Chương 2
Tác giả: Vũ Thiên Lý
Bài văn tế khá trau chuốt của quan được đọc lại đến lần thứ ba mà con quái vật cứ tỏ ra không cảm động chút nào.
Ngày đầu khi Lý Diên Đài - người thủ tế có giọng hay nhất ở Dương Châu - vừa dứt tiếng đọc ngân nga thì chuông trống vang lên và nhiều người tưởng như trông thấy cái lưng đen sì của con quái vật hiện lên giữa dòng.
Một số trợn mắt, tỏ vẻ kinh ngạc, kêu lên :
- Linh thật ! Linh thật !
Và vị xã trưởng cũng kêu lên, vừa tỏ vẻ kinh ngạc, vừa trợn mắt :
- Linh thật ! Linh thật !
Nhưng sau đó gã Thiện Hải cũng kêu to :
- Không phải con quái vật ! Đây là mảnh gỗ trôi của chiếc thuyền hư mục nào đó.
Nhiều gã trai trẻ cũng kêu lên :
- Gỗ trôi ! Gỗ trôi ! Không phải quái vật !
Lập tức vị xã trưởng nổi giận, hét lên giữa đám đông người lố nhố bên sông :
- Im đi ! Các người có im đi không ? Ai cũng cho đấy là con quái vật mà các ngươi lại nhất định là mảnh gỗ trôi, vậy là thế nào ?
Rồi ông nghiêm giọng phán truyền :
- Bây giờ chúng ta đang nói về con quái vật, thì bất cứ cái gì hiện trên sông cũng đều thuộc về nó cả. Mảnh gỗ cũng là quái vật.
Mọi người không ai dám bàn tán gì thêm nữa và suốt buổi lễ không có gì khác hiện ở trên sông. Gần trưa ai nấy đói bụng, kéo nhau ra về. Vị xã trưởng cho rằng quái vật có lẽ đang bận suy nghĩ nhiều lắm về bài văn tế nên không có bụng dạ nào bơi lượn trên sông.
Qua ngày thứ hai, Lý Diên Đài đã nuốt chanh, ngậm gừng cho giọng được trong trẻo hơn, đọc bài văn tế thêm một lần nữa nhưng vẫn không thấy con thủy quái tỏ thái độ gì. Nhiều cụ già cho rằng có lẽ thủy quái đã đi rồi, và vị xã trưởng thì nhất định thủy quái đang bận thu xếp hành lý để lên đường. Đến ngày thứ ba vị xã trưởng muốn cho chắc chắn, bắt Lý Diên Đài đọc văn tế thêm một lần nữa, và lần nầy viên thủ tế phải ráng hết gân hết sức đến nỗi đọc xong anh ta có cảm tưởng rằng mình là quái vật và bài văn tế nầy là mình đọc cho chính mình vậy.
Sau đó, suốt ngày không thấy động tĩnh gì, nhiều người sắp sửa giết nốt con gà còn lại để mừng cho một tình trạng yên ổn đã được phục hồi thì con quái vật lại thấy hiện lên, lù lù phơi chiếc lưng đen lượn quanh nhiều vòng ở giữa lòng sông một cách hết sức nhàn hạ, đủ cho mọi người hiểu rằng nó không lưu ý mảy may đến tài văn chương hoa gấm của quan lệnh trấn.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa hé những tia đầu tiên trên vòm xanh bao la thì nơi bến Dương Châu đã thấy cụ Thiên Hộ đứng chờ. Rồi từ trong bờ tre đầu xóm lần lần xuất hiện Khải Hòa, Thiện Hải, ông cụ Hồ Bái và năm người trai trẻ khác nữa, mỗi người lên tay đều có một cây giáo dài.
