watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cõi thù hận - tác giả Y Ban Y Ban

Cõi thù hận

Tác giả: Y Ban

Trên đường đời tôi bị người ta đánh cho bầm giập, đau đớn khôn cùng mà vẫn không hiểu vì sao mà người ta thù hận tôi đến vậy. Tôi sống tha thiết với cuộc đời nên không thể chết. Tôi rúc về nằm co ro trong căn nhà của mình, ẩn nấp.

Tôi quắp hai tay lên đầu, hai chân co chặt lên ngực. Người tôi cuộn tròn. Tôi cố bóp nghẹt những ý nghĩ đang trồi ra khỏi đầu tôi, nó đang gào rú lên để thoát ra. Trả thù đi trả thù đi trả thù đi trả thù đi trả thù đi...

Tôi nhìn thấy một cái đầu đã hói với một lớp tóc đen lưa thưa phủ bên ngoài lớp tóc trắng bẹp nát. Tôi nhìn thấy một đôi cẳng chân đàn bà thòi ra khỏi lớp váy bị gió thổi tốc lên nát bấy. Tôi nhìn thấy một gương mặt đau đớn đang ôm tim quằn quại. Tôi hả lòng. Tôi bỏ tay ra khỏi đầu. Tôi duỗi hai chân thẳng. Các ý nghĩ phọt ra.

Tôi có một thằng em trai nghịch tử, nó ngao du với bọn du thủ du thực. Nó hay dẫn bọn đó đến nhà tôi chơi. Tôi thường nấu cơm cho chúng ăn. Khi ăn cơm chúng dễ thương như những người tử tế. Nhiều bận ngồi nhìn chúng ăn cơm tôi ứa nước mắt. Tôi không định cảm hoá chúng bằng những bữa ăn của tôi đâu. Tôi dư biết đó là điều không thể. Nhưng tôi biết, nếu tôi cần trả thù ai đó chúng sẽ lao đến, bất luận cả cái chết.

Trả thù đi trả thù đi trả thù đi trả thù đi trả thù đi... một bản nhạc trầm bổng đưa tôi vào cõi thù hận.

Người đầu tiên tôi gặp trong cõi thù hận là một người đàn ông cặp chiếc nạng gỗ vào nách, một chân tập tễnh, một chân ưỡn ngửa. Người đàn ông cười với tôi nhe hàm răng bị mòn đến tận lợi rồi lẩm bẩm: "Chán chẳng buồn chết. Chán chẳng buồn chết. Chán chẳng buồn chết...". Người đàn ông bước xa dần. Tôi nhìn theo cái dáng, một bên ưỡn ngửa, một bên tập tễnh. Một điều kỳ lạ là câu chuyện về người đàn ông đó đã chui vào đầu tôi.

Một người chồng, người cha rất chỉn chu với vợ con. Ông ta chỉ làm một nghề nghiệp rất khiêm tốn là bảo vệ ở một cơ quan. Ông làm việc mẫn cán. Ông gom những tờ báo đã được đọc về cho hai đứa con đọc. Ông gom những câu chuyện về luân thường đạo lý, cái đức ăn ở với cha, mẹ, với người đời, những câu chuyện về tấm gương học tập... về, dạy lại cho con. Ông gom những đồng tiền để cho con học thêm.

Ngày bé, hai đứa con ông ngoan lắm, chúng như thiên thần. Ông gom hết sức lực, nhiệt huyết để nuôi dạy chúng. Rồi chúng ngày một lớn, chúng lớn mà không khôn. Chúng chẳng học được cái hay cái tốt, chúng chỉ học cái xấu ở đời. Con chị nứt mắt đã đi theo giai, thằng em suốt ngày đánh điện tử. Ông đổ bệnh. Ông chữa bệnh bằng rượu.

Tôi nhìn thấy rất rõ ràng cái cảnh ông nằm trên cánh tay người vợ gày còm thổ ra từng vốc máu. Vợ ông gào lên nức nở: Chết đi cho nhẹ thân ông ơi. Không ông không chết. Chỉ lát sau ông bắc cái ghế đẩu ra trước nhà nhe bộ răng mòn đến tận lợi lẩm bẩm: "Chán chả buồn chết. Chán chả buồn chết...". Rồi ông lại uống rượu. Ông nói với vợ: "Bà đừng có hòng mong tôi chết trước chúng nó. Tôi sống để xem chúng chết".

