watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đàn bà xấu thì không có quà-Chương 5 - tác giả Y Ban Y Ban

Y Ban

Chương 5

Tác giả: Y Ban

Đầu tiên là nữ thi sĩ. Chị nói nhà của chị rộng gấp mười lần nhà của Nấm, vì thế mà nó trống trải quá. Đứa con chị đã lớn, nó cần bạn bè hơn là mẹ. Vả lại cái chính là chị rất yêu và tin Nấm, chị bảo thế. Nấm không hiểu sao vừa gặp Nấm mà chị đã tin yêu Nấm. Nấm là một kẻ cô đơn nên cũng chấp nhận chị. Chị đã kể cho Nấm nghe rất nhiều chuyện của chị và chuyện của đời. Rằng thời chị mười tám tuổi, tình yêu đầu đời của chị đã dành cho một người đàn ông có vợ. Một ngưòi đàn ông có tài. Tài đến mức luôn luôn để chị và người vợ đó gặp nhau mà không một chút nghi ngờ. Rồi người đàn ông đó cũng cưới chị. Khi chị sinh con được nửa năm mà không thấy chồng về thăm chị liền bế con về Hà Nội để tìm chồng. Lần theo địa chỉ chồng để lại mà vào thì chẳng ai biết người có tên là thế. Một ngày trời đói khát không người quen. Chập tối chị bế con đi lang thang vào công viên để tìm một ghế đá qua đêm. Xa xa kia, dưới một gốc cây đu đưa một chiếc võng. Một người đàn ông ngồi dạng chân ôm trong lòng một người đàn bà bế một đứa bé. Chị cứ nhìn, nhìn mãi thì thấy họ quen quen. Chị liền bồng con lại gần. Thì ra chồng chị và người đàn bà mà chồng chị vẫn gọi là em gái. Chị gọi chồng:
- Anh ơi con đã được sáu tháng rồi anh ạ.
Chồng chị lấy tay che mặt, người đàn bà đang ngồi trong lòng chồng chị đứng dậy:
- Em ơi, em nói gì vậy?
- Em nói với chồng em chị ạ.
- Chồng nào?
- Chồng em đang nằm với chị.
- Nhưng đây cũng là chồng chị mà em. Con chị đây một thằng bé cũng được sáu tháng. Còn con chị nó được ba tuổi em ạ.
- Vậy thì em bế con em về nhà đây chị ạ. Thấy mãi anh ấy không về em bế con đi tìm. Thôi thì cứ như em chưa tìm thấy chồng.
Người đàn bà ôm lấy chị mà khóc:
- Em cứ về trước đi. Chị nói chuyện phải trái xong với anh ấy thì chị sẽ trả chồng lại cho em. Khổ thân em còn trẻ quá.
- Thế rồi sao hả chị? Sao chị không kể tiếp đi, em hồi hộp quá.
- Thế rồi sao ư? Chị thì làm thơ còn người đàn bà đó cho đứa con đỏ hỏn rồi bỏ đi đâu không biết.
- Thế còn người đàn ông kia?
- Rồi thì lằng nhằng mãi cho đến khi đứa con chị được bảy tuổi chi mới dứt được ông ấy.
- Thế sao chị không đi lấy chồng khác?
- Ừ thì dăm bảy mối tình chứ chẳng ít đâu nhưng chẳng đọng lại ai lâu. Nỗi cô đơn như một định mệnh của nhà thơ mà em.
Người đàn bà làm thơ này như hút hồn Nấm làm Nấm không còn mong chờ những cú điện thoại của người đàn ông của Nấm. Những câu chuyện của chị cứ như những trang tiểu thuyết vậy. Nghe xong mỗi câu chuyện Nấm có cảm giác là đêm về khi chỉ còn một mình với chiếc màn hình Nấm chỉ cần in nó từ trong óc ra. Nấm đến nhà chị chơi rồi ăn ngủ cùng chị. Khi chỉ có hai chị em thì chị yêu chiều Nấm như con gái. Rồi chị kể những dự định làm ăn của chị. Quả thật chị làm ăn rất giỏi. Thường thì các nhà thơ có mấy ai giàu nhưng chị thì giàu có thật sự. Cơ ngơi nhà cửa chị khang trang. Chị còn mấy mảnh đất làm vốn.
