Chương 14
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Nghe Thanh-Mai nói, Đoàn Huy cảm động đến run người lên. Y nghĩ:
- Hôm trước Chu Minh từ Thiên-trường về ca tụng võ đạo phái Đông-A không tiếc lời. Hôm nay mình mới được thấy sự thực.
Ông đến trước Thuận-Thiên hoàng đế, lạy phục xuống đất:
- Hoàng đế bệ hạ. Xin người nhận ở thần mấy lạy, để tỏ lòng qui phục. Từ nay, thần sẽ vì Đại-Việt đi tuyên dương đại đức của bệ hạ. Thần xin hết sức thuyết phục triều đình Đại-lý kết hiếu với Đại-Việt trong tinh thần bình đẳng. Việc chính thống sẽ bàn sau. Cuộc đấu võ vào ngày rằm cũng xin hủy bỏ. Thần đã bị Trần cô nương dùng võ đạo đánh bại mất rồi.
Lão lại quì gối trước Thanh-Mai lạy liền bốn lạy:
- Trần cô nương. Từ nay lão vĩnh viễn xin tuân mạng lệnh cô nương, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thanh-Mai đã tỉnh. Nàng ngồi ngay ngắn lại, nói với Đoàn Huy:
- Đoàn tiền bối. Khi tôi bắt mạch cho người. Người dồn chân khí tấn công tôi. Tôi có thể thu tay về, mà tôi không làm thế. Tôi thấy vận mệnh Đại-lý, Đại-Việt đủ sức chống lại được nhà Tống, nếu có sự góp công của tiên sinh. Vì vậy tôi không muốn tiên sinh bị nguy... Thanh-Mai này có chết đi, thì sẽ có hàng vạn Thanh-Mai khác. Nhưng tiền bối chết đi e hai nước Đại của chúng ta thiếu một người đầy khả năng kết hợp.
Câu tôi không muốn tiên sinh bị nguy đối với Đoàn Huy là nàng tránh cho y bị triều Lý giết chết. Còn đối với mọi người, câu trên có nghiã nàng hút chất độc trong người y cho y sống.
Đoàn Huy hướng vào Thuận-Thiên hoàng đế:
- Muôn tâu hoàng thượng, thần xin vì Đại-việt mà loan báo một tin quan trọng, có liên quan đến vận mệnh Việt tộc.
Cả sảnh đường im lặng. Đoàn Huy tiếp:
- Thần được tin Lưu-Hậu nhà Tống phái nhiều đoàn do thám sang Đại-Việt với mục đích mưu đồ đánh chiếm, hầu mở rộng giang sơn xuống phía Nam.
Thuận-thiên hoàng đế cùng các thân vương, công chúa đều được Khu-mật viện phúc trình đầy đủ về các đoàn do thám của Tống. Nhưng ngài im lặng nghe Đoàn Huy tâu xem y có thực tình với Đại-Việt không. Ngài hỏi:
- Trấn-nam vương biết được những gì, xin cho trẫm biết.
Đoàn Huy tâu:
- Triều Tống muốn mở rộng giang sơn lên phía Bắc gặp phải Tây-hạ, Liêu, Kim binh lực hùng mạnh. Vì vậy họ muốn mở xuống Nam. Trước đánh chiếm Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-qua, sau đánh Đại-lý. Nhưng họ sợ võ công Đại-Việt. Vì vậy họ phái người sang Đại-Việt với ba nhiệm vụ. Một, tìm cho được bộ Dụng binh yếu chỉ của công chúa Thánh-Thiên cùng bộ Lĩnh-Nam vũ kinh về nghiên cứu. Hai, vẽ bản đồ điạ thế, sông ngòi sản vật, hầu dễ tiến quân. Ba, mua chuộc, liên kết võ lâm Đại-Việt chống triều đình, cùng gây chia rẽ giữa triều đình với võ lâm.
Thuận-Thiên hoàng đế gật đầu. Ngài nghĩ thầm Tin tức của Đoàn-Huy cũng khá đấy. Ngài hỏi:
- Thế các đoàn đo thám đã làm được những việc gì?
- Nhiệm vụ thứ nhất, họ đã thành công mỹ mãn, vì họ tìm ra nơi khắc di thư tại đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang ở Thanh-hóa. Họ đã chép mang theo. Bia đá, họ phá hủy hết. Hiện họ đang trên đường về nước.
Ngay từ lúc Đoàn Huy nhảy xuống Long-hoa đường. Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh cùng theo dõi Dực-thánh vương, xem phản ứng của ông ra sao? Cả ba cùng nhận thấy nét mặt của ông thực khó coi. Đôi mắt đăm chiêu tỏ ra lo lắng không ít. Mỹ-Linh nói sẽ vào tai Bảo-Hòa:
- Cứ coi nét mặt Dực-thánh vương thì biết ông theo bọn Tống để mưu cầu ngôi vua, chứ không phải ông tuân chỉ của hoàng đế hộ tống sứ đoàn.
Vũ-đức vương hỏi:
- Cứ như ý kiến Đoàn vương gia, liệu Triệu Thành mang kinh thư theo, hay y cho người mang về Tống trước?
Đoàn Huy hỏi ngược lại:
- Theo vương gia, y sẽ hành động như thế nào?
Vũ-đức vương đáp:
- Nếu là tôi. Tôi sẽ học thuộc lòng, rồi đốt đi. Hoặc mang theo trong người. Chứ trao cho người khác, lòng tham nổi dậy, họ sẽ phản mình, trốn biệt, kiếm chỗ nào vắng luyện thành bản lĩnh nghiêng trời lệch đất rồi xuất hiện e hết phương đòi lại.
Đoàn Huy vỗ tay khen ngợi:
- Đúng như vương gia nghĩ. Vì y chưa kiếm ra người đọc được văn tự Khoa-đẩu, cho nên y không học thuộc, mà mang theo bên mình. Chỉ nội ngày một, ngày hai y sẽ tới Thăng-long, rồi về nước. Tôi nghĩ triều đình phải bắt y trả lại kinh thư.
Khai-quốc vương sợ phụ hoàng họăc anh em làm hỏng mưu kế của mình, vương nói:
- Đoàn vương gia yên tâm. Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ phái người đón đường đoạt lại kinh thư. Còn mai này y đến Thăng-long với tư cách sứ thần, triều đình sẽ không đề cập đến vấn đề này.
Thanh-Mai đã tỉnh hẳn. Nàng tâu với Thuận-thiên hoàng đế:
- Dù triều đình không đòi lại, võ lâm Đại-việt dễ gì để cho sứ đoàn Tống mang di thư của anh hùng Lĩnh-nam về Tống. Đất nước này tuy chưa có chúa thánh như vua Trưng, nhưng cũng xuất hiện một minh quân nhân từ. Cho nên nhiều người sẵn sàng chết cho Đại-Việt. Kể cả tiểu nữ.
Thuận-Thiên hoàng đế nghe Thanh-Mai nói, cảm động đến không nói ra lời, ngài nắm tay Thanh-Mai:
- Cháu... cháu không thể chết được. Trẫm...Trẫm ta phải làm bất cứ việc gì cho cháu sống.
