watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đèn Không Hắt Bóng-Chương XX - tác giả Watanabe Dzunichi Watanabe Dzunichi

Watanabe Dzunichi

Chương XX

Tác giả: Watanabe Dzunichi

Đọc xong, Naôê lật phía sau xem thử mặt bên kia có viết gì nữa không, rồi nhìn lại cái phong bì một lần nữa.
- Chẳng còn ra thế nào cả! - Kôbasi lên tiếng - Khác nào ký lệnh xử tử ông già! Tôi không hiểu được bọn công chức cần gửi cho chúng ta một bức thư như thế này làm gì.
- Ở tòa thị chính có hỏi han gì về bệnh nhân Uênô không?
- Không... Hình như không... - Kôbasi lẩm bẩm một cách thiếu quả quyết và quay về phía Akikô đang đứn gsau lưng anh, để tìm chỗ dựa.
- Đúng ạ, không có ai hỏi gì về Uênô đâu, - Akikô xác nhận.
- Anh vẫn gửi hóa đơn cho họ đấy chứ?
- Dĩ nhiên. Tháng nào tôi cũng viết hóa đơn.
- Anh thử nhớ xem, có ai hỏi gì về hiệu quả điều trị không? Qua điện thọai chẳng hạn.
Kôbasi liếc mắt về phía Akikô.
- Nói chung thì ... có một lần người ta.. gọi điện thọai hỏi tôi...- Anh trả lời ngần ngừ.
- Hỏi gì?
- Hỏi xem cụ Uênô được truyền máu như vậy thì có khỏi bệnh không?
- Thế anh trả lời thế nào?
- Tôi nói rằng dĩ nhiên là không. Việc truyền mau giữ cho bệnh nhân sống, nhưng không làm khỏi bệnh được.
- Thế... Nhưng anh không biết giấy tờ gì chứ?
- Có viết ạ. Khoảng một tháng trước đây họ có gửi cho tôi một tờ phỏng vấn, và tôi đã trả lời như vừa nói.
Naôê gảy tàn thuốc lá và lắc đầu.
- Bây giờ thì rõ rồi.
- Cái gì rõ ạ?
- Bức thư này là câu trả lời cho tờ giấy của anh.
- Nhưng tôi nói đúng! Với tư cách là thầy thuốc tôi hòan tòan đúng! truyền máu chỉ làm cho bệnh nhân thấy đỡ trong một thời gian.
- Dĩ nhiên anh đúng. Nhưng bọn công chức cũng đúng.
- Thế nào ạ? - Kôbasi chống hai tay lên mép bàn.
- Có lệ cấm trả trợ cấp nếu việc điều trị không có hiệu quả mà lại kéo dài. Lại còn rất đắt nữa.
- Như vậy thì dã man quá! Vì bệnh nhân sẽ chết ngay! Không kéo lấy được một tuần.
- Đúng.
- Vậy tiên sinh thấy nên thế nào? Đành chịu à?
- Chuyện này dĩ nhiên là khủng khiếp, nhưng... cũng khá lô-gích.
- Với tư cách là thầy thuốc tôi không thể chấp nhận như vậy được!
- Đúng. Nhưng anh phải hiểu cả mặt bên kia nữa: nếu chấp thuận một cách điều trị không có hiệu quả, thì có những bác sĩ sẽ tìm cách trục lợi... Trong cách lập luận của họ cũng có cái lô-gích của nó.
- Vậy thì bây giờ phải làm gì?
Mặt Kôbasi nhợt nhạt như tờ giấy.
Akikô lo lắng quan sát hai người.
- Giá viết sai sự thật đi thì khôn ngoan hơn.
- Nói dối à?
- Nói dối. Viết rằng việc truyền máu có một hiệu quả thần diệu.
- Lẽ nào có thể làm như vậy?
- Cần phải làm như vậy.
- Ừ thì làm... Chẳng khó gì. Tôi sẽ viết ngay bây giờ.
- Không, bây giờ muộn rồi.
- Tại sao?
- Anh đã viết một lần rồi. Anh đã cho họ biết tình hình thật. Bây giờ viết khác đi họ không tin anh nữa đâu.
- Thế thì làm thế nào?
- Chẳng làm thế nào được.
Naôê thấy khô cổ; ông đứng dậy vặn vòi nước vào ly và nốc một hơi hết sạch.
Kôbasi vẫn đứng ở tư thế cũ, hai tay chống vào bàn, và im lặng.
- Thế. Rõ cả, - cuối cùng anh ta nói. Chính tôi sẽ trả tiền truyền máu.
- Làm như vậy sẽ chẳng đưa đến đâu hết.
- Không, tôi đã quyết. Vì chính tôi có lỗi.
Akikô kéo ống tay áo Kôbasi.
- Nếu không, tôi không thể nào yên tâm được. - Kôbasi nói tiếp, giọng khản đi vì xúc động.
- Nhưng anh phải hiểu rằng việc truyền máu sẽ giúp cho Uênô sống thêm được một tháng, giỏi lắm là hai. Chỉ thế thôi. Anh cho rằng chỉ cần có thế là anh sẽ yên tâm hay sao?
- Vâng. Dù chỉ thêm được một tháng cũng vậy.
- Anh làm dáng một cách hoàn toàn ngu xuẩn! - Naôê nói khẽ, nhưng rất rõ ràng, làm cho mọi người sửng sốt. - Anh là một thằng công tử bột thuộc loại tệ hại nhất! - Kôbasi ngạc nhiên trố mắt nhìn ông nhưng rồi lại cụp mắt xuống. Akikô và Hakanisi quên cả công việc, kinh hãi hết nhìn Kôbasi lại nhìn sang Naôê.
