Chương 1
Tác giả: Xuân Vũ
"Đẹp lắm, em của anh!" Tôi đáp và hỏi lại. "Nhưng son phấn ở đâu thế?"
"Của đoàn kịch em chớ đâu!"
"Son phấn của sân khấu sao em dùng ở nhà?"
Nàng cười nhoẻn, đôi môi đỏ tươi giống trái tim mở rộng:
"Sân khấu chỉ bước một bước là xuống cuộc đời, cuộc đời chỉ bước một bước là lên sân khấu chứ bao xa, anh! Nào, mấy điểm Liên Xô thì anh bảo?"
"Năm cộng." (#1)
"Anh nịnh em, em biết!"
"Sao phải nịnh?"
"Anh đang tìm cái năm điểm nào khác cơ!"
Tôi giật mình vị bị bấm đúng huyệt. Chưa kịp gỡ gạt thì nàng tiếp:
"Tối nay em diễn anh đừng có đi xem nhé."
"Anh chưa bao giờ có ý định xem kịch. Em đừng lo! Kịch của em toàn kệch cỡm!"
"Bởi vậy em mong anh đừng xem."
"Thì em cứ xem anh như khán giả thường chứ gì mà ngại!"
"Em ngượng chín cả người khi sắp diễn lớp híp-py!"
"Thì đó chỉ là kịch thôi mà!"
"Đã đành rồi, nhưng mà cái thằng đóng cặp với em nó cứ coi như là thiệt, đêm nào nó cũng khóa xe chung và khoe với mọi người em là người yêu của nó! Đồ phải gió! Em đã báo cáo với tổ chức kiểm thảo nó một lần rồi. Vậy mà nó vẫn còn lắp liếm chớ chưa..."
"Chơi chi ác với đồng nghiệp vậy em!" Tôi cắt ngang.
"Không chặn nó, nó bắt mò đi tới chứ anh!"
"Em đã chẳng nói đời và sân khấu chỉ cách nhau một bước đó ư? Sân khấu là cuộc đời thu nhỏ lại, còn cuộc đời chính là sân khấu phóng đại tô màu, sự cách biệt giữa nhau chỉ... một bước chân, thậm chí, một sợi tóc. Em không lầm lẫn à? Em không để một tí tâm hồn nào trong kịch thì làm sao em diễn đạt được nó?"
Thấy tôi sắp bênh vực đồng nghiệp của nàng, nàng hơi phật ý một cách vui vẻ, rồi dắt xe đạp của tôi ra đi.
Từ lâu, tôi thấy nàng khá đẹp lại tế nhị nên có ý muốn đi tới, xa tí nữa thử xem. Nhưng nàng là kịch sĩ thì hơi ngại, sợ nàng nhầm cái phòng riêng của vợ chồng là sân khấu thì bỏ mạng, nên dẫu bị nàng hốt hồn đôi lúc mà vẫn không dám phóng tay.
Còn nàng thì tỏ ra có tình cảm khá đậm với tôi nhất là những lần nàng đến lấy xe đạp của tôi để đi nhà hát.
Nàng đã sắp lên xe còn quay lại nhắc:
"Anh đừng có sang nhà hát nhớ!"
Cái năm điểm mà tôi ngắm nghía lâu nay đóng đô không xa nhà hát kịch của nàng và nhà tôi. Đó là hiệu sách Quốc Văn. Nếu nối liền ba cái điểm nhiệt này lại với nhau bằng những đường thẳng thì người ta sẽ có một hình tam giác đều cạnh mà trung tâm là Ngã tư Bờ Hồ, cũng còn được gọi là cái rốn mọc lệch của Hà Nội. Mỗi khi ăn cơm xong ở cửa hàng ăn Quốc Doanh số 1 xéo hiệu sách và ngay cửa rạp hát bóng, tôi có thói quen vừa xỉa răng vừa băng qua đường đến hiệu sách liếc sơ các quyển mới vừa ra lò rồi về nhà hoặc đi đâu thì đi. Đôi khi có hứng tôi thả bộ lại Bodega cách đó vài bước mua cái bánh kem rồi mới đến hiệu sách. Ở Bodega cũng có một cái điểm 5 Liên Xô. Riêng cái này lại là Tàu Lai nhưng cũng có sức hút không kém cái ở hiệu Quốc Văn.