Khi họ đến gần, cụ Thiên Hộ nói :
- Ta chờ các người đã lâu rồi. Không nên chậm trễ, mặt trời lên cao chói sáng khó mà đuổi theo thủy quái. Qua mấy đêm không ngủ ta đã theo dõi sự biến hiện của nó rõ rệt lắm rồi. Con quái nầy lớn lắm, nó không đi lại như loài cá nhỏ, mà có giờ giấc nhất định.
Rồi ông cụ nhếch môi như cố gượng cười, nói tiếp :
- Quái vật nó cũng như người, hễ càng to lớn thì càng nặng nề, và càng làm vẻ quan trọng. Thôi, xuống thuyền !
Khải Hòa nói :
- Chờ một chút nữa, thằng Hùng sắp đem heo ra bây giờ.
Cụ Thiên Hộ hỏi :
- Còn heo nào nữa ? Ta đã bảo anh, ta còn con heo cuối cùng để ta nướng lấy làm mồi cho loài thủy quái thì ta đã làm đây rồi. Xem kìa !
Ông cụ chỉ xuống dưới thuyền và mọi người nhìn thấy một đầu heo cháy vàng thò khỏi một tàu lá chuối khá lớn ủ giữa khoang thuyền.
Khải Hòa nói :
- Cụ đã biết đem con heo cuối cùng cho loài thủy quái thì lẽ nào tôi lại tiếc con heo độc nhất của tôi hay sao ? Miễn là giết được thủy quái thì ta còn mong có nhiều heo khác, lo gì. Chỉ một con mồi không đủ để nhử nó đâu.
Nói vừa dứt câu thì đã thấy bé Khải Hùng vác heo từ trong xóm chạy ra. Mọi người xuống thuyền. Tất cả là chín người, chia làm ba nhóm, cụ Thiên Hộ, Khải Hòa và Thiện Hải ngồi riêng để cầm đầu từng chiếc thuyền một.
Ông Hồ Bái nói :
- Chúng ta ít người quá không ?
Cụ Thiên Hộ đáp :
- Bây giờ đã bắt tay vào việc, đừng có băn khoăn về nỗi ít nhiều. Đã nói rát cả cuống họng mà không được đông hơn, thì bấy nhiêu đây là khá lắm rồi. Nhiều mà không có tinh thần thì nhiều chẳng có ích gì. Người ta sợ chết, sợ xúc phạm đến quái vật và thích ngồi yên để cho quái vật giết lần giết mòn gia đình, làng xóm của mình. Chúng ta là người, không thể sợ loài ác thú.
Nói xong, cụ bèn đẩy thuyền ra trước.
Khải Hùng bỏ heo xuống thuyền và muốn ngồi luôn trong khoang. Khải Hòa bảo con :
- Con trở về đi.
Khải Hùng đưa mắt như muốn cầu cứu mọi người để được ở lại.
Khải Hòa la lên :
- Thôi, trở về ! Tao có chết đi cũng còn lại mầy.
Mọi người cũng bảo chú bé lên bờ. Biết không thể được, Khải Hùng rời thuyền, tiu nghỉu ngồi trên bờ sông nhìn theo những chiếc thuyền nhỏ từ từ lướt trên mặt nước yên lành còn phủ nhẹ lớp sương mai, trong lòng cảm thấy vô cùng hồi hộp.
Ra đến giữa sông, cụ Thiên Hộ quay lại bảo mọi người :
- Cứ theo đúng như kế hoạch chúng ta đã bàn trong đêm mà làm.
Xong, cụ Thiên Hộ quan sát mặt sông, cho thuyền tiến lên phía trước rồi cột một con heo thui vào một đầu dây thả xuống dòng nước. Khải Hòa bắt chước làm theo và ba chiếc thuyền cùng neo cả lại, mỗi người rút dáo gác trên be thuyền, tay giữ mái chèo.
Bây giờ phương đông ló sáng vừng hồng. Những tia lửa đầu tiên rạch chiếu lên nền trời xanh nhạt, đuổi qua bên kia chân mây những bóng tối cuối cùng sót lại.
