Xem sách
Tác giả: Võ Phiến
Chàng nhổm dậy, hạ lưng ghế xuống thêm một bực nữa. Rồi xoay người lại, nằm thử. Bấy giờ thì thật là hoàn toàn thoải mái. Chiếc ghế vải này vừa vặn lắm.
Ở hè nhà, phía ngoài đường lớn, có tiếng rắc rắc đều đều của chiếc tông-đơ hớt tóc đang hoạt động. Người thợ đặt một bàn làm việc nhỏ ngoài hè. Còn phía bên này thì có con hẻm lát gạch tử tế, hẻm vượt quá nhà chàng là tịt: một ngôi nhà chận bít nó lại. Ngay trước nhà ấy có chum nước, lâu lâu nghe có tiếng người ra chum múc nước rửa ráy. Tất cả những tiếng động ấy, những hoạt động ấy, đều ở bên ngoài. Tất cả chỉ củng cố thêm cảm tưởng an toàn của chàng. Chàng hoàn toàn được an toàn lúc này, không còn nghi ngờ gì nữa.
Bên ngoài trời lại vừa đổ mưa nặng hột nữa. Càng tốt. Như thế càng tăng thêm cảm tưởng an toàn. Không nghe tiếng mưa rơi, nhưng khi mưa đã đủ nhiều thì nước từ máng xối đổ xuống lách tách. Chàng đánh diêm châm thuốc. Hút cho ấm, ngả người trên ghế vải, trong một gian phòng đóng cửa thật kín, gian phòng của chàng, bên cạnh kệ sách, chiếc giường, và những áo xống của chàng mắc trên vách...
Trong tấm gương ở mặt tủ, chàng chợt thấy phản chiếu đầu chàng, ngậm píp. Trong gian phòng lờ mờ cái đầu thiếu chi tiết trông quả là giống bức họa của Liêu Hà vừa trông thấy ngoài hè phố. Họa sĩ Liêu Hà là bạn chàng từ ba mươi năm. Hắn ta đã theo dõi khuôn mặt và đầu chàng từ lâu. Trong ba mươi năm, tùy theo các phong trào nghệ thuật kế tiếp nhau — ấn tượng, siêu thực, lập thể, vô hình dung, trừu tượng v.v... — hắn đã vẽ nhiều đầu và mặt chàng, khi theo lối này khi theo lối khác.
Còn chàng, đâu phải vừa. Thoạt tiên, khi mới có thơ đăng báo lai rai, chàng lừa cơ hội đưa ra tấm hình đẹp trai nhất của mình. Cái hình trong đó chàng ăn mặc chỉnh tề nhất và mỉm cười. Về sau, chàng thích được chụp hình với mấy cuốn sách trên bàn. Trên ba mươi tuổi, hồi đó chàng đã vững chỗ ngồi trên thi đàn, tâm hồn đã chín chắn hơn, chàng ăn mặc tự nhiên có chút cẩu thả: thường thường chỉ có sơ-mi, không cà-vạt; gương mặt có nét suy nghĩ thường xuyên. Đến lúc chàng bắt đầu mang kính trắng và hút píp thì Liêu Hà kiểu thức hóa cái đầu chàng một cách tài tình bằng ít nét đơn sơ. Trông qua, nhận ngay ra chàng. Điều quý báu hơn nữa là còn nhận được kẻ có khuôn mặt ấy phải là một nghệ sĩ đang có nhiều băn khoăn trước cuộc đời. Hai con mắt với cặp kính tròn xoe thao láo nhìn vào một nỗi hoang mang đáng hãi. Đó là chàng, mà đó cũng là một nghệ sĩ nói chung của thời đại, là một biểu hiệu đẹp đẽ dùng chung cho cả giới. Chắc chắn vì thế mà hình vẽ của Liêu Hà được phổ biến rộng rãi nhanh chóng, lắm khi được dùng như một hình trang trí ở mục thi ca các tạp chí. Dần dần, đối với đa số độc giả nó không còn là khuôn mặt chàng, khuôn mặt của một ai nữa; đó là khuôn mặt của nghệ sĩ. Chẳng bao lâu, đó sẽ là khuôn mặt của nghệ thuật.
