watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chuyện Tục về một vùng Thanh - tác giả Xuân Vũ Xuân Vũ

Chuyện Tục về một vùng Thanh

Tác giả: Xuân Vũ

Trời rét, mặt ao đóng váng. Tôi đang ngủ mê mệt sau một buổi gánh nước dân vận mệt nhừ. Bỗng giật mình. Có tiếng léo nhéo ngoài đường.
Giọng đàn bà lọt qua phên liếp hở hang, rõ từng tiếng:
"Mày ăn l. bà, mày uống nước l. bà."
Bất giác tôi kéo tuột chăn xuống khỏi mép tai để nghe cho rõ. Chuyện gì vậy? Chuyện gì mới sáng đã chào nhau kinh khủng đến thế? Một giọng khác cũng đàn bà nhưng đã sồn sồn:
"Mày giành cả cứt cho bố mày đây hở? Đã đến giỗ tổ tiên nội ngoại mày rồi đấy hở?"
"Phải, cứt béo nên mày mới giật mang về!"
"Của anh đội miền Nam, anh ấy tứa vào đầu chỗ ấy được, tao không giành, tao không giật!"
"Đứa nào giành đứa nào giật bà bắt bà bỏ l. bà, bà khép lại cho chết bố chúng nó."
Càng đối đáp, chữ nghĩa càng thơ mộng hơn và hình như hai đối phương đang tiến lại gần nhau, sẵn sàng xáp chiến.
Bọn tôi là lũ dân tập kết mới từ tàu Arkhangels Liên Xô leo lên bờ Sầm Sơn và cuốc bộ về đây với những đồ lề cõng trên lưng như những con lạc đà bất đắc chí. Người ta bảo cho biết nơi đóng quân là một vùng đã giảm tô từ hồi kháng chiến. Đó là làng Phượng Vỹ có chợ Nghè chợ Phủ cách cầu Hàm Rồng không xa. Tên làng tên xóm và cảnh trí đều đẹp như tranh. Đúng là một bức tranh sơn thủy sống mênh mông, tình tứ: Thanh Hóa.
Những thằng bạn từ ngoài Bắc vô Nam đã khoe với chúng tôi như vậy và khi ra đây, chúng tôi cũng thấy như vậy.
Người ta cũng còn cho biết ở đây đang tiến hành cải cách ruộng đất đợt 3. "Có tên địa chủ lọt lưới X. giả nghèo giả khổ đi ăn xin, chớ có nhầm ném cái gì cho hắn ăn là phạm chính sách. Lại còn một đám con địa chủ bị tống ra khỏi nhà, chúng đi lang thang đụng đâu ngủ đó và ăn cắp kinh hồn!" Đám trẻ này tôi gặp hàng ngày: Những con người đang biến thành súc vật. Còn tên X., sau này tôi biết ra thì hắn chỉ có đâu dăm sào ruộng. Tôi nghĩ, làm chủ một khoảng đất chó ngồi ló đuôi mà là địa chủ, thì dân Nam Kỳ có bao nhiêu địa chủ? (90%) Thì còn ai đấu? Nhưng bởi cái chính sách nó treo lững lơ trước mặt, bọn tôi không đứa nào dám nói gì. Sợ lắm nữa là đằng khác. Ra đường, ngó thẳng như ngựa bịt mắt. Gặp mấy chị đàn bà vén váy tiểu roong roỏng trong chiếc nồi su ở góc sân, miệng vui vẻ "Mời anh đội miền Nam về nhà em xơi nước," cũng không dám đáp, sợ phạm chánh sách.
Ra đây tôi mới được biết nước tiểu cũng dùng tưới rau không bỏ phí của giời như ở trong Nam. Thực ra việc dùng những bài tiết của người để bón hoa màu đã thấy V. Hugo nói tới trong một đoạn sách viết về người Tàu, không lạ lùng gì. Có lạ chăng là bây giờ ta mới biết.
Ra miền Bắc thì rõ ràng là ta độc lập rồi: Tây đã rút. Còn Hạnh Phúc thì chánh sách bảo phải đi tới đó bằng "hai chân" của mình. Chân thứ nhất là nông trường thì chờ Liên Xô viện trợ máy cày. Còn chân thứ hai là hợp tác xã thì đang tiến hành mà Thanh Hóa là lá cờ đầu.
Hợp tác xã là cái gì? Tôi được giải thích trong một buổi học chung với bần cố nông. Nghe qua, thấy cũng hăng hái. Mười năm đánh Tây, có biết sản xuất là gì, ngay nghe cách thức sản xuất tập thể thì thấy hạnh phúc như trái chín, cứ với tay là hái bỏ vào mồm nhai. Đã từ lâu, người ta làm như thế "Au Pays de Staline." Dễ ợt. Dân Liên Xô ngày nay sung sướng như tiên, muốn gì có nấy! (Ông Tây nào đã sang Liên Xô về viết ra sách đó, đã hại cả thế giới, nay còn sống không?)
Cuộc khẩu chiến ngoài đường trở nên quy mô và gay gắt hơn vì bây giờ hai người đã trở thành hai phe. Mỗi người một tiếng bênh phe mình.