Cụ Thiên Hộ ra dấu cho ghe Thiện Hải dừng lại và cùng ghe Khải Hòa chèo nhẹ trên mặt sông, đảo thành vòng tròn, vừa giựt sợi dây cho miếng mồi nhấp nhô trôi nổi ở trong lòng nước.
Bỗng nhiên mặt sông như chao đảo mạnh và mấy chiếc thuyền theo luồng nước dợn chồng chềnh như muốn lật nghiêng. Rồi từ từ dưới nước nhô lên một tảng đen sì có những gai cạnh như những răng cưa khổng lồ.
Ông Hồ Bái kêu lớn lên :
- Con ác quỷ đây rồi.
Và cứ hả miệng, chỉ tay, gần như không thể nói năng, cử động gì thêm được nữa.
Thủy quái lượn quanh một vòng như chuyển mình rồi vươn đến phía sau thuyền cụ Thiên Hộ. Lập tức cụ Thiên Hộ rút mạnh sợi dây để kéo mồi về và ra lệnh chèo thuyền. Những cánh tay lực lưỡng đưa thuyền lướt tới rất nhanh hướng về một đám lau sậy mọc lan trên sông ở giữa một vùng nước cạn. Nhưng con thủy quái chỉ cần vẫy mình một cái đã đuổi theo kịp và cụ Thiên Hộ thả lỏng dây mồi. Thủy quái há chiếc họng lớn chĩa những răng dài đớp lấy. Cụ Thiên Hộ vẫn giữ đầu dây và tháo lần ra tùy theo sức kéo của con quái vật. Nhưng thuyền của Khải Hòa vừa lướt tới thì gặp thủy quái quay mình trở lại. Biết rằng chậm trễ thủy quái có thể làm cho lật thuyền, Khải Hòa ném ngay miếng mồi sang một bên để nhử thủy quái. Khi con vật vừa lao mình về phía ấy thì Khải Hòa cùng toàn đội chuyển hết gân sức đưa thuyền về phía bãi sậy. Cả ba chiếc thuyền bây giờ ở trên miền nước cạn và những trai trẻ đi theo nhảy ngay xuống nước giúp cụ Thiên Hộ, Khải Hòa nắm lấy hai đầu dây cột giữ miếng mồi đã vào trong bụng thủy quái.
Thủy quái vừa quẫy mình đi bỗng cảm thấy bị giật lại, các miếng mồi đã nuốt vào ruột như bị lôi ra tận họng. Nó vội vàng ngậm chặt lấy mồi và bị hai sợi dây kéo đầu của nó quay ngược về vùng nước cạn. Thiện Hải bấm chân xuống dưới đất bùn, ngã người về phía sau cố kéo sợi dây. Ông Hồ Bái cũng mím môi, dồn hết sức lực già nua lên cặp tay gầy, cụ Thiên Hộ và Khải Hòa bấy giờ mỗi người đã leo lên một chiếc thuyền để quan sát. Năm người trai trẻ không nói một lời, lôi mạnh đầu dây, nhất cử nhất động đều theo lệnh cụ Thiên Hộ.
Con thủy quái từ từ quay lại nhưng vẫn tỏ ra nghi hoặc. Nó vừa cưỡng lại sức kéo, vừa tiếc những mồi thơm, béo đang chực tuôn ra khỏi họng nên cứ phải tiến về phía đám người. Bây giờ mồm nó nghếch lên mặt nước, mọi người có thể trông rõ hình thù. Đó là một loại hắc long rất lớn, có lẽ vào hạng già nua, theo sự nhận xét của cụ Thiên Hộ, không biết căn cứ vào những điểm nào. Loại nầy rất dữ tợn và rất háo ăn, thuộc lớp tiên tổ của loài thủy tộc.
