Tập III
Tác giả: Diễm Thanh
B à Vân nhìn Hoàng, rồi nhỏ nhẹ:
- Con lại đi nữa à. Mẹ tính tối nay nhờ con một chuyện.
Hoàng từ tốn:
- Con rất bận, không có thời gian cho bản thân. Con về vì nhận được lời bố gọi. Giờ con phải đi. Con xin lỗi đã không giúp được mẹ.
Bà Vân gật đầu:
- Lỗi phải gì hả con? Đàn ông, sự nghiệp luôn phải đặt lên trên tất cả. Con bận thì đi đi. Dù mẹ rất muốn có con bên cạnh.
Hoàng từ tốn nói thêm:
- Mẹ nhờ em gái con mẹ nhé. Thu Hương vốn dĩ thích đến những nơi vui nhộn.
Bà Vân chép miệng:
- Con Hương đi thì nói làm gì. Thiên Kim nó muốn con có mặt. Chủ yếu nó thay đổi các món ăn của nhà hàng Sao Mai một phần lớn vì con đó.
Hoàng rùn vai:
- Vẫn liên quan đến cô ta sao. Mẹ thương con, hãy giúp con nói rõ cho Kim biết. Cô ta đừng tốn công nhọc sức. Cố gắng cỡ nào con vẫn không thay đổi tình cảm của con. Xin lỗi mẹ, giờ chỉ có hai mẹ con, con nói thật nhé. Bề ngoài thì gia thế của Thiên Kim sang thiệt đó. Nhưng so với bạn gái của con, cô ta còn phải học rất nhiều. Thời gian sẽ chứng minh để mẹ hiểu. Giờ xin phép mẹ, con đi đây.
Hoàng đề ga, chiếc xe chồm lên rồi lao ào xuống đường, khiến bà Vân giật nảy người đứng chết lặng nhìn theo.
Thu Hương chậm rãi tới kéo cổng phụ mẹ, cô cười cười:
- Anh Hai đi làm thôi mà, sao mẹ nhìn ảnh như người mất hồn vậy mẹ?
Bà Vân bối rối:
- Mẹ .... không có gì. Con lúc nào cũng đoán mò, phát biểu linh tinh.
Thu Hương le lưỡi:
- Con tệ dữ vậy sao mẹ? Nhưng con thấy mẹ đang lo ra thiệt mà. Mẹ à!
Chuyện của anh Hai, mẹ để anh ấy quyết định. Chị Phượng đẹp người đẹp nết.
Con gái nhà nghèo có ăn học, làm dâu tốt hơn con gái của mẹ đấy. Con thấy mẹ hơi bị lạ nghe.
Bà Vân cau mày:
- Mẹ lạ thế nào?
- Thì như bố nói, dạo trước, mẹ thích chị Phượng lắm mà. Tuần nào anh Hai về một mình, mẹ chả nhắc tới chị ấy đó thôi. Bây giờ, khi không, một hai mẹ ép anh Hai lấy bà Kim là sao?
Bà Vân thở ra:
- Mẹ không chê con bé Phượng được điểm nào. Chính vì nó quá tốt, nên mẹ mới khó xử đây. Mẹ có chút chuyện rắc rối con ạ.
Thu Hương nghiêm túc:
- Con nói, mẹ đừng mắng con. Mẹ nghe lời dì Vui quá, có ngày nhà mình tan nát đó. Con biết "chút chuyện" của mẹ liên quan đến việc mẹ lên "sàn chứng khoán" gần đây, đúng không mẹ?
Bà Vân giật mình:.
- Con ... sao con biết?
Thu Hương nhếch môi:
- Cả tháng nay, thằng Hiếu con dì Vui ngày nào cũng than thở với con về mẹ nó. Hai chị em còn lén theo dì Vui đến "sàn" nữa. Hình như dì ấy đang thua thê thảm. Vay mượn cả bọn cho vay nặng lãi. Nhiều hôm con phải cho thằng Hiếu và Thanh Trà tiền để xài. Mẹ thua nhiều chưa?
Bà Vân lo lắng nhìn quanh:
- Con đừng nói lớn tiếng. Bố con biết được, ổng giết mẹ chết đấy.
Thu Hương trầm tĩnh:
- Mẹ à! Bố con đâu phải người hồ đồ. Chơi chứng khoán nguy hiểm hơn cả đánh bài, đánh số. Người chơi nó phải am hiểu tỏ tường các mạng được đưa lên sàn, nếu ấm ớ là táng gia bại sản. Suốt ngày mẹ ở nhà, biết gì tới kinh doanh buôn bán mà chơi trò may rủi đó hả mẹ?
Bà Vân khổ sở:
- Mẹ nghe dì Vui rủ, nên tò mò đi theo cho biết. Thấy nhiều người kiếm bạc triệu chỉ trong vài phút. Mẹ ham tiền cũng muốn mình làm được nhiều tiền phụ với bố con. Mẹ thắng liên tiếp mười ngày, mê quá nên lao theo. Kết cục là ...
Bà Vân ngừng lời. Nhìn sắc mặt mẹ, Thu Hương rên nho nhỏ:
- Mẹ thua nhiều phải không mẹ?
Bà Vân yếu xìu:
- Mẹ giấu bố con, bán lô đất nằm trong khu qui hoạch đô thị loại cao cấp.
Vẫn không đủ. Dì Vui thua cả chục tỉ, nên dì ấy tìm đến bà Linh.
Thu Hương như ngỡ ngàng:
- Con hiểu rồi. Lý do dì Út dữ dằn một hai đòi hại chị Phượng là vì dì ấy hứa với Thiên Kim, sẽ tác hợp anh Hai con cho chị ta? Cả mẹ nữa, mẹ vay bà ta nhiều ít?
- Mẹ mượn bà ấy ... hai tỉ nhưng mẹ chưa lấy. Vì mẹ sợ không thuyết phục được anh con.
- Con thua mẹ luôn! Hai tỉ đồng với nhà mình thừa sức trang trải kia mà.
Bà Vân khổ sở:
- Mẹ sợ bố con ... bỏ mẹ vì tật xấu này, mẹ không muốn mất bố con. Dù thực tế bố con đã có một người khác. Song ông ấy vẫn đem tiền về cho mẹ, vẫn về với các con.
Thu Hương từ tốn:
- Bố con không hẹp hòi, coi đồng tiền nặng hơn tình nghĩa vợ chồng đâu.
Thái độ của mẹ khiến bố và con nghi vấn. Bởi con nghe thằng Hiếu nói, mẹ nó bể hụi, bố và con ngỡ rằng mẹ dính vô mấy cái hụi hè với dì Vui. Bố còn nói con, hỏi mẹ thực hư ra sao, để giúp mẹ. Ai dè mẹ lại chơi chứng khoán, mẹ mù tịt về các thông tin của những công ty lên sàn bán cổ phiếu. Vậy mà dám mua theo dì Út, mẹ đúng là liều.
Bà Vân thở dài:
- Liệu bố con có bỏ qua cho mẹ không con?
Thu Hương chắc nịch:
- Mẹ dám thẳng thắn nhận lỗi với bố, con tin rằng bố sẵn sàng bán bớt đất để giúp mẹ trả nợ. Con muốn gia đình ta vui vẻ như hồi nào. Căn nhà rộng thênh thang, còn mình con với mẹ thì buồn lắm.
Bà Vân hơi suy nghĩ:
- Con nói thế, mẹ sẽ lựa lời nói cùng bố con. Chuyện ấy phải chờ tới ngày mốt bố con về thôi. Tối nay mẹ nhờ con chở mẹ đến nhà hàng Sao Mai nhé.
Thu Hương cau mày:
- Mẹ muốn ăn gì ở đó à? Bà Kim học bên Mỹ về, nên nhà hàng của bà ấy nấu toàn món Tây, mẹ chắc chắn ăn không vô đâu.
Bà Vân nói:
- Không biết là món gì. Nhưng Thiên Kim bảo, nó có mấy món mới ăn rất tuyệt. Nó muốn mẹ tới dùng thử. Mẹ lỡ hứa thì phải đến. Mẹ không muốn họ nghĩ mẹ thất tín. Chuyện ăn uống và chuyện tình cảm của anh con, mẹ hứa không nhập nhằng.
Thu Hương gật đầu:
- Mẹ nói vậy, con sẽ đi với mẹ. Con cũng muốn coi bà Kim làm ăn tài giỏi cỡ nào. Nhỏ Quỳnh bạn con kể, gần khu đô thị mới có nhà hàng nấu phở và mì Ý rất ngon. Hôm nào con ghé ăn thử, rồi dẫn mẹ tới ăn luôn.
Bà Vân cười:
- Đi xa thế, mẹ nhác lắm. Buổi sáng, mẹ ăn uống đơn giản quen rồi.
Thu Hương cong môi:
- Mẹ nói con nghe thì được. Câu này để người ngoài nghe, họ cười mẹ trùm sò hoặc keo kiệt đó. Giờ đây mẹ cần phải sống thoải mái mẹ ạ.
- Nhưng bố con rất thích những bữa ăn gia đình.
- Tụi con cũng thích cả. Là hai bữa cơm chính thôi. Thi thoảng, cuối tuần, cả nhà cần ra ngoài ăn, vừa vui, vừa được hưởng cảm giác an nhàn bình yên. Con nhất định nói với bố điều này.
Bà Vân thở dài. Một chút lo âu thoáng qua. Một chút thương hại cho những suy nghĩ nhất thời của mình, khiến lòng bà bứt dứt không yên. Hoàng đi làm, hay nó sẽ đi tới nhà con nhỏ ấy? Bà có mình nó là con trai, sao bà đành lòng nhìn con bà đau khổ dằn vặt cho được? Có lẽ bà cần nghiêm túc suy nghĩ lại mọi việc. Thương con đứt ruột, bà cũng không thể cưu mang dì Vui mãi. Bà đã giúp bà Vui quá nhiều rồi. Anh em kiếp giải nhất phận. Điều gì cũng cần có giới hạn. Bà đâu thể vì em gái mà làm khổ con ruột của mình ...
Vừa thấy bà Vân, bà Vui đã trách nhẹ:
- Sao chị đến trễ vậy? Nãy giờ Thiên Kim hỏi chị hoài. Ủa! Chị không đi xe hơi sao?
Bà Vân lắc đầu:
- Tôi nhờ con Hương chở đến. Thằng Hoàng đi ngay hồi trưa rồi. Chà! Dì đi ăn thôi, sao mà diện đẹp như con gái vậy?
Bà Vui cười tươi:
- Chị thấy em mặc bộ này được không? Tại chị không biết đấy. Mình là khách mời của cô chủ nhà hàng. Vào nơi sang trọng thế này, mặc lùi xùi họ coi thường mình.
Bà Vân nhún vai:
- Đẹp lắm! Tôi e dì sẽ bị vài cậu thanh niên đứng phía sau dì, sẽ nhầm dì đó.
Dì khiến tôi thấy mình giống osin của dì ghê nơi.
