watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bão khô-Kiểm diện - tác giả Y Uyên Y Uyên

Y Uyên

Kiểm diện

Tác giả: Y Uyên

Trước khi ra khỏi nhà Kiểm nói với bà Sâm:
"Bác gắng dỗ dành chắc nó chịu. Lên ở với bác trên đó, nó đỡ buồn và cũng tiện cho chúng cháu dưới này".
Bà Sâm yên lặng gật đầu, lại cầu thang xó nhà đi lên gác. Kiểm cầm manh áo veste vắt trên thành ghế ra khỏi nhà. Những chiếc móc sắt để treo đèn từ hồi trước vẫn còn lủng lẳng trên hiên. Kiểm quơ tay, hất từng chiếc lên không, mặc cho chao chát rồi bước trên những tảng đá xếp thành bậc ở đầu hiên, xuống ngõ. Từ ngoài đầu ngõ, một chiếc xích lô đẩy trên cát đi vào. Nguyệt ngồi trong xe hỏi:
"Anh đi đâu đó?"
Kiểm trỏ lên trên nhà:
"Có bác Sâm trong đó. Tôi lại nhà hiệu trưởng của Dần có chút việc gấp".
Nguyệt nheo mắt nhìn Kiểm rồi cười. Kiểm trề môi, lách qua bên hông xe ra đầu ngõ. Kiểm thấy những thói quen nơi mình thật vô bổ. Cái quơ tay lên những móc sắt ngoài hàng hiên mỗi khi ra khỏi nhà cũng như cái trề môi, nhăn mũi mỗi khi gặp Nguyệt đâu có cần thiết. Thiếu mấy cái đó, đời sống đâu có hẹp thêm, có trống trải thêm. Kiểm hề thực chứ không sai.
Những đường phố dẫn tới nhà hiệu trưởng của Dần đã có điện sáng. Kiểm đi, gắng nghĩ về mình, về Nguyệt, về màu trời nhưng Dần vẫn lảng vảng đâu đó. Lúc nào hiện ra nom cũng hơ hải, buồn bã. Mới lúc sáng, Dần còn đứng lại ở ngã năm cười cong môi xem Kiểm ngồi xổm trên hè đường, xốc cao ống áo veste, khum lòng bàn tay biễu diễn tài bật diêm trên xi măng. "Thôi tốp đi cậu, chịu cậu rồi đó", lời nói vội vã lúc chiếc xe Lam ba bánh trờ tới đó bao giờ không rõ.
Tới nhà hiệu trưởng của Dần, Kiểm thấy đông đủ bọn người đã hơ hải rẽ vào nhà báo tin Dần bị bắt trước khi xuống trình diện Ty. Trông họ đã lấy được thần sắc. Họ ngồi thành hai dãy bên một cái bàn dài dưới một bàn thờ Phật khói nhang nghi ngút. Kiểm được niềm nở mời chào. Vẻ săn sóc của mọi người khiến Kiểm thấy dù muốn dù không, từ giờ này, mình được nhìn như một người đi kèm với một Dần ở xa. Kiểm hỏi:
"Các anh trình Ty là Dần bị bắt hay bị thất lạc? "
Người hiệu trưởng vừa đặt cái đĩa đựng con gà luộc ngậm bông trang lên bàn thờ vừa trả lời:
"Chúng tôi còn hy vọng anh Dần được thả về nay mai, nên chỉ trình là bị thất lạc . Trình là bị bắt, mai mốt được về, lôi thôi lắm."
"Cả tỉnh này ai cũng rõ Dần bị bắt rồi. Bộ giữ được mắt công an, cảnh sát chắc?"
Một người ngồi tựa lưng vào cây cột gỗ hút thuốc nói. Kiểm gật đầu:
"Chỉ có chúng tôi là biết sau cùng".
"Nhưng dù sao, anh Dần được thả về vẫn là điều đáng mong nhất".
"Chắc chắn là được về. Chỉ sớm muộn. Anh Kiểm chắc biết vụ Lê Văn Ngôn trường Uyển Thành?"
"Cha mẹ bọn học sinh cũng vẫn là họ chớ là ai?"
"Ờ, phụ huynh nào mà không quí ông thầy?"
Kiểm yên lặng để nghe tất cả. Tất cả đều muốn nói với Kiểm. Và Kiểm cũng mong sao mình được đôi chút an lòng. Những tiết lộ về Dần bao giờ thành quí báu. Dần nói gì lúc chạy ra cổng trường. Dần khôi hài ra sao khi nghe phát súng nổ đầu tiên. Dân chạy trên con đường?... "Thôi tốp đi cậu, chịu cậu rồi đó". Cái chết và nỗi chia xa đâu chỉ là những đánh đổi lấy những lưu giữ lặt vặt cuối cùng? Kiểm mong gặp lại Dần cho mau để nhăn mũi vào mặt hắn.
Ở nhà người hiệu trưởng về, Kiểm thấy cửa đóng kín. Bà Sâm đã dỗ được Hiền đi. Con bé thật cứng đầu. Nó một mực đòi ở lại đây, hứa sẽ không khóc anh Dần, không làm phiền lòng ai. Kiểm tựa lưng vào cột hiên châm một điếu thuốc rồi nhìn vào cửa thổi khói phù phù. Ngõ chạy sát dưới bờ hiên nom thật sâu. Những chiếc cột gỗ đen bóng thành một hàng chạy dài trên hiên hẹp. Kiểm vứt điếu thuốc, đi dọc trên hiên khua động những cái móc sắt, ngẫm nghĩ một lát rồi lại lững thững xuống dưới ngõ. Đi loanh quanh một hồi, Kiểm thấy mình đứng trước nhà bà Sâm. Kiểm quay trở lại, vào một tiệm ăn thì trời mưa. Kiểm kêu la de uống. Mưa nhỏ nhưng nếu về tới nhà, áo ngoài cũng thấm ướt. Hồi sớm, Dần mặc áo len mà không mang áo mưa. Trời này, phải đi đêm chỉ có nước chết. Trong nỗi choáng váng của những ly la de tự hâm nóng, Dần thấp thoáng ẩn hiện với vẻ mặt lạnh lẽo. Sớm mai, trời mưa thế này, chắc Kiểm không đi dạy. Nhưng không lẽ nằm nhà. Kiểm kéo fermature lên tận cổ, đứng dậy. Một chiếc xích lô nghe kêu ghé sát mái hiên. Kiểm lật đật chui vào trong tấm bạt che phía trước. Chiếc xe rần rần chạy trên đường đã vắng, vào một khu nhà lá có nhiều bóng cây. Kiểm bảo xe đợi, chạy vào nhà một người giáo viên chuyên thổi cơm tháng, mua lương và gá bạc. Cửa trước đóng. Kiểm lần theo cửa sau vào nhà. Có một bàn xì lát và một bàn xì tố đang họp. Có nhiều lời hỏi thăm Dần. Kiểm ngó quanh quất hỏi:
"Chỉnh có đây không quí vị?"
