lấy thức ăn đút cho chàng chứ không cởi trói vì e nguy hiểm.
Bấy giờ trong tòa Tụ Nghĩa đường bọn đầu mục lâu la giải tán hết chỉ còn hai chị em họ Lương, Ngọc Tiên liền hỏi ý em :
- Em xét chàng Phương Quang Diệm võ nghệ thực khá không? Chị coi chàng cũng ra dáng con nhà võ thuật.
Lương Ngọc Nga vô tình phát hẳn ngay lời nói tợ trong tim :
- Thực giỏi lắm, chàng quả là tay bản lãnh cao cường, tài nghệ chị em ta không thể nào hơn được, nếu em không dùng mưu lừa chàng xuống hầm thì không sao bắt được, thực em chưa từng thấy ai tài mạo hơn chàng.
Biết ý em, Lương Ngọc Tiên biến ngay sắc mặt hỏi lại :
- Chưa từng thấy ai tài giỏi như thế thực à? Nếu thế em cho chàng là một người rất hoàn toàn, một người không ai hơn trong trí em.
Đã biết ý chị, Lương Ngọc Nga chỉ cười lạt không trả lời.
Lương Ngọc Tiên thấy thế cũng không hỏi thêm, hai chị em đều quay vào phòng mỗi người riêng một ý nghĩ.
Lại nói Phương Quang Diệm bị giam vào mật thất bằng đá, chung quanh tối như bưng mắt, chỉ có một tia sáng ở phía trên bằng cái miệng bát trên tia xuống tức là chỗ để hở không khí. Người chàng bị trói bằng dây rất kiên cố không thể nào vùng vẫy ra được chỉ ngồi suy nghĩ chị em họ Lương nhốt mình vào đây để làm gì? Và những lời khuyên nhủ chàng phục tùng là như thế nào mà lúc đó hình như còn một ý riêng gì. Phân vân Phương Quang Diệm suy nghĩ mãi cũng không hiểu nguyên do.
Chợt có tiếng khóa cửa, cánh cửa nhà đá bật tung ra, ánh sáng vào thấy một thiếu nữ ăn mặc hở hang tha thướt bước đến. Phương Quang Diệm nhìn lại thì là Lương Ngọc Nga coi lộng lẫy khác hẳn hồi nãy, trên môi nàng một nụ cười tươi như hoa, nàng cất tiếng nói :
- Chàng có nhận được thiếp là người nào đây không? Thiếp là Lương Ngọc Nga đã có lời khuyên ngăn chị thiếp để cho chàng không phải chịu ba mươi côn đòn. Thế thì thiếp là người có công chàng phải nhớ ơn đấy, chàng nên nghe lời thiếp mà phục tùng đi, rồi thiếp sẽ thân cởi trói cho chàng sẽ được sung sướng như vị vương gia ở trên sơn trại nầy, kẻo bị trói mãi ở đây khổ sở lắm, thực lòng thiếp không nỡ tàn nhẫn với chàng như chị thiếp.
Mặc cho nàng nói Phương Quang Diệm không hề để ý đến :
- Ta đã bảo nàng không cần nói nhiều lời. Bằng chớ đem công cán kể trước mặt ta, nếu nàng không dụng gian mưu lừa ta xuống hầm thì ta đâu đến nỗi nào, nay như thế nàng là kẻ thù của ta, còn dùng lời ngon ngọt gì nữa?
Lương Ngọc Nga bật cười nói :
- Chàng thực ngu muội quá, nếu thiếp không dụng mưu lừa chàng xuống hầm thì sao chúng ta có dịp họp mặt ở đây được? Ấy là bất đắc dĩ thiếp phải làm như thế, chàng cũng đừng nên lấy làm ân làm oán, chỉ nên nhớ kỹ thiếp là người có công đến đây thăm hỏi chàng trước hết. Vậy chàng hãy chịu quy thuận đi, thiếp tự xin nhận lời lừa chàng xuống hầm để tùy ý chàng hình phạt thế nào thiếp cũng cam lòng.
Lương Ngọc Nga nói đến đấy thì lại đến gần Phương Quang Diệm, nàng toan đưa bàn tay ngọc lên vai chàng để tìm lời an ủi bỗng Phương Quang Diệm trợn mắt quát :
- Đừng vô lễ, mau lui ra ta không bao giờ nghe lời nói của nàng đâu.
