DÒNG SÔNG GIUN
Tác giả: Vũ Thi
Trong đêm hắn lặng lẽ mò tìm bật lửa, cơn buồn ngủ còn trĩu trên đôi mắt, bóng tối trong đầu và bên ngoài như bện vào nhau muốn đè hắn xuống, tay sờ soạng, đầu lắc lắc trong đêm, cơn buồn ngủ qua đi khi ánh sáng loé lên từ đầu máy lửa, một tia sáng nhỏ nhoi như bừng thức trong đầu hắn một ngày mới phải sống. Đời hắn bắt đầu từ đấy… khi ngọn lửa thắp lên trong óc nửa tỉnh nửa mê là hắn phải vùng dậy lần tìm bật lửa mà đốt cháy lên một ngày - một ngày mới không làm sao thoát nổi. Chân đá mớ chăn màn vào góc, hắn mò mẫm lật đật xuống thang, tia sáng run rẩy như bóng hắn chập chờn muốn tắt, tiếng cọt kẹt của những bậc cầu thang khô cằn như mọt gặm, đêm tịch lặng chợt gằn lên những âm ba sự sống, một bức hoạ nền đen và ánh lửa, có lẽ vạn vật đều bắt đầu như thế… một ngày chưa đến, nhưng nó sắp đến kia, rất gần, chỉ vài tiếng nữa thôi, trời lại sáng. Ở đây trong bóng đêm là dĩ vãng… khi ngọn lửa thắp lên là tương lai, một ngày mới hiện sinh đời hắn, ngọn lửa non đầu máy lửa, ánh mặt trời nửa tỉnh nửa mê lay đời người thức dậy. Bật đèn bếp, chiếc xe máy hon đa màu đỏ cũ kĩ hiện lên như chú ngựa già đứng đợi. Hắn mau lẹ buộc chiếc thùng nhựa vào sau yên xe, cẩn thận cài chiếc vợt may bằng vải màn tuyn Mỹ trên mặt thùng, cán vợt thòi về phía sau như cái đuôi cá mực, hắn hài lòng vì mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, lặng lẽ quay lên gác, hắn bật đèn buồng chính gọi thằng con dậy đi làm.
Thằng bé nằm còng queo ở cuối phòng, bên chiếc bể cá cảnh rõ lớn, dài như cỗ quan tài bằng kính. Lũ cá thần tiên bắt ánh sáng đèn căng vây lượn lờ khoe vẩy, những bộ cánh sọc vằn óng ánh lộng lẫy như bay trong làn nước, chúng nhao đến bên quả cầu giun bồng bềnh đưa đẩy. Những con giun nhỏ bằng cây kim bện vào nhau thành khối, tròn vo, ngoe nguẩy trên đĩa như một thứ đồ trang sức bầy trong bể cá cảnh, đó là sự sống cho bầy cá và là sự sống cho cả làng nghề nuôi cá cảnh. Ở đâu có giun ở đó người ta tìm đến, từng đoàn người nối đuôi nhau lần mò suốt ngày đêm. Loài giun nhỏ này sống và sinh sản ở những vùng nước nhơ bẩn nhất, trong những cống rãnh của những nhà vệ sinh công cộng trong thành phố. Dưới làn nước lờ đờ chảy, những đám giun bện vào nhau thành những lợt thảm đỏ ngoe nguẩy, người ta dùng vợt hớt lấy những đám giun ấy, lắc vợt trong nước cống hôi thối cho bùn tan bớt đi, đọng lại trong đáy vợt là lũ giun lẫn bùn nhão nhoẹt bẩn thỉu, đó là thứ sản phẩm mà làng cá phải làm. Ở đâu càng bẩn - ở đó càng nhiều giun, tất cả mọi cống rãnh bẩn thỉu trong nội ngoại thành phố đều có họ túc trực hàng ngày. Hàng vạn chiếc bể nuôi cá cảnh trong thành phố như những chiếc miệng há hốc đói khát đang chờ họ. Năm nghìn một bơ rồi lên đến cả mười nghìn mà nhu cầu vẫn không đủ. Ở làng hắn bỗng sinh ra hai nghề: nghề nuôi cá và nghề hớt giun. Đi hớt giun lãi suất bằng nghề nuôi cá, nhưng nghề hớt giun nghe chừng không sạchsẽ và cao quý bằng nghề nuôi cá, nên những người đi hớt giun bao giờ cũng nguỵ trang bằng vài ba bể cá cảnh cho đỡ tủi mà nhiều khi sinh lợi đôi đường, nhưng họ vẫn thích nghề hớt giun hơn vì vừa có mồi nuôi cá, còn bán được tiền tươi mà nuôi sống gia đình, nếu không may thất bại về con cá thì có con giun để mà sống. Mà khi đã có lợi thì sinh ra dành giật - người dân Nam ta xưa nay bao giờ chẳng thế, những người nghèo tính thời gian bằng ngày, bằng tháng, cứ ngăn ngắn đoạn một mà cộng lại thành đời. Khi tiếng gà chưa gáy, màn đêm còn đang ngủ, họ – những người thợ hớt giun đã len lén mà dậy… phải thật nhẹ nhàng ít tiếng động, phải thật lặng lẽ kẻo ông hàng xóm cùng nghề phát giác thì hỏng, họ lặng lẽ dắt xe máy tới cổng làng và nổ máy chạy như bị ma đuổi.
