NỖI CÔ ĐƠN VĨ ĐẠI
Tác giả: Vương Tâm
Tôi nhớ đây là lần thứ ba đến dự sinh nhật Hằng đều bắt gặp ông già này đứng thắp hương trong vườn. Hình như bên ấy có một bàn thờ nhỏ ở trái nhà hướng Nam. Đứng bên hè nhà Hằng nhìn thấy rất rõ hình ảnh ông già hàng xóm đang lúi húi đặt bó hương lên bàn thờ, rồi lẩm nhẩm khấn vái. Bạn bè chúng tôi mải vui nên chẳng ai để ý đến mái đầu bạc trắng và dáng người gầy gò của ông già. Bởi ông lặng lẽ đi ra đi vào như một cái bóng vậy. Thấy lạ, tôi hỏi Hằng:
- Sao cứ đến sinh nhật cậu là tớ lại gặp ông già này?
Hằng gạt đi:
- Để ý làm gì. Tớ quen hình ảnh này từ khi còn bé cơ.
- Sao vậy nhỉ? Ông ta thắp hương để tưởng nhớ đến ai đó vào ngày 27-7. Hay con trai ông ta?
Tôi như tự hỏi chính mình, nhưng cái Hằng lại vui vẻ nói:
- Thật cái số mình cũng lạ, sinh ra đúng ngày đặc biệt này. Nào, hãy vui lên vì sự ra đời của mình…
Thế rồi nó bật to tiếng nhạc. Lời bài hát Cây đàn sinh viên quen thuộc vang lên. Cả nhóm hơn chục đứa cứ thế nghêu ngao theo giọng hát của Mỹ Tâm. Lát sau thằng Đạt nói to:
- Nhảy đi! Chúng mình nhảy đi!
- Disco! Disco!
- Nào Rap, Raap, Rap cơ!
Đứa nào đứa nấy la lên như cuồng dại. Cái Hằng lắc người khỏe nhất, như muốn xóa đi mặc cảm của cái ngày sinh nhật của nó rơi đúng vào ngày 27-7. Nó hát la để chứng tỏ đây là một ngày vui chứ không phải ngày buồn, ngày tưởng nhớ. Biết tính nó, tôi cũng nhảy theo phụ họa:
- Chúc mừng ngày vui của bạn!
- Nào, hãy hát lên!
Bất ngờ có tiếng nổ lép bép. Không ai để ý nó là cái gì nhưng rồi chỉ ngay ít phút sau, cái khăn giải bàn chốc lát. Lúc đó một ngọn nến cháy lẹm vào góc giấy bóng nút trên chai rượu. Có đứa nào đó hốt hoảng kêu lên và kéo vội đầu khăn làm cho những chai rượu mạnh đổ dập xuống vỡ tan. Rượu chảy ra lênh láng bắt nhanh ngọn lửa. Thật bất ngờ chiếc bàn gỗ như một cột lửa bùng lên làm mấy đứa con gái hét thất thanh và chạy ào ra ngoài sân. Mấy đứa con trai vội chạy để múc nước nhưng không tìm đâu thấy cái xô mà chỉ cuốn vội mấy cái áo xuống bể nước rồi chạy vào đập lên ngọn lửa đang cháy bốc lên gần trần nhà. Tôi cuống cuồng la to:
Cháy rồi! Cứu chúng tôi với, cứu… cứu!
Tôi cứ líu lưỡi lại không kêu được nữa khi thấy lửa đã bén lên gần những vì kèo. Nhưng bất ngờ có bóng ai đó nhảy băng qua hàng rào rồi chạy vào trong nhà bê bổng cái bàn đang bốc lửa ném ra ngoài sân. Tôi đứng lùi ngạc nhiên, vì thấy ông già hàng xóm nhà Hằng đang bắc ghế leo lên xà ngang nhà và lấy chiếc tải ướt dập lên ngọn lửa vừa bén cháy. Bọn con trai nhanh tay dập tắt ngọn lửa ở chiếc bàn thì cũng là lúc chiếc bàn đã cháy rụi hết, đổ sập xuống giữa sân. Mấy đứa con gái thì đều tái xanh cả mặt lại và run run nhìn ông già với mái tóc bị cháy xém, lầm lụi bước về qua hàng cây bên nhà. Đứa nào cũng cảm ơn ông rối rít. Ông chỉ nói ngắn gọn và hết sức bình thản:
- Vui nhưng cẩn thận nhé!
