William Faulkner
- 9 -
Tác giả: William Faulkner
"Một đứa trong gánh hát" tôi nói. "Hình như anh rể nó đi với cô nào dưới phố, nó muốn dò theo".
Quentin ngồi im phăng phắc, chỉ cử động hàm.
"Con không nên cho những người như thế mượn xe" mẹ nói. "Con dễ dãi những chuyện ấy quá. Cũng vì thế bất đắc dĩ lắm mẹ mới nhờ đến xe con".
"Mới đầu tôi cũng nghĩ vậy" tôi nói. "Nhưng rồi nó quay lại, thôi cũng được. Nó nói nó đã tìm thấy cái nó cần".
"Cô nào thế?" mẹ nói.
"Tôi sẽ nói với mẹ sau" tôi nói. "Tôi không muốn kể những chuyện như vậy trước mặt Quentin".
Quentin đã bỏ ăn. Chốc chốc nó lại uống nước, rồi nó ngồi đó bóp vụn những mẩu bánh quy, mặt cúi gằm xuống đĩa.
"Phải" mẹ nói. "Mẹ nghĩ những người đàn bà sống ru rú trong nhà như mẹ làm sao biết được chuyện ngoài đường ngoài phố".
"Phải" tôi nói. "Làm sao mà biết được".
"Thời mẹ còn trẻ khác hẳn bây giờ" mẹ nói. "Ơn Chúa mẹ không biết đến những tội lỗi như thế. Mẹ cũng không muốn biết đến nữa. Mẹ không như phần đông người ta".
Tôi không nói gì thêm. Quentin vẫn ngồi đó bẻ vụn bánh quy đến khi tôi ăn xong, nó mới nói:
"Tôi đi được chưa?", cũng không nhìn ại
"Cái gì?" tôi nói. "Hẳn rồi. Mày cứ đi. Mày hầu chúng tao hay sao?"
Nó nhìn tôi. Nó đã bóp vụn chiếc bánh quy, nhưng tay nó vẫn đang bẻ và mắt nó như lác xệch sang một bên, nó bắt đầu cắn môi như thể bị đầu độc vì lớp son đỏ chót ấy.
"Bà" nó nói. "Bà".
"Mày muốn ăn thêm chút gì hả?" tôi nói.
"Sao cậu ấy lại tàn tệ với con như thế hở bà?" nó nói. "Con có bao giờ làm gì cậu ấy đâu".
"Mẹ chỉ muốn các con hoà thuận với nhau" mẹ nói, "Các con là tất cả những gì còn lại, và mẹ thực lòng chỉ muốn các con hoà thuận hơn".
"Lỗi tại cậu ấy" nó nói "Cậu ấy không để con yên mà con thì chỉ cần thế. Nếu cậu ấy không muốn con ở đây nữa, sao cậu ấy không để con về với.."
"Đủ rồi" tôi nói. "Đừng thêm một lời nào nữa".
"Vậy sao cậu ấy không để con yên?" nó nói. "Cậu ấy, cậu ấy chỉ"
"Cậu ấy gần như là cha của cháu" mẹ nói. Cả bà và cháu đang ăn miếgn bánh của cậu ấy. Cậu ấy có quyền được thấy cháu vâng lời."
"Lỗi tại cậu ấy" nó nói. Nó đứng phắt lên. "Cậu ấy khiến con làm thế. Nếu cậu ấy chỉ" nó nhìn tôi, mắt lác xệch, hai tay run bần bật bên sườn.
"Nếu tao chỉ làm sao?" tôi nói.
"Tôi làm cái gì cũng là lỗi tại cậu" nó nói. "Tôi hư, đó là vì tôi phải hư. Cậu làm tôi hư. Tôi chỉ muốn chết cho xong. Tôi ước gì tất cả chết hết đi". Rồi nó bỏ chạy. Tôi nghe tiếng nó chạy lên gác. Rồi tiếng cửa đóng sầm lại.
"Đến bây giờ nó mới nói một câu nghe được" tôi nói.
"Hôm nay nó không đi học" mẹ nói.
"Sao mẹ biết?" tôi nói. "Mẹ xuống phố à?"
"Mẹ biết" bà nói. "Mẹ muốn con đối xử với nó nhẹ nhàng hơn".
"Nếu thế thì tôi phải có dịp thấy mặt nó hơn một lần mỗi ngày", tôi nói. "Mẹ phải làm sao để tới bữa ăn là nó ngồi vào bàn. Mỗi lần như thế tôi sẽ cho nó thêm một miếng thịt"
"Có những cái vặt vãnh con có thể bỏ qua được" bà nói.
