Chương 3
Tác giả: Xuân Vũ
Hai đứa không quên rằng hợp tác xã này khá hơn các hợp tác xã khác trong khu vực, nó phục dịch cái ăn tươi hơn, nóng sốt hơn, ngoài ra còn có nước vối hoặc chè xanh loãng sau bữa cơm, uống bằng dăm chiếc chung sành công cộng mà khách rất ngại ghé môi vào. Ở mậu dịch ăn xong không có nước uống, muốn uống phải sang cửa hàng giải khát.
Thế là xong bữa cơm chiều. Chúng tôi rảo bước đi trên vỉa hè. Nhà đạo diễn nói:
"Chúng mình phải đăng ký mỗ ruột thừa là vừa, vì cơm sạn và rễ rau muống."
"Anh vẫn còn uống bicarbonate de soude để chế ngự bệnh đau bao tử chớ?"
"Tao sắp sửa đi thay toàn bộ. Bao tử một túi đổi ra bao tử bốn túi của loại ruminant herbivore, loại nhơi cỏ!"
Tôi nhìn anh. Anh vẫn thản nhiên, nói tiếp:
"Một túi để chứa rau muống, một túi đựng cơm, một túi xay hột ngô, một túi nghiền chè trôi nước Liên Xô."
Tôi nói:
"Tôi cũng sắp sửa đi nhà thương Phủ Doãn nhờ ông Tùng thay tim. Tim bốn ngăn ra tim hai ngăn, một ngăn cho Xét lại, một ngăn cho Giáo Điều."
"Vậy ngăn nào cho Ba phải? Người mình phải tim ba ngăn mới được!"
"Ở đúng đó! Cách đây vài năm, tôi nào người ta cũng ôm cột đèn nghe loa, hết Trung Quốc chửi Liên Xô, đến Liên Xô mắng Trung Quốc, nghe xong hoang mang thấy ai cũng sai, ai cũng đúng cả."
Hai đứa cùng cười. Đang đi bỗng nhà đạo diễn níu tay tôi đứng lại.
"Ê, có một con nhỏ vừa đầu quân vô đoàn kịch của tao có cặp mắt giống như mắt Danielle Darrieux (#11) . Nó bắt tao đèo về nhà hoài, ngặt nó cứ kêu tao bằng bác... hí hí..."
"Anh thì lúc nào cũng Darrieux với Diétrich!" (#12) Tôi vừa nói vừa nhìn theo chiếc xe hòm lộng lẫy phóng trên đường, bụng nghĩ thầm - xe của đồng chí nào mới vô sản hóa chắc!
"Đất nước ta còn nghèo, kẻ đi nhặt tí phân rơi, người đi Volga, thiệt là lô gích hích hích, thiệt là biện chứ... ứng... ứng ứng." rồi anh lôi tay tôi đi, vui vẻ: "Ê có bà đạo diễn Liên Xô còn trẻ và đẹp lắm, mới sang giúp dựng vở mới Liên Xô cho đoàn, tao vừa nhảy với bả mấy bản Mại-dô-đốp, Rúm-ba-la, bả khoái lắm!" "Ở, khoái thì khoái, nhưng anh đừng có nhầm bả là Diétrich hay Darrieux nghe! Anh mới bị thuyên chuyển từ xưởng phim xuống đoàn kịch. Hết đoàn kịch còn chỗ đâu mà đi?"
"Kéo màn các gánh chèo."
"Chèo với chả chống!"
"Ê đời mà mậy. La vie c'est... la mo cau! Mày biết không?" Bỗng anh quay ngoắc lại trỏ tay: "Mày nhìn lên kia chút."
"Gì?"
"Le paradis suspendu!" Anh đưa tay che miệng nói. "Thiên đàng treo!"
"Ai bảo vậy?" Tôi giật mình đánh thót, hỏi như máy.
"Bernard Shaw - Dớn dác nhìn quanh, không thấy ai, anh tiếp: "Thoạt tiên tao có ý nghĩ đó là mảnh vườn treo (#13) , nhưng nhìn kỹ thì không phải vườn. Thôi bỏ đi đừng nói nữa!"