Naôê cầm tập bệnh án để trên bàn, giở qua mấy tờ. Rồi ông nói, giọng khô khan:
- Bà cụ đã biết rằng chồng bà sẽ không khỏi bệnh. Đặt bình truyền đi.
- Bình truyền gì?
- Truyền glucoza nhuộm đỏ cho bệnh nhân.
- Nhuộm đỏ? Để làm gì?
- Để cho dung dịch trông giống như máu. - Naôê không che giấu nỗi bực bội.
- Nhưng như thế là lừa b... - Kôbasi bỗng im bặt giữa chừng.
Naôê khoanh hai tay trước ngực nhìn ra cửa sổ.
- Tiên sinh đề nghị giải quyết vấn đền bằng cách lừa dối ư? Giả vờ như thể vẫn tiếp tục truyền máu chứ gì?
- Hoàn toàn đúng.
- Không được, như thế là dối trá, là bịp bợm. Như thế không xứng đáng với người thầy thuốc!
- Xứng đáng, không xứng đáng... Vấn đề không phải ở chổ ấy. Không có lối thoát nào khác.
- Nhưng... - Kôbasi nhìn Naôê như thể đang trông thấy trước mặt mình một quái vật. - Ông già sẽ chết ngay... - Giảng giải điều này cho Naôê thì thật là ngu xuẩn, nhưng Kôbasi không kìm nổi. - Chẳng lẽ tiên sinh không cần biết đến điều đó hay sao?
- Thì ngay việc tiếp máu cũng chỉ làm cho ông cụ sống thêm được vài tháng là cùng.
- Rút ngắn thời hạn ấy là bất lương!
- Bất lương ư? - Naôê sấn tới sát người Kôbasi. - Anh nói là bất lương phải không? - Ông nhìn Kôbasi từ đầu đến chân một cách căm giận đến nỗi anh bất giác lùi lại.
- Không phải sao? - Kôbasi bàng hoàng nói lắp bắp. - Nhuộm glucoza, giả làm máu mà là lương thiện ư?
- Khi không còn có thể làm gì nữa, thì phải làm sao cho người ta được chết một cách bình yên. Dĩ nhiên huyết thanh nhuộm đỏ không thể lừa được anh. Vì anh đã biết hết sự thật. Nhưng Uênô và cụ bà không biết. Phải để cho họ tin rằng chúng tra đã làm hết cách.
Kôbasi ngẫm nghĩ. Có lẽ trong những lời Naôê vừa nói có một phần sự thật chăng? Không. Đối với người thầy thuốc con đường ấy không thể chấp nhận được. Làm như vậy thì còn gì là ý thức bổn phận.
- Người thầy thuốc có bổn phận cứu giúp bệnh nhân, làm cho bệnh nhân tất cả những gì có thể làm được, - Kôbasi một mực không nhượng bộ. - Và nếu khả năng bị hạn chế thì phải cố kéo dài cuộc sống của bệnh nhân dù chỉ là một ngày.
- Câu trích dẫn ấy đúng.
- Chỉ là một câu trích dẫn thôi ư?
- Tiếc thay thế giới của chúng ta không phải là một thế giới lý tưởng.
Kôbasi cũng hiểu điều đó nhưng vẫn không sao đồng tình với Naôê được. Anh cãi tiếp:
- Người thầy thuốc trước hết phải là một con người nhân đạo.
- Chà, nhân đạo! - Naôê mỉm một nụ cười chua chát và ngồi lại cho thỏai mái, chân này ghếch lên kia. - Thế anh có biết rõ nhân đạo nghĩa là gì không?
- Tôi biết. Có nghĩa là trân trọng tính mạng của con người nói chung, có nghĩa là thương yêu đồng loại...
- Anh không lẫn lộn nhân đạo với từ bi đấy chứ?
- Không, tôi không lẫn lộn. Bất kỳ ai cũng phải tìm cách duy trì sự sống một khi nó còn thoi thóp trong con người.
- Duy trì sự sống... Hừm ... - Naôê nhếch mép trong một nụ cười méo mó. - Như vậy tức là theo anh, nhân đạo là ở chổ duy trì sự sống. Còn sống như thế nào thì không quan trọng, miễn là sống.
- Dĩ nhiên có thể có những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng về nguyên tắc tất cả những điều tôi nói đều đúng.
- Ừ... Như vậy là anh chẳng hiểu gì hết. Trong các bệnh viện đại học của anh, các anh bị cách ly ra khỏi cuộc sống thực.
- Căn cứ vào đâu mà tiên sinh kết luận như vậy? - Kôbasi mới từ bệnh viện của trường đại học chuyển về bệnh viện Oriental chưa được bao lâu, cho nên lời lẽ của Naôê làm cho anh thấy bị xúc phạm trực tiếp.
- Để trở thành một người thấy thuốc và có kiến thức về đạo đứchọc, và thuộc lòng những nguyên lý của thực tiễn y học. Ngoài ra còn phải biết cách giúp cho người ta chết.
- Giúp cho người ta chết ư?
- Chính thế. Nhiều khi cần phải giúp cho bệnh nhân chấp thuận cái chết, làm sao cho bản thân bệnh nhân cũng như những người thân của họ đừng tự trách cứ chúng ta...
