Trong khu vườn nghệ sĩ
Tác giả: Y Ban
Chàng nghệ sĩ điêu khắc đi chợ phiên làng Canh mua được một con chó mực. Con mực có cái mặt quắt và toàn thân đen tuyền. Chàng đem về nuôi trong xưởng làm tượng của mình. Cái xưởng được dựng trên mảnh đất rộng. Chàng để một khoảnh làm sân cỏ. Mực tha hồ chạy nhảy trên cái sân đó. Chàng rất yêu quý mực, những khi rảnh rỗi chàng vồ lấy mực bắt rận hoặc vuốt ve âu yếm. Khi làm việc, chàng quên cả ăn, nhưng không bao giờ quên cho mực ăn. Mực cũng yêu quý chàng.
Chàng chỉ làm việc ban ngày ở xưởng. Đôi khi mải mê làm nốt cái tượng nào đó thì chàng ở lại qua đêm. Mỗi khi tiễn chàng về, mực chỉ đưa chàng đến ngõ. Sáng ra, khi nghe tiếng xe chàng từ đầu ngõ, mực đã rên ư ử để mừng. Chàng mở khóa vào nhà là mực chồm lên liếm tay liếm chân. Chàng ngồi xuống thì mực cũng chỉ bám được hai chân trước vào đầu gối của chàng. Là vì mực còn bé. Mực rất muốn liếm vào mặt chàng.
Mực rất hạnh phúc trong khu vườn chàng nghệ sĩ. Mực lớn lên thành một cô chó cái xinh đẹp. Cái ước mơ liếm vào mặt chàng nghệ sĩ của mực đã không bao giờ thực hiện được vì trong khu vườn xuất hiện một người đàn bà.
Từ khi có người đàn bà, mực không còn được âu yếm vuốt ve. Đôi khi quấn quít quá còn ăn vài cú đá vào bụng. Mực đau lắm nhưng chỉ lẳng lặng đi ra một chỗ. Một hôm, người đàn bà mang đến khu vườn một con gà lông trắng muốt nhưng bên trong lớp lông đó lại đen tuyền.
Có con gà, khu vườn vui hẳn lên. Mực có bạn để chơi. Mực đuổi cho con gà chạy tớn tác. Nhưng chưa khi nào mực bắt được con gà. Khi bị đuổi dồn, con gà bay lên đậu trên những bức tượng của chàng. Mực thất kinh không dám đuổi theo con gà nữa. Mực đã được dạy rằng, phải tránh xa những bức tượng. Quả nhiên con gà ngu xuẩn kia đã bị cái chổi lia cho, quáng quàng lủi ngay vào một xó.
Một ngày đẹp trời khác, người đàn bà lại mang đến khu vườn một con chó vàng cộc đuôi. Mực nghe tiếng chàng nghệ sĩ điêu khắc lầu bầu, lắm chó thế thời gian đâu mà chăm. Người đàn bà bảo, cho con mực vui không thôi nó cứ lủi thủi một mình.
Mực cũng vui. Chơi với con gà chán chết, chỉ biết quang quác rồi nhảy tớn tác. Chơi với con vàng cộc đuôi thích hơn nhiều. Con vàng cũng thích đùa với mực. Nhất là khi mực cắn nhẹ vào bụng con vàng. Con vàng nằm lăn lộn dưới đất giơ bốn vó lên trời. Mực còn được ra oai với con vàng. Con vàng chưa biết luật trong khu vườn nên cứ thấy chàng nghệ sĩ dắt xe ra cổng là nó chạy theo. Có hôm còn theo đến tận ngõ. Chàng điêu khắc phải xua về.
Mực ra tay dạy cho vàng cộc đuôi một bài học. Mực cắn cho vàng cộc đuôi một nhát vào chân. Vàng kêu ăng ẳng. Lần sau vàng lại nhăm nhe chạy theo chàng điêu khắc khi chàng dắt xe ra cổng, mực sủa lên một tiếng, vàng sợ quá chạy tọt về nhà.
Mực, vàng, con gà ác sống vui vẻ cùng chàng nghệ sĩ trong khu vườn. Chúng được chàng cho ăn no và tắm táp, bắt chấy bắt rận. Người đàn bà chỉ đứng nhìn. Và câu chuyện bắt đầu.