Thanh-Mai mỉm cười, nàng thở hổn hển:
- Hoàng thượng. Khó có thể biết thần sẽ sống hay chết. Dù sống, dù chết thần xin khẩn cầu bệ hạ ba việc.
Thuận-thiên hoàng đế cảm động phán:
- Cháu cứ nói. Dù việc khó đến đâu, trẫm cũng xin chu toàn.
Thanh-Mai nghiến răng chịu đau:
- Điều thứ nhất, thần xin hoàng thượng tha tội cho Khai-quốc vương vì đã cho qui gia hai phi tần. Khi vương cho hai vị cô nương đó về là muốn hoà giải nhiều mâu thuẫn giữa võ lâm với triều đình. Vương không thể nói ra tại sao, vì nói ra e võ lâm lại nổi sóng.
Thuận-thiên hoàng đế đã tuyển cho các thái tử nhiều phi tần. Khai-quốc vương cho hai phi tần về nhà, không phải tội nặng. Ngài gật đầu:
- Trẫm hứa.
- Điều thứ nhì, xin bệ hạ ân xá cho Đoàn vương gia cùng hai vị tiền bối Đại-lý. Để họ có thể về nước, xây dựng mối giao hảo Việt-Lý.
Mọi người đưa mắt nhìn Đoàn Huy. Thuận-thiên hoàng đế gật đầu:
- Trẫm hứa. Còn điều thứ ba.
Thanh-Mai ghé miệng vào tai ngài thì thầm. Người có nội công cao như phò mã Đào Cam-Mộc mà cũng không nghe rõ những điều nàng nói. Không biết nàng nói những gì, mà khiến Thuận-thiên hoàng đế tần ngần suy nghĩ một lúc, chưa có quyết định.
Đến đây nàng run lên bần bật. Thuận-thiên hoàng đế cầm tay nàng nói:
- Trẫm hứa!
Thanh-Mai mấp máy môi:
- Đa tạ bệ hạ.
Rồi ngất đi.
Khai-quốc vương hỏi Đỗ Lệ-Thanh:
- Đỗ phu nhân, làm sao bây giờ?
Đỗ Lệ-Thanh thở dài:
- Mau đem Trần tiểu thư về vương phủ. Thần xin cố gắng xem sao.
Thuận-thiên hoàng đế hô:
- Mau đem cáng của trẫm đến đây.
Không chờ cáng, chờ võng, Mỹ-Linh ôm Thanh-Mai, loáng một cái nàng đã rời khỏi lầu Thúy-Hoa. Bảo-Hòa, Thiệu-Thái, Đỗ Lệ-Thanh cùng chạy theo. Xuống lầu, tất cả lên xe ngựa, hướng về phủ Khai-quốc vương.
Vào trong phủ, Đỗ Lệ-Thanh đặt Thanh-Mai nằm ngay trên giường. Bà nắn bóp mấy huyệt, Thanh-Mai từ từ tỉnh dậy. Đến đó Lý Long-Bồ cũng về tới.
Khai-quốc vương hỏi Đỗ-lệ-Thanh:
- Đỗ phu nhân. Xưa kia công chúa Yên-Lãng bị vợ chống Phan Anh đánh trúng Huyền-âm đôc chưởng. Người dùng Thiền-công đẩy được độc chưởng trong người ra, liệu nay có thể dùng phương pháp đó không?
Đỗ Lệ-Thanh thở dài:
- Thưa vương gia không được. Ngày trước công chúa Yên-lãng chỉ bị trúng chưởng, độc chất ngoài da ngoài thịt thì đẩy ra được. Còn trường hợp Trần tiểu thư, độc chất nhập vào tạng phủ làm sao trục cho được? Chắc vương gia nhớ truyện Đào Tứ-Gia hút chất độc cứu Bắc-bình vương Đào Kỳ, sau chính Tăng-giả Nan-đà cũng đành bó tay.
Thiệu-Thái trầm tư một lúc, rồi hỏi:
- Hôm trước phu nhân bảo tôi hút chất độc cứu Chu Minh ở trang Thiên-trường được. Vậy tôi có thể dùng phương pháp này cứu mợ hai chứ?
Đỗ Lệ-Thanh lại lắc đầu:
- Hôm trước tiểu tỳ phóng chất độc vào cánh tay Chu Minh theo Thủ-thái-âm phế kinh và Thủ-dương-minh đại-trường kinh, thì hút được. Đây độc chất theo chân khí của Đoàn Huy nhập khắp người tiểu thư, làm sao hút cho nổi. Mà dù thế tử có hút hết, chỉ hút được phần ngoài da, ngoài thịt. Còn chất độc trong tim, trong gan vẫn tác hại... cũng vô ích.
Đỗ Lệ-Thanh cậy miệng Thanh-Mai bỏ vào mấy viên thuốc. Bà nói:
- Mấy viên thuốc này, để tiểu thư ngủ ngon, hầu không bị đau đớn.
Lý Long ngồi cạnh giường Thanh-Mai. Tay chàng nắm chặt tay nàng. Chàng nói với Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái:
- Đúng lý ra, Thanh-Mai không thể nào chết được. Vì nàng chỉ biết làm điều thiện. Không lẽ ông trời không có mắt? Thôi các cháu đi ngủ đi.
Chợt nhớ ra một truyện, chàng hỏi gia nhân:
- Tự-Mai, Tôn Đản đi đâu chưa về?
Gia nhân thưa:
- Hồi chiều hai vị công tử lấy ngựa đi cùng hai vị đại hiệp Thiên-trường. Hai công tử nói rằng lên núi Tản-viên, sau mấy ngày sẽ về.
Long-Bồ đóng cửa lại. Chàng ôm Thanh-Mai đặt trên lòng, chàng như muốn dùng tất cả sinh lực níu kéo nàng lại. Thanh-Mai vẫn mê mê tỉnh tỉnh, không biết gì. Ngồi một lúc, mệt quá chàng thiếp đi lúc nào không hay.
Bỗng chàng giật mình tỉnh dậy, vì có tiếng người, tiếng ngựa rầm rập trước cửa. Chàng nhìn ra, trời sáng từ bao giờ. Trời tháng tám, có những đám mây trắng trôi lờ lững, nắng vàng đổ chụp lên cây cỏ. Tiếng tỳ nữ nói vọng vào:
- Khải tấu vương gia, hoàng-thượng cùng hoàng hậu giá lâm.
Long-Bồ đặt Thanh-Mai xuống dường, sửa quần áo ngay ngắn lại, mở cửa bước ra. Thấy phụ hoàng cùng mẫu hậu tới, chàng vội gọi Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa ra quì gối hành lễ.
Thuận-Thiên hoàng đế vẫy tay:
- Miễn lễ cho vương nhi. Thế nào, Trần cô nương ra sao?
Chàng tâu:
- Vẫn mê man chưa tỉnh. Tuy nội lực mạnh đến kinh người.
Thuận-thiên hoàng đế cùng hoàng hậu Lập-nguyên ngồi xuống ghế cạnh dường Thanh-Mai. Ngài cầm mạch Thanh-Mai, cảm thấy nội lực mạnh đến chỗ không lường được. Ngài nghĩ thầm:
- Ta tưởng từ khi sư phụ ta là Vạn-Hạnh thiền sư viên tịch chỉ có Bố-Đại hòa thượng cùng Bồ-tát Sùng-Phạm mới có nội lực hùng hậu thế này mà thôi. Không biết Bồ nhi làm thế nào mà thu phục được Thanh-Mai? Cứ nhìn mắt Bồ nhi, dường như giữa Bồ nhi với nàng có tình ý. Nếu sự thực như vậy, ta phải phong nàng làm vương phi cho Bồ nhi. Triều đình được một thiếu nữ như Thanh-Mai trợ giúp, còn gì bằng?
