watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đẹp và buồn-Chương 3 - tác giả Yasunari Kawabata Yasunari Kawabata

Yasunari Kawabata

Chương 3

Tác giả: Yasunari Kawabata

Otoko tính dẫn Keiko lên ngôi chùa trên núi Kuramar để dự hội trăng. Hội tổ chức vào tháng năm dương lịch, đúng hôm rằm. Đêm mười bốn, trời trong vắt và trăng mọc sớm trên trên mấy ngọn đồi phía đông. Otoko ngồi ngoài hiên ngắm trăng, nói vọng vào trong nhà:
«Keiko ơi, mai chắc trăng đẹp lắm.»
Nàng nghĩ khách trẩy hội được uống nước múc từ bát rượu sa-kê và ngắm hình ông trăng phản chiếu trong bát, nên chi một đêm mây phủ sẽ làm hội không còn như ý. Keiko theo ra hiên, đặt nhẹ tay lên lưng cô giáo.
Otoko nói:
«Trăng tháng năm.»
Keiko nói:
«Cô có muốn lấy xe đi chơi mấy khu đồi phía đông với em không? Hay là ta đi Otsu ngắm trăng trong hồ Biwa?»
«Trăng trong hồ Biwa thì có gì mà ngắm.»
«Cô không nghĩ như vậy còn hơn trăng trong bát rượu sao?»
Keiko vừa cãi vừa ngồi xuống bên cô giáo. Keiko lại nói:
«Nhưng mà màu sắc trong vườn đêm nay đẹp quá.»
«Vậy sao?»
Otoko nhìn ra vườn. Nàng bảo Keiko:
«Em mang gối ra ta ngồi nhé. Mà tắt đèn trong ấy đi.»
Tầm nhìn từ hàng hiên bị chánh điện choáng mất, hai thầy trò chỉ thấy được khoảng vườn phía sau. Vườn hình bầu dục và không mỹ thuật cho lắm, nhưng tối nay gần nửa vườn dãi trăng và những bậc đá ngoài sáng hay khuất trong tối cũng đổi màu rất đẹp. Một bụi đỗ quyên, hoa trắng như nổi trên vũng đêm. Cây phong tía gần thềm dù bóng tối làm cho xẫm màu, vẫn còn phô được lá non. Loại phong này mùa xuân nẩy lộc đỏ tươi, nhiều người lầm không biết là loài hoa gì. Vườn trồng nhiều rêu tóc tiên. Keiko hỏi:
«Cô có muốn em pha trà mới người ta vừa biếu không?
Otoko mê mải nhìn cảnh quen thuộc như chưa thấy bao giờ. Nàng cúi đầu trầm tư ngắm mảnh vườn dãi trăng. Keiko bưng trà ra. Cô gái kể đã đọc ở đâu rằng người đàn bà trẻ đẹp ngồi làm người mẫu cho điêu khắc gia Rodin trong tượng Nụ hôn vẫn còn sống. Bà ta bây giờ già lắm, tuổi đã tám mươi.
«Thật là khó tin, cô nhỉ.»
«Khó tin là tại em còn trẻ. Bộ em muốn người mẫu cho các tác phẩm bất tử đều phải chết trẻ hết để khỏi già đi hay sao? Cô nghĩ em cứ đi truy lùng họ như vậy là ác lắm.»
Otoko bực mình vì nhớ đến bản thân mình là người mẫu cho cuốn truyện của Oki. May mà nàng mới ba mươi chín và vẫn còn đẹp.
Keiko bình thản nói tiếp:
«Em nói chuyện người mẫu già đi chỉ vì em muốn được cô vẽ chân dung em một lần khi em còn trẻ.»
«Nếu vẽ được, cô sẽ vẽ cho em. Nhưng sao em không tự vẽ lấy?»
«Em vẽ lấy ấy ư? Thứ nhất là em sẽ không vẽ cho giống được. Và dù có vẽ được, mọi thứ xấu xí trong em sẽ hiện ra, làm em sẽ ghét cái bản mặt em. Vả lại ai biết em tự vẽ mình có thể nghĩ là em tự đắc, tự cho mình là có nhan sắc mỹ miều. Trừ khi em vẽ trừu tượng thì không ai nhận ra em vẽ gì cả.»
«Em muốn tranh giống hệt như em ở ngoài đời ấy ư?»