Giũa lúc đó, bỗng đâu lại thấy một nàng thiếu nữ nhan sắc lộng lẫy, trang sức rực rỡ như tiên nga bước vào làm Lương Ngọc Nga thẹn đỏ mặt vội lùi xa Phương quang Diệm.
Lương Ngọc Tiên, phải chính là nàng thiếu nữ họ Lương nhìn thấy cảnh tượng đó thì cười lạt nói dằn từng tiếng :
- Gớm thật, kể công kể oán, em thật là sẵn lòng tử tế, thắt buộc ta đây là người có tội. Ta hỏi ai cho phép em tự quyền vào trong nhà tù nầy, có luật nào mà con gái một mình vào thăm người con trai chưa quen biết trong khi vắng mặt mọi người?
Im lặng hồi lâu, Lương Ngọc Nga lạnh lùng nói :
- Chỉ có mình chị có phép một mình vào đây, nào tôi kể công với ai?
Đang cơn tức giận kéo lên đầy ngực, Lương Ngọc Tiên bị ghen tức mà không nói ra được, chỉ thốt lên mấy câu gay gắt :
- Câm mồm. Đừng xoen xoét chối biến nữa, ta bắt mày lập tút ra khỏi chốn này, nếu trái ý ta sẽ giết chết ngay.
Cực lòng không dám cãi lại, Lương Ngọc Nga hậm hực quay lại nhìn Phương Quang Diệm một lần nữa rồi đi ra!
Chưa nguôi cơn giận, Lương Ngọc Tiên hầm hầm trông theo em đi xa khuất rồi ngoảnh lại nhìn chầm chập vào mặt Phương Quang Diệm bằng con mắt nghiêm nghị. Yêu hay ghét, thật không thể nào xét đoán ra được. Lương Ngọc Tiên đứng yên lặng hồi lâu không nói, một lúc sau nàng quay ra khóa cửa ngục đá lại rồi ra dấu bảo bọn lâu la canh gác phía ngoài phải cẩn thận.
Hôm ấy hai chị em họ Lương giận nhau không ai hỏi ai, thậm chí đến ăn cơm cũng không ngồi cùng bàn, bởi hai chị em cùng để ý đến Phương Quang Diệm nên sanh ra khó khăn cùng nhau.
Lắng nghe phía ngoài cổng phủ đã điểm canh hai, nàng Ngọc Tiên nằm trằn trọc không thể nào ngủ yên giấc, trong tâm thần nàng đang mơ mộng đến chàng trẻ tuổi xinh đẹp Phương Quang Diệm, không ngờ tình địch lại là em nàng nên tranh giành không tiện, chờ một lúc nàng liền dậy ăn mặc lộng lẫy trang điểm huy hoàng rồi cầm ngọn đèn lồng lẻn đến gian mật thất.
Đêm hôm ấy Phương Quang Diệm bị trói nằm trên giường cũng không thể chợp mắt được vì thấy thái độ của hai chị em họ Lương lúc ban ngày rất khả ố rồi không biết định xử trí ra làm sao với chàng, mà chàng là người có khí tượng anh hùng quyết không khi nào ở với gái cường đạo dâm ô nên cứ suy nghĩ không ngủ.
Bỗng lại nghe khóa cửa kêu lách cách, kế luôn cánh cửa mở tung ra thấy một người cầm đen lồng dịu dàng bước vào, tức là nàng Ngọc Tiên bận đồ cung trang màu đại hồng, ánh đèn trên tay nàng phản chiếu vào quần áo đỏ rực lên, khuôn mặt lại càng tăng vẻ hồng hào tươi đẹp, coi uyển chuyển như một vị tiên nương trên chốn tiên giới giáng xuống trần, sắc mặt nàng tươi cười chứ không giận dữ oai nghi như lúc ban ngày.