Hiệu sách còm nhưng khá đông khách. Có lẽ khách đến vì cô hàng sách hơn là vì sách. Không những bọn trai lơ, đám sồn sồn mà cả các vị lão thành nữa đều bày tỏ sự yêu văn chương của mình bằng cách tới lui ngó... sách.
Ở chung nhà mà riêng phòng với tôi có hai thằng nhà văn nữa. Thằng A là ngôi sao sáng nhất trong vòm trời Văn chương Thủ đô. Thằng B chẳng những là sao sáng lại còn rất độc đáo trong những nhận xét về cuộc đời trước mặt. Cả hai đều trội hơn tôi, nhưng tôi cũng có được vài quyển được bày bán ở đây. Và đó là lý do chính đáng để cho tôi tới lui thường hơn người khác mà không phải bị hiểu... nhầm! Ba thằng cùng ghi tên học tiếng Liên Xô một lúc, tôi bỏ lớp trước nhất. Ba thằng cùng độc thân, tôi là người cô độc sau cùng. Thằng A có sách được xưởng phim Hà Nội chuyển thành phim. Hắn bị một cô đào hát bóng xinh đẹp phải lòng. Cô đào này lui tới và đem theo một người nữ đồng nghiệp, rồi người nữ đồng nghiệp này lại bắt cóc thằng B đi luôn. Cả hai thằng bị tha đi nhốt ở đâu lâu lâu sổng tù về nhà, nhưng rồi lại bị xớt đi. Trước đây, cả ba thằng đều chiêm ngưỡng cái điểm 5 ở hiệu sách Quốc Văn này nhưng bây giờ hai đứa đã tự loại ra khỏi cuộc chạy đua thầm lặng thành ra tôi có thêm ít nhiều may mắn hơn.
Tôi bước vào hiệu sách bằng cửa hông, trông thấy cái điểm 5 sáng như sao mọc ở sau quày, nhưng tôi giả tảng lờ, đi thẳng về phía góc cuối cùng, nơi trước kia đã từng bày bán một số sách cũ được dán cho cái nhãn tiến bộ như Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan. Riêng Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách thì được bày ra như hàng mẫu không bán. Nhưng chỉ được ít lâu thì tất cả biến mất. Phụ trách quày này là một bà đứng tuổi da mặt trắng tự nhiên như dồi phấn, môi bôi son tím thẫm, áo dài nâu, bới đầu Lào, tóc hơi dợn sóng hai bên thái dương, cử chỉ và giọng nói rất kiêu kỳ. Do màu môi của bà mà khách gọi bà là bà Tím. Tôi quen với bà và tỏ ý muốn nhờ bà bắc cho chiếc cầu ít nhịp nhất sang cái điểm 5 kia. Thấy tôi vào, bà đon đả:
"Ông cần Con Đường Kách Mệnh phải không? (#2) Ở đây không có đâu!"
"Không ạ, tôi đi tìm Con Đường Đau Khổ!" (#3)
"Ông có gì giống Katia (#4) và Dacha (#5) mà đi trên đường đau khổ?"
"Tôi chỉ muốn biết tại sao Cách Mạng tháng 10 mở một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà một người đàn bà đẹp như Dacha lại đón nó như một quả chanh c hua?"
"Ông cũng muốn nếm cái vị chua ấy à?"
"Hễ chanh thì chanh ở đâu cũng chua, cần gì phải nếm của Liên Xô ạ!"
Bà Tím cười. Tôi cũng cười. Bà lấy sách trao cho tôi, không gói gém gì. Cố nhiên rồi. Bất cứ hàng gì của Hà Nội cũng đều không gói trước khi được trao cho khách, trừ một vài món như muối, mắm, đường, dưa cải, cà muối để khách khỏi bụm đem về nhà thôi.
"Nếu ông thấy chanh quá chua và cần làm dịu vị chua đi thì chịu khó ra ngã tư Bờ Hồ ngó lên cao phía tay phải thì sẽ cảm thấy bớt đi nhiều đau khổ!" Rồi lại cười một cách tinh quái, bà tiếp: "Nếu tôi không nhầm thì cái đau khổ của ông không tìm thấy trên con đường đau khổ của Dacha đâu!"
Tôi gật:
"Bà nói đúng đấy. Có thể là ở đây, anh chàng Xéc gây không mang đến cho Dacha quả chanh mà chính Dacha lại mang nó đến cho Xéc-gây!"