Ngủ chung nhà với tôi là một anh người Bắc, cấp bậc trung đội phó, tốt nghiệp lục quân được gởi vô Nam, nay vinh quy bái tổ, nhưng hiềm nỗi chưa được lên chức. Hắn có vẻ bần thần, nhưng không dám tỏ ra bất mãn, vì càng bất mãn thì càng thiệt thân. Theo lệ thường, bạn đến xứ mình thì mình phải niềm nở săn đón, như lúc còn ở trong Nam, bọn tôi từng lôi hắn về nhà giết gà thết. Tưởng hắn sẽ làm như thế với bọn tôi, nhưng không, hắn tuyệt nhiên không nói đến chuyện về thăm bố mẹ nữa là rủ bọn tôi về nhà.
Mãi về sau, hiểu ra thì không phải hắn tệ bạc chi đến thế. Số là hắn có một người cậu phú nông đang được ở trên cứu xét để nâng lên địa chủ. Kẻ nào vô phúc được cứu xét thì khó thoát. Về quê trong tình hình đó thì quả là không nên, thằng nào ngốc đến đâu cũng hiểu như thế.
Cái vụ đấu khẩu ngoài đường, hắn có nghe, lẽ nào lại không, nhưng hắn cứ nằm im lìm trong chăn màu cứt ngựa kia từ lúc có tiếng léo nhéo ngoài đường. Thấy thế, tôi đoán chắc hắn có điều gì không thoải mái, nên tôi tốc chăn ngồi dậy vạch liếp ngó ra.
Nhà chỉ cách mặt đường một mảnh sân con và một hàng dậu thưa nên tôi mục kích cuộc chiến đấu như xem văn công. Một trẻ một già, cả hai đều váy nâu, yếm nâu và đều vấn tóc nhưng bà trẻ có lẽ vì múa may hăng quá nên tóc sút ra, đuôi tóc quất qua quất lại sau lưng tùy theo động tác. Bà ta nhảy tưng lên, miệng hò vang, tay vỗ bèm bẹp vào đùi non.
"Bà chìa ra đây này, có ngoạm thì vào mà ngoạm!"
"Bố tiên sư nhà bay, chui vào của bà đây. Của bà to, bà rộng chứa cả họ nhà mày, cả tổ nhóm nhà mày!"
"Cha tiên sư con tố điêu thằng X. để được lên cốt cán!"
"Tao lên cốt cán thì có động gì tới con cho thằng đội trưởng ngủ để nó chia quả thực cái chỏng tre nát."
"Cái chỏng tre nát chẳng đẹp hơn cái mâm gỗ to bằng cái tẻng của bà, thế mà có đứa phải cho thằng đoàn viên đáng tuổi con tốc váy mấy phát đấy!"
"Tốc váy mấy phát chưa bằng chửa hoang đẻ con bóp mũi đút bụi tre!"
Tôi nghe bất nhẫn tâm can. Nhưng dường như chưa đã nư giận, hai bà lăn xả vào nhau, túm tóc nhau. Rồi có lẽ ai cũng nghĩ rằng mình đúng và cần được bênh vực, cho nên cả hai cùng kêu lên một lúc khi vừa túm được tóc đối phương hoặc bị đối phương túm tóc.
"Ôi làng nước ơi! Ôi làng nước ơi!"
"Ôi giời cao đất dày ơi! Con đĩ nó giết tôi!"
Đám con nít tự nãy giờ có lẽ thập thò ở đâu đó, thấy cuộc ấu đả nổ to, hốt hoảng chạy tủa đi trốn trong khi có thêm dăm người lớn xuất hiện, mỗi người một tiếng thúc giục bồ nhà:
"Đánh chết cha con đĩ rỏm chửa hoang kia!"
"Đập đầu con sọm già cho tao. Nó, chính nó là thủ phạm!"
Hai người đàn bà càng hăng tiết. Bà trẻ buông tóc đối phương để chụp lấy váy.
Mụ già cũng buông tóc tóm lấy gấu váy của bà trẻ. Cả hai đã tóm được gấu váy của nhau giằng xé xà quây kịch liệt, nhưng may quá chẳng bên nào thành công trong sự bóc lột đối phương ra.
Chuyện đánh nhau của dân địa phương, thế mà lại nguyên do ở chúng tôi.
Tối hôm đó, cơ quan chúng tôi, toàn thể Phòng Chính Trị Phân Liên Khu Miền Tây, phải họp để phân tích, tổng kết rút kinh nghiệm.
Khi cái cơ quan gồm hơn trăm người này về đóng ở đây, thì một vấn đề trong sinh hoạt được đặt ra và thi hành ngay: đào hố vệ sinh. Mỗi một ban đều phải có hố riêng. Những hố này được đào ngoài lũy tre làng ở những gò nỗng có nhiều mả loạn. Bộ phận của tôi thiết kế mỹ thuật một cái rất đẹp ở giữa những lùm rậm trong phần đất của tổ Tiên Tiến, còn bộ phận bạn thì xây một cái gần đó, không đẹp lắm, thuộc phần đất của khóm Quyết Thắng.
Nhà nông ta có cái thiệu cơ bản trong nghề nghiệp là "nhất nước nhì phân tam cần tứ giống." Tôi thấy có những thửa ruộng được tưới nước chuyển tới ba tầng gàu giai mà kinh hồn.