Nhưng thực chất ở ngoài đời chị rất đỗi nổi tiếng. Nổi tiếng về thơ hay. Nổi tiếng về sự sống. Những câu chuyện người ta nói về chị khác hẳn những câu chuyện mà chị đã kể cho Nấm nghe. Có những chuyện thực thực hư hư. Có những chuyện như giai thoại. Kể ra cũng hay một người còn sống hẳn hoi mà người đời đã đặt thành giai thoại.
Chị rủ Nấm đi chơi chùa trên một con đò xuôi dọc sông. Chị kể cho Nấm nghe vì sao chị làm thơ. Không phải là từ khi chồng lừa dối chị đâu mà từ khi hơn mười tuổi, vào chiều 30 Tết chị phải đưa đứa em ra đồng chôn cất. Câu chuyện của chị đều đều và mặt chị thì không một cảm xúc. Lúc xuống đò trời tạnh ráo. Khi chị kể câu chuyện xa xưa ấy thì trời bỗng lất phất mưa. Hạt mưa cứ mỗi lúc một mau thành ra mặt sông cứ như sương khói. Một con đò bé nhỏ xuyên qua làn sương khói ấy mà đi. Nước mắt của Nấm hoà với làn sương khói ấy. Còn mặt chị thì vẫn khô ráo. Lên chùa Nấm khấn phật phù hộ để không bao giờ phải chứng kiến cái cảnh như chị.
Buổi tối về nhà Nấm tắm rửa sạch sẽ sau khi đã ăn uống đầy đủ. Mùa xuân muỗi nhiều. Nấm xịt thuốc muỗi rồi mà vẫn đi tất chân và đội mũ. Nấm chuẩn bị chu đáo để bắt tay vào viết. Những xúc cảm ứ đầy tim Nấm. Nấm đã đặt được tên cho tác phẩm đó là Nàng Thơ. Nấm chọn một kiểu chữ rất đẹp để viết tên truyện ngắn. Ở dưới tít truyện Nấm viết: Truyện ngắn của Nàng Nấm. Rồi nàng nhấn enter. Xong rồi Nấm ngẩn người. Câu đầu tiên sẽ viết thế nào đây? Tôi làm thơ từ năm mười tuổi khi em tôi chết vào chiều 30 Tết. Ôi trời, đấy đâu phải là câu văn. Nấm nhấn vào nút xoá. Trên con thuyền nan trôi dọc bờ sông trong một buổi sáng sương khói mịt mùng, người đàn bà đã kể cho tôi nghe về chị. Chị đã làm thơ… sao mà giống một bài báo thế. Đầu Nấm nặng trĩu và một nỗi thất vọng tràn đầy trong lòng. Nấm ngồi trân trối nhìn vào màn hình nửa giờ đồng hồ mà vẫn không biết bắt đầu từ con chữ nào. Nấm tắt màn hình rồi lên giường nằm lấy chăn trùm kín đầu. Nấm tự nhủ mình hãy cố ngủ đi. Phải ngủ đi nếu không muốn bị một cơn đau đầu khủng khiếp và một cơn khóc nhấn chìm cơ thể. Triệu chứng đã bắt đầu rồi Nấm ơi. Không thể để mình rơi vào trạng thái như vậy. Đau đớn không thể tả, rồi không biết có vượt qua được như các bận trước không? Nếu không vượt qua được mà đầu hàng cơn đau thì Nấm lại về với số 0 tròn trịa. Nấm hãy vượt qua đi. À phải rồi người đàn ông của Nấm. Anh bảo với Nấm rằng lúc nào rỗi là anh sẽ gọi điện cho Nấm. Gần một tuần nay anh không gọi điện cho Nấm rồi, chắc anh bận lắm. Giá mà lúc nào anh ở thành phố này nhỉ. Nấm sẽ đến với anh. Nấm sẽ sà vào lòng anh và anh sẽ ôm Nấm thật chặt. Hôm trước anh bảo, bao giờ anh được hôn em thật. Còn em chỉ cần anh nói anh hôn em là người em đã tan loãng ra rồi. Sao mãi anh không về. Anh bảo đến mùa hè. Bây giờ là mùa xuân rồi chỉ còn mấy tháng nữa thôi. Em sẽ chờ anh về để được yêu anh dù chỉ một lần thôi. Rồi sau đó em sẽ sống với những hoài niệm đó là đủ. Em sẽ yêu anh hết mình. Em sẽ dâng cho anh tất cả những điều em đang gìn giữ. Anh đã hiểu lòng em. Anh cảm động về tình yêu em đã dành cho anh. Em xứng đáng được nhận sự ngọt ngào và hạnh phúc. Anh sẽ mang đến cho em sự lắng đọng dịu dàng. Và