Tôi lại nhìn thấy tim ông đau từng cơn nức nở, có lúc nó cũng muốn lịm đi.

Người thứ hai tôi gặp là một người đàn bà. Một người đàn bà đã già đang nằm thoi thóp thở. Hai tay người đàn bà ôm một lọ đường trắng. Môi bà khô nứt nẻ. Bà phều phào: "Tôi đói lắm, tôi khát lắm". Tôi muốn giúp người đàn bà đó. Tôi đi tìm một ít nước. Tôi định bụng sẽ lấy lọ đường trong tay người đàn bà để pha. Chắc là khi được uống nước đường thì người đàn bà sẽ đỡ đói và khát.

Tôi thò tay lấy lọ đường một cách bình thường. Tôi nghĩ người đàn bà đã yếu ớt lắm, có lẽ đã mất trí nữa. Tôi bỗng giật nảy người khi người đàn bà đó cào mạnh vào tay tôi khi nó gần chạm vào lọ đường. Rồi người đàn bà gào rú lên: "Quân ăn cướp". Mắt người đàn bà sáng quắc như diều hâu. Tôi sợ hãi, thanh minh: "Tôi thấy bà đói và khát quá nên định pha cho bà ít nước đường, bà uống vào sẽ hết đói và khát".

Người đàn bà đã như lại lịm đi, miệng lẩm bẩm: "Tôi đói và khát quá. Tôi đói và khát quá". "Vậy thì để tôi pha cho bà một ít nước đường". "Nay tôi uống hết rồi thì ngày mai tôi sẽ bị chết đói" - Người đàn bà phều phào nói với tôi. "Nhưng bà yếu quá rồi, uống một chút thôi". "Tôi đói và khát lắm". Người đàn bà lại rơi vào trạng thái lẫn, không nghe được lời tôi nói nữa nhưng hai tay vẫn quặp chặt lấy lọ đường.

Người đàn bà đã ôm lọ đường trong tay nằm trên giường từ nhiều ngày rồi. Bà ta rất sợ mình bị chết đói nên đã mua và cất lọ đường này đã lâu. Bà ta chuẩn bị cho cái ngày già yếu không thể cất nhấc chân tay để nấu nổi hạt cơm cho vào bụng. Nhưng bà ta là người nghĩ rộng, chỉ có một lọ đường nếu ăn thì sẽ hết, nên bà ta cố nhịn.

Tôi đã nhìn thấy câu chuyện của người đàn bà này. Đó là một người đàn bà rất đẹp. Cái thuở xa xôi ấy, ở cái vùng chiêm khê, mùa thối bỗng sinh ra một cô gái xinh đẹp lạ thường. Sắc đẹp của cô gái lan đi rất xa. Có một gã nhà giàu mang thóc lúa đến mua gái đẹp. Cha mẹ cô gái gạt nước mắt gả con có 10 thùng thóc, những mong con được vào chỗ no ấm. Gã nhà giàu đã có vợ con nên cô gái xinh đẹp phải làm lẽ.

Vợ cả ghen đánh đòn chí tử. Gã nhà giàu bèn dựng nếp nhà 3 gian gỗ gụ cho vợ lẽ ở giữa cánh đồng. Vợ lẽ xinh đẹp nên suốt ngày gã ở ngoài đồng. Rồi vợ lẽ sinh liền cho gã 3 thằng con đẹp như tượng, trong khi vợ cả lại sinh toàn con gái. Vợ cả bị ruồng bỏ bèn nghĩ kế, quản lý hết thóc lúa tiền bạc. Gã nhà giàu phút chốc trắng tay. Gã bèn phải quay về nịnh vợ cả. Vợ cả ra giá, ba ngày ở với vợ cả, một ngày ở với vợ lẽ. Gã nhà giàu cũng đến lúc no xôi chán chè cô vợ lẽ 3 con. Gã thích thú cảnh đi săn những cô gái quê.

Cô vợ lẽ đã quen cảnh chồng chiều, bỗng thù hận. Cái thói đàn ông, con ong đã tỏ đường đi lối về là chán thì thôi đành. Đây còn đẻ cho dòng dõi nhà nó những 3 thằng con trai mà nó cũng không biết điều. Một đêm dài dặc chờ chồng, cơn thù hận nổi lên uất nghẹn, người đàn bà đã nổi lửa đốt nếp nhà có 3 đứa con đang ngủ say trong đó rồi cứ thẳng hướng nam mà đi. Nhập vào đoàn người tản cư, bà ta đi sang Lào, rồi qua Thái Lan.