- Ở trường đại học không có một giáo trình nào như vậy. Trong chương trình không thấy có...
- Nếu trong chương trình có một giáo trình như vậy, chắc chắn tôi sẽ là một chuyên gia. - Naôê đưa hai bàn tay lên xoa xoa đôi má hóp.
- Giáo trình đào tạo những kẻ sát nhân?
- Đáng tiếc là gần đúng như vậy! ... Mỗi người thầy thuốc đều có phần nào là một kẻ sát nhân ; cứ như hiện nay thì trong khá nhiều trường hợp bổn phận nghề nghiệp của anh ta là làm sao thuyết phục cho bệnh nhân thấy rõ rằng mình không thể nào thoát chết được.
- Nhưng sứ mệnh của chúng ta là cứu sống! Và trên thực tế, chúng ta đang cứu người ra khỏi nanh vuốt của cái chết.
- Cứu à? - Naôê đưa về phía Kôbasi một cái nhìn đối địch. - Chúng ta không cứu đâu. Chính con người tự cứu lấy mình - người nào chưa cạn kết sức vật lộn với cái chết. Còn người thầy thuốc chỉ chìa tay ra giúp họ một chút đúng vào lúc cần thiết. Và chỉ có thế thôi.
- Dù sao thì hạ thấp vai trò của người thầy thuốc đến như vậy cũng...
- Đáng tiếc là có những lúc phải như vậy. - Naôê rời ghế đứng dậy. - Thôi, tôi đi đây.
- Thế còn Uênô thì sao? ... - Kôbasi nói, nhưng Naôê không để cho anh nói hết câu.
- Anh là bác sĩ điều trị Uênô, cho nên tôi sẽ không nói gì thêm với anh nữa. Anh thấy thế nào là đáng thì cứ thế mà làm.
- Nếu tôi... làm theo lời khuyên của tiên sinh, thì sau đó tôi biết nói thế nào với Uênô và vợ ông ấy.
- Sau một hai ngày tình trạng của bệnh nhân sẽ xấu đi. Lúc bấy giờ anh sẽ nói: chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng đáng tiếc là hoàn toàn vô hiệu.
- Thế còn cái... thứ nước đỏ ấy thì tiếp mấy lần?
- Cũng như từ trước tới nay: một lần sáng, một lần chiều. Theo tôi hai lần là đủ. Đến khi bệnh nhân bắt đầu thấy mệt nặng thì thêm lần và tăng liều lượng. Cái chính là làm sao bệnh nhân cũng như vợ ông ta đều tin chắc rằng mình đang được điều trị đến mức tối đa.
- Không tiếp máu nữa thì bệnh nhân sẽ kéo được bao nhiêu lâu?
- Theo tôi thì độ năm sáu hôm.
- Tiên sinh sẽ trở về vào ngày mùng năm?
- Có thể.
- Có thể gọi điện cho tiên sinh ở Sappôrô được không?
- Tôi trọ ở khách sạn G., cứ hỏi ở phòng tiếp tân của khách sạn.
- Xin tiên sinh về sớm sớm.
- Vâng-vâng.
Naôê đi ra cửa, nhưng bỗng dừng lại. Ông quay về phía sau và đưa mắt nhìn mọi người - Kôbasi, Akikô, Hakanisi với một ánh mắt dịu dàng, thân ái mà không ai có thể ngờ là ông có được. Sau đó ông mở mạnh cánh cửa và đi ra hành lang.


Trong phi cảng hành khách không đông. Hôm nay trong những gian phòng mà thường ngày tiếng ồn ào không lúc nào ngớt, đều im lặng lạ lùng. Đa số các hành khách đều đã về nhà hay về các gia đình thân thuộc từ những ngày cuối năm, và những chuyến máy bay, những chuyến xe lửa trước đây mấy hôm còn đông nghịt thì bây giờ đều vắng khách. Tuy vậy hoạt động vận chuyển dĩ nhiên cũng không hề ngưng trệ trong những ngày đầu tháng giêng này.
Cửa lớn dẫn vào căn phòng đợi rộng mênh mông làm toàn bằng kinh của phi chảng được trang hoàng bằng những nhánh thông; ở các quầy điểm tâm đều có bày bánh tráng bột gạo, quít, là những món Tết thuộc một truyền thống nhiều thế kỷ; sau các quầy là những cô bán hàng mặc kimônô lộng lẫy, tóc chải theo kiểu cổ.
Bên ngoài mấy bức thường bằng kính, trời nắng nhưng lạnh. Mấy chiếc xe chở hành khách lần lượt đỗ trước phi cảng.
Nôrikô đứng trong phòng đợi của các tuyến bay nội địa và nhìn ra ngoài đường qua bức tường bằng kính. Cô mặc áo măng-tô màu xanh thẫm, tay cầm một cái túi màu trắng.
Giờ cất cánh là 3 giờ 10 buổi chiều; Naôê có hứa là sẽ đến trước nửa giờ. Đồng hồ trên tường chỉ 2 giờ 40 phút. Chắc anh ấy sẽ đến ngay. Nhưng có lẽ vi sắp sửa đồ đạc rềnh ràng cho nên đến chậm. Hồi sáng Nôrikô có gọi điện cho anh: "Có lẽ để em đến giúp anh xếp va-li nhé", nhưng Naôê trả lời: "Không cần!". Sau một câu trả lời như vậy mà vẫn đến thì không tiện, nhưng giá được cùng nhau từ nhà ra đi thì tuyệt biết mấy! Mà lại không phải sốt ruột ngồi đợi như thế này. Bây giờ Nôrikô thấy hối hận là đã không ghé nhà Naôê trước khi ra sân bay.