em sẽ sinh cho anh một cô con gái. Không, một cậu con trai cơ. Thế thì hai đứa vậy. Không bốn đứa cơ. Sao anh tham thế. Vì anh muốn yêu em. Con mình sẽ cao giống anh và trắng như em. Em sẽ sinh cho anh nhiều con nhưng em sợ nhất là khi chúng ốm. Anh cũng rất sợ điều đó. Bố anh ốm anh đã không có mặt ở nhà. Rồi khi ông qua đời anh cũng không thể về. Đó là nỗi ân hận lớn nhất của đời anh. Anh đã khóc rất nhiều mà không thể nguôi ngoai nỗi ân hận. May mắn của đời em là đến giờ em vẫn chưa phải chứng kiến cái chết của người thân. Anh cũng cho đó là một may mắn. Nhưng người già chết thì sự nhớ thương ít hơn khi người trẻ chết phải không anh? Không phải đâu em ạ. Sự nhớ thương là do tình cảm và những kỉ niệm. Có thể anh không biết nữa. Trẻ con là vì mình đang yêu thương chúng mà. Như một đứa con của chúng mình. Anh hãy yêu em đi. Anh yêu em mà. Ừ thế. Anh… Trong tư thế cuộn tròn Nấm như đang nằm trong vòng tay của người đàn ông của Nấm. Người đàn ông của Nấm đang cởi những khuy áo của Nấm. Rồi bàn tay ấm áp diệu kì đang xoa trên ngực Nấm. Nấm nép chặt vào ngực anh. Một cảm giác ngất ngây ngự trị cơ thể Nấm. Và ý nghĩ cứ thế miên man. Nấm rất yêu quý trẻ con. Mỗi lần nhìn thấy một đứa bé là Nấm ngắm mê mải rồi ước ao được bế bồng hôn hít nó. Một đứa con. Bao lần Nấm đã thầm ước ao Nấm có một đứa con.
Chiều 30 Tết trong cái nghèo thì Nấm biết. Thì quê Nấm cũng nghèo lắm mà. Sự tất bật vào sáng 30 Tết quanh nồi bánh chưng thì Nấm cũng biết. Lũ trẻ con háo hức trong bộ quần áo mới thì Nấm cũng biết. Và cái răng mới nhú nho nhe như thằng cún nhà chị gái thì Nấm cũng biết rồi. Còn đứa bé kia. Đứa bé kia nếu nó là con của Nấm thì sao? Nó là con tôi. Không thể như thế. Nhưng nó là đứa như thế đấy. Chiều 30 Tết trong cái lạnh đìu hiu của vùng sơn cước… Anh yêu em đi. Trời ơi anh yêu em đi. Em rất muốn và em khao khát. Ngất ngây và không còn tồn tại… Anh của em. Anh… Anh…
Nấm chìm sâu xuống trong một cảm giác đê mê. Phải một lúc lâu sau nhận thức mới quay trở lại. Nấm nhận thấy mình đang trần trụi giữa đám chăn gối nhàu nát. Và khoảng giữa hai đùi Nấm ẩm ướt. Nấm vơ lấy chăn trùm lên người. Chỉ một mình Nấm đã tự thoả mãn tình yêu cho mình.
Nấm nức nở. Tim đau như ai bóp chặt. Hai tay Nấm ôm chặt lấy ngực để nén cơn đau. Cơn khóc không thể nào kìm nén. Nấm khóc nức lên. Khóc nghẹn ngào, tức tưởi. Nước mắt chảy ướt đầm cả gối. Cơn khóc làm Nấm co quắp người lại. Nấm đã cảm thấy cơ thể đang chìm dần như một cơn buồn ngủ. Không thể chìm xuống thế này. Nấm cựa quậy người để cố vượt ra khỏi trạng thái đông cứng. Chân tay bải hoải. Đầu óc mất phương hướng quay cuồng. Không thể thế này. Nấm cố duỗi tay ra. Khớp cổ tay cứng ngắc và đau không thể duỗi được. Mình đang làm sao thế này? Nấm nằm im và tự hỏi. Mình đang sắp chìm xuống. Chìm xuống đâu? Chìm xuống số phận. Vậy phải làm sao bây giờ? Hãy ngồi dậy, đừng nằm như thế sẽ chìm xuống đấy. Chìm xuống có phải là chết không? Chết còn tốt hơn là đầu hàng số phận. Vậy nàng thơ nằm đấy là nàng thơ đã đầu hàng số phận rồi à? Không. Nàng nắm đó khi nàng đã làm xong bổn phận. Còn Nấm, nàng mới chỉ bắt đầu thôi. Phải ngồi dậy ư? Phải ngồi dậy.
