Hồi 25
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Đoàn người ngựa đi phải mất mấy ngày mới đến thủ phủ trấn Thanh-hóa. Tạ Sơn thấy Thanh Mai, Mỹ Linh trở về, thì mừng không bút nào tả xiết. Chàng nói với Mỹ Linh:
- Công chúa, Quận chúa cùng Thanh muội tự nhiên mất tích làm sư huynh lo quá. Nhưng vì phận sự phải trấn ở đây không dám đi đâu. Sau thấy Công-chúa truyền lệnh gọi đạo quân Quảng-thánh đến Vạn-thảo mới biết Công-chúa bình an.
Mỹ-Linh cảm động vì sự tận tâm của sư huynh. Nàng hỏi:
- Sư phụ với anh Thiệu-Thái đâu rồi?
- Sư phụ cùng Thế-tử vẫn ở trên chùa Sơn-tĩnh. Sư phụ dặn khi nào Công-chúa về, phải lên gặp người ngay.
Vừa lúc đó có tiếng nói vọng vào:
- Sư phụ giá lâm rồi, không cần lên chùa nữa.
Câu nói làm Mỹ-Linh ấm lòng, nàng chạy ra gọi lớn:
- Anh Thiệu-Thái, sư phụ đâu?
Nàng ngừng lại, đứng lặng đi nhìn Thiệu-Thái. Hai người qua cái nhìn như ngây, như dại. Tạ Sơn liếc nhìn, đã biết cái gì xảy ra giữa cô Công-chúa sư muội cùng Thân Thiệu-Thái. Chàng lờ đi như không biết, nhắc:
- Chúng ta mau đón sư phụ.
Mỹ-Linh theo Tạ Sơn ra cửa. Từ ngoài sân bước vào một người mà nàng kính phục tuyệt đối, đại sư Huệ-Sinh. Mỹ-Linh chấp tay:
- Sư-phụ, Sư-phụ vẫn thường an lạc chứ?
Huệ-Sinh mỉm cười;
- Mấy thàng nay sư phụ an thì có nhưng lạc thì không. Vì sư phụ có đứa đệ tử yêu nhất bị mất tích làm sao mà lạc được?
Mỹ-Linh nắm tay sư phụ, nàng đi cạnh ông:
- Nhất định sư phụ an lạc. Con biết. Trong thời gian xa sư phụ, con học được thuật coi tướng. Nếu sư phụ không "lạc" sao mặt lão nhân gia lại hồng hào thế này?
Nàng nói sẽ vào tai ông:
- Sư phụ, chú hai con đâu rồi?
Huệ-Sinh dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai nàng:
- Không xa chúng ta đâu. Người ẩn thân làm việc, nếu có mặt thì hỏng hết. Những việc con với Thanh-Mai, Bảo-Hòa làm, sư phụ với chú hai biết hết. Con không cần phải nhắc đến làm gì. Con nhớ nhé, Đàm Toái Trạng, Nguyễn Khánh, Đàm An-Hòa theo giặc, nhất thiết phải coi như không biết. Còn thấy An-Hòa, phải giả tảng như quên rồi. Theo ước đoán của sư phụ, nó làm bậy sợ anh nó phạt, nên dù bại lộ, cũng không dám nói ra.
Tiết-độ sứ Đinh Ngô-Thương không biết gì về hành trạng của Khai-quốc vương, công-chúa Bình-Dương, quận-chúa Bảo-Hòa. Hôm trước ông thấy mấy người lên chùa Sơn-tĩnh rồi biệt tăm. Hôm nay lại thấy trở về. Hơn ai hết y biết Khu-mật viện giao cho Khai-quốc vương, việc phòng thủ quốc gia an như bàn thạch. Những sứ đoàn Tống qua trấn Thanh-hóa, có vẻ như khoa trương, gây hấn, phạm nhiều tội. Thế mà Khu-mật viện vẫn lờ đi. Y tuy không hiểu gì, nhưng cũng biết rằng giữa Tống với Việt đang có chiến tranh lạnh.
Đinh Ngô-Thương cúi đầu hành lễ:
- A-di-đà phật, Quốc sư với Công-chúa giá lâm thật vạn hạnh cho tiểu tướng.
Mỹ-Linh biết sư phụ mình không muốn phiền phức người khác. Nàng nói:
- Đinh tiết-độ sứ làm ơn kiếm cho sư phụ tôi một căn phòng yên tĩnh. Hôm nay chúng tôi xin ăn chay với sư phụ.
Đinh Ngô-Thương vâng dạ, đưa Huệ-Sinh tới căn gác bằng gỗ thông thơm ngát, nói:
- Bạch Quốc sư, đệ tử làm căn gác này bên trong có bàn thờ Phật để tối tối tụng kinh, hành thiền. Kính mời Quốc-sư an nghỉ.
Đinh Ngô-Thương mở cửa căn gác, ông chỉ vào cái chuông nhỏ:
- Khi Quốc-sư cần gì cứ rung chuông, sẽ có tiểu đồng lên hầu.
Nói xong ông xuống lầu.
Mỹ-Linh nhớ lại một lần nàng thuật lại cho Hồng-Sơn đại phu nghe rằng, Huệ-Sinh hiện ở chùa Sơn-tĩnh. Ông tỏ ý lo lắng: Coi chừng thằng sư ăn thịt chó Nguyên-Hạnh, hại thì đi đời.
Nàng hỏi:
- Trong thời gian qua sư phụ với anh Thiệu-Thái ở Sơn-tĩnh có thấy gì lạ không?
- Vẫn thế, không thay đổi gì cả. Có điều sau hôm con đi được mấy ngày, thì không thấy cặp chim ưng đến đậu ở trên cây đa trước chùa nữa. Một điều sư phụ không được vui lòng, bởi Thái-sư thúc hết hạn tọa thiền, mà người cũng không chịu tiếp ta. Ta cũng không dám nài ép.
Nói rồi ông nhắm mắt lại, nhập thiền. Mỹ-Linh vẫy Thiệu-Thái xuống lầu. Nàng đem lời Hồng-Sơn đại phu nói về Nguyên-Hạnh ra hỏi. Thiệu-Thái gật đầu:
- Theo Quốc-sư, thì Nguyên-Hạnh đại sư võ công cùng thiền học cao thâm không lường. Một điều anh không hiểu, tại sao đại sư tu luyện lâu năm như vậy mà sắc diện giống như người dâm đãng, trác táng vậy. Anh đem ý kiến hỏi Quốc-sư, người chỉ cười mà thôi.
Hai người vừa đi, vừa nói chuyện, nhìn trước, nhìn sau thấy không có ai, Mỹ-Linh nói nhỏ:
- Chúng mình phải lên chùa Sơn-tĩnh dò thám xem sao mới được. Em thấy trong chùa có nhiều bí mật lắm mà không thể đóan ra. Nếu trong khi dọ thám bị phát giác, anh cứ nói em với Bảo-Hòa có tính ngỗ nghịch, thấy qui luật chùa không cho con gái ở lại, sinh bực mình đột nhập vào, chứng tỏ không tuân quy luật. Như vậy bất quá họ mách chú Hai là cùng. Chú Hai có phạt, em chịu hết cho.