Hôm nay cũng như mọi ngày, vẫn vậy, hắn lay thằng con dậy - thằng bé độ mười lăm, mười sáu tuổi, cằn nhằn choàng dậy như vừa phải bỏng, đàn cá thần tiên trong bể kề bên chỗ nó nằm nhởn nhơ vẫy lượn, những vằn sọc thanh cao như bay trong làn nước, thằng bé dụi mắt nhìn đàn cá… lặng lẽ vùng đứng dậy, nó đã hiểu hai bố con phải làm gì. Ngoài trời cái rét mùa đông còn chưa nguội, hai bố con mặc vội bộ quần áo lao động lặng lẽ lên đường – Hôm nay hớt đâu bố? - Sấu Giá - nói khẽ đi mày. Thằng bé như tỉnh hẳn, co ro ngồi sau xe, tựa lưng vào thùng nhựa và cứ thế hắn phi thục mạng.
Đối với hắn, dòng sông Hồng chảy từ đâu về qua thành phố? Rồi sẽ qua những đâu? hắn cóc cần biết! hãy kệ mẹ dòng sông cho nó thả sức mà chảy, kể cả mưa nắng bốn mùa cũng vậy – trong đầu hắn chỉ có suy nghĩ về sự sống của gia đình... vợ hắn và hai đứa con. Đời hắn tù đày nhiều sinh lao phổi, hắn coi như bỏ, còn ngày nào hay ngày ấy, đối với hắn cóc cần, hắn luôn tự an ủi mình – ngồi tù còn chẳng chết thì lao động còn lâu mới quật nổi hắn. Hai thằng con, một đứa bỏ học theo bố đi làm, thằng em đang lẽo đẽo học phổ thông, hàng tháng cứ đần độn vì lo xin tiền học, vợ hắn gầy yếu vừa mổ cắt hai phần ba dạ dầy và có lẽ cái nghề cá cảnh, hớt giun sinh ra từ đấy. Hắn muốn vợ nuôi vài ba bể cá, vừa đỡ buồn lại có tiền, nên bố con hắn quyết định vào nghề, vài bể cá khi thay nước hàng ngày đã có ba bố con, vợ hắn lo cho cá ăn và ủ giun. Người không trong nghề thì khỏi phải nghĩ, cứ xỉa năm, mười nghìn là có một bơ giun thả bể, người làm nghề thì khác… Thùng giun nhão nhoẹt thối thá sẽ được sẻ ra làm vài chậu và trên mỗi chậu sẽ được phủ lớp bao tải để ủ, mùi hôi thối sinh nhiệt lũ giun sẽ nhoi lên mặt bùn, kết với nhau thành lớp mỏng, lúc này người hớt giun chính thức được thu hoạch - Họ bóc những lớp giun nổi trên mặt bùn thả vào chậu nước, nếu chậm bóc lũ giun sẽ chết thì hỏng bét – nên cứ nổi đến đâu là phải bóc ngay. Có nhiều khi giun không nổi, người ta phải đặt lên bếp ăn mà đun thì rõ khổ, lũ giun gặp sức nóng của bếp nhoai lên mặt bùn cho bằng hết, nhưng nhược điểm là chúng chỉ sống được vài giờ là phải bỏ, nên nhà nào phải đun là bán tống tháo cho nhanh mà thu về công sức. Đặc điểm chung của những gia đình làm nghề là cái mùi thum thủm, cái mùi thối thum thủm lưu cữu từ năm nọ qua năm kia, người ta phải giấu diếm nhau sản phẩm thu được nên nhiều khi thùng chậu phải ủ vào chỗ kín đáo mùi thối càng bốc lên tợn. Thật rõ khổ – cái lợi ở đời bao giờ cũng vậy, người ta giong duổi, dõi tìm đường đi lối làm của nhau mà xông tới…! Mọi cống rãnh trong thành phố cứ nhan nhản người khai thác, nên kiếm con giun đâu phải dễ - phải nghiên cứu đàng hoàng xem nước cống rãnh sẽ chảy về đâu và đi theo nó mà khai thác. Công việc cứ xa dần – xa mãi đến mười lăm, mười sáu cây số. Ở đó là những dòng sông nhơ bẩn đón nước thải thành phố. Hôm nay hai bố con hắn mò đến đó, trên đường lặng ngắt như tờ, thỉnh thoảng lắm mới thấy người thồ rau trở ngược vào thành phố. Ngồi sau hắn thằng bé co ro nép vào lưng bố.