Thời gian đưa hành khách và hành lý lên máy bay kết thúc trước giờ cất cánh hai mươi phút. Nôrikô xem đồng hồ tay, rồi đưa mắt nhìn lên tường: cả hai cái đồng hồ đều chỉ giờ như nhau: ba giờ kém mười lăm. Bắt đầu lo lắng thật sự, Nôrikô ra đứng ở cửa. Xa lộ hôm nay vắng, đi mất một giờ là cùng. Vậy thì tại sao đến bây giờ anh vẫn chưa đến?
Loa phóng thanh cho biết rằng giờ ghi tên đi chuyến máy bay Sappôrô cất cánh lúc mười lăm giờ mười phút đã sắp kết thúc. Nôrikô nhìn lên đồng hồ treo tường một lần nữa: đúng ba giờ.
Vừa lúc ấy trước thềm có một chiếc tắc-xi phanh rít lại, và từ trên xe một người đàn ông mặc măng-tô màu xám thẫm bước xuống. Naôê.
"May quá!" - Nôrikô thở phào.
Naôê trả tiền cho người lái tắc-xi, đóng sập của xe lại và bước vào phòng đợi. Trống ngực Nôrikô đập thình thịch: lần này hạnh phúc không tuột khỏi tay cô nữa, ước mơ đang trở thành sự thật. Naôê vừa đưa mắt nhìn quanh vừa bước nhanh đến quầy ghi tên. Nôrikô chạy lại cạnh anh.
- Sao anh muộn thế?
- À em đến rồi à.
- Em lo quá... Em sợ anh không đến kịp.
- Có người gọi điện thành ra đi muộn.
Trong hành lang ra sân bay ồn ào, náo nhiệt như ngày hội, những ta áo kimônô lộng lẫy qua lại rất vui mắt.
Nôrikô đi máy bay lần này là lần đầu; cô có cảm giác là ai cũng nhìn mình, đâm ra luống cuống. Trong khi đó Naôê, cổ áo xốc cao lên, mắt thản nhiên nhìn về phía trước, bước vội vã trên sàn hành lang di động.
Máy bay cất cánh chậm mười phút.
Như một đứa trẻ tò mò, Nôrikô nhổm người trên ghế, cố nhìn qua cửa sổ máy bay. Người đàn ông đứng tuổi ngồi sát cửa sổ né sang một bên để cho cô dễ nhìn hơn.
Thành Tôkyô ở phía dưới trông như đồ chơi, và chẳng bao lâu đã mất hút. Sau mấy phút chiếc máy bay nghiêng hẳn sang một bên và đổi hướng đi về phía Bắc. Dòng chữ "Không hút thuốc" đã tắt. Những khu phố của thành phố khổng lồ đã nhường chổ cho những cánh đồng, những dãy núi. Nôrikô thấy cái gì cũng thú vị: những con đường trông mảnh như sợi chỉ, những ngôi nhà nép sát vào nhau.
Naôê im lặng hút thuốc. Một lát sau, khi anh giụi tắt điếu thuốc và ngả lưng dựa vào phía sau ghế, Nôrikô nói:
- Sáng nay bác sĩ Kôbasi tìm anh.
- Anh biết.
- Anh có nói chuyện với anh ta chứ?
- Vâng.
Lúc này rõ ràng là Naôê không thích nói chuyện. Anh quay mặt đi và nhắm mắt lại.
Chiếc máy bay đã lấy đủ độ cao và bắt đầu bay rất êm. Trong gian hành khách rất yên tĩnh, chỉ có tiếng động cơ dội vào đều đều.
"Máy bay của chúng ta đang bay qua hồ Inawasirô" - một cô chiêu đãi viên nói qua loa phóng thanh, và Nôrikô lại nhìn ra cửa sổ. Giữa một vùng núi, cái hồ sáng lấp lánh như một cái bảng lớn bằng kim loại. Núi non, thung lũng và hồ nước đều tràn ngập ánh sáng ngày tết. Mặt trời của năm mới đang chuyển dần về phía Tây, và những tia nắng chênh chếch trược trên kính cửa sổ.
Tiếng động cơ đều đều ru ngủ các hành khách. Naôê hình như đang thiu thỉu. Người đàn ông đứng tuổi ngồi sát cửa sổ cũng đã ngủ. Chỉ riêng Nôrikô chẳng bụng dạ nào mà ngủ cả.
Cô chiêu đãi viên lại thông báo rằng mấy phút nữa sẽ trông thấy vịnh Matsusima nổi tiếng. Đágn tiếc cho Nôrikô, chỉ có ngồi dãy ghế bên kia mới trông thấy vịnh. Cô nhìn những sườn núi mỗi lúc một dốc đứng lên; phía trước hiện rõ dần một dãy núi trắng xoá. Tuyết trên các đỉnh núi lấp loáng dưới ánh nắng.
"Chúng mình đang bay mỗi lúc một xa về phương Bắc", - Nôrikô thì thầm và liếc mắt nhìn trộm Naôê. Hai mắt anh nhắm nghiền; đường sống mũi thanh tú của anh trắng một cách thiếu tự nhiên - như lớp tuyết phủ trên các đỉnh núi.