«Em muốn chính cô vẽ em.»
Otoko nhắc lại câu trả lời lúc nãy:
«Nếu vẽ được, cô vẽ cho em liền.»
Keiko ráo riết:
«Cô không thương em nữa, hay là cô ngại em? Đàn ông sẽ sung sướng mà vẽ em, nhất là vẽ khỏa thân.»
Otoko vẫn trầm tĩnh:
«Nếu em muốn như vậy, cô sẽ thử.»
«Cô mà vẽ thì em mừng lắm.»
«Nhưng nếu em muốn cô vẽ em khỏa thân thì không được đâu. Đàn bà vẽ khỏa thân đàn bà thường khó coi. Ít nhất là với kiểu vẽ truyền thống của cô.»
Keiko úp mở:
«Nếu vậy em sẽ tự vẽ, và em sẽ vẽ luôn cô vào trong tranh.»
Otoko vặn lại:
«Em vẽ tranh kiểu gì vậy?»
Keiko cười bí mật:
«Cô đừng lo. Tranh em trừu tượng. Ai có thấy cũng không hiểu gì đâu.»
«Cô không lo điều ấy,» Otoko nhắp chút trà nóng, khẽ nói.
Trà mới pha là trà đầu mùa, quà biếu của một đồn điền vùng Uji nơi nàng đã đến vẽ nhiều lần. Otoko không vẽ mấy cô hái trà mà chú ý đến cảnh gió gợn sóng trong đám lá chè xanh. Otoko đã trở lại nhiều lần để phác họa cảnh này trong những ánh sáng khác nhau. Keiko luôn đi theo cô giáo. Có hôm Keiko đã hỏi nàng, «Cô vẽ tranh trừu tượng phải không cô?» Và nàng trả lời, «Em mới là hay vẽ trừu tượng. Tuy nhiên cô kể ra hơi bạo, đi dùng toàn một màu lục. Nhưng cô muốn thử hài hòa màu nhạt của lá non với màu đậm của lá già, cũng như với cái mềm mại của gió đang dậy sóng trong đám lá chè.»
Otoko đã vẽ thử một tấm từ những phác họa của mình. Không phải chỉ vì thích cảnh lá chè xanh gợn sóng mà Otoko vẽ đồn điền Uji. Chuyến theo mẹ trốn về Kyoto sau khi đoạn giao với Oki cũng như mấy lần về thăm lại Tokyo sau này, nàng đã nhiều lần thấy những đồi chè Shizuoka từ cửa sổ toa tầu. Có hôm buổi trưa, có hôm xế chiều. Hồi ấy nàng còn là một nữ sinh, và không có ý niệm gì về nghề họa. Đáng ghi nhớ là lần đầu khi nàng ngang qua đồi chè, thì cái sầu chia ly bỗng thấm vào lòng.
Nghĩ lại nàng không hiểu tại sao những đồi chè xanh tầm thường lại có thể tạo ra ấn tượng mạnh như vậy, thay vì những cảnh đáng ghi nhận hơn như núi, hồ, sông, biển... Ngay cả thời ấy, những đồi chè đã không có cái đẹp thiên nhiên hoang dã, và những bụi chè trồng theo hàng lối trông như một bày cừu màu lục. Có lẽ cái buồn của màu lục cũng như cái buồn của bóng tối trên những rặng đồi xung quanh đã gợi lên cái đau chia ly hôm xưa nàng qua đó lần đầu. Hoặc giả hôm ấy nàng đã buồn từ khi còn ở Tokyo, và tình cờ nỗi buồn lên đến thượng đỉnh vừa khi tầu ngang qua đồn điền.
Keiko không biết liên hệ của đồn điền với cuộc tình đau khổ của cô giáo. Đồi chè mùa xuân bây giờ lá non xanh tươi, tự nó nhất định không có nỗi buồn năm xưa khi Otoko qua qua đấy lần đầu. Tuy đã đọc truyện của Oki và nghe Otoko kể về ông những đêm nằm nói chuyện với cô giáo tới khuya, Keiko không ngờ được cố sự u sầu ẩn trong những phác họa đồi chè của cô giáo.