Bà Vui le lưỡi:
- Chị nói gì nghe bất mãn quá vậy. Tại chị không thích diện, nếu chị chịu mua vài bộ đồ như em coi, đảm bảo chị còn trẻ hơn em kìa.
- Thôi đi dì ơi, cho tôi xin hai chữ bình yên đi dì. Con cái lớn rồi, mình nên ăn mặc cho phù hợp tuổi tác.
Thu Hương tung tẩy chùm chìa khóa trên tay, cô cười cười:
- Mình vô thôi mẹ.
Bà Vui nói:
- Mình không cần vội. Để Thiên Kim nó ra mời mình chị ạ.
Thu Hương cong môi:
- Dì ưa rắc rối quá. Người ta làm giám đốc, bận mù mắt. Mình tới đây thì cứ tự nhiên vô trong tìm bàn ngồi cũng được vậy.
- Cháu nói thế không được. Bận cỡ nào con bé cũng phải đón mình.
Vừa đúng lúc Thiên Kim bước ra, cô đến trước mặt bà Vân, ngọt ngào:
- Con mời bác, mời dì vô trong ạ. Con cứ sợ bác không tới. Vô đi Hương.
Bà Vân cười nhẹ:
- Cám ơn cháu, nếu cháu bận, cháu cứ lo công việc của cháu. Bác sẽ tự tìm chỗ được mà.
Thiên Kim cười cười:
- Ấy chết! Cháu dành bàn sẵn cho bác và dì rồi. Mời mọi người theo cháu.
Thu Hương chậm rãi:
- Nhà hàng cũng lớn ghê hả chị Kim. Đúng "gu" nhà hàng đặc sản món ăn Tây. Cách trang trí hoàn toàn giống mấy nhà hàng khách sạn trong phim của nước ngoài.
Thiên Kim vui vẻ:
- Em mới đến nhà hàng của chị lần đầu hả Hương? Từ mai, em thích hãy ghé mỗi ngày. Buổi sáng chị có bán điểm tâm đó.
Thu Hương cười cười:
- Mẹ em đặt ra qui định nghiêm lắm chị ơi. Sáng, trưa, chiều đều phải ăn tại nhà. Em ngán bánh mì Hambơgơ và mì Ý lắm lắm, sẽ không bao giờ em ăn điểm tâm ở đây đâu.
Thiên Kim hỏi nhẹ:
- Chị nghe nói Hương thích ăn phở lắm mà. Buổi sáng chị có món phở Hà Nội đấy. Em phải ghé ăn thử và chấm điểm cho chị nhé.
Thu Hương vẫn nói:
- Mẹ em nấu phở, nấu bún hoài. Em ngán tới mức phải năn nỉ mẹ em chiên cơm cho ăn đó. Chị yên tâm, chị đã có nhã ý mời, để hôm nào em rủ anh Hai đi cho vui.
Thiên Kim kêu lên:
- Liệu anh Hoàng chịu không em? Hai anh em tới ăn ủng hộ, chị tính nửa giá tiền. OK nghe!
Thu Hương nghĩ bụng:
- "Chị coi thường tôi rồi đó. Mặt mũi anh em tôi cần đi ăn chùa, ăn hàng hạ giá của chị sao. Rõ thiệt là ...".
Mọi người ngồi vào bàn. Lập tức tiếp viên bưng lên ba ly cam vắt, đặt xuống bàn. Kim mời nhẹ:
- Cháu mời bác, mời dì và em. Chờ ít phút, cháu đãi mọi người món gỏi xoài tôm. Thêm món cá hồi sốt chua ngọt.
Thu Hương vọt miệng:
- Là món ăn Việt sao? Bình dân nữa chứ? Chuyện hơi bị lạ nghen. Vậy mà con cứ tưởng được ăn món gì đó thật đặc biệt của Ý, của Mỹ hay Nga. Tự dưng chuyển tông, thật khó tin.
Bà Vân đá nhẹ vào chân Hương:
- Con coi con kìa Hương. Đến mấy nơi này con phải tỏ ra mình là hạng người ở tầng lớp thượng lưu. Đừng nói lung tung.
Thu Hương vẫn nói:
- Con đâu dám nói bừa. Tại con bất ngờ nên mới nghĩ sao ... nói vậy. Con chúa ghét bạn bè coi con là tiểu thư này nọ nghe "chói lói" lắm mẹ ơi.
Bà Vui lên tiếng:
- Ơ, con nhỏ này. Bộ ăn nhằm khoai ngứa hay sao, tự dưng cãi lời mẹ cháu thế hả?
Thu Hương nhún vai ngồi im. Thực khách không nhiều. Hình như họ đến để tìm vị lạ từ món mì Ý, món patê gì đó. Những món ăn lần lượt được đem lên.
Đầu tiên là dĩa gỏi xoài, nhìn khá hấp dẫn. Thu Hương vội lấy đũa gắp bỏ vào miệng nhai thử. Lập tức bà Vân lại nhắc nhở:
- Thu Hương! Vô ý đến mức đó sao con gái?
Biết mẹ nhắc vụ cô ăn mà không mời chào ai, Hương khẽ nói:
- Con xin lỗi. Tại nhìn hấp dẫn quá. Nhưng ăn vô thì quá chán. Gỏi gì mà vừa mềm vừa chua lè à.
Bà Vui trừng mắt:
- Ơ, cái con này! Gỏi xoài thì phải chua chứ cháu.
Thu Hương thản nhiên:
- Món này con ăn được hai lần rồi. Người ta làm rất ngon. Xoài vẫn giòn và vị chua vừa đủ ăn thôi.
Thiên Kim bước đến, cô cười tươi:
- Mấy món này nhà hàng của cháu hôm nay nấu thử. Cháu muốn tạo thêm hướng đi mới cho nhà hàng. Bác và dì ăn rồi cho cháu biết ý kiến. Mọi sự khởi đầu đều không dễ dàng, cháu phải cố gắng thôi ạ.
Thu Hương mau miệng:
- Em không nghĩ các chị chịu nấu món ăn này, món rất dân thường giữa cuộc sống người Việt, coi vậy chớ làm không hề dễ chút nào.
Thiên Kim tươi cười:
- Em chấm điểm giùm chị,coi Hương.
Thu Hương lắc đầu:
- Em trẻ người non dạ, lỡ nói không đúng làm mất uy tín nhà hàng. Dì em là người rành rẽ các món ăn, chị hỏi ý kiến dì em là đúng nhất. Mẹ em giống em thôi, bà ít ăn bên ngoài, nên khó nói lắm.
Bà Vui cố kìm cơn giận. Bà thừa biết cô cháu gái đang chơi khăm bà. Con nhóc vừa chê ỏng chê eo món gỏi. Bây giờ bà nói sao nhỉ?
Thiên Kim ôm vai Vui:
- Dì nói đi dì! Không tốt thì cháu sửa, cháu đâu giận dì mà dì ngại. Là món ăn Việt thật, nhưng cháu đâu cho bếp trưởng chế biến món Việt bao giờ. Nay làm thử, dở phải chịu thôi, dì ạ.
Bà Vui ngập ngừng:
- Cháu đã nói thế, dì cũng thật lòng nhé. Gỏi xoài phải giòn như tất cả các món gỏi khác. Nhưng ở đây, xoài bị mềm và vị chua đặc trưng vẫn rất chua. Dì có cảm giác đang ăn xoài muối dưa chứ không phải gỏi.
Thiên Kim cau mày:
- Lẽ nào lại thế. Hồi nãy cháu đã nếm thử kia mà.
Cô vội dùng đũa gắp một miếng nhỏ bỏ vô miệng. Ôi Chúa ơi! Tại sao lại mềm xèo như vậy?
Thiên Kim kêu to:
- Đầu bếp đâu, lên tôi gặp ngay!
Bà Vân nhỏ giọng:
- Kim à! Bác nghĩ lỗi không hẳn do đầu bếp. Cháu vừa nói, mấy năm nay nhà hàng nấu toàn món ăn Tây, nổi tiếng ngon. Người ta làm món ăn Tây ngon, bây giờ làm món ăn Việt. Đơn giản nhưng không phải là đầu bếp thì ai làm đều tốt. Cháu cần cho họ thời gian, nếu cháu muốn đi vào khẩu vị của người Việt.
Thiên Kim cắn môi:
- Cháu cám ơn bác. Lỡ rồi, để cháu nói nhà bếp đổi món khác.
Thu Hương nhanh miệng:
- Chị cho em món mì Ý, một dĩa đặc biệt. Thêm đĩa khoai tây lắc.
Thiên Kim mỉm cười:
- Chị sẽ đổi ngay. Còn bác và dì dùng món gì ạ?
Bà Vân dễ dãi:
- Cho bác chén xúp gà và khoai tây chiên.
Bà Vui cười cười:
- Còn dì ăn bánh mì Hambơgơ bò hạng nhất, ly cam vắt.
Bà Bảy đầu bếp tất tả đi lên. Bà sẽ sàng:
- Thưa, giám đốc gọi tôi.
Thiên Kim nghiêm giọng:
- Dì xuống bếp làm cho tôi món mì Ý ngay nhé. Chuyện khác nói sau.
Bà Bảy liếc nhìn bàn ăn của ba vị khách mời. Tuy cô chủ chư nói, bà cũng hiểu chuyện gì sắp xảy ra. Bà nấu các món ăn Tây, Tàu, Thái, Mã Lai, Hàn Quốc đều ngon không kém đầu bếp ngoại. Vậy mà với mấy món ăn dân tộc mình, bà chế biến lại rất dở. Là do hàng chục năm nay bà đã quen tay với món Tây. Ở nhà thì con gái, con dâu nấu bếp, bà hầu như không bước chân vào căn bếp gia đình từ rất lâu rồi? Một đầu bếp giỏi mà không chế biến được món ăn quê hương mình, còn gọi là đầu bếp được sao? Tự dưng bà nghe mỏi mệt đến tận cùng cơ thể. Cô chủ vì muốn cạnh tranh với chủ nhà hàng Hoa Hồng Vàng cả tình lẫn danh, nên ép nhân viên trong thời gian quá ngắn phải nấu được món ngon hơn họ. Cô quên mất mọi thứ muốn thành công đều cần đến thời gian và sự thông minh khéo léo.
Nuốt tiếng thở dài vào lòng, bà Bảy nhanh chóng trở vào bếp. Thái Luân phụ bếp dè dặt hỏi:
- Có chuyện nghiêm trọng hả dì Bảy?
Bà Bảy vừa nhanh tay làm mì, vừa nói:
- Giám đốc chưa nói gì. Nhưng các món ăn đã bị chê.
Thái Luân chép miệng:
- Ngay từ đầu con đã nói, món gỏi là tệ nhất, dù chúng ta làm rất đúng công thức. Song xoài đã chua, được chế biến thành gỏi, muốn nó giòn, nhất định phải bỏ một thứ gì đó. Nếu không xoài sẽ bị mềm ngay.
Bà Bảy nói:
- Món gì mới được. Chả lẽ ta bỏ hàn the.
- Cháu chịu. Theo cháu, mình phải thử lại vài cách.