Cứ thế, con quái vật vừa giữ miếng ăn vừa tiến về phía những người đợi nó. Khi bơi gần vào khoảng sông nước cạn thì mình nó phơi khá rõ trên sông, mọi người đều thấy rõ cái lưng xù xì gớm ghiếc nhô lên như một ghềnh đá. Nhưng con quái vật không tiến lên nữa. Nó cố ghì lại, đầu hơi cử động và đuôi gai góc vẫy mạnh như để giật lùi.
Tình thế bây giờ đã sang giai đoạn quyết liệt.
Cụ Thiên Hộ thấy thủy quái đang trong tâm trạng phân vân. Một bên là miếng mồi ngon, một bên là vòng cạm bẫy. Nếu để thủy quái tha mồi thì bao nhiêu công phu trở thành tro bụi. Hai con heo vốn liếng của hai gia đình, đành xem như là phí bỏ. Vả lại, lần thất bại nầy của họ sẽ giúp thủy quái tinh khôn và cuộc chiến đấu về sau sẽ thêm khó khăn gấp bội.
Trước mắt cụ, thấp thoáng hình ảnh của những gia đình nheo nhóc, đói khổ, bên tai cụ vẫn nghe những tiếng thở dài áo não trong những đêm qua. Cụ hiểu rằng để cho loài ác thú thắng được phen nầy là cuộc sống trên bờ Dương Châu trở nên héo hắt, tiêu điều. Không, loài thủy quái tuy sống lâu đời nhưng cụ Thiên Hộ là người tuổi tác. Nó tuy có sức mạnh, nhưng cụ lại có trí khôn, cộng thêm bao nhiêu tấm lòng phụ họa, bao nhiêu bàn tay hợp sức. Bất giác cụ già đứng thẳng lên trên chiếc thuyền chồng chềnh vì mặt nước chao đảo do sự vùng vẫy của con quái vật, và ra hiệu cho những người trai trẻ thả lơi dây kéo. Con thủy quái nuốt miếng mồi vào và quày đầu ra giữa sông. Lập tức, theo lệnh của cụ Thiên Hộ, những dây kéo lại giật mạnh. Đầu con quái vật lại quay ngược vào. Cứ thế, khi buông lơi, khi kéo thẳng, con quái vật cứ phải đảo mình nhiều lượt trên vùng nước cạn để giữ miếng mồi.
Cụ Thiên Hộ biết rằng thủy quái háu ăn, trải qua một đêm yên nghỉ bây giờ cần được no bụng. Cơn đói buổi sáng khiến nó không chịu thả mồi. Lại thêm từ lâu ăn mãi tôm cá, nầy có miếng ngon béo bổ, dễ gì nó chịu buông tha, miếng mồi lại cứ chập chờn như thế, làm sao nhịn được. Nếu phải chiến đấu với một thủy quái trẻ hơn thì cụ phải lo lắng nhiều về phần sức mạnh, nhưng cụ dễ khiến cho nó vào tròng, và dễ thắng trận. Đằng nầy quái vật đã già lắm rồi, và như hầu hết những người tuổi tác, quái vật cũng rất đa nghi, cũng biết dè dặt và e ngại nỗi khó khăn. Bởi vậy, cụ phải để mồi cho nó nuốt sâu vào họng rồi mới giựt ra. Loài vật cũng như loài người không bao giờ chịu buông thả miếng mồi ưa thích mà mình đã nuốt được rồi. Sự khiêu khích nhẹ nhàng ấy làm cho thủy quái cảm thấy không bị đe dọa nhưng phải vất vả vì một trò đùa đã kéo quá dài. Đến khi đã thấy con vật xoay chuyển đã hơi chậm chạp, nặng nề, cụ Thiên Hộ đợi lúc nó quày đầu vào miền nước cạn, ra dấu cho những chàng trai kéo dây thực mạnh. Hai miếng mồi tuồn tuột chỉ chực trôi ra và con quái đành chuyển hết sức lực để cố giữ lại.