Otoko thích dáng tròn trịa mềm mại của các bụi chè, nhưng càng phác họa thì tranh càng xa cảnh thực. Otoko thấy sự việc ngộ nghĩnh. Keiko hỏi, «Cô sẽ dùng chỉ một màu lục để vẽ tranh này phải không?» Otoko trả lời, «Đúng. Đồi chè mùa hái lá có cả một quang phổ từ lục nhạt đến lục đậm.» Keiko nói, «Còn em, em đang lưỡng lự không biết dùng màu đỏ, hay tím, hay màu gì khác. Em không cần ai nhận ra là em vẽ đồi chè.» Phác họa của Keiko đặt bên phác họa của Otoko trong xưởng vẽ.
Otoko mỉm cười:
«Trà ngon, nhưng em pha bình khác đi...»
«Em pha đắng cô không uống nổi sao?»
«Đúng là trà trừu tượng.»
Tiếng cười trẻ trung của Keiko từ phòng bên vọng sang. Otoko nói tiếp, giọng cứng hơn một chút:
«Chuyến đi Tokyo vừa rồi, em có ghé Kamakura phải không?»
«Dạ phải.»
«Tại sao?»
«Hôm Tết, ông Oki có tỏ ý muốn xem tranh của em.»
Rồi cũng cứng giọng lại, Keiko nói:
«Cô, em muốn trả thù cho cô.»
«Trả thù? Trả thù cho cô?»
«Đúng vậy cô.»
«Keiko, em lại đây. Lại uống cái trà trừu tượng của em, để cô nói chuyện này cho ra nhẽ.»
Keiko lẳng lặng tới quỳ bên Otoko, gối chạm vào gối cô giáo. Cô gái nâng chén trà lên nhắp, nhăn mặt nói:
«Chao ơi là đắng. Để em pha bình khác vậy.»
«Thôi, khỏi cần em ạ. Nhưng tại sao em lại nói chuyện trả thù?»
«Cô biết tại sao mà. «
«Cô không bao giờ nghĩ chuyện trả thù. Cô không bao giờ muốn chuyện ấy.»
Nghẹn ngào, Keiko nói:
«Tại vì cô còn yêu ông ta. Tại vì còn sống ở trên đời này thì cô vẫn không thể ngừng yêu ông ta. Thành thử em phải trả thù.»
«Nhưng tại sao người đi trả thù lại là em?»
«Em có quyền ghen của em.»
«Vậy sao?»
Otoko đặt tay lên vai Keiko, thấy cô gái run lên vì xúc động.
«Phải không cô, phải vậy không cô? Ô, em biết cô hiểu em. Mà chao ôi sao mà em ghen đến thế này.»
Otoko dịu dàng:
«Con bé này thật là nông nổi. Nhưng em muốn trả thù bằng cách nào? Em tính làm chuyện gì?»
Keiko mắt nhìn xuống, ngồi yên bất động. Bên ngoài, khoảng vườn dãi trăng rộng hơn. Otoko lại hỏi:
«Tại sao em không cho cô hay là em đi Kamakura?»
«Em muốn thấy tận mắt nhà cửa thân nhân của con người đã làm khổ cô.»
«Em có gặp họ không?»
«Em chỉ có gặp thằng Taichiro. Em nghĩ nó là giống cha nó khi ông ta còn trẻ. Hình như nó nghiên cứu văn chương cổ điển. Dù sao nó rất dễ thương với em. Nó đưa em đi thăm mấy ngôi đền ở Kamakura, rồi sau dẫn xuống vùng biển Enoshima chơi.»
«Em chính gốc Tokyo, em còn lạ gì những chỗ ấy?»
«Đúng. Nhưng chưa bao giờ em được ngắm cảnh kỹ lưỡng như vậy. Enoshima đã thay đổi quá nhiều. Mà cô, sự tích tu viện cho những người đàn bà muốn trốn chồng thật là tức cười, cô nhỉ.»
«Nhưng em trả thù như vậy ấy à? Bằng cách quyến rũ thằng bé, hay là bị thằng bé nó quyến rũ?»
Otoko buông tay khỏi vai Keiko, nàng nói tiếp:
«Xem ra cô mới là người có quyền ghen.»
«Cô Otoko, cô ghen thật ấy à. Ô, cô làm em sung sướng quá.»
Keiko ôm cổ Otoko, ngả người vào cô giáo. Cô gái nói tiếp:
«Cô xem. Em có thể là con quỷ dữ với mọi người. Nhưng với cô lại khác...»