Nãy giờ tuy nói chuyện với bà Tím nhưng con mắt sau lưng của tôi vẫn nhìn cái điểm 5 lấp lánh, nghiêm trang, kiêu hãnh. Tôi nghĩ thầm: những câu đối đáp giữa tôi và bà Tím chắc đã bay đến đụng nó.
Gái Hà Nội đẹp đủ kiểu. Thầm kín, đỏm dáng, lẳng lơ. Không biết xếp nàng vào hạng nào cho đúng nhưng có thể nói là đẹp lắm. Nàng vừa hao hao giống đầm lai lại phảng phất nét đàn bà Hy-lạp. Có một anh bí thư (kiêm nhà thơ) của một cụ Nhớn khoe rằng: vợ tôi có khuôn mặt và bộ ngực đẹp nhất Hà Nội! Anh ta nói vậy có lẽ vì chưa đến ngó... sách ở hiệu này.
Bà Tím hiểu tâm tình ông bạn trẻ bèn bắc dùm một nhịp sang cái điểm 5.
"Này Lý, em mang giúp cho ông nhà văn này tìm một quyển sách hay đi."
"Xin mời ông. Sách ở đây đều là sách hay cả. Ông cần quyển gì?" Nàng mau mắn đáp.
Tôi hơi rờn rợn. Tôi tưởng một người đẹp thì giọng nói cũng êm tai, nhưng không, nó eo éo chua thế nào ấy. Nếu nhắm mắt lại mà nghe thì người ta sẽ cho đó là của một người không đẹp đến thế. Đúng là hình thức không đựng nội dung. Tôi vừa mới bước tới một bước thì bà Tím lại đưa đà:
"Ông ấy đã có con đường đau khổ trên tay rồi, Lý tìm cái gì vui vui cho ông ấy nhé."
Bỗng đâu có mấy anh chàng áo chim cò đi vào, lướt ngang mặt tôi, đến trước quày.
"Cô có làm đĩ không cô?" Chàng cao gầy nhất bọn đột nhiên hỏi thẳng nàng.
Chàng béo thấp tiếp theo ngay:
"Theo tôi biết thì trước kia cô ấy có, không biết bây giờ còn không? Ha há!"
"Các anh này ở đâu mất dạy thế hở?" Lý như con mèo đang ngủ yên bỗng xòe móng tát ngay.
Anh chàng gầy xoa xoa tay nhũn nhặn một cách rất sân khấu:
"Xin lỗi cô. Chúng tôi muốn hỏi xem ở đây có bán quyển Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng hay không đó thôi. Cô có thì cứ nói là có, không thì thôi. Có gì đâu là mất dạy ạ!"
Cô nàng hất hàm sang bà Tím:
"Bên đó trước kia có, không biết bây giờ đã hết chưa, còn ở đây không có loại đó."
"Tôi muốn tìm loại đó, cô có thì nói có chứ có gì đâu mà tự ái ạ!" Anh béo nói.
"Có đấy! Cô ấy có mà." Bà Tím chõ mồm sang. "Tại cô ấy quên đấy thôi!"
"À vậy hả ! Nếu cô không có làm đĩ xin cô cho tôi lục xì (#6) cũng tốt ạ." Anh gầy vẫn cù nhầy.
"Tôi chỉ có Hai Thằng Khốn Nạn (#7) . Nhưng hiện giờ đã quét sạch rồi. Xin mời tới Bóp Công An Hàng Trống thì có!" Cô Lý tái mặt nhưng cố quát trả.
Mẫy gã chim cò bấm nhau rút lui trong danh dự. Chúng ré lên cười khi vừa ra khỏi cửa. Ngoài vỉa hè còn mấy đứa đứng lấp ló. Chúng nhập bọn rồi kéo nhau đi, một tên còn ngoái lại trề môi:
"Năm điểm Liên Xô rư...ưỡi!"
"Ừ nhẩy! Năm đĩ...iểm!"
Tôi mất cả nguồn mỹ cảm vừa dâng lên và bình tĩnh nhận định rằng đây chưa phải lúc để bước đi... nửa bước nên đành ôm con đường đau khổ lặng lẽ quay ra. Nhưng lại sực nhớ lời khuyên của bà Tím, tôi không về nhà mà lại cuốc bộ đến cái rốn mọc lệch của Thủ đô.
