Chương 4
Tác giả: Võ Hà Anh
Khối xã hội đã đưa thông cáo cứu lụt lên Micro, chương trình cứu lụt có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu: 3 ngày quyên tiền, quyên đồ đạc. Giai đoạn 2: 3 ngày nuôi heo. Giai đoạn 3: 3 ngày đấu giá và đan áo. Giai đoạn 3 hấp dẫn nhất. Giáo sư chính đem quà vào cho cả lớp đấu giá, và mỗi nữ sinh mang theo 1 món đồ nữa để góp vào cuộc đấu giá này.
Tôi đứng đấu giá:
- Món này của ai đây, bao nhiêu ?
Loan đưa tay:
- Tao. Giá 50 đồng, rẻ đấy
Thế là mỗi người 1 giá, găng nhau, sau cùng lên tới 510 đồng, vào tay nhỏ Vân. Nó hồi hộp mở ra, 2 hộp thuốc sổ và thuốc dưỡng thai. Cả lớp lăn lộn ra mà cười. Cười bò lê bò càng.
Đến giờ thầy Đàn thì vừa hết quà. Một đứa đòi:
- Thầy đưa quà đấu giá đi thầy
- Cái gì thầy cầm ở tay đấy thầy
- Ô mai, cô học trò lớp A2 vừa cho tôi
- Thầy bỏ ra đi … Thầy cho tụi con đấu đi. Thầy cứu lụt đi thầy
Thầy Đàn cười …đau khổ, giơ gói ô mai:
- Rồi, chị nào đặt giá đi, ô mai mơ đấy
- Con đặt 20 đồng.
Thanh Mai nói.
- Ối giời, gói ô mai thế này mà 20 đồng.
- Thì để đấu từ từ chứ thầy
Gói ô mai lên đến 50 đồng thầy thấy còn rẻ nên trả 60 đồng, cả lớp chả ai đấu tiếp. Thầy đếm 3 tiếng rồi 5 tiếng, mà vẫn lặng im, thế là … thầy được.
- Thầy đưa tiền ạ
Sáu mươi đồng thầy vừa đưa khỏi túi thì:
- Rồi, thầy tặng gói ô mai đấu tiếp.
- Cái lớp này khôn ghê, đã vậy tôi không đấu nữa
Cuối cùng gói ô mai lên đến 200 đồng thì ngừng. Nhỏ Thanh Mai được, nhưng nó làm sao nuốt được cả gói, chỉ được ngậm 1 tí gừng.
Bao nhiêu tiền đấu giá chúng tôi bỏ vào heo cho mập vì heo ở giai đoạn 2 nuôi hơi gầy. Đã đến ngày niêm heo để thứ 2 mổ heo. Heo lớp tôi nhỏ nhất, mấy lớp kia mua heo khổng lồ. Nhìn vào văn phòng bà Tổng là thấy cái bàn để toàn heo đất, trông tếu không chịu được, có lớp hà tiện tiền mua heo lấy lon thay nữa chứ.
Mấy bà giáo sư đều có vẻ hoan hỷ, ai cũng mong lớp mình được hạng nhất. Phần thưởng Nhất là 1 hộp kẹo và 1 hộp bánh. Hạng nhì là 1 hộp kẹo, hạng 3 là 1 túi kẹo. Chúng tôi hơi lo vì lớp 12 AP2 chỉ gần 40 nữ sinh trong khi các lớp khác 60 người.
Ngày mổ heo thật vui. Nhiều quan khách quan trọng tới dự, mấy ông ở Hồng Thập Tự, Bộ Xã Hội, Hội Phụ Huynh học sinh, Trưởng Khối Xã Hội các trường bạn, tất cả Giáo sư chính và cả Phóng Viên đài truyền hình. Giáo sư Tần - Trưởng Khối Xã Hội trường Trưng Vương - đứng ra làm … đồ tể mổ heo. Lần lượt các lớp nhỏ đến lớp lớn, các bà giáo sư đếm đi đếm lại, có lớp hơn nhau chỉ 5,10 đồng thật hồi hộp. Tất cả được hơn 3 trăm ngàn.