Ngọc Tiên treo ngọn đèn trên tường rồi bước đến cạnh giường Phương Quang Diệm cất tiếng oanh thỏ thẻ :
- Chàng Quang Diệm đêm khuya mà chưa ngủ ư? Chàng thấy thiếp đến đây chớ lấy làm lạ, cũng bởi tấm lòng quá yêu đương chàng mà không quản gì sương khuya gió lạnh lẻn đến đây cùng chàng ngỏ lời, thật thế thiếp chưa thấy một ai hào hoa phong nhã như chàng nên khi thiếp mới thấy đã cảm mến chàng rồi, có lẽ duyên trời đưa lại nên lòng thiếp tơ vương như thế. Thiếp chẳng quản hiềm nghi đến xin chàng khá nghe lời, chúng ta sẽ cũng nhau đính ước hạnh phúc bạc đầu, thề nguyền trăm năm hưởng chung diễm phúc ái tình, chẳng hơn chàng cứ khăng khăng liều chết, cái chết rất đáng khinh là bởi một trang anh hùng khí khái mà chịu chết dưới lưỡi gươm nhi nữ thường tình thì sao được, thôi chàng hãy xét lại cho kỳ kẻo một ngày lỡ bước để hận muôn năm.
Ngộ biến ắt phải tùng quyền, Phương Quang Diệm lúc thấy nàng mới bước vào thì đã lập ý giờ lại coi thái độ nàng lả lơi chàng thừa cơ ngồi dậy đổi ngay sắc mặt giận dữ ra vẻ ngậm ngùi rồi nói :
- Lòng người há phải gỗ đá mà vô tình được, chỉ vì lúc trước tôi cố chấp điều tiểu tiết, không nghĩ tới đại sự, may nhờ ơn cô nương chỉ dẫn tôi đã giác ngộ được rồi, kỳ thực ra lòng ai cũng như nhau khi tôi thoạt thấy cô nương thì đã yêu dấu ngay, mà có lẽ lần này tôi mới thấy cô nương là người đáng yêu nhất đời không còn ai dung mạo xinh đẹp như cô nương tôi mới nhận ra cô nương là người tài hoa lỗi lạc hơn hết thảy những cô gái khác vậy tôi xin nhận hai chữ ái tình của cô nương ban cho, tôi xin tôn trọng như vị thần thiêng liêng.
Như nở từng khúc ruột, Ngọc Tiên không ngờ chàng lại yêu mình tha thiết như thế nên nàng lấy làm sung sướng ngồi xuống cạnh chàng rồi âu yếm hỏi :
- Thật không, thật chàng yêu thương thiếp chớ? Hay là hời hợt ở đầu lưỡi đấy?
Phương Quang Diệm liền nói :
- Quyết không khi nào vì tôi đã nhận rõ không ai hơn được cô nương.
Như sợ sệt một sự riêng trong lòng, Ngọc Tiên ướm hỏi :
- Chàng nói chi điều đó thế còn Ngọc Nga em tôi thì sao?
Phương Quang Diệm trả lời ngay :
- Ngọc Nga cũng là một người tài sắc tuyệt vời, nhưng không biết tại sao dù gặp nàng trước tiên mà không yêu mến như khi mới thấy cô nương, ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây, chứ lẽ nào lại khắng khít đến thế được?
Ngọc Tiên nghe lời chàng như cởi tất lòng, nàng sung sướng không còn biết thẹn thùng, liền ghì ngay lấy chàng vào lòng.
Phương Quang Diệm không ngờ con người ngông cuồng đến thế chàng vội cựa mạnh ra rồi nghiêm nghị nói :
- Cô nương thật là một kẻ vô tình chỉ biết sung sướng riêng mình còn tôi đây như kẻ tội đồ bị xích chặt hai tay mà không cởi hộ cho.
Nàng Ngọc Tiên nhớ ra cười nói :
- À, phải để thiếp cởi hộ ấy là bởi tại thiếp bị chàng trách cũng đáng.
Dứt lời Ngọc Tiên lấy ngay chìa khóa trong người ra mở xích cho Phương Quang Diệm, lúc ấy chàng muốn kiếm đường đào tẩu nhưng không thể nào thoát được bởi tòa mật thất rất kiên cố và chị em nàng cũng không phải tay vừa, lỡ ra không thoát mà rủi bị bắt thì tất phải chết nên chàng cam chịu dưới sự vuốt ve của Ngọc Tiên.
Ngọc Tiên lúc ấy đã cởi trói cho Phương Quang Diệm rồi thì thái độ dâm đãng của nàng càng bồng bột lên, nàng xích lại gần khoác tay lên cổ chàng lả lơi đến cực độ.
Phương Quang Diệm thấy mùi hương phấn của Ngọc Tiên thơm ngào ngạt và thấy cái sắc đẹp lộng lẫy của nàng ở dưới ngọn đèn lờ mờ thật quyến rũ, chàng tưởng chừng như không thể nào cầm lòng được.