Bỗng nhiên một sợi dây đứt. Cụ Hồ Bái, Thiện Hải và hai chàng trai khác ngã xoài trên sông. Sợi dây cột mồi của Khải Hòa không được thật chắc đã bị răng con quái vật nghiến nát. Tình thế trở nên cấp bách. Nếu dây thứ hai cũng bị đứt luôn thì tan tành bao nhiêu trông đợi của biết bao người. Lập tức, những người kia chồm cả dậy và phụ lực vào dây kéo độc nhất.
Cụ Thiên Hộ, liền trong lúc ấy, ra hiệu lơi dây. Con thủy quái trong phút không bị dằng co vội vã nuốt lấy miếng mồi đã chiếm trọn vẹn thì vừa lúc ấy cụ Thiên Hộ lại ra hiệu kéo dây thật mạnh. Con vật hả họng nuốt xong miếng mồi thứ nhất thì mồi thứ hai tuột ra khỏi miệng. Nó chồm lên đớp theo, liền bị rơi vào một khoảng cát lầy rất cạn. Biết lâm vào tình thế nguy, quái vật vẫn không thả mồi nhưng cố vùng vẫy. Con vật càng quẫy càng lún vào lớp cát bùn. Theo lệnh của cụ Thiên Hộ chỉ hai chàng trai phụ trách giữ dây, còn tất cả đều lên thuyền chĩa dáo xốc tới. Thiện Hải từ trước vẫn thấy sợ sệt, nay đối diện được sự thực thấy rõ quái vật như một khối đen khá lớn tua tủa đầy gai quày quẫy trong vùng cát bùn, tự nhiên không còn sợ nữa. Anh chồm tới đầu tiên, phóng thẳng mũi dáo vào bụng con vật. Lưỡi dáo trúng dạ dày dội lại và Thiện Hải loạng choạng suýt ngã trên thuyền. Con vật quẫy đuôi, quất mạnh trở lại. Ông Hồ Bái vừa đứng lên bị trúng vào ngực, té ngửa xuống sông, miệng trào máu, loang đỏ mặt nước vẩn đục bùn lầy. Thiện Hải vội vàng nhảy xuống vực ông Hồ Bái lên thuyền. Con quái vật thoáng ngửi thấy mùi máu, hung hăng quay về phía ấy, lôi tuột cả hai người nắm ở đầu dây chạy theo. Vừa thấy Thiện Hải, nó nhả mồi nhe răng, đớp lấy. Thiện Hải nhanh nhẹn cúi rạp xuống thuyền nhưng con thủy quái đã ngoạm vào cánh tay phải và nhấc anh lên. Thiện Hải kêu rú một tiếng khủng khiếp và ông Hồ Bái đang thiêm thiếp trong cơn mê bỗng mở choàng mắt, hãi hùng thấy gã chèo đò lủng lẳng trước mồm quái vật.
Khi con vật vừa chuyển mình thì Khải Hòa đã lướt thuyền sát tới hông nó, chuyển hết sức lực đâm mạnh mũi giáo vào dưới nách trái rồi thọc sâu lên phía họng quái vật. Trúng vào chỗ yếu, con vật thả rơi Thiện Hải, quật mình trở lại như không chịu nổi sự đau đớn tột cùng. Khải Hòa bám chặt cán giáo nên bị cả khối thân hình to lớn của con quái vật như một tảng đá khổng lồ đè lên. Cụ Thiên Hộ suýt kêu lên một tiếng thất thanh nhưng kịp ghìm lại. Đợi con quái vật phơi bụng lên mặt sông, cụ và năm người trai trẻ xốc tới phóng những mũi nhọn ngay vào chỗ hiểm của nó. Con vật cố vùng lên, nhưng khi lật mình, nó đã cày sâu lưỡi giáo của Khải Hòa vào lồng ngực nên không còn đủ sức để vùng vẫy. Cụ Thiên Hộ toan lặn xuống để mò xác Khải Hòa thì đã thấy anh nổi lên cạnh mình.
