Chương 21
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Thuận-Thiên hoàng-đế chỉ nói được mấy câu rồi thiếp đi. Bên ngoài, tiếng quân reo, tiếng trống thúc vọng vào. Một thị vệ báo:
- Thưa vương gia, quân của các vương cùng tấn công vào thành. Quân thủ ít quá, e giữ không nổi.
Khai-Quốc vương cầm bút viết lệnh, rồi đưa cho Thiệu-Thái sai chim ưng mang đi. Bấy giờ vương mới chú ý nhìn phụ-hoàng đang thiêm thiếp giấc nồng. Vương hỏi Hoàng-Giang cư sĩ:
- Cư-sĩ điều trị cho phụ-hoàng, có thấy triệu chứng gì lạ không?
- Khải vương gia thần thấy có rất nhiều biến chứng, mà cho đến hôm nay, thần giải đoán không nổi. Giá có sư phụ tại đây thì người có thể tìm ra.
- Xin cư-sĩ giải rõ hơn.
- Khi thần được triệu hồi đến hầu mạch, thì thấy hồng đại mà hoãn, đúng như mạch của những người trong võ-lâm. Nhưng khi hoàng-thượng về tẩm thất thì chân tay người cảm thấy như tê dại, đầu nhức, mạch trở thành xác, hồng đại giống như bị cảm nhiễm. Hễ thần hiện diện thì mạch trở thành hồng đại mà hoãn. Phép trị bệnh có lý, pháp, phương. Vì không có lý nên thần không thể quyết đoán về pháp, phương. Thấy sự khác lạ, ngờ rằng mình thiếu minh mẫn, thần nhờ đại sư huynh Dương Bình chẩn mạch, người cũng thấy như thế.
Hoàng-Giang thở dài:
- Tình trạng kéo dài cho đến khi Hoàng-thượng bị trúng phong huyền dựng. Thần được triệu hồi vào tẩm thất, mới tìm ra nguyên do. Thì ra Hoàng-thượng bị người ta đánh thuốc độc bằng một thứ thuốc không hương, không sắc. Nên chi ngự y nếm thức ăn tìm không ra. Nhưng khi Người về tẩm cung, ngửi mùi hoa huệ, thì chính hương huệ với chất độc kia làm cho tim đập mau, người trở thành thực nhiệt. Hiện thần đã dùng châm cứu trị di chứng của trúng phong huyền dựng là bán thân bất toại.
Khai-Quốc vương bảo Thiệu-Thái:
- Như vậy rõ ràng phụ hoàng bị Hồng-thiết giáo đánh thuốc độc. Hoàng-Giang cư sĩ đã tìm ra đúng như lời cung khai của trưởng lão Ngô Bách-Vân. Tiếc rằng trước đó Hoàng-Giang cư sĩ không được vào tẩm thất, nên tìm không ra nguyên ủy. Người chỉ được vào tẩm thất khi phụ hoàng bị trúng phong bán thân bất toại. Bây giờ cháu thử hút chất độc trên người ông ngoại xem sao?
Hồi đại hội Lộc-hà, khắp võ lâm cho tới trong triều ai cũng biết mặt Thiệu-Thái: Ụt ịt như con lợn, mặt tròn, tướng đi kềnh càng, da xám ngắt, gồ ghề như da cam. Bây giờ sau thời gian luyện khô thiền, người chàng đã đổi khác hoàn toàn. Nên khi chàng theo Khai-Quốc vương vào, trên từ các hoàng hậu cho tới Khai-Thiên vương đều tưởng chàng là một thiếu niên nào theo hầu vương. Bây giờ nghe vương kêu tên, chàng ứng lời ra bắt mạch cho ông ngoại, thì không ai hiểu gì cả.
Vì bệnh tình Thuận-Thiên hoàng-đế trầm trọng, nên các quận chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Hồng-Phúc đều được đưa vào tẩm cung hầu ông nội, thay cho đám cung nữ. Từ lúc thấy Khai-Quốc vương, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái bước vào, ba quận chúa chưa có dịp ra chào. Hồng-Phúc vốn ghanh ghét với Mỹ-Linh, từ sau khi Mỹ-Linh cứu nàng trong vụ bị Hoàng Văn bắt sống, nàng vẫn không bỏ được thói cũ. Khi vắng mặt Mỹ-Linh, nàng thường nói cạnh, nói khóe:
- Tưởng võ công vô địch thiên hạ là hay lắm ư? Lấy chồng võ công cao, mà người không hơn con lợn thì thà ở giá còn sướng hơn.
Bây giờ tự nhiên thấy Khai-Quốc vương gọi Thiệu-Thái, mà một thiếu niên phong lưu, tiêu sái khác phàm, mặt tươi sáng, thân thể thanh thoát, trông như cây ngọc trước gió... thì Hồng-Phúc kinh hãi mở to mắt ra nhìn: Quả nhiên con người tuấn nhã kia hơi giống Thiệu-Thái thực.
Thiệu-Thái dùng nội công thăm bệnh Thuận-Thiên hoàng-đế, chàng dồn chân khí vào người ngài, không khó nhọc, chàng thấy rõ trong cơ thể ông ngoại đầy chất độc, hơn nữa một phần trên não bị bế tắc. Chàng hỏi Hoàng-Giang cư sĩ:
- Sư huynh, bây giờ phải trị như thế nào?
- Thế-tử được Bồ-tát sùng phạm truyền cho một trăm năm Thiền-công. Như vậy Thiền-công của thế tử với Hoàng-thượng đều là Thiền-công Tiêu-sơn. Trước hết thế-tử hút chất độc trong người Hoàng-thượng, sau đó thế-tử mới đả thông những bế tắc trong kinh mạch người.
Thiệu-Thái quỳ gối, để hai bàn tay mình áp vào hai bàn tay ông ngoại, rồi vận Hồng-thiết tâm pháp hút chất độc. Chỉ khoảng nhai dập miếng trầu, thì Thuận-Thiên hoàng-đế mở mắt ra, nhưng ngài vẫn không nói được.
Thiệu-Thái lại để tay vào huyệt Thái-uyên của ngài, vận Thiền-công mà đại sư Huệ-Sinh dạy chàng, rồi dồn chân khí sang. Chân khí chàng chạy vào Thủ Thái-âm phế kinh, rồi sang Thủ Dương-minh đại trường kinh, sau sang Túc Dương-minh vị kinh... đi qua một vòng Đại-chu thiên.
Phải hơn khắc, Thuận-Thiên hoàng-đế mới mở mắt ra, ngài từ từ ngồi dậy. Tất cả mọi người đều hiện ra nét hân hoan. Ngài nắm tay Khai-Quốc vương:
- Hoàng nhi hay lắm. Người về đúng lúc. Đáng lẽ ta đi rồi, nhưng ta cố dùng Thiền-công trì hoãn để chờ người về còn dặn dò truyện về sau.
Mỹ-Linh chợt nhớ lại: Hôm rời Biện-kinh, Lưu thái hậu có tặng cho
nàng một hộp mười viên Tuyết-sâm thiên niên hà thủ ô. Bà nói: Trong mỗi viên thì năm phần Tuyết-sâm của sứ Cao-ly, còn năm phần là Thiên-niên hà thủ ô của núi Trường-bạch. Hai thứ hợp lại là thuốc cứu tử cho những người bị nội thương thập tử nhất sinh. Nàng vội móc hộp thuốc trong bọc ra dâng cho ông nội.
Hoàng-Giang cư sĩ bóp vỡ một viên ra, rồi nếm thử. Ông gật đầu:
- Thuốc tốt lắm.
Mỹ-Linh cầm một viên thuốc bỏ vào miệng hoàng đế. Ngài vận công rồi nuốt đi. Khoảng nhai dập miếng trầu, người ngài trở thành hồng hào, tinh thần tỉnh táo. Ngài truyền lệnh cho Khai-Quốc vương:
- Ta tỉnh dậy, thêm con hiện diện, thì cuộc nổi loạn của các vương không đáng lo nữa. Con ra gọi tất cả các vương vào triều kiến ta.
- Tâu phụ hoàng, thần nhi đã cho chim ưng chuyển thư mời, nhưng không vương nào chịu tới cả.
- Vậy hoàng-nhi hãy kiên nhẫn lên mặt thành khuyến dụ họ một lần chót xem sao. Dùng binh lực chỉ là bất đắc dĩ.
Khai-Quốc vương vẫy Kim-Thành, Trường-Ninh, Hồng-Phúc theo, rồi bước ra ngoài. Sư phụ Huệ-Sinh và Nùng-Sơn tử đang đứng chờ. Dương Bình đến trước vương:
- Khải vương gia, Đông-Chinh vương dùng đạo Quảng-Vũ đánh phá cửa Quảng-phúc. Quân lọt được vào trong thành. Văn đệ cho đạo tả Ngự-long lui lại vì không muốn nồi da xáo thịt. Đông-Chinh vương đang tiến đến chiếm điện Giảng-võ, Tập-hiền, Cao-minh. Xin vương gia định liệu.