Huyền Thanh có tú tài toàn phần thời Pháp, gốc đại địa chủ Mỹ Tho. Đi theo kháng chiến chín năm, đóng vài lần kịch, viết dăm vở. Ra Hà Nội được phụ trách chương trình sân khấu truyền thanh của Đài phát thanh. Vì không có đủ nhà lầu, nên cơ quan cho anh ở ngay dưới hầm ngày xưa chủ nhân dùng chứa đồ phế thải. Một tấm ván thô làm giường ngủ suốt năm năm. Còn lâu cục phân trí thức mới được xếp vào loại quần chúng cảm tình trong khi anh gác cổng cơ quan gốc là dân nghèo Hà Nội không đi kháng chiến một ngày lại được kết nạp từ lâu.
Năm trước có nhà đạo diễn điện ảnh Liên Xô sang mở lớp dạy nghề, cơ quan thương cái công thâm niên kháng chiến, cho anh đi học. Học xong Huyền Thanh được giao cho đạo diễn luôn một phim truyện về Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sở dĩ anh được chiếu cố là vì câu chuyện xảy ra ở quê anh. Trong phim có một cảnh lê dương Tây đốt nhà dân. Nhà đạo diễn thấm bài học thế nào không rõ mà ra lệnh cho ban thiết kế mỹ thuật cất một lô nhà cửa và cho đốt. Tây giả lại đốt nhà thiệt. Phim quay chưa xong mà chi tiêu quá cao nên hết tiền không quay tiếp được. Thượng cấp hạ chức đạo diễn một cách tế nhị bằng đường lối thuyên chuyển anh sang kịch nói, là bộ môn chắc chắn không thể có một vụ đốt nhà thiệt nào xảy ra nữa.
"Con ngựa sắt bỏ đâu?" Tôi đột nhiên hỏi.
"Vứt giữa đường cũng không ai thèm nhặt. Tao sắp ho lao vì đạp cái hủ lô Trung Quốc đó!"
"Nhiều người còn không sắm nỗi đó cha! Đừng có bạc đãi nó!"
Vừa rảo bước vừa nói linh tinh, hai đứa đã qua khỏi rạp hát bóng. Nhà đạo diễn gợi thêm:
"Ở đây có một Véra (#14) và một Philippovna (#15) , Véra là của tao. Còn Philipovna thì mày có muốn làm hoàng thân ngốc Mít-kin (#16) hoặc thằng Rồ-gô-gin (#17) thì tùy mày. Thằng Ngốc thì được nàng yêu mà không dám đáp lại còn thằng Rồ thì yêu nàng mà không được nàng yêu. Nhưng để trả thù thằng Ngốc, nàng lấy thằng Rồ như một cách trả thù thằng Ngốc và một cách chết chậm để tự trừng phạt mình. Phim rất tuyệt, nhưng thành phần cơ bản cở tao mới được coi! Hí hí! Anh nắm tay tôi dừng lại. "Véra đây rôi. Mày vô cửa hông, tao vô cửa cái!"
Tưởng ở đâu, ai dè cũng hiệu sách Quốc Văn. Tuy vậy tôi làm bộ ngơ ngác và bước vào. Thấy tôi trở lại, cô Lý vui vẻ:
"Có lẽ ông tìm một quyển sách mà chưa gặp!"
Mặc dù ông đạo diễn đã đứng trước mặt, bà Tím vẫn chưa tiếp đón mà quay sang đáp thay tôi:
"Vâng, ông ấy đang tìm! Cô mách hộ tí! Chắc ông ấy không tìm loại của mấy anh chàng kia đâu!"
"Ơ kìa, em thấy chị đã trao cho ông ấy lúc nãy rồi mà."