Trút mì vào dĩa, rắc tiêu đều lên trên, bà Bảy vẫn nói:
- Lỡ vẫn hỏng?
Thái Luân cười gượng:
- Cháu chịu thua. Dì giỏi cỡ đó làm không được. Cháu thì dám múa rìu qua mắt thợ sao?
Bà Bảy thở dài:
- Cậu đừng quên, chủ nhà hàng Hoa Hồng Vàng còn rất trẻ. Nghe nói mấy món này do cô ta tự nghĩ và làm ra đó.
Thái Luân hạ giọng:
- Hay là mình tìm cách mua công thức của họ?
Bà Bảy nhìn Thái Luân trừng trừng. Một lúc bà nói:
- Cậu rõ thật là, không hiểu gì về nghề nghiệp hả? Bất cứ một ngành nghề nào đều phải có công thức riêng. Nếu công ty nào đó được độc quyền, công thức đó trở thành "bí kíp" không bao giờ truyền ra ngoài. Ngay cả người của họ cũng không dễ dàng có đâu. Cậu làm ơn thôi ngay cái suy nghĩ thiển cận ấy giùm tôi.
Thái Luân im bặt. Bà Bảy giận cậu là phải. Phụ bếp ở nhà hàng này ba năm, Luân luôn tự hào vì có một "sư phụ" nấu ăn tuyệt hảo như bà Bảy. Vậy mà, tung hoành lừng lẫy với các hương vị ngoại, món ăn Tây, giờ bà Bảy bị "đo ván" bằng chính món ăn của dân tộc mình. Là lỗi của bà đã coi trọng ngoại, lơ đãng nội. Bà thấm thía vị đắng ngắt của cuộc sống, bảo sao bà không buồn kia chứ? Tiễn chị em mẹ con bà Vân về rồi, Thiên Kim sầm sầm đi xuống bếp, cô trút tất cả giận dữ vào bà Bảy:
- Dì làm cái giống gì vậy hả? Phải dì muốn hạ uy tín tôi không? Vài món ăn bình thường như vậy, dì nấu không được, liệu ngày mai chuyện này đồn ra ngoài, tôi còn mặt mũi nào nhìn ai hả?
Bà Bảy cúi đầu:
- Tôi xin lỗi giám đốc. Tôi đã làm rất đúng theo cách làm gỏi xưa nay. Tôi cũng đã dùng thử, nhưng không nghĩ khi đưa lên bàn ăn, xoài lại mềm như vậy.
Thiên Kim trừng mắt:
- Các người chỉ biết mỗi câu xin lỗi thôi ư? Hồi nãy tôi thật sự mắc cỡ. Họ là những người tôi phải tốn công mời tới đây. Tưởng cho họ được món ăn ngon bằng chính những món ăn Việt, để họ chấp nhận tôi. Vậy mà ... Dì khiến tôi thất vọng quá.
Kiên trầm tĩnh lên tiếng:
- Xin giám đốc bình tĩnh. Tôi hiểu cảm nghĩ của giám đốc lúc này. Đầu bếp của chúng ta thật sự làm được các món ăn ngon. Việc nấu món ăn Việt do đề xuất của cô chủ trong thời gian ba ngày. Dì Bảy là người Việt, nhưng mười mấy năm nay dì ấy chuyên nấu các món ăn ngoại. Việc không biết làm món ăn Việt cũng là điều dễ hiểu. Mong giám đốc bớt giận.
Thiên Kim cao giọng:
- Anh là quản lý nhà hàng. Anh biết nhà hàng dạo này doanh thu thấp là do đâu? Tôi muốn chính anh trong thời gian ngắn nhất, trình cho tôi được cách chế biến những món ăn độc đáo của Việt Nam. Hoa Hồng Vàng làm được, không có lý do nào chúng ta chấp nhận phải thua họ.
Kiên từ tốn:
- Vâng, tôi sẽ cố gắng, thưa giám đốc.
Thiên Kim xoay người bỏ đi. Kiên chậm rãi an ủi bà Bảy:
- Dì Bảy đừng buồn. Cô chủ đang yêu nên tính khí có chút thất thường. Dì Bảy cố gắng tìm tòi, món Tây khó là vậy, dì còn làm tốt, huống hồ món ăn Việt.
Cháu hứa giúp dì.
Bà Bảy thở dài:
- Tôi biết rồi. Cám ơn cậu.
Bà Bảy vừa chợt lóe lên một suy tính phải vào hang cọp mới tìm được thứ bà cần ...
Ngọc Phượng đưa cho Cát Phượng miếng mực đã được xé nhỏ:
- Ăn đi. Mực của ông anh tao mua từ Nha Trang về, tuy không ngọt thiệt như mực quê mày nhưng đảm bảo không tệ.
Cát Phượng chấm miếng mực vô chén tương ớt, cô cười nhẹ:
- Mày quyết toán sổ chi thu giữa tháng rồi chưa?
Ngọc Phượng cười tươi:
- Xong từ tối lận. Tao mừng cho mày, nhà hàng đạt doanh thu cao, lãi gấp đôi so với hồi chủ cũ đang thời ăn nên làm ra. Cứ đà này sau năm năm ký hợp đồng, mày có thể mua luôn nhà hàng.
Cát Phượng so vai:
- "Nổ bom tấn" nữa rồi. Làm ơn đừng đưa tao lên mây nữa.
- Không dám "nổ" đâu. Thật trăm phần trăm đấy. Tất nhiên không ngoại trừ điều kiện, mọi sự như ý mình.
Hồng Phượng chạy vô chỗ hai nhỏ bạn, miệng tía lia:
- Ê! Tụi mày mua tin vui không? Tao bán cho nghe!
Ngọc Phượng xỉa tay lên trán bạn:
- Chuyện này hơi lạ nghen! Hồng Phượng, mày trở thành "thương lái" tin tức từ khi nào thế? Nghe bắt ói.
Hồng Phượng ré lên:
- Tin của tao đảm bảo hấp dẫn và vui kinh khủng. Tao không có nói xạo đâu mà nói ẩu.
Cát Phượng cười cười:
- Một lẩu hải sản, đủ chưa?
Hồng Phượng gật đầu:
- Tàm tạm. Nhưng chỗ bạn bè, tao đâu thể "chém đẹp" mày.
Ngọc Phượng trề môi:
- Thôi đi bà! Nói phứt cho rồi, bày đặt úp mở nữa.
Hồng Phượng hạ giọng:
- Hồi nãy tao đi gội đầu, tình cờ tao nghe được một chuyện do con nhỏ em ông Hoàng kể.
Cát Phượng kêu lên:
- Thu Hương kể gì hả?
Hồng Phượng so vai:
- Nó kể cho bạn nó nghe về bữa ăn tối qua của nó ở Sao Mai.
- Tự nhiên nó kể chuyện đó làm gì?
- Nhỏ bạn nó rủ làm tóc xong thì đến nhà hàng Sao Mai ăn trưa. Vậy là nhỏ em anh Hoàng kêu lên:
"Cho tao xin hai chữ bình an đi Ngọc ơi. Tối qua tao vừa được cô chủ nhà hàng bao mấy món. Quảng cáo um sùm, rốt cuộc nuốt không trôi".
Ngọc chau mày:
- Hương à! Tao nghĩ mày không ưa bà Kim nên dị ứng nhà hàng của họ. Lâu nay nhà tao toàn ăn cuối tuần ở đó. Họ nấu ngon tuyệt đó.
Thu Hương trề môi:
- Mấy món patê xúc xích, mì Ý xào, sườn non nấu sữa dê và rượu nho thì đúng là ngon thật. Khổ nỗi, bà Kim sùng ngoại đến nỗi quên hết hương vị món ăn Việt. ĐƠn giản nhất là món gỏi làm cũng không xong, ăn vô muốn ói.
Ngọc dè dặt:
- Chuyện này thật chứ?
- Thật trăm phần trăm. Món gỏi xoài ấy tao ăn hai lần bên Hoa Hồng Vàng, ăn no còn thèm chứ không chán. Vậy mà ở Sao Mai, tao và mẹ tao nuốt không vô.
Ngọc thẫn thờ:
- Vậy thì tiêu rồi. Tao nghe anh Ba tao rủ tối nay đến Sao Mai ăn món Việt, nên tính thêm "kèo" rủ mày. Chán thật!
Thu Hương nói:
- Nghe đơn giản vậy, chứ món dân dã quê mình không phải ai cũng nấu được đâu. Thậm chí món rau muống xào tỏi. Mày không tin, hôm nào ghé Hoa Hồng Vàng ăn thử. Trên cả tuyệt vời, dù chỉ là món rau ... muống Bắc Kỳ.
- Mày quảng cáo ắt phải ngon. Hôm nào tao sẽ đi ...
Hồng chậm rãi:
- Chuyện đó tao nghe là thế. Rõ ràng con nhỏ Kim muốn cạnh tranh với nhà hàng của Cát Phượng, đúng không nào?
Ngọc Phượng cười toe:
- Chính xác là đang cay cú cô chỏ nhà hàng Hoa Hồng Vàng. Hình dung vẻ mặt thất vọng của nó, tao chỉ muốn cười thật to.
Cát Phượng hừ nhẹ:
- Mày nữa! Là con gái đừng lấy nỗi đau, nỗi khổ của người khác làm sự thoải mái hả hê cho mình.
- Tao mặc kệ ai nghĩ gì. Hiện tại con nhỏ đó đang hăm he thù hằn tao chứ đâu phải mày. Tao đang muốn biết hồi kết sẽ ra sao đây.
Cát Phượng cười buồn:
- Chắc chắn kẻ đau khổ là tao chứ không phải nó. Hoàng rất thương mẹ. Nhà giàu đó liệu thật sự yên bình không? Hay bên trong là cả một nỗi lo sợ muộn phiền của người thân yêu. Thiên Kim là mỏ vàng để tất cả ai có nhu cầu tiền bạc, cô ta đều sẵn lòng giúp đỡ. Dĩ nhiên phải kèm điều kiện.
Ngọc Phượng cau mày:
- Này! Nói như mày, lẽ nào nhà anh Hoàng đang khốn khổ vì tiền, mẹ anh ấy đành hy sinh con trai mình à?
Lắc đầu, Cát Phượng nói:
- Tao không biết. Tao chỉ đoán theo linh cảm. Mẹ Hoàng vốn yêu con, chưa bao giờ ép con cái làm gì mà họ không thích. Bây giờ chuyện hôn nhân hạnh phúc của con trai, bác ấy nhất định ép tụi tao chia tay, tao nghĩ phải có lý do.
Ngọc Phượng chép miệng:
- Suy luận của mày cũng có lý. Rắc rối thật. Hóa ra làm con nhà giàu chả có gì vui, ngoại trừ túi rủng rẻng tiền. Mười đứa thì hết chín đứa sa đà hư hỏng vì cha mẹ không quan tâm. Xét cho cùng tụi mình vẫn sướng nhất, khi có một gia đình đầm ấm.
Hồng Phượng nhìn vẻ mặt buồn buồn của Cát Phượng, cô xua tay:
- Ăn tiếp đi còn phải làm việc nữa. Ủa! Giờ này sao không thấy bóng dáng Bích Phượng nhỉ?