Khai-Quốc vương bảo Mỹ-Linh:
- Con ở lại hộ giá Hoàng-thượng với phụ vương.
Vương vẫy tay gọi Thông-Mai, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa cùng ba quận chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Hồng-Phúc cùng đi theo, lên ngựa ra cửa Nam. Vương dặn Thiệu-Thái:
- Vì cơ thể cháu đã thay đổi, ít người nhận ra cháu. Vậy cháu coi như mình không phải Thiệu-Thái, để gây bất ngờ cho địch. Cháu nhớ nhé, khi gặp bọn trưởng lão Hồng-thiết, cứ thẳng tay dùng độc chưởng đập chết không tha.
Gần tới cửa Nam, xa xa thấy đạo quân Ngự-long do Lê Văn đứng đầu. Còn đạo Bổng-nhật do Phạm Trạch đứng đầu. Cạnh y còn một đội giáo chúng Hồng-thiết giáo. Cả hai dàn ra trước điện Giảng-võ, Tập-hiền và Cao-minh. Bên trong ba điện, thị vệ ở tư thế chuẩn bị tác chiến.
Thông-Mai vận sức quát lớn:
- Chư quân ngừng chiến, bái yết Khai-Quốc vương.
Tiếng quát làm mọi người muốn vỡ màng nhĩ. Phạm Trạch cười rung đôi môi như hai quả chuối:
- Khai-Quốc vương nào? Khai-Quốc vương về qua Bắc-biên đã bị vợ chồng Thân Thừa-Quý phục cung thủ giết rồi.
Thiệu-Thái nghe Phạm Trạch nhục mạ song thân, chàng nổi giận cành hông, nhưng vì đại cuộc, nếu chàng giết chết y, thì hai đạo quân sẽ chém giết nhau kinh khủng. Vì vậy chàng cố chế chỉ tâm thần để khỏi nổi giận.
Bảo-Hòa khoan thai nói:
- Phạm trưởng lão, làm gì có truyện đó. Người hãy nhìn xem ai kia?
Tay nàng chỉ vào Khai-Quốc vương.
Quân sĩ thấy Khai-Quốc vương hiện diện, đều hạ vũ khí xuống, rồi lui lại. Vương hỏi:
- Đông-Chinh vương đâu?
Phạm Trạch cười khành khạch:
- Vương gia không có ở đây.
Bảo-Hòa chỉ mặt Phạm Trạch:
- Phạm Trạch! Người chẳng là trưởng lão Lạc-long giáo ư? Tại sao người lại trở mặt theo Hồng-thiết giáo?
Phạm Trạch cười chế ngạo:
- Lạc-long giáo! Hừ Lạc-long giáo! Làm gì có cái tôn giáo quái gở này? Trước đây vì muốn được trị bệnh, ta phải tùng quyền tôn con lợn anh người làm giáo chủ. Chứ khi chúng ta đã luyện Hồng-thiết kinh thì đời nào ta bỏ Hồng-thiết giáo. Con lỏi kia, mi gọi thằng anh con lợn mi ra đây cho ta xem mặt nào.
Thiệu-Thái biết rằng vì mình luyện khô thiền nên cơ thể đã đổi đi, khiến Phạm Trạch không nhận được. Chàng im lặng chờ lệnh Khai-Quốc vương.
Khai-Quốc vương vận nội lực nói lớn:
- Chư quân nghe đây. Các người đều là Thiên-tử binh, tại sao Thiên tử đang yếu mình, mà chư quân đã mang vũ khí theo tên ma đầu Phạm Trạch làm loạn? Các người được đặt dưới quyền Vũ-kị đại tướng quân Quách Thịnh. Vậy Quách tướng quân đâu?
Quân sĩ đều ngơ ngác. Phạm Trạch nói lớn:
- Chư quân đừng tin gã này. Khai-Thiên vương làm phản, y giam Hoàng-thượng trong điện Long-thụy. Còn Khai-Quốc vương đi sứ về qua Bắc-biên, đã bị chị của Khai-Thiên vương phục quân, dùng tên bắn chết rồi. Cái gã kia là một tên quân nào đó giả mạo Khai-Quốc vương đấy. Nuôi quân ba năm, dùng chỉ một giờ. Các người ăn cơm chúa, vậy hãy xông lên cùng ta, chúng ta tuân chỉ Đông-Chinh vương chiếm lấy điện Long-thụy cứu Hoàng-thượng.
Một đội trưởng hỏi Phạm Trạch:
- Thế Quách tướng quân đâu?
- Quách-Thịnh là đệ tử của Thân Bảo-Hòa. Mà Thân Bảo-Hòa hùa theo phe đảng Khai-Thiên vương. Nên Thịnh đã bị Đông-Chinh vương sai đem chém rồi. Người cử ta thay thế chỉ huy chư quân mấy hôm nay, chư quân biết rồi mà.
Bỗng có tiếng quát lớn:
- Quách Thịnh đây.
Quách Thịnh từ trên cổng thành phi thân xuống. Chàng là đệ tử của Bảo-Hòa, nên hướng sư phụ hành lễ:
- Tiên cô. Đệ tử xin bái yết tiên cô.
Chàng chỉ vào mặt Phạm Trạch:
- Mi mưu cùng Đông-Chinh vương làm phản. Ta chống lại, thì bị vương hô võ sĩ bắt ta đem giam. Nhưng trong khi các người lừa dối chư quân làm phản ở đây, thì Khai-Quốc vương cho người âm thầm đột nhập dinh Đông-Chinh vương, giải thoát ta. Ta nói cho các người biết, phủ đệ Đông-Chinh vương đã bị phong tỏa, vương phi, thế tử cùng vợ con tướng sĩ đã bị thị-vệ bắt giam hết rồi. Ta đến đây để lột mặt nạ tên ma đầu Phạm Trạch mà thôi.
Chàng hô lớn:
- Chư quân, hãy vây bọn Hồng-thiết lại.
Nhanh như chớp, hai đạo Bổng-nhật vây tròn mấy trăm giáo chúng Hồng-thiết giáo lại. Chúng định chạy ra khỏi thành. Nhưng cổng thành đóng lại từ bao giờ.
Ngô Cẩm-Thi chỉ vào Tôn Đản nói lớn:
- Anh em giáo chúng nghe đây. Khai-Quốc vương đã về. Bọn Nhật-Hồ sẽ bị giết hết. Chính ta cùng Tôn huynh đã giải cứu Quách tướng quân. Các người mau đầu hàng thôi.
Đám giáo chúng còn đang ngơ ngác thì Thông-Mai ra lệnh:
- Bỏ vũ khí xuống, bằng không các người bị băm vằm ra như băm chả ngay.
Đám giáo chúng còn phân vân, thì Thông-Mai vẫy tay một cái, hai đệ tử Thượng-oai đẩy ra năm cỗ xe, một cỗ có cái cũi, trong cũi giam Ngô Bách-Vân. Còn bốn cũi nữa, mỗi cũi có một đôi hổ rất lớn. Thông-Mai chỉ cũi chở Ngô Bách-Vân:
- Các người đều biết mụ Ngô Bách-Vân này chứ? Trước đây mụ theo Nhật-Hồ lão nhân, đã được giáo chủ Thân Thiệu-Thái trị tuyệt độc tố Nhật-hồ độc chưởng cho, thế mà nay mụ lại tái phạm. Hôm nay mụ phải đền tội.
Thông-Mai nói dứt, chàng tiến tới mở cũi, rồi nhanh tay điểm huyệt Khúc-trì mụ Bách-Vân, khiến mụ không cử động được. Chàng phẩy sẽ một chưởng, mụ văng ra khỏi cũi. Mụ định bỏ chạy, thì chàng phóng hai chỉ hướng huyệt Hoàn-khiêu, khiến mụ ngã ngồi xuống, giống như người qùy gối vậy.
Trong khi đó, Bảo-Hòa hất hàm một cái, mấy đệ tử giữ cũi hổ rút then mở cửa. Nàng hú lên mấy tiếng, tám con hổ từ trong cũi phóng ra, chúng lượn xung quanh Ngô Bách-Vân, há mõm đỏ tươi ra tỏ vẻ thèm thuồng lắm. Khai-Quốc vương biết ông anh vợ vốn thẳng tay với bọn Hồng-thiết, chắc ông với Bảo-Hòa bầy ra vụ này để dọa Bách-Vân cùng đám đệ tử Hồng-thiết giáo, nên vương im lặng, không ngăn cản.
Ngô Bách-Vân bở vía, hai hàm răng đánh vào nhau lộp cộp, mụ run run:
- Xin... xin tiên cô tha cho.
Bảo-Hòa cười nhạt:
- Khi phu nhân giết người, nạn nhân kêu khóc van xin, phu nhân có tha họ bao giờ đâu, mà nay phu nhân cầu ta ân xá?