"Có lẽ chưa đúng cái ông ấy tìm nên ông ấy mới trở lại!" Huyền Thanh hớt trước tôi và vừa giơ đồng hồ tay lên xem vừa nói: "Sắp mãn giờ làm rồi xin biếu bà và cô hai cái vé đây. Đằng rạp đang chiếu phim Xắc Cô (#18) đi tìm hạnh phúc. Cái gì thì người ta không ham chứ hạnh phúc thì ai ai cũng thích. Tôi mời hơi đường đột..."
"Cảm ơn ông! Chẳng có gì là đường đột đâu ạ! Nếu tôi không nhầm thì ông là đạo diễn kịch nói mà tôi đã hơn một lần trông thấy trên sân khấu nhà hát lớn, ông giới thiệu vở kịch LuBa của Liên Xô!"
"Chẳng những giới thiệu thôi mà anh ấy còn đóng giỏi nữa ạ. Vai gã đàn ông tương tư!" Tôi nói.
"Dạ tôi cũng biết thế ạ. Vai ấy rất độc đáo!" Bà Tím tiếp luôn. "Chúng tôi rất hân hạnh được ông biếu vé nhưng tiếc quá, tôi đã xem rồi."
"Bà thấy phim ấy thế nào?" Tôi hỏi.
"Nói về màu thì lòe loẹt có thừa." Bà Tím trề môi liếc sang cô láng giềng. Ít phim nào bằng, nhưng về nội dung thì chẳng bằng phim nào ạ!"
Huyền Thanh bình tĩnh mỉm cười xã giao còn tôi thì lấy làm ngạc nhiên. Đây là cái phim mà dân Hà Nội chen rách áo mới mua được vé, tại sao lại có một lời chỉ trích thô bạo như thế mà là của một cặp môi tím rất nghệ thuật. Tôi thấy cô bạn đồng nghiệp của bà Tím hơi xao động. Cô chớp chớp mắt rồi nói:
"Đúng đấy ông đạo diễn ạ. Chán lắm! Ngày nào tôi cũng thấy cái mặt Sắt trơ trơ. Mỗi lần ngó tôi đều thương hại cho Xắc-Cô quá, đi tìm tới già mà chưa gặp hạnh phúc." Nói xong cô bỏ đi để cho hai chàng nghệ sĩ ngó theo tấm lưng ong uốn éo như khoe.
Tôi lãng đi coi sách ở các kệ còn Huyền Thanh đứng lại nói về Xắc-Cô với bà Tím. Chập sau chúng tôi đi ra. Tôi trách:
"Sao ông mời bất ngờ vậy ai dám nhận?"
"Kịch tính phải không? Hì hì..." Rồi anh nháy tôi. "Thôi, ta đi lại Bodega làm một cốc La Rose đã, rồi tao nói chuyện Sắc cô xô sắc cậu cho mày nghe!"
"Thôi đi cha! Mới ăn bột mì luộc trộn ngô lại đi uống rượu Liên Xô vô trỏng nó đánh... võ Tàu mệt lắm."
Rồi hai đứa chia tay. Tôi về nhà buồn như thất tình. Hai thằng bạn đi biền biệt không có ai tán láo. Cái 5 điểm Liên Xô của tôi đi nhà hát tới khuya mới về. Không có xe đạp như cụt chân. Tôi lấy mớ quần áo, quyển sách và vài tờ báo dồn vô chiếc xắc du lịch ra bến tàu điện định đi Hà Đông chơi với thằng bạn Nam Kỳ đang làm phó phòng dược liệu Ty Y Tế. Hồi kháng chiến nó thường biếu tôi thuốc bổ máu, do Phòng Y Dược của nó bào chế bắt chước Hémoglobine Deschiens của Pháp mà tôi nói đùa là uống huyết chó mực, đời sẽ đen như mõm chó cò. Tôi ra đến đường Ngô Quyền thì một chiếc xe jeep thắng đánh két bên lề đường rồi một người mặc quân phục nhanh nhẹn nhảy xuống chạy tới vỗ vai tôi:
"Đây rồi! Lâu nay đi đâu mà không đến chơi?"