Vững chí, Phương Quang Diệm vờ kiếm lời khuyên ngăn Ngọc Tiên để khi khác, chớ giở cẩu thả bất tiện, mà đứng vào địa vị của chàng khi đó cũng thật là khó xử, muốn dùng thủ đoạn võ lực đối phó thì e không thoát khỏi nguy hiểm, nếu cứ để yên thì sợ e không cầm lòng được mà phạm điều bất chánh.
Giữa lúc đó ngoài cửa mật thất có một người đứng rình thấy cảnh tượng ấy khai diễn ra trước mắt thì tức giận như điên cuồng, người đó chính là Lương Ngọc Nga, cô em gái quí của nàng Ngọc Tiên. Ngọc Nga cũng vì chàng Phương Quang Diệm, khi ấy không thể nào ngủ được, bởi nàng nghi cho chị lẻn vào trộm tư tình với chàng và nàng chính là người có công đưa chàng về đây mà để người cướp trên tay thì chịu sao được, nên nàng lấy làm tức giận lắm, giắt thanh gươm vào cạnh người rồi lẻn đến rình xem. Thì quả nhiên thấy tấn trò “dâm ô” đang diễn ra đúng như nàng nghĩ.
Ngọc Nga cả giận liền co chân đạp vào cánh cửa sắt bật tung vào kêu đánh “ầm” một tiếng như long trời lở đất làm Ngọc Tiên giật nẩy mình đứng dậy, Ngọc Nga xông thẳng vào trong nhà, sắc mặt giận dữ, hai con mắt xếch ngược lên coi khác hẳn nét mặt xinh đẹp lúc ban ngày, nàng trỏ tay vào mặt Ngọc Tiên mắng :
- Đồ mạt kiếp, tôi không nhờ chị lòng người mà mặt thú như thế, lúc ban ngày chị cấm tôi không được vào đây, thế giờ chị tư tình với thằng nào đây? Nay tôi cũng có quyền bắt chị phải ra ngay chỗ nầy tức khắc, ra ngay nếu chậm thì đừng trách tôi.
Ngọc Tiên bị em mắng cũng nổi giận đùng đùng quát trả lại :
- Con nầy láo thực, mày có phép nào cấm ta vào đây được. Bước ngay, nếu còn láo ta vặn cổ ra đằng sau.
Ngọc Nga lại càng tức giận nói :
- Chị có phép cấm tôi lúc trước, tôi có quyền đuổi chị lúc nầy? Tôi không ngờ cái mặt chị ngày nay tồi tàn đến thế, chiếm đoạt cả người sở hữu của em, đâm đầu xuống sông chết đi còn mặt mũi nào trông thấy mọi người nữa?
Ngọc Tiên lần nầy tức giận như điên cuồng liền giơ tay tát đánh đét một cái vào mặt Ngọc Nga rồi thét to lên :
- Con nầy láo quá, ta cho mày một cái vỡ hàm nữa bây giờ.
Bất ý Ngọc Nga bị cái tát mạnh ngã chúi mặt vào tường, nàng uất ức liền rút thanh gươm đeo bên mình chém lại Ngọc Tiên một nhát.
Ngọc Tiên kinh hãi vội tránh sang một bên.
Tiếp luôn Ngọc Nga lại chém theo nhát nữa, Ngọc Tiên cũng tránh khỏi.
Cáu tiết Ngọc Nga chém luôn mấy nhát nữa.
Ngọc Tiên cũng đều tránh cả được, sau thấy em hung tợn không còn gì tình nghĩa nàng túng thế liền sử dụng chiêu “Uyên Ương cước” lách mình nghiêng người phóng cả hai chân vào đá trúng cánh tay Ngọc Nga làm thanh gươm văng xuống đất. Ngọc Tiên vội cướp thanh gươm giơ lên chém.
Ngọc Nga thất kinh và thấy chị tài giỏi lắm, tay không không thể chống cự được thì vội quay người chạy mất, Ngọc Tiên không đuổi theo, nàng ngoảnh lại bảo Phương Quang Diệm :
- Đó, chàng thử coi đứa em vô lễ đến thế. Thôi chàng nằm chờ đây một đêm, mai thiếp sẽ đến thăm.
Dứt lời nàng quay ra đóng chặt cửa mật thất lại, chính vì Ngọc Tiên xảy ra chuyện xô xát với em nên không còn lòng dạ nào nghĩ chuyện bướm ong với Phương Quang Diệm nhưng nàng lại sợ chàng trốn ra được nện đóng cửa cho chắc chắn.