Nói dứt lời nàng gầm gừ, hộc hộc giống cọp, tám con cọp nhảy bổ đến vồ mụ Ngô Bách-Vân. Mụ kêu thét mấy tiếng khủng khiếp, nhưng những con cọp vẫn cắn, xé mụ, miệng nhai thịt trông rất ngon lành. Khoảng nhai dập miếng trầu, Ngô Bách-Vân mới chết.
Diễn tiến xẩy ra trong chớp nhoáng, Khai-Quốc vương muốn cản nhưng không kịp. Vương nghĩ thầm:
- Đám trẻ Thông-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Tôn Đản... bị sư bá Minh-Không, sư phụ Huệ-Sinh, và phụ hoàng dùng đức từ bi hỷ xả ngăn cản chúng tha cho bọn Hồng-thiết giáo bấy lâu, nên nay mới có vụ nổi loạn này. Bây giờ chúng uất ức, nên đã mật bàn với nhau thẳng tay tiễu trừ ma quỷ. Ta có muốn cản cũng không nổi.
Trong khoảng khắc, tám con cọp đã ăn gần hết thi thể Ngô Bách-Vân. Thông-Mai quát lớn:
- Các người muốn đầu hàng hay muốn cọp ăn thịt?
Biện pháp của Thông-Mai quả nhiên hiệu nghiệm. Đám giáo chúng Hồng-thiết giáo buông vũ khí đầu hàng. Quân sĩ trói lại.
Phạm Trạch cười ha hả:
- Các người định dùng số đông bắt ta ư? Nếu các người có còn là con người, hãy cùng ta chiết chiêu. Nếu các người thắng ta, thì ta chịu cho các người muốn băm vằm mổ xẻ thế nào tùy ý.
Y chỉ tay vào mặt Lê Văn:
- Thằng ôn con kia. Ta đã ngủ với mẹ mày biết bao lần. Không chừng mày là con tao cũng nên, thế mà mày dám vô phép với cha mày như thế này sao?
Lê Văn với Thông-Mai đều xuất thân tương tự. Cha là đại tôn sư võ học. Mẹ bị chết nhục nhã. Nhưng Thông-Mai ảnh hưởng của đại hiệp Tự-An, một thứ anh hùng thảo dã, coi trời bằng vung. Vì vậy chàng không thể quên thù mẹ, tha thứ cho bọn giáo chúng Hồng-thiết. Gặp chúng là chàng tàn sát thẳng tay. Ngược lại Lê Văn ảnh hưởng của Hồng-Sơn đại phu, một vị vương, một thầy thuốc, vì vậy tính tình chàng thuần hậu hơn. Tuy mẹ bị bọn Hồng-thiết làm nhục, rồi chết, nhưng vì đại nghĩa, chàng phải tuân chỉ đại xá của Thuận-Thiên hoàng đế. Chuyện cũ tưởng quên đi, thì nay gặp tên Phạm Trạch kinh tởm đang làm phản, lại nhục mạ chàng, hỏi chàng chịu sao nổi.
Lê Văn quát lên một tiếng, chàng phát Thiên-vương chưởng tấn công Phạm Trạch. Phạm Trạch khinh thường, y không đỡ chưởng của chàng, mà xuất một Nhật-hồ độc chưởng đánh thẳng vào người chàng. Nhưng chưởng chưa ra, y đã bị chưởng của Lê Văn bao trùm khắp người. Kinh hãi, y nhảy lùi hai bước, rồi quay tay đỡ chưởng của Lê Văn. Binh một tiếng, cả hai đều bật lui.
Phạm Trạch là trưởng lão Hồng-thiết giáo, nên bản lĩnh lưu manh có thừa. Y biết rằng nếu để Thông-Mai, hay Bảo-Hòa ra tay, ắt y khó thắng. Trong những người hiện diện, y cho rằng chỉ mình Lê Văn có bản lĩnh non kém nhất. Vì năm trước trong đại hội Thăng-long, chính y thấy công lực chàng thực không thể chịu của y một chưởng. Vì vậy y mới nhục mạ chàng, để y đấu với chàng. Khi y thắng chàng rồi, thì Khai-Quốc vương không thể dùng quân bắt y được.
Nhưng qua một chưởng, y phát kinh hoàng. Y chưa kịp phản ứng thì chưởng thứ nhì của Lê Văn đã đánh tới. Y nghiến răng đỡ, binh một tiếng. Cả hai lảo đảo lùi lại. Lê Văn phát hết tất cả tinh hoa võ học ra đấu với Phạm Trạch. Hai người đánh đến chiêu thứ một trăm, thì công lực Lê Văn giảm dần. Trong khi đấu, dù đã dùng hết khả năng, chàng cũng không hạ được đối thủ, vì chàng úy kị độc chưởng của hắn. Trong lúc mơ mơ hồ hồ, chàng chợt nhớ đến trận Tản-lĩnh, trận tại Biện-kinh, mỗi khi Tự-Mai gặp nguy, chàng lại nhắc bạn. Bây giờ, giữa lúc chàng gặp khó khăn, thì Tự-Mai lại không có ở đây ở đây để nhắc chàng.
Trong khi suy nghĩ, vô tình chàng phát ra chiêu Đông-hải lưu phong mà Tự-Mai dạy chàng. Bình một tiếng, Phạm-Trạch bật lui ba bước liền. Lê-Văn tỉnh ngộ, chàng đánh tiếp chiêu Phong-ba hợp bích rồi Phong đáo sơn đầu. Phạm Trạch cảm thấy tay nặng chĩu, thì nhanh như chớp, Lê Văn phóng một Lĩnh-Nam chỉ trúng huyệt Khúc-trì phải của y. Cánh tay y bị tê liệt, y chưa kịp phản ứng thì Lê Văn lại đánh ra chiêu Lôi-đả Ân-tặc. Bình một tiếng người Phạm Trạch bay tung lên không. Lê Văn đánh tiếp lên trời hai chiêu nữa, người y vỡ làm bốn năm mảnh rơi xuống đất, máu me, ruột gan tung tóe.
Bấy giờ Lê Văn mới thấy người như bị hàng trăm mũi dao đâm vào. Chàng nghiến răng để khỏi bật lên tiếng kêu. Nhìn qua, Thiệu-Thái biết Lê Văn bị trúng độc chưởng. Chàng đỡ sư đệ đệ ngồi xuống đất, rồi vung tay phát một chưởng vào huyệt Bách-hội. Lê Văn rùng mình một cái, mồ hôi phát ra như tắm, tanh hôi không thể tưởng tượng được.
Sau khi dẹp được mũi dùi của Đông-Chinh vương với Phạm Trạch, Khai-Quốc vương tuyên gọi các tướng vào điện Càn-nguyên nhận lệnh. Hoà thượng Huệ-Sinh nói nhỏ vào tai vương mấy câu. Vương cung kính gật đầu rồi phán:
- Chư quân tướng đều bị đám ma đầu Hồng-thiết giáo dối rằng Hoàng-thượng bị Khai-Thiên vương cầm tù, cần cứu giá. Cô gia thì bị vua Bà Bắc-biên phục binh bắn chết. Chư quân tướng trong lúc phẫn uất, lăn vào công thành để cứu chúa, không ngờ hại chúa. Vì vậy các tướng phải chú ý: Ta dùng số đông vây phủ, rồi nói rõ gian mưu cho chư quân biết. Nếu chư quân chưa tin, thì ta hãy dùng võ công kiềm chế bọn ma đầu Hồng-thiết là mọi chuyện êm ngay.
Vương trầm tư một lúc, rồi nói:
- Vì quân bị lừa, vì đám đệ tử Hồng-thiết giáo bị cưỡng bức. Đám Hồng-hương thiếu niên vừa bị lừa, vừa bị cưỡng bức. Chúng ta phải làm cách nào dẹp được cuộc phiến loạn, mà đổ máu rất ít. Cho nên chư tướng phải hết sức chế chỉ tâm thần, đừng để quỷ A-tu-la nhập nhĩ, mà cáu giận. Phương pháp tốt nhất là dùng đức từ bi, khoan thứ tội lỗi cho họ. Đối với bọn ma đầu, nếu cần, ta giết mấy đứa, những đứa khác thấy vậy phải bỏ chạy.
Vương nói với Tạ Sơn:
- Tạ sư đệ, người hãy trình bầy chi tiết, cùng diễn tiến cuộc nổi loạn cho chư tướng nắm vững tình hình chung trước khi chúng ta bắt tay vào việc dẹp loạn.
Tạ Sơn đứng lên cung tay chào mọi người, rồi nói:
- Khu-mật viện biết rất rõ, rất sớm chi tiết cuộc phản loạn này. Đúng ra, tất cả tin tức Khu-mật viện trực tiếp khải lên Thái-úy là Khai-Quốc vương. Nhưng Khai-Quốc vương đi sứ vắng. Luật định rằng khi Thái-úy vắng mặt thì Tể-tướng thay thế. Nhược bằng Tể-tướng cũng vắng mặt thì Khu-mật viện khẩu tấu lên Hoàng-thượng. Nhưng chẳng may trong lúc Khai-Quốc vương xuất ngoại; đúng lúc cuộc phản loạn manh nha, thì Hoàng-thượng với Tể-tướng lâm trọng bệnh. Thành ra Khu-mật viện không biết tâu trình cho ai.
