Chương 4
Tác giả: Võ Quảng
S uốt năm 1946 là mùa xuân. Mùa xuân như kéo dài đến tháng Mười. Mùa mía đường đã qua, tôi chưa thấy mía nào ngọt bằng mía năm đó. Đến mùa tơ tằm, tôi chưa thấy sợi tơ nào mượt bằng sợi tơ năm đó. Ngô nướng có một vị ngọt khác thường. Dọc đường đầy tiếng chim. Tiếng bồ chao vang lừng. Tiếng bồ cát ấm áp. Và thật kỳ diệu! Núi non bỗng sáng lên rời rợi. Cỏ cây dọc đường rung lên, reo vui, trò chuyện. Lúc tôi còn níu áo mẹ theo vào chợ chiều, con đường làng xa xôi như dài đến xứ… Tây Trúc. Con đường ngắn dần, cho dến năm 1946 nó bỗng dài ra thênh thang vô tận. Tôi đi dọc đường gặp toàn những nụ cười thân mến. Chuyện ném đất đá vào đầu ông Bốn Rị hoá xa xôi thành chuyện thời trước. Trong làng, những đứa láo xược nhất không còn gọi tôi bằng thằng, “thằng Cục chăn trâu, bị một cục u trên trán”. Ông thợ mộc ngoài vạn không còn hỏi tôi có giấu chơi chiếc đục. Ông còn mời tôi uống bát nước chè. Tôi và thằng Cù
Lao được cả ông Tư Trai mời nếm món mắm ngon của Đà Nẵng.
- Này Cục, này Cù Lao! Ngồi lại đây ăn thử cho biết. Đây là thứ mắm dãnh. Ông Biện Thành ở Đà Nẵng gởi biếu tao đó!
Tôi bỏ thói vật lộn, chọc chó và đi rông. Tôi làm gì cũng có ý có tứ. Trước kia khi ra sông tắm, tôi cởi phăng hết quần áo, rồi hét tướng:
- Hãy theo ta!
Tôi nhảy tòm xuống sông. Bọn chăn trâu nhảy tòm theo. Chúng tôi chơi trò dìm nước. Đứa này cố dìm đứa kia xuống nước. Chơi rất ác! Đè nhau đến ngạt thở, phải lạy mới chịu tha. Sau này, chúng tôi không tắm vậy nữa. Tôi và thằng Cù Lao mặc cả quần khi xuống tắm. Nếu phải cởi quần, hai đứa phải chạy ra xa, đi khom khom rồi đột ngột phóng xuống nước. Tôi phải cúi sấp về phía trước, đưa lưng cho thằng Cù Lao kỳ cọ. Tôi bắt nó kỳ nách, kỳ hông cho đến hết mùi khét của trâu mới thôi. Tôi bắt thằng Cù Lao đưa lưng cho tôi kỳ. Tôi vừa kỳ vừa ngửi, kỳ cho đến lúc da nó đỏ lên mới thôi. Thằng Cù Lao bắt chước người lớn uống nước chè đặc. Nó uống cạn bát, chép miệng gật gù:
- Chà! Ngon quá!
Tôi bắt chước người lớn ăn cay, nói lớn, nhổ thật xa, vỗ vai tụi nhỏ, sai chúng làm việc này việc nọ. Tôi nói với mẹ nên bán quách con trâu Bĩnh. Nghề chăn trâu chẳng nên danh giá gì. Tất cả bọn chăn trâu dù siêng năng đến mấy cũng bị gọi bằng thằng, bằng bọn, bằng tụi, bằng lũ. Có đứa chăn trâu nào được gọi là thầy chăn trâu đâu!
Đất trời năm 1946 trong veo cho đến tháng Chín. Núi Trường Định, hòn Cà Tang vẫn xanh. Đến thu, vài hạt mưa bay. Đến tháng Mười có gió heo may, có mây mù. Mưa lại đổ. Con sông Thu Bồn lại phềnh ra, đổi màu xanh ra màu vàng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau nước lại xanh leo lẻo. Vạn Hoà Phước trong veo, thấy được từng hòn sỏi dưới đáy nước. Thuyền qua lại đông hơn. Đến giữa mùa đông, một thuyền mành hai buồm cập bến Hoà Phước. Một cán bộ bước xuống bến, đi thẳng vào làng, trao cho anh Bốn Linh bức thư của anh Sáu ở Đà Nẵng gửi về. Thư viết:
“Chú Bốn.