Không hiểu tại sao, Nôrikô chợt thấy lo sợ; cô bỗng có cảm giác là hai người đang bị đuổi gấp phải chạy về phương Bắc, - về vùng băng tuyết, nơi mà không bao giờ sẽ có ai tìm ra họ. Lòng cô se lại vì một nỗi buồn da diết.
Cuối cùng các dãy núi tản ra, và trước mắt thấy dịu hẳn đi trước màu xanh đậm của vịnh Sangara dưới ánh sáng nhẹ của tà dương. Bên cạnh màu xanh của vịnh, những chóp núi phủ tuyết trông cành rực rỡ hơn. Những đường viền sắc nhọn một cách khắc nghiệt của nó làm cho Nôrikô nhớ tới một bức ảnh đăng trong một tờ tạp chí nào đấy: một vùng núi làm sào huyệt cho các quỷ thần.
Dòng suy tư của Nôrikô bị cắt đứt vì tiếng loa phóng thanh: "Mấy phút nữa máy bay của chúng ta sẽ hạ cánh xuống phi cảng Titôsê".
Nghiêng cánh sang bên phải, chiếc máy bay giảm dần độ caà. Phía trên còn lại một lớp mây. Mặt biển xanh ngắt hiên ra, viền bọt trắng ven bờ. Những khu rừng thông phủ tuyết vẽ thành một đường rỡ nét.
Đảo Hôkkaiđô.
Naôê mở mắt ra như thể nãy giờ không hề ngủ.
- Hình như đến rồi anh ạ, - Nôrikô nói.
- Đến rồi, - Naôê xác nhận và nhìn xuống phía dưới.
Những cánh đồng màu trắng rộng mênh mông được những vạch đen chia ra thành những hình chữ nhật đều đặn; những khu rừng và những con đường cắt ngang làm thành những hình kỷ hà bọc rắc rối. Trên nền trời màu xanh sáng, mặt trời mùa đông trôi lơ lửng như một quả cầu da cam.
- Hình như trời khá lạnh, - Nôrikô nhận xét.
- Ừ.
Chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh, mặt đất gần lại rất nhanh. Đã trông thấy rõ những con đường, những nếp nhà. Và đây là đường băng của phi trường rắc tuyết; những ngọn cây vút qua gần ngay một bên. Một khoảnh khắc sau, chiếc máy bay chạm đất, nẩy lên một chút, chạy dọc đường băng và dừng lại trước nhà ga.
Naôê rời ghế đứng dậy với tay lên giá lấy hai cái áo măng-tô của anh và của Nôrikô.
- Sắp ra khỏi máy bay phải xốc ngay cổ áo lên, - Naôê vừa nói vừa trao áo cho Nôrikô.
Khi Nôrikô bước từ thân máy bay ra cầu thang, một ngọn gió lạnh buốt phả vào mặt cô.
Trên tường nhà ga màu đen đều giữa cánh đồng trắng, có một cái biển sáng; nhiệt độ không khí là 5 độ dưới không, tốc độ của gió ba mét một giây.
- Đi cẩn thận, khéo trượt, - Naôê dặn.
Các hành khách chạy về phía ga, cổ rụt lại, người co ro vì gió lạnh. Naôê bước nhanh về phía trước, Nôrikô cố chạy theo cho kịp.
Quá năm giờ họ mới về đến khách sạn. Tòa nhà màu nâu dễ chịu và rất ấm cúng.
- Ông bà cần một phòng hai giường ạ? - Người tiếp tân ân cần hỏi họ.
Naôê điền vào tờ giấy thuê phòng và đề tên Nôrikô vào đấy.
Căn phòng ở tần thứ sáu. Dưới hai cửa sổ có một con đường đi qua, và ở bên kia đường là một tòa nhà lớn, dáng dấp nặng nề. Tuy bóng hoàng hôn đã khá dày đặc, trên các cửa sổ không thấy có ánh đèn. Những luồng sáng từ đèn pha của các xe hơi qua đường chiếu vào những đống tuyết hai bên đường.
- Kia có phải là những cây phong không? - Nôrikô đưa ngón tay chỉ mấy cây cao ở bên trái khách sạn.
- Ừ, phong đấy... Em mệt lắm phải không?
- Chẳng mệt chút nào.
Sau phiên trực, Nôrikô không được ngủ, vì còn phải chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng cô không cảm thấy mệt, không biết vì có Naôê bên cạnh hay chỉ vì đang nô nức với chuyến đi.
- Ta đi tắm rồi đi ăn tối.
- Thế anh không về nhà mẹ hôm nay à?
- Để sau.
Nôrikô lấy áo quần và đi vào buồng tắm. Còn Naôê ngồi đọc mấy tờ báo mới được để sẵn trong phòng trọ.
- Hay anh tắm trước? - Nôrikô đề nghị.
- Ta cùng tắm, - Naôê vừa đáp vừa đặt tờ báo xuống.
Khi họ đi xuống phòng ăn ở tầng bốn thì đã hơn bảy giờ. Ở đây cũng như ở phòng đợi của khách sạn, rất vắng - Mọi người đều ăn Tết ở nhà. Chỉ thấy có mấy tốp người không đông ngồi ở cuối phòng ăn, vả lại đó đều là những gia đình. Không khí hôm nay yên tĩnh và trang nghiêm.
Nôrikô lần đầu tiên được nếm thử những món ăn địa phương nấu bằng cua, tôm, awabi. Cô lại còn nảy ra cái ý muốn uống rượu, và xin Naôê gọi shisky và sôđa. Cô uống hết hai xuất, và bây giờ trong đầu cô có tiếng ong ong khe khẽ.