"Vừa về xong".
Một người ngồi coi bên bàn xì tố trả lời. Kiểm lại gần, đưa cho hắn gói thuốc, cười hỏi:
"Hào hoa sao không nhập cuộc?"
"Hết muốn chơi rồi. Dần bị bắt, tội quá".
Giọng hắn nho nhỏ, trầm trầm.
"Về ngủ với mình cho vui?"
"Thôi, để tối mai đi".
"Cầm cả lấy gói thuốc mà hút. Về đây".
Kiểm lật đật quay trở ra, bảo xe chạy về nhà. Tới đầu ngõ, xe kêu khó vào, Kiểm nhảy xuống trả tiền, lùi lũi bước vào. Hiên có ánh đèn từ trong nhà hắt ra. Chỉnh ngồi thành một cái bóng nhỏ bé, ốm o với đốm lửa đỏ đầu điếu thuốc bên những chiếc cột sừng sững. Giọng hắn nhè nhè vừa ướt vừa dính:
"Tưởng anh không về, tôi đã toan đi. Về nhà buồn quá".
Kiểm nhăn mũi, tròn môi bước lên mấy bực đá. Chỉnh cười, hai mắt nhỏ tí như nhắm lại. Kiểm bảo hắn:
"Ở nhà kể chuyện đàn bà cho mà nghe".
Mặt Chỉnh nhăn nhíu cười:
"Đàn bà thứ thiệt cũng thua con xì, con già".
"Ờ thì thua, nhưng cũng ở nhà chứ? Giới nghiêm tới nơi rồi".
"Giới nghiêm gì mà chín giờ đã giới nghiêm, loạn lớn rồi chắc".
Chỉnh ngồi bệt xuống hiên, dựa vào cột nhìn ra ngoài trời, cằn nhằn. Mưa nhỏ giọt đều ngoài mái hiên. Ngõ tối có dãy hiên cao nổi bật sáng đèn. Kiểm ngồi xuống bên Chỉnh và từ chối điếu thuốc hắn mời. Kiểm nói giễu luôn mồm. Chỉnh cười nhè nhè thích thú. Còi giới nghiêm và tiếng kẻng, tiếng mõ báo động giả bắt đầu. Căn nhà sau miếng sân rậm bóng cây bên kia ngõ tắt điện, đóng cửa. Những chiếc xe tuần tiễu chạy mau dội tiếng vang vào một bức tường nào ngoài đầu ngõ.
"Vô nhà không lại rắc rối".
Chỉnh đứng dậy nói. Kiểm vẫn thấy hơi rượu nóng hừng hực trong người, vừa vào vừa hát nghêu ngao. Ngôi nhà có ba gian nhưng nom hẹp.
"Tối mai kêu bọn nó đánh bài cho vui".
"Còn gì hơn nữa".
Chỉnh vừa nói vừa đóng cửa.
"Cậu nhát bỏ mẹ".
Kiểm cởi áo, đi lăng quăng dưới những dây phơi, những sợi dây màn. Chỉnh nhào vào một tấm mùng buông sẵn trên nền nhà nói vọng ra:
"Cả ngày mới được nằm, tấm nệm rách này coi cũng êm ả dễ chịu".
Kiểm ngẫm nghĩ một lát, lại cầu thang lên lầu. Cửa sổ không đóng nom như một khung sáng. Kiểm quờ tay tìm nút bật đèn chân giẫm trên những tờ giấy vung vãi khắp mặt sàn. Gió lùa vào làm Kiểm ôm ngực nôn nao. Bên khung cửa mờ mờ, cái tủ bằng vải nhựa của Dần lửng lơ như một cái hòm treo ngược. Kiểm bật đèn, Ánh néon nhấp nháp trước khi sáng rõ. Giấy đầy sàn gác. Những cuốn vở của bọn học trò Dần xô lệch trên mặt bàn, mở rộng. Kiểm ngồi xuống sàn, lê la lượm giấy, người vẫn nôn nao khó chịu. Tiếng còi đang u u kéo dài bỗng hụt lại nhỏ hẳn. Chỉ còn những tiếng kẻng liên hồi truyền đi trên các chòi gác ngoài ngõ. Tay Kiểm có lúc quờ phải những miếng giấy có nước mưa. Kiểm đứng dậy đặt xấp giấy lên bàn, lấy mấy cuốn sách lớn chặn lại rồi đóng chặt cửa sổ. Tiếng gió như chạy dưới mái tôn thấp phía ngoài. Nhìn tấm hình Dần cười trên vách, Kiểm tắt đèn bước vội xuống cầu thang.