Sự thực, nội lực Thanh-Mai không thể mạnh như vậy được. Chỉ vì nàng vốn có nội công hùng hậu của phái Đông-A. Khi được Huệ-Sinh chỉ điểm, nàng đã thành một đại cao thủ. Sau đó nàng luyện nội công dương cương theo lối vận hành kinh mạch, nội lực đã mạnh vô cùng. Bây giờ đấu nội lực với Đoàn Huy, nàng thu hết nội lực của y, vì vậy nội lực nàng mới mạnh đến trình độ kinh người.
Hoàng hậu hỏi Khai-quốc vương:
- Vương nhi, ta muốn biết sự thực về hai nàng Huệ-Phương, Hà-Thanh. Hai nàng đó bây giờ ra sao? Ở đâu? Còn con với Thanh-Mai chỉ có tình sư huynh, sư muội hay có truyện gì khác không?
Long-Bồ là người mưu trí tuyệt vời. Chàng có hàng nghìn cách để dấu mẫu hậu. Nhưng bản tính người con chí hiếu, chàng không muốn nói dối mẹ, dù truyện nhỏ. Chàng im lặng, cúi đầu tỏ vẻ chịu tội.
Hoàng hậu Lập-Nguyên lắc đầu:
- Thực khó hiểu. Mẹ thấy dường như Trần cô nương với con có tình ý sâu hơn biển, nàng mới cứu Đoàn Huy, để lập liên minh Việt-Lý. Nhưng khi cứu y rồi, đáng lý ra trước cái chết, nàng phải xin phụ hoàng truyền ngôi cho con, chứ đâu lại xin tha tội về vụ Huệ-Phương với Đào Hà-Thanh?
Long-Bồ cúi đầu xuống im lặng, một lúc chàng ngửng đầu dậy:
- Con xin tâu thực. Hai nàng Huệ-Phương và Hà-Thanh con đã nhường cho người ta rồi.
Thuận-thiên hoàng đế quát lớn:
- Con thực lớn mật, táo gan. Ta cùng mẫu hậu tuyển khắp nước mới được hai giai nhân nhu mì, nhan sắc tuyệt vời. Một người trí lự, võ công hiếm có. Một nàng văn thơ, ca xướng nhất nước. Ta những mong con sẽ được hưởng thanh phúc bên hai nàng đó. Không ngờ con lại nhường cho người khác. Phu thê là đạo của trời. Cha mẹ định vợ cho, mà con chối bỏ đã là một tội khó tha. Huống hồ đây đường đường thái tử, vợ của con cao qúi biết bao, mà con đem nhường cho người ta, thực không còn đạo lý nào nữa.
Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, như người mê man bừng tỉnh. Những việc xẩy ra ở Vạn-thảo sơn trang cùng trang Thiên-trường sống dậy trong trí óc. Hồi ấy hai nàng cùng với Thanh-Mai đến sơn trang cầu Hồng-Sơn đại phu trị bệnh cho Bảo-Hòa. Trong khi chờ ở cổng họ thấy ngoài đôi chim ưng theo đõi họ ra, còn đôi chim ưng nữa như theo dõi, dẫn đường cho ai. Bây giờ họ mới hiểu, thì ra đôi chim ưng đó theo dõi, hướng dẫn Huệ-Phương. Tuy nhiên chuyện Lâm Huệ-Phương với Đào Hà-Thanh vẫn là những bí ẩn, dù hai người thuộc hàng cháu, con nuôi Khai-quốc vương mà cũng không biết rõ sự thực ra sao.
Long-Bồ cúi đầu, không dám trả lời. Hoàng hậu thương con hỏi:
- Hai nàng đó không biết hầu hạ con, con đuổi đi rồi chăng?
- Không phải thế. Con chưa từng gần hai nàng. Khi rời vương phủ, hai nàng vẫn còn là trinh nữ. Con chẳng bao giờ dám bắt hai nàng hầu con cả.
Thuận-thiên hoàng đế quắc mắt nhìn vương:
- Con hãy đem hết nguyên ủy tâu bày cho ta nghe. Bằng không dù công con có to lớn đến đâu, ta cũng chặt đầu.
Chợt nghĩ đến một việc, hoàng hậu bảo tỳ nữ đứng hầu:
- Con mau gọi vú Tú đến cho ta hỏi truyện.
Vú Tú là nhũ mẫu nuôi sữa Long-Bồ hồi xưa. Khi chàng ba tuổi, hết bú, vú được thưởng tiền, phong chức tước rồi cho về quê. Hồi chàng được phong vương, lòng tưởng nhớ vú, cho đón bà cùng chồng con về phủ chung sống. Chàng không d0ám coi bà như tôi tớ, mà phụng dưỡng như mẹ đẻ.
Một lát vú Tú tới quì gối hành lễ. Hoàng hậu hỏi vú:
- Hoàng thượng cùng ta muốn biết một vài truyện. Vú phải nói thực.
Vú Tú rập đầu:
- Tiểu tỳ xin tâu sự thực.
- Hai năm trước ta tuyển Huệ-Phương, gả về cho vương gia. Bây giờ nàng đó đâu, không thấy trong phủ. Năm rồi chúng ta lại tuyển Đào Hà-Thanh cho vương. Hà-Thanh bây giờ ở đâu?
Vú Tú cúi đầu tâu hết nguyên ủy:
Niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười sáu. Triều đình ban chiếu chỉ xuống cho các quan địa phương tuyển phi tần nạp vào Hoàng-cung. Thuận-Thiên hoàng đế đi vào tuổi ngũ tuần. Các hoàng hậu Tá-Quốc, Lập-nguyên, Lập-Giáo đều ngang tuổi ngài. Thời bấy giờ phụ nữ đến tuổi bốn mươi trở đi, đường tình dục coi như không được nói tới nữa. Cho nên ngài cần nhiều phi tần hầu hạ. Ngài có anh là Vũ-uy vương, em là Dực-thánh vương cũng cần tuyển phi tần trẻ thay cho lớp phi tần cưới hồi còn niên thiếu, nay đều trên bốn mươi. Ngài lại có bốn hoàng tử tuổi mới lớn, muốn nạp phi tần. Vì vậy số phi tần tuyển sẽ đến hơn trăm.
Trong chỉ nói rõ sẽ tuyển ít nhất một trăm người. Quan địa phương phải điều tra, lập danh sách các mỹ nữ với năm điều kiện. Điều kiện thứ nhất tuổi từ mười ba đến mười tám. Điều kiện thứ nhì, các nữ ứng tuyển phải xinh đẹp nết na, còn đồng trinh. Điều kiện thứ ba phải văn hay chữ tốt, tề gia nội trợ, may vá thực giỏi. Điều kiện thứ tư không bệnh hoạn. Điều kiện thứ năm phải là người Việt.