Đà Nẵng phải chuẩn bị mọi việc sẵn sàng. Bên tư pháp đưa về gửi tạm ở Hoà Phước bốn chiếc rương. Nhờ chú sắp xếp để cất giấu cho chu đáo. Chú có thể tạm cất bốn chiếc rương trong miếu Bà Tằm rồi khoá cửa miếu lại.
Ký: Nguyễn Văn Sáu
Tái bút: Ngoài này có bác sĩ Thụ muốn đưa vợ và cô con gái là Tuyết Hạnh về Hoà Phước ở tạm một thời gian. Họ đi trước như vậy để được yên ổn. Nhân tiện nhờ chú tìm nhà và sắp xếp chỗ ở cho họ. Bà Thụ gốc người làng mình, như chú đã biết”.
Người đưa thư cho biết bốn chiếc rương đã cập bến. Anh Bốn Linh phải cho ngay người đưa rương vào làng cất giữ. Anh Bốn theo người đưa thư ra bến. Bốn chiếc rương lớn bằng kẽm chiếm trọn một khoang thuyền. Rương nào cũng khoá kỹ. Anh Bốn gọi chú Năm Mùi đi hạ tre làm một đôi quang mới, gọi ông Kiểm Lài và đội tự vệ đưa bốn chiếc rương lên bờ. Bốn chiếc rương kẽm sắp thành một dãy sáng nhoáng. Trên mỗi rương đều có ghi bốn chữ T.A Quân sự. Nét chữ gân guốc. Tuy không nói nhưng tất cả đều nghĩ đó là những rương vũ khí. Tôi và thằng Cù Lao đoán T.A Quân sự là loại vũ khí vô cùng lợi hại. Từ cổ chí kim, Hoà Phước chưa tiếp những “vị khách” lạ như vậy! Bốn chiếc rương kẽm từ bến sông tiến vào làng uy nghi như bốn cỗ pháo tiến vào trận địa!
*
* *
Thằng Cù Lao rất toại nguyện được chú Năm Mùi phân công giữ kho vũ khí T.A Quân sự. Giữ vũ khí cũng là công tác quân sự. Cha nó vào công tác trong quân giới, là công tác quân sự, nay nó cũng được làm công tác quân sự. Thằng Cù Lao lúc ở Đà Nẵng từng thấy đoàn quân Nam tiến rầm rập bước vào sân ga, giữa muôn nghìn tiếng hô như sấm động…
Mỗi lúc chiều xuống, trước khi đến lớp bình dân, tôi và thằng Cù Lao đi tuần tra một vòng vào miếu. Sau khi những ngọn đèn từ các lớp học toả ra, chúng tôi lại tuần tra một vòng vào miếu. Thằng Cù Lao nắm tay tôi bước lò dò như chui vào hang sâu thăm thẳm. Ngôi miếu nằm giữa những cây đa to, bóng tối đen đặc. Chợt thằng Cù Lao nói khẽ: “Đến rồi”. Nó đẩy cửa miếu kéo tôi bước qua ngạch cửa. Tôi khụt khịt muốn ho. Thằng Cù Lao bóp bóp tay tôi, bảo phải im. Tiếng gió huýt dài. Cả chòm sung xào xạc. Trên nóc miếu như có tiếng chân đi. Chợt một loạt tiếng “tắc, kè” khô khốc, nổ sát bên tai. Tôi giật bắn người. Thằng Cù Lao thì thầm bảo tôi phải bấm tay. Nó đã bày cho tôi cách chống sợ, phải bấm ngón tay cái vào đầu ngón tay trỏ. Thằng Cù Lao đập nhẹ chiếc rương. Roặc! Tắc kè bỏ chạy.
Bay ngày, thỉnh thoảng thằng Cù Lao cũng đi tuần tra chỗ cây sung.
Thằng Cù Lao gạ:
- Này Cục! Tôi là một, Cục là hai, chỉ hai đứa mình biết. Chúng mình trèo lên chỗ cái hốc trên cây sung, ngồi trong đó thấy được bãi dâu, thấy hết. Kẻ gian đằng xa, mình thấy được.