«Nhưng mà tại sao em mang theo hai tấm tranh đắc ý nhất của em.»
«Ô, dù là đứa con gái hung dữ, em cũng muốn người ta nghĩ tốt về mình chứ cô. Taichiro viết cho em rằng hắn đã treo tranh của em trong phòng học của hắn.»
Otoko bình thản hỏi:
«Như thế là trả thù cho cô đấy à?»
«Dạ.»
«Hồi ấy, thằng bé còn bế ngửa. Nó không biết gì về chuyện cha nó với cô. Chuyện cô đau lòng là về sau nghe tin nó có em gái. Bây giờ nghĩ lại, quả là hồi đó cô quá khốn khổ. Chắc bây giờ con bé cũng có chồng rồi.»
«Cô có muốn em phá nát gia cang nhà nó ra không?»
«Ghê quá, Keiko ơi. Em phải tự cho mình là đẹp lắm, dù là nói chơi như vậy. Em sẽ tạo vấn đề rất nhiều cho em và cho mọi người. Không phải chuyện đùa vô hại đâu em.»
«Ngày nào em còn có cô, em không sợ gì trên đời. Em mà mất cô là hết. Mất cô làm sao em còn vẽ được nữa. Cô ơi, mất cô có thể em sẽ bỏ vẽ... Có thể em sẽ bỏ luôn cuộc sống này.»
«Đừng nói nhảm.»
«Em nhiều khi thắc mắc là ngày xưa, nếu chủ tâm, cô có phá nổi gia cang nhà ông ta không cô nhỉ?»
«Hồi ấy cô mới là con bé nữ sinh... Và họ đã một con rồi.»
«Nếu là cô, em đă chiếm đoạt lấy ông ta.»
«Em chưa biết được sức bền vững của gia đình đâu.»
«Bền vững hơn cả nghệ thuật?»
Otoko nghiêng đầu, thoáng nét buồn. Nàng nói:
«Ô... Ngày ấy cô chưa nghĩ đến nghệ thuật.»
Keiko quay lại. Cầm nhẹ cổ tay Otoko, cô gái hỏi:
«Cô. Tại sao cô sai em đưa đón ông ta?»
«Vì em trẻ đẹp. Vì cô kiêu hãnh muốn khoe học trò của mình.»
«Cô, em ghét cô không nói thật với em dù là chuyện gì. Cô đừng dối em. Cô biết em rình cô rất kỹ mà. Rình bằng con mắt ghen tuông của em.»
«Em rình cô sao?» Otoko nhìn thẳng vào đôi mắt cô bé đang lấp lánh ánh trăng. Nàng nói tiếp:
«Cô không có gì giấu em. Sự thật là hồi chia tay, cô mới mười sáu. Bây giờ cô đã trung niên, thân hình không còn như xưa. Cô không muốn gặp lại người ta chỉ vì sợ người ta vỡ mộng.»
«Ông ta mới là người phải sợ làm cô vỡ mộng. Em ngưỡng mộ cô, em thấy cô đẹp hơn hết mọi người em đã gặp. Còn ông ta, chính ông ta làm em vỡ mộng...»
«Từ ngày đến sống với cô, em thấy thanh niên tuổi em nhạt nhẽo. Em đã hy vọng ông Oki có gì đặc biệt. Khi gặp thì hỡi ôi. Qua lời cô kể cho em, em đã chờ đợi một con người bảnh bao, lịch thiệp, tế nhị...»
«Sơ giao, em biết gì về người ta.»
«Em biết chứ.»
«Biết làm sao?»
«Em có thể quyến rũ ông ta hay con trai ông ta dễ như trở bàn tay.»
Otoko tái mặt:
«Em làm cô sợ. Cái tự kiêu tự đắc của em nguy hiểm lắm, em biết không?»
Không chút lung lạc, cô bé cãi:
«Em không thấy nguy hiểm chút nào.»
Otoko không chịu thua:
«Nguy hiểm đấy em ạ, dù em trẻ em có đẹp đến đâu. Mà em nặng tính chiếm hữu quá.»
«Em nghĩ đã là đàn bà, ai không nặng tính chiếm hữu.»
«Có thể. Nhưng vì thích chiếm hữu mà em mang tấm tranh em đắc ý nhất đi cho ông Oki?»
«Không. Em không cần phải cho tranh mới quyến rũ được ông ta.»
Otoko sững sờ.