Tạ Sơn ngừng lại cho mọi người theo kịp, rồi tiếp:
- Nếu là truyện quân quốc trọng sự khác, thì Khu-mật viện trình lên cho Dực-Thánh vương. Khổ một điều âm mưu tạo phản lại do chính vương phát động, thành ra Khu-mật viện bó tay. Khi thấy tình hình nguy ngập, Khu mật viện đành thông báo cho quan tổng trấn Thăng-long là Thái-tử thái phó Phiêu-kị đại tướng quân Dương Bình. Dương tướng quân mật đàm với Khu-mật viện chuẩn bị đối phó. Kế sách xong xuôi, thì đùng một cái có sắc chỉ chia mười đạo quân cho các thân vương. Mỗi vương coi hai đạo. Chính Dực-Thánh vương tâu với Hoàng-thượng rằng Dương tướng quân dù gì cũng là đại đệ tử của Hồng-Sơn đại phu. Mà nay Khai-Quốc vương vắng nhà, Hoàng- thượng với tể tướng lâm bệnh, để Dương tướng quân coi toàn bộ chư quân trong tay, lỡ có truyện gì thì trở tay sao kịp.
Khai-Quốc vương hỏi:
- Sao sư đệ không trình với sư phụ, để người can thiệp với phụ hoàng?
- Thần có trình sư phụ. Nhưng sư phụ xin yết kiến Hoàng-thượng mấy lần đều không thành công. Vì Hoàng-thượng đau nặng, nên luôn ở tẩm thất với Đàm quý phi. Lần nào sư phụ xin yết kiến Hoàng-thượng, quý phi cũng trả lời rằng thánh thể bất an, không thể tiếp sư phụ.
Lê Văn hỏi:
- Tại sao anh hai không thông báo cho phò mã Đào Cam-Mộc, hay vua Bà Bắc biên?
- Sư đệ hỏi vậy thực phải. Nhưng Khu-mật viện không được quyền thông báo tin tức cho ai ngoài Hoàng-thượng, Phụ-quốc thái úy, Tể-tướng. Nếu huynh báo cho hai nơi kia, thì sẽ bị tội sát thân toàn gia.
Đại sư Huệ-Sinh đỡ lời Tạ Sơn:
- Sau cùng bần tăng ra tay. Dù gì chăng nữa Hoàng-thượng hay bách quan cũng không thể bắt tội bần tăng. Bần tăng sai đệ tử âm thầm lên Bắc-biên cùng đến tổng đường các môn phái báo tin. Cho nên khi các đạo quân vừa khởi sự thì Bắc-biên đã chỉnh bị quân mã rồi. Các phái Mê-linh, Tiêu-sơn, Tản-viên, Tây-vu, Đông-a, Sài-sơn, bang Hồng-hà, Đông-hải đều sẵn sàng.
Đến đây ông ngừng lời, đưa mắt cho Tạ Sơn, ý bảo chàng tiếp.
- Lúc đầu Khu-Mật viện tưởng chỉ có chư vương tác loạn. Sau được tin chính Nhật-Hồ lão nhân cùng dư đảng Hồng-thiết giáo núp sau chư vương, thúc chư vương làm phản, để nước đục buông câu, rồi cướp ngôi vua. Các trưởng lão được phân chia làm gia tướng chư vương. Trưởng lão Lê Đức, Đỗ Xích-Thập được gửi sang Trung-nguyên, bề ngoài theo giúp giáo chủ Thân Thiệu-Thái, nhưng bề trong để theo dõi sứ đoàn. Nhưng hành tung hai người này bị tiên cô Bảo-Hòa biết trước. Tiên cô tương kế tựu kế, khiến họ thu nhặt tin tức sai lạc. Cuối cùng cả hai bị đại hiệp Thông-Mai với tiên cô giết ở trước vườn thượng uyển vua Tống.
Bảo-Hòa hỏi:
- Các trưởng lão Đào Nhất, Nhị, Tam-Bách ra sao?
- Cả ba đều trung thành với phái Tản-viên, với Thân giáo chủ. Vì vậy Đào Tam, Đào Nhị bị giết, còn Đào Nhất-Bách hút bị giết. May đâu trên đường bôn tẩu gặp Thân giáo chủ nên thoát hiểm. Về các trưởng đạo, trong 81 đạo trưởng Hồng-thiết giáo, hầu hết trung thành với Thân giáo chủ. Nhưng họ bị kiềm chế bằng độc chưởng, thành ra phải nhắm mắt theo Nhật-Hồ lão nhân. Khu-mật viện âm thầm liên lạc với họ. Họ đều hứa nếu Thân giáo chủ trở về, thì khi đối trận với quan quân, họ sẽ trở giáo theo triều đình.
Tôn Đản hỏi:
- Điều quan trọng là chúng ta phải biết chi tiết kế sách của Nhật-Hồ lão nhân ra sao. Xin nhị huynh tiếp cho.
- Lão áp dụng binh pháp của công chúa Thánh-Thiên thời Lĩnh-Nam: Phàm khi phát khởi cuộc nổi dậy thì phải phát ở nơi an ninh nhất, nơi ít ai ngờ tới nhất. Một mặt lão xui các vương làm loạn ở Thăng-long, còn chính lão với Hồng-thiết giáo lại nổi dậy ở Trường-yên.
Bảo-Hòa ngắt lời:
- Có phải lão chia làm hai mặt trận không? Mặt hư tại Thăng-long, mặt thực tại Trường-yên. Mặt Thăng-long lão trao cho Hoàng Văn phụ trách. Còn mặt Trường-yên lão trao cho Vũ Nhất-Trụ. Chính lão phối hợp hai mặt trận. Nhưng lão ẩn ở đâu?
- Đúng như tiên cô dạy. Lão lưu động thất thường. Nhưng dù lão ẩn thân thế nào, Khu-mật viện cũng biết. Hiện lão đang có mặt ở ngoài thành.
Tạ Sơn đưa mắt quan sát một lượt rồi tiếp:
- Kế sách của lão là hy vọng lúc Hoàng-thượng, tể tướng lâm bệnh, ắt trao quyền cho Dực-Thánh vương. Khi Dực-Thánh vương cầm quyền, các trưởng lão Nguyên-Hạnh, Bách-Vân xui Vũ-Đức vương. Trưởng lão Phạm Trạch xui Đông-Chinh vương... bất tuân lệnh, rồi hai vương vờ quy phục Khai-Thiên vương. Như vậy là Khai-Thiên vương cũng sẽ bất tuân lệnh Dực-Thánh vương. Bị đe dọa, dù muốn dù không Dực-Thánh vương phải tự vệ. Trưởng lão Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường, Hoàng Văn lại bầy kế cho Dực-Thánh vương đem ba hạm đội kéo về Thăng-long, hợp với hai đạo Quảng-thánh của vương để giữ Thăng-long, thế là quân của chư vương đánh nhau.
Mọi người suýt xoa nghiến răng ken két. Tạ Sơn tiếp:
- Bấy giờ Hoàng Văn khuyên Dực-Thánh vương sai Đàm An-Hòa đem hai đạo Quảng-thánh chiếm Trường-yên. Khi An-Hòa lên đường, Nhất-Trụ sẽ nắm lấy quyền chỉ huy hai đạo Quảng-thánh, bất thần diệt trang Thiên-trường, tổng đàn phái Đông-a. Mặt khác Nhất-Trụ sai con là Đàm Toái-Trạng dùng lực lượng Nam-thùy xuất kỳ bất ý đánh tiêu diệt Vạn-hoa sơn trang, Vạn-thảo sơn trang, rồi nhân danh Dực-Thánh vương đánh chiếm các trấn, các huyện. Hễ cứ quan quân đánh được vùng nào, Nhất-Trụ ra lệnh giao cho Hồng-hương thiếu niên cùng các đạo Hồng-thiết giáo trấn nhậm. Lão ước tính trong khi Dực-Thánhh vương cùng chư vương đại chiến, cuối cùng dù bên nào thắng chăng nữa thì tinh lực cũng kiệt quệ. Bấy giờ tất cả các trấn, các huyện nằm trong tay Hồng-thiết giáo. Đến đây lão chỉ trở tay một cái là chiếm được Thăng-long. Lão sẽ lên làm vua.
Tạ Sơn thở dài:
- Khu-mật viện vội vã diện tấu lên Hoàng-thượng. Nhưng khi thần nhập cung tấu trình thì Hoàng-thượng lâm bệnh. Thần vội sang dinh tể tướng Lý Đạo-Nghĩa, thì Lý tể tướng cũng bất thần bạo bệnh đang cơn hấp hối.