Chiếu chỉ ban ra làm trấn động trong nước. Những nhà có con gái đẹp đủ điều kiện, tìm đủ cách lấy lòng, mua chuộc các quan phủ, huyện hầu con gái mình được tiến cung. Họ hy vọng, con gái mình dù không được làm cung phi của hoàng đế, ít ra cũng làm thứ phi của các hoàng tử. Thế là một bước, đang từ khuê nữ trở thành vương phi. Còn hơn lấy chồng dân gian, giỏi lắm xông pha trận mạc, trở thành hầu tước, mà khó khăn vô cùng.
Sau một tháng, các nơi thượng biểu tấu về tuyển được ba trăm người. Thuận-Thiên hoàng đế truyền ban lụa, gấm cho các thiếu nữ may quần áo, cùng ban tiền, vàng, bạc cho bố mẹ các thiếu nữ rồi truyền đưa về Thăng-long. Tại Thăng-long, vị quan hoàng-môn tổng quản cùng hoàng môn chỉ hậu bắt đầu tuyển thêm một lần nữa. Lần này tuyển khó hơn. Các thiếu nữ chịu cuộc khám rất kỹ. Quan hoàng môn tổng quản khám mồ hôi, nách, bàn chân, âm hộ.
Mồ hôi không được khét. Người có mồ hôi khét là trong người thiếu thiện tính, nhiều ác tính, bị lọai. Người có mồ hôi mặn quá, đa số da nhờn, tính tình nóng nảy, cũng bị lọai. Nách, bàn chân, âm hộ tuyệt đối không có mùi hôi. Hôi hám thuộc loại chồn cáo, bị loại.
Sau đợt khám này còn một trăm sáu thiếu nữ. Các thiếu nữ bị lọai được chia cho các quan, cùng võ tướng có công. Tuy vỡ mộng quí phi, vương phi, nhưng được làm phu nhân, các mỹ mữ cũng thoả mãn. Một trăm sáu thiếu nữ trúng cách, phải chịu đợt tuyển của quan hoàng môn chỉ hậu. Được vào tuyển kỳ này, coi như đã lọt vào Hoàng-thành. Đợt cuối chỉ cân nhắc người nào đẹp hơn, người nào có qúi tướng hơn, rồi tùy chỉ dụ của hoàng đế “ban” cho các vị vương.
Quan hoàng môn chỉ hậu, khám xem lông, tóc, da, răng, miệng, dáng đi, tiếng nói. Lông phải nhỏ như tơ, lẫn vào mầu da. Lông âm hộ phơn phớt vàng, hoặc mềm, không được cứng. Tóc phải đen mướt, óng, dài. Da tươi hồng coi như tốt nhất. Sau đến da trắng mịn. Môi trái đào là môi vừa qúi vừa hiển. Môi đen sì, chề ra giống môi trâu, bị lọai. Răng phải trắng đều như hạt bắp, càng bóng càng tốt. Dáng đi thì thanh thóat, khoan thai. Đi như cúi về trước hoặc ngửa mẳt lên đều bị chê, cuối cùng tiếng nói phải thanh tao.
Quan hoàng môn chỉ hậu tuyển được mười tám thiếu nữ không có chỗ nào khả dĩ chê được, tâu lên hoàng đế. Chiếu chỉ truyền chia chín mươi tám thiếu nữ không được vào chung kết cho các bà hoàng hậu cùng các thân vương để làm cung nga, tỳ nữ.
Mười tám thiếu nữ còn lại do chính đức vua cùng ba hoàng hậu cân nhắc nên ban cho vị vương nào. Hoàng-đế chọn Đàm Thụy-Châu là con gái một võ tướng tên Đàm Can làm Tây-cung qúi phi.
Trong các hoàng tử, vị nào cũng đều có vương phi cả rồi. Chỉ duy Khai-quốc vương là chưa. Vì vậy đức vua thân kén trong mười bẩy thiếu nữ lấy một người tài sắc vẹn toàn ban cho vương. Hy vọng vương tuyển làm chính phi. Cân đi, nhắc lại, Huệ-Phương có nhan sắc huyền ảo, lại biết võ công, văn học tinh thông, được ngài chọn ban cho Khai-quốc vương, làm các vị vương khác ghen tức không ít. Vì Huệ-Phương có tiếng nói ôn nhu, như ru hồn người ta vào giấc mộng. Nàng lại có vẻ hồng hào của người tập võ. Ngay cả Thụy-Châu cũng thua xa.
Mười sáu thiếu nữ còn lại, chia ra cho các vị vương, hoàng tử làm thứ thiếp. Thuận-thiên hoàng đế cùng hoàng hậu cho rằng sở dĩ Khai-quốc vương không nạp cơ thiếp, vì chưa có người xứng đáng. Bây giờ với một Huệ-Phương, không thể chê vào đâu, vương ắt thu nạp.
Khi cuộc tuyển lựa xong, đúng lúc đó vương đang trên đường quan sát cuộc thao luyện thủy quân. Bốn ngày sau, vương trở về, vào cung triều kiến phụ hoàng, mẫu hậu, vấn an sau mấy ngày xa cách. Hoàng hậu hỏi han qua loa rồi nói với vương:
- Phụ hoàng với ta vừa tuyển cho vương nhi một giai nhân sắc nước hương trời. Nàng lại văn hay, chữ tốt. Phụ hoàng ưu ái dành nàng cho vương nhi. Vậy vương nhi hãy mau trở về phủ cùng nàng thành duyên giai ngẫu.
Vương lạy tạ rồi về phủ.
Tới phủ, vú Tú dẫn Huệ-Phương bái kiến vương. Phớt nhìn qua, vương thấy trước mặt mình một thiếu nữ tươi hồng, sắc đẹp có vẻ huyền ảo, thực từ ngày ra đời vương chưa thấy ai đẹp như vậy. Vương vội đỡ nàng dậy, không cho hành đại lễ. Vương nắm tay nàng nói:
- Huệ-Phương. Phụ hoàng cùng mẫu hậu tốn không biết bao công lao mới tìm được một giai nhân sắc nước hương trời như Huệ-Phương. Các người ưu ái gả nàng cho anh. Không biết kiếp trước anh tu thế nào, mà kiếp này anh gặp nàng. Hôm nay, nàng với anh thành duyên giai ngẫu. Trước khi thành vợ chồng, anh muốn nói với nàng ít điều.
Huệ-Phương e thẹn, nhưng nàng không run rẩy, sợ hãi như các cô gái khác khi được đem đến vương phủ lần đầu:
- Thiếp xin nghe vương dạy dỗ.
- Dạy dỗ. Chắc gì anh đã hơn nàng mà dạy dỗ nàng. Anh sinh ra làm con vua, làm thái tử, được phong Khai-Quốc vương, lại mới được phụ hoàng trao trọng quyền. Nhưng anh không tự hào vì những gì sinh ra đã có. Cái anh tự hào, là anh có chí khí. Anh muốn nối tiếp sự nghiệp vua An-Dương vua Trưng.