Sáng hôm sau bà Tổng tuyên bố kết quả chính thức. Hạnh nhất là lớp 7A3, nhìn 12AP2. Tụi tôi nhẩy lên reo, tụi mình hách chứ ? Bà Vân tươi hẳn nét mặt. Hạng ba là 1 lớp 8. Vậy là buổi chiều chiếm 2 giải, buổi sáng có lớp tôi.
Bà Tổng nói mát 1 câu:
- Các chị buổi sáng tệ quá, thua các em buổi chiều. Tại các chị còn mải ăn diện, còn sắm sửa thứ khác cần dùng hơn chứ các chị có nghĩ gì đến cứu lụt đâu. Chỉ có các em buổi chiều là lo học hành, tiền ăn quà để dành cứu lụt.
Bà Vân – Giáo sư chính – khen chúng tôi hết lời:
- Các chị làm tôi mát mặt.
Sau đó nhỏ Hoàn mang hộp kẹo lên lớp, chia mỗi đứa 5 cục. Cô Vân để cả 1 giờ dạy của cô cho chúng tôi vừa ăn kẹo vừa kể cho cô nghe những vui những buồn trong tuần lễ cứu lụt.
- Cô biết không, buổi sáng em được 20 đồng ăn bánh mì, em bớt 10 đồng ăn bánh mì không, còn 10 đồng bỏ heo đó cô
- Nhỏ Ngọc đem tí bò khô vào đấu giá được 150 đồng đó cô
Chúng tôi tranh nhau kể
- Sau tụi em hết đồ đấu giá, chị Như Lan xung phong lên hát để đấu giá đấy cô.
Như Lan hát hay nổi tiếng, kỳ văn nghệ nào của trường cũng có Như Lan trình diễn. Như Lan lại đẹp nữa, muốn nghe 1 bài hát của Như Lan chúng tôi phải nộp bỏ heo 20 đồng.
Niềm vui vừa qua, cái lo đã đến. Tuần sau là thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt. Càng gần đến ngày thi chúng tôi càng mệt mỏi. Mỗi ngày vào lớp lại thấy thêm 1 đứa mắt quầng thâm.
- Hoa Mai, mày thức dữ vậy. Mắt mi quầng quá đấy.
- Tao chưa xong Vạn Vật, lo quá. Thế mà mắt cứ rũ ra, ông tức quá, hôm qua nốc cho nửa cốc cà phê thức đến sáng.
- Mi chết, mi đã yếu mà không giữ sức, đến lúc thi Tú Tài mày thi không nổi đâu.
Tôi cười cảm ơn nỗi lo âu của nhỏ Cúc. Đứa này lo cho đứa kia trong khi chính mình đang dày vò thân xác, quên lãng bản thân. Người khô cằn khô cõi vì học, mặt mày tái thâm, mụn loáng thoáng trên làn da trắng xanh vì cà phê vì trà tàu, tóc ta rũ rượi không buồn chải.
- Mày soạn Tiêu Hóa Lipid chưa, khó học quá.
- Tao mới soạn Tiêu Hóa Glucid thôi, tao định xem đứa nào soạn rồi, tao mượn học đó.
Gần đến thi, chúng tôi chỉ nhìn nhau lắc đầu cười mếu. Ðứa nào cũng như đứa nào. Chẳng cần phải hỏi sao mặt mày xanh quá, mày có vẻ gầy đi, sao đi học trễ thế, sao hôm qua nghỉ, cũng biết lý do là tại sao rồi. Tất cả giống nhau. Chương trình dài mà thời gian ngắn quá nên ngáp lấy ngáp để.
- Ðời học trò mình sao lại khổ quá mi ơi!
- Ði học sáng, chiều, tối lại lo lắng ngày mai. Chứ đi làm vừa được tiền lại không phải lo, làm ngày nào có tiền ngày nấy.