Chàng điêu khắc mua về rất nhiều xương bò, xâu vào sợi dây thép rồi buộc vào gốc hồng xiêm ở đầu hè. Mực và vàng cộc đuôi cùng gà ác được một bữa ăn no nê. Riêng vàng tham ăn đến mức đến đêm thì không chịu được, nôn hết ra bãi cỏ. Bữa ăn đó đã làm cho mực và vàng cộc đuôi chán ngắt món xương bò.
Ngày hôm sau chàng điêu khắc không về xưởng làm việc, mực thấy nhơ nhớ nhưng mực không đói. Ngày thứ hai chàng điêu khắc không về, có nghĩa là mực và vàng cộc đuôi sẽ phải gặm nốt xương bò. Vàng cộc đuôi đã đói ngấu nên mon men gặm cục xương bò, còn mực thì không dám cả đến gần. Xương bò sống để qua hai ngày đã bốc mùi thối. Cái xương bò thối này thì chịu không thể xực nổi. Ngày thứ ba chàng điêu khắc không về xưởng, vàng cộc đuôi nằm bẹp rên ư ử. Mực cũng đói cồn cào. Đói quá mực xông đến cục xương. Một mùi thối khẳm bốc lên làm mực sợ chết khiếp. Mực lẳng lặng bỏ đi. Đến bên cạnh vàng cộc đuôi nằm xuống bên cạnh.
Bốn cái mắt chó nhìn thấy con gà ác cứ nhởn nhơ, chẳng có vẻ gì đói khát cả. Nó thong dong lấy chân bới bới trên cỏ, rồi cúi xuống mổ lấy mổ để. Mực phi ra bãi cỏ hất con gà ác chúi xuống đất. Đất chui vào mũi làm mực hắt xì chảy cả nước mũi ra ngoài. Sau một hồi hắt xì, bụng càng đói réo lên. Mực cúi xuống rứt một ngọn cỏ nhai nuốt. Được nửa chừng thì lá cỏ đùa vào họng buồn quá. Mực nôn thốc nôn tháo. Toàn nước dãi như chó dại. Vàng cộc đuôi nhìn thấy không dám bắt chước mực, nằm im dán bụng xuống đất cho đỡ đói.
Đến chiều ngày thứ tư thì chàng điêu khắc về với một bịch cơm trộn với thịt. Chàng bảo mực và vàng cộc đuôi:
- Ăn dè thôi, để dành ăn dần, tao đang bận làm nhà mấy bữa nữa mới về. Đừng có ăn thịt nhau đấy!
Chàng vẩy gạo cho con gà ác ăn. Chàng để vào góc hè một ít gạo cho gà ác ăn dần. Rồi chàng đóng chặt cửa lại, đi. Mực ăn no rồi thôi. Vàng cộc đuôi thì đã chén no nê nhưng vốn ăn tham nên cứ chốc chốc lại ra ăn thêm. Đêm, mực nghe tiếng vàng cộc đuôi nôn. Mực nghĩ thầm, cho chết, ai bảo ăn tham. Nôn ra rồi chết đói, mấy ngày nữa ông chủ mới về cơ.
Sáng ra mực không thấy bãi nôn nào của vàng cộc đuôi. Lại thấy chỗ cơm ông chủ mang về chỉ còn ít. Mực tức lắm, lẩm bẩm chửi vàng cộc đuôi, nó ăn no đến mức nôn ra, vậy mà vẫn mò dậy ăn hết, phần còn lại cho mình chỉ có tí thế kia.
Mực không đói lắm nhưng vẫn lại chỗ thức ăn kẻo vàng cộc đuôi ăn hết mất. Cơm đã thiu nhớt ra. Mực xực một miếng đã vội nhả ra. Vàng cộc đuôi hé mắt nhìn mực cười thầm. Mực và vàng cộc đuôi lại trải qua một hành trình đói như lần trước. Đến ngày thứ ba thì hai đứa phát hiện chỗ gạo chàng để dành cho gà ác. Hai đứa sục mõm vào đống gạo sống. Cắn được vài hạt rồi ngửa cổ lên nhai. Nhai hạt gạo sao mà khó thế. Thôi thì cứ nuốt đại vậy. Hai đứa ăn hết chỗ gạo của gà ác. Thì ra chỗ gạo đấy không chỉ để nuôi gà ác mà còn nuôi thêm cả mấy con chuột.