Thiệu-Thái vầy Thanh-Mai, Bảo-Hòa lại gần, rồi nói:
- Trước sân chùa có cái hồ thiên nhiên, nước từ trên núi chui theo mạch đổ vào, rồi lại thấm xuống đáy hồ, tạo thành nguồn ngấm xuyên xuống núi. Khi khám phá ra đôi chim của ai đó dò thám chùa, đêm đêm anh thường nhìn động tĩnh của chúng. Một lần thấy chúng bay lượn khác thường, anh ra sân xem, bỗng thấy đại sư Nguyên-Hạnh xuống hồ, rồi lặn mất. Anh tò mò ngồi rình xem ông ta làm gì. Song chờ đến sáng, không thấy ông lên. Anh những tưởng ông chết ngộp, định nói với Quốc-sư. Không ngờ khi vào phòng Quốc-sư, anh thấy ông đang nói chuyện với người.
Nghe Thiệu-Thái thuật, Mỹ-Linh nghi ngờ:
- Như vậy dưới đáy hồ có ngách thông với mặt đất. Nguyên-Hạnh đại sư theo lối này mà lên.
Thiệu-Thái thấy cách nhau mới có mấy tháng mà Mỹ-Linh khôn ngoan hơn trước nhiều. Chàng đáp:
- Ừ, chúng ta rủ thêm Thanh-Mai, Bảo-Hòa cùng đi cho vui.
Đợi đêm xuống bốn người lén lấy ngựa, âm thầm hướng núi Sơn-tĩnh. Theo kế hoạch đã định, họ dấu ngựa, rồi theo đường rừng vào chùa, chứ không đi lối cổng. Bảo-Hòa phân công:
- Bây giờ em với Thanh-Mai đột nhập vào chùa theo ngả vườn hoa tới bờ hồ. Quan sát một lúc không có gì lạ, em sẽ giả tiếng dế kêu. Anh với Mỹ-Linh theo ngả vườn rau đến hồ. Nội trong chúng ta đây Mỹ-Linh học được nội công Long-biên, thành công bậc nhất. Anh với Mỹ-Linh lặn xuống đáy hồ do thám. Nếu có ngách thì theo đó mà đi. Còn không có nghách sẽ trồi lên.
Bảo-Hòa, Thanh-Mai vọt mình qua tường dễ dàng. Họ men theo các luống tới bờ hồ nấp vào bụi Thủy-tiên.
Trăng mồng mười không lấy gì sáng cho lắm. Tuy vậy họ cũng nhìn rõ cảnh vật chung quanh. Chợt Bảo-Hòa chỉ lên trời. Thanh-Mai nhìn theo đôi chim ưng đang bay lượn, thỉnh thoảng lại đâm bổ xuống nhà bếp. Bảo-Hòa dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Thanh-Mai:
- Hai con ưng này của Khu mật viện sai đi theo chúng mình đấy. Cậu hai ghê thật. Chúng mình trốn đi âm thầm, mà cậu cũng biết, sai chim ưng theo tuần phòng. Mình có thể dùng chúng liên lạc với nhau.
Hai người mặc quần áo đen, từ khu nhà bếp men theo các bụi hoa đi tới. Họ nhìn trước, nhìn sau không có ai, rồi tụt xuống hồ lặn mất.
Thanh-Mai kinh ngạc:
- Hai người này dường như quen biết nơi đây lắm rồi thì phải. Họ đến nơi lập tức nhào xuống liền.
Thanh-Mai lấy cọng cỏ, cầm trên tay, rồi dùng môi hấp khí, có tiếng kêu hơi giống tiếng dế. Lập tức Mỹ-Linh, Thiệu-Thái từ bụi cây chạy tới. Bảo-Hòa nói sẽ:
- Có hai người vừa xuống trước. Anh với Mỹ-Linh, cứ ngồi chờ đã.
Khoảng nhai dập miếng trầu, hai người kia trồi lên mặt nước, rồi chạy vào khu nhà bếp. Bảo-Hòa, Thanh-Mai ra hiệu cho Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Hai người xuống hồ rồi lặn xuống đáy.
Mỹ-Linh lặn xuống sâu. Không khó nhọc, nàng thấy nguồn nước chảy vào không mạnh lắm. Nàng kéo Thiệu-Thái theo nguồn suối lặn vào trong theo giòng. Lặn được khoảng hơn hai chục bước, nguồn suối nhỏ dần lại, cuối cùng chỉ còn vừa một người qua. Nàng trồi lên thở, đưa tay khua tìm kiếm, không thấy có vật gì. Nàng nói với Thiệu-Thái:
- Thì ra trong này là động trống.
Sờ một lúc thấy có nhiều bậc đi trở lên, Mỹ-Linh nói sẽ:
- Mình theo bậc đá lên xem là cái gì?
Thiệu-Thái đã chuẩn bị từ trước. Chàng móc bọc vải dầu ra lấy đá lửa đánh lên, châm vào bổi. Ánh lửa sáng lòa. Mỹ-Linh suýt bật lên tiếng kêu. Thì ra hai người đang ở trong động thạch nhũ. Ánh đuốc chiếu vào thạch nhũ tỏa ra những tia sáng lóng lánh đủ màu, đẹp không bút nào tả xiết.. Những thạch nhũ có hình giống người, có hình giống cây nến đốt cháy một nữa, có cái giống cây măng, cũng có cái giống hoa, lá...thực muôn vàn hình ảnh mầu sắc.
Thiệu-Thái đã ở Bắc-biên lâu, chàng từng được xem không biết bao nhiêu hang động đẹp hơn thế nhiều. Còn Mỹ-Linh đây là lần đầu tiên nàng được thấy thạch nhũ đẹp như vậy.
Hang khá rộng. Hai anh em cứ men theo bậc đá mà đi. Được khoảng ba chục bước, có khúc quẹo sang trái, đường càng đi ngược lên cao hơn nữa. Chợt Thiệu-Thái thấy tay buốt, rát vô cùng. chàng nhìn tay, cây bổi đã cháy hết. Chàng liệng phần còn lại. Lửa tắt. Chàng định lấy bổi khác ra đốt. Chợt Mỹ-Linh chỉ về phía trước có ánh sáng lờ mờ. thiệu-Thái nói nhỏ::
- Chúng ta tới cửa hang rồi. Phía trước kia là rừng núi, ánh trăng chiếu vào đấy. Tuy vậy, phải lấy khăn bịt mặt lại, để ai trông thấy không nhận ra được anh em mình.
Chàng lần mò đi trước, Mỹ-Linh theo sau. Hai người ra khỏi hang, gió núi thổi mát rượi. Ánh trăng mông lung chiếu xuống. Mỹ-Linh nhận ra nàng vời Thiệu-Thái đang đứng trước một sườn núi. Thiệu-Thái nhìn phương hướng nói nhỏ:
- Như vậy chúng ta xuyên qua lòng hòn núi đá phía Tây chùa. Đã sang bên kia ngọn núi. Thì ra dưới đáy hồ có nguồn suối trên núi ngầm, chảy vào hồ. Lên phía trên có hang động thạch nhũ thiên nhiên thông qua đỉnh. Không biết bên này có những gì?
Nhìn lên trời thấy đôi chim ưng đang bay lượn. Chàng hú một tiếng, gọi nó xuống. Hai con chim ưng nghe tiếng hú, đáp xuống cạnh Mỹ-Linh. Thiệu-Thái nhặt viên đá đỏ, viết lên chiếc khăn mấy chữ khoa-đẩu.
Đáy hồ là suối ngầm. Có thạch động xuyên qua núi. Chúng ta đã sang bên Tây núi an toàn. Đừng lo lắng gì.