Trước đây vương đã được phụ hoàng gả cho một vài thiếu nữ. Nghe vương nói vậy, họ chỉ biết nghe, thảng hoặc vâng dạ cho qua, rồi ngơ ngơ ngác ngác chẳng biết gì. Huệ-Phương nghe vương nói vậy thì vui mừng:
- Khi thiếp còn ở thôn dã, đã nghe võ lâm đồn rằng Những ai chưa từng gặp Khai-Quốc vương đừng vội xưng anh hùng hảo hán. Thiếp không tin, cho rằng người đời nói quá. Nhưng hôm nay mới nghe mấy lời của vương, thiếp thấy lời đồn còn thua sự thực.
Khai-quốc vương ngắt lời:
- Nàng chưa nghe anh nói hết, mà đã khen. Như vậy thì lời khen e không đúng sự thực.
Huệ-Phương mỉm cười, ánh mắt đưa tình. Mắt nàng sáng như viên minh châu, môi hồng mọng, da mặt trắng hồng, khiến vương ngây ngất như người say rượu. Nàng nói:
- Phàm tri kỷ, cần gì phải nói nhiều, chỉ cần nghe qua một lời, nhìn ánh mắt của nhau ắt hiểu nhau liền. Trong Phật pháp gọi là Nhân ngã tương thông. Vương đã xuất thân đệ tử một vị Bồ-tát đắc đạo hẳn biết điều đó.
Vương nghe Huệ-Phương lý luận, chàng tìm thấy ở Huệ-Phương ngoài một giai nhân, còn là người bạn tâm tình, mà chàng chỉ tìm thấy ở những người cộng sự. Chàng nhìn thẳng vào mặt Huệ-Phương, khuôn mặt tươi như hoa, môi hồng, mái tóc đen óng mựơt. Tuy nàng hơi có vẻ e thẹn, nhu mì, nhưng ánh mắt sáng chiếu ra những tia sáng cực kỳ thông minh. Bất giác vương nghĩ thầm:
- Phụ hoàng, mẫu hậu ta thực có con mắt tinh đời, chọn cho ta một người như thế này, ta làm sao mà không mềm lòng?
Vương kéo đầu nàng vào ngực mình. Đôi vai Huệ-Phương tròn, mềm mại. Một hương thơm từ mái tóc nàng đưa vào mũi, làm cho vương cảm thấy nhẹ nhàng như đi trên mây. Vương bế bổng nàng dậy, đặt nàng ngồi trong lòng mình, rồi hôn lên đôi môi nàng. Hai người lặng đi một hồi lâu, họ cùng say say trong cái êm đềm.
Vương là người tỉnh trước, Vương nói:
- Anh cần nói với Huệ-Phương rằng từ năm mười ba, phụ hòang đã kén mỹ nữ cho anh, phong anh tước vương. Nhưng anh chưa thâu nạp một nàng nào cả. Chỉ vì họ muốn làm một tỳ nữ hơn là một người tình. Họ lại không có khả năng thành một người tri kỷ, một người bạn cùng lo quốc sự. Hoá cho nên suốt thời gian mười lăm năm, năm nào anh cũng được ban cho mỹ nữ, mà chưa người nào đáng cho anh thu nạp làm phi tần.
Ngừng một lát vương tiếp:
- Nay anh nhận em, đương nhiên anh sẽ tâu xin phong em làm vương phi. Nhưng anh phải nói trước. Em làm tỳ thiếp các vị vương khác còn sướng hơn làm vương phi của anh. Vì anh nghĩ rằng mình làm vương, để lo cho dân chứ không phải làm vương để ngồi trên đầu dân mà hưởng thụ.
Huệ-Phương nói bằng giọng ôn nhu nhẹ nhàng:
- Em chỉ nghe một lời cũng hiểu anh rồi. Anh đã nói rằng muốn theo chí vua An-Dương, vua Trưng, thì em biết rằng anh muốn sao cho nước giầu dân mạnh. Ta chỉnh đốn binh bị, kết hợp với Đại-Lý, chỉ ngọn cờ lên Bắc, đòi lại đất tổ thời vua Hùng. Than ôi, Đại-Việt ta mấy triệu người, chỉ mình anh có chí đó. Hoàng thượng sinh bốn hoàng tử, chỉ mình anh quên ăn, quên ngủ, quên cả vợ con, lo làm truyện vá trời. Như vậy chưa phải là anh hùng sao? Làm vợ một anh hùng, tự đó đã là hạnh phúc, đâu cần gì hơn nữa?
Vương nghe Huệ-Phương nói, vội ngồi ngay ngắn lại chắp tay vái một vái:
- Đa tạ em có lời khen. Kiến thức em thực không tầm thường. Theo em, ta phải làm gì bây giờ?
Huệ-Phương biết vương từng khuất thân cầu người hiền, xung quanh vương thiếu gì người tài trí mà vương phải hỏi nàng? Vương hỏi nàng chẳng qua để thử nàng mà thôi. Vì vậy Huệ-Phương đáp:
- Đời vua An-Dương vì không nghe lời Cao-cảnh hầu, rồi triều đình chia rẽ mà mất nước. Thời vua Trưng vì anh hùng đồng tâm mà lập lại được Lĩnh-Nam. Mới đây, Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, nhân tâm không phục, quân Tống tràn sang. Vạn-Hạnh thiền sư kéo cao ngọn cờ thống nhất, khiến anh hùng thiên hạ đều tuốt gươm giữ nước, vì vậy máu giặc ngập sông Bạch-đằng, xác quân Tống chất cao hơn núi ở Chi-lăng. Bản triều từ khi hoàng thượng lên ngôi, ân đức trải khắp nước. Có thể nói, nhân tâm đã thành một khối. Tuy vậy võ lâm e chưa hẳn một lòng.
Khai-quốc vương thấy Huệ-Phương kiến thức cao, chàng mừng vì từ nay có một nữ lưu tri kỷ. Vương ôm lấy nàng, bế bổng lên, đặt ngồi vào lòng:
- Trời đem em cho ta. Em thử nói hết cái không một lòng cho anh nghe xem có đúng không nào?
Huệ-Phương run rẩy, má nàng ửng hồng, đẹp hơn bao giờ cả:
- Nói về võ, mình có tới sáu đại môn phái. Nói về tôn sư, mình có Ngũ-long. Trong sáu phái, phái Tiêu-sơn là nơi dựng ra triều Lý, tuy lớn, một lòng phò trợ triều đình, nhưng một cây làm chẳng lên non. Phái Tản-viên, Mê-linh, Tây-vu lúc nào cũng sẵn lòng. Nhưng còn phái Đông-A, người nhiều, thế mạnh. Phái Sài-sơn uy tín rất rộng. Hai phái này đã chịu hợp tác với triều đình đâu? Nếu anh vựơt được hai cái khó khăn ấy, mới mong làm lên đại nghiệp.
Vương đặt Huệ-Phương ngồi xuống ghế, hai người say xưa trong buổi đầu tiên gặp gỡ, hợp nhau vì chí cả, thân nhau vì cùng có kiến thức. Vương hỏi Huệ-Phương:
- Nàng có linh cảm rằng chúng ta thành công hay không?
Huệ-Phương dựa đầu vào vai vương:
- Phàm làm truyện cứu dân, bảo quốc, chỉ cần đem hết tài trí ra cũng đủ. Thành công hay không đâu cần biết tới.