Keiko lại nói:
«Vì em là học trò của cô nên em muốn cho ông ta xem tác phẩm thành công nhất của em.»
«Cám ơn em. Nhưng em bảo em chỉ trao đổi mấy câu với ông ấy ở ga. Có vậy mà cũng cho tranh người ta sao?»
«Tại em hứa. Vả lại, em muốn biết ông ta bình tranh của em thế nào. Em cũng muốn có cớ đề tới tận nơi xem gia đình nhà cửa ông ta.»
«Ông không có nhà cũng là điều hay.»
«Em nghĩ ông ta sẽ xem tranh. Nhưng không chắc ông ta có hiểu nổi không.»
«Em không công bình.»
«Em nói thật đấy. Ngay trong nghề tiểu thuyết sở trường, ông ta không viết được gì hay sau «Cô Gái Mười Sáu».»
«Không đúng. Em tây vị cuốn truyện vì ông đã lý tưởng hóa cô. Truyện ấy văn phong trẻ nên người trẻ thích. Có lẽ vì lối thưởng lãm trẻ già khác nhau mà em không thích những tác phẩm về sau của ông.»
«Dù sao nếu ông ta lăn ra chết hôm nay, thì người ta chỉ nhớ văn nghiệp của ông ta qua cuốn này.»
Giằng tay ra khỏi tay Keiko, Otoko nghiêm giọng:
«Em im đi. Cô không muốn em nói như vậy.»
Keiko cũng nghiêm giọng:
«Em đã nói em sẽ trả thù cho cô, mà cô vẫn còn nặng tình ông ta như vậy sao?»
«Không phải chuyện nặng tình.»
«Vậy là chuyện yêu đương?»
«Đúng.»
Otoko đứng dậy bỏ đi. Keiko ngồi lại một mình ngoài hiên, úp mặt vào hai bàn tay. Rồi Keiko nói:
«Cô Otoko, em hiểu cô. Vì chính em cũng vì yêu mà sống cho người khác!»
Giọng run run, Keiko nói tiếp:
«Nhưng mà đàn ông như ông Oki này...»
«Em đừng phê phán. Chuyện xảy ra khi cô mới mười sáu.»
«Em sẽ trả thù.»
«Dù em có làm vậy, em cũng không diệt được tình yêu của cô.»
Keiko vẫn hai tay ôm mặt ngồi khóc ngoài hiên. Cô gái rền rỉ:
«Em xin cô, cô vẽ em đi... Cô vẽ em trước khi em trở thành người đàn bà đáng sợ như cô nói. Em sẽ ngồi khỏa thân làm người mẫu cho cô.»
«Em đã muốn, thì cô vẽ.»

*

Otoko còn giữ một số phác họa đứa con chết thiếu tháng. Nhiều năm đã qua, Otoko vẫn muốn vẽ bức «Em Bé Lên Trời». Để tìm mẫu, nàng đã xem những tranh tiên đồng hay hình chúa sơ sinh, nhưng sự bụ bẫm mập mạp của những chân dung ấy không phù hợp với nỗi buồn của nàng.
Có nhiều tranh Nhật xưa vẽ bồ tát Kobo thủa niên thiếu mà nét dung nhan duyên dáng và trầm tĩnh làm nàng xúc động. Nhưng đức bồ tát không còn là một hài nhi mà cũng không bay lên trời. Không biết bao giờ nàng mới vẽ xong tranh con.
Bây giờ Keiko đòi nàng vẽ chân dung, Otoko nhớ lại những tấm phác họa con. Có thể nàng sẽ vẽ Keiko theo kiểu bồ tát Kobo. Có lẽ tranh sẽ có phong vị cổ điển như bức Đức Mẹ Đồng Trinh. Nàng nói:
«Keiko, cô sẽ vẽ em. Cô vừa nghĩ ra sẽ vẽ theo kiểu nào. Cô sẽ dùng kiểu truyền thống của tranh Phật. Nên chi không có chuyện khỏa thân.»
Keiko xoay sở trên chiếu:
«Theo kiểu tranh đạo ư? Em nghĩ em không thích ý kiến này lắm.»
«Cứ để cô vẽ thử. Tranh Phật thường rất đẹp. Và cô sẽ đặt tên tranh là Cô Họa Sĩ Trừu Tượng.»
«Cô trêu em.»