Hai người nói chuyện bậy bạ tới khuya, người nọ sợ người kia ngủ trước mình. Chỉnh nằm sát lại gần mùng của Kiểm, châm thuốc hút liên miên. Hắn như một đứa trẻ sợ bóng tối. Khi hắn đã ngáy, Kiểm thấy mình cũng không hơn gì hắn. Dần hơ hải và buồn bã như một xua đuổi vô ích. Những buổi tối Dần vặn chốt cửa nhẹ nhàng lên cầu thang, những đêm tiếng Dần rì rầm tập bài cho em gái trên lầu, những lần Dần tươi cười tiễn bà má nuôi ra ngõ không còn thành những hình ảnh tuy có thực. Nhưng khuôn mặt lạnh lẽo những chòm khóm mưa mùa đã nát trong đêm như ở trong từng lần chợp mắt. Nửa đêm, Chỉnh đang ngủ bỗng ú ớ kêu thét. Kiểm vùng dậy bật đèn thấy một cẳng hắn thò ra ngoài mùng trắng nhợt. Hắn vỗ bạch bạch vào đùi cho đỡ tê rồi nhổm dậy ngồi chồm hổm trong mùng kêu thấy Dần về đứng dưới cầu thang.

*
Những ngày kế tiếp là những buổi sáng ngồi bên bà Sâm, bên Nguyệt, bên Chỉnh trên những chuyến xe chạy dò dẫm về ngôi trường ngày càng thưa bóng học trò, những buổi chiều theo bà Sâm với Hiền ra ven tỉnh dò hỏi vô vọng, những đêm đánh bài trên hai tấm nệm sát mặt đất tránh những ám ảnh đều như nếp sống hàng ngày. Ngoài thành phố vẫn là mưa mù và cảnh tàn phá, Kiểm gia nhập theo giờ một công chức đi làm buổi sáng. Bà Sâm mặc bao nhiêu lớp áo nom vẫn gầy óm. Những buổi chiều trên những khúc đường dò hỏi tin Dần thần sắc bà chỉ còn ở cặp môi đậm son rét tái. Bà chạy đây, chạy đó nhưng vẫn không thể an lòng với những nguồn tin chỉ trong ít bữa Dần về, vẫn có những lúc ngồi lẻo bẻo tự an ủi mình, bà đã khóc như có sự lầm lẫn khi gắng dàn xếp cho những ngày góa bụa còn lại một liên hệ mẫu tử có nhiều bất trắc. Và Hiền, những lúc về căn gác, đã khóc "anh ơi, anh ơi" như những tiếng kêu thật rõ trong một giấc ngủ. Kiểm nhiều lúc ngụy biện bảo nó: "Nếu anh Dần ở nhà, sang năm anh ấy cũng đi quân dịch. Hiền cứ coi như vừa phải xa anh vì chuyện đó". Kiểm còn nói giễu, còn nhăn mũi pha trò. Và Chỉnh cũng còn lim dim mắt nhè nhè: "Có gì mà buồn, ít bữa anh Dần về". Nhưng Hiền vẫn khóc "anh ơi, anh ơi".
Dần cùng bị bắt với một người lái xe Lam và một người lái heo. Người xe Lam ở quận, nên bà Sâm chỉ liên lạc được với vợ người lái heo. Lúc đầu, nghe nói Dần còn bị giữ trong một làng vừa bị chiếm, bà Sâm muốn nhờ chị ta tiếp tế cho Dần. Sau nhiều lần đi mà không gặp được chồng, một bữa chị nổi giận bảo bà Sam: "Liều bom, liều đạn đi kiếm cũng không thấy mặt, xin xâm thì Ông nói bổn mạng dữ. Thôi bỏ, đành bắt heo nuôi con chớ ngóng hoài có khi đám con mình chết trước". Ít lâu sau, nghe nói người chạy xe Lam đã về, bà Sâm vội vàng cùng Hiền xuống quận hỏi thăm. Người này nói chỉ ở với Dần một đêm rồi trốn. Dần quen đi giầy, tối đến trên đường ruộng té hoài. Khi về quận, ông ta đã khai tốt cho Dần và người lái heo. "Ông thầy Dần hiền ai cũng thương. Không bị giữ lâu đâu".
Chiều nay, Kiểm đang đứng ngoài hiên giỡn với mấy cái móc sắt thì bà Sâm và Hiền đi xe tất tả tới.
"Người lái heo về rồi. Ra ngoài đó hỏi thăm, anh Kiểm!"
Kiểm vào nhà xỏ giầy, khóa cửa, ra ngoài ngõ lên chiếc xe bà Sâm đã gọi sẵn. Nhà người lái heo ở bên một con đường nhỏ, mảnh đất thịt trước cửa trơn ướt những phân và vết chân heo. Gian nhà hẹp, nền đất lổn ngổn. Bà Sâm được mời ngồi trên chiếc đẩu độc nhất, Kiểm ngồi ở mép giường với người lái heo. Mấy người tới hỏi thăm và vợ anh ta đứng dọc theo vách tường. Bà Sâm vừa trông thấy người lái heo đã khóc. Hiền kêu theo "anh ơi, anh ơi". Kiểm bảo:
"Thôi bác và Hiền đừng khóc nữa, để nghe chuyện chớ!"
Người lái heo dáng to lớn vận quần dài, áo bà ba đen vắn cao. Mình mẩy anh tím nhiều vết xước. Anh nói là người tản cư, sợ bị giữ luôn nên phải liều mà trốn. Ông thầy Dần thì cũng như lời người lái xe Lam, sớm muộn cũng được về, tội gì mà phải mạo hiểm. Suốt hôm đầu bị bắt, bị dẫn đi nơi này, chốn nọ, Dần không nói một lời, không sợ, không buồn. Không đi kịp mấy người cùng bị bắt thì chạy. Vấp tứ thì nhỏm dậy, gạt bùn trên quần áo mà đi.
"Nếu ổng đã dạy lâu năm ở trường đó, chắc đã được mấy người học trò du kích thả về như mấy ông thầy khác".
Người lái heo lập đi lập lại, Dần và người lái heo cùng một số nữa được đưa lên một làng ở gần chân núi. Người nào có tiền thì nhờ dân mua gạo mua mắm, người không có, được nẫu cho mượn, khi được về, cứ tính mỗi ngày bảy đồng mà gửi trả.
"Dần nó được về, trả một trăm một ngày tôi cũng trả".