Về đến phòng, Nôrikô kéo kín rèm lại, và quay về phía Naôê, cô lại hỏi:
- Bây giờ anh về nhà mẹ chứ?
- Lẽ ra... - Naôê đã lên nằm trên giường từ khi về phòng. Bỗng nhiên anh vùng dậy.
- Tiêm hộ anh.
- Tiêm ạ?
Naôê lấy trong túi du lịch ra một hộp luộc kim và một ống thuốc rất nhỏ.
- Em tiêm dùm anh - anh nhờ một lần nữa.
- Nhưng đó là...
- Phải, đây là ma tuý. - Naôê tháo ca-vát và xắn tay áo lên.
- Để làm gì?
- Em biết rồi đấy.
Nôrikô bàng hoàng nhìn Naôê.
- Anh đau lắm... Đau lắm, em hiểu chưa?
Tay cầm cái ống thuốc, Nôrikô lo lắng nhìn Naôê.
- Anh làm sao thế? Anh nói đi!
- Em đừng sợ. Tiêm nhanh lên. Naôê chìa cánh tay ra: có thể sẽ thấy rõ những vết tiêm thâm thâm.
Mái tóc Nôrikô xòa tung trên chiếc gối, dưới ánh đèn ngủ dìu dịu, những giọt mồ hôi nhỏ li ti lấp lánh trên trán. Mọi vật đều lịm đi trong cảnh bất động. Không có lấy một tiếng động, ngoài tiếng vo vo rất khẽ của máy điều hòa không khí. Naôê và Nôrikô nằm yên như một đôi chim mỏi cánh; ngay đến tiếng thở của họ cũng không thể nghe thấy được...
Nôrikô mở mắt. Cô thấy bải hoải khắp người. Naôê đang ngủ rất say. Khẽ nhấc cánh tay của anh đang đặt trên ngực, Nôrikô xuống giường và mặc pyjama vào.
Mười một giờ. Chưa khuya lắm, nhưng khách sạn đã chìm trong bóng tối. Nôrikô ra cửa sổ, vén rèm ra một chút.
Tuyết... Trời hãy còn trong khi họ rời phòng ăn trở về buồng. Như vậy tức là khi họ đã đi ngủ rồi thì trời mới bắt đầu đổ tuyết..
Nôrikô đưa ngón tay trỏ chầm chậm trên tấm kính lạnh, và cảm giác mát rượi trên đầu ngón tay làm cho cô thích thú. Những bông tuyết từ trên bầu trời đen rơi xuống dần dần hòa tan trong cái bóng đêm; và chỉ có xung quanh những ngọn đèn trong cái vòng sáng ấy mới trong thấy những bông tuyết quay cuồng trong một vũ điệu rắc rối cầu kỳ. Tĩnh mịch. Thỉnh thoảng mới nghe một tiếng phanh rít, rồi sau đó một sự tĩnh mịch đến phát sợ lại bao trùm lên mọi vật. Chốc chốc, bóng một người đi đường cô độc lại hiện ra trong khoảnh khắc rồi mất hút ngay trong màn đêm.
Tối hôm ấy rốt cục Naôê không về nhà mẹ. Nôrikô nghĩ rằng anh làm như vậy là không phải, nhưng rồi lại quên ngay ý nghĩ ấy đi. Cô đang quá bận tâm vì những ý nghĩ khác.
Thêm một chiếc xe nữa đi qua, hoàn toàn không có tiếng động. Chắc vì là xe đi trên tuyết. Không một hơi gió. Tuyết rơi chậm rãi từng bông mềm. Đến sáng sẽ có những đống tuyết dày. Thành phố đang ngủ yên dưới màn tuyết. Vương quốc của giấc ngủ... Một vương quốc chết ...
Nôrikô thở dài, kéo kín rèm lại và đi vào buồng tắm.
Nôrikô, theo thói quen, dậy rất sớm, lúc tám giờ. Naôê hãy còn ngủ. Rất khẽ, để đừng làm cho Naôê tỉnh giấc, có trườn ra khỏi chăn và đi ra cửa sổ. Những ngôi nhà ở trước mặt đỏ rực lên vì ánh bình minh nhưng mọi vất ở chung quanh đều trắng xoá. Tuyết phủ trên các cảnh những cây phong mọc trên sân phủ tổng đốc - tòa nhà mà hôm qua Nôrikô trông như một tảnh đá lớn tối om; tuyết phủ lên những cây thông đã được những bàn tay ân cần bọc chiếu lại, tuyết lấp lánh trên các mái nhà, và ngay cả những cột đèn tín hiệu ở các ngã tư cũng đội những mảng tuyết nho nhỏ. Chỉ có lớp nhựa đường trên đó xe hơi qua lại là có màu xám thẫm; hình như lúc bình minh người ta đã rửa sạch đường sá. Mấy người bộ hành đi đâu sớm bước vội vã, miệng phà ra những đám hơi mờ mờ.
Naôê dậy lúc mười giờ. Tác dụng của mũi tiêm đã hết, nhưng mặt anh vẫn xanh nhợt nhạt, mắt thâm quầng.
Họ ăn sáng trong buồng.
- Hôm nay thì thế nào anh cũng phải về thăm mẹ, - Nôrikô nói, giọng trách móc.
- Được rồi, được rồi, - Naôê gật đầu, mắt không rời tờ báo.