Vương bế bổng Huệ-Phương lên, ôm ghì nàng vào hôn lên môi nàng lần nữa, rồi đặt nàng lên giường. Huệ-Phương tê dại khắp người, nàng muốn nghẹt thở. Tay vương lần mở nút áo nàng. Huệ-Phương như người trong giấc mơ. Tuy nhiên nàng vẫn còn đủ minh mẫn nói:
- Nếu anh như các vị hoàng tử khác, em sẽ im lặng thành vợ anh. Nhưng anh là đấng anh hùng, em cần nói với anh một truyện, trước khi dâng hiến cả cuộc đời cho anh.
Vương ngừng lại hỏi:
- Nàng có tâm nguyện gì, cứ nói ra, anh sẵn sàng chu toàn.
Huệ-Phương từ từ thuật lại truyện nàng tìm thầy thuốc trị bệnh cho bố, chẳng may gặp lạnh ngất xỉu, rồi được thầy lang để tay vào huyệt Đản-trung truyền chân khí chữa cho. Từ đó hai người nảy sinh ra mối tình. Khi nàng tiến cung, có trao cho mẹ bộ quần áo, làm tín vật gửi cho vị thầy thuốc kia. Trong tâm nàng đã có hình bóng một người.
Nàng kết luận:
- Trước đây em ước ao được gặp mặt anh cũng mãn nguyện. Bây giờ em được là vợ anh thì còn gì hơn nữa? Tuy nhiên, em xin anh ban cho em một ước nguyện, cho em tìm gặp vị thầy thuốc kia, đem vàng, để chuộc lời nguyền sắt đá trăm năm.
Khai-Quốc vương nghĩ thầm:
- Thì ra Huệ-Phương đã có lời thệ nguyện với cùng thầy thuốc kia. Với nhan sắc, tài trí của nàng, ắt vị thầy thuốc phải say đắm khôn cùng. Bây giờ vì chiếu chỉ của triều đình, Huệ-Phương bị tiến cung, làm vợ ta. Trên luật lệ quốc gia thì hợp tình hợp lý. Trên đạo nghiã, họ Lý nhà ta dùng cường lực bắt người yêu của vị thầy thuốc kia. Như vậy ta có khác gì đạo tặc không? Ta phải trả nàng về với ý trung nhân của nàng. Nhưng vấn đề không phải dễ. Phụ hoàng cưới nàng cho ta, mà ta gả cho người, e mất thể diện hoàng triều, truyện này đến tai phụ hoàng tội ta không nhỏ.
Vương nhìn Huệ-Phương, đôi mắt sáng, mái tóc đen nhánh, nét mặt tươi hồng. Vương sẽ thở dài:
- Ta thà bị tội với phụ hoàng chứ không thể cướp vợ thiên hạ.
Vương ngồi ngay ngắn lại:
- Như vậy nàng đã có mối nhu tình. Nay ta ép nàng làm vợ, có khác gì cướp vợ của người? Nàng yên tâm, ta hứa khi nào tìm ra tông tích vị thầy thuốc kia, sẽ cho nàng và chàng hội ngộ. Từ nay nàng cứ sống trong vương phủ. Ta hứa coi nàng như em gái ta.
Nói là làm. Vương đối xử với Huệ-Phương cực kỳ thân thiết như một cô em gái. Huệ-Phương thường đeo kiếm theo vương đi duyệt binh, luyện quân, giúp đỡ vương ... giống như nữ tướng tham mưu. Sau hơn năm, dịp tình cờ, vương tìm ra thầy lang đó chính thị Hồng-Sơn đại phu. Vương thuật cho Huệ-Phương nghe, rồi nói:
- Mừng cho Huệ-Phương. Không ngờ thầy lang mà Huệ-Phương gặp lại là nhân vật lừng danh võ lâm, nổi tiếng thánh y. Sau đây anh sẽ đưa Huệ-Phương đến Vạn-thảo sơn trang gặp Hồng-Sơn đại phu. Như vậy anh đã chu toàn lời hứa.
Huệ-Phương quỳ gối xuống lạy vương tám lạy:
- Anh hùng thiên hạ, cổ kim chưa từng thấy ai như anh. Về tình cảm, em làm vợ Hồng-Sơn đại phu. Về quốc sự, xin anh coi em như một võ tướng. Em nguyện đem hết sức mình theo giúp đại nghiã của anh. Em sẽ khuyên Hồng-Sơn đại phu không làm lợi cho triều đình thì cũng không hại cho triều đình.
Thế rồi vương tặng vàng, ngọc, lụa, cho người đưa Huệ-Phương về quê. Huệ-Phương lấy xe chở bố, cùng mẹ lên đường tìm Hồng-Sơn đại phu. Nàng đã trở thành chủ mẫu Vạn-thảo sơn trang.
Thuận-Thiên hoàng đế hỏi lại Khai-quốc vương:
- Vương nhi có chắc Hồng-Sơn đại phu là Lê Long-Mang không?
- Chắc chắn như vậy.
Ngài ngồi trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Con vì lòng tốt, tuy có làm đảo lộn Hoàng-thành, nhưng ít ra cũng hóa giải được một mũi đùi mạnh nhất của Lê Long-Mang chĩa vào ta. Vả lại Trần cô nương đã xin ta ân xá tội này cho vương nhi rồi.
Vương tâu:
- Thần nhi vẫn nhận được đầy đủ tin tức của Lê Long-Mang, do Huệ-Phương gửi về. Có thể nói, thân xác Huệ-Phương của Lê Long-Mang, còn chí khí của nàng, nàng dành cho Đại-Việt.
Nghe vú Tú tường thuật, Mỹ-Linh nhìn Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, cả ba như người trong mơ bừng tỉnh. Trước đây tại Vạn-thảo sơn trang, nàng thấy Huệ-Phương thuật với Lê-Long-Mang rằng Em bị tuyển vào cung, ngày đêm nhớ nhung anh. Em trốn đi tìm anh. Bấy giờ nàng không tin, vì Huệ-Phương có gan lớn bằng trời cũng không dám trốn khỏi Hoàng-cung, bởi luật của Đại-Việt trừng phạt rất nặng trường hợp vợ bỏ chồng trốn theo trai. Huống hồ nàng là cung nữ bỏ đi, cha mẹ ắt bị vạ lây. Hồng-Sơn đại phu vốn người thông minh, kinh lịch, thông thường dễ gì ông tin. Nhưng bấy giờ ông bị áng mây xanh tình yêu che lấp, nên bỏ qua chi tiết đó.
Hồi ấy Bảo-Hòa ngạc nhiên vô cùng khi thấy Huệ-Phương vừa lấy chồng. Chồng là Hồng-Sơn đại phu, có địa vị lớn chỉ thua hoàng đế. Ông đang mưu phục hồi đại nghiệp của tổ tiên. Thế mà Huệ-Phương không những không thuận theo chí của chồng, mà lại dùng tất cả cái dịu dàng, cái khôn khéo, để khuyên chồng bỏ mưu cầu đại cuộc. Lại nữa, gặp Bảo-Hòa, Mỹ-Linh là con cháu kẻ thù của chồng, nàng lại tỏ ra thương yêu thiết tha, bênh che cho hai người. Khi chồng đi vắng, nàng truyện trò với con cháu kẻ thù rồi xui trốn đi. Nàng còn cho Lê Văn, con của chồng theo Mỹ-Linh đi chơi, hầu giải hòa bớt căng thẳng của nhà chồng với triều đình. Bảo-Hòa cứ thắc mắc mãi về lòng tốt quá đáng của Lâm Huệ-Phương. Bây giờ nàng mới hiểu thì ra Huệ-Phương làm như vậy vì cảm ơn lòng đại lượng của cậu hai một phần, mà vì đại cuộc một phần.