Chàng buộc khăn vào chân chim, rồi ra lệnh cho chúng bay đi.. Mỹ-Linh chỉ xuống phía sườn núi không cách xa hai người bao nhiêu. Thiệu-Thái nhìn theo ở đó có ánh đèn leo lét cháy ra. Thiệu-Thái vẫy Mỹ-Linh, hai anh em lầm lũi đi lần mò dần đến chỗ phát ra ánh sáng. Tới gần, Thiệu-Thái nhận ra đó là một ngôi nhà khá lớn. Xung quanh nhà trồng nhiều hoa Móng-rồng, Thiên-lý, Dạ-hương. Dây hoa leo chằng chịt lên tường, lên mái bốc hương thơm ngào ngạt.
Một con chó nghe tiếng chân người, nó đứng dậy định sủa. Thiệu-Thái cho tay vào miệng, phát ra những tiếng gầm gừ giống hệt chó.
Mỹ-Linh nhớ một lần Bảo-Hòa cho nàng biết, các đệ tử Tây-vu đều học tiếng nói của thú vật. Đây chắc Thiệu-Thái đang nói tiếng "chó". Quả nhiên con chó chạy ra vẫy đuôi. Thiệu-Thái để tay lên đầu nó vỗ mấy cái. Nó trở về chỗ cũ, ngồi xuống. Chàng cùng Mỹ-Linh vượt qua hàng rào, vào trong sân. Ngôi nhà bằng gỗ khá lớn. Trong nhà đèn chiếu sáng rực. Nhưng sở dĩ ở xa không thấy, vì các cửa đều có màn dầy che kín. trong nhà có nhiều tiếng người nói vọng ra. Hai người ẩn thân vào bụi hoa Dạ-hương ghé mắt nhìn. Bất giác Mỹ-Linh nổi gai ốc khắp mình.
Trong căn phòng rộng, đèn nến như sao sa. Ở giữa kê một cái bàn dài. Trên bàn chưng bốn bình hoa. Cử tọa gồm hai mươi mốt người. Nàng nhận ra được bọn Triệu Thành tám người. Còn lại nàng biết mặt Nguyên-Hạnh, Đàm Toái-Trạng, Đàm An-Hòa, Nguyễn Khánh. Triệu Thành ngồi ở vị thế cao nhất, kế đó tới Nguyên-Hạnh, Đông-Sơn lão nhân. Đầu phòng có có chiếc bàn cao nhỏ, trên bày hương án, khói bốc nghi ngút.
Đông-Sơn lão nhân hướng về Nguyên-Hạnh:
- Đại sư, cuộc họp này do đại sư đảm trách phần canh phòng. Không biết biện pháp an ninh thế nào. Vì Khu mật viện Giao-chỉ bây giờ nằm trong tay Lý Long-Bồ, chỗ nào y cũng có tai mắt cả.
Nguyên-Hạnh cười nhe hàm răng gồ ghề ra:
- Tiền bối cứ an tâm từ dưới núi lên đây chỉ có một đường. Đường đó có đạo quân Ngự-long của tướng quân Nguyễn Khánh đây trấn đóng rồi. Đường lên đây là đường độc đạo, bần tăng đã đặt tới 8 vọng canh của Hồng-hương thiếu niên, dù cho con chim cũng không bay lọt vào được. Huống hồ xung quanh ngôi nhà còn có đàn chó mười con.
Vương Duy-Chính đướng lên hướng vào cử tọa:
- Ty chức Vương Duy-Chính, hiện giữ chức Chuyển vận sứ lộ Quảng-tây nhà Đại-Tống. Các vị hội nhau ở đây mà nhiều vị chưa biết nhau. Ty chức xin giới thiệu từng phái đoàn một.
Y vẫy tay, một thiếu nữ nhan sắc xinh đẹp từ trong bước ra, tay bưng một cái khay. Trên sáng chói ngọc ngà vàng bạc và có cuộn giấy. Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng vì chân cô gái đeo xích. Mỗi bước chân cô đi, có tiếng kêu loảng xoảng. Nàng đến trước Triệu Thành quỳ xuống. Triệu Thành để mâm châu báu trước mặt. Một người da ngăm đen, tuổi khoảng bốn mươi, đứng lên hướng Triệu Thành vái bốn vái.
- Biên thần Nam-man kính dâng Thiên-sứ chút ít châu ngọc để làm lộ phí.
Vương Duy-Chính chỉ người ấy:
- Vị này là Chế Ma Thanh hoàng đệ Chiêm-quốc. Vị ngồi phía trái Chế vương gia là Đại tướng Chiêm-quốc tên là Ngô Đà. Người ngồi bên phải Chế vương gia là Vương-phi My-Thu. Hôm nay Chế vương cùng Vương-phi tới đây nhận sắc phong của thiên-triều.
Chế Ma Thanh cùng vợ, Ngô Đà bước ra khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống hướng mặt về phương Bắc, rập đầu xuống đất.
- Thần Chế Ma Thanh kính cẩn tiếp chỉ:
Vương Duy-Chính mở trục giấy đọc:
- Thừa thiên hưng vận, Thiên-Thánh hoàng đế sắc phong cho biên thần Nam phương Chế Ma Thanh chức tước như sau :
"Kiểm hiệu thái-sư, Tĩnh-hải tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, suy thành thuận hóa công thần. Chiêm thành quận vương, thực ấp vạn hộ, thực phong ngũ thiên hộ."
Phong vợ là My-Thu làm Khâm-linh vương phi. Phong cho Ngô Đà làm Nội điện chỉ huy sứ, tước Ma-linh hầu, thực ấp nhị thiên hộ. Thực phong nhất thiên hộ.
Ba người dập đầu lạy tạ rồi về chỗ ngồi.
Vương Duy-Chính chỉ vào người ngồi kế bọn Chế Ma Thanh.
- Vị này là hoàng thúc Phủ Vạn, cùng Vương phi Nang Chay của Lão-qua, cũng sang đây nhận sắc phong.
Vợ chồng Phủ Vạn đến trước long án quỳ xuống rập đầu xuống đất:
- Thần Phủ Vạn kính cẩn tiếp chỉ.
Vương Duy-Chính cầm trục giấy đọc:
Thừa thiên hưng vận, Thiên-Thánh hoàng đế, sắc phong cho biên thần Nam phươnglà Phủ Vạn chức tước như sau: Thái tử thái bảo, phó đô nguyên soái, nam phương trung thành, tĩnh lự công thần, Lão-qua quận vương. Phong vợ là Nang Chay làm An-tĩnh quận chúa.
Phủ Vạn cùng vợ lạy tạ rồi về chỗ ngồi.
Vương Duy-Chính chỉ vào Đàm Toái-Trạng:
- Vị này là Đàm Toái-Trạng, hiện lĩnh chức Tuyên-vũ sứ trấn Thanh-hóa của Lý Công-Uẩn. Đã được thiên triều phong cho chức Tiết độ sứ, tước Cửu-chân hầu. Người ngồi kế bên là Nguyễn Khánh giữ chức Thiên tướng tổng quản đạo quân Ngự-long đã được Thiên-triều phong làm Tuyên-vũ sứ tước Nga-sơn bá. Còn vị này là Đàm An-Hòa hiện giữ chức hiệu-úy đã có nhiều công lao với thiên triều, được phong chức Chiêu-thào sứ.
Vương đưa mắt nhìn Nguyên-Hạnh rồi tiếp:
- Vị này là Nguyên-Hạnh đại sư hiện là trị sự trưởng chùa Sơn-tĩnh, đã được phong làm Thông-huyền bồ tát lĩnh ấn Quốc sư Giao-chỉ kiêm phương trượng chùa Tiêu-sơn. Người ngồi kế bên quốc sư là quốc sư phu nhân nhũ danh Cao Thạch Phụng tước phong Túc-không Quan-âm. Người ngồi kế bên Quan-âm là Mễ Sĩ được phong là Thái-câu sứ giả.