Buổi chiều, ngã tư nhộn nhịp nhất thủ đô, cũng giống buổi sáng, rào lên những hàng xe đạp nối nhau như những cụm lục bình trôi bất tận trên sông Cái Bé Cái Lớn ở xứ tôi, với những bộ mặt bơ phờ, hối hả, nhớn nhác, như vừa mất gì hay đang tìm gì.
Nhìn xuống, Phố Huế hun hút: những thớt lưng còm, những cái đầu gằm, nhưng bộ chân miết đạp nhưng chẳng bao giờ tới Huế. Ngó ngược lên: cái ngọn Cây Đa lập quốc như mũi kiếm chọc trời làm rơi vỡ những mãng ráng đỏ bầm loang khắp mặt Hồ nhăn nhó. Dừng chân như một người khách lạ giữa quê người, tôi không còn biết đi đâu. Bát giác tôi ngó lên. À, ra cái này đây! Vậy mà lâu nay tôi không để ý. Nếu không nhờ bà Tím mách thì tôi còn phải đau khổ thêm bao lâu nữa. Ở tận trên cao: Một dãy người đông đúc, kẻ trước người sau mặt mũi hí hững, quần áo bảnh bao, kẻ xách búa giơ búa, người cầm liềm quơ liềm, ai không búa không liềm thì vung tay không, tất cả đều biểu diễn niềm hạnh phúc hiện ra trên nét mặt. Vui quá là vui. Nhưng tôi tự hỏi: Người ở đâu trong lạ thế? Không phải người mình! Tôi giụi mắt để nhìn cho rõ. Người thợ đi tiên phong mặc đồ xanh đầu đội mũ có cái lưỡi trai gồ ra trước trán, tay cầm đèn khí đá chìa tới, tay cầm búa lăm lẵm, nhưng có lẽ không định đánh ai hoặc đóng cây đinh nào vì trước mặt không có gì để đóng và cũng không có ai để đánh ngoại trừ bên cạnh anh ta là một cô gái tóc vàng. Cô này mặc váy, gấu thêu hoa rực rỡ, tay phải cầm liềm hái giơ lên quá đầu anh công nhân, tay trái ôm một bó lúa hạt to bằng hạt dẻ, lá lúa cũng vàng như tóc cô. Hai anh chị nhìn nhau cười tình như hẹn đưa nhau đến một nơi đã định trước mà không sợ lạc lối, vì có ngọn đèn khí đá của công nhân soi đường. Tiếp đó, đằng sau cặp trai gái này là một con nhà binh vạm vỡ, lẫm liệt tay cầm súng AK, nhưng lại cười mỉm chứng tỏ anh ta nhập đoàn đi chơi cho vui chứ không phải xuất trận vì nếu xuất trận thì chính AK phải kéo ngọn chứ không phải cái búa và cái đèn khí đá kia. Hơn nữa sau lưng anh còn có một ông sồn sồn đeo kính cận vừa đi lại vừa ngước nhìn qua vai anh lính, ý chừng sợ bị cái ông cầm búa dắt mình đi nhầm chân trời. Đằng sau bốn vị này là một đám nam phụ lão ấu vừa đi vừa nhảy múa ca hát tưng bừng. Có cả một cụ già cầm hoa và một tốp thiếu nữ vung váy lên phơi trần những cặp đùi tận mãi cao mà một chàng thanh niên đang múa điệu gì lại ngồi trên một chân còn chân kia duỗi thẳng, dán đôi mắt tinh nghịch vào. Tất cả cái sinh hoạt này phới lên dưới một vòm trời hồng đậm, lố nhố những ống khói nhà máy phun khói rất nên thơ. Và còn nữa, mà cái này thì tôi phải thấy chớ không được vì lẽ gì mà nhìn sót. Đó là một cái thủ cấp ngó nghiêng của một lão già mắt nheo, cằm nhọn như lưỡi cày chìa vôi vượt hẳn cả chót mũi. Nó tự nhiên mọc lên giữa trời và được bao bọc bằng những tia sét chớp lòe, xẹt tủa tứ giăng làm cho cái ánh đèn khí đá đang soi đường trở thành đom đóm.
Chú thích:
(1-) Điểm cao nhất theo lối cho điểm ở Liên Xô mà các trường Việt Nam bắt chước.
(2-) Một quyển sách tuyên truyền của Cộng Sản Đông Dương.
(3-) Les Chemins des Tourments của A. Tolstoi.
(4-), (5-) Nhân vật nữ của tiểu thuyết kể trên.
(6-), (7-) Tên những tiểu thuyết Tiền Chiến.