Lạnh không con? – không sao bố ạ… - hắn cố nghiến răng mà dằn cái lạnh trong người.
Chỗ này hôm qua có người hớt được mấy chục bơ - thằng bé nghe phấn chấn hẳn lên – sắp vào chỗ rẽ đấy bố – biết rồi – hắn trả lời nhát gừng vì thấm lạnh.
Bố ơi… - sao? – con muốn lại đi học. Một thoáng im lặng – mày nghỉ học năm năm rồi - xin lại sao được! - hắn chợt thấy xót xa làm sao, nó như một vết thương không lành lại rỉ máu! – con sẽ tự học có được không? – việc đã xong… nhưng chẳng dễ dàng đâu… Một viễn cảnh lờ mờ hiện dần trong tâm chí hắn như mặt nước sông nhờ lấp lánh.
Đến rồi con ạ - hắn lặng lẽ dừng xe, tháo thùng, hai bố con cởi áo mưa, hắn rút chiếc bánh mì để từ tối hôm trước, bẻ đôi đưa cho thằng bé - ăn đi con cho đỡ lạnh. Thằng bé chừng chạc nuốt mẩu bánh cứng queo không chút thú vị, nhưng nó hiểu trong hoàn cảnh này phải thế, phải ăn - phải ăn thật nhanh mà còn lội nước.
Một dòng sông đen sẫm chảy vắt qua cánh đồng tối sẫm… Hai bố con bắt đầu từ đây, hắn lẩm nhẩm trong miệng như nói với mình. Thằng bé lặng lẽ cởi hết quần áo, gói vào ni lông, cầm thùng vợt lội xuống sông theo bố.
Cái lạnh như cắt vụn từng phần cơ thể, đó là nỗi đau đớn phản về của từng thân xác, người hớt giun hiểu rõ về nỗi buốt giá này, thật nhanh họ đẫm mình ngập cổ và bắt đầu vận động, người còng xuống chỉ để hở cái đầu, toàn thân tì cán vợt, khéo léo hớt lớp bùn trên bề mặt, ở đó có giun ngoi lên kiếm mồi, khi gần đầy vợt, họ nâng miệng lên khỏi mặt nước và lắc cho bùn tan, cho đến khi chỉ còn một cục bùn như quả cam nhão nhoẹt đó là giun mà ta khai thác, họ đổ vào thùng và lại tiếp tục. Cứ thế cái lạnh và nỗi cơ nhục như quấn vào nhau, bố con hắn vật vã trên dòng sông nhơ bẩn, trên cao là bóng đêm và gió, thỉnh thoảng một vài lời trao đổi âm ba méo mó vì giá lạnh. Cái thùng lê theo hắn cứ chìm dần vì sức nặng của bùn giun hớt được. Thằng bé cứ tụt dần lại phía sau nên cứ một quãng hắn lại phải gọi và chờ thằng bé đuổi kịp. Trời dần tảng sáng, trên cánh đồng xơ xác quạnh hưu, xa xa thằng con hắn cố lê thùng lên bờ, nhưng sao thế kia? Thằng bé nằm lăn bên bờ ruộng! Hắn hốt hoảng nhao lên bờ chạy ngược lại – con hắn đang quằn quại trên vũng bùn nhơ nhớp, bụng nó đau quặn từng cơn, cứng đờ như gỗ, hắn ôm ghì nó vào ngực, chạy ngược về chỗ để xe, tay hắn run run cầm quần áo khô chà lên người nó như điên dại. Nỗi đau đớn trong trái tim hắn như đốt lửa, mặt thằng bé tái ngắt vì đau đớn, giữa cánh đồng, hai bố con hắn ghì chặt lấy nhau trong cô đơn lạnh giá…! Có một cái nghề luôn chìm sâu tận đáy đó là nghề hớt giun khốn khổ, nó chìm sâu – sâu mãi ở tận đáy cõi đời, họ phải vớt nó lên, vì đó là sự sống ngày mai không thể nào khác được, nỗi trần trụi đến hãi hùng cho từng ngày sống, thời gian của họ như bị mối xông hay mọt gặm mà họ phải lần giở từng ngày trong giá lạnh.
- Phải về ngay thôi con – hắn thốt lên như gào trong tuyệt vọng, vội vã trùm đúm cho thằng bé đỡ lạnh, dìu nó lên xe – bố ơi… cái… thùng… - xa xa cái thùng bồng bềnh trôi… Có biết bao dòng sông chảy qua cõi đời nhưng có một dòng sông cơ khổ nhất chảy qua đời người đó là dòng sông giun - vứt bỏ, hắn quả quyết rồ ga như một lời vĩnh biệt.
2005