Bà Sâm nói. Người lái heo cười:
"Thầy Dần còn mấy trăm… ba trăm hai chục đồng thì phải. Lúc đi đường, tôi với ổng hùn nhau mua của đồng bào được mười ký gạo với một chai mắm. Lên trển, ghiền thuốc mà ông không dám mua. Có bữa tôi mua được gói Ruby, phát cho chắp cùng. Còn ổng chỉ hút thứ thuốc rê, đồng mười điếu".
"Nó có nhớ nhà lắm không?"
"Trong tờ khai mỗi buổi tối đều có thấy ổng khai tên má nuôi và em gái ở hàng đầu. Bác khỏi có lo, ổng vô tội, chỉ phải học tập ở cấp xã, mười tới mười lăm ngày là nhiều.
"Mười hai ngày rồi".
"Đó là thời gian bị bắt. Thời gian học tập khác. Phải chờ có đủ người để học một lớp".
Bà Sâm buồn so:
"Biết bao giờ thì đủ?"
"Thiếu gì người cầu trời khấn Phật cho mau có thêm người bị bắt để sớm được về. Thầy Dần không có vẻ nôn nóng nhưng có lần hứa cho tôi cái xe đạp mới nếu đem được ổng trốn theo. Chân ổng như vậy làm sao chạy? Tôi trốn một mình mà còn bốn ngày mới về tới đây. Ngày chui và bụi cỏ mà ngủ, tối đi, quen đường mà có khi còn lộn trở lại".
"Trên đó chắc lạnh lẽo lắm?"
"Lạnh sao không lạnh? Đêm đến, thầy Dần phải đắp nhờ mền một ông già. Ai mà đầy đủ ở đó. Mỗi người thương nhau một chút mới êm".
Câu chuyện mang Dần linh hoạt lại gần sau những ngày yên lặng xa xôi. Bà Sâm và Hiền như không muốn rời người lái heo đầy những vết xước. Dần còn sống là qua người này. Bỏ về, là xa dần những lời đoan kết nóng hổi, nhích gần lại vẻ bất động buồn bã của hình người gạt bùn trên quần áo, giữa một cánh đồng vũng nước về đêm.
"Thể nào thầy Dần cũng được về trước tết".
Người lái heo lập lại lúc tiễn khách ra cửa. Kiểm nhìn bầu trời xám ướt, hối hả gọi xe để tránh cơn mưa sắp tới. Nếu Dần chưa về kịp, những lời của người lái heo chiều nay nuôi dưỡng được bà Sâm, được Hiền bao nhiêu ngày tháng?

*
Kiểm đập mạnh vào lưng Nguyệt:
"Nham nhở vừa thôi chứ. Hiền nó còn trẻ con, tội nó".
Nguyệt bĩu môi:
"Nói nó trẻ con nhưng nhìn trộm nó mấy lần rồi?"
Mặt Nguyệt trở nên nghiêm, nom bóng những đường xương.
"Nghĩ thật tội cho nó. Vừa mới biết yêu thì yêu phải cái thằng lè nhè, lèm nhèm. Mà cũng tội cho thằng Chỉnh, ấp ủ mãi mới có dịp lại nhằm đúng dịp bạn mình bị bắt mới dám ngỏ tình. Chắc nó bị cắn rứt, hoảng sợ lắm".
Kiểm cau mặt khó chịu:
"Bọn nó cóc là nhân vật tiểu thuyết như cô, phân tích phân tiếc mãi mệt quá. Dần nó biết dạy em. Còn Hiền cũng biết thương anh nữa".
Nguyệt gật gật theo thói quen rồi đột ngột:
"Rồi, tôi chịu điều đó có thực. Nhưng chuyện thằng Chỉnh kè kè bên con bé tối ngày cũng thực chứ sao?"
Kiểm yếu ớt:
"Chúng nó mới chỉ tạo nên trường hợp đáng nghi".
Rồi cười nhìn Nguyệt chằm chằm:
"Còn riêng cô, cô muốn tưởng thế nào cho hả thì tưởng".
"Đồ đểu!"
Nguyệt đẩy mạh vào vai Kiểm, xô Kiểm ngả ra phía sau. Kiểm cười hề hề: "Sức mấy mà đàn áp đàn ông". Nguyệt thu mình vào lòng ghế tủm tỉm cười, nom nhỏ và mỏng manh đến độ Kiểm nghĩ có thể bưng cả ghế lẫn người chạy về nhà cũng không mệt.
Kiểm đứng dậy cầm áo mưa giọng úp mở:
"Giỡn mãi, mệt rồi. Về để bảo tồn tiềm lực".
Nguyệt đưa Kiểm ra cửa thở dài:
"Tội cho Dần. Theo nguyên tắc, tới tuổi phải kiếm một ông chồng, mình đã nghĩ tới nó".
Ra khỏi nhà Nguyệt, đi bên những người vận áo mưa, Kiểm tự nhiên thấy nhớ Dần. Vào mùa lụt, nước chảy trong ngõ như thác, hai người vận quần đùi áo may ô choàng áo mưa phùng phình bơi ra lộ đi ghe lên nhà bà Sâm xin thức ăn. Buổi tối Dần phải bỏ kính ở nhà, cầm đèn bấm bì bõm trên những con đường nước, vào những vườn chỉ trông thấy ngọn cây, soi bắt chim bị bão đánh bạt xuống các hàng rào. Hiển và Chỉnh nhút nhát ở nhà, bật đèn sáng, ngồi dựa cột hiên, buông chân xuống dòng nước chờ cửa. Dần bắt đầu đi dạy thêm từ hồi đó. Mỗi tháng Dần gửi tiền bà Sâm một lần, nói khi nào đi quân dịch, nhờ bà đùm bọc con Hiền. Dần bị bắt, tâm trạng sửa soạn một lần tiễn đưa của bà Sam bị bãi bỏ. Gạt nước mắt giờ mang hình ảnh của người ở bên kia.