Bỗng chốc trong lòng ba người nổi lên mối cảm hoài, kính phục Huệ-Phương hơn bao giờ cả. Ba người im lặng, vì họ muốn biết truyện Đào Hà-Thanh.
Thuận-thiên hoàng đế hỏi:
- Còn truyện Đào Hà-Thanh?
Vương tâu:
- Truyện Đào Hà-Thanh do thần nhi xếp đặt hoàn toàn. Thần nhi thường cùng võ lâm anh hùng đến các tửu lâu trong thành Thăng-long yến tiệc nghe hát. Thấy Đào Hà-Thanh vừa xinh đẹp, vừa văn hay chữ tốt, được đủ mọi lẽ. Thần nhi định đón nàng vào cung, hầu làm vương phi, thì đúng lúc đó được tin Trần Tự-An du ngoạn trên sông Hồng. Thần nhi thân mời Long-thành Song-phụng vào Khu-mật viện, nói rõ tình hình đất nước chông chênh như trứng trồng. Nguy nan bọn Tống trước mắt, mà anh hùng võ lâm lại chia rẽ. Thần nhi nhờ Long-thành Song-phụng giúp đỡ. Hai người ấy thực là nghĩa sĩ, khảng khái nhận lời. Thần nhi nhân đấy sai bọn Hồng-hà hành sự. Quả nhiên Tự-An rơi vào vào lưới tình. Giữa lúc đó, thần nhi được lệnh đi Thanh-hóa. Nào ngờ ở nhà phụ hoàng tuyển mỹ nữ, Đào Hà-Thanh trúng cách. Phụ hoàng ban nàng cho thần nhi. Vì vậy thần nhi lại cho nàng về Thiên-trường. Bây giờ nàng là vợ Trần Tự-An, nhưng làm việc dưới quyền của thần nhi.
Thuận-Thiên hoàng đế mỉm cười hài lòng:
__ Những việc ở trang Thiên-trường, Khu-mật viện tâu lên, ta đều theo dõi tỷ mỉ. Lúc đầu biểu chương nói rằng Khu-mật viện khám phá ra âm mưu mai phục của Nhật-Hồ lão nhân trong trang Thiên-trường, nhưng không rõ ý định. Ta đã châu phê rằng Mặc dù phái Đông-a không theo triều đình, nhưng họ vẫn là con dân Đại-Việt. Cần theo dõi, nếu Nhật-Hồ có ý định hại phái này, cần ra tay giúp đỡ. Nào ngờ Nhật-Hồ lại âm thầm đi với Tống. Tống nhờ Nhật-Hồ ra tay giết Tự-Mai, Tôn Đản để ra oai với phái Đông-a, và khống chế Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa. Con ra tay kịp. Nếu sau này Tự-An biết rằng y tuy tài trí, mà vẫn phải nhờ Khu-mật viện mới khám phá ra manh mối phản lọan. Hơn nữa vợ yêu của y, do con nhượng cho khó lòng y chống triều đình được nữa.
Hoàng hậu vuốt tóc vương:
- Vương nhi vì lo quốc sự, mà hy sinh cả tình yêu, hy sinh cả hai người đẹp nhất, hầu biến hai lực lượng kình chống triều đình thành lực lượng trợ lực triều đình. Thế mà từ trước đến nay vương nhi giữ im lặng, quỉ không biết, thần không hay, cho nên phụ hoàng với ta cũng không tường, mới phiền trách vương nhi. Tại sao tất cả mọi truyện con đều tâu bầy cặn kẽ, ngoài trừ việc Lâm Huệ-Phương và Đào Hà-Thanh?
Khai-quốc vương tâu bày tỉ mỉ việc anh em họ Đàm phản triều đình ở trấn Thanh-hóa như thế nào, đến việc Dực-thánh vương ngầm qui phục Tống. Nếu chàng tâu bày mọi việc giữa chốn đông người, tai mắt của Dực-Thánh vương của Đàm qúi phi ắt sẽ báo về cho chủ, Tống lại sẽ phá kế hoạch của Khu-mật viện. Vì vậy chàng không thể nói ra trước công chúng, khi bị phụ hoàng cật vấn.
Vương kết luận:
- Con được phụ hoàng ủy thác việc lớn, ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Nếu phụ hoàng thấy có điều chi khác lạ, xin cứ triệu thần nhi vào cung mật tấu, như vậy mới bảo toàn được mọi sự.
Thuận-Thiên hoàng đế thở dài:
- Ta không ngờ Đàm Toái-Trạng, Dực-thánh vương phản ta. Đúng ra ta đem cả nhà hai người này chặt đầu. Nhưng như vậy bọn Tống lại tìm tay sai khác, khó mà khám phá ra. Thà cứ để nguyên vậy. Ta sẽ phong cho Dực-thánh vương chức tước khác lớn hơn, nhưng không có binh quyền. Đàm Toái-Trạng ta sẽ cho về Thăng-long, giao cho chức lớn, nhưng vô quyền. Đàm Toái-Trạng là con trai Đàm Can. Can hiện tổng trấn Thăng-long. Về võ, y được thăng cấp cao nhất, đô nguyên soái. Về văn y còn được phong là thái phó. Không biết bọn Trạng phản triều đình Can có biết không? Con phải theo dõi cho kỹ.
Ngài ngừng lại, nhìn Thanh-Mai hỏi:
- Còn việc Trần cô nương thế nào? Ta nghe An-quốc cùng Lĩnh-nam Bảo-hòa, ca tụng mưu trí, võ công cùng đức hạnh hoài. Con hãy cho ta biết rõ mọi truyện về nàng.
Khai-quốc vương tường thuật mọi chi tiết từ khi gặp chị em Thanh-Mai tronglần hai người xem hoa ở Trường-yên, rồi sau này gặp gỡ ở Thanh-hóa, kết anh em ra sao.
Hoàng-hậu mỉm cười:
- Kể về nhan sắc, Thanh-Mai ngang với Huệ-Phương, Hà-Thanh. Nhưng về gia thế cùng tài năng, Thanh-Mai gấp trăm lần hai người kia. Mẹ mong nàng khỏi bệnh, rồi cử sứ về Thiên-trường xin đại hiệp Trần Tự-An cho nàng làm dâu nhà ta. Ta đã quyết phong nàng làm vương phi cho con. Ta nói một là một, hai là hai. Đối với Thanh-Mai, ta không tuyển như các mỹ nữ khác, mà tổ chức đại lễ tấn phong nàng. Lần này, con không ưng nữa thì ta cho con đi tu.
Mỹ-Linh nghe bà nội dọa chú, nàng cười thầm:
- Bà dọa gì, chứ dọa cho chú đi tu, thì chú không sợ, mà còn khoan khoái trong lòng. Làm hoà thượng sướng hơn làm Khai-quốc vương nhiều.