Lúc ấy trong gian mật thất vẫn nhốt một mình chàng Phương Quang Diệm, chàng suy nghĩ lại cuộc xung đột giữa hai chị em gái không còn gì cốt nhục và luân thường, giả như Ngọc Tiên không tài giỏi ắt bị em giết chết rồi. Vì thế Phương Quang Diệm được biết rõ tài Ngọc Tiên thì rất kính phục, chàng lại lo thay mình không hạ được chị em nàng mà bị giam hãm ở đây mãi, càng nóng lòng sốt ruột không biết Liễu Tinh Đởm với em gái mình là Phương Thuyền Cô báo phục được mối đại cừu không, còn nàng Liễu Thuấn Anh thì không biết ra sao?
Phương Quang Diệm nghĩ đến đấy lại càng băn khoăn khó chịu rồi đây làm thế nào thoát củi sổ lồng được.
Lại nói nàng Ngọc Nga bị chị đá rơi kiếm càng tức giận vô cùng, nàng liền chạy vào trong tòa Tụ Nghĩa đường lấy thanh kiếm thì vừa gặp lúc Ngọc Tiên chém luôn. Ngọc Tiên cũng nhân khi tức giận múa kiếm nghinh địch.
Bởi sự ghen tuông mà chị em gây nên cuộc đổ máu, hai chị em giao chiến trong tòa Tụ Nghĩa đường rất kịch liệt, những đạo kiếm quang lấp lánh và lưỡi kiếm chém vào nhau nghe xoang xoảng rất kinh hồn, mà chị em nàng vì căm tức không biết gì nguy hiểm, bọn đầu mục nghe tiếng động kéo vào thấy hai chị em chủ trại đang xung đột thì kinh hãi, không biết vì lẽ gì đồng thời bọn lâu la hô hoán lên :
- Khoan đã, khoan đã, xin hai trại chủ hãy dừng tay lại chớ nên vì cơn tức giận nhỏ mọn mà xảy ra sự nguy hiểm còn gì tình nghĩa tay chân.
Nghe lời chúng khuyên ngăn, hai chị em đều dừng tay lại, Ngọc Tiên tức giận mắng :
- Mày giỏi thật, mày là đứa em khốn nạn không tình nghĩa.
Ngọc Nga cũng mắng lại :
- Chị cũng là đứa đê mạt, không chút lương tâm ai cần tình nghĩa.
Bọn đầu mục nghe chị em nàng mắng lẫn nhau không hiểu là chuyện gì đều hỏi lại :
- Bẩm hai vị trại chủ vì lẽ gì? Xin bớt giận kẻo mất tình chị em.
Ngọc Tiên phát cáu gắt nói :
- Chuyện của chị em ta không biết đâu mà hỏi được, các người mau lui cả ra, cấm không được đứa nào đứng ở đây. Mau, ra ngay.
Lúc ấy trong tòa Tụ Nghĩa đường lại vẫn có hai chị em, nàng Ngọc Tiên cũng tự hối, kiếm lời khuyên em :
- Em chớ hỗn láo như thế mà mất hết tình cốt nhục, phải biết rằng cha mẹ quá vãng đi chỉ còn hai chị em ta xẩy vai xuống tay có đâu mà thua thiệt. Huống chi chị nay đã lớn mà cũng cần tìm người chồng xứng đánh để nương tựa trước nên chị muốn trao thân gởi phận cùng chàng Phương Quang Diệm đây cũng là một lẽ đương nhiên. Không ngờ em chẳng xét tình cho chị mà lại gây ra sự ghen tương để người chê cười. Còn như em đang cái tuổi đào tơ sen ngó phỏng có lo gì không lấy được người chồng xứng đáng? Vậy em cứ yên tâm rồi chị sẽ chọn cho một người rất hợp ý.
Ngọc Nga có ý không phục nói :
- Chị nói mới là biết yêu chàng Phương Quang Diệm dễ thường tôi không biết yêu chàng hay sao? Vả lại chính tay tôi dụng công đưa chàng về đây mà chị tự nghiễm nhiên đoạt lấy, thế thì chị là một người ích kỷ không có nghĩa lý gì, không còn lương tâm nữa.