Tôi hùa theo:
- Ngồi trên đó! Rất tuyệt! Cứ để bọn Việt gian vào miếu, bất giác ta nổi la làng. Cả làng ập đến trói gô chúng lại. Lập thành tích vậy, cấp trên sẽ thưởng cho mỗi đứa cái súng lục!
Nhưng khi nhìn lại thấy cây sung trơn tuột, tôi hỏi:
- Sao leo lên được?
- Khó gì! Ngoài đảo chỉ có vách đá. Vách đá dựng đứng trên biển. Có chỗ nào dựng thang được đâu? Bọn chim yến làm tổ trên đó. Người gỡ tổ yến bơi thuyền đến chỗ vách đá. Yến làm tổ trong các hốc, họ đứng dưới thuyền cầm một dây dài, đầu dây có buộc cây cọc. Họ vứt sợi dây lên vách. Cọc bị mắc vào hốc hoặc vào dây. Họ đu dây, trèo gỡ tổ yến. Ta cũng làm vậy.
Tôi và thằng Cù Lao chạy tìm dây. Nhà tôi có nhiều loại dây, nhưng dây nào cũng đang cột. Nếu gỡ những dây giàn bếp, tất cả những nồi niêu bát đĩa sẽ đổ ào xuống. Con trâu Bĩnh có cái dây mũi. Nhưng mất dây mũi nó sẽ bỏ chạy. Dây cột gàu múc nước là loại mỏng manh. Ông Bảy Hoá có cái dây lưng làm bằng cả một khổ thao rất dài. Ông quấn đến hai vòng quanh lưng, buộc hai mối thả xuống thành một cái đùm xoè
đến gối. Mượn được cái dây đó thì tuyệt vời. Tôi cứ nhìn nhưng không dám hỏi mượn.
Tôi bàn nên tháo cái dây treo cần xay lúa. Thằng Cù Lao chưa tháo xong thì chị Ba hiện ra trước cửa. Chị Ba bắt phải cột lại cần xay. Chị xúc lúa đổ vào cối bắt tôi và thằng Cù Lao phải xay. Sau đó, anh Bốn Linh cũng biết việc tôi đi tìm dây. Ông Bảy Hoá bảo tôi và thằng Cù Lao dám cả gan cứ nhìn vào lỗ rốn của ông. Thằng Cù Lao thú thật nó muốn trèo lên cây sung tìm cái hốc. Nó sẽ đặt trạm gác trên đó. Anh Bốn không cho phép trèo cây, như vậy rất nguy hiểm. Theo anh Bốn Linh cho biết thì ra những rương T. A Quân sự chỉ chứa toàn sách và giấy. Đó là những hồ sơ ở sở mật thám Pháp ta bắt được, cả những hồ sơ của toà án quân sự của ta. Chữ “T.A Quân sự” có nghĩa là Toà án Quân sự.
*
* *
Anh Bốn Linh được thư anh Sáu nhờ tìm nhà cho bà đốc Thụ và cô Tuyết Hạnh về ở. Lại một đợt khách thứ hai sau bốn chiếc rương T.A Quân sự. Anh Bốn Linh cân đi nhắc lại, cuối cùng anh chọn nhà tôi. Nhà tôi bằng tranh nhưng xây về hướng đông, có nhiều cửa sổ. Gió và ánh sáng là những thứ bác sĩ rất cần. Một bà đốc vợ với một ông đốc tờ về ở nhà quê, không phải chuyện vừa! Cả nhà trên sẽ dành cho bà đốc Thụ và cô gái. Chị Ba xuống ngủ nhà dưới. Tôi sang nhà anh Bốn Linh ngủ với thằng Cù Lao. Tôi và thằng Cù Lao được xếp vào loại chân chạy, bà đốc có nhờ gì, chúng tôi sẽ chạy. Trước đây một vài người ở làng mắc bệnh, lễ bái không lành, đã ra Đà Nẵng nhờ bà đốc nói với ông đốc một tiếng, ông cho cái toa mua vài thứ thuốc. Khi về lại làng, họ đều trầm trồ: Bà đốc và cô con gái sướng chi sướng lạ! Đời trước, ông bà có dày công tu nhân tích đức con cháu mới được cái sướng như vậy! Mọi việc bà đốc chẳng thèm động đến móng tay. Bước đi một bước đã có thằng xe. Đi chợ đã có con hầu xách rổ. Ngồi ăn có đứa đứng quạt. Mẹ đeo kiềng vàng, vòng vàng, mặc toàn gấm vóc. Cô gái mặc toàn tơ lụa, uốn tóc quăn. Cầm, kỳ, thi, họa đều giỏi.