Tôi để ý thấy trên ngấn mắt ông già hình như hoe đỏ. Không biết có phải do lửa hay ông vừa khóc. Bởi vì khi ông nói với chúng tôi mà vẫn chẳng giấu được nỗi buồn đang chế ngự. Bóng ông bước về chậm chạp nặng nề, chứ không nhanh nhẹn và khỏe mạnh như khi ông ném chiếc bàn bốc lửa ra ngoài sân. Không biết ông lấy sức mạnh ở đâu, và vì sao ông buồn vậy? Trong lòng tôi biết bao xáo trộn vì nỗi buồn trên ánh mắt ấy. Tất cả vội vàng dọn dẹp cho gọn gàng. Thế là hết một buổi liên hoan vui vẻ vì mọi sự đã đổ vỡ. Cứ thế tôi lẳng lặng bước qua hàng cây sang bên vườn nhà ông già lúc nào không hay. Tôi tò mò bước tới gần bàn thờ nhỏ bên trái nhà. Ở trên bài vị của bát hương chỉ đính một ngôi sao và ở dưới có ghi dòng chữ: Nguyễn Văn Tốn. Bên cạnh bát hương là một cây sáo nhỏ được bày trên một đĩa đầy hoa hồng. Tôi đứng thừ người nhìn chăm chú vào ngôi sao. Trước mắt tôi ba nén hương đã cháy gần hết. Hương khói thơm ngát lan tỏa khắp vườn.
Định thần một lúc, tôi mới nhận ra bóng ông già ngồi ở góc bàn giữa nhà. Nhẹ nhàng bước qua bậc cửa, tôi cúi chào và cảm ơn ông vì sự việc vừa qua bên nhà Hằng. Ông ngước nhìn tôi chẳng nói gì, tôi hỏi:
- Thưa ông! Hình như hôm nay ông thắp hương để tưởng nhớ ai. Con hay cháu ông ạ?
Ông không nhìn tôi mà nói như với chính mình:
- Người đã hy sinh để cứu sống ông trong chiến dịch đó - Ông không nhìn tôi mà nói như với chính mình - Một chiến sĩ trẻ, đồng đội của ông.
Tôi im lặng một lúc nhìn về phía ngôi sao trên bàn thờ và hình dung ra một chiến trận khốc liệt đang xảy ra trước mắt. Rồi sau đó tôi ngồi xuống bên bàn và hỏi:
- Ông kể chuyện cho cháu nghe đi, về người chiến sĩ trẻ ấy.
Lúc này, mấy đứa sinh viên cùng lớp cũng tò mò chạy sang ngồi bên cạnh tôi. Cái hằng ngơ ngác một lúc rồi thầm thì:
-Ông sống ở đây một mình ạ?
Ông già chỉ tay lên bàn thờ, nói:
- Không! Ông sống với đồng đội của mình. Anh ta là Nguyễn Văn Tốn đó. Khi nhận cái chết thay ông, anh ấy mới 20 tuổi.
Mấy đứa ngạc nhiên hỏi:
- Sao ạ? Sao lại chết thay ạ?
- Chuyện như thế nào? Ông kể cho chúng cháu nghe đi!
Lúc này tôi có cảm giác buồn và ân hận, khi nhìn ông già trông rất cô đơn đang ngồi trước mặt mình. Tôi nhẹ nhàng nói:
- Nếu là chuyện buồn mà ông không muốn kể thì thôi ạ. Chúng cháu chỉ sang thăm ông và cảm ơn ông.