Minh-Thiên hướng Nguyên-Hạnh chắp tay:
- Đại sư, tiểu tăng muốn hỏi thăm tin tức một người trong quý tự. Mong đại sư giúp cho.
- A-di-đà-phật, Quốc sư muốn biết tin tức ai?
- Một vị cao tăng thướng được gọi là Bố-Đại hòa thượng. Trước đây người đã sang Trung-quốc hoằng dương đạo pháp. Tiểu tăng có cơ duyên được người chỉ bảo cho rất nhiều.
Mặt Nguyên-Hạnh hơi cau lại rồi lắc đầu:
- Vị đó là sư phụ của tiểu tăng. Người bỏ đi biệt tăm đã hơn mười năm. Không chừng người viên tịch rồi cũng nên.
Cuối cùng Vương Duy-Chính giới thiệu bọn y Từ Triệu Thành cho đến Địch Thanh là người nhò tuổi nhất. Triệu Thành đưa mắt nhìn mọi người một lượt rồi nói:
- Cô gia được Thiên-Thánh thiên tử giao cho trọng quyền, với chỉ dụ làm sao cho nước giàu dân mạnh. Thời tiên hoàng phong cho cô-gia làm Yên-vương, ý người muốn ủy thác việc Bắc-phương. Bắc phương co Liêu, Kim, Tây-hạ cô-gia an bày coi như tạm xong. Đến Thiên-thánh hoàng đế, người muốn chỉnh đốn lại các nước phương Nam. Vì vậy cải phong cô-gia làm Bình-nam vương thống lĩnh Khu-mật viện.
Triệu Thành chỉ lên tấm bản đồ:
- Đầu tiên cô-gia cử những trọng thần văn võ toàn tài trấn nhậm các lộ Quàng-đông, Quảng-tây. Bây giờ hai lộ đó giàu có súc tích, binh khí hùng tráng. Cô-gia phải chỉnh đốn lại Giao-chỉ, Chiêm-thành, Lão-qua, Đại-lý. Về Giao-chỉ, trước đây Lý Công-Uẩn nhân lúc vua Lê Ngọa-triều gây nhiều tội ác băng hà. Y liên kết cùng Thân Thiệu Anh, Đào Cam-Mộc cướp ngôi. Các thân vương nhà Lê phiêu bạt khắp nơi. Thiên-triều vốn trọng Nho học, thương bầy tôi nhà Lê cũ vốn trung thành bao năm, muốn tìm con cháu lập lại chính thống. Nhưng hơn mười năm qua tìm không thấy. Mới đây....
Y ngừng lại tỏ vẻ vui mừng, tiếp:
- Trời không phụ nhà Lê. Cô-gia tìm thấy Nam-quốc vương Lê Long-Mang hiện ẩn cư tại trấn này. Tự quân thiên-triều hiện là một nhân vật lẫy lừng, phúc trạch trải khắp thiên hạ, võ công vô địch Lĩnh-nam.
Y ngừng lại đưa mắt nhìn cử tọa để theo dõi, cũng để cho cử tọa thắc mắc về Lê Long-Mang, rồi mới tiếp:
- Người đó là Hồng-Sơn đại phu.
Tất cả mọi người đều bật lên tiếng "Ái chà", "Ấy...a".
Triệu Thành tiếp:
- Cô-gia tìm đến Vạn-thảo sơn trang thì được biết Nam-quốc vương ẩn cư, nuốt hận, nếm sương, nằm gai nếm mật, chiêu mộ dạy hơn ba ngàn đệ tử văn võ kiêm toàn. Đoàn đệ tử ấy đi khắp nơi cứu nhân độ thế, gây cảm tình suốt cả Hoa-Việt. Nam quốc vương chỉ còn chờ ngày khởi binh. Cô-gia gặp Nam quốc vương bèn tỏ ý tái lập chính thống. Quốc vương mừng lắm.
Triệu Thành liếc nhìn Chế Ma Thanh:
- Cô-gia sang Chiêm-thành, đi đến đâu cũng thấy dân chúng ca tụng công đức hoàng đệ Chế Ma Thanh. Họ ước ao nếu hoàng đệ lên làm vua thì họ sung sướng biết bao. Họ chê quốc vương Chế Ma Huy ngu như lợn, không có ân đức gì cả.
Sự thực thì khi Chế Ma Báo (Rudravarman) thân phụ Chế Ma Thanh còn tại vị. Ông cùng hoàng hậu sinh ra người con trưởng tên Chế Ma Huy. Ông cực kỳ sủng ái người thiếp tên Mỹ- Hương. Mỹ-Hương sinh ra Chế Ma Thanh. Khi ông băng hắ triều đình định lập Chế Ma Thanh kế vị. Nhưng Mỹ-Hương không chịu lên dàn hỏa cùng quốc vương. Vì vậy triều đình truất phế mẹ con y. Lập Chế Ma Huy lên thay tức 'Rutdravarman II). Võ công Ma Huy bình thường, song là ông vua nhân đức. Trong khi đó Chế Ma Thanh võ công cao cường, thường đi lại liên kết với Đại-việt, Chân-lạp định cướp ngôi anh.
Vừa lúc đó Triệu thành tới Chiêm. Y dò ra manh mối, bèn khích Chế Ma Thanh cướp ngôi anh. Chế Ma Thanh mừng như bắt được vàng. Nhưng khi nghe Triệu Thành nói dối dân chúng ca tụng công đức y, thì y đỏ mặt lên. Vì ngoài bản lãnh ăn chơi bắt gái nhà lành về hiếp, y chẳng còn đức gì.
Triệu Thành cười:
- Chế vương gia! Tôi sang Chiêm, được nghe con gái Chiêm thường hát khúc hát, mà người ta nói rằng trong đó có nội dung ca tụng công đức vương gia. Tôi không hiểu tiếng Chiêm, mong vương gia dịch cho.
Y vẫy tay. trong nhà có ba thiếu nữ, trang phục theo lối Chiêm-thành bước ra cúi đầu chào rồi vừa múa, vừa hát. bài hát âm thanh nhẹ nhàng, dìu dặt, thê thảm. Bài hát ngụ ý ca tụng hoàng đệ Chế Ma Thanh là người nhân đức, võ công cao cường. Khắp nước Chiêm, thiếu nữ nào nghe đến tên cũng dành cho mối nhu tình.
Sự thực làm gì có bài ca đó? Chẳng qua Triệu Thành sai Vương Duy-Chính làm bài ca bằng tiếng Hán, rồi sai người Chiêm dịch ra, tập cho ba thiếu nữ này múa hát, hầu gây quyết tâm cho Chế Ma Thanh.
Nghe xong bài ca, đang từ một tên tham dâm ác độc, bỗng thấy mình thành ông thần giáng thế, nhân đức trải khắp non sông.
Triệu Thành tiếp:
- Cô-gia quyết định lập Chế Ma Thanh lên làm Chiêm quốc quận vương. Còn bên Lão-qua, ấu quân là một đứa trẻ tàn tật thì còn gì là thể thống nữa? Phụ chính đại thần lại thông dâm với Thái-hậu. Vì vậy cô-gia quyết định lập hoàng thúc Lão-qua lên làm Lão-qua quận vương.
Triệu Thành hỏi Dư Tĩnh:
- Dư kinh lược sứ, bây giờ chúng ta phải làm gì?