Tạ Sơn ngừng lại đưa mắt nhìn vợ là Ngô Thuần-Trúc. Thuần-Trúc nói:
- Thần quá lo sợ, vội về Mê-linh cầu kiến sư phụ. Nhưng lão nhân gia lại vắng nhà. Thần tâu mọi sự lên sư thúc Tịnh-Huyền. Vừa lúc đó sư thúc được thư cáo của Khai-Quốc vương, nhờ người đem chư đệ tử về phòng vệ cho hoàng tộc. Người bèn suất lĩnh hơn trăm nữ đệ tử về Thăng-long, cho sống lẫn với cung nga, để kịp thời cứu viện. Sư thúc vào tẩm thất thăm Hoàng-thượng. Đàm qúy phi ngăn cản không cho người vào. Đúng lúc đó Hoàng-thượng cho thái giám lĩnh chỉ tuyên triệu Dực-Thánh vương vào chầu để nhận chiếu ủy quyền trị nước. Biết không đừng được sư thúc xông thẳng vào cung diện kiến Hoàng-thượng tâu mọi sự. Bấy giờ Hoàng-thượng bệnh đã gần mê man. Sư thúc xin Hoàng-thượng triệu hồi Khai-Thiên vương vào trao quyền, thay vì triệu hồi Dực-Thánh vương. Hoàng-thượng đã quá yếu, Người chỉ còn biết gật đầu. Sư thúc sai thái giám ra triệu hồi Khai-Thiên vương vào tạm trao quyền nước cho vương, để chờ Khai-Quốc vương về. Khi-Thiên vương cầm quyền được một ngày, Khu-mật viện mật khải với vương về việc âm mưu của Hồng-thiết giáo. Khai-Thiên vương kinh hãi, vội cho điều hai đạo Ngự-long vào trong thành để đề phòng. Việc phòng Kinh-thành trao cho quan Thái-tử thiếu-phó Phiêu-kị đại tướng quân Dương Bình. Xin để Dương Thiếu-phó trình bầy kế hoạch.
Dương Bình đứng lên nói:
- Tôi truyền cho Tả-kiêu vệ đại tướng quân Lý Huyền-Sư chỉ huy đạo hữu Ngự-long trấn cửa Đại-hưng, Đan-phượng. Nhờ Nùng đạo trưởng chỉ huy đạo tả Ngự-long trấn cửa Quảng-phúc. Lại cho Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa lĩnh Cấm-quân trấn cửa Phi-long, Tường-phù. Tạ tiết độ sứ lĩnh thị vệ trấn cửa Diệu-Đức. Sư thái Tịnh-Huyền cùng chư đệ tử Mê-linh bảo vệ hoàng tộc. Đại sư Huệ-Sinh cùng chư đệ tử Tiêu-sơn bảo vệ các cung điện, bách quan cùng gia quyến.
Tạ Sơn tiếp:
- Mặc dầu sư thái Tịnh-Huyền đã ngăn việc tuyên chỉ triệu Dực-Thánh vương, giữ chiếu chỉ lại, nhưng không hiểu sao, sau đó hai ngày, chiếu lại đến tay Dực-Thánh vương. Dực-Thánh vương nhận được chiếu chỉ tuyên triệu. Vương mừng lắm, truyền sắm sửa xa giá vào cung. Vương mang theo Đặng Trường, Hoàng Văn cùng với đám vệ sĩ hơn trăm người, hầu hết là cao thủ Hồng-thiết giáo. Khi vương tới cửa Đại-hưng thì Tả-kiêu vệ đại tướng quân Lý Huyền-Sư ngăn đám vệ sĩ của vương lại. Vương cự nự hỏi Lý tướng quân nhận lệnh ai, mà dám ngăn vương. Lý tướng quân tường thuật việc Hoàng-thượng trao quyền cho Khai-Thiên vương. Vương đã cho quân trấn các cửa thành. Dực-Thánh vương muốn vào, thì chỉ có thể vào một mình.
Từ lúc nhận được tin chư vương phản loạn, Khai-Quốc vương có cảm tưởng như người đi trong sương mù. Bây giờ vương mới hiểu rõ vấn đề. Vương gật đầu:
- Dực-Thánh vương được chiếu chỉ triệu hồi vào cung nhận quyền, rồi bị quân tuân lệnh Khai-Thiên vương ngăn lại, tất nhiên vương cho rằng Khai-Thiên vương làm phản. Với một người tham quyền như Dực-Thánh vương, dĩ nhiên vương triệu tập chư vương đem theo vệ sĩ cùng nhập thành. Vệ sĩ của chư vương bị ngăn lại. Chư vương trở về trong tức giận, thêm vào các trưởng lão Hồng-thiết giáo đâm bị thóc chọc bị gạo. Thế là các vương kéo quân vây kinh thành. Sự việc rất bình thường. Thế sau biến cố này, Nhật-Hồ lão nhân hẳn đổi phương án hành động.
- Vâng quả thế. Hoàng Văn bầy kế cho Dực-Thánh vương. Vương nhân danh người nhận chiếu chỉ lệnh đến: Đông-Chinh vương truyền cho Vũ-kị đại tướng quân Quách Thịnh đem hai đạo Bổng-nhật đánh cửa Quảng-phúc. Vũ-Đức vương truyền Đô-thống Nguyễn Khánh đem hai đạo Quảng-vũ đánh cửa Phi-long, Tường-phù. Đô đốc Đoàn Thông đem hạm đội Động-đình đánh cửa Diệu-đức. Chính vương truyền cho Hữu-kiêu vệ đại tướng quân Đàm An-Hòa đem hai đạo Quảng-thánh đánh cửa Đại-hưng, Đan-phượng. Nhật-Hồ lão nhân phân chia bọn trưởng lão ra các cửa thành giúp chư vương. Mỗi trưởng lão mang theo một đội thiết kị Hồng-thiết giáo nghìn người, đội giáo chúng hai nghìn người cùng đội Hồng-hương thiếu niên nghìn người nữa. Cửa Quảng-phúc thì Phạm Trạch, Linh Vũ-Nguyên. Cửa Phi-long thì Nguyên-Hạnh, Nguyễn Khánh. Cửa Tường-phù thì Ngô Bách-Vân, Thạch Nan-Biện. Cửa Đại-hưng thì Vũ Hào, Hoàng Văn. Cửa Đan-phượng thì Đặng Trường. Cửa Diệu-đức thì Lê Tấn.
Tôn Đản hỏi:
- Lê Tấn, Linh Vũ-Nguyện, Thạch Nan-Biện, Vũ Hào là ai vậy?
- Y cũng là đệ tử Nhật-Hồ lão nhân. Nguyên sau khi bọn Đỗ Xích-Thập, Lê Đức bị giết chết ở Biện-kinh, lão cho Linh Vũ-Nguyện, Thạch Nan-Biện thay thế. Ba anh em Đào Nhất, Nhị, Tam không theo lão, lão cho Lê Tấn, Vũ Hào, Nguyễn Khánh thay thế... Bốn cửa cùng phát pháo công thành. Quân phản loạn đông gấp bội, tưởng giữ không nổi. Bất đắc dĩ sư thái Tịnh-Huyền phải xuất hiện giảng giải cho chư vương nghe. Chư vương bị bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo phao rằng: Khai-Thiên vương làm phản, thí Hoàng-thượng. Vua Bà Bắc-biên theo Khai-Thiên vương phục binh ở biên giới, vương gia từ Tống về đã bị loạn tên giết chết rồi. Vì vậy chư vương ra điều kiện cho Khai-Thiên vương phải mở cổng thành đầu hàng. Để kéo dài thời gian chờ vương gia về, sư thái Tịnh-Huyền truyền chư vương án binh bất động để thuyết phục Khai-Thiên vương.
Dương Bình ngắt lời Tạ-Sơn:
- Giữa lúc đó thần nhận được tin vương gia về tới Bắc-biên. Sư muội Thanh-Mai về trấn Trường-yên. Hơn giờ sau quận chúa Bảo-Hoà, sư huynh Thông-Mai, cùng Văn đệ nhập thành báo cho biết vương gia đang điều động quân tướng dẹp loạn.
Khai-Quốc vương hài lòng:
- Khi nhận được tin sơ khởi Hồng-thiết giáo chuẩn bị làm loạn cùng xui dục chư vương, thì cô gia đang ở hồ Động-đình. Cô gia cho vương phi, cùng nhị sư huynh Bảo-Dân, sư tỷ Khấu Kim-An lấy thuyền ngày đêm về nắm Trường-yên. Sư huynh Thông-Mai đem Bảo-Hòa, Lê Văn khẩn về nhập thành giúp cô mẫu Tịnh-Huyền giữ thành Thăng-long. Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm trở về Bắc-biên mang bản bộ quân mã tiếp cứu Thăng-long. Còn cô gia với Bình-Dương, Thiệu-Thái, Tôn Đản, Cẩm-Thi về sau. Cô gia sai thần ưng, mang thư đến các vị quốc vương Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la để các nơi này đề phòng Hồng-thiết giáo ly khai Lạc-long giáo làm loạn. Cô gia cũng thư cho Ngô-quốc quận vương nước Tống là Trần Tự-Mai truy lùng diệt hết bọn Lạc-long giáo ly khai thành Hồng-thiết giáo khắp vùng Quảng-Đông, Quảng-Tây, Đàm-châu, Quế-châu.