Ở Thái Lan bà ta lấy được một người đàn ông tử tế, sinh được những đứa con tử tế. Gia đình bà ta no đủ lắm. Rồi một ngày kia gia đình thấy bà ta biến mất. Bà ta không mang theo tiền bạc, chỉ mang theo một lọ đường. Bà ta về cánh đồng xưa dựng lên một túp lều. Người ở đây không còn ai nhớ bà ta. Bà ta cũng không hỏi ai về trận hoả hoạn năm xưa trên cánh đồng này. Bà ta mò cua bắt ốc để sống. Bà ta sống thọ lắm, lạ thế. Khi tôi gặp bà ta ôm lọ đường rên rỉ đói khát thì bà ta đã 90 tuổi rồi.

Từ cánh đồng của người đàn bà ôm lọ đường, tôi lọt ngay vào một căn phòng tối om, ẩm mốc và đầy mùi hôi thối, Căn phòng tối đến mức tôi không nhìn thấy ai cả. Tôi chỉ nghe những tiếng nói phát ra. Tiếng nói của hai người đàn bà.

- Chị xin em, em tha cho nó đi. Em tha được cho người là em đã tha cả cho mình. Tội lỗi này đâu phải một mình nó đâu.

- Em không thể tha được cho nó đâu chị ơi. Chị muốn em chị chết à? Chị không giúp em thì em chết mất. Em phải rửa hận. Giúp em đi chị, em chết mất.

- Tội lỗi quá em ơi. Nó đã không được làm người thì để cho nó về với đất, sao em nỡ đầy đọa nó thế em ơi.

- Em đây, con người hẳn hoi đây, sống không được mà chết cũng không xong mà chị còn chả thương, chị lại đi thương giọt máu.

- Nó đâu còn là giọt máu nữa em. Nó có hình hài rồi.

- Chị không giúp em, em cắn lưỡi em chết đây.

- Chị giúp, chị giúp.

Tôi nhìn thấy một cái lọ trắng, trong đựng một thứ nước trắng, trong thứ nước trắng có một hình hài đã đủ cả tay chân mắt mũi và một cái cu bé xíu như hạt vừng. Cái lọ trắng được đựng vào một cái hộp đỏ buộc nơ đỏ, gửi đến cho một người đàn ông. Tôi không nhìn thấy người đàn ông ấy đã nhận món quà này thế nào.

Trong căn phòng tối ấy tôi vẫn không nhìn thấy gương mặt của hai người đàn bà. Tôi chỉ nghe tiếng của họ.

- Chị đã gửi cái lọ đi chưa?

- Chị gửi rồi.

- Nó có trả lời gì không?

- Không em ạ.

- Chị đã gửi cái lọ đi chưa?

- Rồi em ạ.

- Có trả lời gì không?

- Không thấy.

- Gửi đi chưa?

- Rồi.

- Trả lời gì không?

- Không.

Tôi không nghe thấy tiếng họ nữa.

Tôi đi xuyên qua những tấm gương đến thời đại của tôi. Tôi thấy những kẻ đã đánh tôi bầm giập cùng ngồi quanh một mâm cỗ đầy sơn hào hải vị. Lạ kỳ họ ngồi trước những món ăn ngon mà trông bản mặt họ không có chút nào sảng khoái, mà lại đằng đằng sát khí. Họ ngồi chống đũa chẳng buồn gắp. Tôi nhìn những món ăn đang thiu dần trong ánh mắt chán chường của họ. Rồi tất nhiên tiếng phải cất lên:

- Tôi hận nó kinh khủng. Chỉ còn 6 tháng nữa là tôi hạ cánh an toàn mà nó phá ngang. Tôi liều chết với nó. Về hưu thì có ngang gì chết.

- Nó phá ngang miếng ăn béo bở của tôi bảo làm sao tôi tha cho nó được.

- Tôi yêu sếp là chuyện của tôi, còn chuyện tôi có chồng cũng là chuyện của tôi cớ sao lại là phạm tội nọ kia nhỉ. Tôi hận nó vì nó lại xọ vào chuyện riêng của tôi. Tiếng người đàn bà thỏ thẻ.