Về tới ngõ, Kiểm thấy Chỉnh đang đưa Hiền xuống mấy bực đá đầu hiên, tay hắn vẫn cầm cuốn L’Anglais sans peine như mỗi khi không ngồi đánh bài. Kiểm hết muốn nói giễu với hắn. Nhưng cũng không giận hắn, dù có tin theo những lờ vu vơ của Nguyệt. Từ lâu, Chỉnh không có bình đẳng bạn bè. Với cả Nguyệt, sau những lần lúng túng, hắn tìm được tiếng "em" để chui vào đó an toàn mỗi lúc tự xưng.
"Hiền ở lại đi ăn cơm chiều nay với mấy anh đi?"
Chỉnh vừa chớp mắt vừa nói. Giọng hắn lần đầu tiên nghe thoải mái. Dường như hắn vừa tìm thấy mình là người lớn. Kiểm phụ họa:
"Anh Chỉnh nói phải đó. Vào nhà chơi, chốc nữa đi ăn".
Kiểm ra dấu cho Hiền quay trở lên.
"Anh đi đâu về đó?" Hiền hỏi.
"Lại nhà cô Nguyệt".
Chỉnh và Hiền cùng bật cười. Kiểm nhìn trời, vui vô cớ. Dang rộng hai tay như muốn quơ lùi hai người vào nhà, Kiểm bật cười theo:
"Vào nhà mau rồi nghe kể chuyện cô Nguyệt suýt nữa làm vợ anh Dần".

*
Chỉnh đã nghỉ, ra sau nhà đánh răng xoẹt xoẹt. Kiểm và "Hào Hoa" vẫn còn ngồi rút bài với hai người khác nằm ngả trên nệm.
Những giờ về sáng, trời lạnh buốt. Lúc mở cửa ra ngoài đi tiểu, nỗi tỉnh táo tạm bợ có cùng lúc với cái đột ngột rùng mình. Chỉnh thay quần áo, nói đi trước kiếm mua ít viên thuốc ngừa cảm. Kiểm chạy hẳn tới nhà bà Sâm đón Hiền đi học rủ đi ăn. Đã nhiều đêm thức trọn, "Hào Hoa" vẫn có vẻ tỉnh. Chỉ có cặp môi nhỏ đỏ tươi khô đi đôi chút và cằm thì lởm chởm những râu trên khuôn mặt mới lớn. Hắn ngồi thẳng lưng, hai chân mang vớ màu nhã gác lên nhau, trước lòng đầy giấy bạc, hai tay cầm hai cây bài ép vào nhau đưa thẳng lên không, ngửa cổ mà nặn. Kiểm châm một điếu thuốc để trước mặt hắn:
"Tên này vừa mua suốt vừa kiếm đồng hoa, năm tờ rẻ mà".
"Bể rồi".
"Hào Hoa" nói giọng khô, vứt cây cẩu cơ xuống mấy cây bài trước mặt, Xứng vẫn nằm, hơi nhoài người lên vơ tiền. Cẩn đang nằm mơ màng, mở bừng mắt nhìn như cưỡng lại giấc ngủ rồi lại từ từ nhắm mắt thiu thiu. Hắn đã hết tiền, đã vay Kiểm như mọi đêm khác. Trong những người đánh bài ở đây, Cẩn chưa bao giờ đứng dậy ra về mà không phải xin tiền đi xe. Nhưng không bao giờ hắn vắng mặt, không lần nào nghỉ trước mọi người. Ngày hắn khám lại sức khỏe đã gần kề.
"Nghỉ thôi, còn đi dạy".
Kiểm nói. Cẩn giơ tay coi đồng hồ:
"Gần tới giờ rồi, đi sao kịp?"
"Lộn xộn thế này, dạy được lúc nào hay lúc ấy cần gì đúng giờ".
Xứng nhỏm dậy:
"Tình hình nguy hiểm bỏ mẹ, muốn theo thằng Dần sao mà đi?"
Kiểm đứng lên lắc đầu:
"Ngày nào cũng ở nhà được sao. Đi đại cho có mặt, không hiệu trưởng nó kêu".
Xứng lăn xuống nằm bảo "Hào Hoa":
"Ở lại đây ngủ cho nó khỏe, trời rét mướt về làm gì".
Cẩn với chiếc pardessus sau lưng đứng dậy mặc, xin "Hào Hoa" mấy chục, cầm dù mở cửa ra về. Kiểm từ nhà sau vào sờ tấm áo veste trên mắc thấy ẩm ướt, lấy áo mưa khoác, nói:
"Lúc nào về, nhớ đóng cửa".
Ra tới hiên, Kiểm mới thấy lạnh. Dần không ở nhà không còn những buổi dậy sớm đốt réchaud đun nước pha cà phê. Thời gian chậm và uể oải trên đường sát những bức tường khuất gió, chân như bước trên không. Thấy một người bạn làm trong tỉnh đi bên kia đường, Kiểm chạy sang.
"Không đi dạy sao giờ còn thất thểu ở đây?"
"Cho mượn manh áo. Trong tỉnh chắc không lạnh bằng ngoài ruộng".
"Nom như mất hồn; đêm qua lại thức đánh bài?"
Người bạn vừa hỏi vừa cởi áo đưa cho Kiểm. Kiểm mặc áo, đập vào vai người bạn, qua một bãi đất trống bên chợ vào một quán ăn. Quán xây như một kiosque , bốn phía vách gỗ đóng lưng chừng. Kiểm kêu cà phê sữa và bánh cuốn. Gió lùa sau hai vai áo ấm thổi bay những sợi ruốc trên đĩa bánh. Lớp da hở giữa gấu quần và vớ bị mơn man vừa nhợt vừa lạnh. Bầu trời buổi sáng tĩnh nhưng ướt. Những cửa tiệm cửa mở nửa chừng trên những bờ hè sạch trơn. "Thôi tốp đi cậu, xin cậu rồi đó". Kiểm đứng bên một tàng cây thấp xơ xác nhưng nom gần bầu trời. Một chiếc xe Lam trờ tới. Kiểm nhảy lên. Xe chật những người buôn bán trên những quãng đường ngắn, Kiểm choàng thêm áo mưa vẫn thấy lạnh. Dựa lưng vào thành xe, Kiểm gục đầu muốn ngủ.