Một con chuột mò ra ăn gạo bị vàng cộc đuôi vồ được. Đang đói, vàng cộc đuôi chén luôn con chuột. Mực thấy vàng cộc đuôi ăn ngon lành con chuột cũng muốn thử một miếng, nhưng ngại xông vào. Gì thì mực cũng là con cái nên cái tính xông pha vẫn kém hơn.
Ngày thứ năm đói không tả nổi. Bọn chuột khôn ngoan không ló mặt ra nữa. Con gà ác cứ nhởn nhơ bới bới, mổ mổ, chẳng có vẻ gì đói khát cả. Mực cảm thấy như sắp chết. Đã thế mà vàng cộc đuôi lại cứ hít hít ngửi ngửi ra chiều âu yếm. Nó tệ thật đấy, thì nó đã thành một gã trai bảnh chọe rồi. Từ lâu mực không còn coi nó là ranh con để bắt nạt nữa. Nhưng để âu yếm ve vãn thì phải biết kiếm cái ăn cho đỡ đói đã.
Vàng cộc đuôi cũng vây vo thế thôi chứ đói thế có làm được gì. Ngày thứ bảy chàng điêu khắc mới về. Lần này chàng mang theo cả một xô cơm thịt. Chàng xúc cơm ra hai cái bát. Vàng cộc đuôi xốc lấy xốc để. Lại bị chết sặc nữa. Hắt hơi văng cả cơm ra. Mực ăn từ tốn. Chàng vuốt ve mực, mày ngoan lắm. Mực sướng rên, ngừng ngay ăn để liếm láp ông chủ. Chàng điêu khắc để yên cho mực liếm vào tay chân chàng. Mực được thể chồm lên định liếm vào mặt thì chàng hất mực ra, bẩn lắm mà định liếm mặt người ta à? Mực tưng hửng quay về đĩa ăn của mình, đuôi ngoáy tít.
Vàng cộc đuôi ăn xong cũng quấn lấy chân ông chủ tỏ ý biết ơn, lại còn rên ư ử trong họng. Nhưng nó lại không có đuôi để vẫy, khổ thế. Mấy lần vàng cộc đuôi đã nghe ông chủ nói, mày chả được tích sự gì cả, chó không ra chó, đến cái đuôi cũng không có. Điều này thì ông chủ phải trách bố mẹ vàng chứ. Vàng cũng muốn có đuôi để mừng chủ nhưng cha mẹ sinh ra không có đuôi thì vàng đành chịu chứ biết làm gì.
Chàng điêu khắc dặn lại mực và vàng cộc đuôi, ngoan nhé, đừng có cắn nhau tao đánh chết nghe chưa. Cửa vừa đóng là vàng cộc đuôi đã đến bên mực âu yếm. Vàng hít hít ngửi ngửi rồi liếm vào mặt mực. Mực để yên. Mực cũng thích. Vàng thấy thế bèn nhảy bổ lên lưng mực. Rất lâu mới xong việc. Xong hai đứa lại nhảy bổ đến xô thức ăn. Vàng cộc đuôi để cho mực ăn trước. No nê hai đứa gác mõm lên nhau ngủ. Ngủ một giấc dài mà trời vẫn sáng. Vàng cộc đuôi hếch mõm lên tru một tiếng. Mực không tru nhưng cũng hếch mõm lên nhìn giời. Thì ra sáng trăng suông. Mực với vàng đùa giỡn trên bãi cỏ. Chúng no và chúng hạnh phúc.
Sang ngày thứ năm mực đói không chịu nổi. Lần trước nhịn đến ngày thứ bảy mà có đói thế này đâu. Con gà ác nhởn nhơ đã đành, vàng cộc đuôi cũng nhởn nhơ nốt. Vàng còn đùa nghịch với gà ác. Gà ác bị đuổi dồn nhảy phắt lên đầu cái tượng của chàng điêu khắc. Không bị cán chổi xua nên nó đứng ung dung, vỗ cánh bành bạch rồi toẹt một bãi lên đầu tượng.