Ban chiều, lúc dừng chân bên một hàng sách lộ thiên ở đường Lê Lợi, chàng trông thấy cái đầu kiểu thức hóa của mình trên bìa một tờ báo. Đây có vẻ một tờ nội san, ruột in ronéo, nhưng bìa in màu tử tế. Trời mưa lắc rắc, chủ hàng phủ lên sách một tấm ny-lông. Qua tấm ny-lông cũ lấm tấm nước, chàng đứng nhìn khuôn mặt mờ nhòe của mình một lúc.
Không ai biết, người chủ hàng sách, những người qua lại, những người mua sách loanh quanh bên cạnh chàng, không ai biết, không ai nhận ra liên hệ giữa chàng và cái hình vẽ trên bìa báo nọ, tuy hình vẫn giống chàng. Rất giống, nhưng giữa một bức chân dung đẹp với một thi sĩ trên năm mươi tuổi già, dựng chiếc xe gắn máy bên lề đường, dạo xem sách lộ thiên, mưa rơi trên mái tóc bạc... Một bên đi vào thế giới những trừu tượng không suy suyển của nghệ thuật, một bên đang chịu những khốn đốn của một thể xác nặng nề đến thời hủy hoại.
Nhìn khuôn mặt mờ nhòe của chính mình qua tấm ny-lông che mưa, chàng đã nghĩ đến điều ấy. Chàng cũng nghĩ đến tất cả những lòng vòng dài dằng dặc của con đường gian nan đi tới vinh quang, những lo lắng, mưu mẹo, những xung đột, va chạm, những thất bại dọc đường. Dĩ nhiên không quyền lực nào có thể bắt được chàng đi lại con đường đó, không ai đi lại con đường đời mình hai lần, tuy vậy nghĩ đến chàng vẫn ngại. Dĩ vãng như một công trình cố gắng quá lớn lao, chàng không đủ sức chịu nổi một ý nghĩ về nó nữa.
May thay, chàng đã nằm trong phòng, gian phòng của chàng. Chàng hút thuốc. Và khói thuốc bay lên trong phòng chàng, thong thả, điềm tĩnh, yên ổn hơn bất cứ bay ở đâu. Chàng đã ở bên cạnh những cuốn sách xếp trên kệ, vứt trên bàn: đó là những thứ hết sức hiền lành. Bốn mươi năm gần gụi đã cho chàng biết chắc chúng không thể làm được điều gì bất ngờ. Bên cạnh chúng, chàng tha hồ yên tâm.
Chàng chỉ yên tâm được bên lũ sách của mình. Không thể yên ngay cả ở những tiệm nước ba tàu, nơi mọi người vẫn tự do đến tiêu phí thì giờ thừa thãi, tự do ngồi dựa vách lơ mơ hàng giờ, khạc nhổ v.v...
Chàng vào một tiệm như thế. Bàn bên cạnh gọi hai ly cà-phê sữa. Chàng vẫy bồi bàn lại: một chú nhỏ béo bự, con mắt bên trái mang một cái bướu sưng vù bằng quả cam. Mắt bên ấy bị híp mất, có lẽ từ nhỏ. Hắn đến, nghiêng người xuống (chàng có tính gọi món ăn món uống giữa chỗ đông người bao giờ cũng kín đáo, nhỏ tiếng). Chàng dặn: một tách sữa nước sôi, cho vào chút cà-phê, ngần này. Chàng dùng hai ngón tay ra dấu cho hắn thấy rõ: chỉ một xíu. Dứt lời rồi, chàng lại thêm: “Một tí ti, cho sữa khỏi tanh thôi. Tôi không chịu được cà-phê nhiều: nhức đầu.” Chàng vỗ nhẹ vào trán, nơi chàng thấy nhức đầu, rồi cười với chú bồi bàn...
Nghe xong, hắn ngửng mặt lên, la lớn:
— Hai cà-phê sữa! Một sữa cà-phê!
Chàng nhìn lên: nét mặt hắn ta tỉnh khô. Hắn đã quay sang phía khác. Tất cả sự căn dặn tỉ mỉ của chàng bị đơn giản hóa một cách thô lỗ. Chàng cảm thấy bị phản bội. Sự cố gắng dài dòng thân mật của chàng bị hất gạt ra bất ngờ, hóa thành lố bịch, lẩm cẩm. Không khí sinh hoạt trong tiệm đột nhiên lạnh lùng, tàn nhẫn. Chàng thấy sự trống trải quanh mình, và không muốn ngồi lâu.