Khỏi tỉnh được hai cây số, Kiểm thấy đám người dạy cùng trường ngồi la liệt trên một bờ ruộng. Kiểm kêu lớn cho xe ngừng. Nhảy xuống xe, tiếng kêu đó nghe vẫn rõ. Nhìn chiếc xe chạy, đám người ở phía bờ ruộng và nghe tiếng mình kêu. Kiểm đột ngột hoảng sợ. Những đêm thức trắng và nỗi rã rời cơ thể khiếm Kiểm mất bình tĩnh. Những bụi tre ở một chòm nhà giữa đồng thêm đỏ đòng đọc, ngọn xơ xác vật yếu quá lắm rồi. Sao Kiểm lại ở đây? Sao lại đứng giữa cánh đồng với cái chết âm thầm chờ trước mặt? Sao không chạy trở lại?
Có tiếng cười nói ồn ào vọng lại. Nguyệt đứng hướng về phía Kiểm cất tiếng gọi. Lúc này, hơn bao giờ, Kiểm muốn nói yêu Nguyệt. Nói chân thành và khổ sở như một gã lãng mạn cầu xin tình yêu. Dần đã đi rồi, Nguyệt có khác chi những lời giễu bỡn cợt của Kiểm. Những lời đó chỉ làm quên khoảnh khắc như không là những vuốt ve. Nguyệt đâu phải là người dịu dàng mỗi người đàn ông đều có lúc tìm kiếm. Với bạn bè, Nguyệt sỗ sàng, tục tĩu như một hối hả khua rộn đời sống mới lớn một mình nhỏ bé buồn tênh. Với những đứa học trò nhỏ xíu lọ lem, Nguyệt là một bà cô nghèo lại ưa làm dáng. Một chiếc guốc cao gót gãy giữa đường, bà cô cũng nghỉ ở nhà mấy bữa không dám đến lớp sợ mắc cỡ với học trò.
"Lại đây mà nghe mẹ quở, anh Kiểm".
Nguyệt gọi Kiểm lại ngồi xuống bên bà Sâm co ro:
"Sao chưa đi?"
"Lính chưa lên, đại diện xã chưa lên, làm sao đi?"
Chỉnh ngồi gật gù, đầu gục xuống hai cánh tay ôm gối. Bà Sâm đưa cho Kiểm gói thuốc hút, Kiểm nhón lấy một điếu, quay lưng về hướng gió bật diêm châm rồi đưa lại cho bà.
"Không hút một điếu cho ấm?"
Bà hỏi. Kiểm lắc đầu, đưa mắt nhìn mấy người có xe đạp, xe gắn máy, dựa lưng vào xe đứng chơ vơ ngóng về phía trường.
"Tình thế này còn thức đêm thức hôm đánh bài, lỡ có chuyện gì lấy sức đâu mà chạy?"
Bà nói với Kiểm. Nguyệt cười khúc khích nhìn người hiệu trưởng phờ phạc đăm chiêu, nháy Kiểm. Kiểm trải rộng chiếc áo mưa trên cỏ, nằm xuống nhắm mắt lim dim.
"Nếu nẫu ở trong chòm nhà kia, tôi vẫn chạy. Hồi còn ở trường Ngọc Hồ, súng nổ cách chỗ tôi bốn năm cái mả chớ mấy. Cứ chạy liều là thoát".
Giọng một người đồng nghiệp có xe đạp nói. Họ đang nói đến những cách tẩu thoát nếu gặp biến. Bà Sâm mọi bữa nói luôn mồm, giờ chốc chốc mới cất tiếng gắt Nguyệt trêu chọc "dai như giẻ rách".
"Ờ, cái cậu bé này chưa ngủ đã mơ "Hiền, Hiền" rối rít".
Nguyệt cười lớn. Kiểm mở mắt, thấy Chỉnh bị Nguyệt xô ngã, lồm cồm ngồi dậy, mặt nhăn nhó cầu nhầu. Hắn đưa tay ra sau nhét lớp áo xổ vào quần, đứng dậy xin bà Sâm một điếu thuốc rồi tiến về phía chòm nhà.
"Đi đâu đó?"
Bà Sâm hỏi. Giọng Chỉnh rầu rầu sau một cái ngáp:
"Vô trỏng kiếm chỗ ngủ chớ. Chừng nào đi bác kêu con nghe bác".
Tiếng Nguyệt nói với bà Sâm:
"Tôi như nó, tôi ở đại trại lính cho xong. Cứ nay trình diện, mốt được về hoài hoài, mệt tổ nội. Con trai gì mà nhát như thỏ. Sáng sáng ra đây mà ngồi dễ không ớn xương sống chắc?"
Có tiếng xôn xao "lính lên, lính lên". "Cả xe thông tin nữa". "Chắc lại có biểu tình ở trển". Kiểm ngồi dậy nhìn ra đường.
"Biểu tình trên đó rồi. Về đi?"
Kiểm nói. Người hiệu trưởng cười, lắc đầu, ra dấu gọi mấy đứa học trò đi xe đạp ngồi ngoài vệ đường.
"Cho phép bay lên trển coi. Đứng xa mà ngó thôi nghe. Coi rồi, đạp xe về đây báo tin cho mấy thầy".
Mấy đứa nhỏ "dạ" lớn, nhảy lên xe đạp như đua lên mạn trên. Nguyệt nói trống không:
"Còn chờ gì nữa mà chưa cho về?"
"Hễ có biểu tình là về, đóng quách cửa trường cho xong. Tuần lễ có biết bao nhiêu vụ, quan trọng hóa chi cho mất công".
"Người hiệu trưởng cứ bắt tụi tôi theo anh, lỡ chết bỏ mạng, ai chịu trách nhiệm đây? Hay là lại một bức điện tín hai chục bạc của Ty gởi về cho cha mẹ?"