Dư Tĩnh đứng dậy, kính cẩn vái chào cử tọa:
- Khải tấu vương gia, chuyện ba nước không thể làm một lúc. Phải chia làm ba đoạn. Quốc-vương Chiêm-thành, Lão-qua hiện giờ đều quy phục Lý Công-Uẩn. Binh lực của Uẩn cực kỳ hùng mạnh, lương thực, quốc dụng giàu có vô cùng. Chúng ta phải tính việc Lão-qua trước. Đầu tiên Đàm tiết-độ sứ phúc trình về triều Lý rằng có nhiều trộm cướp ở biên giới Lào-Việt, rồi đem quân tuần du biên cương. Thái-hậu Lão-qua thấy binh Việt ở biên giới tất sai tướng đem hùng binh tuần phòng. Lực lượng tại Vạn-tượng không còn. Quốc sư Nguyên-Hạnh gửi sang giúp Lão-qua mấy cao thủ cùng vài đội Hồng-hương thiếu niên, đặt dưới quyền điều khiển của Phủ vương gia. Phủ vương gia bất thần đột nhập hoàng thành giết chết Thái-hậu cùng tiểu quốc vương, rồi đổ cho thích khách. bấy giờ triều đình bắt buộc phải tôn Phủ vương gia lên kế vị. Khi lên kế vị, Vương-gia sai sứ sang cống Thiên-triều. Thế là xong.
Phủ-Vạn hỏi:
- Thưa Vương-gia nếu tiểu vương bỏ Việt, sang quy phục Tống, ất Lý Công-Uẩn đem quân sang đánh. Sợ thần không chống nổi.
Dư Tĩnh vẫy tay cho Phủ Vạn ngồi xuống:
- Vương-gia đừng sợ, khi chính biến bên Lão-qua diễn ra, thì hai lộ Quảng chúng tôi đem quân tới biên giới Hoa-Việt. Lý Công-Uẩn sợ té đái, vãi phân ra, đâu còn giám đánh Vương-gia nữa. Khi sứ sang Biện-kinh tiến cống, thì triều đình ban sắc phong cho Vương-gia, tức nhận Vương-gia là con của Thiên-tử. Tổ bảo Công-Uẩn cũng không giám đánh Vương-gia.
Mọi người nghe Dư Tĩnh hiến kế đều gật đầu tán thành. Dư Tĩnh nhìn Chế Ma Thanh:
- Chế vương gia hiện đang cầm một phần binh lực trấn đóng phía Nam Chiêm quốc phải không? Xin Nguyên-Hạnh quốc sư gửi sang cho Vương gia mấy cao thủ làm tướng. Sau khi việc Lão-qua yên. Đàm tiết-độ sứ đem quân tuần du biên giới. Chế Ma Huy ắt đem quân lên phía Bắc đề phòng, trong khi quân qua kinh đô, thình lình Vương-gia đem quân chiếm Chà-bàn, chỉ cần đánh một tiếng trống chiếm được kinh thành. Khi chiếm được Chà-bàn rồi, Vương-gia sai sứ vượt biển sang cống Thiên-triều nhận sắc phong. thế là Lý Công-Uẩn mất chân tay phía Nam.
Dư Tĩnh cầm chung trà uống một hớp rồi tiếp:
- Khó nhất là 207 khê động phía Bắc Giao-chỉ. tất cả trang chủ, động chủ đều con gái Lý Công-Uẩn lên làm vua Bà. Thiên-triều dùng trăm phương ngàn kế để phân tán mà không thành. Mãi gần đây mới tìm ra hai động muốn chống Lý. Người thứ nhất là họ Lưu ở châu Quảng-nguyên.Người thứ hai ở châu Thái-nguyên họ Nùng. Chúng tôi đã có kế hoạch xui cho họ Nùng tạo phản. Khi họ Nùng khởi binh. Bấy giờ chúng ta tính tới Giao-chỉ.
Dư Tĩnh tiếp:
- Đợi khi họ Nùng phản, Lý Công-Uẩn tất đem quân lên đánh. Hai hổ tranh nhau tất một hổ chết, một hổ bị thương. Hổ chết tất họ Nùng. Bấy giờ Thiên-triều cho binh từ hai lộ Quảng đến biên giới phía Bắc. Cho thủy quân Mân-Triết đổ vào bờ biển. Phía Tây binh Lão-qua kéo sang. Phía Nam binh Chiêm thành đánh về. Tứ diện thụ địch. Bấy giờ trong nước Hồng-Sơn đại phu cùng quốc sư Nguyên-Hạnh cho hai đạo đệ tử Hồng hương và Vạn-thảo kéo cờ trung hưng nhà Lê, diệt kẻ thoán đạtø Lý Công-Uẩn.
Ngoài này Mỹ-Linh nghe Dư Tĩnh hoạch đinh kế sách, nàng than thầm:
- Hỏng bét, bọn Tống âm mưu ghê thật. Không biết ông nội với chú hai sẽ đối phó ra sao?
Nguyên-Hạnh truyền bày tiệc rượu. Y vẫy tay một cái, có mười thiếu nữ quần áo màu hồng từ trong nhà, hai tay bưng những khay đựng thức ăn bày ra. Y cầm bình rượu rót vào từng chung :
- Thưa quý vị. Chẳng mấy khi Sơn-tĩnh được đón tiếp các đại quý khách, mai đây đều lên ngôi vua. Bản Sơn kính mời quý vị dùng chút ít thổ sản lấy thảo. Đây là rượu nếp cẩm. Nếp cẩm nấu thành rượu chứa vào hũ, đem bỏ xuống đáy hồ. Nếp cẩm bổ huyết cực kỳ mạnh, vốn thuộc "âm". Khi làm rượu có men vào. Men là dương. Hóa ra âm dương hòa hợp. Rượu lại ngâm dưới đáy hồ mười năm qua, thấm khí âm, dương, trời, đất, sơn, tuyền uống vào sẽ tăng tiến sức khỏe, trường sinh bất lão.
Dư Tĩnh tiếp chung rượu từ tay Nguyên-Hạnh, y nói lớn:
- Chúng tôi đang hợp nhau uống rượu, quý khách đến xin mời cùng uống chung này lấy thảo.
Nói rồi y liệng chung rượu về phía Mỹ-Linh. Kình lực mạnh không thể tưởng được. Mỹ-Linh rút kiếm quay một vòng để giải kình lực, rồi nàng đánh xéo một chưởng. Chung rượu đổi chiều bay về phía Nguyên-Hạnh. Nguyên-Hạnh phất tay một cái chung rượu hướng về phía Địch Thanh. Địch Thanh quay tay một vòng đẩy nhẹ một chưởng. Chung rượu lại bay về phía Mỹ-Linh. Nhưng chung rượu chưa đổi chiều, Mỹ-Linh đã phóng một Lĩnh-nam chỉ. Bốp, chung rượu vỡ tan tành.
Nàng vừa thu tay về, thì bốn bên đã bị hơn hai chục người bao vây. Hồng-hương thiếu niên đốt đuốc sáng rực. Nguyên-Hạnh thấy một cặp nam nữ thiếu niên bịt mặt, quần áo ướt nhèm, ung dung đối diện với các cao thủ. Y không tin một trong hai người này có thể đủ sức làm đổi hướng lực đạo chung rượu của Dư Tĩnh. Sau đó còn phát ra chỉ lực đánh bể chung. Y đưa mắt nhìn trước, nhìn sau muốn tìm ra kẻ phát lực. Y hỏi:
- Các người là ai?
Mỹ-Linh cười nhạt:
- Ta là con dân Đại-Việt đi bắt gian.