Các tướng nghe vương nói đều thở phào nhẹ nhõm. Vương tiếp:
- Cô gia cũng viết thư cho các đại môn phái, nhờ các tôn sư lệnh cho chư đệ tử tùy nghi sống ở địa phương nào thì giúp quan quân bắt bọn Lạc-long giáo ly khai. Cô gia nhờ Đào Nhất-Bách đem đoàn đệ tử Tản-viên âm thầm về ngoài Thăng-long bảo vệ gia quyến các quan, cùng kiềm chế gia quyến chư vương, chư tướng phản loạn. Từ trước đến giờ người của Khu-mật viện nằm rải rác ở các đạo Lạc-long giáo cùng Hồng-hương thiếu niên rất nhiều. Cô gia mật đem lệnh cho họ cứ giả theo phản loạn, đợi khi đối trận với ta, thình lình họ trở giáo đánh phe phản loạn.
Các tướng vỗ tay hoan hô vang dội. Vương tiếp:
- Ở mặt trận phía Nam, giặc mạnh hơn ta nhiều. Quân phản loạn có ba thành phần. Một là quân của Đại-Việt, hai là giáo chúng Hồng-thiết, ba là bọn Hồng-hương thiếu niên. Tạ sư đệ hãy trình bầy quân số của phản loạn ở phương Nam cho bách quan rõ.
- Tất cả quân phản loạn ở Thăng-long là do Dực-Thánh vương trực tiếp chỉ huy; Hoàng Văn, Đặng Trường, Phạm Trạch, Nguyên-Hạnh chỉ là quân sư. Còn mặt trận phương Nam, đích thân Nhật-Hồ lão nhân với Vũ Nhất-Trụ chỉ huy. Quân số chính của chúng là quân Đại-Việt. Đầu tiên Đàm Toái-Trạng cho người mang chiếu chỉ giả truyền Vũ-Uy vương trao đạo quân Đằng-hải cho y, rồi vương phải lên đường về Thăng-long khẩn cấp. Vương không nghi ngờ, tuân chỉ liền. Khi vương cùng đám tùy tùng về gần tới Trường-yên thì bị bọn Hồng-thiết giáo phục kích bắt hết. Quân trực thuộc của Thanh-hóa có đạo Cửu-chân, gồm hai sư bộ, một sư kị, tổng số ba vạn người. Y vét quân của các quận huyện được một vạn nữa, thành bốn vạn. Đúng ra còn một hạm đội thủy quân, nhưng hạm đội này Dực-Thánh vương điều về Thăng-long rối.
Tạ Sơn ngừng lại uống một hớp nước lấy hơi rồi tiếp:
- Quân của Hồng-thiết giáo gồm năm đội Thiết-kị, mười đội bộ chiến, tổng cộng mười lăm đội, một vạn rưỡi người. Y gửi về Thăng-long mất hai đội kị, ba đội bộ. Quân của Nguyên-Hạnh gồm mười đội Hồng-hương thiếu niên, tổng số một vạn người. Chúng kéo về Thăng-long mất ba đội. Còn lại bẩy đội.
Bảo-Hòa hỏi:
- Đám quân của Nhật-Hồ tiến đánh những nơi nào trước?
- Vũ Nhất-Trụ là Đàm Can, y từng giữ chức Đô-nguyên soái, cho nên y điều quân rất giỏi. Đầu tiên, y tiến quân về đánh chiếm Vạn-hoa sơn trang. Cho đến nay Khu-mật viện vẫn chưa được tin Trung-nghĩa hầu cùng công chúa An-Quốc ra sao. Tiếp theo y đánh Vạn-thảo sơn trang. Trước kia Vạn-thảo sơn trang có rất nhiều đệ tử, tới năm nghìn người. Từ khi Hồng-Sơn đại phu hợp tác với triều đình, người tung ra bốn nghìn rưởi người đi khắp nơi lập y viện cứu dân. Tại sơn trang chỉ còn hơn năm trăm y sư. Cho nên Vũ Nhất-Trụ chiếm dễ dàng. Y đem quân về đánh Trường-yên, thì Trường-yên đã phòng vệ cẩn mật. Y chia quân làm hai. Hai đạo Đằng-hải, Cửu-chân vây Trường-yên. Còn đám Hồng-thiết giáo, Hồng-hương về đánh Thiên-trường. Trận chiến cho đến nay chưa có tin tức gì.
Lý Huyền-Sư đề nghị:
- Thần nghe: Binh quý hồ tốc. Sau khi dẹp được đạo quân vây cửa Quảng-phúc, sao vương gia không ra binh uy dẹp các cửa kia cho mau, để an thiên hạ?
Khai-Quốc vương nói:
- Tả-kiêu vệ đại tướng quân biết một mà không biết hai. Phàm ra quân phải có chính nghĩa. Từ Nhật-Hồ cho tới chư vương phản loạn đều là những người cầm quân giỏi. Nhưng họ chỉ biết xung phong hãm trận, mà họ quên mất một đều căn bản trong binh pháp: Binh quý thần tốc. Thời Lĩnh-Nam, ta thắng Hán hai trận đều nhờ yếu tố này. Trận đầu tiên tại hồ Động-đình, công chúa Phật-Nguyệt điều quân từ Linh-lăng, Trường-sa về hồ trong vòng có một đêm, trong khi Mã Viện cho rằng phải mười ngày, thành ra y thua. Lần thứ nhì, khi Lưu Long, Đoàn Chí đánh xuống Nam-hải. Chúng nghĩ rằng ở Nam-hải chỉ có đạo Nam-hải của công chúa Lê Chân với công chúa Đàm Ngọc-Nga chưa quá năm vạn người. Trong khi y có tới ba mươi lăm vạn, y nuốt dễ dàng. Y tưởng rằng lúc khởi chiến, Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng công chúa Thánh-Thiên có điều được đạo Giao-chỉ, Nhật-Nam đến Thường-sơn tiếp cứu, ít ra phải ba tháng. Trong khi đó trong một tháng y tới Thường-sơn. Bắc-bình vương điều quân mau hơn, chỉ nửa tháng hai đạo Nhật-nam, Giao-chỉ cùng đạo thủy quân của công chúa Trần Quốc đã tới nơi.
Vương mỉm cười gật đầu:
- Nhật-Hồ với Đàm Can hành sự đặt trên căn bản dối bách quan, lừa chư quân cùng đệ tử, đáng lẽ y phải hành động thực mau chóng. Khi y đã thành công, bấy giờ mưu kế bị lộ ra thì sự đã rồi. Đây, lúc khởi đầu tin tức của y sai lạc. Y tin rằng Hoàng-thượng băng hà thực, Khai-Thiên vương phản nghịch, nên y hành động ngược lại. Tại Thanh-hóa, từ khi khởi sự đến lúc tiến quân ra Trường-yên chỉ cần ba ngày, mà y dùng dằng mất ba mươi bẩy ngày. Tại Thăng-long, đáng lý y phải dùng số đông tràn ngập thành ngay một giờ đầu, trong khi y kéo dài đến hơn tháng chưa đi đến đâu. Trong thâm tâm y, y cho rằng y có chính nghĩa, Khai-Thiên vương không chính nghĩa, thời gian càng dài y càng có lợi: Quân thủ thành mệt mỏi, y chỉ việc hô một tiếng là phải đầu hàng.
Chư tướng nghe vương phân giải, đều vỗ tay hoan hô. Vương tiếp:
- Khi cô gia ở hồ Động-đình, nhận được tin dữ; cô gia phải hành động thần tốc như đã trình bầy. Nếu cô gia chậm chạp, thì Nhật-Hồ với Dực-Thánh vương sẽ có chính nghĩa, mà Khai-Thiên vương trở thành phiến loạn, thì cuộc hành quân của phe phản loạn tức nhiên thành công. Cho đến nay, cô gia xuất hiện thì tại mặt trận Thăng-long ta trở thành có chính nghĩa, Dực-Thánh vương trở thành phản loạn. Bây giờ ta cần nói cho chư tướng, chư quân cùng võ lâm hương đảng biết rõ tội trạng của bọn phản loạn, thì khi ra quân, ta cứ dùng dằng, giặc tự tan.
Vương bảo Mỹ-Linh:
- Công chúa Bình-Dương khẩn soạn cho cô gia một bài hịch thảo nghịch tặc, rồi chép làm nhiều bản gửi đi khắp nơi.
