Vũ Hồi Nguyên
Chương 2
Tác giả: Vũ Hồi Nguyên
Cúc Phương không thuộc vào những giọng ca nổi tiếng ở Mỹ hay Pháp. Nàng sẽ không bao giờ được chọn cho những băng vidéo bán chạy nhất, đang từ Paris và California tràn ngập về trong nước. Trần Vĩnh Phúc đã có lần lỗ vốn khi đưa vợ từ băng nhựa lên CD. Chỗ hành nghề của Cúc Phương chỉ có cái phòng trà Việt Nam nằm ở ngoại ô Paris. Những lúc nó không bị đóng cửa vì một trận ẩu đả hay một lần gian thuế. Ngoài ra, một năm được hai ba đại nhạc hội, một vài dạ vũ của các hội cựu học sinh hay đồng hương, và những đám cưới trước hè. Thỉnh thoảng lắm mới được một nhà hàng Tàu sang trọng. Thu nhập của ông chồng kinh doanh thất thường khiến Cúc Phương phải có thêm ở nhà nghề sửa quần áo, và nhận làm chả giò bánh cuốn suốt năm.
Vậy mà mỗi khi nữ ca sĩ Cúc Phương bước vào tiếng nhạc, nàng cứ tưởng cả vũ trụ đã nôn nao chờ nàng. Chính nàng làm những dòng nhạc bừng tỉnh dậy, hòa vào nhau, chen nhau chạy đến đón nàng. Không gian được mở rộng cho riêng một người. Cô nghệ sĩ buông trôi cho âm nhạc thấm dần vào mình. Nàng sẽ say hơi ấm của những ánh sáng đã lên màu, đến mân mê thân thể nàng, bám theo từng cử chỉ bước đi của nàng, như bao nhiêu cặp mắt ở đâu đó trong vùng bóng tối. Tiếng hát nàng xua đi những ưu phiền của cuộc sống, dẫn vào thế giới huyền ảo của cảm xúc. Ở đó, tình yêu đã giành lại ngôn ngữ, đưa lòng người về những xao xuyến, vì một ánh nắng, vì một giọt mưa. Không còn người đàn bà tầm thường của hàng ngày, Cúc Phương đã hóa thân thành nhạc thành thơ. Những lời nàng hát là những bông hoa tản mác trong đêm, bay bổng về một góc nhớ của người nghe. Cúc Phương thấy mình đẹp tuyệt vời ở nơi gặp gỡ của thơ và nhạc.
Những lúc đó Cúc Phương quên đi số phận hẩm hiu của giọng ca nàng. Nàng không nhớ người ta chỉ cần nàng đóng góp cho một không khí văn nghệ, giúp vào một buổi khiêu vũ. Cô ca sĩ cứ việc hát, những món thịt cá tiếp tục lan tràn các bàn tiệc, rượu ngon vẫn làm mọi người cười nói oang oang. Những cái nhìn âm thầm quan sát không ngừng lâu ở người ca sĩ, mau chóng trở về so sánh sự giàu sang hạnh phúc của những kẻ cùng giới. Khi bụng no, người ta ra sàn nhảy, muốn tiếng hát đừng át tiếng trống giữ nhịp cho điệu nhảy. Ở một vài nơi còn có các bà các ông nóng lòng chờ cô ca sĩ hát cho xong để đến phiên mình trình diễn. Con cái của họ đã lớn, họ cần làm văn nghệ để lấp các khoảng trống, và cần cái nhìn của thiên hạ để hiện hữu. Những người như họ yêu văn nghệ là chuyện dĩ nhiên, vì trong đời sống đầy đủ của họ tình cảm cũng phải có thừa. Đừng lầm họ với những kẻ xướng ca vô loài, hát vì đồng tiền bát gạo.