Nôrikô cũng chẳng hiểu được anh có định đi hay không.
Ăn sáng xong, Naôê tắm. Trong khi mặc áo quần, anh nói:
- Anh về thăm nhà, đến tối anh quay lại.
- Có lẽ anh nên ở lại đêm nay thì hơn. - Nôrikô gợi ý một cách rụt rè.
- Không, tối anh sẽ quay về đây.
- Anh chịu khó cho mẹ vui. Anh từ xa về, mẹ mong anh từ lâu. Còn em thì anh đừng lo. Hôm nay các nhà hàng đã bắt đầu làm việc, em chẳng phải ngồi buồn đâu ...
- Đến tối anh quay về.
- Anh lạ thật đấy.
Naôê quay về sau năm giờ chiều, như đã hứa. Nôrikô cũng vừa mới về khách sạn khi đi mua găng tay và giầy ấm.
- Mẹ có khỏe không anh?
- Khoẻ.
- Mẹ có giữ anh ngủ lại không?
- Để một lần khác.
- Em ngượng quá... Chỉ vì em...
- Không phải vì em, - Naôê cắt ngang.
Anh cởi áo ngoài, ngồi xuống cạnh Naôê và nói:
- Mai ta đi chơi hồ Sikôtsu nhé?
- Đi đâu? Chơi hồ à?
- Ừ. Cách đây không xa, đi xe mất nửa tiếng. Một cái hồ yên tĩnh, tuyệt vời, chỉ có vùng Bắc mới có những cái hồ như vậỵ
- Nhưng chắc nó đóng băng rồi còn gì? Dưới lớp băng sẽ chẳng trông thấy gì đâu nhỉ?
- Không. Hồ này không đóng băng.
- Thế mình ngủ lại ở đâu?
- Ở đấy phải có một khách sạn tử tế.
- Em rất thích, nhưng...
Nôrikô rất muốn đi, nhưng cái ấn tượng là mình có lỗi đối với gia đình Naôê dày vò cô.
Ngày hôm ấy cũng vậy, tuyết dường như chỉ đợi đến tối: trời vưa bắt đầu tối là nó đổ xuống dày đặc, không lúc nào ngớt. Trời khá ấm cho nên tuyết rơi từng bông rất lớn, như những miếng bông gòn.
Ra khỏi khách sạn, Naôê và Nôrikô lập tức vướng vào một màn tuyết trắng.
- Khi tuyết rơi bao giờ cũng ấm hơn, - Naôê nói.
Quả nhiên trời ấm thật, gần như ở Tôkyô.
Các cửa hàng đã mở cửa, và ban ngày người ra vào khá đông, nhưng đến tối còn đóng cửa sớm hơn ngày thường.
Nhộn nhịp nhất trong thành phố là khu Susukinô, nơi thanh niên thường đến giải trí. Nhưng vào những ngày này ở đây cũng chỉ có mấy quan bar mở cửa, chứ phần lớn những nơi giải trí đều đóng cửa; những cành thông bên cửa ra vào và những dòng chữ chúc tết sặc sỡ nhắc người ta nhớ đến ngày tết.
Nôrikô và Naôê tìm được một quán ăn nhỏ chuyên dọn các món cá. Khách ăn rất ít; ba người đầu bếp vẻ mặt chán chường, đang ngồi xem ti-vi.
Khi Naôê vào Nôrikô ăn xong và ra đường, tuyết rơi càng dày hơn.
- Ta đi bộ đến khách sạn, anh nhỉ?
- Xa lắm.
- Không sao, em muốn đi bộ xa xa một chút! - Nôrikô cãi.
Cô ngửa mặt lên đón lấy những bông tuyết. Trên đôi má ấp áp của cô, những bông tuyết ấy tan đi, biến thành những giọt nước và chảy xuống cổ. Tuyết, tuyết, đâu đâu cũng tuyết - trên bầu trời, trong không khí, trên mặt đất. Tuyết tràn đầy cả thế gian, phủ kín nó lại: cách bốn bước đã không trông thấy gì, người qua lại chỉ là những cái bóng mờ mờ.
Họ đã đi quá Minami-Ichiđzyô, và bước ra một đại lộ rộng rãi. Hai bên đường mở ra những cái khung đen của cửa sổ nhà hàng, quán bar và hiệu ăn. Ánh đèn của những chiếc xe đi qua trượt dài trên tuyết. Lác đác có một cái cây bên vệ đường hay là một tấm cửa xếp của một nhà hàng vẽ thành một vệ tối; còn lại là vương quốc trắng của tuyết.
Nôrikô nép vào người Naôê, đút tay vào túi áo măng-tô của anh. Họ trôi giạt trên đại dương của tuyết, và màn tuyết đang rơi xuống tách họ ra khỏi thế gian: khỏi những đường phố, những ngôi nhà, những dãy núi mà hôm qua họ đã bay qua, khỏi cái sân bay vắng vẻ...
- Tuyết dày quá... Thế này mà mai mình vẫn đi chơi hồ sao?
- Em đừng sợ. - Naôê siết tay Nôrikô.
- Em không sợ đâu. - Nôrikô hoàn toàn phó thác mình cho Naôê.
Xa xa có một cái gì sáng hẳn lên; tưởng chừng như chỉ có ở đấy còn giữ được sự sống. Đi được mấy thước, họ bỗng thấy mình đứng trước thềm khách sạn.