Ôi đời học sinh sao khổ thế này. Vậy mà ai cũng tiếc nuối, cũng mơ ước trở lại. Chúng tôi rên rỉ than vãn với nhau cả ngày.
Rồi cái gì đến phải đến. Ðến rồi qua. Ðến thật nhanh rồi qua cũng thật nhanh. Tuần lễ thi đi qua, đi trong sự xáo trộn đầu óc của chúng tôi như một cơn mê man vừa dứt. Ðứa nào cũng cố gắng. Các giáo sư ai cũng quan niệm cho bài khó hơn đề thi Tú Tài Hai. Nên chúng tôi cũng đã ngất ngư không ít. Nên để tự thương thân, trong hai ngày nghỉ xả hơi để giáo sư chấm điểm, tôi định tự cho phép mình ngủ đến 9 giờ mới dậy. Nhưng cái số làm học trò, không yên thân được bao giờ. Cứ nhắm mắt vào là tôi thấy toàn những chữ, những số. Ðang nằm nghĩ đến bài mình làm chỗ này đúng lại nghĩ chỗ kia sai, rồi tiếc, rồi vui, rồi ân hận, đủ chuyện nhốn nháo trong đầu. Rồi khi vào đến lớp học lại bàn bàn tính tính, đứa này đúng, đứa kia sai. Ðứa này hy vọng bài được nhất, đứa kia lo sợ bài bị bét. Lúc nào rảnh rang lại xôn xao. Tôi nghe ngóng tình hình thấy mình cũng sai kha khá nên cứ lặng thinh nghe tụi nó bàn nhau.
- Con nhỏ này, làm bài "sua" sao mà im ru vậy.
- Khỉ mốc, ông làm sai hết, đúng cái nào đâu.
- Thế à ...thế mi sai cái nào. Mi lộn hay không hiểu.
- Lộn, nhớ lộn công thức Nguyên Hàm, còn Tân Toán thì lộn tổ hợp với chỉnh hợp.
- Cái đó mi giống ta.
- Tao cũng vậy.
Ðứa này hỏi đứa kia. Rồi buồn, rồi cười, nhiều lúc thấy mình ngây ngô hết sức.
Ði học được vài ngày thì có kết quả thi. Mỗi ngày giáo sư cầm một xấp bài trước
con mắt vừa mừng vừa lo của lũ học trò.
- Hôm nay trả Triết đó. Thứ hai mà.
- Sao mi biết.
- Tao thấy cô Hân cầm hai xấp bài, chắc trong đó có lớp mình.
- Ui giời, lỡ của lớp khác thì sao hả khỉ.
Nhỏ Loan không trả lời, nó bấm tay tôi ra hiệu có sự xuất hiện của cô Hân ở đầu hành lang.
- Mi không cận, mi thử nhìn xem có phải của lớp 12AP2 không.
Cô Hân đi ngang qua, tủm tỉm cười thông cảm với nỗi lo âu của chúng tôi.
- Cô ạ, hôm nay cô đẹp quá ạ.
- Thôi mi ơi. Giỏi tán, tí nữa hạng bét thì đừng ngồi khóc.
Loan nói. Tuyết cụt hứng, phụng phịu dỗi:
- Ðồ mi đỉu, rủa ông thế à.
Hai đứa này mới sáng sớm đã kê nhau rồi. Tôi kéo tay cả hai đứa lên cầu thang.
- Ừ lên lớp đi. Tao chưa soạn bài.
- Bài gì.
- Vật Lý. Còn một khúc đuôi khó soạn quá, đứa nào xong cho tao mượn.
- Chết tao cũng thế, nhưng bây giờ đâu kịp. Lên lớp lỡ bà Minh gặp, cấm túc đấy.
- Kệ, đành vậy. Nhỏ Loan làm rồi hả, thì ở dưới này đi cho tụi tao mượn vở.
Nhưng cả ba vẫn kéo nhau lên. Phòng bà Minh còn đóng cửa.
- Nàng chưa tới, các ngươi ạ.
