Chương 6
Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Đêm hôm sau tôi lại đến hàng cơm.
Lần này đáng lẽ bảo lên cái gác mà tôi đã nằm một đêm, thì họ quát tháo ầm lên rằng tôi đã mở đường cho điếm, rằng mụ già đưa người đã quên không lại đưa trả hai xu tiền trọ hộ tôi, rằng hôm nay họ thí cho tôi cái phúc là vào ngủ ở "đằng sau" để rồi phải bảo cái mụ già kia lại cho bằng được.
Tôi không cãi lấy nửa lời, mà cứ việc như không nghe thấy gì cả, cắm đầu rảo bước qua cái bếp rồi đến cái sân rộng rãi mà họ gọi là "đằng sau". May sao tôi không phải chỉ có một mình. Hơn một chục người đã có mặt tại đó. Dưới ánh sáng trăng vằng vặc, họ nằm hoặc ngồi trên những manh chiếu nát rải trên đống gỗ lim vuông. Thì ra cái sân nhà hàng cơm này lại ăn thông với một xưởng gỗ nào nữa.
Phong cảnh chốn này không có gì là đẹp. Chung quanh chỉ có những bức tường cao ngất ngưởng, bẩn thỉu vào bậc nhất với những mái nhà đen sì sì. Bên tay phải chỗ chúng tôi nằm là một cái chuồng gà, trước mặt là một cái cống nước đen, đọng hầu như kinh niên, và bên tay trái là chỗ cho những người tứ xứ trút ra ngoài những cái thừa trong bụng. Tôi lấy làm tiếc cả những ánh sáng mặt trăng.
Lẫn lộn trong đám hơn chục người này, tôi thấy ba đứa trẻ đã ngủ cùng với tôi trên gác đêm kia. Trên những cái mặt ngây thơ không lộ vẻ lo buồn gì cả. Còn những kẻ khác thì thật là những kẻ mà người ngợm và quần áo đã đủ tiêu biểu cho bao nhiêu nỗi thống khổ của lòai người, từ khi cuộc đời là cuộc đời.
Một anh chàng đầu trọc lốc, mặt xanh nhớt nhưng mà béo tốt hẳn hoi, áng chừng vừa ở nhà thương hoặc nhà hỏa lò ra, đương ngồi lia lưỡi trên một mảnh giấy còn có cái gì đen sì sì, thoạt đầu tôi không hiểu, nhưng sau tôi đoán ra ngay là sái thuốc phiện. Một anh chàng khác, cái cổ cao ngỏng dán đến ba bốn lá thuốc cao, đương ngồi ngửa cổ xem thiên văn trên trời. Một thằng bé thứ ba nữa, thì cứ gãi sồn sột, nằm xuống lại ngồi lên để ho, khạc và nhổ tung tóe đờm dãi ra xung quanh. Rồi một mụ già ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, nét mặt bần thần, trông vô nghĩa lý, cứ cầm quạt nan phẩy cho người này vài cái, người kia vài cái, hình như hơn chục người này đều là con cái của mụ vậy. Còn sáu đứa nữa, con trai cả, cũng quần nâu, áo nâu thì đều ngủ li bì.
Khi tôi nhảy lên đống chiếu thì cả bọn không ai thèm nhìn đến tôi. Tôi dám chắc không một người nào có trong túi lấy một xu nên họ mới dám nằm đây, và chắc dạ dày của họ cũng rỗng không như túi họ. Vậy mà họ cũng được người ta chứa chấp ở đây. Không phải bọn chủ hàng cơm là phúc đức gì, song chứa chấp thì bọn khố rách áo ôm này có đi xoay xở hoặc hành khất được xu nào ắt là về cũng phải mua cơm của họ. Nếu lại đi trộm cắp được đồ vật gì, ắt là bọn chủ hàng sẵn lòng tiêu thụ cho ngay. Chả phải bỗng đâu bọn chủ hàng cơm cho để trong nhà mình có một nơi giống như viện tế bần.
Mười ba người này, căn cứ vào thần thái họ và quần áo họ thì không phải bọn người vốn đẻ tại chốn đế đô. Họ đến là vì tại những nơi thôn quê họ không làm gì cho có đủ mỗi ngày hai bữa. Kinh thành đã cất tiếng gọi họ, cám dỗ họ. Khi ra đi, chắc họ cũng không ngờ đến nông nỗi này. Họ chắc mẩm trong bụng họ là sẽ có việc làm vẻ vang...Có lẽ họ đã phơi nắng, phơi mưa xin từng đồng chinh, từng bát cơm , cùng đường rồi mới đến được Hà Nội.