Còn phân thì quý nhất là phân người, cũng còn gọi là phân Bắc. Bọn Nam Kỳ mới ra, nào biết mình là những chiếc máy sản xuất loại phân ấy. Vì thế nên coi sản phẩm của mình là bứt cỏ, bỏ ở đâu mà không được, miễn phóng nó ra thì thôi, đâu có kể số gì.
Tiếng rằng nhất ỉa đồng nhì quân công, nhưng có chỗ kín đáo vẫn tốt hơn bốn bề trống trải.
Trong kháng chiến có bài hát Đoàn Quân Đi của Việt Lang, rất phổ biến. Tôi rất thích bài hát đó. Trong bài có câu: "Phá tan biên cương loài người sống thân yêu! Ngay mai lớp dân lầm than không còn buồn đau, đập tan gông cùm đẫm máu, đời vang lên đại đồng khúc ca!" (Đừng nghĩ thế mà nhầm. Nhầm to. Một cục phân còn không nhường nhau kia, lại nói chuyện phá tan biên cương và đại đồng ca. Đại đồng ca Nga Hoa, Việt Hoa chăng?)
Sáng nay chị Hĩm của khóm Tiên Tiến đi kiểm tra hố phân của mình như thường lệ. Chị bỗng thấy phân trây đầy trên đường vào hố, phân trát cả trên hai thanh cây tre tươi gác ngang miệng hố. Vì thế anh chị đội miền Nam ghê mà không đến. Có kẻ phá hoại! Địa chủ! Không, địa chủ không còn đất nên không cần phân. Vậy kẻ phá hoại là ai?
Chị Hĩm rảo bước sang hố Quyết Thắng của bà Cò. Hố Quyết Thắng địa điểm xấu nhưng bữa nay sản lượng lại vung đầy. Chị Hĩm nhận ra kẻ phá hoại là ai rồi. Chị quyết dứt tình làng xóm lâu đời, nghĩa hợp tác xã keo sơn, chị cất tiếng chửi mụ Cò, người đáng tuổi mẹ chị.
Cuộc chửi nhau, đánh nhau của hai người đàn bà đã kéo dây tới sự thù hằn giữa hai khóm của một hợp tác xã cùng có một mục đích xây dựng miền Bắc thành thiên đàng để sống một cuộc sống làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu ở đâu đó, vào một năm nào đó.
Thanh Hóa, vùng đất xanh cuối cùng của miền Bắc, cửa ngõ vào miền Trung, đối với tôi còn là thơ là văn từ thuở ấu thời. Hình ảnh cầu Hàm Rồng trong sách Quốc Văn, Hòn Trống Hòn Mái, Kho vàng Sầm Sơn, Ngọn đèn dầu lạc v.v... tất cả nét đan thanh bỗng hóa ra trần tục, tục tằn vào ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngày tôi ly hương.
Cuộc họp đi đến kết luận là "các chiếc máy sản xuất phân" phải phân phối sản lượng đều cho hai khóm Quyết Thắng và Tiên Tiến. Nghĩa là mười lăm cái đi bên này mười lăm cái đi bên kia mặc dù cái Quyết Thắng không đẹp cũng phải đi. Như vậy để tránh sự mất đoàn kết như đã xảy ra.
Bọn Nam Kỳ chúng tôi rất hoang mang, nhưng cấp lãnh đạo đả thông ngay, và chúng tôi cũng thông ngay một cách dễ dàng, rằng đó là tàn tích của đế phong, xã hội chủ nghĩa sẽ gội rửa dần.
Nhưng thông được chuyện ngoài xóm thì chuyện đế phong lại xảy ra trong cơ quan.
Nhà tôi ở, vách đất, phên liếp hở hang, gió lùa vào như những tia nước đá, nhưng nhờ có tấm chăn bông Trung Quốc nên tôi ngủ được yên lành. Nhiều đêm nghe đám trẻ con trong nhà ngọ nguậy dưới bếp, tôi không ngủ được vì biết tổ rơm không đủ ấm cho chúng. Tôi đem cả chăn màn xuống ngủ chung với chúng. Nhờ ngủ chung với chúng tôi nghe chúng nói chuyện nọ chuyện kia với nhau mà phát hiện ra rằng chúng đói, lạnh. Vậy mà lâu nay tôi ngỡ chúng no, ấm.
Kể từ hôm biết chúng đói, mỗi lần xách chén đi ăn cơm, tôi thấy mình hơi kỳ cục. Của dân, vì dân, do dân là như thế này ư?