Mỹ-Linh tuân lệnh, nàng cầm bút viết liền. Vốn văn hay, chữ tốt, vẫy bút thành văn, nàng chỉ soạn trong hơn giờ là xong, đem trình cho vương. Vương cầm lên đọc cho bách quan nghe:
Thừa thiên hưng vận, Thuận-Thiên hoàng đế ban chiếu đến bách quan, tướng, quân, võ lâm, hương đảng.
Từ khi trẫm ứng ý trời thuận lòng người, tiếp ngôi chính thống. Trước tiên đặt lại nền móng quốc hồn, quốc thể, quốc uy. Về quốc hồn, trẫm tuyên chỉ tôn phong Quốc-tổ, Quốc-mẫu, chư vị tiên thánh cùng sắc phong cho anh hùng liệt nữ thuộc Đại-Việt ta, lại ban ruộng đất, cùng miễn thuế lập đền thờ, quanh năm hương khói. Về quốc thể, trẫm giữ nguyên quốc danh Đại-Việt. Về quốc uy, trẫm kết thân với Tống trong thể huynh đệ bình đẳng. Chỉ mấy món quà, cùng lời phân giải của sứ đoàn, Khai-Quốc vương đã khiến Đại-Tống bãi trọng binh ở Nam-thùy, tru diệt bọn tham quan hiếu chiến, khiến cho Đại-Tống, Đại-Việt, Đại-Lý, Xiêm-la, Lão-Qua bãi binh ở biên cảnh, trăm họ khắp năm nước sống trong tình yêu thương của con cháu Phục-Hy, Thần-Nông.
Trẫm lại kết hợp được anh hùng võ lâm Đại-Việt, Đại-lý, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la, Lưỡng-Quảng trong tinh thần huynh đệ thời Lĩnh-Nam.
Về nội trị, sau mười tám năm cai trị, trong không có nội loạn, ngoài không binh cách, trẫm mở mang học hành, ban chỉ nuôi già dạy trẻ, mùa màng trúng liên tiếp. Trong mười tám năm cai trị, trẫm thu thuế có mười năm, tám năm tha tô miễn thuế. Trên khắp giang sơn, nơi nào cũng giầu có, nhà nhà no đủ. Trẫm tưởng thời vua Hùng, vua Trưng cũng không hơn.
Hay đâu thời Thập-nhị sứ quân giặc Nhật-Hồ đem một thứ tôn giáo từ Tây-vực vào Đại-Việt. Hồng-thiết giáo tôn thờ hai tên điên khùng Mã-Mặc, Lệ-Anh làm thánh. Chúng xui con giết cha giết mẹ; em giết anh giết chị; học trò giết thầy, phá bỏ kỷ cương xã tắc từ mấy nghìn năm của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng truyền lại. Chúng giết người không gớm tay. Vì vậy nên các triều Đinh, Lê thẳng tay tiêu diệt chúng.
Khi trẫm lên ngôi, lấy từ bi hỷ xả của đức Thế-tôn ân xá cho chúng, lại cho chúng dự đại hội Lộc-hà, tế anh hùng thời Lĩnh-Nam. Nào ngờ trong đại hội, chúng mưu cướp ngôi, bị anh hùng dẹp tan. Võ lâm một lần nữa thuận cho chúng cải tà quy chính, đổi Hồng-thiết giáo thành Lạc-long giáo. Nào ngờ, khi trẫn khó ở, Khai-Quốc vương đi sứ, tên Nhật-Hồ cùng đám tàn quân giáo chúng Hồng-thiết nổi lên, dối chư vương, lừa chư quân làm loạn. Nay bệnh trẫm đã thuyên giảm, Khai-Quốc vương đã trở về. Trẫm ban chỉ này tới chư vương, chư tướng, chư quân cùng giáo chúng được rõ:
- Chư quân tướng đâu phải về đó. Trẫm hoàn toàn ân xá cho bản thân, cho cha mẹ, cho vợ con. Chức, tước, bổng lộc được giữ nguyên.
- Các giáo chúng hãy bỏ vũ khí, tìm đến quan quân đầu thú, sẽ được ân xá cho về quê sống với cha mẹ, vợ con.
Những kẻ nào còn cầm vũ khí chống lại quân tướng, không những thân bị giết, mà quan quân còn truy lùng về hương đảng giết cả cha mẹ, anh em , vợ con, quyết không ân xá.
Vậy chiếu chỉ này tới đâu, tướng truyền cho quân; quân truyền cho dân cùng đọc, ai nấy cùng quy phục chính thống.
Khâm thử.
Khai-Quốc vương trao chiếu chỉ cho Bảo-Hòa:
- Cháu được phụ hoàng ta sủng ái nhất, vậy cháu đệ lên để ngài kiềm thự, đóng ấn, rồi trao cho Hàn-lâm đại học sĩ, truyền sao khẩn cấp cho ta mấy nghìn tờ.
Bảo-Hòa lĩnh mệnh đi liền.
Khai-Quốc vương cùng chư tướng tiếp tục nghị sự. Cứ mỗi khi chim ưng đem thư từ các trấn về, vương lại ban lệnh rồi gửi đi. Suốt ngày không lúc nào ngưng. Đến đêm thì Bảo-Hòa đem chiếu chỉ đã sao thành hai nghìn bản đến. Vương sai Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm cho chim ưng mang đi khắp các môn phái, bang hội, chùa đến, các trấn, các huyện cùng các đạo quân.
Vương gọi Thông-Mai, Lê Văn, Tôn Đản, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Dương Bình lại, ban lệnh:
- Trong chúng ta đây, sáu người có nội lực cao nhất. Vậy mỗi người tới một cửa thành, phát ba tiếng pháo thực lớn đốt đuốc cho sáng, hầu chư quân tướng chú ý, rồi vận nội lực đọc thực lớn cho chư quân tướng ngoài thành nghe.
Sáu người lĩnh mệnh đi liền.
Hơn giờ sau, sáu người trở về phục mệnh. Vương ban lệnh:
- Từ giờ đến mai, chư tướng, quân theo phản loạn đều không ít thì nhiều bàn tán với nhau rồi. Bây giờ chúng ta chuẩn bị dẹp giặc quanh Thăng-long trước.
Vương nói với Đoàn Thông:
- Đoàn đô đốc đem hạm đội Động-đình tiếp tục giữ cửa Diệu-đức, cùng tiến chiếm các vùng sông ngòi quanh Thăng-long, bắt hết tàn quân giặc trốn chạy bằng đường thủy.
Đoàn Thông lĩnh mệnh đi liền. Vương gọi đô đốc Phạm Tuy:
- Sư đệ đem hạm đội Bạch-đằng về Thanh-hóa ngay. Ta biết Đàm Toái-Trạng đem quân đi hết, Thanh-hoá trống trơn, sư đệ nhân đó thình lình chiếm Thanh-hóa cắt đường vận lương, kiềm chế gia đình bọn phản loạn, rồi đánh phía sau đạo quân Đàm Toái-Trạng.
Vương đứng lên nhìn chư tướng:
- Bây giờ tới mặt trận Thăng-long.
Vương suy nghĩ một lúc rồi nói với Nùng-Sơn tử:
- Tổng chỉ huy cửa Quảng-phúc là Nùng đạo trưởng. Xin đạo trưởng cho Vũ-kị đại tướng quân Quách Thịnh điều động đạo Bổng-nhật xuất thành đánh quặt sang phía Đông, vây quân phản loạn đang công phá cửa Tường-phù, Phi-long. Tại cửa Tường-phù, Dương sư huynh cho mở cửa để Thuận-Tông đem đạo binh Phong-châu cùng Lý Nhân-Nghĩa dẫn đạo Cấm-quân đánh phía trước. Tôi đã ra lệnh cho đô đốc Vũ Minh đem thủy quân đánh từ Bắc xuống. Khi thấy ba tiếng pháo lệnh thì đồng tấn công. Ba mặt thọ địch, ắt Vũ-Đức vương với Nguyễn Khánh phải đầu hàng. Tổng chỉ huy mặt trận cửa Phi-long, Tường-phù là đô đốc Vũ Minh.
Các tướng lĩnh mệnh rời điện Uy-viễn, vương vẫy quận chúa Kim-Thành theo sau, tiễn đưa họ. Tới cửa cung, Thuận-Tông leo lên bành voi.
Vương bảo quận chúa Kim-Thành:
- Cháu cần tập gánh vác việc nước như cô An-Quốc, như cô Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, như Bình-Dương. Ta đặt cháu thuộc quyền chỉ huy của châu trưởng Phong-châu Lê Thuận-Tông.
Vương túm cổ áo cháu tung bổng lên cao, Kim-Thành lộn một vòng trên không rồi rơi xuống bành voi ngay cạnh Lê Thuận-Tông nhẹ nhàng như đặt xuống vậy. Gì mà Thuận-Tông không hiểu Khai-Quốc vương. Chàng cung tay vái ba vái, rồi ra lệnh cho quản tượng thúc voi đi.