"Chẳng hạn như không buồn để ý khi mẹ bảo tôi xem nó có đi học hay không chứ gì?" tôi nói.
"Hôm nay nó không đi học" bà nói. "Mẹ chỉ biết là nó không đi học. Nó nói chiều nay nó đi xe hơi chơi với một đứa bạn và con đi theo rình nó".
"Làm sao rình nó được" tôi nói, "trong khi người ta mượn xe tôi cả buổi chiều. Chuyện hôm nay nó có đến trường hay không đã qua rồi" tôi nói. "Nếu mẹ lo thì hãy lo thứ Hai tới đây này".
"Mẹ muốn con và nó hoà thuận hơn" bà nói. "Nhưng nó thừa hưởng cái tính bướng bỉnh di truyền ấy. Quentin cũng vậy. Lúc đó mẹ nghĩ nó đã thừa hưởng cái bản tính ấy thì mẹ đặt tên cho nó như thế. Đôi khi mẹ nghĩ nó là bản án mà Caddy và Quentin dành cho mẹ".
"Trời ơi" tôi nói. "Mẹ nghĩ hay thật đấy. Thảo nào mà đau ốm suốt đời".
"Cái gì?" bà nói. "Mẹ không hiểu".
'Tôi lại mong như vậy" tôi nói. "một người đàn bà tử tế mà phải chịu đựng nhìều mất mát thì không nên biết những cái đó làm gì".
"Cả hai đứa đều thế" bà nói. "Khi mẹ định dạy dỗ chúng nó thì chúng nó làm áp lực với bố con để chống lại mẹ. Lúc nào bố con cũng nói không cần kiểm soát chúng nó, rằng chúng nó đã biết thế nào là trong sạch và ngay thẳng, và người ta chỉ cần học có thế. Giờ đây chắc bố con đã thoả lòng".
"Mẹ còn có thằng Ben để trông cậy" tôi nói. "Mẹ vui lên đi".
"Người ta cố tình ngăn mẹ dạy dỗ chúng nó" bà nói. 'Lúc nào cũng là nó với thằng Quentin. Tất cả lo lắng vào hùa chống lại mẹ. Chống lại cả con nữa. Dù con còn bé có hiểu gì đâu. Người ta luôn coi mẹ và con như người ngoài, như với cậu Maury vậy. Mẹ vẫn bảo với bố con rằng chúng nó được tự do quá nhiều, chúng nó gần gũi nhau quá nhiều. Khi Quentin bắt đầu đi học là năm sau cũng phải cho nó đi, để hai đứa có nhau. Thấy con làm gì mà nó không làm được là nó không chịu nổi. Nó đầy kiêu căng và tự ái hão huyền. Và khi nó bắt đầu gây chuyện mẹ biết ngay thằng Quentin cũng cảm thấy phải làm một trò gì đó tương tự. Nhưng mẹ không ngờ rằng nó lại ích kỷ đến mức…Mẹ không ngờ nó…."
"Có lẽ anh ấy biết trước sẽ là con gái" tôi nói. "Thêm một đứa như thế nữa làm sao anh ấy chịu nổi".
"Nó có thể bảo được em nó" bà nói. "nó hầu như là người duy nhất mà con bé còn biết nghe lời. Nhưng mẹ nghĩ âu cũng là cái nghiệp báo".
'Phải" tôi nói. "Khổ một nỗi rằng đó là anh ấy chứ không phải tôi. Không thì mẹ đã khá hơn nhiều".
"Con nói thế làm mẹ đau lòng" bà nói. "Mẹ cũng đáng phải chịu lắm. Khi bắt đầu bán đất cho thằng Quentin đi Harvard mẹ đã bảo bố con phải dành một phần như thế cho con. Rồi khi Herbert đề nghị đưa con vào làm ở ngân hàng mẹ bảo, giờ thì Jason có nơi có chốn rồi, đến khi nợ nần chồng chất mẹ phải bán đồ đạc và cả phần đất còn lại mẹ viết thư cho nó ngay bởi vì mẹ đã nói là nó sẽ hiểu ra rằng nó và thằng Quentin đã hưởng phần mình và cả phần của thằng Jason nữa và tùy nó nghĩ sao cho phải mà đền bù cho em nó. Mẹ nghĩ chắc là nó sẽ nghe lời vì nó biết điều. Lúc ấy mẹ tin như thế. Nhưng mẹ chỉ là một bà già khốn khổ, mẹ được dạy dỗ để tin rằng người ta ai cũng sẵn sàng quên mình vì máu mủ ruột thịt của mình. Đó là lỗi tại mẹ. Con trách mẹ cũng phải".