«Cô không giỡn đâu. Cô sẽ khởi sự sau khi hoàn tất Đồi Chè.»
Otoko nhìn lên vách, tầm mắt dừng lại nơi chân dung mẹ treo phía trên những phác họa đồn điền Uji. Trong tranh, mẹ nàng rất trẻ và đẹp, còn trẻ hơn chính nàng bây giờ. Có lẽ trẻ như tuổi ba mươi mốt ba mươi hai của nàng khi đó. Nàng đã tự vẽ cái trẻ trung của mình khi vẽ mẹ, hay là bà mẹ đã trẻ lại qua cây cọ của con gái. Khi Keiko thấy tranh lần đầu, cô gái hỏi, «Cô tự vẽ mình phải không?»
Otoko đã suy nghĩ về chuyện này. Nàng rất giống mẹ. Có thể vì nhớ mẹ mà sự giống nhau của hai mẹ con hiện ra trong tranh. Sự thể là mới đầu nàng chép lại một tấm ảnh cũ, nhưng các tấm phác họa không có thần. Nàng bỏ ảnh sang bên, và mẹ nàng hiện ra trong trí nhớ như lúc còn sống và ngồi ngay trước mặt làm mẫu cho nàng. Otoko phác họa lại, hết tấm này đến tấm khác, lòng tràn trề cảm xúc. Nhiều lúc nàng phải ngưng tay, mắt mờ vì nhòa lệ. Tranh mẹ đang trở thành tranh của chính nàng.
Bức tranh hoàn tất bây giờ treo phía trên những tấm phác họa đồi chè. Otoko đốt hết những bản còn lại. Mỗi khi nhìn tranh, bao giờ nàng cũng thoáng buồn. Bức tranh như thở theo nàng. Bao nhiêu công lao vẽ mẹ đã đưa chính nàng vào tranh.
Về sau Otoko không vẽ chân dung nữa. Thỉnh thoảng nàng vẽ người, nhưng chỉ là một vài nhân vật đặt trong phong cảnh. Otoko chưa bao giờ nghĩ nàng sẽ vẽ bức «Em Bé Lên Trời» như một chân dung.
Vậy mà tối nay vì Keiko nài nỉ, nàng bỗng cảm thấy muốn vẽ chân dung lại. Nhớ lại ý muốn vẽ con và những mẫu tranh các bậc thánh thủa sơ sinh hay niên thiếu, nàng định vẽ Keiko theo kiểu tranh Phật. Mẹ nàng, con nàng, và Keiko là ba người nàng yêu quý nhất đời. Dù họ khác nhau, nàng nên vẽ cả ba.
Keiko trở ra ngồi cạnh nàng:
«Ngắm chân dung bà ngoại như thế, chắc cô đang suy tính sẽ vẽ em như thế nào phải không. Nhưng mà cô không thương em bằng thương ngoại đâu.»
Otoko nói:
«Con bé lúc nào cũng nghi người ta không thương mình... Nhưng mà nhìn lại tấm tranh, cô thấy có điều không ưng, vì tay nghề cô bây giờ đã khá hơn hồi ấy. Tuy nhiên cô vẫn quý bức tranh. Dù còn nhiều chỗ non yếu, nhưng cô đã gắng hết tâm sức mình.»
«Vẽ em, cô khỏi nhọc công như vậy. Chỉ cần cô phóng bút vài nét là xong thôi.»
«Không, vậy không được.»
Otoko nói mà đầu óc ở mãi đâu đâu. Nhìn tranh, những kỷ niệm về mẹ dồn dập hiện về. Khi Keiko gọi, nàng lại nhớ đến những bức tranh cổ vẽ tiên đồng. Các tiên đồng tướng mạo con gái, nên ngoài cái xinh đẹp tôn quý của tranh đạo, lại có cái gì tha thướt mượt mà. Những tranh ấy chắc phản ánh xu hướng đồng tính luyến ái trong các tu viện thời trung cổ. Một khi phụ nữ tuyệt đối không được lai vãng, những chú tiểu mà đẹp như con gái trở thành đối tượng cho những ước muốn cấm kỵ của đám thiền sinh.