Trí chàng mãi không rời khỏi sự việc nhỏ nhặt vừa xảy ra. “Phải, chàng đã chờn vờn tới gây thân thiện. Chàng cần gì phải cắt nghĩa như thế về chuyện nhức đầu nhức óc. Đó chỉ là do sự tử tế của chàng. Quá đáng đối với một chú bồi bàn. Thế mà hắn ta...”
Cái lưng đầy mỡ của hắn, suông đuột từ trên xuống dưới, không eo. Con mắt, thoạt người ta chỉ chú ý tới chỗ tàn tật lớn ở phía trái choán đầy khuôn mặt, không ai ngờ đến cái láu lỉnh nơi con mắt còn lại... May thay, cuối cùng chàng lại trở về nằm trong gian phòng, của mình, không một phiền hà. Tất cả mọi rầy rà đều được trút bỏ ngoài cửa phòng, như người ta chùi đế giày trên tấm thảm để gạt lại những bùn đất trước khi bước vào nhà. Ở đây chắc chắn không có một ai khác ngoài chàng. Một sự cô đơn ấm áp.
Giã từ cái dạ con của mẹ để ra ngoài đời, con người vẫn luôn luôn mơ hồ nhớ về chỗ quê hương nguyên thủy của mình, nơi mình đã trải qua một thời cô đơn trong ấp ủ ấm áp. Một nghệ sĩ già, thỉnh thoảng ngắm nghía mấy chùm tóc bạc óng ánh như cước của mình, cần được ngắm nghía trong khung cảnh an toàn như thế. Một nghệ sĩ già không vợ, không con, không còn cha mẹ, không còn một liên hệ nào với làng quê của mình nữa. Một nghệ sĩ già, sau ba mươi năm vất vả với những cảm nghĩ của chính mình, những đòi hỏi của kỹ thuật thể hiện, những khen chê của đời... Gian phòng, hãy tối lại một chút cho gần với cái âm u trong lòng mẹ thuở nào.
Hai lần bút chiến, trong đó có một lần bị thất lý, thua đậm. Một người tình ăn ở với nhau hơn ba năm bỗng bỏ chàng đi theo người khác. Hồi đó chàng mới ba mươi ngoài tuổi và không ngờ đến một trường hợp như thế. Sau khi cãi cọ xô xát, một mình quay về một xóm lao động bên Phú Lâm, chàng không buồn vào nhà, dừng lại xem mấy người đánh boule, bên một cây bàng to lớn, dưới đèn điện. Hàng ngày, trưa và chiều hai buổi đi về, chàng vẫn thấy mấy người đàn ông chơi cái trò ném những quả cầu sắt bằng nắm tay ở khoảng đất trống ấy, nhưng lúc này chàng mới có dịp thơ thẩn theo dõi trò chơi của họ. Chàng đã xem họ đến một giờ sáng, rồi đâm chán, bỏ về nhà. Trằn trọc mãi không ngủ được, lại ra xem. Hai giờ, ba giờ, đến năm giờ sáng vẫn còn có kẻ chơi. Mỗi lúc mỗi ngạc nhiên, chàng không tưởng tượng nổi một trò như vậy có thể hấp dẫn người ta đến thế. Người chơi có vẻ chăm chỉ, không mừng rỡ, la lối, tranh cãi ồn ào; nhưng lặng lẽ theo đuổi suốt đêm. Và sáng ra — đèn điện ngoài đường tái màu, rồi tắt — chàng lững thững vào nhà, người mỏi mệt bã ra, sự đau đớn trong lòng cũng mỏi mệt tê mê. Suốt ngày chàng nằm, thể xác và tâm hồn thấm thía, hiu hiu, trong một rã rời an ủi. Thế rồi chàng qua khỏi cơn khủng hoảng. Từ đó chàng nhìn những người lao động, giản dị và bền bĩ, trong trò đánh boule bằng cái nhìn khác. Gặp những nhóm người tụ nhau dưới bóng cây ở những khoảng đất trống, đó đây trong đô thành, ném bịch bịch những hòn sắt, một xúc động buồn bã dịu dàng dấy lên trong lòng mà chàng không nhớ ra mối liên hệ mơ hồ nào giữa chàng với quang cảnh ấy...