Mực nhìn thấy sợ thót cả tim, mày dám ỉa lên đầu tượng của ông chủ, mày bị ăn cán chổi là cái chắc. Rồi mực nghĩ ra, chàng điêu khắc không có mặt để mà đuổi gà ác. Mực bỗng tức điên lên với gà ác. Mực xồ lên sủa nhặng xị. Gà ác giật mình rơi xuống đất. Mực lập tức vồ vào cổ gà ác. Gà ác lấy chân đạp vào mặt mực để chạy. Mực bị chân gà đạp trúng vào mắt đau quá vội nhả ra. Gà ác lại nhảy lên đầu tượng đứng, máu chảy nhỏ giọt xuống đầu tượng. Trông gà ác tội nghiệp quá. Da cổ đã bị mực cắn đứt. Lại bị giằng co, trơ hết cả xương xẩu, lòi các thớ cơ, mạch máu ra ngoài. Mực chắc mẩm, sắp được chén thịt gà ác.
Ngày thứ sáu thì chàng điêu khắc về. Thấy cái đầu gà ác lắc lư trên cái cổ đỏ lòm bèn gào lên, con nào cắn gà thế này, mực hay vàng? Đã bảo chúng mày không được cắn nhau cơ mà. Không cho chúng mày ăn nữa. Chàng điêu khắc vẩy gạo cho gà ác. Gà ác nhảy xuống mổ gạo ăn. Vừa ăn vừa canh chừng mực. Mực và vàng bị quát bèn nằm bẹp xuống đất. Chàng điêu khắc bỏ cơm với thức ăn ra cho vàng và mực. Mực xông ra ăn còn nhanh hơn cả vàng. Mực xốc lấy xốc để. Loáng cái đã hết đĩa. Mực còn xông thẳng đến chỗ thức ăn mà chàng điêu khắc có ý để dành cho mực và vàng ăn dần. Chàng điêu khắc đẩy mực ra:
- Vậy thôi, lần này tao lâu về đấy, để ăn dần chứ!
Mực cứ thế xông vào. Nó muốn chàng điêu khắc biết rằng, nó ăn no cho cả mấy ngày sau. Chó không để dành thức ăn khi trong bụng còn đói. Mực ăn lấy ăn để. Thấy mực ăn ngon quá chàng điêu khắc để nguyên. Chàng ra về, dặn:
- Không được cắn nhau, không nghe lời tao thịt đấy!
Gà ác nhảy lên đầu tượng đứng. Đó là chỗ nó có vẻ tin tưởng nhất. Mực ăn no căng bụng tìm chỗ nằm. Vàng cộc đuôi lại bên mực xí xớn. Mực không thèm đáp lại. Vàng no ăn nên không chịu được. Mực cắn hờ một nhát vào chân vàng. Vàng vẫn không chịu đi chỗ khác. Mực bèn đứng dậy tìm chỗ khác nằm. Vừa đứng lên vàng bèn nhảy ngay lên lưng. Mực tức điên quay lại cắn một nhát. Vàng đau quá kêu hộc lên. Vàng càng thấm thía cái cảnh chó không có đuôi thì thiệt thòi đến thế nào. Giá vàng có đuôi thì cái đuôi đã quặp lại che kín chỗ đấy. Có bị cắn thì chỉ bị cắn vào đuôi thôi. Cái giống chó cái bạc ác, mình đã cho nó con, nó lại còn cắn để tiệt giống mình thế này.
Chàng điêu khắc mang thức ăn đến khu vườn nghệ sĩ với người đàn bà. Người đàn bà nhìn thấy vàng cộc đuôi bèn kêu lên:
- Eo ôi khiếp quá! Lòi hết cả ra ngoài thế này. Anh ơi, hay mình hoạn ngay con vàng này đi.
- Khiếp, em còn ác hơn cả con mực. Em khiếp quá đấy!
- Để cho nó khỏi chạy lung tung. Chó thiến hiền lắm!
- Em thích hiền sao lại yêu nghệ sĩ? Nghệ sĩ mà bị thiến thì hết sáng tạo được.
- Cái anh này, chuyện nọ xọ chuyện kia.
Sau vụ bị cắn, vàng không còn dám đến gần mực. Mực đói lắm. Đói không chịu được. Đói cào đói cấu. Đói rút ruột rút gan. Mực vồ được hai con chuột. Ăn thịt chuột sống ngon ra phết.
Chàng điêu khắc mang cơm đến. Chàng càu nhàu:
- Sao chúng mày không ăn hết cơm tao mang lần trước, để thiu cả thế này. Tao không mang nữa, chúng mày phải ăn hết đi. Khiếp, con vàng lắm rận quá. Lần sau tao mang thuốc xịt cho mày. Khổ thân mày mực ơi, mày gầy quá. Cơm đấy sao mày không ăn hả.