Mỹ-Linh lên tiếng, Triệu Anh, Triệu Huy thấy rất quen. Nhưng nàng bịt mặt, quần áo bị ướt, bọn y chưa đoán ra. Nguyên-Hạnh tự thị là đệ nhất cao nhân đương thời, không muốn bắt nạt trẻ con. Y bảo Đàm An-Hòa:
- Xin Chiêu-thảo sứ bắt hai đứa này bỏ khăn che mặt ra. Đàm An-Hòa tiến tới gần Mỹ-Linh, y đưa tay chụp vai nàng. Mỹ-Linh rút kiếm ra, mọi người lóe mắt ánh thép thoáng qua. Đám An-Hòa thấy đầu mát rượi. Y vội lui về đưa tay lên sờ. Tóc y rơi xuống lả tả. Những người hiện diện chỉ có Nguyên-Hạnh, Đông-Sơn, Minh-Thiên, Dư Tĩnh, Địch Thanh, Vương Duy-Chính là nhìn rõ nàng rút kiếm, đưa một nát cạo trọc đầu Đàm An-Hòa rồi cho kiếm vào vỏ. Có điều nàng xuất chiêu nhanh quá, khiến Đàm phản ứng không kịp.
Ai cũng kinh hoàng, tự hỏi:
- Nếu mình là Đàm An-Hòa liệu có tránh được chiêu kiếm kia không? Người con gái này ra chiêu mình nhìn rõ ràng, nhưng chưa kịp suy nghĩ, chưa kịp phản ừng, nàng đã xuất xong, làm sao tránh cho được?
Nguyên-Hạnh đã từng trải qua bao nhiêu năm kinh lịch, y nhận ra chiêu kiếm của Mỹ-Linh mang tên Phong quá sơn đầu của phái Mê-linh. Y nghĩ:
- Chiêu kiếm này không có gì là lạ lùng, huyền ảo cả, nhưng kỳ diệu ở chỗ xuất thủ thôi. Ta thấy chưởng môn phái Mê-linh Tịnh-Tuệ xuất chiêu này nhiều lần, nhưng đâu có mau như vậy.
Nguyên-Hạnh quay lại gọi vợ:
- Túc-không hãy lĩnh giáo mấy chiêu kiếm của cô nương đây xem nào?
Từ bao năm nay Nguyên-Hạnh vẫn trong lớp áo của một đại hòa thượng đắc đạo. Một đại tôn sư võ học, nhưng trong bóng tối, y lấy nữ đệ tử tên Cao Thach-Phụng làm vợ. Thạch-Phụng cũng có văn học. bản lĩnh võ học của mụ cũng vào loại cao thủ hiếm có. Khi tắt lửa tối đèn, y thị làm vợ của Nguyên-Hạnh, trước mặt mọi người, thị vẫn phải đóng vai đệ tử. Trong thâm tâm mụ, mụ uất ức vô cùng. Rõ ràng mình có chồng, chồng có địa vị cao, mà không được hưởng cái danh dự gái có chồng.
Triệu Thành biết được việc đó. Y dùng vàng bạc mua chuộc Thạch Phụng. Y thuyết Thạch-Phụng nên theo chồng mà bỏ Lý theo Tống, vợ chồng đều được hưởng sắc phong. Khi triều Lê tái lập, tân hoàng đế phong cho Nguyên-Hạnh làm quốc sư, phong cho Thạch-Phụng làm phu nhân, lập ra một kỷ nguyên mới cho phép tăng ni được lấy vợ, lấy chồng. Đức Thích-ca Mâu-ni xưa chẳng đã có vợ, có con rồi mới đi tu đó sao?
Quả nhiên Thạch-Phụng nghe theo. Y thị không cần chồng đồng ý hay không, cứ quyết định bướng. Quả nhiên Nguyên-Hạnh phải nghe vợ. Triệu Thành cao tay hơn, trong chiếu chỉ phong chức tước cho Nguyên-Hạnh, y phong cho Thạch-Phụng làm Túc-không quan âm. Tức coi Thạch-Phụng như vợ chính thức của Nguyên-Hạnh. Sắc chỉ ban ra, Thạch-Phụng mở cờ trong lòng, từ nay đệ tử của Nguyên-Hạnh phải gọi y thị bằng sư mẫu, chứ không được cá mè một lứa.
Nguyên-Hạnh không biết điều đó, y vô tình vẫn coi Thạch-Phụng là đệ tử, sai y thị đấu với Mỹ-Linh. Thạch-Phụng bực mình lắm, y thị hứ một tiếng tỏ vẻ bất mãn, nhưng thị cũng rút kiếm ra đối diện với Mỹ-Linh. Thị nói:
- Tiểu cô nương, người ra chiêu trước đi.
Mỹ-Linh biết Thạch-Phụng học kiếm với Nguyên-Hạnh chắc y thị xử dụng kiếm pháp Tiêu-sơn. Mà kiếm pháp Tiêu-sơn do Trần Tự-Viễn chế ra, rất hiểm độc, dùng kiếm khí hơn kiếm chiêu. Nếu nàng đấu nội lực với y thị, hóa ra lấy sở đoản đấu nhau với sở trường. Vì vậy nàng cần lấy mau thắng chậm.
Chỉ thấy tháp thoáng một cái, có tiếng kêu ái chà rồi tiếng choang lớn vang lên. Thạch-Phụng ôm tay nhảy lui lại, máu ra đầm đìa. Trong khi đó, Mỹ-Linh tra kiếm vào vỏ đến cạch một tiếng.
Nguyên-Hạnh nhìn rõ Mỹ-Linh lao tới, tay rút kiếm xỉa một nhát. Nhưng nàng xử dụng thần tốc quá, Thạch-Phụng không phản ứng kịp. Thạch-Phụng đưa tay để một thiếu niên Hồng-hương băng cho. Y thị nhặt kiếm, nói:
- Cô nương, chiêu vừa rồi ta không chuẩn bị kịp. Ta xin lãnh giáo cô nương mấy chiêu nữa.
Nói rồi y thị phóng kiếm tấn công, Mỹ-Linh nghĩ:
- Y thị dùng kiếm khí. Ta nhân có nội lực của mấy đại cao thủ. Ta thử xử dụng Tiêu-sơn kiếm pháp xem sao.
Nàng cũng tà tà đâm ra một chiêu kiếm pháp Tiêu-sơn. Nguyên-Hạnh kêu lên:
- Ủa chiêu Sơn trung ẩn hoa đây mà.
Cứ thế mỗi chiêu Thạch-Phụng đánh ra, Mỹ-Linh lại trả bằng đúng chiêu đó. Nhưng nàng đánh ra chiêu sau mà tới trước. Đấu được hơn trăm chiêu. Thạch-Phụng ỷ mình có công lực cao. Y thị muốn hai kiếm chạm nhau, hầu đánh văng kiếm của Mỹ-Linh đi. Lúc đầu Mỹ-Linh còn tránh. Sau nàng cũng muốn thử xem sao. Đúng lúc đó Thạch-Phụng đánh ra một kiếm, Mỹ-Linh đưa mũi kiếm ra. Hai mũi kiếm chạm nhau. thạch-Phụng đắc ý dồn chân khí ra. Mỹ-Linh nhớ lại yếu quyết nội công nói rằng: Phải không tâm mới thắng hữu tâm. Nàng buông lỏng chân khí thạch-Phụng thấy vậy cả mừng, y thị càng dồn chân khí ra, Mỹ-Linh dùng phương pháp quy liễm thu lại.