Mẹ tôi nghe bà đốc Thụ và cô Tuyết Hạnh sắp về, chép miệng:
- Nghĩ mà thương bà đốc và cô Tuyết Hạnh! Giặc đuổi, lại một phen gặp cái gian nan!
Tôi thường đi xem hát tuồng ở chợ Quảng Huế, tưởng tượng ra có một bà phi và nàng công chúa bị giặc đuổi chạy. Bà đốc và chị Tuyết Hạnh rực rỡ gấm vóc lụa là, một thị tỳ đẩy chiếc xe loan. Sau xe loan có vài ba thị tỳ khác theo hầu. Một cô cầm quạt, quạt khe khẽ bà phi. Một cô mang tráp trầu, một cô cầm chiếc đèn lồng. Chốc chốc bà phi than thân trách phận. Cô hầu kể lể là người ta ở đời có lúc thịnh lúc suy. Bà phi chớ quá buồn phiền, mà hại đến vóc ngọc! Nhất định có ngày bọn gian nịnh sẽ bị bêu đầu. Chợt chiếc xe loan đó dừng lại ở đầu làng Hoà Phước. Cả đoàn người tiến vào nhà tôi. Các cô thị tỳ phải đỡ bà đốc bước xuống, chạy lấy nước cho bà rửa chân. Tiếng sai bảo của bà đốc õng ẹo dài ra:
- Con hầu đâu? Têm cho bà miếng trầu!
Tức thì tiếng trả lời cũng õng ẹo hơn nữa:
- Thưa bà, có con đây ạ ạ!…
Có những khách như vậy, nghĩ cũng rất quý.
Bỗng có tiếng chị Ba giục:
- Cục và Cù Lao rút hết những áo quần móc trên kia, đem ra sông giặt hết cho chị.
Chị Ba giảng giải:
- Những bác sĩ ăn ở rất sạch. Sờ đến cái gì là phải rửa tay. Không rửa bằng nước mà rửa bằng cồn. Mình ăn ở dơ dáy, họ không chịu được. Họ bỏ đi nơi khác, thanh danh nhà mình mất hết. Được bác sĩ về ở nhà mình, thiên hạ ngó vô cũng sướng.
Chị Ba nói xong, bước lên giường rút hết chiếu chăn quần áo trên sào. Tôi và thằng Cù Lao vác tất cả đặt lên lưng trâu Bĩnh, bắt nó thồ ra sông. Chúng tôi hết đập lại vò, lại ngửi. Chưa có một cuộc tổng vệ sinh nào lại kỹ như vậy!
*
* *
Ở bãi dâu về, tôi đi thẳng vào nhà bà Hiến để dạy học. Có tiếng chị Ba loáng thoáng ngoài ngõ nói bà đốc đã đến. Tôi chạy về nhà. Nhà vắng. Trước sân chỉ có hai người đàn bà mặc áo bà ba đen, xoàng xĩnh như các bà bán mắm. Họ đang nói chuyện với mẹ. Tôi hỏi:
- Bà đốc Thụ và chị con gái đâu mẹ?
Mẹ tôi không trả lời, mỉm cười nói với hai người kia:
- Nó là thằng thứ bốn của tôi đó. Đi làm việc dân việc nước suốt ngày. Hai chân lia lịa như cóc bỏ đĩa.
Thấy đó mất đó…
Mẹ quay sang tôi:
- Bà đốc đó, cô Tuyết Hạnh đó. Không biết hả?