"mẹ tưởng là tôi cần phải ai giúp mới sống nổi hay sao?" tôi nói. "Đừng nói gì một người đàn bà không biết con mình đẻ ra là giọt máu của ai".
"Jason" mẹ nói.
"Thôi được" tôi nói. "Tôi không có ý nói thế. Dĩ nhiên không".
"Mẹ đã đau khổ lắm rồi, nếu mẹ còn tin chuyện ấy là thật nữa thì…"
"Dĩ nhiên không" tôi nói. "Tôi không có ý nói thế".
"Mẹ hy vọng ít ra là mẹ cũng không phải chịu nỗi đau ấy" bà nói.
"Hẳn thế rồi", tôi nói "nó giống cả hai người quá làm sao không ngờ cho được".
"Mẹ không thể chịu đựng được chuyện đó" bà nói.
"Vậy thì đừng nghĩ đến nữa" tôi nói. "Nó còn bắt mẹ lo lắng về chuyện nó đi chơi đêm nữa không?"
"Không. Mẹ nói cho nó hiểu rằng chẳng qua cũng là vì nó và một ngày nào đó nó sẽ cảm ơn mẹ. Nó đem sách theo và ngồi học khi mẹ khoá cửa. Có đêm mẹ thấy nó để đèn đến mười một giờ".
"Làm sao mẹ biết nó có học hay không?" tôi nói.
"Mẹ đâu biết, ngồi trong ấy một mình nó còn làm gì khác" bà nói. "Nó có bao giờ đọc sách gì khác đâu".
"Không đâu" tôi nói. "Mẹ không biết đâu. Thế là mẹ may mắn đấy", tôi nói. Có điều nói ra thì lợi lộc gì. Chỉ khiến bà lại sụt sùi kể lể thôi.
Tôi nghe tiếng bà lên gác. Rồi bà gọi Quentin và Quentin nói gì hả bà qua khe cửa. "Ngủ ngon nghe cháu" mẹ nói. Rồi tôi nghe tiếng chìa khoá xoay trong ổ, và mẹ đi về phòng.
Khi tôi hút xong điếu xì gà và đi lên gác, đèn vẫn còn sáng. Tôi thấy lỗ khoá trống, nhưng tôi không nghe động tĩnh gì. Nó học lặng lẽ. Có lẽ nó học được điều ấy ở trường. Tôi chúc mẹ ngủ ngon rồi về phòng mình và lấy cái hộp ra đếm lại tiền. Tôi nghe thấy gã Người Mỹ Lại Cái Vĩ Đại ngáy như một xưởng xẻ gỗ. Tôi có đọc ở đâu đó rằng người ta thiến đàn ông để họ có giọng đàn bà. Nhưng có lẽ nó cũng không biết người ta làm gì nó. Tôi nghĩ nó không biết ngay cả điều mà nó cố làm hay tại sao ông Burgess lại vác cọc rào nện nó bất tỉnh. Và nếu người ta cho nó hít thuốc mê rồi chở đi Jackson nó cũng chẳng thấy có gì khác. Nhưng một người họ Compson mà chỉ nghĩ được có thế thì quá tầm thường, phải phức tạp gấp đôi thế may ra mới đủ. Phải đến khi nó vượt hàng rào đuổi theo một con bé ngoài phố mà bố con bé lại trông thấy và nện nó. Hừm, như tôi đã nói, họ không bao giờ tiến hành thiến ngay đâu, và họ cũng kết thúc nhanh quá. Tôi biết có ít nhất hai đứa nữa cũng cần cái gì đại loại như thế, và một đứa chỉ ở cách đây chưa tới một dặm. Nhưng rồi tôi nghĩ ngay cả làm thế cũng không ích gì. Tôi đã bảo mà cái thứ điếm đàng ấy thì vô phương. Cứ cho tôi hai mươi bốn giờ đồng hồ gk có những tên Do Thái New York khốn kiếp xui khôn xui dại tôi thế này thế kia. Tôi chẳng muốn giết chóc, để chuyện đó cho bọn cờ bạc bịp. Tôi chỉ cần có một cơ hội công bằng để lấy lại tiền của tôi. Và khi lấy lại được tiền rồi thì dù họ có muốn đem cả cái nhà thổ phố Beale hay bệnh viện tâm thần về đây dù hai đứa chúng nó chiếm giường tôi mà ngủ còn một đứa khác chiếm ghế tôi mà ngồi ăn tôi cũng mặc xác.