- Còn tôi í à, chả phải duyên cớ nọ kia dài dòng. Cứ nhìn cái bản mặt của nó hay được lên tivi là tôi điên. Tôi ghét cay ghét đắng. Cái cục hận nó cứ chèn vào cổ tôi - tiếng người đàn bà thé thé.

- Nào rót rượu đi. Chúng ta cụng ly vì một chữ hận. Hận thì phải giết. Giết quách đi là đỡ ngứa mắt. Anh Chớ, anh có mấy đứa em du thủ du thực, gọi chúng đến đấy.

Mấy chữ du thủ du thực như những nhát búa đập mạnh vào đầu tôi làm tôi choàng tỉnh, ra khỏi cõi thù hận. Tôi nằm trên giường, toát dương, người run lẩy bẩy. Du thủ du thực du thủ du thực du thủ du thực... từng chữ không ngừng đấm vào trí não tôi. Du thủ du thực? Chúng là ai thế? Chúng là niềm tin hay đấng cứu thế? Chính tôi, kẻ đi tìm công lý mà không thấy, cũng đã vin vào chúng để mà hy vọng, để có niềm tin, rằng cái ác sẽ được trừng trị. Còn những kẻ ra tay với tôi cũng vì một chữ hận.

Chữ hận của tôi, tôi cho là vì cái ác. Chữ hận của chúng, chúng cũng bảo vì cái ác. Chúng làm ăn không minh bạch nhưng chúng ăn của nhà nước, của nhân dân chứ chúng ăn gì của tôi đâu mà tôi lại dám cản chúng. Qua cõi hận thù tôi bỗng hiểu một điều rất hiển nhiên là vậy. Nhưng cái tôi không thể nào hiểu ngay là cái ác nào sẽ bị trừng trị?

Tôi sợ run người. Tôi co người lại, hai tay ôm lấy đầu, hai chân co vào ngực. Điện thoại nhà tôi đổ dồn, mãi tôi mới áp được nó vào tai. Tôi phều phào: "A lô". Thằng em nghịch tử của tôi giọng hoảng hốt: "Chị sao thế, chị bị ốm à?". "Du thủ du thực" - tôi phều phào và cũng chẳng hiểu mình đã nói gì.

"Chị sao thế? Ai du thủ du thực?". "Du thủ du thực" - tôi lại phều phào. "Chị này, chị bảo em du thủ du thực à? Không, em đã tử tế rồi chị ạ. Mấy tháng nay em chị đã suy nghĩ rất chín chắn. Ở đời chẳng mấy kẻ khốn nạn mà tồn tại bền lâu đâu chị. Làm người tử tế sướng hơn chị ạ. Người tử tế thì hay chịu thiệt thòi, dẫu có thiệt thòi vẫn là người tử tế. Em không ngao du với lũ du thủ du thực nữa đâu. Mà cái lũ bạn du thủ du thực của em chúng cũng tử tế rồi. Hôm nào em rủ chúng đến nhà chị, chị nấu cơm cho chúng ăn nhé. Cơm nhà chị có cái quái gì đâu mà sao chúng cứ thích ăn. Chị giữ gìn sức khoẻ chị nhé".

Tôi buồn ngủ. Một cơn buồn ngủ đầy bất trắc. Tôi cố cưỡng lại cơn buồn ngủ. Tôi rất sợ lại đi vào cõi hận thù. Nhưng tôi không thể, tôi đã lại chìm đắm vào sự hoan lạc điên cuồng của cõi hận thù.

Các tác phẩm khác của Y Ban

Xích Lô

Trong khu vườn nghệ sĩ

Tôi và gã

Tôi và anh

Sau chớp là giông bão

Quê Nội

Phút dành cho tình yêu

Nhân tình

Người đàn bà có ma lực

Một phần ba cuộc đời

Mỗi người đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà

I am đàn bà

Gà ấp bóng

Đôi găng tay da màu nâu

Cưới chợ

Con Quỷ Nhỏ Trong Tôi

Con mang cuộc đời của mẹ

Chuyện nhỏ xóm nghèo

Cái Tý

Bức thư gửi mẹ Âu Cơ

Biển và người đàn bà

Bây giờ con mới hiểu

Ai Chọn Dùm Tôi

Đàn bà xấu thì không có quà

27 bước chân là lên thiên đường