Khi đến nhà ăn, tôi lại càng thấy mình kỳ cục đang sống trong một xã hội kỳ cục. Không giai cấp là thế này ư? Trên bàn ngất nghểu một ông cao cấp ngồi ăn đặc tiểu táo năm món hẳn hoi. Ở một bàn thấp hơn một dúm trung cấp áo sơ mi trắng giày cộp đen ngồi quanh mâm tiểu táo ba món: canh, kho, xào. Và cũng trong cái nhà ăn đó, tràn lan dưới đất là đám kaki dép cao su ăn đại táo hai món: canh, kho. Bọn này ngồi chồm hổm không có bàn ghế chi cả. Cứ sáu trự ghép thành một mâm. Ăn nửa chừng thì hết thức ăn, xin anh nuôi cho thêm tí muối. Vô sản là thằng nào? Là ta, là hắn, hay là bọn kia?... Nên biết là tất cả những người ăn khác tiêu chuẩn ấy vừa thoát ra khỏi chiến tranh và còn hăng hái chiến đấu cho một xã hội không giai cấp ở đâu đó, cụ thể là theo khẩu hiệu vì nhân dân quên mình. Tôi thường ăn lưng lửng bụng rồi đứng dậy đến thúng cơm xúc một chén đầy ém chặt và cơi lên có ngọn trước cặp mắt lườm lườm của anh nuôi. Tôi vừa lua vừa nói: "Tớ bỏ quên cái màn phơi ngoài sân, tớ phải về nhanh kẻo địa chủ X. nó quơ mất!"
Bằng cách đó tôi được anh nuôi tán đồng và lọt qua cả cặp mắt của mấy chú bảo vệ cơ quan, đem được bát cơm về nhà cho lũ trẻ. Ba đứa. Hai trai, một gái. Chúng chia nhau dưới bếp. Chúng mừng nhưng không dám reo. Chắc chúng cũng biết, ăn như thế là phạm chánh sách.
Nhưng chẳng được bao lâu, có lẽ do sự khoe khoang của chúng với đám trẻ lối xóm, nên công việc tiếp tế của tôi bị lộ và bị chặn lại. Cơ quan lại họp và đe kỹ không ai được mang cơm về nhà cho nhân dân hoặc trẻ con, vì đó là vi phạm chính sách.
Trước kia thì vào giờ ăn, có một đám trẻ lảng vảng quanh nhà ăn để anh nuôi ném cho tí cháy, nhưng từ khi việc tiếp tế của tôi bị phát giác thì không còn một bóng. Ai có con phải giữ riệt chúng ở nhà, thà cho chúng ăn rau muống nấu với cám để khỏi bị kiểm thảo.
Nhiều lần trong bữa ăn, tôi bị nghẹn vì chợt nhớ đến lũ trẻ ở nhà ngồi quanh nồi cám lẫn với rau muống bố mẹ chúng đã nấu sẵn trước khi ra đồng.
Tôi sống hết mùa đông trên đất Bắc như một cực hình. Từ mùa đông ấy trở đi, một sự hối hận dày dò tôi khôn nguôi: "Mình đi đâu thế này? Bỏ quê hương bỏ cha mẹ mà đi thế này?"
Cuộc sống ở miền Bắc, trong một thời gian ngắn đã cào tuốt tất cả những mộng tưởng tốt đẹp trong đầu tôi có được từ quyển Au Pays de Staline, về nông trường, về hợp tác xã và về cái hạnh phúc thiên đàng với tới được dễ dàng mà ông Tây đã vẽ ra kia.
Ở trong Nam, cây mạ cao quá lưng quần, người yếu không nhổ mạ nỗi, còn ở Bắc thì cây mạ chỉ bằng bụi hành, người nhổ mạ ngồi trên một chiếc ghế con rứt từng tép như trẻ con đùa. Tôi lại nhớ những bài học về bản tính tư hữu của nông dân, và những phương pháp khắc phục. Tôi thấy khó viết hoặc không biết được về "cái chân" này. Tôi bèn quăng thân vào "cái chân" kia, tức là một nông trường mới thành lập ở Nghệ An để tìm đề tài và hy vọng sẽ viết được một quyển như Đất Vỡ Hoang (Terre Défrichée) của Sô-lô-cốp. Nhưng sau hơn năm lăn lóc ở đó, tôi cũng cảm thấy không viết được, mà nếu có viết ra được thì không nhà xuất bản nào dám in, nhược bằng có liều mạng mà in thì tác giả lẫn giám đốc xuất bản sẽ thù lao nhau trong Hỏa lò.
Cái khổ của tôi là đeo đẳng mộng văn thơ từ thuở còn là học trò, rồi lớn lên cũng vẫn cảm thấy mình không làm gi được ngoài viết văn.
Nỗi day dứt về quê hương và gia đình, cộng với những điều kỳ cục trong mấy năm dằng dặc trên đất Bắc làm cho tôi thấy mình đi lạc đường. Sống trong nước mình mà cứ tưởng nước ai. Do đó tôi quyết chí trốn về Nam, sống dưới gầm cầu cũng được. Nhưng ý chí là một chuyện, thực địa là một chuyện khác. Trốn ngã nào?
Trước nhất tôi khẳng định rằng: đi đâu cũng được, miễn ra khỏi miền Bắc thì thôi! Cho nên trước nhất, tôi nhắm mục tiêu cảng Hải Phòng. Ở đó có nhiều hoa tiêu, người Nam Bộ. Tôi xuống đó với lý do lấy đề tài miền Nam. Những đêm mưa lất phất tôi trùm áo mưa đi lang thang trên bến Sáu Kho nhìn những con tàu ngoại quốc ra vào, tàu Anh, tàu Pháp, tàu Ba Lan..., tôi muốn biến mình thành một loại lươn chạch đeo lái tàu để ra biển, rồi buông tay cho sóng xô tới đâu thì tới.