Kiểm nhìn Nguyệt thấy rõ vẻ gây gổ. Ở phía cánh đồng này, Nguyệt vẫn còn muốn vớt vát, muốn tìm một người để quy tội sao? Kẻ thù dễ gì nom rõ mặt mũi như những xác chết phơi bày thường nhật. Lời nguyền rủa đâu có hướng rõ đích như lời trối trăng. Nơi kẻ sát nhân núp mặt chẳng lẽ ở trong từng mảnh guốc cao gót bỏ chơ chỏng giữa đường?
Mặt trời chói dần trong màu mây mù mù. Những giọt sương trên lá có nổi dần sắc tròn óng ánh. Kiểm vọng vào chòm nhà lớn tiếng gọi Chỉnh. Mấy đứa học trò về ồn ào khoe truyện. Một số bị tình nghi xách động đã bị bắt. Mấy đứa học trò ở trong đoàn bị bợp tai. Những khẩu hiệu trên đó đã được thay tức thì bằng khẩu hiệu dưới này. Đoàn người đã quay trở lên với những người bị đả đảo và những đòi hỏi nguyện vọng mới.
"Sửa soạn đi là vừa. Yên rồi bà con".
Người hiệu trưởng nói. Mấy người có xe ngập ngừng nhìn lên phía trên. Nguyệt nói:
"Yêu cầu ông hiệu trưởng đi trước mở đường. Chúng tôi theo liền tức thì".
Người hiệu trưởng cười lặng lẽ quay xe, đạp thong thả lên phía trường, chốc chốc lại ngó trở lại. Vài người ngần ngừ rồi đạp xe theo sau. Bọn người ở lại đứng cả dậy trước một thửa ruộng ngập nước.
"Chờ họ lên xem sao đã".
Một người nói. Bà Sâm buộc lại khăn, giọng buồn.
"Hai mươi sáu ngày rồi. Chẳng còn mấy ngày nữa thì tết".
Chỉnh lấy trong túi một tấm vé máy bay đưa cho Nguyệt coi:
"Cứ tình trạng này, biết có được hưởng cái vé này hay không?"
Nguyệt bỗng cất một tiếng kêu nhỏ. Một con rắn từ bờ ruộng phóng ra trên mặt nước. Bọn con trai mỗi người chạy lượm một vốc đá bao quanh ruộng vừa ném vừa la cười.
"Ngày rằm cấm sát sinh".
Bà Sâm nói. Bọn con trai vẫn ném vẫn la. Con rắn lặn mình chạy trốn, chốc chốc lại nhô đầu đột ngột trên mặt nước sáng chói. Một cục đá giáng trúng đầu, bụng nó phơi lên trắng xanh uốn qua uốn lại. Những cục đã liên tiếp táp xuống. Con rắn chìm mất tăm, máu long trên nước. Kiểm mở bàn tay xương xẩu se khô quơ quơ trong nắng nói lớn.
"Bạn này đã chọi trúng con rắn, cho tôi bắt tay?"

*
Kiểm lắc mạnh đầu, chống tay nhỏm dậy. Chắc Kiểm không mơ nhưng cũng không nhớ rõ những điều "Hào Hoa" nói. Có tiếng chị bán hàng đậu hũ rao ngoài ngõ như những buổi chiều khác. Chiều rồi thật. Dường như không có bữa ăn nào. Bữa trưa và Kiểm như vậy cũng không có. Kiểm đã mê man ngay từ lúc đi dạy về. Chỉnh đâu? Chỉ có "Hào Hoa" đứng ở ngoài nhìn qua mùng hỏi vào thì phải:
"Kiểm ngủ đó hả?"
Lúc đó Kiểm như muốn giữ hắn lại với mình mà mắt nặng đầu váng không nói được. Chắc hắn vừa ra khỏi nhà vì Kiểm mơ màng thấy hắn luẩn quẩn mãi trong mùng. Kiểm ra mở bung cửa, mắt nhắm mắt mở, tựa vào cột hiên đột ngột gọi hắn lại:
"Trang, Trang ơi".
Tiếng gọi như cố sức, ê ẩm cả miệng. Nắng đã ra đầu ngõ và rút trên những mái nhà, vách tường, sao vẫn nom chói mắt. Kiểm chớp chớp, cúi xuống cài lại nút áo, dời cái cột, khua động một cái móc sắt, bước vào nhà nằm lăn trên nệm. Kiểm lại thiếp dần với cảm giác da thịt khô quắt lại dần bốc nóng, với hồi ức chập chờn hồi Dần còn ở nhà, Kiểm nóng nổi ban khắp mình mẩy nhiều lúc chỉ muốn la hét lảm nhảm, ban đêm nhỏm dậy bật đèn ngồi chồm hổm tự canh chừng mình. Trong cơn nóng sốt chập chờn, dường như Chỉnh trở về hay Trang quay lại lẩm bẩm nói gì rồi lại đi, dường như có một đứa học trò cũ của Dần chụp mũ tới tai đứng ở cửa sổ hỏi vào: "Thầy em có còn ở đây không? Thầy em có còn ở đây không?".
Lúc không thể tỉnh dậy, thấy Hiền đặt ghế ngồi ở cửa mùng từ hồi nào.
"Anh sốt hồi nào mà mê sảng dữ quá?"
Kiểm cười thành tiếng gắng tạo vẻ bình thường.
"Có nghe anh kêu tên chị Nguyệt không?"
Khuôn mặt và mớ tóc Hiền rung rung ngoài mùng quả quyết:
"Có, anh".
Kiểm nằm nghiêng nhìn ra cười dài nhẹ nhõm. Những điều bắt gặp trong giấc ngủ, những khoảnh khắc nửa mê nửa tỉnh mở mắt nhìn căn nhà vắng vẻ hoặc gặp một hai bóng người vào ra, không lúc nào dễ chịu bằng lúc này. Kiểm muốn vuốt tóc Hiền như trước vẫn vuốt trước mặt Dần mỗi khi muốn làm Dần dịu một cơn giận dễ sinh những bứt rứt liền sau. Nhưng Chỉnh đã khiến Hiền thành người lớn. Hắn đã không chịu Hiền nhỏ bé với tình anh cúi xuống đứa em. Bằng cái liều của nỗi khổ chẳng thể kéo dài, hắn bắt những tình cảm nhỏ nhắn ẩn trong những mặc nhận nổi tròn, nở lớn cho vừa vòng tay. Lầu đầu biết rõ chuyện Chỉnh, sao Kiểm còn phụ họa rủ Hiền đi ăn? Vì hôm đó lần đầu Hiền cười sau ngày Dần bị bắt? Nỗi vui của những người còn lại chỉ có được ở bữa cơm hôm đó, những ly rượu tự hâm nóng và những buổi chụm nhau lại nặn bài.