Cát Phượng nhỏ nhẹ:
- Mẹ nó nhắn về nhà có chuyện gấp. Chắc mai nó mới lên.
Ngọc Phượng bà tám:
- Tao nghi "chuyện gấp" của bác Thứ quá à.
Hồng Phượng hỏi:
- Là sao? Mày thì ai cũng rơi vào sự nghi vấn của mày, kể cả bố mẹ mày.
Ngọc Phượng tỉnh bơ:
- Tại tao hay sang nhà Bích Phượng nên biết hơn một chút bí mật của mẹ nó.
Tao không nghi ai hết. Chuyện gì tao nói đều có nguyên do.
- Vậy nói thử nghe coi.
- Tao từng nghe cô Út nhỏ Bích Phượng kể, mẹ nó tính gả nó cho Việt kiều ...
Ngọc Phượng nói chưa dứt, Cát Phượng và Hồng Phượng đồng kêu:
- Í, trời trời!
Cát Phượng hỏi tới:
- Việt kiều nào? Đài Loan như mấy đứa bên huyện kế nhà mình, làm hồ sơ lấy chồng ấy hả?
Ngọc Phượng nói:
- Không đến nỗi bèo bọt mây trôi như thế. Là con trai của người bạn thuở xa xưa của ba nó. Họ định cư ở Mỹ, bang Texas hay Cali gì đó.
Cát Phượng thừ người nói:
- Chuyện lớn vậy sao không nghe Bích Phượng nói gì hết. Mày thấy ý nhỏ Phượng chịu không?
- Tao không biết. Mẹ Phượng nợ nần tá lả âm binh. Nhà anh chàng nghe nói rất giàu. Chắc chắn Bích Phượng phải hy sinh đời nó, để bảo toàn hạnh phúc gia đình. Trong bốn đứa tụi mình, Bích Phượng vốn yếu đuối, luôn làm theo ý cha mẹ nhất.
Hồng Phượng chép môi:
- Nếu thế thì tiêu đời nó còn gì. Lỡ không may anh ta bị đui què gì đó thật là khốn khổ.
Ngọc Phượng rùn vai:
- Chuyện ấy thì không đâu. Sợ là công tử nhà giàu, sống xa hoa nơi vũ trường, quán bar, nhiễm mấy thứ bệnh kinh khủng thế kỷ kìa.
Cát Phượng bứt dứt:
- Ghê quá! Tụi mình phải làm sao để giúp Bích Phượng đây.
Ngọc Phượng nạt đùa:
- Thêm mày nữa. Thân mày lo chưa xong, lo chuyện bao đồng của người.
Chúng ta đều mỗi đứa mỗi số mệnh, không cãi lại số trời được đâu. Tao nghĩ Bích Phượng sẽ hy sinh vì mẹ nó.
Cát Phượng vẻ suy nghĩ, một lúc cô nhẹ giọng:
- Phải chờ Bích Phượng lên mới biết rõ thật hư. Nếu số tiền không lớn, tao nhất định giúp nó. Bây giờ tụi mày trở về với công việc của mình. Ráng giúp tao.
Ngọc Phượng vỗ vai Cát Phượng:
- Mày chớ lo cho nhỏ Bích Phượng nhiều. Chuyện của mày đang dầm dề ra đó. Tao e bà Kim sẽ phá mày đó.
- Tao không chọc phá ai hết. Nếu họ thích gây gổ, kiếm chuyện, tao sẽ nhờ đến chính quyền. Thôi giải tán!
Mọi người ai vào công việc nấy. Cát Phượng đi xuống bếp. Ông Quốc Tuấn đang nhào bột để chế biến món mì Bắc Kinh. Nhìn thấy Cát Phượng, ông Tuấn từ tốn:
- Chào giám đốc.
Cát Phượng kêu lên:
- Kìa chú! Cháu phải nói đến lần thứ bao nhiêu nữa, chú mới không gọi cháu bằng cụm từ giám đốc?
Ông Tuấn cười hiền:
- Tại tôi quen miệng với vợ chồng ông bà Quang Hà. Cô xuống bếp hẳn có chuyện gì phải không cô?
Cát Phượng cười:
- Dạ không. Chắc là mệt lắm hả chú khi làm món ăn Tàu này.
- Tôi quen rồi. Món mì Bắc Kinh phải ăn tới đâu làm bột tới đó, sợi mì mới ngon.
Cát Phượng nhỏ nhẹ:
- Nhìn chú quay sợi mì, cháu thấy thích lắm. Cháu về nhà lén tập nhưng thấy khó vô cùng. Thật may cho cháu là chú ở lại.
Ông Tuấn chậm rãi:
- Đã là người làm công ăn lương, thì đi đâu cũng vậy thôi cô ạ. Cô không chê thì hết hợp đồng tôi xin tiếp tục ở lại làm với cô.
Cát Phượng vui vẻ:
- Là chú tự nói đó nghen. Được chú làm đầu bếp, nhất định nhà hàng chúng ta mãi đông khách. Tháng cuối năm, cháu hứa thưởng mỗi người một tháng lương.
Ông Tuấn cười hiền:
- Cô chu đáo và quan tâm đến người làm. Mọi người nhất định vì cô mà phục vụ hết khả năng.
Cát Phượng hạ giọng:
- Cháu còn một điều nho nhỏ muốn yêu cầu chú.
- Giám đốc cứ nói.
- Chú nhớ tuyệt đối đừng tiết lộ bất cứ thông tin nào về cách chế biến món ăn của nhà hàng. Dù là món bình dân nhất. Được không ạ.
Ông Tuấn cười:
- Chuyện này xin cô yên tâm. Tôi đâu dại dột bán đứng chuyên môn của mình. Nhà hàng dưới sự điều hành của cô ăn lên làm ra hơn hẳn thời vợ chồng ông Quang Hà. Tôi vui lắm. Bởi trong đó sự đóng góp của tôi là chủ yếu mà cô.
- Cháu cám ơn chú. Chú nói vậy là cháu an tâm rồi. Cháu không làm phiền chú nữa. Cháu đi nghen.
- Chào giám đốc. Cô đi đứng cẩn thận nhẹ nhàng nghen cô chủ.
Cát Phượng mỉm cười. Cô thật sự yên tâm về lòng trung thành của đầu bếp Tuấn. Nhà hàng tồn tại, phát triển, khách ra vô tấp nập, tất cả phải nhờ vào tài nấu nướng của ông. Số phận đang mỉm cười với Phượng.
Đưa ly rượu nhấp một ngụm vào miệng, Vũ nhăn mặt:
- Rượu mạnh quá. Tự dưng sao dùng đến loại này vậy Hoàng?
Không nghe Hoàng trả lời, nét mặt anh âm thầm sâu lắng. Vũ khẽ lay vai bạn.
- Hoàng! Mày sao vậy?
Hoàng giật mình cười gượng:
- Không sao! Tao ổn mà.
Vũ càu nhàu:
- Ổn mà nãy giờ gọi người ta ra uống rượu, rồi ngồi chình ình một đống, ngó bất mãn quá đi. Lại chuyện vợ con phải không?
Hoàng rầu rĩ:
- Tao chán quá. Làm thằng đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, mạnh mẽ che chở người con gái mình yêu thương mới đúng đạo lý. Vậy mà mẹ tao một hai ép tao phải lấy vợ, lấy người mà tao không thể yêu thương.
Vũ chép miệng:
- Đúng là khổ thật. Xưa nay, mày luôn hiếu thảo với bố mẹ, ông bà. Họ nói gì mày cũng nghe. Chuyện hôn nhân của mày chắc được tính từ trước rồi.
Hoàng uống cạn ly rượu, anh nói:
- Tao sẵn sàng cho bố mẹ tao thân xác của tao, nếu họ cần. Còn hạnh phúc và trái tim của tao, tuyệt đối tao không cho ai ngoài Cát Phượng.
- Bố mẹ mày căng thẳng với Cát Phượng lắm mà.
Hoàng chậm rãi:
- Một mình mẹ tao thôi. Tất cả đều do bà dì đáng kính của tao mà ra. Tao tức chết được.
Vũ an ủi:
- Mẹ mày là người tốt. Tao nghĩ mày nên nhẹ nhàng năn nỉ bà. Mềm không được thì mày dùng chiêu hù dọa bà. Là mẹ, ai không thương con chớ. Bà dì mày dẫu mồm miệng bò lái cũng không thể lái được tình mẫu tử. Mày phải tin tao.
- Khổ nỗi dì tao đang nợ nần ngập đầu. Đã vậy còn kéo theo mẹ tao cùng chơi chứng khoán. Già cả, biết gì về cổ phiếu mà ham. Thua liểng xiểng mới khổ.
Vũ ngẩn ngơ:
- Chả lẽ vì vậy mà mẹ mày muốn mày làm vật hy sinh. Gia đình Thiên Kim giàu ngất ngưởng. Cô ta chỉ rên nhỏ, ba mẹ cô ta đã sẵn sàng cho cô ta tiền tỉ.
Đúng không hả?
- Mày hiểu cô ta quá nhỉ! Chuyện đúng như mày nói đó.
Vũ kêu lên:
- Trời ạ? Nên nhớ mày là ai nhé, Hoàng. Đàn ông con trai sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn gia đình. Còn đây chỉ là mẹ mày chơi cổ phiếu tài sản nhà mày dư sức trả.
Hoàng cay cú:
- Bởi vì mẹ tao sợ bố tao giận. Ông bà đang ly thân mà. Số nợ của mẹ tao vào khoảng một lô đất vàng ở khu quy hoạch đô thị loại đặc biệt mà thôi.
- Theo tao mày nên xin bố mày. Chịu hạ mình với bố, còn hơn chấp nhận lấy Thiên Kim.
- Cám ơn mày đã hiểu tao.
Trong lúc hai thằng con trai đang uống rượu giải sầu. Thì ở nhà Cát Phượng, bà Vui đang bước xuống từ chiếc xe hơi sang trọng.
Đang ngồi chơi với Cu Ki, bà Thắm ngước đầu nhìn bà khách sang trọng:
- Chị muốn hỏi gì thế?
Bà Vui nhìn ngôi nhà và hỏi chứ không trả lời bà Thắm:
- Phải nhà cô Cát Phượng đây không chị?
Bà Thắm nói:
- Phải. Nhưng con tôi làm ở thành phố lâu rồi cháu không về nhà. Chị gặp nó có chuyện gì à?
Bà Vui cao giọng:
- Tôi biết con bé không ở nhà. Nhưng tôi đến đây để gặp bà.
Bà Thắm chau mày:
- Chị gặp tôi, làm gì? Mà ... chị vô nhà uống nước đã.
Bà Vui vừa vén áo ngồi xuống ghế vừa nói:
- Nghe bạn con Phượng kể, tôi hình dung nhà bà tệ lắm. Thì ra không phải thế. Cũng khang trang rộng rãi lịch sự lắm, chắc bà mới sửa sang lại?