Thật bất ngờ, đôi mắt ông bừng sáng và giọng nói của ông bỗng khỏe và vang xa:
- Kể chứ! Đấy là chuyện của một người anh hùng, các cháu cần phải nghe để biết những chiến sĩ thầm lặng hy sinh cho đồng đội và cho đất nước như thế nào.
Mọi người líu ríu ngồi quanh ông như những đứa trẻ nhỏ hay hớp chuyện người lớn. Ông kể chậm rãi những kỷ niệm sâu sắc trong đời mình.
… Ấy là vào một ngày bất ngờ, ban chỉ huy sư đoàn miền Tây đang bàn kế hoạch tác chiến thì bọn giặc Mỹ phục kích. Có lẽ bị thám báo phát hiện nên chúng mới căn chính xác và nhanh chóng thế. Đây là mũi tấn công đặc biệt của sư đoàn do đại tá Quốc Dũng chỉ huy. Ngay khi bị phục kích, ban chỉ huy sư đoàn tản nhanh ra phía ngoài và chạy theo hướng Tây, đúng như dự kiến khi xảy ra đột biến. Lúc này một đại đội đóng gần đó cũng được lệnh di tản ngay ra khỏi vị trí đóng quân. Không ngờ cùng một lúc gần một trăm chiến sĩ và trợ lý Nguyễn Văn Tốn luôn luôn đi sát bên đại tá sư đoàn trưởng để lo mọi chuyện bất trắc xảy ra. Bất ngờ, Tốn nói với sư đoàn trưởng:
- Đề nghị sư đoàn trưởng thay quần áo sĩ quan và mặc trang phục như những người lính bình thường đề phòng bất trắc xảy ra.
Sư đoàn trưởng Dũng nhìn người chiến sĩ trẻ, rồi cười:
- Lo xa quá đấy! Quân ta đang trên đà tổng tiến công.
Đúng lúc ấy, tiếng nổ chát chúa đến gần kề: Vòng vây của kẻ địch đang khép kín. Trong tay những chiến sĩ không ai còn đạn, nên mọi việc chỉ còn trông vào sự may rủi bất ngờ. Vừa hay tiếng loa của kẻ địch vang lên:
- Sư đoàn trưởng Quốc Dũng hãy trình diện. Nếu không tất cả những người trong vòng vây sẽ bị chết vì bom đạn. Alô! Alô! Những người lính Bắc cộng hãy nghe đây…
Cứ thế tiếng loa chối tai và đầy đe dọa của kẻ địch vang lên. Quả như dự đoán của Tốn, trường hợp bấùt trắc đã đến, làm mọi người lúng túng chưa biết xử lý thế nào. Ai đó nói:
- Chúng ta quyết chiến đấu đến cùng bảo vệ thủ trưởng.
Sống cùng sống! Chết cùng chết!
- Tất cả hãy im lặng. Rất có thể chúng chỉ đoán mò có thủ trưởng ở đây.
Thấy đơn vị của ta im lặng, bọn địch dao động lo sợ nên không dám tiến đến gần mà chỉ bắc loa để hù dọa. Lúc này, Tốn mới gọi mấy chiến sĩ trẻ đến bàn chuyện gì đó. Họ nhanh chóng dùng lưỡi lê và các dụng cụ có sẵn để đào đất. Hình như ai đó cũng hiểu rằng trước mắt cần cứu sư đoàn trưởng Dũng thoát khỏi vòng vây. Bởi lẽ ông cần tiếp tục chỉ huy mũi tiến công quan trọng hướng Tây để làm bàn đạp từ vùng Cao nguyên đổ xuống đồng bằng hỗ trợ những mũi tấn công khác của các binh đoàn giải phóng quân. Một lát sau chiếc hầm như đã được đào khoét vừa đủ một người ngồi khom ở dưới. Lúc này trợ lý Tốn giữ khư khư bộ quần áo sĩ quan. Anh đề nghị đại tá Dũng ngồi xuống và ngậm một ống sáo nhỏ của chính Tốn luôn mang theo bên mình. Ngay lập tức các chiến sĩ vùi đất lên người sư đoàn trưởng. Chỉ một loáng đại tá Dũng đã chìm dưới hầm. Chỉ một ống sáo nhỏ được nhô lên vùng vạt cỏ và những cành cây khô lấp phía trên để giúp đại tá Dũng thở được. Trên đầu đại tá Dũng là một lớp đất cỏ mềm thật khó nhận ra dấu vết.