Ngủ nửa đêm nghe tiếng còi tàu vờn trên mặt sông, giật mình thức giấc, lệ dầm chan. Nhiều lần hoa tiêu Nam Bộ cho tôi cùng đi trên tàu hoa tiêu ra tận phao Zéro dắt tàu khách vào bến, hoặc đưa tàu từ bến ra tận phao Zéro. Tôi có định nhảy sang tàu ngoại quốc nhưng không dám. Đi kèm hoa tiêu có công an, hai ba trự.
Thôi đành chào Hải Phòng, tìm đường bộ thử xem. Nhìn lên bản đồ thấy tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giáp Lào. Đường Bái Thượng, Hồi Xuân, La Hán ăn thấu ranh Lào. Cho nên tôi lại men vào các đơn vị Nam Bộ quen cũ đóng rải rác khắp các Huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Bái Thượng. Qua được Lào thì việc về Sàigòn là chuyện quá dễ. Để tránh sự dòm ngó của bộ đội, tôi không sống với đơn vị mà ra ở với nhân dân.
Nhờ đó tôi nghe được tiếng dân than tự đáy lòng: "Bây giờ khó sống hơn thời Pháp!". Tôi bật ngữa ra. Hóa ra thế! Lúc bấy giờ chủ trương hợp tác xã đã thi hành dược đâu hơn ba năm rồi. Đọc báo Nhân Dân thì thấy phấn khởi lắm. Hợp tác xã sơ cấp ở khắp nơi. Nông dân đang đạp lùi Hợp tác xã sơ cấp để tiến lên Hợp tác xã trung cấp và Hợp tác xã cao cấp. Nghĩa là Bình Minh đã dậy. Với Kholkhoz, với nông trường quốc doanh, chủ nghĩa xã hội, bước đầu của chủ nghĩa cộng sản, đã lắp ló kia rồi. Toàn dân không anh dũng tiến lên ư?
Nhưng thực tế tôi đang sống ở Thọ Xuân thì nông dân được đảng "tác" mãi mà "bất hợp" hoặc nếu ngoài mặt có tác thì trong bụng lại không hợp, cũng như ta thường nói: bằng mặt chẳng bằng lòng. Còn ở Nam Bộ thì lại có câu: dạ trước mặt đấm C. sau lưng.
Hữu ngạn sông Chu có một cánh đồng chạy dài từ Bái Thượng đến Thọ Xuân. Bên thị trấn Bái Thượng có một đập nước rất lớn do Pháp xây từ lâu. Tôi thường đến đó vào những buổi trưa buổi chiều xem nước chảy qua những bậc đá như để giải phiền, hoặc tắm giặt, nhưng kỳ thực là để tìm đường.
Tôi ở trọ trong nhà một anh nông dân tên Tập. Anh chị có bốn con. Anh chính là người than với tôi như trên. Nhà anh mỗi năm thiếu 9 tháng ăn. Cấy xong vợ chồng quơ quào làm bất cứ nghề gì.
Cò Tập rất khỏe mạnh. Hình dáng anh làm cho tôi liên tưởng tới người con trai trong Trống Mái ở Sầm Sơn. Bầy con anh, anh đặt tên rất vần: Tập (bố), Tành, Hành, Hẹ, Tỏi. Tôi nói: "Tập Tành thì phải Hành Quân, chớ sao lại Hành Hẹ?" Anh bảo: "Hành quân đi chiến dịch, tôi biết rồi, khiếp lắm. Tôi muốn nó là hẹ nấu canh, tỏi chiên cá!" Tôi hơi thẹn. Tưởng mình đem văn hoa ra dạy dỗ người ta ai dè người ta có văn hoa của người ta. Chị Cò thì đau ốm luôn, còn anh Cò thì ngày nào cũng đi đốn củi trên rừng. Một gánh củi của anh bằng hai gánh của người khác. Các phiên chợ Đầm, chợ Lược, chợ Ngọc Lặc đều có củi của Cò Tập gánh tới. Làm khỏe như trâu mà nồi cơm nhà vẫn độn khoai. Đám con ăn khiếp quá, lắm khi cơm độn khoai không đủ cho chúng ngốn, phải nấu cháo sền sệt, nửa cơm nửa cháo. Hồi chiến dịch Điện Biên anh dẫn đầu xe thồ gạo từ Thanh Hóa đến Lai Châu. Anh được giấy khen và trong cải cách ruộng đất anh được cấp cho ba sào ruộng hạng ba thuộc vạc đất của một "ông địa chủ" đã bỏ đi Nam hồi 54.
Khi chánh sách Hợp tác xã được ban hành, nông dân trong xóm đều "tự nguyện" phá bờ ruộng riêng rẽ để làm ăn chung. Nhưng Cò Tập thì hẹn nay hẹn mai, mãi đến hai năm cũng không chịu phá bờ. Các ông bà xã viên thấy gân bờ ruộng Cò Tập cứ nằm ườn đó thì xốn mắt lắm bèn tìm cách bao vây, rún ép. Ban đầu, chất vấn. Cò Tập bảo: Vào Hợp tác xã là tự nguyện, ai muốn thì vào, ai không muốn thì thôi, không được bắt ép!" Quả thật Cò Tập nói đúng chánh sách nên kẻ chất vấn lại cụt lý. Nhưng cái lý do quan trọng nhất, anh không nói ra, là xã viên trây lười, kẻ làm ít cũng được chấm như người làm nhiều. Anh mà vào thì anh sẽ làm gấp đôi, nhưng anh cũng chỉ hưởng một công. Một công Hợp tác xã là mấy cân thóc, mấy cân khoai làm sao đủ trám miệng bầy nhóc của anh đang ăn khoe như vâm kia.