Bà Thắm kiên nhẫn:
- Chị gặp tôi với mục đích gì, xin chị cứ nói. Cả đời người cũng phải dốc sức để có lấy căn nhà lành lặn, cho con cái đỡ tủi thân chứ.
Bà Vui rờ vào mặt Cu Ki:
- Thằng nhỏ này chắc là con của ...
Bà Thắm hơi bực:
- Nó là cháu ngoại tôi. Nhưng không phải là con Cát Phượng.
Bà Vui nhếch môi:
- Bà chị cũng là người có ăn có học, sao nói năng khó chịu với khách vậy.
Tôi đến đây tất có mục đích của mình. Thật tiếc cho bà chị, có hai cô con gái chẳng đứa nào đàng hoàng tử tế.
Bà Thắm giận tái mặt:
- Tôi cấm chị không được xúc phạm con tôi!
- Tôi đâu dám. Chỉ là nói sự thật thôi. Thằng bé này chẳng phải là một bằng chứng đó sao? Sắp tới, con Cát Phượng rồi cũng y chang con em. Loại con gái hư hỏng.
Bà Thắm bật dậy:
- Thật ra, bà là ai. Tự dưng sao đến đây để xúc phạm con tôi. Cát Phượng nó gây thù chuốc oán gì bà sao?
Bà Vui nhếch môi đắc ý:
- Bà chị nghe nhé. Tôi là dì ruột của thằng Hoàng, cái thằng đang bị con gái bà chị đeo bám và bòn rút. Cả năm trời nay, chả biết thằng cháu u mê ngu xuẩn của tôi đã đưa bao nhiêu tiền của cho con gái bà. Bắc thang lên hỏi ông trời.
Cháu tôi ngu dại, gia đình tôi đành chịu. Hôm nay tôi đến đây theo ý mẹ thằng Hoàng, muốn chị hãy dạy lại con gái mình. Thôi cái trò rù quến đàn ông con trai. Đừng bám cháu tôi nữa. Thằng Hoàng có vợ hứa hôn rồi. Nếu cần, gia đình tôi sẽ cho con bà một ít tiền để bù lỗ.
Bà Thắm giận run người. Lòng tự trọng bị xúc phạm. Và may cho bà Vui, dạo này chồng bà đi thành phố tiếp tục bán sách ở quầy hàng cũ của con gái.
Ông ở nhà, bà Vui dám không ra về lành lặn quá.
Cắn răng, bà Thắm cười khẩy:
- Theo tôi, người cần dạy lại là con cháu của bà đó. Con gái tôi nhất định không quen cậu ta nữa. Nhưng cậu ta vẫn theo con gái tôi.
- Có ngu mới tin bà. Nhờ thằng Hoàng nhà tôi, con bà mới có tiền xây nhà xây cửa. Bây giờ còn tính ép cháu tôi bằng cái thai trời ơi đất hỡi.
Quá sức chịu đựng, bà Thắm rít lên:
- Chị là loại mặt người dạ thú. Con tôi ngu nó chịu. Chị nguyền rủa con cháu mình, trời sẽ quả báo gia đình chị. Bà mau xéo ra mau nhà tôi. Loại người không nhân tính. Đi mau.
Bà Vui không ngờ bà Thắm bị kích động dữ vậy. Bà ta vội đứng lên:
- Về thì về, ai thèm ngồi ở nhà bà chứ. Chị tôi nhờ tôi gởi bà số tiền này, gọi là chút lòng để nó phá thai đi. Như thế gia đình bà cũng còn mặt mũi nhìn mọi người. Bằng không thì đừng trách gia đình tôi.
Bà Thắm cầm bao thư nặng trịch ném thẳng vào người bà Vui:
- Cút mau! Loại người cầm thú! Tiền đó bà đem về xây mồ cho những con cháu bà không thành hình hài mai này trước đi. Thật là vô liêm sỉ!
Bà Vui tránh không kịp bị cả bì thư ném trúng ngực đau điếng. Điên tiết, bà Vui hét nhỏ:
- Bà dám đánh tôi hả? Trù ẻo à? Cuộc đời này kẻ nào có tiền kẻ ấy thắng.
Chờ được ông Trời ngó xuống thì con bà cũng tanh bành rồi. Mẹ nào con nấy.
Dứt câu, bà ta hầm hầm xô cửa bước ra ngoài. Bà Thắm ôm đầu ngồi phịch xuống ghế. Những lời nói của bà ta có khác nào những nhát búa đập vào đầu người mẹ. Phen này, con gái bà lại khổ nữa rồi. Ông bà nào ăn ở thất đức cho cam, sao có hai đứa con gái xinh xắn dễ thương đều truân chuyên đau khổ như thế chứ! ....
Điện thoại reo cắt ngang dòng suy nghĩ của bà. Cu Ki líu lo:
- Bà "oại" ơi ... Hai gọi.
Bà Thắm đứng lên:
- Để bà nghe nào, cún con.
Giọng Cát Phượng lo lắng:
- Mẹ bệnh hả mẹ? Con nghe giọng nói của mẹ không vui.
Bà Thắm chậm rãi:
- Mẹ vẫn khỏe. Vừa rồi dì thằng Hoàng đến nhà mình. Bà ta đã xúc phạm con và gia đình. Mẹ ức lắm.
Cát Phượng kinh ngạc:
- Dì anh Hoàng? Sao bà ta biết nhà mà tới. Bà ấy đi cùng ai và nói gì hả mẹ?
- Bà ta đi một mình. May cho bà ta là ba con vừa đi thành phố. Nếu không, chắc khó tránh khỏi tai họa. Phượng à! Theo mẹ, con nên chấm dứt quan hệ với thằng Hoàng. Bỏ luôn tất cả đi con. Mình nghèo thật nhưng không thể để bọn nhà giàu ấy hiếp đáp muốn nhục mạ thế nào thì làm.
- Ý mẹ là sao? Bà ấy nói thế nào, mẹ nói rõ con nghe được không mẹ?
Bà Thắm đắng ngắt:
- Bà ta nói, thằng Hoàng đã có vợ đã hứa hôn, rất môn đăng hộ đối. Bà ta còn bảo, mẹ khuyên con bỏ đứa bé và đưa tiền cho mẹ.
Cát Phượng thảng thốt:
- Rồi mẹ đồng ý? Mẹ nhận tiền à?
Bà Thắm chậm rãi:
- Con nghĩ mẹ con khốn nạn vậy hả Phượng? Theo cách bà ta nói, bà ta vừa là thừa nhận vừa là phủ nhận đứa bé. Con cố giữ, liệu có tốt không con?
Cát Phượng rưng rưng:
- Mẹ ơi! Xin mẹ cho con tự quyết định chuyện này. Con không phá đâu. Anh Hoàng hứa bảo vệ con. Ảnh rất thương con.
Bà Thắm buồn rầu:
- Mẹ sống tới ngần này tuổi, mẹ biết rõ mọi đạo lý cuộc đời. Nếu thằng Hoàng cố tình cãi lời cha mẹ để lấy con, con về nhà đó càng bị khinh khi chèn ép. Mẹ không muốn thấy con đau khổ, héo hon giữa một căn biệt thự nguy nga, rực rỡ nhưng chẳng chút tình người. Con nghe lời mẹ đi Phượng.
Cát Phượng nghẹn ngào:
- Mẹ! Con biết phải làm gì. Mẹ nghỉ đi nhé. Vì chị em con, mẹ luôn phải gánh những tủi buồn. Con xin lỗi mẹ.
Tắt di động, cô không biết rằng bên kia đầu máy, tay mẹ cô lại run lên. Cát Phượng quên cả nói chuyện với Cu Ki. Chắc chắn con gái bà lại khóc nữa. Số nó sao khổ hoài vì chữ tình lắm vậy?
Bà Vân hỏi thẳng em gái:
- Em đi đâu về vậy? Tìm lên nhà con bé Phượng phải không?
Bà Vui đắc ý:
- Chị biết rồi còn hỏi. Em đã nói vào mặt mẹ của nó. Bà ta cũng cứng đầu lắm. Mẹ nào con nấy cấm sai.
Bà Vân nhếch môi:
- Giống dì và thằng Minh Khôi thôi. Dì đã nói những gì? Chuyện tới tai thằng Hoàng, tôi mặc kệ dì đó.
Bà Vui so vai:
- Bất quá bị thằng Hoàng nói vài câu. Nó là con cháu, bộ dám chửi em sao.
Em nói thằng Hoàng sắp cưới vợ, đưa tiền để bà ta dẫn con gái đi phá thai.
- Trời đất! Tại sao dì lại nói nặng như thế. Thằng Hoàng đã thừa nhận cái thai đó của nó. Nó nhất định không chịu bỏ đâu. Dì chọc nó nổi khùng lên là khổ hết cả nhà.
Bà Vui ngẩn ngơ:
- Chả phải chị cũng muốn em chia cắt con nhỏ ấy đừng dính với cháu em à.
Bây giờ chị lại nói khác. Chị tính cưới nó là dâu hả. Rồi còn nợ nần ...
Bà Vân lắc đầu:
- Chuyện tôi thua chứng khoán, bố thằng Hoàng biết rồi. Ông ấy đang phản đối việc tôi cấm cản con cái. Ông ấy chấp nhận bỏ tiền ra trả nợ cho tôi, chứ không cho tôi can thiệp vào tình cảm của thằng Hoàng.
Bà Vui ré lên:
- Chị nói thế là giết em còn gì. Thằng Hoàng không trở thành con rể ông Thiên An, làm sao Thiên Kim cho em mượn tiền vô thời hạn để trả nợ. Chị tính giùm em đi, đừng bỏ em!
- Theo tôi, dì nên nói thật với dượng. Chị nghĩ, vì con cái, dượng sẽ. tìm cách trả nợ cho dì.
- Em không dám đâu. Nhà em đâu được như anh chị. Tính chồng em nóng nảy lại keo ca. Ổng biết em nợ bạc tỉ, có nước ổng giết em đó.
- Dì đừng giấu mãi sai lầm của dì, rồi kéo mẹ thằng Hoàng theo dì nữa. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Dì đừng lo lắng quá.
Bất chợt giọng ông Phạm vang lên. Bà Vui giật mình bối rối:
- Xin lỗi anh. Em cũng hối hận lắm rồi. Nhưng tính nhà em khủng khiếp lắm.
Dù sao em nghĩ anh chị ngồi sui gia với ông bà Thiên An hợp hơn. Chứ nhà con nhỏ kia chỉ bằng cái ga- ra nhà anh chị.
Ông Phạm thản nhiên:
- Vấn đề là con cái ưng ai gả đấy. Đừng ép uổng nó nữa. Tôi cũng nói thiệt nhé. Tôi không ưng con bé Kim chút nào. Thằng Hoàng lấy nó sẽ bị nó làm đảo điên mất. Hai đứa như hai thái cực không thể hòa hợp, dì hiểu không?
Bà Vui cúi đầu:
- Anh có ác cảm với Thiên Kim nên nghĩ về nó không hay lắm. Công bằng mà nói, con bé cũng được nết mà anh.