Hai lần bút chiến. Một lần người yêu đã sống với nhau gần như vợ chồng bỗng bỏ đi. Và lần khác đánh nhau với bạn bè trong tiệm ăn, một miếng chai vỡ cắt đứt gân đầu gối tưởng chừng đến mang tật suốt đời (thực ra bây giờ chàng hãy còn nhận ra cái sẹo rõ ràng, dù sờ bên ngoài lớp vải quần py-gia-ma). Nhưng tệ hơn cả là hôm đó chàng có vẻ bẩn thỉu quá: báo chí thuật lại om lên, mô tả chàng bị trút cả tô phở lên đầu, thịt và bánh phở dính đầy tóc tai, lọt vào tận bên trong áo, mặt mũi bỏng vêu lên, mình mẩy ướt bầy nhầy...
Một lần người yêu bỏ đi. Một lần đánh nhau với bạn, rồi lại những hôm ngồi ở tiệm nước bên rạp V.H. chờ mãi, chờ mãi, cô bạn gái không đến, bàn chân nóng nảy của chàng thỉnh thoảng đá phải cái ống nhổ bằng nhôm dưới bàn, khua ồn một tiếng đáng ghét.
Những hôm chờ bạn gái không đến. Rồi một lần, sau tập thơ thứ ba, bẵng đi năm năm chàng không in được tác phẩm nào nữa. Và văn giới đồn đãi, độc giả nghi ngờ, và chàng đâm hoang mang.
Nhưng rồi thi phẩm thứ tư lại ra đời sau đó, rồi cuốn thứ năm, thứ sáu,v.v... để cho chàng thành hẳn một thi sĩ địa vị vững vàng như ngày nay.
Những cô bạn gái lỗi hẹn, những bài thơ ra đời khó khăn, những lần kẹt xe ở bắc chờ đợi suốt ngày, những bận đau ốm, có khi nằm ở đồn điền một người quen cả tháng, buồn chết người v.v...
Để tiến cho tới cái tuổi già năm mươi, trời! phải trải qua quá nhiều sự việc, nhiêu khê, nhọc nhằn... Quá nhiều.
May là rốt cuộc chàng lại nằm được trong gian phòng, của chàng.
Ở đây, có thể hoàn toàn yên tâm.
Vâng, chỉ có sau cánh cửa phòng mình chàng mới yên tâm thực sự.
Bước ra một bước, ai biết được sự bất trắc gì đang chờ mình?
Cách đây nửa giờ, một cậu bé vừa làm khổ chàng. Chiếc xe gắn máy không chịu nổ. Nó đã bị bỏ ngoài mưa lâu quá, bu-gi lạnh chăng, hay bu-gi bẩn, đóng khói chăng? Bất quá vậy là cùng, chàng nghĩ thế. Mở ra, cạo cạo mấy cái là xong. Nhưng chàng không có khóa mở bu-gi, chàng đánh mất từ lâu. Ghé vào một tiệm sửa xe, chàng nghĩ nên nói ra sự nhận xét của mình để giúp người ta chữa cho nhanh. Nhưng cậu bé nhiều tự ái quá, coi như chàng muốn xen vào chuyên môn của nó. Mặt nó lạnh như tiền, nó làm như không nghe thấy tiếng chàng nói. Nó ngoe ngoảy tháo con ốc này, giật sợi dây kia, lung tung. Thằng bé đáng là đứa con thứ năm thứ bảy của chàng, nếu chàng có con. Thế mà trước thái độ của nó... Ít ra chàng nên ngồi im, mặc xác nó cho yên chuyện. Chàng sợ cái không khí lạnh buốt vì căng thẳng quanh sự lẻ loi của chàng lắm sao? Chàng tiếp tục mấy câu thân thiện làm gì cho nó cắt ngang một cách mất dạy?
Đã vậy mà trước khi ra đi chàng còn tìm một câu pha trò cho nó cười được một cái mới yên lòng. Có phải vì mưa đổ rỉ rả hoài suốt cả buổi chiều, một mình ngồi mà không chờ đợi một ai cả ở vỉa hè, cảnh ấy gây ra sự lo âu vu vơ? khiến chàng nài nỉ thân thiện?
May cho chàng, bây giờ thì mặc kệ, mưa cứ tha hồ rả rích trên đường sá đô thành, chiều xuống cứ tha hồ buồn ở các đầu đường, xó chợ, vỉa hè... Chàng đã yên vị trong gian phòng, của chàng.