Nấm thu hết sức lực rồi bật dậy. Rồi nàng lẩy bẩy đi vào nhà tắm vã nước lạnh lên mặt. Nàng nhìn mặt mình trong gương. Đôi mắt sưng húp và mặt thì trắng bệch. Nấm lấy tay xoa xoa lên hai mắt rồi xoa đều xuống hai gò má. Một lúc máu đã dồn về. Đúng rồi, nàng đã làm xong bổn phận rồi thì nàng nằm đó mặc kệ cho sự đàm tiếu và những giai thoại. Phải rồi nàng nằm đó…
Nấm vội vàng bật máy. Cái tít truyện rất điệu đàng và hàng chữ phía dưới vẫn còn được lưu lại. Nấm nhấn enter rồi shift. Nàng nằm đó…
Nàng nằm đó, đẹp như một bức tranh mẹ đồng trinh. Làn da trắng mịn màng, đôi môi cắn chỉ mím chặt. Vầng trán thanh thoát. Một lọn tóc rơi một cách ý tứ trên trán nàng.
Đó là một sự thanh thản. Chưa bao giờ nàng thanh thản đến vậy. Trái tim cô đơn của nàng sẽ thôi không phải gào thét: Em muốn ôm cả đất. Em muốn ôm cả trời. Mà sao anh ơi không ôm nổi trái tim một con người.
Và trái tim đàn bà của nàng sẽ thôi không phải giễu cợt. Nàng vẫn mang một chiếc vòng trong mình khi đã mãn kinh.
Sẽ còn lại gi: Thơ và chiếc bóng của nàng đã bị người thêu dệt và cắn cho rách nát.
Một lần có hai người đàn ông đi qua nhà nàng. Hai kẻ say. Con chó nhà nàng xồ ra cắn. Hai kẻ say vào bắt vạ. Nàng bảo: Hãy chỉ cho tôi xem vết chó cắn tôi sẽ đền bù cho. Hai kẻ say lè nhè:
- Này cô em, chó nhà cô em không cắn vào thân thể chúng anh nhưng nó cắn vào bóng chúng anh đây. Cái bóng chúng anh đã bị một vết thương lớn. Cái bóng chúng anh mà không khoẻ thì thân thể chúng anh làm sao mà khoẻ được. Thể nào chúng anh cũng bị ốm. Vậy cô em phải nôn tiền ra cho chúng anh đi chữa cái bóng của chúng anh bị chó nhà cô em cắn đây này.
Nàng rất tức giận nhưng cũng phải chi ra một khoản tiền.
Sau chuyện đó nàng nghĩ ngợi về cái bóng: Cái bóng, tất nhiên là người ai cũng có cái bóng. Ngày xưa bà nàng bảo: người phân biệt với ma là người có bóng, còn ma thì không có bóng.
Thưở bé, có một trò chơi mà nàng rất thích. Đó là vào những đêm trăng tỏ nàng đứng giữa sân cho bóng đổ dài trên nền đất. Sau đó nàng chạy để dẫm chân lên bóng. Điều đó là không thể. Nàng rất tức giơ tay đánh vào chiếc bóng. Nàng nhìn thấy rất rõ ràng là chiếc bóng rất run sợ.
Lớn lên nữa cha nàng dạy nàng: con hãy sống tự thân, đừng bao giờ trở thành chiếc bóng của ai cả.
Khi đi học thầy giáo dạy nàng: kiến thức là bể mênh mông. Kiến thức nhập vào ai thì như chiếc bóng của người ấy. Sáng tạo tức là vượt qua cái bóng của chính mình.
Nhưng khi nàng đến với thơ đâu nàng đã ý thức được là vượt qua cái bóng của mình đâu. Vả lại, khi đó nàng đã có kiến thức gì trong mình ngoài một nỗi đau khổ tột cùng.