- Dì đừng nói thêm nữa. Tôi hứa cho dì một chút đỉnh, phụ thêm dì trả nợ.
Tôi tuyệt đối không cho phép ai sỉ nhục bạn gái thằng Hoàng, nếu không, đừng trách sao tôi không nói trước.
Bà Vui vọt miệng:
- Em nợ gấp đôi chị Vân. Anh nhắm cho em được bao nhiêu.
- Còn tùy vào tâm tính của dì. Dù sao tôi cũng không thể giúp tới con số tiền tỉ đâu. Dì phải hiểu câu "anh em nhất giải" để đừng đòi hỏi quá. Thằng Hoàng là con tôi, tôi chưa bắt buộc nó làm gì trái lương tâm con người. Dì tuyệt đối không được đem con tôi ra làm vật hy sinh. Con dì mấy đứa đó, sao dì không mai mối tụi nó, lại ép con tôi? Tôi cấm cả mẹ nó. Ai làm tổn thương con tôi, tôi không tha thứ đâu.
Ông Phạm nói xong rồi bỏ đi. Bà Vân khổ sở:
- Dì nghe rồi đấy. Lát nữa, tôi không bị ông ấy băm vằm mới là lạ. Tôi thật sự hối hận khi nghe lời dì vẽ vời. Tôi sẵn sàng chịu khổ, chứ để con cái hiểu lầm thì buồn lắm.
Bà Vui rên rỉ:
- Chuyện xảy ra rồi. Em đâu nghĩ anh rể phản ứng mạnh dữ vậy. Theo cách nói của anh ấy thì ảnh bằng lòng con ranh kia chứ chê bai gì nó đâu. Thằng Hoàng chắc chắn không nhìn mặt em nữa. Em chịu vậy. Chị không thể bỏ mặc em chết mà không cứu. Cố xoay cho em vài chục nhé.
Bà Vân chậm rãi:
- Thân tôi còn nhờ anh rể dì trang trải. Tôi đào đâu ra vài chục triệu cho dì.
Anh Phạm đã hứa chắc ảnh cũng cho dì vài trăm triệu. Dì tự lo cho mình đi, tôi không giúp được đâu.
Bà Vui ngoe nguẩy:
- Chị đừng quên chính chị đã hứa và nhận vô số quà của con bé Kim. Nó dám làm bậy lắm khi chúng ta thất hứa. Thôi, em về đây. Tất cả cũng tại con trời đánh không chết kia mà ra. Giờ đào đâu ra tiền mà trả cho thằng Bảy Búa chứ.
Nhìn theo bà Vui, bà Vân khẽ lắc đầu. Em, bà thay đổi nhiều quá, thế mà bà không hề nhận ra. Còn a dua theo dì ấy, để làm khổ chồng con. Trò lên "sàn chứng khoán" cũng không khác chơi trò đỏ đen. Mê theo "sàn" có ngày ra vỉa hè ở. Gần hai tháng theo bà Vui, bà đã thua hết trăm triệu tiền trong tài khoản riêng. Chưa kể vòng vàng, nữ trang. Giờ mất thêm miếng đất nữa. Rõ là ngu mà cứ ngỡ mình khôn. Cũng may bà chưa đi theo bà Vui đến nhà Cát Phượng. Nếu không, tình mẫu tử mất còn đau đớn hơn.
Thu Hương vào nhà nãy giờ nhưng im lặng quan sát mẹ. Nhận thấy vẻ mặt buồn hiu hắt của mẹ, cô thấy nao lòng. Cô bước đến bên mẹ và hỏi:
- Mẹ và dì Vui lại bàn tính chuyện gì hả mẹ? Con chắc dì ấy đến để báo tin cổ phiếu mẹ mua rớt giá.
Bà Vân nhìn Hương:
- Con về lâu chưa?
- Con gặp dì Vui ngoài cổng. Con chào nhưng dì không thèm ừ hử. Làm như dì ấy đang giận dữ gì đó. Mẹ ơi! Con nói rồi, mẹ đừng theo dì Vui đến mấy chỗ đó nữa. Kẻo có ngày mẹ phát điên vì những con số mất thôi.
Bà Vân cười buồn:
- Mẹ biết sợ rồi. Mẹ không bao giờ đến mấy chỗ đó nữa đâu. Con đói bụng chưa? Lên cất tập vở thay đồ rồi xuống ăn cơm.
- Bố con đi rồi hả mẹ?
- Ừ! Bố con hứa cho dì Vui một ít để dì ấy trả nợ. Chắc dì ấy không tránh khỏi bị chú Việt chửi mắng, không chừng chú ấy tiếc của, đánh dì ấy nữa đó.
Thu Hương nói:
- Mẹ đừng áy náy nữa. Xưa nay mẹ cho dì nhiều rồi. Dì xin cả tiền anh Hoàng đấy. Con biết hết. Nhưng con có ngờ đâu dì lại mê chứng khoán kinh khủng vậy. Mất của một cách vô lý thế, chú Việt tức là đúng. Cứ để dì bị đau một lần mà tỉnh ngộ mẹ ạ. Con đói lắm rồi, để con cất cặp, mẹ con mình ăn cơm.
Bà Vân lặng lẽ vào bếp dọn cơm. Gia đình bà luôn là điểm tựa vững chắc của bà. Chuyện dì Vui lên nhà Cát Phượng, đành chờ phản ứng của Hoàng ra sao?
Thu Hương vừa ăn cơm vừa rủ rỉ:
- Hôm nào con đưa mẹ đến chỗ này ăn phở. Đảm bảo ngon hơn cả phở Hương Bắc mẹ thích nhất.
Bà Vân so vai:
- Chuyện lạ đây. Tự dưng sao tốt bụng vậy con gái. Chắc chắn ăn một tô phở kèm theo điều kiện?
Thu Hương cười hiền:
- Con hư vậy sao mẹ? Một tô phở mời mẹ cũng bị mẹ nghi ngờ? Chắc chắn mẹ luôn nghĩ con không ngoan rồi.
- Mẹ chưa hề nghĩ thế.
Thu Hương kiêu hãnh:
- Nhưng mẹ yên tâm. Trong tất cả đám con gái hai bên nội ngoại, con dám chắc con là đứa ngoan nhất. Không la cà vũ trường hay quán xá. Tất nhiên không thể ngoại trừ lúc bạn bè rủ đi cà phê, uống sinh tố. Con muốn mẹ có cái nhìn thân thiện hơn về chị Phượng.
Bà Vân ngạc nhiên:
- Ăn phở và Cát Phượng có gì liên quan hay sao? Con tính mời cả con bé phải không?
Thu Hương cười cười:
- Không phải! Mẹ đi thì rõ thôi. Sáng chủ nhật này nhé.
Bà Vân chép miệng:
- Mẹ đang rầu trong ruột đây, đi đâu được.
- Lại chuyện gì nữa! Bà Kim gây khó mẹ đúng không? Cũng tại mẹ lúc nào cũng nghe lời dì Vui. Theo con, cái gì của bà Kim tặng mẹ, mẹ nên gửi trả lại.
Mẹ đâu thiếu vòng vàng, nhận làm chi cho rắc rối.
Bà Vân tính kể chuyện bà Vui lên nhà Cát Phượng. Nghĩ sao, bà lại im lặng.
Thu Hương nóng nảy hơn cả Hoàng, nó giận lên, không biết sao mà tính. Bà gật đầu:
- Mẹ đã gom lại tất cả. Mai mốt Thiên Kim đến, mẹ sẽ trả. Mẹ không muốn đem lại nhà nó, như thế không khác nào hắt nước vào mặt nó.
- Anh Hoàng nghe được câu nói này của mẹ, chắc anh ấy vui lắm. Con không muốn nhà mình bữa cơm vắng ai cả. Qui định bố mẹ đặt ra. Bây giờ thì ...
chán ơi là chán.
Bà Vân nuốt tiếng thở dài vào lòng. Cát Phượng là đứa tự trọng. Bà không biết nó sẽ phản ứng ra sao trước việc bà Vui lên nhà mắng mẹ nó. Em gái bà toàn đưa bà vô những chuyện lôi thôi rắc rối. Mệt mỏi thật!
Cát Phượng không giấu hết niềm vui khi nhìn cả đại sảnh của nhà hàng cũng phải tận dụng kê bàn để khách vô ăn. Các cô cậu phục vụ chạy như thoi, mệt nhưng trên môi ai cũng rạng rỡ nụ cười. Phượng không ngờ số phận mỉm cười với cô thật rộng rãi. Buôn may bán đắt thế này, e chẳng bao lâu cô sẽ dành đủ tiền để mua đất cất nhà ở thành phố. Ba mẹ già rồi, cô muốn ba mẹ được nghỉ ngơi giữa thành phố đủ đầy tiện nghi. Dù căn nhà của ba mẹ ở Đồng Nai khá xinh xắn, thoáng mát, thích hợp cho người lớn tuổi. Phượng đã cần mẫn từng chút tìm kiếm mua đủ loại lan, loại hoa về cho ba mẹ trồng. Bây giờ có mua đất ở thành phố, cũng phải mua được miếng khá rộng, có chút sân vườn cho ba mẹ vui cảnh điền viên. Là Phượng còn đang mơ thôi. Ngày đó của cô chắc còn xa lắm. Gom góp được tiền tỉ đâu phải là chuyện dễ dàng ...
Ngọc Phượng ngoắc tay gọi:
- Cát Phượng, vô đây!
Đến bên bạn, Cát Phượng cười nhẹ:
- Có chuyện gì à?
Ngọc Phượng cười tươi:
- Không. Chú Tuấn biết mày thích ăn bún bò Huế. Sáng nay chú ấy nấu để mày thử đó. Bộ không biết đói hả?
Cát Phượng tròn mắt:
- Thấy khách vô ăn đông, tao vui quá nên quên cả đói. Ủa! Sao chú Tuấn biết tao thích.
Ngọc Phượng so vai:
- Không phải tao à nha. Là anh Hoàng nói. Anh Hoàng bảo mày không thích ăn phở.
- Chú ấy đã bận lu bu rồi, còn khiến chú ấy làm món ăn cho mình, tao không muốn đâu. Tuy không khoái phở lắm, song tao vẫn ăn được mà. Ông Hoàng này rối ghê nơi.
- Thì mày cứ xuống ăn thử. Chú Tuấn nấu rồi.
- Ăn thì cả bọn cùng ăn ...
- Mày mơ ngủ hả Phượng. Tụi tao đang vắt chân lên cổ để phục vụ khách.
Đói lúc nào đứng ăn đại lúc ấy. Mày lo cho mày đi, không thôi, mệt với anh Hoàng đấy.
Cát Phượng chưa kịp quay đi, từ đâu đó vang lên tiếng con gái chát chúa:
- Quản lý đâu? Gọi quản lý hay chủ nhà hàng cho tôi.
Ngọc Phượng bặm môi ngăn Cát Phượng:
- Mày để tao xử lý. Là con mụ Thiên Kim đấy. Nó tới ăn nãy giờ rồi, sao bây giờ lại la réo thế không biết.