Tuyết nói. Chúng tôi vào lớp đóng chặt cửa lại, mở to cửa sổ ngồi chép bài vì không dám bật đèn. Chuông thứ nhất vang lên, nữ sinh Trưng Vương lũ lượt kéo nhau ra sân xếp hàng chào cờ. Chuông thứ hai bắt buộc tất cả phải yên lặng.
Có tiếng chân cô Minh đi tới.
- Kệ ngồi yên đi. Tôi thì thào.
Bà Minh đi gần đến lớp tôi, dựt dựt cánh cửa.
Ba đứa vội ngồi thụp xuống gầm bàn, không quên ném mấy quyển vở đang viết dở vào hộc bàn. Bà Giám Thị mở cửa nhìn vào rồi đi ra. Thế là thoát. Chuông thứ ba ra lệnh chào cờ và kéo cờ.
- Ðứng lên chào cờ tụi mi.
Tôi vừa ngóc đầu lên thấy bà Minh đang đứng quay lưng về phía chúng tôi.
- Bỏ xừ, bà Minh chưa đi.
Chúng tôi đành im thin thít dưới gầm bàn cho đến khi xong phần chào cờ mới lồm ngồm bò ra. Nhỏ Loan tếu:
- Ôi, xin Tổ Quốc tha thứ cho ba con ngu dại.
Vừa chép bài xong thì tụi lớp tôi ào vào:
- Tao mét có ba nhỏ trốn chào cờ.
Ðứa khác không để ý đến tội lỗi của tụi tôi, nó kháo lên:
- Tao lo quá tụi mi ơi. Lớp A2 cô Hân cho Triết có 06 là nhất. Cỡ tụi mình chắc 02 quá.
Cả lớp lao xao bàn tán cho đến khi cô Hân vào mới yên. Cô để xấp bài thi trên bàn. Cả lớp nín thở. Sau khi cô nói vài câu khen chê, đưa ra những ưu điểm khuyết điểm. Cô đọc điểm từng đứa từ dưới lên trên. Lúc này không đứa nào cầu có tên mình. Tôi ngồi yên lặng, tim dường như ngừng đập. Tôi bối rối úp mặt xuống bàn. Ðến hạng mười rồi mà tôi chưa có tên. Hay bị mất bài? Hay bài có "phốt" gì nên bị giáo sư để riêng ra tí nữa sẽ rầy la. Chả lẽ . . . bài tôi làm hay. À, Bùi thị Hoa Mai rồi đó.
Tôi không nghe rõ,luống cuống hỏi khẽ Loan:
- Hạng mấy.
- Sướng nhé. Mày hạng nhì kìa còn làm bộ buồn buồn.
Tôi giật mình ngửng lên:
- Hạng nhì à. Mấy điểm? tao chả nghe thấy gì cả.
- Kìa bà Hân bảo mày đứng lên cho cả lớp xem mặt kìa.
Tôi lật đật đứng lên. Lũ bạn vờ xuýt xoa chọc quê. Cô Hân nhìn tôi cười gật gù:
- Bài luận Triết của Hoa Mai khá lắm. Hơn cả em Liên nữa cơ. Nhưng Mai bị sai một câu giáo khoa.
Tôi ngơ ngẩn cả người. Ôn lại bài thi Triết xem có gì đặc sắc không, và không thể ngờ rằng bài của mình lại được khen thế. Cô Hân đọc bài của tôi cho cả lớp nghe. Tôi rộn cả lòng. Ừ, nghe lại tôi cũng thấy phục mình và thương mình ghê.
Tôi đi góp lại bài rồi đưa cho nhỏ hạng nhất để làm điểm.
- Không ngờ Hoa Mai lại là một triết gia.
Tôi chỉ cười lắc đầu. Ngượng ghê cơ.
Vừa góp xong xấp bài đưa cho Liên làm điểm thì Yến đem giấy vào xin cho tôi ra họp bàn văn nghệ. Yến là Trưởng Vũ của trường. Tuy không học cùng lớp, nhưng chúng tôi cũng khá thân với nhau vì cùng vũ với nhau năm Ðệ Tam. Khi đó Minh Thoa làm Trưởng Vũ.