Cụ kêu lên :
- May quá ! Tôi tưởng anh đã nguy rồi.
Khải Hòa cười :
- Thấy nó quật lại tôi đã lặn trước và cút thẳng lại thuyền cụ Hồ Bái định mượn cây giáo nhưng bùn vẩn đục không thấy rõ đường. Thế nào, nó còn sức lực gì không ?
Con quái vật nằm ngửa, phơi bụng lên trời, để lộ mảng da trắng bệch, nhăn nheo. Thỉnh thoảng nó quẫy cựa toàn thân nhưng vẫn cứ giữ yên cái tư thế cũ. Máu từ dưới bụng, từ ngực của nó cuồn cuộn tuôn ra đỏ ngầu mặt nước.
Mọi người tiến lại thuyền ông Hồ Bái. Thiện Hải bị cắn nát cánh tay phải, từ khi rớt xuống mặt sông, đã cố lết lại bên cạnh ông già. Khải Hòa thấy ông Hồ Bái nằm yên, bất động, cúi xuống nghe ngóng hơi thở. Ông cụ thoi thóp, cố giương cặp mắt lờ đờ nhìn khắp mọi người. Cụ Thiên Hộ nói :
- Ông cứ nằm yên, chúng ta đã giết con thủy quái rồi.
Ông Hố Bái kêu lên :
- Con thủy quái . . . chết rồi ? Thực . . . là đại phước !
Rồi ông òa lên khóc. Những tiếng khóc yếu đuối của ông khiến cho mọi người cảm động.
Thiện Hải cố nén đau đớn, nghiêng xuống bên ông, an ủi :
- Cụ nên bình tĩnh để khỏi tổn hại tâm thần. Chúng ta từ đây có thể làm ăn yên ổn trên mặt sông rồi.
Ông Hồ Bái mấp máy môi, cố gắng hồi lâu mới cất tiếng nói phều phào :
- Tôi . . . không còn . . . sống . . . thêm được mấy nữa. Cho tôi . . . nhìn xác nó một lần cuối . . . thế là toại nguyện.
Ông nghiêng mình, cố gắng chống tay ngồi dậy. Khải Hòa và mấy người trai vội xúm lại bên, đỡ ông ngồi lên. Ông Hồ Bái nhìn trân trân vào xác thủy quái rất lâu như cố thâu hết hình thù quái gở vào trong tâm não trước khi lìa đời. Đoạn, ông phều phào :
- Thế là thỏa rồi. Mầy đã làm khổ nhiều người thì mầy phải chịu đền tội. Từ thủa sinh ra đến giờ ta mới được thấy tận mắt những kẻ hung ác lớn lao như vậy chịu sự xử phạt. Hễ giết được mầy thì bao nhiêu kẻ ác khác cũng trừ tiệt được. Thôi, ta yên lòng mà . . . chết.
Dứt lời, ông Hồ Bái thở hắt ra, đầu nghẹo một bên, đôi mắt từ từ nhắm lại. Mọi người không ai cầm được nước mắt. Cụ Thiên Hộ sửa cho ông Hồ Bái nằm ngay ngắn trong khoang thuyền rồi bảo hai người trai trẻ đưa về. Cụ nói :
- Ông già nầy từ ngày con thủy quái tác hại đã phải bất tỉnh nhân sự nhiều lần, mà đến lần nầy mới không dậy nữa. Con người chân chất, thuần lương mà suốt một đời khổ mãi. Bây giờ mới thực là hết lo âu.
Khi thuyền đưa ông Hồ Bái quày đi, cụ dặn với theo :
- Vào bờ hãy nói cho mọi người biết thủy quái chết rồi nhưng nhớ đừng bảo là ai giết nó đấy nhé !
Rồi quay lại phía Khải Hòa, cụ nói :
- Con thủy quái nầy trừ được là nhờ công lớn của anh. Nếu không có ngọn dáo quyết liệt ấy thì Thiện Hải đã chết rồi mà chúng ta đây chưa chắc một kẻ nào còn sống sót...