Người ngoài thấy Mỹ-Linh còn trẻ, mà kiếm chiêu đã đến trình độ xuất thần nhập hóa thực hiếm cố. Nay thấy nàng đấu nội lực với Thạch-Phụng, lo cho nàng.
Minh-Thiên đại sư lên tiếng:
- Túc-không Quan-âm, xin nhẹ tay.
Địch Thanh cầm sẵn kiếm trong tay, hễ thấy nguy hiểm cho Mỹ-Linh, y nhảy vào gạt kiếm Thạch-Phụng. Sau khoảng thời gian nhai dập miếng trầu, Mỹ-Linh vẫn ung dung như thường. Trong khi đó mồ hôi trê trán Thạch-Phụng xuất ra, nhỏ từng giọt.
Về phần Thạch-Phụng y thị thấy chân khí tuôn ra ào ào thì kinh hãi vô cùng. Nếu cứ tiếp tục một lúc sau sẽ kiệt quệ mà chết. Y thị muốn lên tiếng kêu cứu van xin mà không giám, vì biết mở miệng sẽ hộc máu mồm ra mà chết.
Khoảng một thời gian nữa qua đi, chân khí Thạch-Phụng đã kiệt. Mỹ-Linh thu kiếm về, nhảy lùi lại sau mỉm cười. Thạch-Phụng lảo đảo ngã xuống. Một thiếu nữ Hồng-hương chạy ra đỡ thị dậy.
Nguyên-Hạnh hỏi:
- Cái gì vậy?
Thạch-Phụng thều thào đáp:
- Nó biết xử dụng Không tâm, vô ngã tướng thần công.
Câu nói đó của Thạch-Phụng làm Minh-Thiên, Nguyên-Hạnh kinh khiếp đến đờ người ra.
Nguyên phép Không tâm vô ngã tướng thần công của nhà Phật, nằm trong yếu chỉ Thiền-na. Trước đây tổ thứ nhất của Thiền-tông là Ma-ha-ca-diếp trong khi nghiên cứu kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã đã tìm ra ba loại thần công. Một là Không tâm vô ngã tướng, khi xử dụng, dù đối thủ công lực cao đến đâu đánh ra, cũng bị thu mất. Hai là Không tâm vô nhân tướng, khi xử dụng có thể hóa giải lọi thứ công lực của đối thủ. Thứ ba là Không tâm vô chúng sinh tướng, khi xử dụng, có thể đẩy mọi thứ chân khí của đối thủ về đánh đối thủ. Thần công Không tâm vô ngã tướng truyền thụ đến đời thứ mười thì bị tuyệt tích. Các đời sau chỉ nghe nói, mà không biết xử dụng. Chính Huệ-Sinh khi dạy nàng cũng không ngớt ca tụng thần công này. Ông cứ than tiếc thần công đó bị mai một. Mỹ-Linh cứ nghe nói nhiều mà chưa thấy.
Thần công Vô ngã truyền vào Lĩnh-nam do tổ thứ tám là Tăng-giả Nan-đà. Tổ đến Lĩnh-nam đúng vào lúc vua Trưng khởi nghĩa. Ngài truyền cho Tiên-yên nữ hiệp, Trần Năng, Phật-Nguyệt. Sau khi vua Trưng tuẫn quốc, thần công này bị thất truyền. Mỹ-Linh có cơ duyên học được trong di thư chép ở bia đá. Nàng đem ra xử dụng lần đầu thắng Tung-sơn tam kiệt và Đinh Toàn. bây giờ xử dụng lần nữa thắng Thạch-Phụng. Khi Mỹ-Linh tập, nàng cũng không biết tên thần công đó là gì. Hôm nay nghe Thạch-Phụng nói, nàng mới biết tên thực của nó.
Minh-Thiên tiến lên chấp tay hướng Mỹ-Linh:
- A-di-đà-phật. Có phải thần công thí chủ xử dụng mang tên Vô ngã tướng thần công không? Cô nương là đệ tử của cao tăng nào vậy?
Mỹ-Linh rất trọng sư đạo. Tuy nàng không học thần công này của Huệ-Sinh với chú. Nhưng nàng muốn đề cao sư môn, nàng đáp:
- Sư phụ tôi họ Lý tên Long-Bồ.
Tất cả mọi người nghe nói đều bật lên tiếng "ồ". Minh-Thiên càng ngạc nhiên không ít. Vì trước đây mấy tháng ông đã thử công lực với Khai-quốc vương. Ông thấy công lực chàng cao thật nhưng không thể hơn Thạch-Phụng. Nay Thạch-Phụng bị Mỹ-Linh đánh bại dễ dàng, mà Mỹ-Linh lại là đệ tử của Lý Long-Bồ, ông tin thế nào được?
Minh-Thiên chấp tay:
- Bần tăng muốn tiếp cô nương mấy chiêu.
Mỹ-Linh biết cao nhân này võ công bậc nhất Trung-nguyên. Nàng vội hít hơi không tâm, vận Vô ngã tướng thần công đứng chờ. Minh-Thiên từ từ đẩy ra một chiêu Thiếu lâm kim cương chưởng. Mỹ-Linh cũng đẩy ra một chiêu Thiên sơn tượng đầu chưởng. Bình một tiếng Mỹ-Linh bay bỗng lên cao. ở trên không nàng lộn đi mấy vòng rồi đáp xuống. Cái khăn che mặt của nàng, bị gió cuốn bay mất. Ngực nàng căng tức, khí huyết chạy nhộn nhạo trong người.
Minh-Thiên đứng im tần ngần suy nghĩ. Chiêu vừa rồi ông đánh ra, bao nhiêu chân khí bị biến mất. Ông là cao tăng đắc đạo, không muốn nói dối. Ông gật đầu:
- Cô nương. Chiêu Tiêu-sơn tượng đầu chưởng của cô nương vừa rồi có pha nội công của nhiều phái. Thứ nhất nội công của Tản-viên lẫn với Vô ngã tướng thiền công, rồi lại pha với nội công phái Mê-linh nữa. Có đúng không?
Triệu Anh đến trước sư phụ chỉ Mỹ-Linh:
- Sư phụ. Cô nương này là cháu nội Lý Công-Uẩn được phong làm công chúa Bình-dương.
Y chỉ Thân Thiệu-Thái:
- Người này là cháu ngoại Lý Công-Uẩn, con trai Thân Thừa-Quý ở Lạng-châu.
Triệu Anh tiếp:
- Phải bắt giữ hai người này. Vì bao nhiêu kế hoạch của chúng ta, họ đã nghe hết.
Nguyên-Hạnh kinh ngạc vô cùng. Y cho rằng có điều bí ẩn. Vì hôm giỗ Lệ-hải bà vương, rõ ràng y trông thấy Mỹ-Linh không đỡ nổi mũi phi tiễn của thích khách, mà sao nay có công lực mạnh đến thế?
Y đến trước Mỹ-Linh:
- Bần tăng xin công chúa chỉ dạy cho.
Nói rồi buông tay chờ. Mỹ-Linh nghe Huệ-Sinh nói rằng Nguyên-Hạnh đã biết võ công rồi mới xin gia nhập phái Tiêu-sơn. Y được một cao tăng là Bố-Đại hòa thượng thu làm đệ tử. Võ công y cao thâm không kém gì Lĩnh-nam ngũ long. Nàng vội vận chân khí, không tâm đẩy ra một chiêu Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng. Nguyên-Hạnh cũng đẩy ra một chưởng rất quái dị. Bình một tiếng. Cả hai đều bật lui lại. Mọi người đều buồn nôn vì trong chưởng của Nguyên-Hạnh có mùi hôi tanh khủng khiếp.