Thế là Cò Tập dằng dai bất hợp với Hợp tác xã. Đã thế thì ông bà xã viên tiếp tục bao vây. Ruộng Cò Tập nằm lọt thỏm ở giữa ruộng hợp tác, ông bà xã viên bịt đường ra vào. Cò Tập không nao, Cò Tập có thừa sức lội vòng ba lần để đến ruộng nhà.
Đó là thời kỳ xã hội chủ nghĩa bấp bênh nhất. Phong trào cải cách ruộng đất lố cồn, sửa sai qua loa đập dập, Nhân Văn Giai Phẩm vừa bị đè bẹp nhưng nhân tâm nghệ sĩ bất phục, Quỳnh Lưu đại loạn cũng vừa "dẹp" xong. Ở đây dân cư một số ra biển để trốn đi Nam, số còn lại thì xao xác hãi hùng. Bây giờ đến sự chống đối Hợp tác xã mấp mô nỗi lên. Để vỗ an, Trung Ương bèn cho ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh cởi áo lính, mặc xi-vin, đi xe jeep có cần vụ mang cơm gà cá gỏi và nước ngọt quốc doanh theo hầu, đi một vòng từ thượng tới hạ... du, từ rốn miền Bắc đến thắt lưng vĩ tuyến 17, xem qua Hợp tác xã. Khi trở về, ông đại tướng trổ tài nói cho thơ ký ghi ra thành một bài chính trị - tùy bút pha chè tràng giang đại hải đăng cả chục kỳ trên báo Nhân Dân, với cái tên ca dao: "Cây Đa bến cũ, con đò khác đưa." Ý nói đất cũ người cũ nhưng với chánh sách mới của đảng, người và việc tiến vọt!
Cụ Hồ xem xong kêu chú Thanh thuỏng cho gói thuốc lá thơm Con Mèo Đen Ảng Lê và vỗ vai khen: "Chú có con mắt hơn mấy chú kia." Từ đó Hoàng Thượng ban cho Nguyễn cây giản bằng đồng chín đốt, tiền đả gian nhân hậu đả loạn thần nào dám chống chính sách Hợp Tác Xã của triều đình.
Hồi đại tướng chưa đeo giản còn chữa có ai dám cãi huông là nay đã đeo giản ấy rồi. Bài Cây Đa trở thành một thứ cẩm nang cho mọi tầng lớp cán bộ và xã viên hợp tác. Gặp khó khăn cứ giở ra, cẩm nang sẽ chỉ bảo cách khắc phục.
Một buổi trưa tôi đi tắm từ đập Bái Thượng về, thấy trong nhà vắng teo. Anh Cò đi rừng chưa về đã đành, còn chị Cò và bọn thằng Tành thằng Hành đâu? Tôi xuống bếp thấy nồi cơm vần trên than lạnh tanh bỏ đó. Tôi bước ra vườn ngó phía đồng. Lúa vừa gặt. Người ta đang làm gì mà chạy lố xố ngoài đó, về hướng ruộng Cò Tập. Tôi cảm thấy có chuyện chẳng lành, nên cũng tất tả chạy ra. Một vụ án mạng do Cò Tập gây nên, không đến nỗi chết người, nhưng có máu. Người ta vừa đem võng ra đến nơi và vực kẻ bị thương lên võng. Một cái chân của y bị chém đứt lìa đang nằm trên vũng máu, những bắp thịt co giật, những ngón chân hãy còn ngo ngeo. Tôi đã từng thấy như thế trong chiến tranh Nam Bộ. Tôi che mắt quay mặt. Cò Tập đang ngồi trên bờ ranh, mắt đỏ như mắt chó dại, con dao rừng quẳng bên cạnh. Công an, Chủ tịch, du kích rí rố bàn biện pháp...