Mực muốn nói cho chàng điêu khắc biết một điều rằng chó không ăn được cơm thiu, chàng đừng ép.
Cái cổ con gà ác đã lành. Nó lại nhởn nhơ bới bới mổ mổ. Rồi nó sục sạo nhảy lên nhảy xuống cái bàn xoay của chàng điêu khắc. Trên cái bàn xoay có cái giẻ chàng dùng để lau tay khi nhào đất xong. Nó vùng vùng trên cái giẻ đó, rồi đứng lên rút cổ lại rặn è è. Một lúc sau một quả trứng hồng rơi tọt xuống cái ổ bằng giẻ. Gà ác không biết cục ta cục tác.
Qua ba lần nữa chàng điêu khắc mang thức ăn về khu vườn một mình. Lần thứ tư có người đàn bà đi cùng. Cửa lạch cạnh mở nhưng không một tiếng chó sủa mừng nào. Người đàn bà bảo:
- Có lẽ chúng chết đói hết rồi? Để chúng chết đói phải tội chết.
Cổng mở toang chứ không mở hé như mọi lần. Chàng điêu khắc sợ điều mà người đàn bà nói là đúng. Mực đứng vẹo vọ trên bộ xương, không sủa được thành tiếng, cái đuôi chỉ khẽ phẩy phẩy, rồi ngã lăn ra đất. Chàng điêu khắc vội chạy lại đỡ mực, bảo người đàn bà:
- Em chạy nhanh ra ngõ mua mấy hộp sữa, nhanh lên!
Người đàn bà đi như chạy. Sữa mua về được đổ ra bát và được đưa vào tận miệng cho mực. Vàng cộc đuôi đứng chầu bên, rên ư ử đánh tiếng. Chàng điêu khắc bảo người đàn bà:
- Em rót một hộp ra cho con cộc, rồi vãi gạo cho con gà ác. Khổ thân bọn chúng quá!
Mực uống xong hộp sữa thì tỉnh hẳn, đứng dậy đuôi ngoắc ngoắc rồi chui qua cái lỗ vào xưởng. Chàng điêu khắc thấy lạ bèn mở cửa xưởng ra, bật đèn lên. Một cảnh tượng không thể tưởng tượng đập vào mắt chàng làm chàng ngẩn người không thể thốt lên lời. Trên bàn xoay, một ổ trứng mười lăm quả xếp gọn ghẽ. Dưới chân bàn xoay, ổ chó bốn con đen tuyền cộc đuôi.
Sau phút ngẩn ngơ chàng hét lên:
- Em ơi vào đây xem này!
Người đàn bà đứng ngẩn ngơ không nói được lời nào, rồi ngồi xuống bên mực khóc nức lên.
***
Vĩ thanh:
Vàng cộc đuôi bị chết khi chàng điêu khắc xịt thuốc giết rận cho nó. Chàng điêu khắc chôn vàng ở góc vườn. Hơn một tháng sau, chàng đào mộ vàng lên, lấy xương rửa sạch, phơi nắng một tuần cho xương rắn đanh lại. Chàng lấy dây thép xếp thứ tự các loại xương của vàng cộc đuôi lại như cũ.
Chàng mang bộ xương về, treo ở nhà người đàn bà. Chàng chưa làm xong nhà nên người đàn bà mang mẹ con mực về nhà mình nuôi. Bốn con chó đen tuyền giống mẹ, cộc đuôi giống bố, lớn lên đẹp như bốn con gấu. Khách hàng tranh nhau mua. Người đàn bà giữ lại một con để nuôi nhưng có ông khách đến, ôm khư khư vào ngực bảo: Nếu chị không bán cho tôi thì tôi cũng bắt trộm.
Người đàn bà để cho ông khách ôm chó về. Ông đặt tên con chó là Money. Mấy tháng sau ông khách quay lại hỏi: Chó nhà chị có đẻ con cộc đuôi nào nữa không, bán cho tôi một con. Con Money nhà tôi bị bắt trộm rồi. Tôi nhớ nó đêm không ngủ được.
Người đàn bà chỉ cho ông khách bộ xương con vàng cộc đuôi và hỏi: Theo ông, cái bộ xương kia còn nhảy được nữa không?
Ông khách buồn bã ra về.