Sau khi rũ hết tuyết, họ bước vào một thế giới khác- thế giới của hơi ấm và ánh sáng. Trên thang máy, những bông tuyết còn bám vào họ tan hẳn.
- Em mệt không?
- Không.
- Ta xuống bar nhé?
Nôrikô ưng thuận, tuy cô chẳng muốn đi đâu. Thời tiết này ở lại với Naôê trong phòng dễ chịu hơn nhiều.
Như đọc được ý nghĩ của cô, Naôê ngả lưng xuống giường.
- Có lẽ ngủ thì hơn.
Nôrikô chợt nhớ ra rằng ban chiều cô định nói cái gì đó với Naôê, nhưng cảm thấy hai tay anh ôm lấy mình, cô lại quên hết mọi sự trên đời.
Sáng hôm sau họ ăn sáng ở phòng ăn ở khách sạn, sau đó họ ghé vào cửa hàng tạp hóa và đến hai giờ thì lên tắc-xi ra khỏi thành phố.
Tuyết lấp lánh dưới ánh nắng, chói cả mắt.
Xe họ đi qua phi cảng Títôsê và rẽ về phía hồ Sikôtsụ Nôrikô kinh ngạc: con đường này, thẳng tắp như mũi tên, hai bên chạy dài những đống tuyết cao, - đêm qua cô đã trông thấy trong giấc mơ.
Bên phải và bên trái đều là rừng: toàn những cây lớn, những cây thông, những cây tùng. Giữa cái hoang mạc trắng xóa, màu xanh của rừng cây thật vui mắt.
Họ dừng lại ở một khách sạn xây trên đỉnh một ngọn đồi không cao lắm. Đứng bên cửa sổ có thể bao quát được một cảnh đẹp tuyệt vời - qua đám cành trụi lá của những cây sồi, những cây bạch dương, những cây phong, có thể trong thấy mặt hồ màu sẫm lặng ngắt trong khí lạnh mùa đông.
Một cô hầu phòng bước vào, dùng vỏ bạch dương nhóm lò sưởi lên. Ngọn lửa chập chờn nhảy múa, mấy súc củi lớn đỏ rực phát ra những tiếng nổ lách tách tươi vui.
- Sắp tối rồi, - Nôrikô thở dài.
- Xuống hồ đi lối nào? - Naôê hỏi cô hầu phòng.
- Xuống dốc rồi rẽ sang phải, - cô ta vừa giảng giải vừa ném thêm vào lò mấy súc củi nữa.
Lối đi xuống hồ là một con đường mòn hẹp. Naôê và Nôrikô đi xuống đồi và ra bờ hồ.
Nhìn gần, hồ khác hẳn lúc đứng bên cửa sổ khách sạn nhìn rạ Mặt hồ gợn lên những làn sóng lăn tăn trông như làm bằng chì, mờ mờ ánh lên.
Hồ này có một nguồn góc hỏa diệm sơn: Xưa kia địa chấn đã làm hình thành một cái cực rất sâu, và nước đã tràn đầy cái vực ấy. Xung quanh chen chúc những ngọn núi cao. Đây đó trên những sườn dốc đứng, mấy khóm thông vẽ thành những vệt tối sẫm.
- Xa xa kia là ngọn núi lửa Tarumaê, còn kia là ngọn Futsubusi, - Naôê giảng giải, chốc chốc lại hắt đầu cho những món tóc bị gió thổi rũ xuống trán khỏi vướng.
Nôrikô nhìn theo hướng Naôê chỉ. Bên trái, ngọn núi lửa Tarumaê uy nghi vươn cao trên nền trời, đỉnh núi bốc khói, phía đối diện là hòn núi đá Futsubusi trơ trọi dựng thành một khối đen ngòm. Những ngọn núi này ở tận xa, bên kia bờ hồ; vầng tà dương đang khuất dần sau những ngọn núi ấy, nhuộm bầu trời thành màu huyết dụ.
Hai người đi trên con đường mòn dẫn xuống bến.
Cách đấy khoảng hai mươi thước, cái khách sạn nhỏ đứng lẻ loi một mình. Hôm nay đã có người đi xuống bờ hồ: trên tuyết còn lại một chuỗi dài những vết giầy đi xuống đến mép nước thì hết.
- Không thấy bóng dáng một sinh linh nào, - Nôrikô nói thì thầm.
Một ngọn gió giá băng vật vờ thổi trên mặt hồ. Hai con người nhỏ bé đứng trên bờ nhìn xuống vực thẩm giá lan. Im lìm... Bất động... Chỉ có gió thổi vào mặt rát bỏng.
- Ở đây ảm đạm quá...- Nôrikô rùng mình. Cô mường tượng như có một cái gì chuyển động. Không đó chỉ là tiếng ngân của im lặng.
- Hồ rất sâu. Và rất đáng sợ, nhất là khi có bão, - Naôê nóị
- Mà nước bây giờ chắc lạnh như băng ...
- Trước kia ở đây đã có mấy lần có người chết đuối, nhưng chưa bao giờ có ai trông thấy xác họ nổi lên.
- Tại sao?
- Thuở trước, khi hình thành vực thẳm, lớp đất đã sụp xuống đáy cùng với cây cối.
- Như vậy tức là đáy hồ có cả một rừng cây?
- Đúng. Cái xác chìm xuống vướng vào các cành cây nên không thể nổi lên được nữa.
- Thế thì người ta chưa tìm được người nào cả?
- Chưa.
Đèn Không Hắt Bóng
Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
Chương XVIII
Chương XX
Chương Kết