Tôi nhìn ra: Chánh Ủy Hoàng, xếp cũ của tôi.
"À... anh!" Tôi đưa tay bắt.
"Đi vào văn phòng cái đã." Hoàng chánh ủy vẫy bảo chiếc xe jeep đi rồi cắp tay tôi cuốc bộ băng qua đường. Chỉ vài bước là tới cửa văn phòng. Nó ở ngay bên cạnh Quốc doanh ăn.
Tôi từ chối:
"Tôi bận đi lấy tài liệu viết bài, xin hứa khi khác!"
"Dề! Khi khác là khi nào nữa! Đề tài, tôi có thiếu gì. Vô đây tôi cho vài cái." Nói vậy rồi ông chánh ủy lôi tuột tôi vào khoe với bà Hoàng đang ngôi sau quày đếm tiền.
Mấy anh chàng đui cà then, anh thì bịt khăn đóng anh lại đội kê pi, anh nào anh nấy đều râu ria bó hàm và mang giày da đen cao cổ đứng xớ rớ gần đó.
Hằng ngày tôi đều đi qua cửa văn phòng này: Hàng Không Dân Dụng Việt Nam. Một cái bảng to tướng nền xanh chữ trắng (đáng lẽ phải là nền đỏ chữ vàng) độc nhất mà tôi thấy ở Hà Nội. Tôi đã biết rằng Hoàng chánh ủy được phong chức cục trưởng của Cục này và bà vợ làm văn phòng nhưng tôi không muốn ghé. Trong kháng chiến gian khổ người ta sống bằng tình. Ra Hà Nội người ta coi tiêu chuẩn trên hết!
Bà Hoàng lăn tăn líu tíu với tôi một chốc rồi trở lại đếm tiền. Ông Hoàng vui vẻ:
"Hôm nay cậu phải về nhà mình chơi! Mình nhớ Chắc Băng quá sá!"
Bà chánh ủy nhờ tắm nước phông tên, ăn tiêu chuẩn chồng càng trắng da dài tóc coi bộ muốn trẻ trung hơn hồi trước. Năm 1950 ông lội rừng, còn bà đi đường thành, vào Nam. Hai ông bà gặp nhau có thêm một đứa con trai đặt tên là Điện Biên vì lúc nó ra đời thì quân ta thắng to ở Điện Biên. Mới ngày nào đây còn ăn lông ở lỗ với nhau. Tắm, nhảy ùm xuống kinh xáng lặn hụp rồi lên bờ kinh mượn choàng của nhau thay quần; ăn, một mẩu khô cá sặc rằn chia nhau trên trận tuyến; ngủ, ghé lưng chung chiếu, nóp rách đầu thủng đuôi... Bây giờ thì khác!
Hoàng chánh ủy tự tay pha cà phê mời tôi và trịnh trọng tuyên bố:
"Bữa nay nhất định cậu phải về nhà tôi chơi ăn cơm. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa."
Nghe câu ân tình đời dễ mấy ai đó, tôi đành phải lên xe đi với thủ trưởng cũ. Ông chạy loang quanh ghé lại đâu năm sáu chỗ mất cả hai tiếng đồng hồ mới về đến khu cư xá của sĩ quan cao cấp từ đại tá trở lên nằm ở sau khu chùa Một Cột gần Ba Đình.
Ở đây không khí vương giả ngự trị rõ rệt. Những chòm cây xanh đen che nửa kín nửa hở những biệt thự, những dãy nhà khang trang có cổng sắt và hàng rào sắt. Ở đây xe đạp nhường ngôi cho Volga, Bobêđa, Mốckôwít...
Vừa qua khỏi cổng cư xá có lính gác thì chánh ủy Hoàng gặp người quen. Ông bảo tài xế: "Cậu đưa ông văn sĩ đến nhà tôi rồi về nghỉ. Chừng hai tiếng đồng hồ trở lại đưa ông ấy về." Nói xong chánh ủy quay sang trao chìa khóa cho tôi. "Cậu tự tiện mở cửa vào ngồi nghỉ. Mười phút tôi về tới. Tôi ghé thăm thằng bạn cũ tí. Tưởng nó hy sinh không ngờ lại còn sống. Thế nhé. Có thể vợ tôi đã đón thằng Điện Biên về rồi. Nó lớn lắm!"