Có lẽ vì các tiên đồng giống gái mà Otoko nghĩ sẽ dùng họ làm mẫu khi vẽ Keiko. Tóc tiên đồng cũng chải bồng và cắt ngang phía trước như tóc con gái thời nay. Chỉ có điều những kimono gấm lộng lẫy tiên đồng mặc thì bây giờ chỉ còn thấy trong tuồng Nô mà thôi. Đàn bà tân thời ăn mặc như vậy thì cổ hủ quá.
Nàng lại nhớ đến những tranh Kishida Ryusei vẽ Reiko, con gái mình. Vẽ bằng sơn dầu hay phẩm nước, tranh thường giống tranh tôn giáo. Trừ một tấm rất hiếm Otoko đã được coi, màu nhạt trên giấy tầu vẽ cô gái Reiko cởi trần mặc quần lót đỏ. Tấm tranh không hẳn là một kiệt tác của Ryusei, và nàng thắc mắc không biết tại sao họa sĩ lại vẽ con gái theo kiểu cổ điển. Ông ta đã vẽ những bức tranh tương tự theo lối tây phương.
Nàng nghĩ tại sao lại không vẽ Keiko khỏa thân. Nàng có thể vẽ theo mẫu đức bồ tát thủa niên thiếu, và nhiều tranh Phật cũng cho phép phô bày nhũ hoa phái nữ. Nhưng tóc thì sao? Nàng nhớ một tấm tranh rất đẹp của Kobayashi Kokei, tinh khiết trong sạch, nhưng kiểu tóc lại không hợp. Nghĩ lui nghĩ tới, nàng thấy dự tính thật quá khó khăn. Nàng gọi cô gái:
«Keiko ơi, ta đi ngủ thôi.»
«Sớm thế cô? Trăng đẹp như thế này.»
Keiko nhìn đồng hồ và nói:
«Mới hơn mười giờ.»
«Cô hơi mệt, ta vào giường nói chuyện đi.»
«Cũng được.»
Trong khi Otoko ra bàn phấn sửa soạn, Keiko đi làm giường. Cô gái làm giường rất lẹ. Otoko ra khỏi bàn phấn, Keiko tới gương rửa mặt. Ngả tới trước, nghiêng cái cổ dài xinh đẹp, Keiko ngắm mình trong gương.
«Cô, em không nghĩ em là người mẫu thích hợp cho một bức tranh Phật.»
«Hợp hay không là tùy người vẽ.»
Keiko tháo kẹp và lắc đầu cho tóc xõa xuống.
«Em gỡ đầu ra ư?» Otoko hỏi.
«Dạ.»
Otoko ngồi ngắm Keiko chải mái tóc dài mượt.
«Đêm nay em thả tóc ra sao?»
Ngửi lọn tóc mình, Keiko nói:
«Đầu em hôi rồi, lẽ ra phải gội.»
Cô bé lại hỏi:
«Cô, khi ba cô mất, cô bao nhiêu tuổi?»
«Mười một. Em hỏi cô câu này mấy lần rồi nhỉ?»
Keiko không trả lời, đóng mấy tấm cửa gỗ phất giấy ngăn phía hành lang và xưởng vẽ rồi nằm xuống bên Otoko, trên hai chiếc giường đã kê lại làm một. Mấy đêm nay hai người không khép mành khi ngủ, và ánh trăng lờ mờ chiếu sáng mấy ô cửa giấy.

*

Bà mẹ của Otoko đã qua đời vì ung thư phổi. Khi đi, bà không cho hay rằng nàng có em gái khác mẹ. Cho đến bây giờ Otoko cũng không biết mình có em. Cha nàng nhập cảng lụa và len. Đám ma rất đông. Mẹ Otoko để ý trong đám phúng viếng một thiếu phụ trẻ lạ mặt trông như lai. Khi dự tang lễ, đôi mắt thiếu phụ đỏ hoe và sưng húp. Bà giật mình, vời thư ký riêng của chồng ra một góc, sai anh ta đi điều tra lý lịch thiếu phụ lạ mặt. Anh thư ký truy ra là thiếu phụ có bà ngoại nguyên gốc Gia Nã Đại lấy chồng Nhật, còn chính thiếu phụ thì đã học trường trung học Mỹ và đang làm nghề thông dịch. Thiếu phụ sống trong một căn nhà nhỏ khu Azabu.
«Chắc không con cái gì?» mẹ nàng hỏi.
«Họ bảo cô ta có một đứa con gái.»
«Anh có thấy nó không?»
«Dạ không. Tôi chỉ nghe người hàng xóm kể lại.»