Sáng 30 Tết lũ trẻ đã được mẹ cho mặc áo mới. Cô chị cả đểnh đoảng chạy đi khoe với bạn hàng xóm. Còn nàng lặng lẽ đến bên giường cu Tũn. Thằng bé mới được mười một tháng tuổi tròn trịa như củ khoai. Thường ngày cha mẹ đi làm nàng nhận nhiệm vụ trông em. Nàng mới mười tuổi nhưng bế em khéo lắm. Ai nhìn thấy nàng bế em cũng khen:
- Con bé này thật đảm đang.
Cu Tũn cũng quý nàng nhất nhà. Mỗi khi bú no nó kéo phựt cái tí mẹ ra rồi quay sang nàng cười toe toét. Nó giơ hai tay nhoài sang nàng túm chặt lấy áo chị. Nàng bế em chạy vù ra ngõ.
Cu Tũn bị ốm mấy hôm nay. Nó sốt cao và thở khò khè. Nàng bế xốc em lên vai nựng nựng:
- Cún con khỏi ốm đi để còn ăn Tết chứ. Cún chưa biết Tết vui đến thế nào đâu. Áo mới đây chị mặc cho cún nhé.
Cu Tũn cố cười với chị, hai chiếc răng cửa nho nhe trông thật ngộ nghĩnh.
Mẹ nàng ngừng tay gói bánh chưng, lẩm bẩm:
- Khổ quá đến tết mới có cái ăn uống ngon lành tử tế thì thằng em lại ốm mãi thế này.
Cha mẹ nàng quê dưới xuôi, đất chật người đông luôn khốn khó với miếng ăn. Năm nàng lên hai tuổi thì nhà nước có cuộc vận động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cha mẹ nàng rời quê hương đi lên vùng sơn cước, đất rộng người thưa. Đất đai rộng thật nhưng cũng chỉ biết trồng lúa, trồng mía. Cứ làm theo cái cách ở quê vậy. Nhưng trồng lúa thì ra cỏ, trồng mía thì ra lau. Lại khốn khó vì cái ăn. Hai đứa em nữa lần lượt ra đời. Nhìn bọn trẻ nheo nhóc cha nàng không chịu được bảo với mẹ nàng:
- Thôi thì bà ở nhà trông con, ăn quanh ăn quéo rau cháo nhì nhằng tôi đi xa kiếm việc ra tiền. Chứ cứ thế này thì khốn nạn quá.
Cha nàng đi một mạch nửa năm với về nhà, mang về cho con cái mỗi đứa một chiếc áo mới, lại được ăn cơm trắng với thịt mấy ngày. Rồi lại đi.
Tết này người về với gương mặt rạng rỡ. Mẹ nàng đi chợ những ba lần. Có những thứ mua về mà nàng lần đầu tiên mới nhìn thấy. Cha mẹ nàng bảo nhau:
- Cho bọn trẻ một cái tết xôm trò.
Bọn trẻ được ăn ngon từ 29 Tết. Nhưng đã thành lệ sáng 30 tết cả nhà nàng mới gói bánh chưng. Gói xong vào khoảng 12h trưa thì bắc nồi lên luộc. Bánh chín cững là lúc giao thừa, vớt bánh nóng hổi lên cúng ông bà tổ tiên.
Cu Tũn khóc, nàng bế ngửa em rồi lên võng đưa tít để dỗ em. Cu Tũn càng khóc to hơn, mặt mày tím tái. Mẹ nàng không gói bánh nữa, lau tay đón cu Tũn. Vạch vú cho cu Tũn bú mẹ nàng kêu lên: Khổ thằng bé sốt cao quá!
Cha nàng bảo:
- Để tôi đi mời ông y sĩ đến tiêm cho thằng bé một mũi để nó chóng khỏi.
- Ừ sẵn có tiền thì mới dám tiêm chứ không có tiền thì để nhì nhằng rồi thằng bé cũng khỏi.