Số là hồi chiến tranh, theo ông bà nông dân trong xóm vui miệng kể, thì một anh Tây tàu bay say rượu, lái tàu bay ngang đây bỏ chơi một trái bom. Trái bom nổ đúng gân bờ ranh tạo thành một cái giếng, miệng giếng thật tròn, một nửa nằm bên này, một nửa nằm bên kia bờ ranh. Cò Tập được chia ba sào đất có nửa cái giếng ấy và đây là nguyên do gần của án mạng hôm nay. Cái giếng lần hồi trở thành cái ao thu hút được rất nhiều binh tôm tướng cá đến trú ngụ. Cái bờ ranh bị thực dân phá vỡ kia, không một ai có ý định đấp lại, vì tốn rất nhiều công. Cho nên khi Cò Tập cắm thẻ nhận ruộng, tự nhiên một nửa cái mặt nước không nằm trên ruộng Cò Tập cũng trở thành của Cò Tập. Cò Tập thả rau muống, rào chà gai nên không ai câu được. Lợi lộc cá tôm rau rác Cò Tập hưởng từ cái ao đó làm nhiều người xốn mắt, nhất là Cò Tập khăng khăng không chịu vào hợp tác xã thì sự xốn xang lại càng có lý do dâng cao hơn. Nhiều xã viên định lấy về cho hợp tác nhưng Cò Tập tuyên bố nếu muốn lấy thì cứ lấy một nửa, nghĩa là đắp ranh ngăn đôi, chứ không cho lấy cả ao. Xã viên thấy rõ sự cương quyết của Cò Tập nên im luôn, để giữ cảm tình. Biết đâu nay mai còn nhờ riêng Cò Tập việc nọ việc kia. Hổm rày chị Cò ra vào thăm chừng ao để định ngày tát. Chị hớn hở nói với tôi: Năm nay chắc được mẻ to, nhà tôi thế nào cũng mời anh đánh chén một bữa đấy!" Tôi ừ ào cho qua, chứ thực tình tôi cho là tát lên giỏi lắm nửa giỏ cá, đánh một bữa thì còn gì bán. Ngày tát ao tôi sẽ kiếm cớ "chuyển quân."
Sáng hôm nay chị Cò ra thăm ao thì gặp người ta đang tát.
Mấy ông xã viên chứ chẳng ai lạ. Họ đã được Ban quản trị cầm cán để dứt điểm Cò Tập. Có dứt điểm được Cò Tập thì sự thi hành chánh sách vùng này mới thông được. Cò Tập còn đứng đó, lại có vẻ phây phây hơn xã viên thì nhiều ông bà lung lay cái lập trường rục rịch đòi rút ra, mệt chánh sách lắm.
Thấy chị Cò, có người vọt miệng nói cợt:
"Năm nay chị cho chúng em biết mùi ao cạn hay sâu! Cái ao đáng lẽ ông Tập chỉ được một mép, mà hắn lại tóm cả hai, bên này lẫn bên kia luôn.
Người kia tiếp:
"Hái trái đếch nhớ kẻ trồng cây! Nhà bà ăn cá đã ba năm, cấm có quẳng cho bọn này cái xương đầu cá mút cho biết mặn nhạt."
Chị Cò nhỏ nhẹ:
"Tôi có biết cái gì đâu ạ! Các ông muốn gì hãy đợi bố nó về đã."
"Thằng Tập về đây thì đã có cái này hầu chuyện hắn." Một người mang súng, trật súng ra khỏi vai đánh rốp, nói.
Chị Cò chẳng dám đối đáp thêm nữa. Thấy cây súng chị càng hãi. Chị biết cây súng chẳng phải của hăn, mà là của thằng em vợ làm công an.
Về đến nhà, chị bảo thằng Tành chạy lên rú cho bố hay người ta tát cái ao. Cò Tập mới đốn được nửa gánh củi nhưng nghe con nói bèn bó gộp gánh về thẳng ruộng. Đến nơi gặp đám tát ao đang sửa soạn bắt cá. Cò Tập ném gánh củi, nư giận nổ bùng nhưng cố đấu dịu:
"Ơ, có con cá mè to quá! Được bao nhiêu chia hai nhé các cụ!"
Hai người tát ngừng tay, một người cười khề khề:
"Bố khỉ có tát gàu nào mà đòi chia!"
Người kia cũng hùa theo:
"Trước kia bảo chia hai, đằng ấy chẳng nghe, bây giờ hợp tác lấy cả."
"Ai bảo thế?"
"Thì nó là như thế, cần gì ai bảo?"
Cò Tập cố nén:
"Thôi, tôi chỉ xin vài con be bé đủ kho một bữa cho các cháu."
"Một cái nhớt cũng không cho ngửi!"
"Thôi thì các ông bắt cả thì bắt, nhưng mùa này thì tôi ngăn đôi, tôi tát phần tôi, hợp tác tát phần hợp tác!"
"Không có vụ ngăn đôi. Bờ người ta đang phá, bờ gì lại đắp?"
Ông có đeo súng đã bắt được con cá chép to, sấn tới trước mặt Cò Tập: "Cả ao là thuộc về hợp tác kể từ hôm nay - Đảng cấp đất cho anh là để anh vô hợp tác. Nếu đảng biết anh ngoan cố thì đảng chả cấp cho anh cả một hòn phân."
"Đảng bảo hợp tác là tự nguyện."
"Tự nguyện đối với những người giác ngộ kia, còn lạc hậu như anh thì phải có biện pháp mạnh!"
"Biện pháp mạnh là thế nào?"
"Là cúp phân, cắt phiếu! Mạnh nữa là đi tù!"
Cò Tập bật lại:
"Tù là những đứa khoét bồ hợp tác mang về nhà kia, cúp phân là cúp những đứa cho điểm vị tình nữ xã viên trây lười để tối tối mò tới kia!"
"Phản động!" - Ông kia trỏ mặt Cò Tập.