Các ngài cứ tưởng tượng hộ Hà Thành. Những phố và những phố, cái nọ tiếp cái kia. Rồi các ngài tưởng tượng ra một người nhà quê một trăm phần trăm, rất bỡ ngỡ, bị bỏ lạc giữa một phố. Phố nào cũng có nhà cửa, vỉa hè, lề đường, nghĩa là phố nào cũng giống phố nào, cho nên đường hình như cứ mỗi lúc một dài mãi ra. Người nhà quê đã đi, đã đi và đã đi...Rồi người nhà quê thấy nhọc. Nhưng vì lẽ gì người nhà quê lại dừng bước? Nếu nghỉ chân tất phải ăn uống cái gì. Không đủ tiền. Thành ra người nhà quê có muốn nằm nghỉ cũng không được, vì người ta phải trả tiền cả sự nghỉ ngơi nữa.
Đi đã mỏi, vẫn phải đi. Người nhà quê lâu dần không thể đi được nữa. Khốn nỗi trong một kinh thành, người ta không được phép "không thể", cho nên người ta cứ đi...Lang thang hết phố nọ đến phố kia... có khi đi vòng trở lại mà không biết. Đến ngã ba kia thấy một đám đông người. Trong đám đông người ấy, người nhà quê thấy phần nhiều đó cũng vốn là những người nhà quê. Cho nên người nhà quê đứng lại. Một bà già mặt trông sắc sảo, hai tai lại nặng trĩu một đôi khuyên vàng, trông ra vẻ có "thế lực" lắm, thõng thẹo cái tay vẫy người nhà quê lại mà nói oang oang như thế này:
- Này, đi đâu mà ngơ ngác thế? Có muốn kiếm công ăn việc làm không? Lại đây mau lên tôi bảo!
Người nhà quê sung sướng lắm, vì đó là lần đầu mà người nhà quê thấy một người tỉnh thèm nói với mình. Mà nói gì? Nói những lời nhân đức, những là kiếm công ăn việc làm cho...! Thế rồi ngày mốt, ngày hai ăn chực nằm chờ, hoặc sân hàng cơm hoặc hè nhà hát. Cái tiểu thuyết của họ là như vậy hoặc đại khái như vậy cả. Hà thành có bao nhiêu ngã ba và ngã tư? Có bao nhiêu chỗ cho bọn cùng dân đăng vào nghề cơm thầy cơm cô ? Hàng ngày Hà thành đã đếm được bao nhiêu tấn kịch như thế?
Mười ba người tại đây, sở dĩ trôi dạt đến đây, là bởi cũng đã như con thiêu thân bay vào đống lửa, cho nên mới bị quáng mắt về những ánh sáng của kinh thành.
Mụ chủ hàng cơm đã chứa chấp họ trong những xó sân. Ban ngày họ ra ngồi bày hàng ở ngã ba, ngã bảy. Trong khi chờ cho có việc, họ có mấy đồng xu cứ ăn hết dần. Đến cái ngày mà túi cạn mà việc chưa có, mà không ai thí cho đồng chinh hay bát cháo, tất là họ phải sinh ra liều mạng, có những lá gan to. Đàn bà sẽ đi đến Dục tình. Đàn ông sẽ đi đến Hình phạt. Trước khi đi đến cái ấy, hiện giờ thì họ bình tĩnh nằm chờ cái sóng gió là ngày mai.
Và nếu họ mãi mãi không có việc làm thì đó không phải là lỗi tại trời, không phải tại ông hay tại tôi, mà không phải lỗi tại ai tất cả! Không lẽ ai ai cũng bắt buộc phải có một đứa tôi tớ trong nhà ?
Ánh sáng của kinh thành...
Có lẽ những đêm không trăng không sao, người nhà quê vùng Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hòa Bình mỗi khi ra sân, quay về một phía trời, đã thấy có một vùng hào quang sáng rực. Đó là Hà Nội, nơi nghìn năm văn vật, dân giàu, tiền nhiều của lắm, dễ kiếm sinh nhai...Người nhà quê cứ việc bỏ làng mà đi!Một ngày kia rồi sẽ được nằm trong một xó sân, ngửi mùi nước cống, mùi cứt gà và cứt người, nhịn đói nằm co mà nhìn trời, như đêm nay, có cả ánh sáng trăng vằng vặc.