Ngọc Phượng đi thẳng đến chiếc bàn Thiên Kim đang ngồi cùng hai cô gái tuổi từ mười sáu đến hai mươi ăn mặc khá mô đen.
Ngọc Phượng từ tốn:
- Chị cần gì ạ?
Lập tức Thiên Kim vung tay:
- Cô nhìn coi, có kinh khủng không? Các người làm ăn thế này khác nào đầu độc khách?
Ngọc Phượng nhăn trán nhìn xuống tô phở của Thiên Kim. Xác một con gián to bằng ngón tay đang bập bềnh trong đó. Quá bất ngờ vì trường hợp này, dù Ngọc Phượng dám cam đoan, sâu trong rau còn không có thì con gián ở đâu ra?
Bảo nó rơi vào nồi nước lèo? Chắc chắn nó phải tan xương nát thịt, có đâu còn nguyên vẹn thế kia. Chắc chắn con yêu nhền nhện này giở trò. Khổ nỗi không bắt được tay nó, làm sao nói đây?
Ngọc Phượng đành nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi chị, chúng tôi đã sơ suất. Tôi sẽ nói nhà bếp làm lại tô khác cho chị.
Thiên Kim nhếch môi:
- Họa có điên mới ăn tiếp món ăn của cô. Nghĩ tới cảnh nhai nhầm con gián, tôi đã mắc ói. Có khi nào đây là bí quyết dùng nấu nước lèo cho ngọt của cô không?
Ngọc Phượng tức giận:
- Tôi cấm chị không được xúc phạm chúng tôi. Nhà hàng tôi kinh doanh có đăng ký "bảo đảm an toàn thực phẩm". Tôi xin lỗi chị, vì không muốn um sùm.
Thật chất tôi dám đem mạng tôi ra bảo đảm không bao giờ có loại côn trùng nào sót lại trong khâu chế biến của chúng tôi.
Thiên Kim nhếch môi:
- Cô lẻo miệng ghê nhỉ! Vật chứng rành rành mà còn chối. Các khách hàng, mong mọi người xác nhận giùm tôi!
Ngọc Phượng gằn gằn:
- Tôi cảnh cáo chị, muốn không bẽ mặt thì im miệng lại. Nếu không, tôi sẵn sàng mời người đủ quyền hạn đến kiểm chứng, coi thử nó có trước hay do chỉ vì một âm mưu gì đó, cố tình đem đến hại chúng tôi.
Không chờ phản ứng của Thiên Kim, Ngọc Phượng từ tốn mời người khách lớn tuổi ngồi gần đó:
- Thưa dì, cháu muốn nhờ dì xác định thử.
Bà khách lưỡng lự một chút, rồi bước lại bàn Kim. Dùng đũa bà vớt xác con gián để xuống đĩa rau. Sau đó lấy đũa ấn mạnh lên người con gián. Xác con gián vẫn cứng đơ chứ không hề mềm như miếng thịt trong tô.
Bà khách chậm rãi với Thiên Kim:
- Cô hãy xin lỗi nhà hàng đi.
- Bà nói cái gì? Họ sai mà biểu tôi xin lỗi à? Bà đừng nằm mơ.
Bà khách thong thả:
- Tôi nói để cháu biết. Con gián chỉ mới được bỏ vào thôi. Nó chết, nếu do nước sôi, thì thịt phải mềm rồi. Nhưng hiện tại, vỏ của nó vẫn cứng đơ. Ngốc cỡ nào cũng biết cháu tính vu khống người ta.
Thiên Kim tái mặt:
- Tôi không có.
Bà khách nhìn sững vào mặt Kim:
- Tôi nhận ra cháu là ai rồi. Cháu gái à! Làm ăn kinh doanh đều không tránh khỏi sự cạnh tranh. Nhưng để hạ uy tín người khác, dùng thủ đoạn này chả hay ho gì. Chúng tôi tuyệt đối tin vào sự an toàn sạch sẽ của nhà hàng này.
Dứt câu, bà khách bỏ về bàn, không chờ Ngọc Phượng cám ơn.
Hơi bẽ mặt, Thiên Kim lì lợm:
- Tao làm đó, thì sao. Mày muốn yên ổn làm ăn, hãy tránh xa anh Hoàng.
Anh ấy là chồng sắp cưới của tao. Mày nên biết thân, biết phận, đừng cố níu kéo ảnh.
Ngọc Phượng nhếch môi:
- Vì anh Hoàng, chị làm chuyện xấu này, chị không nghĩ anh ấy sẽ ghê tởm vì có người bạn ích kỷ, nhỏ mọn như chị à?
- Tao mặc kệ! Mày hãy trả lời câu hỏi của tao đi.
Ngọc Phượng thản nhiên:
- Tôi và chị không có gì để nói hết. Chị là người được ăn học, gia đình tử tế.
Bản thân cũng là một chủ nhà hàng, chị xinh đẹp hơn tôi. Tại sao anh Hoàng không chọn chị, lại chọn tôi? Chắc phải có lý do của ảnh. Tôi không giúp gì được cho chị. Bởi người chị cần hỏi là anh Hoàng. Vậy nhé!
Thiên Kim kéo tay cô bé mặc áo thun màu đỏ:
- Tường Vy! Em thay gia đình, nói cho cô ta biết đi Vy.
Tường Vy vẻ lưỡng lự:
- Chị này là chị Phượng hả? Hình như là ...
Thiên Kim liến thoắng:
- Chính là cô ta đó! Em nói để cô ta cạch gia đình em ra. Chị không để em thiệt đâu.
Tường Vy là con gái bà Vui. Cô đã vài lần gặp Cát Phượng. Cô biết Thiên Kim nhầm lẫn, nhưng nói lúc này vừa bẽ bàng Thiên Kim, mà lời hứa Kim tặng cô bộ áo đầm mới nhập từ Pháp về sẽ theo lời phủ nhận bay mất. Do chị Kim lầm, đâu phải lỗi của Vy!
Tường Vy cao giọng:
- Hai bác tôi tuyên bố chắc như đinh đóng cột:
Nếu anh Hoàng cãi lời bố mẹ, hai bác sẽ từ ảnh. Một công tử con nhà giàu nứt vách, ngu gì vì một cô gái để phải mất sự sản. Có tiền trong tay muốn chục cô vợ cũng được. Hơn nữa, chị Kim là người được gia đình chọn làm dâu. Theo tôi chị nên biết mình là ai, rút lui trong im lặng còn hơn chờ đến lúc anh tôi bỏ rơi chị.
Ngọc Phượng chát chúa:
- Em là em họ anh Hoàng phải không? Em mới chút tuổi đầu, a dua theo mưu mô quỷ quái của người khác, em không sợ ông trời quả báo sao? Em còn nhỏ, chị không chấp nhất. Nếu muốn, em hãy về cấm anh trai em. Vậy nhé! Chị bận lắm, không rảnh để nói chuyện vô bổ. Chào em!
Dứt câu, Ngọc Phượng xoay người bước đi. Thiên Kim đưa chân ngáng chân Phượng, khiến Ngọc Phượng ngã soài xuống nền nhà.
Vừa đau, vừa giận, Ngọc Phượng bật nhanh dậy, cô tóm chân Thiên Kim bẻ thật mạnh. Thiên Kim la lớn:
- Mày làm gì thế? Đau quá!
Ngọc Phượng mím môi:
- Tôi cảnh cáo chị, bỏ ngay thói du côn đó. Hôm nay tôi có chuyện gì, tôi đố chị ra được khỏi đây. Biết đau sao còn hại người khác.
Hồng Phượng bỏ nhỏ vào tai Cát Phượng:
- Mày đừng có lên đó. Ngọc Phượng dư sức đối phó với hạng người này.
Thiên Kim bị mọi người nhìn và bàn tán, cô ta vội nói:
- Tôi đâu cố ý. Lỡ chút mà làm rùm beng, không sợ mất khách sao?
Ngọc Phượng nhếch môi:
- Loại khách như chị, lần sau vô đến cửa, tôi sẽ nói bảo vệ không cho vô.
Bây giờ chị về, cho tôi làm ăn. Tôi không tính tiền ăn của chị bữa nay.
Thiên Kim so vai:
- Tao không thèm ăn chùa. Tính tiền đi.
Cậu phục vụ bèn tiến đến:
- Ba tô phở đặc biệt đúng không ạ. Chị cho xin chín mươi ngàn. Thêm ba ly trà sữa. Tổng cộng một trăm hai mươi ngàn đồng.
Thiên Kim móc bóp lấy ra tờ năm trăm ngàn đưa cho cậu phục vụ:
- Anh không thối. Tôi bo cho anh.
Cậu phục vụ từ tốn:
- Dạ, không được đâu. Chị chờ em thối tiền lại. Nhà hàng của em không có thông lệ tiếp viên nhận tiền bo của khách.
Thiên Kim lặng lẽ bỏ ra cửa. Cậu phục vụ chạy theo trả lại tiền cho cô ta.
Cát Phượng thở dài. Lúc nãy, nếu là cô, cái ngáng chân của Thiên Kim ắt làm cô đau đớn. Bụng dạ cô ta thật độc ác. Nếu Hoàng lấy cô ta, chắc hẳn anh sẽ chết vì những cách đối nhân xử thế chẳng giống ai của Kim. Được ăn học đàng hoàng mà vậy, thật đáng tiếc mà.
Hoàng kéo tay Cát Phượng. Bàn tay anh lạnh giá. Chắc do anh vừa chạy xe cả một chặng đường dài. Giọng anh thật nhẹ:
- Em muốn trốn anh sao?
Cát Phượng chán nản:
- Không phải trốn mà là không muốn gặp.
- Tại sao?
- Vì em muốn được yên ổn sống, yên ổn làm ăn. Anh đến đây, rồi người ta tìm tới, quậy tưng bừng nhà hàng. Em hết buôn bán đó.
Hoàng cắc cớ:
- Người ta là ai? Mẹ anh hay bà dì đáo để của anh?
- Mới hồi sáng, Thiên Kim đến, cô ta dùng trò quỷ quái tính hại uy tín nhà hàng. May cho em là khách hàng tin tưởng và sẵn sàng bảo vệ.
- Cô ta làm gì vậy?
- Một trò vô học và bẩn thỉu mà anh khó tin nổi. Cô ta bắt gián bỏ vô tô phở, rồi hô hoán là nhà hàng nấu ăn bẩn, mất vệ sinh.
Hoàng buột miệng:
- Cô ta sao lì lợm và kinh dị quá vậy. Người gì mà không có chút tự trọng.
Phượng thản nhiên:
- Khi yêu, ai chả mù quáng. Cô ta đáng thương hơn đáng giận.
Hoàng bực bội:
- Lúc nào em cũng dễ dàng bỏ qua cho cô ta hết vậy, để rồi tự dằn vặt và tránh né anh.
- Dù sao thì đó cũng là ý của mẹ anh. Giữa chữ tình và hiếu, anh không thể vì em mà cãi bướng bố mẹ.
Hoàng gắt lên:
- Bố mẹ sai anh nhất định chống đến cùng. Anh yêu em. Và chỉ lấy em mà thôi. Em đừng làm khó anh.