Chiều hôm qua, Chỉnh có chuyện với bà Sâm, mãi khuya mới ngủ, sáng nay lại bỏ đi thật sớm. Kiểm không đợi tuy biết chuyện đó sớm muộn cũng đến. Cũng như Kiểm sau những lúc đánh bài để quên, bà Sâm sau những ngày bồn chồn trông tin Dần, bây giờ đã nghĩ tới việc của Hiền. Nguyệt đến thăm, nói bà Sâm thật khéo léo trong việc bảo Chỉnh chấm dứt những lôi thôi với Hiền. Nguyệt bảo tội cả hai người. Trong thời gian chờ đợi vô lính, hắn sống phập phồng vì những buổi đến trường không hẹn trở về. Nhìn đâu hắn cũng hoảng hốt. Hắn cố nghĩ ra những việc phụ giúp hắn khuây khỏa. Học L’Anglais sans peine , đánh bài kiếm tiền gíp dần gửi về cho mẹ chuộc lại ngôi nhà, và sáng sáng đón Hiền đi điểm tâm. Hắn như mê Hiền từ lâu nhưng sợ tội nên không dám nói. Mãi tới lúc Dần bị bắt, nửa vì mỗi lúc thấy thêm bị đe dọa, nửa không chịu nổi những tiếng "anh ơi, anh ơi" của Hiền, hắn thử liều một chuyến coi sao. Bây giờ, hắn bị bà Sâm ngăn cản. Hắn nhát nên ngoan ngoãn nghe theo. Lần này không những nỗi sợ hãi còn nguyên, hắn còn thêm nỗi nhớ thói quen được bên Hiền từ trước tới giờ. Hắn nói khóa tới dù có được trả về, hắn cũng xin ở lại cho xong. Còn bà Sâm vừa nói với hắn vừa khóc. Bà bảo anh em Dần đâu có do bà sinh ra… Kiểm nhớ lúc thuật chuyện, Nguyệt nói thật gọn gàng, thật tự nhiên. Lúc đó hai người ngồi gần nhau đến độ Kiểm đã nghĩ giá có tình ý gì, từng vân đỏ tía hiện trên má Nguyệt, Kiểm cũng nom rõ. Nhưng không có được chuyện đó. Đã bao nhiêu lần Kiểm muốn được săn sóc nhưng vẫn không lại gần được người con gái táo tợn nhưng lại hay mắc cỡ dưới mắt bọn học trò. Sự cợt nhả đã làm chai dạn Nguyệt và làm Kiểm trần trụi. Những suồng sã với chính mình rút lại là một nhọc công tìm kiếm hoài một hạnh phúc đứng đắn. Cái quơ tay khua động những chiếc móc sắt trên hàng hiên thực chẳng cần thiết gì.
Có tiếng guốc gỗ ở ngoài những bực đá. Kiểm mở cửa thấy bà Sâm xách một giỏ cam còn tươi. Kiểm cười:
"Cháu khỏe rồi".
"Khoẻ như có dám chê cam không chứ?"
Kiểm đỡ giỏ cam đặt lên bàn, lắc đầu:
"Chê sợ lần sau bác lại mua nhiều hơn".
Bà Sâm ngồi xuống ghế lấy thuốc hút. Buổi sáng trời nắng, khuôn mặt dài, hai má xị xuống của bà trắng bệt phấn. Đường lông mày kẻ run tay và màu môi hồng sậm hợp với lớp phấn dầy khiến bà nom ngô nghê. Chỉ còn đôi con mắt là của bà. Mặt bà đã hoàn toàn ẩn sau một cái mặt nạ lơ láo không tuổi. Kiểm thấy thương cái mặt nạ đó cùng với nỗi lâng lâng không phiền, không muộn, sơ khai. Bà Sâm nói Dần kể từ đó coi như biệt vô âm tín. Chiều qua, đến nhà người lái heo hỏi thăm nghe lại những lời tả về Dần, lúc về nhà bà ghé vô miễu Ông bắt chước vợ người lái heo xin quẻ. Quẻ dạy bổn mạng Dần tốt. Mùa xuân hoa nở chim hót con về.
"Tết này anh có về không?"
Bà hỏi. Kiểm nói: "Chắc không". Không hiểu bà có liên tưởng tới giao thừa năm ngoái, anh em Dần, Kiểm và bà thứcc suốt đêm giao thừa, quanh quẩn bên chiếc bàn thờ đặt ngoài hiên, đứng trên này vọng xuống nói cười với những người dưới ngõ và nhà bên kia. Chắc bà muốn bảo Kiểm ở lại. Kiểm còn chỗ nào để đi tới như đi tới một hạnh phúc đứng đắn, bình thường nào khác?
Ngồi nói chuyện một lát, bà Sâm đứng dậy:
"Tôi phải tới chùa xin lại một quẻ coi sao?"
Kiểm bảo bà:
"Cho cháu đi với. Ở nhà mãi tù cẳng hết chịu nổi".
Vừa nói Kiểm vừa lấy quần áo ra sau thay. Một lát sau, hai người bước ra ngoài hiên. Kiểm hốc hác khua động những chiếc móc sắt bên bà Sâm mặt trắng không tuổi.
Bão khô
Chiều trong làng
Bên ngoài khán đài
Ngày về của bọn họ
Ngày về của bọn họ (tt)
Bão khô
Cái cối xay dưới đồng bằng
Kiểm diện
Mùa xuân qua đèo
Mùa xuân qua đèo (tt)