Mẹ Otoko chắc chắn đứa con gái nhỏ là con chồng mình. Kiểm tra thì cũng dễ, nhưng bà nghĩ người đàn bà kia thế nào cũng sẽ tự tìm đến. Cô ta không đến. Hơn nửa năm sau, anh thư ký cho hay cô ta đã lập gia đình và mang con theo chồng. Anh ta cũng cho hay người đàn bà đích thị là nhân tình của chồng bà. Thời gian qua, lòng ghen nguội đi, bà nghĩ lẽ ra bà đã có thể nuôi đứa con rơi của chồng. Con bé đã phải lớn lên không biết cha là ai. Bà cảm thấy như đã mất đi chuyện gì quý lắm, tuy không phải là vì hiếm hoi chỉ có mình Otoko mà nghĩ như vậy.
Có điều chắc chắn là bà không thể cho Otoko lúc ấy mới mười một biết chuyện cha có con rơi. Bình thường mà đoán, bây giờ chắc đứa con gái đã lớn và có chồng con. Nhưng Otoko không bao giờ biết mình có em gái cùng cha khác mẹ.

*

«Otoko, cô Otoko, cô dậy đi cô...»
Keiko lay cô giáo.
«Cô nằm mơ à cô? Cô đau hay sao mà cô la dữ vậy.»
Otoko ngáp liên tiếp mấy cái như hụt hơi. Keiko ngả sang vỗ nhẹ vào lưng cô giáo, như giúp cho cô thở. Thức hẳn, Otoko hỏi:
«Em ngồi ngắm cô nằm mê đấy à?»
«Dạ.»
«Thế mà không đánh thức cô dậy, con bé này ác lắm. Cô nằm mê sợ quá.»
«Cô nằm mê thấy gì?»
«Thấy một đứa xanh ngắt như lá cây.»
«Nó mặc quần áo mầu xanh?»
«Không, không phải quần áo. Mà nó hoàn toàn xanh. Tay chân nó cũng xanh lè.»
«Ô, Lục Quan Âm đấy.» Keiko nói giỡn.
«Đừng có đùa. Đứa này coi ghê lắm. Nó xanh lè mà cứ nhảy múa xung quanh cô.»
«Đàn bà phải không?»
Otoko không trả lời.
Keiko đưa tay khép mí mắt Otoko lại, rồi cầm ngón tay cô giáo bỏ vào miệng cắn.
«Ái đau quá.»
Otoko mở to mắt. Keiko giải mộng cho cô giáo:
«Cô nhớ cô đã nhận vẽ tranh em phải không? Nên chi em trở thành màu lục của đồn điền chè cô đang vẽ.»
«Em nghĩ vậy à? Nghĩa là trong lúc cô mê ngủ, em xuất hồn ra nhảy múa xung quanh cô. Ghê quá.»
Keiko cười rúc rích, bàn tay đang sờ mặt bây giờ luồn xuống ngực cô giáo. Cô gái nói:
«Nhưng mà cô nằm mơ, chứ có phải em nằm mơ đâu...»

*

Ngày hôm sau, hai người leo núi Kurama thăm ngôi đền. Đến tối họ tới nơi. Đền đông kín. Hoàng hôn trễ tháng năm đã buông xuống mấy ngọn đồi và cánh rừng xung quanh. Bên cồn phía đông, trăng rằm đã mọc. Người ta đã đốt những đống củi xếp dọc lối đi. Tăng đoàn tụng kinh theo vị sư trụ trì. Thiện nam tín nữ thắp nến dâng lên Phật.
Ngay trước chánh điện, một chiếc bát đựng rượu khổng lồ bằng bạc được đổ đầy nước. Ông trăng soi hình vào trong bát. Thiện nam tín nữ khum hai bàn tay hứng nước múc từ trong bát. Từng người một họ kính cẩn cúi đầu rồi đưa nước lên miệng uống. Otoko và Keiko cũng làm theo.
Keiko nói đùa:
«Về nhà, có thể cô thấy vết chân xanh giẫm đầy nhà mình đấy.»
Cô gái có vẻ rất hứng chí vì hội trăng rằm trên núi tối nay.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Pháp Tristesse et Beauté của Amina Okada, Albin Michel, 1961
Đẹp và buồn
Lời Người Dịch
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Tiểu sử tác giả