Tôi tưng hửng! Vì rõ ràng hai người này không có gì giống với những bà phi trong rạp hát tuồng. Họ chẳng gấm vóc, chẳng có vòng vàng. Một người là một bà đứng tuổi, có cặp mắt thâm quầng. Cô con gái khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, gầy nhom, xanh xao như người bị đói. Áo quần của họ bạc màu trông càng tiều tuỵ. Bà đốc hỏi về tôi. Tôi được bao nhiêu tuổi mà đã “dài đương” được việc nước non tối ngày? Bà ca ngợi bọn trẻ con ở nhà quê, chỉ tí xíu mà cái gì cũng giỏi, học cũng giỏi, làm cũng giỏi, công tác cũng giỏi. Đã như vậy lại còn biết kính trên nhường dưới, biết chịu thương chịu khó giúp đỡ mọi người. Con nít nhà quê không như con nít thành phố, lười biếng, vô lễ, mê chơi, đêm nào cũng đi xem xi-nê-ma, thích ăn diện. Bọn con nít ở phố, ở Hàn, “không bằng cái móng tay” của bọn con nít nhà quê.
Bà đốc nhìn thẳng vào tôi như muốn tìm trong mắt tôi có một hạt bụi nào không, bà nói chậm rãi:
- Tôi mà có được một đứa con như nó, thì sướng biết mấy!
Mẹ nói:
- Ở đây nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là bọn chăn trâu đó. Chúng thách nhau vật lộn. Vài bữa lại bị một cục u trên đầu. Lại còn bơi tuốt qua bên sông, tôi sợ quá!
Chị Tuyết Hạnh nhìn tôi, mắt mở rộng:
- Bơi được qua sông, giỏi quá hè!
Mẹ tôi nói tiếp:
- Vừa rồi được cử đi dạy bình dân học vụ, dạy bà Hiến và ông Bốn Rị.
Chị Tuyết Hạnh đầy vẻ thán phục:
- Nhỏ vậy mà đã chiến sĩ bình dân học vụ rồi!
Bà đốc giơ hai bàn tay trắng bệch với những ngón tay nhỏ như muốt đũa than thở:
- Tôi chân yếu tay mềm, chẳng làm ra được lúa gạo! Chỉ có biết ăn nhờ! Vậy chú phải nhịn phần cơm cho cô, nghe!
Tôi lúng búng chẳng biết nói câu gì! Chị Ba ở trong nhà bước ra mách:
- Trả lời đi. Trả lời như thế này: chỉ thêm vài đôi đũa, tốn kém chi đâu? Chỉ sợ ngô khoai với tương mắm, cô ăn không được.
Chị Ba mới làm cán bộ mấy tháng mà việc đối đáp giỏi quá.
*
* *
Bà đốc Thụ và chị Tuyết Hạnh suốt ngày cặm cụi may vá. Chị Tuyết Hạnh lấy ra một cái hộp tróc sơn đựng nhiều đồ óng ánh rất sang trọng: Thìa, nĩa, con dao sáng quắc, cái kéo tí xíu, cái pin, con dao díp có đến bốn lưỡi, cái ống sáp tô môi. Chị nói khi tô môi phải ăn diện. Về Hoà Phước sống với nông dân, phải hoà mình, giấu hết áo quần loè loẹt. Hôm nay chị giống như ma đói. Hôm nào chị diện vào, tôi và thằng Cù Lao sẽ thấy chị đẹp mất hồn! Chị soạn một chiếc túi chứa toàn lọ, đựng đủ các thứ thuốc. Chị cho biết các thứ thuốc đó chữa đủ các bệnh. Cơ thể người ta có bộ phận gì thì chị sẵn sàng có thứ thuốc chữa các bộ phận đó. May vá xong, chị Tuyết Hạnh làm mọi việc khác. Chị làm việc không ngớt, quét tước, giặt giũ, xách nước, nấu cơm, làm lia lịa còn nhanh nhẹn hơn chị Ba. Chị lên chợ mua đàn dây dừa, cây đèn dầu, hành, tiêu, gạo, mắm. Mua cả chiếu, tự tay xách về. Chị nấu cơm ghế thêm khoai của mẹ tôi vừa biếu, ăn với cá và mắm. Mâm cơm chẳng có món bồ câu hầm, món chè đậu xanh như người ta đồn. Chị Tuyết Hạnh ăn một cách ngon lành, ăn một lèo hết ba bát. Bà đốc Thụ thú thật về Hoà Phước tự nhiên ăn như cọp đói. Hoà Phước có nhiều chất ô-xi như ông đốc cho biết. Bà đến mua thịt chó ở ông Bốn Rị đem về xào nấu trước mặt mọi người. Mẹ tôi không hiểu vì sao một bà phong lưu như bà đốc lại ăn thịt chó. Bà đốc còn cho thịt chó chứa nhiều chất đạm, ăn tốt chẳng có gì ô uế cả. Một bà đốc vợ ông đốc tờ nói thì ai cũng tin. Những người bị nôn oẹ vì mùi thịt chó không bị nôn oẹ nữa. Chị Ba thấy ăn thịt chó là việc bình thường. Ông Bốn Rị càng mất mùi hôi, ngồi gần ông được.