Đông-Sơn lão nhân kinh ngạc hỏi Nguyên-Hạnh:
- Đại sư. Vừa rồi chưởng của đại sư có phải là Nhật-hồ độc chưởng?
Nguyên-Hạnh mỉm cười trả lời bằng cái gật đầu.
Chợt Mỹ-Linh thấy ngực đau ngâm ngẩm, rồi mùi tanh hôi đưa lên. Nàng chịu không được, ọe một tiếng, phun ra bụm máu. Thân Thiệu-Thái chạy lại đỡ nàng. Chàng chỉ vào mặt Nguyên-Hạnh:
- Uổng cho mi đường đường là một cao nhân mà lại xử dụng chưởng độc hại người.
Minh-Thiên thấy Mỹ-Linh là đệ tử nhà Phật. Ông không muốn hại nàng. Ông nói với Nguyên-Hạnh:
- Đại sư, tôi xin đại sư giam hai người này lại. Đợi khi đại sự xong sẽ thả ra.
Minh-Thiên là sư phụ Triệu Thành. Nguyên-Hạnh đâu giám trái lệnh. Y líu ríu nói:
- Xin tuân lệnh đại sư.
Y vung tay một cái đã chụp được Thân Thiệu-Thái. Mỹ-Linh muốn rút kiếm ra mà tay không còn lực. Nàng cũng bị Nguyên-Hạnh bắt.
Nguyên-Hạnh xách hai anh em nàng, dùng khinh công chạy lên sườn núi dựng đứng. Tới gần đỉnh có cái hang. Ngoài hang có cửa sắt. Y dùng chìa khóa mở ra, đẩy hai anh em vào rồi khóa lại.
Mỹ-Linh với Thiệu-Thái thức gần trọn đêm, lại lặn dưới nước sâu. Sau đó nàng đấu với Thạch-Phụng, tuy thu hết công lực của thị, nhưng người nàng đã mệt nhoài. Sau đó nàng đấu nội lực với Minh-Thiên, nội lực của đối thủ bỏ xa nàng. Vì vậy nàng bị hất đi xa. Kinh khí bị bế tắc, muốn không thở được. Tiếp đó nàng đấu với Nguyên-Hạnh, hút phải độc chưởng của y.
Thiệu-Thái bồng nàng, nhìn vào trong hang. Không biết hang này sâu đến đâu. Trong này Nguyên-Hạnh còn giam bao nhiêu người nữa? Chàng ngồi yên không dám động đậy, sợ Mỹ-Linh đau. Mỹ-Linh vẫn thiêm thiếp ngủ, thỉnh thoảng nàng rên lên mấy tiếng nho nhỏ. Mệt quá chàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Khi chàng tỉnh giấc mặt trời đã lên cao. chàng thấy Mỹ-Linh vẫn còn thiêm thiếp, vội bồng nàng lên, đặt trên chỗ bằng phẳng, rồi dò dẫm đi sâu vào trong hang. Vào khoảng ba chục bước, có chỗ quẹo sang trái, hang đi trở xuống. Chàng tiếp tục đi mãi, càng xuống sâu, càng thấy ẩm ướt, không có ánh sáng. Chợt nhớ ra đá lửa, với bổi còn mang bên mình. Chàng đánh lửa đốt lên, tiếp tục đi xuống. thấy đằng trước có ánh sáng. Chàng lần mò đi tới chàng suýt bật thành tiếng kêu, vì phía trước có nhiều cửa sổ bằng sắt, ăn thông vào sườn núi, gió lùa từ cửa sổ vào, bốc ra mùi xú uế không thể tưởng tượng được.
Tò mò, lại gần cửa sổ nhìn, chàng suýt bật thành tiếng la hoảng, vì sau cửa sổ có một quái nhân ngồi. Quái nhân này, đầu trọc nhẵn bóng, râu ria xồm xoàm dài quá rốn, trắng như cước, trong tư thế ngồi thiền. Chàng tỉnh ngộ:
- Thì ra sau cửa sổ này, có phòng giam người. Sau phòng giam còn cửa sổ nữa thông với sườn núi, chắc là nơi cho tù ăn.
Chàng lay cửa gọi:
- Tiền bối. Tiền bối.
Quái nhân vẫn bất động. Chàng cầm viên đá ném vào quái nhân. Bộp một tiếng. Viên đá trúng bụng quái nhân, tự nhiên phát lên tiếng kêu vo vo, inh tai nhức óc, từ từ bay lại phía chàng.. chàng kinh hãi tránh sang bên cạnh. Lập tức viên đá đổi chiều đánh véo, rồi lại quay tròn theo chàng.
Biết gặp kình địch, chàng chạy sang phải, rồi sang trái. viên đá đi không theo kịp chàng, trúng vào vách hang, kêu lên tiếng chát, rồi vỡ tan tành thành bụi.
Thiệu-Thái kinh hoàng nghĩ:
- Quái nhân này là ai, mà công lực đến dường này?
Ta đã từng thấy ông nội, đại sư Huệ-Sinh dùng Đàn chỉ thần công bắn đá. Kình lực làm viên đá vừa quay vừa đi, phát ra tiếng kêu. Đó là lẽ hiển nhiên. Nhưng quái nhân không chuyển động, chỉ dùng sức phản kích, mà kình lực còn mạnh hơn ông nội ta nữa, thực trên thế gian này có một không h ai.
Quái nhân vẫn ngồi yên bất động.
Tính tinh nghịch nổi dậy, chàng cầm viên đá nữa ném vào quái nhân. Trong khi đó chàng chuẩn bị bỏ chạy. Nhưng viên đá không chạy theo chàng, trái lại nó dính trên bụng quái nhân, không rơi xuống. Chàng lại nhặt viên đá nữa ném vào ngực quái nhân, nó lại dính chặt không rơi. Cứ thế chàng lại nhặt đá ném. phút chốc người quái nhân dính đầy đá.
Chán nản, cháng sang cửa bên cạnh, lại một quái nhân nữa, nằm dài, dường như ngủ.Quái nhân này mặt lớn như cái trống, mặt đẹp vô cùng. Chàng gọi:
- Tiền bối, tiền bối.
Người đó vẫn nằm yên, trả lời:
- Ta không phải tiền bối.
- Thế thì là hậu bối vậy.
Người đó đáp:
- Ta không phải là hậu bối.
Thiệu-Thái có cảm tưởng người đó điên. Chàng hỏi:
- Thế người là ai?
Người đó đáp:
- Ta là ta mà cũng không phải là ta.
- Thế người tên là gì?
- Lâu ngày ta quên mất cả tên rồi.
Thấy đã tìm ra đầu mối, chàng hỏi:
- Tiền bối người đã bị giam ở đâu bao lâu rồi?
- Ta nhắc lại, ta không phải là tiền bối nhé. Ta đâu có bị giam. Ta tự đến đây đấy chứ.
- Người ngồi dậy cho ta coi mặt được không?
- Ta không ngồi dậy đâu. Nhưng ta có thể cho người xem mặt.
Người đó quát một tiếng, thân hình bật dậy như con cá, rồi hai tay chống xuống đất, chân chổng lên trời. Hai tay di chuyển đến gần cửa sổ. Thiệu-Thái nhìn kỹ, thì ra một nhà sư, đầu trọc bóng hai má phính ra, mặt bầu, da dẻ hồng hào. Trên người ông chỉ cuốn tý vải che hạ bộ. Bụng ông phệ, da trắng nõn.
Thiệu-Thái hỏi:
- Người có biết ai bị giam bên kia không?
- Biết chứ, người đó không hề bị giam.