Khải Hòa vội đáp :
- Cụ đừng nói thế, giết con quái vật là công sức của mọi người mà cụ mới chính là người quyết định.
Cụ Thiên Hộ lắc đầu, bảo :
- Ta không phải nói như thế để cho các người nhắc đến chút công điều khiển của ta. Bất cứ việc gì thành công nhất định đều do nhiều người đóng góp là lẽ tất nhiên. Song phải nhận định cho đúng cái công lớn nhất để mà hiểu được giá trị việc làm. Ta nói vậy là cốt khuyên các người khi trở vào bờ không nên quy công vào một kẻ nào.
Thiện Hải tỏ vẻ ngơ ngác :
- Tôi không hiểu rõ ý cụ.
Cụ Thiên Hộ nghiêm nghị nói :
- Ta không cần nói dài dòng, các người cứ nghiệm thì hiểu. Chỉ nhắc cho các người nhớ rằng ở thời nầy kẻ có công nhiều chưa chắc là kẻ đã được đền bù xứng đáng. Nên nhớ kỹ như vậy là được rồi. Hơn nữa bọn ta giết loài thủy quái là vì chúng ta trước hết, vậy thì kể công làm gì ? Thủy quái không cho ta sống, ta phải trừ nó, kể ơn với ai bây giờ?
Rồi cụ cùng với mọi người yên lặng chèo thuyền trở về.
Khi đến bờ thì người ta đã đứng đông như kiến. Tin con quái vật bị giết truyền đi rất chóng, làng trên xóm dưới ùn ùn kéo ra chật cả bờ sông. Ai cũng tỏ vẻ vui mừng, hỉ hả, vừa bày tỏ ý ngạc nhiên, thán phục. Nhiều người nhao nhao, tranh nhau để hỏi :
- Chết thật rồi à ?
- Ai giết nó đấy ?
- Giết cách nào đấy ?
- Ai mà giỏi thế ?
Đối với bất cứ ai cụ Thiên Hộ cũng giữ vẻ tự nhiên đáp lại :
- Có gì đâu, chúng tôi kéo ra bờ sông định xem con quái đi chưa để mà làm nghề. Nào ngờ gặp nó quật ông Hồ Bái, cắn gã Thiện Hải, nên mọi người cùng ào đến mỗi người đâm nó một nhát là nó chết ngay. Con quái vật nầy đã già rồi mà.
Ở trong đám đông nhiều câu vẳng lên :
- Biết mà ! Con quái nầy già lắm rồi, không đâm cũng chết.
- Chắc nó mù lòa không thấy đường đi nên mới dễ đâm như vậy.
- Lạ gì, nó đói lâu nay, giết nó không khó lắm đâu.
- Đấy, xem bài văn tế của quan lệnh trấn có linh không nào ! Quan bảo "trước sau rồi mầy cũng không ở đây được đâu", quả y như lời ngài dạy.
Mấy người rẽ đám đông trở về nhà. Cụ Thiên Hộ rửa ráy cánh tay bị cắn dập cho Thiện Hải còn Khải Hòa thì đi hái lá và bó lại. Xong, mỗi người trở về, tắm rửa và kiếm một xó vắng để ngủ cho lại sức.
Nhưng chỉ lát sau vị xã trưởng đã cỡi ngựa đến nhà Thiện Hải. Nhà gã chèo đò ở gần nơi bến. Khi bé gã đã từng chăn trâu cho xã trưởng, vì thế, mỗi lúc có công việc gì, xã trưởng vẫn nhớ đến gã Thiện Hải, xem như Thiện Hải phải luôn luôn nhớ đến cái vinh dự được giữ trâu cho ông ta ngày trước. Huống hồ việc giết thủy quái, nghe đâu có gã Thiện Hải dự vào, chắc là nó phải rõ hết đầu đuôi tự sự, cho nên xã trưởng lại càng phải tìm gã gấp.