Một thi sĩ năm mươi tuổi già có dư, mặc dù có một bà cô hay ngủ tỉnh trong buổi ấu thơ xa tít tắp, mặc dù có tô phở hắt vào người trong cuộc xô xát với bạn bè, mặc dầu năm lần mười lần trục trặc trong chuyện yêu đương, mặc dù bao nhiêu ngổn ngang phiền lụy... rốt cuộc vẫn có thể về phục vị, cố thủ trong một gian phòng với lũ sách, và tìm thấy an ninh hoàn toàn. Thật là huyền diệu. Đây là tường đồng vách sắt, là thành quách, là thâm cung của chàng.
Nằm trên ghế vải, chàng vói tay lấy cuốn Tơ tình của Dư Hoài Nhân. Cuốn sách này chàng vừa ý lắm. Hôm nào, chiều chiều, chàng cũng thích xem cuốn này.
Một gian phòng thật là của mình, với những cuốn sách thật quen thuộc: không có gì an ủi hơn.
Chàng bắt đầu lật. Trang 164. Có thể ngừng ở đây được. Vâng, được lắm. Trang này thật là hấp dẫn. Ở góc bên trái phía dưới trang sách, một chữ O nhoẻn cười, vui ra phết. Nó chú ý đến chàng hay chàng chú ý đến nó trước tiên? Dù sao cũng thích: hôm nào cũng gặp lại nó. Cái chữ O này láu lỉnh lắm nhá.
Giữa trang, một chữ N ngúc nga ngúc ngắc. Nó làm như vẫy gọi chàng thật gấp. Phải đến ngay với nó chớ. Nó lại làm như dãy đành đạch. Im nào! Nó vẫn còn như là run rẩy. Chàng biết: vờ thế chứ run gì!
Lũ chữ đến hay. Chàng biết chúng nó hết mà. Biết kỹ mà. Chúng giở trò gì ra, chàng đều biết tất. Chàng yêu chúng, như một bà góa không con yêu lũ mèo quanh quẩn trong nhà.
Ngừng lại với chúng một lát rồi chàng lật đến trang 286. Đây mới là chỗ nghỉ ngơi lâu. Mọi hôm chàng vẫn thảnh thơi ở đây hàng giờ. Chàng ngắm một bức hình, một phụ bản, của họa sĩ Liêu Hà. Chàng nhẩn nha ở đây. Trong tranh có một khoảng rừng, có chim, một đàn chim bay đi bay lại. Chàng theo dõi chim bay. Chàng để ý có con bay đi mất, chờ mãi không thấy trở lại. Chàng chịu khó chờ rất lâu, nhưng vô ích. Điều ấy khiến chàng lo lắng.
Trong tranh có đám người khá đông, cãi cọ, níu kéo nhau. Cứ một người rán sức lướt tới được một chút lại có người túm kéo giật lùi. (Nếu không, chẳng mấy chốc cả bọn sẽ biến mất hết về góc bên phải, phía trên.) Thi sĩ nhận ra một hình dáng quen quen. Chàng đưa hình lại gần mắt hơn tí nữa, nhìn kỹ! Người nọ bỗng ngoảnh mặt lại thình lình. Chết cha! Chàng vội ngó tránh đi, nhưng e không kịp. Linh mục X..., ông ta làm gì ở đây? Rõ ràng người ấy là linh mục X..., đeo kính trắng, cái soutane của ông bị kéo rách mất một vạt. Hình như mồm ông ta mấp máy nói gì ơi ới, ông ta kêu nói gì vậy? với chàng chăng?
Rút kinh nghiệm, thi sĩ không dám đưa hình sát gần nữa. Tuy vậy rồi một lát sau chàng vẫn nhận ra một người quen nữa trong đám đông. Một cô giáo. Cô mặc áo tàu, hở cả cánh tay. Cô giáo cũng bị đẩy tới đẩy lui, cũng múa may náo nhiệt như những người khác. Và đến một lúc, chàng tự bắt gặp mình có ý rình chờ lúc cô giáo giơ cao cánh tay lên, để xem nách cô ta, xem thử...
Chàng toan xấu hổ, nhưng kịp nhớ ra là mình đang tuyệt đối an toàn trong phòng mình. Chàng có thể tự do. Chưa bao giờ chàng thấy mình vừa ý hơn.
10 - 1966