Nửa tiếng sau cha nàng về với một ông gọi là y sĩ. Một ông mặt trắng nhờ nhờ với đôi mắt vô cảm. Nàng nhớ nhất cái mặt đó, cả đời nàng không thể quên nổi. Ông ấy nhìn cu Tũn một lát rồi lấy trong túi đồ nghề ra một cái bơm tiêm cùng vài ống thuốc. Ông ấy pha pha lắc lắc rồi hút đầy vào bơm tiêm. Nàng đứng bên cạnh ông ta nhìn đăm đăm vào từng cử chỉ của ông ta với cơn đau thắt ruột. Một sự sợ hãi ập đến khiến nàng ngồi thụp xuống chân mẹ đang ngồi bế em trên ghế. Ông y sĩ bảo mẹ nàng:
- Bà giữ chặt lấy thằng bé, đừng để nó giãy. Tôi tiêm đây này.
Nàng hét lên: đừng tiêm em.
Ông y sĩ bảo với cha nàng:
- Đưa cái con bé này ra ngoài.
Cha nàng ôm lấy nàng:
- Đừng sợ con, để ông ấy tiêm cho em, em chóng khỏi rồi con cõng em đi chơi.
Nàng nghe thấy tiếng cu Tũn khóc ré lên ằn ặt, rồi tiếng khóc lịm dần. Khi nàng nghe tiếng ông y sĩ bảo: xong rồi, thì cùng lúc nàng nghe thấy tiếng mẹ gào lên: ối trời ơi con tôi làm sao thế này. Cha nàng bỏ nàng ra chạy đến bên mẹ nàng. Nàng cũng chạy đến bên mẹ thì thấy cu Tũn mặt tím ngắt, mắt nhắm lại người giật lên liên hồi. Nàng quay sang ông y sĩ kéo áo ông ta gào lên:
- Ông ơi cứu em cháu với. Mặt ông y sĩ tái xám, đôi mặt dại lạc. Ông ta cũng lên cơn co giật. Nàng quay sang em. Cu Tũn không co giật nữa mà mềm nhũn. Nàng vồ lấy em, cố dựng nó dậy: em ơi, em mở ra đi, em cười đi.
Chiều 30 Tết trong cái lạnh đìu hiu của vùng núi. Nhìn xa lắm mới có một nếp nhà. Cái làn khói bốc lên mái rạ trắng hơn sương núi. Lần đầu tiên trong đời nàng phát hiện ra điều đó khi nàng bước chầm chậm theo chiếc quan tài bé nhỏ được hai người đàn ông khiêng trên vai. Ba chị em nàng, chị cả mười hai tuổi, nàng lên mười, cu Dũng lên bảy cùng hai người đàn ông tốt bụng trong xóm đưa cu Tũn về lòng đất mẹ. Chị cả với cu Dũng khóc như mưa. Nàng không khóc. Trong đầu nàng hiện lên rất nhiều những câu hát nàng đã hát ru em:
“Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh”
“Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ đêm nằm với ai”
“Cái cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
“Cái cò cái vạc cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào
Vặt lông tất cả cho tao
Tao nấu tao nướng tao xào tao ăn”
Đêm nàng tỉnh giấc. Theo phản xạ nàng quờ tay để tìm em. Thường cu Tũn ngủ với nàng. Không thấy em đâu nàng tỉnh ngủ. Giờ thì nàng khóc, khóc đau đớn. Khóc sự yêu thương bị mất mát đầu tiên. Tim nàng đau thắt. Tiếng khóc nàng chết ngẹn. Cha nàng đến bên nàng dỗ dành:
- Đừng khóc nữa con ơi, để cho linh hồn em con được siêu thoát. Thôi số kiếp nó ngắn ngủi. Nó chỉ sống với chúng ta được ngắn ngủi vậy thôi.
Trong lòng cha nàng thiếp vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nụ cười cu Tũn với hai chiếc răng cửa sáng bừng lên trong đầu óc nàng. Cùng với nụ cười của cu Tũn là câu chữ hiện ra:
Em cười răng mới nho nhe…
Cùng với cái chết của em, đêm ấy giời bắt nàng làm thơ.
Những con chữ nối nhau ra hối hả nên Nấm không còn cảm thấy hai bả vai đau nhức. Khi Nấm đóng máy nhìn lên đồng hồ đã là gần sáu giờ sáng. Nấm vội vàng lên giường cố ngủ một chút để còn đi làm. Nấm nhắm mắt. Đầu óc trống rỗng đến toang tuếch, có cảm giác trong hộp sọ chỉ còn không khí nên không thể ngủ. Nấm cứ nằm trơ ra hai mắt ráo hoảnh. Rồi Nấm thiếp vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Đàn bà xấu thì không có quà
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8