Bây giờ Thiện Hải mới thấy vết thương nhức nhối, đang nằm đắp chiếu rên rỉ thì nghe tiếng roi vụt quất bèn bẹt trên mình, hé chiếu nhìn ra thì thấy xã trưởng, vội vàng ngồi dậy cố nén đau đớn chào hỏi.
Xã trưởng bảo rằng :
- Mầy phải nói rõ đầu đuôi xem sao. Phen nầy biết được đứa nào giết con quái vật tao sẽ lên trình quan trên để mà tưởng thưởng.
Xã trưởng cũng đã nghĩ ngợi nhiều rồi. Thế nào quan trên cũng phải ban khen ông ta về tài mẫn cán đôn đốc chúng dân ra tay trừ được mối họa lớn nầy. Bởi vậy xã trưởng gạn hỏi rõ ràng chi tiết để lên cửa quan một mực tường trình. Thiện Hải nhớ lời cụ Thiên Hộ dặn nên kể lại sơ lược theo như cụ bảo mỗi người. Nhưng bỗng nghĩ đến cái công Khải Hòa đã cứu cho mình khỏi chết nay lại giấu đi thực chẳng an lòng. Vả lại, Khải Hòa trọn đời sống cảnh thiếu thốn, bây giờ nếu được quan trên đoái tưởng hoặc ban thưởng hoặc trọng dụng thì thật vẻ vang cho anh biết là bao nhiêu ! Nghĩ thế Thiện Hải dần dà kể hết đầu đuôi, đặc biệt tán tụng Khải Hòa, xem như là tay bản lĩnh phi thường. Xã trưởng nghe xong, gật đầu và bảo :
- Mầy có thể nằm mà nghỉ cho khỏe. Để tao phải vì chúng mầy lên quan phen nầy. Tao sẽ khai thêm có mầy cũng là một tay đắc lực. Ồ, đừng có ngại gì, mầy cũng như kẻ chân tay trong nhà của tao. Trước kia chẳng phải mầy đã coi trâu cho tao suốt mấy năm trường đó sao ?
Nói xong, xã trưởng đi ra, lên ngựa, quất roi vun vút để phi nước đại về nhà chuẩn bị lên quan. Thiện Hải bày tỏ xong hết mọi điều, cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm như trả được ơn cho Khải Hòa và cánh tay cũng thấy bớt nhức nhối hơn trước.
Đến chiều, cụ Thiên Hộ đang ngồi vá lưới ngoài bờ sông bỗng nghe vó ngựa lộp cộp trên con đường làng, ngước mắt nhìn lên thì thấy ba người sai nha đi ngựa, dẫn đầu là vị xã trưởng. Họ đi vào xóm và mất hút sau lũy tre xanh. Cụ Thiên Hộ sinh lòng nghi hoặc, nhiều lần toan bỏ việc trở về xem thử sự tình, nhưng sau buổi sáng vất vả, người cụ rã rời không muốn đi lại. Tuy vậy chẳng được yên tâm, cụ ngồi thừ đấy để chờ. Một lát, đoàn người ngựa kéo ra và cụ vô cùng kinh hãi khi thấy Khải Hòa bị trói lôi đi theo sau. Cụ Thiên Hộ bỏ lưới bên đường, tất tả chạy đến. Nhưng Khải Hòa bị lôi theo ngựa nên phải vừa đi vừa chạy, cụ đuổi không kịp, chỉ thấy anh ta quay lại gục đầu, ra dấu từ biệt. Cụ đứng ngơ ngẩn giữa đường nhìn theo đoàn người mất hút đằng xa sau một khúc quanh, và vội vã đi về thay quần áo, tìm lấy chiếc nón, tất tả đi ngay trong đêm đến nơi phố trấn mà quan Lệnh trấn ở.