Ngọc Tiên nghe nói cũng tự thẹn nhưng nàng cứ cãi liều :
- Xin em tha lỗi cho chị vì chị đã trót thề thốt cùng chàng Phương Quang Diệm mà chàng cũng nặng tình gắn bó với chị rồi. Chắc là lúc nãy em đã từng nghe tiếng chẳng lẽ em nỡ rẽ thúy chia duyên của vợ chồng chị cho thôi. Thôi em cảm phiền chị cám ơn em có công sáng tạo cuộc tình ái của chị, em yêu quí của chị, chị sẽ tôn kính em như một bà thiên chúa thường ban phúc lành cho chị.
Ngọc Nga khăng khăng không bằng lòng nói :
- Chị đừng tán tỉnh leo lẻo nữa, nếu tán tỉnh như thế thì em đây tán đời được.
Nay em không cần nói lôi thôi chi hết, em chỉ biết rằng chàng Phương Quang Diệm là người của em đưa về đây, thì tức là người ấy thuộc quyền sở hữu của em, chị không thể nào chiếm cứ một mình được mà làm đau lòng em.
Sa sầm nét mặt Ngọc Tiên gắt gỏng nói :
- Em bảo ta không chiếm cứ một mình được, chẳng lẽ em cùng lấy một chồng với ta hay sao? Nhưng chàng Phương Quang Diệm nhất quyết không bằng lòng em thì làm thế nào vì chàng đã thề non hẹn biển với chị rồi.
Ngọc Nga lần nầy hơi đuối lý vì nàng đã được nghe đích lời Phương Quang Diệm tự tình với Ngọc Tiên thì dẫu có bức bách chàng yêu nàng cũng không được nào, kỳ thực có biết đâu lời giả mạo của Phương Quang Diệm nên Ngọc Nga thắt sang lý khác :
- Được rồi chị đã yêu chàng Phương Quang Diệm, em cũng không cấm đoán vì chị đã trao được trái tim cho chàng rồi, chàng tức là người yêu của chị nhưng chị phải giữ theo cái điều ước của em đây mới được, nghĩa là chị không được làm lễ cưới với chàng ngay bây giờ, phải chờ khi nào em tìm được người chồng vừa ý thì chị em cùng cưới chung một ngày luôn thể, như thế khỏi nhục em phòng không gối chiếc một mình vậy chị có bằng lòng như thế không?
Ngọc Tiên biết tính em bướng bỉnh nên cũng đành chịu theo ý muốn chừng mươi lăm ngày rồi sẽ tính. Ngọc Tiên cười nói :
- Cái điều ước của cô hay thực, tức là cô định hạn chế hôn kỳ, được tôi xin chịu theo ý muốn cho cô vừa lòng, bằng lòng chứ?
Thành thử chị en họ Lương từ đây cứ gìn giữ nhau không được đến gian mật thất thăm chàng Quang Diệm mà đêm hai chị em ngủ chung một giường không chịu rời nhau ra một bước, làm chàng Phương Quang Diệm không thấy nàng đến cũng không hiểu vì lẽ gì.
Nói về nàng Liễu Thuấn Anh, em gái Liễu Tinh Đởm tuân lời sư phụ hạ san, nàng ăn bận giả trai ra đi, vì nghe sư phụ bảo đến Hồ Nam tìm anh trai và anh Phương Quang Diệm, Phương Thuyền Cô, nhưng nàng không thuộc đường lối cứ vừa đi vừa hỏi thăm.
Bơ vơ thân gái dặm trường, ngày kia Liễu Thuấn Anh đi đến một nơi thị trấn giáp gần miền thôn dã không được phồn thịnh cho lắm, nhà cửa lưa thưa chừng vài ba chục nóc, coi cách sinh hoạt của người miền ấy không được sung túc.
Trời vừa đứng bóng trưa, Liễu Thuấn Anh vào một nhà tửu quán ăn uống lót dạ, nàng tìm một chiếc bàn sạch sẽ ngồi xuống sai tửu bảo dọn các món ăn ra, miễn là thức ăn tốt không quản bao nhiêu tiền.
Thấy khách hào phóng, tửu bảo tuân lời xếp đặt ra ngay, nàng ngồi ăn uống chớ không dùng đến rượu.