Vương trở vào điện Uy-viễn nới với Nùng đạo trưởng:
- Tổng chỉ huy mặt trận cửa Đan-phượng là đô đốc Phạm Tuy. Xin đạo trưởng cho Tạ sư đệ đem đạo Thượng-oai xuất ra cửa Nam, đánh vòng sang Tây, vây phía sau đạo quân của Dực-Thánh vương. Trong khi đó Tả kiêu vệ đại tướng quân Lý Huyền-Sư mở cửa Tây cho đạo Ngự-long xuất thành đánh trước mặt. Tôi đã cho lệnh đô đốc Phạm Tuy chuẩn bị. Khi thấy ba tiếng pháo nổ trên không là lúc tất cả các đạo đồng tấn công. Tuy cửa Quảng-phúc hiện không còn quân phản loạn, nhưng đạo trưởng vẫn phải đề phòng bất ngờ.
Lúc từ Trung-nguyên về tới cửa Bắc, Khai-Quốc vương được sư phụ Huệ-Sinh cho biết đệ tử Mê-linh tới hơn trăm người, hiện ẩn thân trong lớp áo cung nữ bảo vệ hoàng tộc rất chu đáo. Từ hôm xẩy ra biến cố, vợ Tạ Sơn là em Ngô An-Ngữ tên Ngô Thuần-Trúc đã đem con vào ở trong Khu-mật viện để cùng giúp chồng. Vương thấy Ngô Thuần-Trúc, vợ của Tạ Sơn đeo kiếm cạnh chồng, phía sau là đứa con gái tên Tạ Thuần-Khanh. Vương vẫy tay gọi nó. Thuần-Khanh tuy mới mười tuổi, nhưng lưng đeo kiếm, trông đã chững chạc lắm. Vương nhớ tới Ngô Thường-Kiệt, giờ chắc cũng đang cùng cha mẹ phòng vệ Trường-yên đây.
Thuần-Khanh cúi đầu hành lễ. Vương bảo nó:
- Cháu theo sư bá đi đánh giặc.
Vương nói với Hà Thiện-Lãm:
- Trong đạo binh Thượng-oai của em có bao nhiêu chim ưng đưa thư được?
- Em có hơn trăm chim ưng, thì đến chín mươi con thuộc ưng chiến đấu, chỉ mười hai con có thể đưa thư. Tất cả chim ưng đều do Vi Chấn chỉ huy.
- Vậy em để Vi Chấn cùng đội ưng binh lại. Ta nhờ Vi Chấn chỉ huy đám chim ưng Khu-mật viện thay Nguyễn Duệ đã tuẫn quốc.
Thiện-Lãm, Lưu Tường cùng các tướng lĩnh mệnh rời cung Uy-viễn. Vương vẫy quận chúa Trường-Ninh, Hồng-Phúc theo tiễn các tướng ra cửa. Lãm, Tường lên bành voi. Họ định thúc voi lên đường thì Khai-Quốc vương vẫy tay ra lệnh khoan khởi hành. Vương quay lại nói với Trường-Ninh, Hồng-Phúc:
- Ta đặt hai cháu dưới quyền Thiện-Lãm với Lưu-Tường. Các cháu phải xứng đáng là con cháu vua Trưng.
Vương đưa mắt cho Bảo-Hoà. Nàng vung roi ngựa quấn lấy Hồng-Phúc, rồi rung tay một cái, Hồng-Phúc rơi ngay cạnh Lưu Tường. Nàng lại vung roi lần nữa, Trường-Ninh rơi cạnh bành voi Hà Thiện-Lãm. Hà, Lưu cùng vái vương rồi thúc voi ra đi.
Vương hướng chư tướng hỏi:
- Có ai thắc mắc gì không?
Tạ Sơn đề nghị:
- Trình vương gia, các đạo phiến loạn đều có cao thủ Hồng-thiết giáo theo trợ giúp. Xin vương gia viện cho mỗi đạo mấy cao thủ, bằng không e nguy lắm.
- Được, vậy Thông-Mai theo giúp Thuận-Tông. Tôn Đản, Cẩm-Thi theo giúp Quách tướng quân. Còn cánh của hạm đội Âu-Cơ thì không cần. Vì võ công đô đốc Vũ Minh, dễ gì có người đương nổi.
Vương chỉ Bảo-Hòa:
- Cháu theo giúp Thiện-lãm. Còn Lê Văn theo giúp Lý Huyền-Sư tướng quân. Đạo quân hạm đội Bạch-đằng đã có các cao thủ phái Đông-a giúp đô đốc Phạm Tuy rồi.
Vương ghé tai Lê Văn dặn nhỏ mấy câu. Chàng gật đầu:
- Đại ca yên tâm. Gì chứ việc đó dễ mà.
Các tướng lục tục trở lại với quân. Khai-Quốc vương cùng Thiệu-Thái, Vi Chấn với đội ưng binh lên mặt thành, quan sát trận thế. Vương đến cửa Tường-phù, đội quân của Lý Nhân-Nghĩa dàn ra uy nghiêm trên mặt thành. Họ thấy vương đến thì đốt lên tiếng pháo lệnh, rồi hoan hô, thúc trống vang dội.
Vương đưa mắt nhìn xuống: Vũ-Đức vương ngồi trên mình ngựa đứng giữa. Bên phải là Nguyên-Hạnh, dưới cây cờ có chữ Thông-huyền bồ tát Nguyên-Hạnh. Bên trái là Nguyễn Khánh đứng dưới cây cờ có chữ Thái-tử thiếu bảo, Tả kiêu vệ đại tướng quân, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Khu mật viện sứ, Nhật-Nam hầu Nguyễn. Phía sau, hai đạo binh Quảng-vũ ở giữa, bên phải là đạo Hồng-hương thiếu niên, bên trái là đội binh Hồng-thiết giáo. Tất cả đang chuẩn bị công thành.
Lý Nhân-Nghĩa tường trình:
- Khải vương gia, Dực-Thánh vương ỷ vào chiếu chỉ được trao trọng quyền, vương thăng Nguyễn Khánh từ Đô-thống lên tới Tả kiêu vệ đại tướng quân tức là nhảy vọt 27 bậc. Hơn nữa y cũng được phong chức văn tới Đồng-trung-thư môn hạ Bình-chương sự tức Tể-tướng.
Ông chỉ vào quân phản loạn:
- Từ ba hôm nay, họ chia ra ba đội. Mỗi đội công thành một ngày, mục đích làm cho quân thủ thành mệt. Từ sáng đến giờ, họ ngừng chiến, dường như họ định tập trung lực lượng quyết chiếm thành tối nay.
Khai-Quốc vương vận nội lực gọi lớn:
- Ta muốn nói chuyện với Vũ-Đức vương.
Vũ-Đức vương cùng Nguyên-Hạnh, Nguyễn Khánh đồng gò ngựa ngay dưới chân thành. Họ hướng mắt nhìn lên. Thấy Khai-Quốc vương, Vũ-Đức vương hơi luống cuống:
- Nhị huynh đấy ư? Người ta nói Phật-Mã làm phản, đem quân chiếm cung điện mưu thí phụ hoàng. Lĩnh-Nam Bảo-Hòa phụ theo Phật-Mã, cho phục binh ở Bắc-biên. Khi nhị ca về, bị trúng tên qua đời rồi. Vì vậy đệ phải đem quân hỏi tội Phật-Mã.
Thấy Vũ-Đức vương gọi mình là nhị ca, Khai-Quốc vương biết có thể thuyết phục ông em này. Vương nói:
- Chú tư. Chú có thể cho anh biết ai đã phao tin đó?
Vũ-Đức vương đưa mắt nhìn Nguyên-Hạnh, rồi nói:
- Chính đại sư Nguyên-Hạnh cho biết như vậy.
Khai-Quốc vương hỏi Nguyên-Hạnh:
- Hồ quân hầu. Quân hầu là người của Yên-vương gửi sang Đại-Việt ta. Khi mưu cơ bại lộ, phụ hoàng ta ban chỉ ân xá cho quân hầu. Nay Tống-Việt hoà hợp với nhau trong tình huynh đệ. Yên-vương với cô gia kết thân. Lê tiểu thư, là ái nữ của Hồng-Sơn đại phu, nay trở thành Yên-vương vương phi. Nghĩa đệ Tự-Mai trở thành phò mã, tước phong vương. Tại sao quân hầu lại phao tin, gây chia rẽ tương tàn tại Đại-Việt ta?
Mặt Nguyên-Hạnh xám ngắt lại, y chỉ vào Khai-Quốc vương:
- Chư quân nghe đây. Khai-Quốc vương đã bị loạn tên sát hại. Gã kia là Khai-Quốc vương giả. Chư quân hãy tiến lên công thành, giết Phật-Mã, tôn Vũ-Đức vương lên làm vua.
Nguyễn Khánh cũng nói:
- Chư quân mau tiến lên chiếm thành.