- Ði Mai, Tụi nó đang đợi mày ở phòng Hiệu Ðoàn.
- Tụi nào?
- Tụi vũ với mình đó, chúng nó ở lớp tao.
Yến nói tiếp:
- Cũng không hẳn ở lớp tao hết. Tao rủ thêm Việt Bắc ở A3 và Ngọc Viên ở A1 với lại mi. Còn lớp tao có bốn đứa như kỳ trước.
Tôi gật gù:
- Ừ, tao biết tụi nó rồi.
Vừa thấy tôi và Yến, 1 đứa đã dài mồm:
- Gớm, hai nàng làm chúng em dợi dài cả cổ.
- Cha, Yến mời được Hoa Mai vũ là nhất rồi.
- Khiếp, tao mà tụi mi làm như báu lắm đí.
- Chứ lại không à. Người đẹp của Ðệ Nhất mà.
- Thôi, cho xin hai chữ bình an.
Nhỏ Vân xía vào:
- Này, Rochefoucauld bảo: từ chối một lời khen tức là muốn khen lại lần thứ hai đấy nhé.
Tôi cười cười:
- Mi biết ý ta ghê.
Cả bọn cười ồ. Yến bảo:
- Thôi vào đề đi. Ðây ta đề nghị mình tập bài Thiên Thai. Sáu người làm Tiên, hai người làm Lưu - Nguyễn.
- Ừ, có vẻ hay hay. Nhưng mình chỉ có bảy người. Phải rủ thêm một đứa nữa.
Nhỏ Vân tán đồng. Tôi đứng nhìn tụi nó bảo nhau. Ngắm từng đứa, đứa nào cũng dễ thương. Nhỏ Thước đưa ý kiến:
- Tao thấy mình nên có một tiên chính cho có vẻ linh động. Chứ một lũ tiên đứng
vũ sẽ thiếu sự đặc sắc.
- Ừ phải. Bốn tiên phụ, một tiên chính, hai chàng . . . đi lạc là đủ rồi.
- Chia vai đi. Tao với Thước làm Lưu - Nguyễn. Còn năm đứa mi làm tiên. Lựa đứa nào làm tiên chính đi.
Tôi kéo tay Việt Bắc:
- Bắc được đấy.
- Thôi, tao múa cứng lắm.
Yến cũng đồng ý:
- Ừ, Bắc chưa vững đâu. Thôi Hoa Mai đi, đứng giữa làm Tiên chính phải múa dẻo 1 tí không bà con chê chết.
Tụi nó đồng thanh ép tôi nhận. Tôi nửa vui nửa lo. Yến nói:
- Mi là tiên chính nên tự đặt ra vũ điệu cho mình, vì mi đâu cần đều với đứa nào.
Ðó là 1 cái khó khăn trong vai trò của tôi mà Yến vừa nêu ra. Tụi tôi tự sáng tác điệu vũ dạy cho nhau. Ði làm sao, phất tay làm sao, quay thế nào . . . Tôi và Yến đã vũ quen nên vừa nghĩ kiểu vừa chỉ lại cho những đứa kia. Bàn cãi nhau ỏm tỏi cả lên.
Yến xem thời khóa biểu của từng lớp để xếp sắp giờ tập cho các bạn, khỏi bị kẹt quá. Mỗi đứa phải tự hy sinh một ít giờ học vì giờ phụ của đứa này là giờ chính của đứa kia, việc tập vì vậy cũng khá vất vả. Nhiều khi đang nhằm giờ chính, tôi thích học thì nhỏ Yến vác cái mặt vào xin cho tôi ra. Tôi chỉ muốn đấm cho nó vài quả. Tiếc không chịu được. Gặp giáo sư khó, mấy bà lườm nguýt nói mỉa nói mai, tôi tôi ghê. Nhưng đã chót mang máu văn nghệ thì thôi, cũng đành.