Cò Tập vẫn sấn tới và moi thêm những việc kín của hợp tác, làm ông kia nổi cáu vung tay định thoi Cò Tập. Cò Tập gạt phắc. Ông kia lùi lại nhưng bị cái gân bờ ranh phải gió cản chân làm ông ta bổ ngửa, cái đít đã lọt qua ruộng hợp tác còn đùi thì gác lên bờ ranh, bàn chân lại còn nằm bên ruộng Cò Tập. Ông ta chòi lia lịa cố đứng dậy nhưng tay bị kẹt vào lỗ nẽ không rút lên được, còn tay kia lại mắc cầm con cá chép. Thấy Cò Tập có vẻ tấn công mạnh hơn, ông ta la hoảng: "Đem súng đây!" Cây súng ông ta vừa đút vô bụi để rảnh tay bắt cá.
Cò Tập bất thần rút con dao rừng ra khỏi cái vỏ gỗ to xù đeo ở thắt lưng bằng sợi dây da trâu. Con dao rộng bản, anh từng khoe với tôi, rèn bằng díp xe ô tô, cây to bằng cổ chân phạt ngọt như chuối. Một tiếng "phật". Dao sắc thế, cái đùi lại kê trên bờ ranh như nằm trên thớt, gì mà chẳng lìa!
Chiều hôm đó, tôi cuốn gói đi để khỏi phải thấy những chuyện buồn của gia đình anh Tập và nhất là để khỏi nghe bọn thằng Tành khóc sau khi anh Tập bị trói dẫn đi.
Mãi hơn một năm sau tôi có dịp về Thọ Xuân. Bất ngờ tôi gặp một người quen vùng Cò Tập. Tôi lôi anh ta vào một quán nước vối, thết anh một tô đầy. Không đợi tôi hỏi, anh ta nói ngay:
"Cò Tập đi tù. Ruộng bị tịch thu!"
"Còn cái ông kia?"
"Chống nạng nhưng không được lãnh sổ thương binh."
"Không chết là may!"
"Hợp tác cũng không trợ cấp, lấy cớ là hợp tác không chủ trương mà do mấy người kết bè làm càn."
"Còn chị Cò và mấy đứa nhỏ?"
"Lo gì, chị ấy được ông Phó chủ nhiệm tới lui giúp đỡ thường xuyên."
Vậy là gia đình Cò Tập tan nát. Tôi hiểu tiếng "giúp đỡ" qua giọng nói chế giễu của anh chàng.
Tôi cứ luôn luôn tự hỏi: Hợp tác xã thắng nổi óc tư hữu của nông dân không? Ngó chừng khó tiêu diệt hơn Điện Biên Phủ. Mà thật vậy. Nó đã được chứng minh qua vụ cái hố vệ sinh và cái ao con.
Tôi thầm nghĩ: giá mà ông đại tướng ổng đi xe jeep đến đây để chứng kiến cái vụ này ngay trên mép cái ao, một nửa là cá thể một nửa là hợp tác, thì có lẽ Cây Đa của ông sẽ có thêm cành lẫn củ. Nhưng chắc chắn ông sẽ không bao giờ chịu nghe nguyện vọng của dân mà ông càng chà đạp lên đó. Người cộng sản bao giờ cũng giải thích mọi sự việc theo ý định của họ chứ không hiểu nó theo luật tự nhiên. Ông sẽ bảo: "sự việc Cò Tập chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Đây chỉ là việc lẻ tẻ không phải phổ biến. Bản chất nông dân là đoàn kết đấu tranh chống giặc thì họ cũng sẽ đoàn kết khắc phục khó khăn trong sản xuất." Hoặc nữa. "đó là tự phát chứ không phải tự giác." Sở dĩ Cò Tập hành động như vậy là vì anh ta chưa thấm nhuần chính sách. (Còn các bệnh trây lười, moi vựa đem về nhà là hiện tượng hay bản chất, là tự phát hay tự giác?) Người cộng sản là loại người quá tự phụ, bởi thế, không bao giờ dám nhận lỗi lầm. Có chăng thì rồi cũng kiếm cớ đổ dấy phần lớn cho kẻ khác.
Rất tiếc tác giả bài tùy bút "Cây Đa" nay không còn ở trên trần thế để nối thêm một đoạn dài cho đọc giả báo Nhân Dân thưởng thức.
Vâng, Cây Đa bến cũ, con đò xưa ọp ẹp nhưng chuyến nào sang cũng đến bến. Còn con đò bây giờ của đảng ông đưa đã chắc gì mới hơn? Khách trên đò kinh hãi không phải vì sông to vì nước cả, không phải vì đò nát, vì cặp chèo ngắn mà chính vì lái ẩu lái ngu, lạch xuôi không đi, lại cứ nước ngược mà lao vào. Cho nên từ bấy đến nay chưa có chuyến nào đến bến.
Đò hiện giờ đang ở giữa dòng nước xoáy, đinh long ván vỡ và nước tràn vào. Đã bao nhiêu lần đò thay lái. Tưởng đã thoát nguy, nhưng không, đò vẫn lao sâu vào dòng thác lũ và đang đắm. Chắc chắn sẽ đắm. Lái có mù hay không mà chẳng thấy khách hoảng hốt nhảy khỏi đò, bơi lấy thân?

Các tác phẩm khác của Xuân Vũ

Ông Xà Beng

Chuyện Thằng Tý Lừa Cả Làng

Cái Bẫy Vàng

Bướm Đen

Thiên Đàng Treo

Tấm Lụa Đào

Cô Ba Trà

Buồng Cau Trổ Ngược