Bấy giờ trong tửu quán cũng có mấy bàn khách ăn uống, thấy hai ông già ngồi phía trước mặt Liễu Thuấn Anh khề khà câu chuyện, chén rượu. Một ông đặt chén rượu xuống làm ra vẻ bùi ngùi nói với ông kia :
- Tiếc rằng một khu thị trấn khi trước đã có phần náo nhiệt, từ ngày xảy ra chuyện thủy quái ở con sông ấy làm khách bộ hành không ai dám qua lại thành thử nơi thị trấn ấy là nơi tử địa tài nào chẳng hoang lương trụy lạc đến thế.
Nghe lời bạn, ông kia cũng có vẻ buồn rầu nói :
- Chính thế, con sông là quyền lợi của địa hạt này, lẽ tất nhiên đường yếu lộ bị tắt nghẽn thì đường thương nghiệp phải suy hại, không những thế lại còn gặp nạn đủ mọi đường, mấy năm nay thường xảy ra bọn cường hào phá phách, những nhà có bát ăn đều trốn tránh đi hết.
Bởi tính hiếu kỳ, Liễu Thuấn Anh nghe hai ông già nói rất lấy làm lạ không hiểu giống thủy quái gì mà dữ dội như thế, nàng liền đứng dậy sang phía bàn hai ông già ngồi chấp tay rất cung kính thưa với hai ông :
- Kính chào hai vị lão trượng, nhân tại hạ được nghe lóng hai ngài bàn chuyện thủy quái ở con sông nào mà lợi hại như thế? Vì tính hiếu kỳ xin hai ngài gia ơn cho nghe câu chuyện, tại hạ lấy làm cảm kích muôn vàn.
Thấy chàng trỏ tuổi tuấn tú ra vẻ con nhà hào phú, một ông già đáp :
- Không dám, khách quan người viễn phương. Tất nhiên không hiểu câu chuyện quái ác ở miền này.
Liễu Thuấn Anh lễ phép nói :
- Vâng tại hạ người xứ lạ mới đến xin lão trượng vui lòng nói rõ đầu đuôi.
Ông già trả lời :
- Mời khách quan ngồi xuống lão phu kể cho nghe. Nguyên xứ này là Quần Sơn Trấn thuộc địa hạt Hồ Nam, phía trước đây có dãy sông dài là nơi thuyền bè của khách thương qua lại tấp nập. Không ngờ mấy năm trước đây con sông ấy bỗng có loài thủy quái đêm khuya dìm đắm những thuyền lái buôn, thậm chí xác người đều mất, ắt là bị nó ăn thịt nên từ đấy không còn thuyền bè ở mặt sông ấy nữa, lại nhân mấy năm nay vẫn xảy ra bọn cường đạo đến cướp bóc mà các quan sở tại đã nhiều phen lùng bắt cũng không biết sào huyệt ở đâu, phần nhiều lại bị nó ám sát mất đầu, quan trường ở miền này một năm thay đổi mấy lần vì thế không dám tầm nã nữa. Còn thủy quái thì cũng không biết tung tích đâu mà trừ được. Một đôi khi có người thấy hiện lên mặt nước hàng đàn lông xám tro như loài rái cá. Bởi vậy chúng tôi than phiền thị trấn này quang cảnh tiêu điều, khách quan cũng không nên đi qua con sông nguy hiểm ấy.
Càng lấy làm lạ Liễu Thuấn Anh nghe lời ông già rất hồ nghi vội hỏi :
- Bẩm, thế dân trấn này đành chịu cái khổ kiếp ấy sao? Sao không hiệp lực dùng kế, thế nào mà chả bắt được một con thủy quái hay một tên cường đạo thì sẽ biết rõ hình tích ngay.
Lắc đầu ông già tỏ ý khó khăn :
- Khó lắm vì người gặp nó thì đã bị chết ngay còn đâu mà bắt được nó?
Liễu Thuấn Anh liền cảm ơn ông lão, về trở lại bàn cúi đầu suy nghĩ :
- “Chẳng lẽ thủy quái và cường đạo thần tung quỷ tích như thế ắt có sự bí hiểm chi đây vì kẻ cướp và yêu quái đồng thời nổi lên một lúc, âu ta đã đến đây phải dụng công khám phá ra việc này, trước là thỏa tính hiếu kỳ sau là cứu lấy sinh linh đây cũng là cái công đức lớn lao”.
Liễu Thuấn Anh nghĩ rồi ngẩng đầu lên thì không thấy hai ông già nữa tất đã ăn uống xong rồi, nàng cũng trả tiền tửu quán ra đi.