Chiếc xe jeep rù một phát là đến đầu mối đường vào nhà ông chánh ủy. Gã tài xế trỏ cho tôi gian nhà mang số 5 rồi vút đi. Quái, lại cũng số 5! Tôi đi trên con đường nhỏ lát gạch Tàu và giữa làn hương hoa huệ đang lác đác trổ hai bên.
Vừa đến gần nhà thì thấy cửa hé. Chắc bà ấy đã về. Tôi đi bươn thêm ít bước thì dừng lại. Từ trong vọng ra tiếng cãi cọ. Sợ nhầm, tôi ngó lên đầu cửa. Không, đúng số 5!
"Quỳnh! Em ngồi rốn lại đó, em không được đi!" Tiếng bà Hoàng rất rõ.
"Để em về kẻo muộn rồi chị ạ!"
"Thế là coi như xong đấy nhé! Chị bảo cho tụi nó. Thứ bảy, năm giờ rưỡi!"
"Không, em không gì... nữa chị ạ! Chị bảo em đến đây để chị trả lại hình em."
"Xong rồi, thứ hai chị đưa cho, mất đi đâu mà sợ!"
"Chị cho em xin lại bây giờ đi."
"Chị để đâu chị quên rồi. Chị cho thêm cây Pa-ke nhé!"
"Em không cần bút."
"Thế một cái Uy-le." (#19)
"Em không cần nữa chị ạ."
Ngưng một chút.
"Quỳnh này! Chị thương em, chứ không phải chị không có người đâu em ạ! Gia đình của em, mẹ em một nách năm con, lương em ba đồng ba cọc, em xoay xở làm sao mà nói không cần. Em nghe chị đi! Sau đây chị sẽ cho em công việc làm trong cơ quan chị. Sông có khúc người có lúc em nên tính lại cho kỹ để khỏi ân hận.
"Ơ kìa, sao cậu còn đứng đó. Vợ tôi đã về rồi kia!" Chính ủy Hoàng từ ngoài đi vào kêu lên.
"Tôi đi đến đây thì tê... quá. Có lẽ vì không quen ngồi xe...!
Ông chánh ủy đẩy cửa và lôi tôi vào. Trong phòng khách chỉ còn một mình bà Hoàng. Thấy chồng về, bà nói ngay:
"Cô Thủy lại đến xin việc đấy anh ạ!"
"Cô Thủy nào?"
"Cái ông này hồn vía để đâu thế? Đã bảo Thủy lại còn Thủy nào!"
"À, tôi nhớ ra rồi. Cái cô vẫn đến đây giúp em kết toán các sổ sách!"
Bà Hoàng nói vào trong:
"Thủy à, anh về đây này. Đừng khóc nữa! Để chị bảo anh cho việc."
Chanh ủy Hoàng vỗ tay đánh đốp reo lên. Ông vẫn vui tính như thuở nào:
"Thế thì hay quá. Người đâu gặp gỡ làm chi. Em bảo cô ấy ra đây cho anh giới thiệu khách quý." Rồi quay sang tôi: "Cậu số đỏ thật đấy. Tài tử gặp giai nhân rồi! Em làm cơn nhanh lên! Vào bàn ta sẽ nói chuyện tiếp."
Chú thích:
(11-) Một trong bảy kỳ quan thế giới: Le jardin suspendu.
(12-), (13-) Các minh tinh trứ danh thập niên 30.
(14-) Nhân vật nữ trong La princesse Mary của Lermontov.
(15-) Nhân vật nữ trong Thằng Ngốc của Dotoiewski.
(16-), (17-) Nhân vật trong Thằng Ngốc.
(18-) Phim Liên Xô.
(19-) Hiệu đồng hồ Thụy Sĩ.