Mẹ tôi bảo không mấy khi cô Tuyết Hạnh về chơi, chớ có để cô làm nhiều việc, nhưng chị Tuyết Hạnh lại rất thú vị khi được xay lúa, giã gạo, như được múa hát vậy. Chị Tuyết Hạnh lấy đôi vò lớn, gánh một lèo bốn gánh nước đổ đầy vại. Mẹ tôi sợ chị bị ngất. Chị bảo chị nghe khoẻ ra, ngủ thẳng giấc. Tôi đi đâu chị cũng xin đi theo để “học” cho biết. Chị theo sang nhà bà Hiến dạy bà học. Bà Hiến rất thích, vì chị Tuyết Hạnh ăn nói dễ nghe. Thỉnh thoảng chị còn hát khe khẽ cho bà nghe. Tôi mách với chị là thằng Cù Lao có “miếng trói” rất lợi hại. Có được miếng võ đó trong tay thì ai khoẻ mấy cũng bị đánh bẹp. Chị xin tình nguyện làm người học trò nhỏ để được học “miếng trói”. Chị Tuyết Hạnh rút ra một gói nhỏ có hình vẽ một người đàn bà cổ đeo dây cườm, miệng cười tủm tỉm. Chị cầm gói đưa cho tôi và thằng Cù Lao ngửi. Đó là miếng xà phòng thơm, chị lấy ra để tặng hai đồng chí nông dân Cù Lao và Cục. Tôi và thằng Cù Lao ra sông tắm thật sạch, sau đó mới “xức” xà phòng thơm. Bọn chăn trâu trong làng cũng dược tôi xức cho xà phòng thơm, sau khi tắm rửa sạch sẽ.
Chị Tuyết Hạnh về được vài mươi hôm đã được cử làm chiến sĩ diệt dốt, chị dạy bà Hiến, dạy ông Bốn Rị khi tôi và thằng Cù Lao bận việc khác. Chị được cử làm trợ giảng cho lớp đặc biệt. Mặt trận diệt dốt lại thêm một chiến sĩ học giỏi, không kém tiến sĩ cử nhân ngày trước.
Chị Tuyết Hạnh về Hoà Phước mang theo một kho hiểu biết. Chị giỏi lịch sử, địa lí, giỏi tiếng Tây, biết cả đàn hát. Chị kể thao thao bất tuyệt những chuyện phim, những phim đó ai thủ vai chị đều nhớ được. Chị thuộc như cháo tên những đào kép như Cơ-lác Gắp, đào Gác-bô. Dưới trần đời này, Cơ-lác Gắp, Gác-bô là sự tuyệt diệu của tuyệt diệu! Chị có nhiều chuyện mê ly, kỳ quặc, chuyện một con bọ dừa vàng có ba chấm đen trên lưng. Một tướng cướp bắt được một con bọ dừa như vậy, bỗng hoá sáng suốt. Nhờ con bọ dừa đó, tướng cướp đó tìm ra được một kho châu báu chứa đến ba nghìn lạng vàng, một nghìn hạt kim cương và năm nghìn ngọc bích… Nếu không có con gà trống của bà Hiến nhắc đêm đã khuya, thì tôi và thằng Cù Lao đã thức đến sáng để nghe những câu chuyện giật gân của chị. Những chuyện kể của chị Tuyết Hạnh làm chúng tôi có hôm dậy trễ.