Bà quay lại hỏi Thiệu-Thái:
- Ta nghe mẫu thân con tâu về đã hỏi vợ cho con rồi. Thế mà con với Mỹ-Linh còn có tình với nhau. Đúng luật triều đình thì con có quyền lấy nhiều vợ. Nhưng Bắc-biên dùng luật thời vua Trưng, trai một vợ, gái một chồng. Hơn nữa ta đã hứa gả Mỹ-Linh về làm dâu Đàm quốc cữu. Đàm Toái-Trạng tuy có làm gian tế cho Tống, nhưng họ Đàm vẫn là cột trụ triều đình. Vậy từ nay, hai cháu chỉ đối với nhau như anh em. Nếu còn kia khác, ta chặt đầu cả hai.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nghe bà nói, chỉ biết gật đầu, trong khi, lòng dạ xót xa, quặn đau. Cả hai quì xuống:
- Chúng cháu xin tuân chỉ dụ.
Thuận-Thiên hoàng đế vốn thấm nhuần sâu sa giáo lý nhà Phật. Vì vậy ngài dành cho ba bà hoàng hậu rất nhiều quyền. Một bà được phong Tá-quốc, được quyền nghe, tham dự mọi biến cố của đất nước. Hoàng hậu Tá-Quốc sinh ra Khai-thiên vương, công chúa An-quốc, công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa. Một bà được phong Lập-nguyên, cai quản mọi việc trong hoàng cung, quyết định tuyển phò mã, cung phi, thái giám, dạy dỗ các thái tử, công chúa. Một bà được phong Lập-giáo phụ tá cho ngài về lễ nghi , phong tục trong nước. Cho nên việc dựng vợ gả chồng cho Khai-quốc vương, hoàng hậu Lập-nguyên quyết định hết, mà không cần chỉ dụ của hoàng đế. Cho đến việc tính tội Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, cùng bất đồng ý về cuộc hôn nhân này bà cũng quyết định cả.
Hiện mối quan tâm của Thuận-thiên hoàng đế là đặt vương nào trong các con làm trừ quân, để mai sau nối nghiệp? Ngài có bốn thái tử, người nào cũng có tài cầm quân, đánh Đông dẹp Bắc, nhiều công với xã tắc. Nhưng nổi hơn hết phải kể Khai-Thiên vương. Vương là con cả, uyên thâm Phật-pháp, lại là đệ tử của quốc sư Minh-Không, sư huynh ngài. Tính tình vương uy nghiêm, nhân hậu, thương dân, thương quân lính, hòa thuận với anh em.
Nổi hơn nữa tới Khai-quốc vương. Hiện trong các thái tử, võ công vương cao nhất, mới đây lại được Bồ-tát đắc đạo Hệ-Sinh thu làm đệ tử. Võ công vương không thua gì ngài. Tương lai có thể hơn. Ngài còn nghe nói vương cùng tìm học được võ công của công chúa Yên-lãng Trần Năng, bản lĩnh e không kém gì sư phụ Huệ-Sinh. Còn về kinh bang, tế thế, thì thực trong lịch sử chỉ có tể tướng Nguyễn Phương-Dung triều vua Trưng mới sánh kịp. Vương lại nhã lượng, cao trí, thu phục được hết nhân tâm trong nước. Có điều từ ngài cho đến triều đình chỉ mong giữ vững bờ cõi, chống với Tống là mừng rồi. Trong khi đó, vương mới cầm quyền hơn năm, mà làm cho Tống kinh sợ. Đại-việt trấn áp Chiêm-thành, cùng Lão-qua. Vương lại lập chí lớn qúa, mưu cùng Tây-hạ, Liêu, Kim, Đại-lý cùng bức Tống, đòi lại đất tổ lên tới hồ Động-đình như thời Lĩnh-nam.
Đứng về phương diện con Lạc, cháu Hồng, chí của vương thực xứng đáng. Nhưng ngài là một Phật tử, dù con chó, con mèo bị giết ngài cũng không muốn. Vạn nhất vương lên ngôi, đem quân lên Bắc, ắt người chết không phải hàng nghìn hàng vạn, mà hàng trăm vạn. Mới chỉ nghĩ đến thôi, ngài đã rùng mình. Một điều ngài lo nghĩ nữa, nếu nhường ngôi cho vương, thì đến đời con vương gặp khó khăn. Hiện vương chưa có vương phi, chưa có thế tử. Sau này khi vương qua đời, ấu quân cai trị, ắt dễ đi đến vạ mất nghiệp. Trong tình thế hiện tại, không nhường ngôi cho vương, e không xong, vì anh hùng thiên hạ đều hướng về phủ Khai-quốc vương cả.
Chợt nhớ ra điều gì, ngài hỏi:
- Vương nhi. Chỉ còn ba ngày nữa, sứ đoàn Triệu Thành sẽ đến Thăng-long. Vương nhi đã chuẩn bị tiếp đón chưa?
- Tâu phụ vương, hài nhi đã xếp đặt tất cả. Cứ như Mỹ-Linh, Bảo-Hòa cùng Thanh-Mai cho biết, kỳ này sứ đoàn Triệu Thành đến Thăng-long sẽ bắt phụ hoàng bỏ quốc hiệu Đại-việt, niên hiệu Thuận-thiên, mà chỉ được dùng danh xưng Giao-chỉ cùng Giao-chỉ quận vương mà thôi. Việc này y đã làm ở chùa Sơn-tĩnh, bị Mỹ-Linh, Bảo-Hòa phá tan âm mưu. Y đến Thiên-trường những tưởng đem vàng bạc mua chuộc phái Đông-a. Không ngờ phái này cứ nhận lễ vật, nhưng cương quyết đòi giữ quốc uy tôn trọng tên Đại-việt cùng niên hiệu Thuận-thiên. Kỳ này về Thăng-long chúng cũng sẽ diễn lại.
Thuận-Thiên hoàng đế tươi nét mặt:
- Võ đạo phái Đông-a sáng không thua gì Tiêu-sơn. Họ phân biệt việc ta với họ Lê có cừu thù. Họ phù Lê chống ta là việc người Việt với nhau. Còn bọn Tống là bọn cướp nước, không có quyền, nói truyện nội tình người Việt. Không như một số vô tư cách. Chúng thù hận triều đình, rồi thù hận cả Đại-Việt. Trần Tự-An thực xứng đáng anh hùng như võ lâm tặng cho. Như vương nhi nghĩ, chúng gây hấn như vậy với mục đích gì?
- Chủ tâm của Tống đã rõ rệt. Một mặt họ cố làm cho họ Lý mất uy tín. Một mặt họ mua chuộc võ lâm hướng về Thiên triều như thế có nghĩa Đại-Việt là quận huyện của họ. Họ bắt bỏ đế hiệu, đổi quốc hiệu. Tuy vậy Triệu Thành không làm nổi đâu. Cái khó là lúc hai bên đấu võ, khó tránh được tử vong. Trong khi đó thần nhi muốn làm thân với y, tâng bốc y, rồi khiến cho y tạo phản.
Thuận-Thiên hoàng đế phất tay:
- Thôi được. Ta ủy quyền cho vương nhi lo vụ này.
Ngài cùng hoàng hậu ra xe về. Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái quỳ gối khấu đầu tiễn đưa.