Tiếng loa của kẻ địch càng rú rít:
Chỉ còn năm phút nữa là hạn cuối cùng, sư đoàn trưởng Dũng không đầu hàng thì toàn bộ số người bị vây hãm sẽ chết dưới làn bom đạn pháo kích.
Chúng cứ ra rả kêu gọi đầu hàng. Chỉ một phút sau có tiếng vang lên từ những người chiến sĩ giải phóng quân.
Hãy ngừng bắn và giải tỏa vòng vây. Tôi là Dũng đây!
Mọi người thật bất ngờ khi thấy Tốn mặc bộ quần áo sĩ quan của đại tá Dũng. Trông anh thật cao lớn. Trên gương mặt hốc hác xanh xao vì được thoa nhựa xanh lét của vỏ cây trộn với đất làm Tốn trông già thêm tới chục tuổi. Ai nấy đều hiểu ra mọi chuyện và thầm lặng đi bên anh. Và ai cũng hiểu rằng để bảo toàn tính mạng của gần trăm chiến sĩ thoát khỏi cái chết thì phải cần có người hy sinh. Hơn nữa để giải thoát cho đại tá Dũng, việc Tốn làm thật dũng cảm và bất ngờ. Mọi việc như đã định một cách nhanh chóng theo kế hoạch đột ngột của trợ lý Tốn. Ngay lập tức tất cả những người chiến sĩ đó bị bắt cùng với Tốn về nhà giam. Sau đó riêng Tốn bị biệt giam tại khám Chí Hòa…
Giọng ông Dũng bỗng lạnh đi vì đuối hơi. Ông kể một mạch những chuyện vừa xảy ra. Tất cả im lặng chờ nghe ông kể tiếp. Ông nhìn chúng tôi một lát rồi bỗng ứa nước mắt nói:
Sau khi được cứu thoát, ông trở về sư đoàn cùng đánh với các sư đoàn khác cho ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Khi tìm tới nhà tù mới hay tin Tốn đã bị phát hiện và bị sát hại ngay sau đó.
Chúng tôi im lặng nhìn cây sáo trên tay ông cùng ngôi sao bằng thép sáng óng ánh. Những kỷ vật thiêng liêng còn lại của chiến sĩ Tốn. Bàn tay ông run rẩy vì xúc động. Hình như ở nơi ấy, tiếng sáo đang vi vút giao hòa trong thiên nhiên, bay bổng cùng ánh sao lấp lánh trên bầu trời. Bàn tay ông đang khóc với những kỷ niệm nặng tình nghĩa của người chiến sĩ trẻ. Và tôi biết rằng, có lẽ từ đó ông Dũng chỉ dành phần đời còn lại của mình sống với những ký ức sâu sắc về cái sống về cái chết hết sức to lớn từ sự hy sinh của người đồng đội.
Tôi thấy tất cả các bạn ngồi quanh đều hoe mắt. Nhất là cái Hằng đã nắm chặt bàn tay của ông Dũng và nghẹn ngào nói:
Cháu xin lỗi ông!
Xin lỗi vì điều gì có lẽ chúng tôi cũng chưa lường hết được. Có thể vì sự vô tâm của tuổi trẻ với những ký ức lịch sử, hoặc cũng có thể vì sự bàng quang của chính chúng tôi với lớp người đi trước đã từng hy sinh để đem lại cuộc sống tươi đẹp cho chúng tôi ngày nay. Và có thể xin lỗi cả sự lạnh nhạt của lớp trẻ với sự cô đơn của những người già. Sự cô đơn vĩ đại của cuộc đời đã sản sinh ra những cuộc đời…