- Em không dám. Tại em sợ bị rắc rối. Thiên Kim đã cảnh cáo em.
- Anh mặc kệ những lời nói điên rồ của cô ta. Và cả mẹ anh nữa. Anh tin là mẹ anh đang nghĩ lại.
Cát Phượng nhếch môi:
- Anh nghĩ vậy sao? Tiếc là mẹ anh đã từng gặp và cấm em. Bà tuyên bố nếu em có thai, thì sanh con ra rồi đưa bà nuôi. Còn con dâu, bà chỉ nhận Thiên Kim.
Hoàng kêu lên:
- Mẹ anh nói khi nào, sao em không nói anh nghe. Đã thế, cứ lôi Thiên Kim vào làm gì chứ. Anh ghét cô ta.
Cát Phượng cắn môi. Cô tin Hoàng. Anh không thích Kim là thật. Cái lần cô thấy anh đi với Thiên Kim, là do anh bị mẹ anh nhờ vả. Suýt chút cô và anh chia tay rồi. Thiên Kim hoàn toàn xa lạ với cô, vậy mà cô ta cứ gây chuyện khiến cô phải bực mình.
Hoàng khều tay cô:
- Nghĩ gì vậy Phượng?
Cát Phượng chậm rãi:
- Em nghĩ về tương lai của em và em bé trong bụng em. Chả biết khi nó chào đời có cha bên cạnh không?
Hoàng chắc nịch:
- Anh hứa luôn bên cạnh em và con mọi nơi. Em hãy dẹp những lấn cấn trong đầu để vui vẻ sống, cho em bé khỏe mạnh. Tới bây giờ, em vẫn nghi ngờ anh hay sao?
Cát Phượng buồn rầu:
- Em tin anh. Nhưng em vẫn sợ gia đình anh không chấp nhận em. Đã không ưa rồi, còn mang thai trước, mẹ anh càng ghét em. Mẹ anh ắt nghĩ em mưu mô, cài bẫy cố tìm mọi cách để trở thành người nhà anh. Bấy nhiêu thôi, em thấy mình thật bất lực. Giá như em đừng ngu ngốc nghe lời anh em đã không thế này.
Hoàng trầm tĩnh:
- Anh nhất định cưới em mà. Từ từ mẹ anh sẽ hiểu thôi. Anh biết lỗi của mình rất lớn. Vì vậy, anh không bỏ em một mình đâu.
Cát Phượng chua cay:
- Từ từ là một năm hay ba năm hay cho tới khi em già và con em lớn khôn hả anh. Giờ đây em đang thấm cảm giác lỗi lầm, tự thấy bản thân em thật xấu xa, khi chưa cưới hỏi đã cho đi tất cả.
Hoàng bức bối:
- Phượng à! Chuyện không phải chỉ do em. Anh quá tin vào bản thân, nên nhất thời không làm chủ được tình cảm. Đừng tự trách nhau nữa, chúng ta nhất định vượt qua thử thách này.
Cát Phượng chép miệng:
- Đành vậy chứ em biết sao đây. Anh ăn gì chưa?
Hoàng thật thà:
- Xuống ca, anh nhận tin nhắn của Thu Hương, liền xách xe chạy về đây.
Anh không thấy đói, nhưng buồn ngủ quá.
Phượng xót xa:
- Anh vô phòng nằm nghỉ, chờ em bảo chú Tuấn nấu phở anh ăn rồi hãy ngủ.
Hoàng gật đầu. Anh cùng Phượng vào phòng riêng của cô. Phượng lấy chai cam vắt, rót cho anh một ly, cô ân cần:
- Anh uống nước cam, xong rửa mặt mũi, chờ em một lát nhé.
Cát Phượng đi ra nhà bếp. Khi cô trở lên, Hoàng đã chìm vào giấc ngủ say.
Bên cạnh anh ly cam vắt hết sạch. Cát Phượng khẽ lắc đầu. Đành để anh ngủ thôi.
Hoàng giật mình tỉnh giấc, khi ánh nắng rải vàng khắp ô cửa sổ, ùa vào đùa trên mắt mũi anh. Liếc nhìn đồng hồ, anh bật dậy. May cho anh, sáng này được nghỉ bù, không thôi anh trễ vài giờ là cái chắc. Hoàng nghe ruột gan nhẹ tênh và cồn cào thật khó chịu. Anh mỉm cười nhớ tới buổi chiều tối qua, anh chưa có miếng gì trong bụng. Nằm giữa một nhà hàng đầy những món ăn ngon, vậy mà đói, quả khó ai tin nổi!
Hoàng làm vệ sinh cá nhân trở ra, vừa lúc Bích Phượng thò đầu vô:
- Anh dậy chưa, anh Hoàng ơi?
Hoàng cười:
- Anh dậy rồi. Gọi anh có gì không Bích Phượng?
Bích Phượng nói:
- Anh ra ăn sáng, kẻo đói bụng.
Hoàng kêu lên:
- Cát Phượng đâu em?
Bích Phượng chậm rãi:
- Mẹ Phượng cấp cứu vô bệnh viện. Hai chị em Cát Phượng tới bệnh viện rồi anh.
Hoàng ngẩn người:
- Mẹ Cát Phượng bị sao vậy? Nặng lắm hả, Bích Phượng? Bác nhập viện hồi nào?
- Dạ hồi khuya. Bệnh viện Thống Nhất. Cát Phượng dặn anh Hoàng sáng nay nghỉ tụi em không cần đánh thức anh. Anh dậy rồi, em dọn điểm tâm cho anh nhé.
Hoàng lưỡng lự:
- Thôi đành vậy. Anh đói ghê lắm, hồi tối Cát Phượng lấy đồ ăn lên, chắc anh ngủ mất tiêu rồi.
Hoàng ăn hết nửa tô phở thì đứng lên. Ngọc Phượng liếc sơ nói:
- Anh hơi bị lãng phí đó. Cát Phượng biết anh ăn bỏ mứa, nó la chết.
Hoàng cười:
- Anh ăn không nổi nữa. Dọn giúp anh nhé, anh phải vào bệnh viện.
Hoàng đến bệnh viện, giữa lúc bác sĩ khám bệnh, nên người nhà phải ra ngoài chờ. Anh đành gọi điện cho Phượng.
Giọng Cát Phượng nhỏ nhẹ:
- Em nghe này anh!
Hoàng từ tốn:
- Anh vô bệnh viện rồi. Người ta không cho anh biết mẹ em nằm đâu. Chỉ cho anh đi Phượng.
Cát Phượng nói:
- Em đang ngồi phía ngoài hành lang phòng khám. Bác sĩ khám bệnh, em cũng đâu được ở trong phòng.
Hoàng tắt di động. Anh hỏi thăm và đi được tới chỗ Phượng đang ngồi. Anh hỏi khẽ:
- Có mình em thôi hả? Mẹ đưa lên phòng hay còn nằm ở cấp cứu?
- Dạ đưa lên rồi. Cát Tường ra ngoài mua đồ ăn. Ba em phải về để trông Cu Ki. Hồi khuya ba phải gởi nó bên hàng xóm để đưa mẹ em vô viện.
- Mẹ bị sao vậy em?
- Huyết áp mẹ em tuột thấp lắm. Bác sĩ chưa kết luận được bệnh của mẹ.
Nếu không ổn, mẹ còn đau, chắc em phải đưa mẹ qua Chợ Rẫy. Mấy lần trước mẹ em đều điều trị ở Chợ Rẫy cả. Tốn kém một chút nhưng bác sĩ giỏi, bệnh tình mau khỏi hơn anh ạ.
Cát Phượng cắn môi:
- Anh làm việc suốt ngày chắc mệt lắm. Anh nghe em, về nhà nghĩ cho khỏe.
Em biết lo liệu chuyện mẹ em. Anh đừng lo lắng giùm em, em không muốn bị bố mẹ anh hiểu lầm.
Hoàng kêu nhỏ:
- Phượng ơi là Phượng! Sao lúc nào em cũng đem bố mẹ anh ra để gây áp lực với anh vậy. Anh nói rồi. Em mặc kệ bố mẹ anh đi. Trước sau gì bố mẹ anh cũng phải chấp nhận em thôi.
Cát Phượng chưa kịp nói thêm, vì Cát Tường về tới. Cô kinh ngạc:
- Anh Hoàng! Hôm nay anh không phải đi làm hay sao, mà tới đây nhỉ?
Hoàng cười:
- Anh nghĩ đến tối mới phải về cơ quan. Ví dụ có làm, nghe tin mẹ của em bệnh nặng, anh phải đến ngay, chứ anh không tới chắc chắn anh rất lo lắng.
Mua gì nhiều vậy Tường?
Cát Tường rùn vai:
- Em mua bánh mì cho chị Hai ăn. Em ăn xôi hộp. Hai hộp xôi gà lận. Anh Hoàng ăn luôn nhé.
Hoàng chép miệng:
- Anh ăn rồi. Hai chị em tranh thủ ăn. Thức trông mẹ suốt đêm còn gì.
Phượng không cho anh biết đã đành, luôn cả em cũng giấu anh Hoàng. Anh thấy mình sắp trở thành người vô sản tình cảm thật rồi.
Cát Tường chớp mắt:
- Vô sản tình cảm? Câu này em nghe lần đầu đó. Là sao anh Hoàng?
Hoàng so vai nói tỉnh:
- Về nhà bố mẹ ép lấy một con yêu nhền nhện, không chịu đầu hàng, bị tẩy chay cô lập. Đến chỗ hai chị em thì bị chị em lạnh nhạt, còn muốn coi anh như người dưng. Phen này anh không trắng tay đó sao?
Vừa nhai xôi, Tường vừa cười cười:
- Anh không là người dưng khác họ của chị Phượng, làm sao yêu được chị em nhỉ. Anh đúng là lẩn thẩn.
Cát Phượng lườm Hoàng:
- Em kệ ảnh đi Tường. Coi vậy chứ không có hiền như mọi người nghĩ đâu.
Em rà trúng đài, kể như em đấu cả ngày không lại đó.
Hoàng tủm tỉm cười, không trả lời.
Cát Phượng nạt đùa:
- Không đúng sao anh cười em.
Hoàng tủm tỉm:
- Thì trúng, nên anh im lặng cười chứ biết sao. Em thiệt là, nói thế nào cũng bắt bẻ cho được.
Cát Tường lí lắc:
- Cái đó người ta gọi là ghét ghét thương thương ấy mà. Hí hí ...
Cát Phượng trừng mắt:
- Em nữa! Chị không bênh vực, mà bênh người ngoài. Em coi chừng chị đó.
Cát Tường nói:
- Anh Hoàng là cha của em bé trong bụng chị. Trời long đất sập vẫn thế thôi.
Điều đó chứng tỏ anh Hoàng là người thân của chúng ta chứ bộ.
Cát Phượng đành im re. Bình thường Cát Tường vốn hay chọc phá Hoàng.
Tháng nào anh cũng cho con bé thêm vài trăm để tiêu vặt, nó quý Hoàng là đúng thôi.