Chưong XII
Tác giả: Agatha Christie
Giữa tháng giêng, một ngày đông London ẩm ướt và nhớp nháp, Poirot và tôi ngồi bên lò sưởi. Tôi cảm thấy ông bạn nhìn tôi và mỉm cười ngộ nghĩnh, nhưng không đoán được lý do.
- Tôi sẵn sàng đánh đổi hai xu để biết anh nghĩ gì,
- Tôi nghĩ lúc anh mới đến, vào mùa hè, anh bảo anh chỉ ở lại nước Anh hai tháng là cùng.
- Tôi nói thế ư? Không nhớ.
Nụ cười Poirot nở rộng:
- Tôi nhớ rõ. Nhớ mọi thứ là việc của tôi, đâu phải việc anh. Tôi đồ rằng từ đó anh đã thay đổi kế hoạch?
- Ờ...! Có như vậy.
- Và tại sao?
- Nếu anh muốn biết, thật đơn giản! Tôi không muốn bỏ anh khi anh đang phải giao tranh với những địch thủ đáng gờm như bọn Bốn Người.
Poirot nghiêng đầu một cách khả ái.
- Tôi cũng nghĩ là như thế. Hastings, anh là một người bạn tận tụy! Nhưng chị ấy, "cô bé lọ lem" như anh gọi, chị ấy nghĩ sao?
- Tôi không kể lể chi tiết, nhưng nhà tôi hiểu tôi lắm. Cô ấy là người cuối cùng yêu cầu tôi bỏ rơi bạn!
- Thật đáng quý! Đáng quý! Nhưng Hastings này, vụ việc còn có thể kéo dài.
Tôi ngao ngán, ra hiệu là đúng như thế. Rồi nói nhỏ:
- Sáu tháng đã qua đi, mà chúng ta tiến đến đâu? Anh Poirot, tôi trộm nghĩ... chúng ta phải làm một cái gì.
- Đúng là tính sục sôi hăng máu của anh. Nhưng anh định hành động theo hướng nào?
Câu hỏi oái ăm. Nhưng tôi quyết không bỏ rơi vị trí. Tôi gợi ý:
- Phải chuyển sang tấn công. Đến nay chúng ta chỉ ngồi im.
- Không ngồi im như anh tưởng đâu. Đừng quên chúng ta đã xác định danh tính của "Số Hai" và “Số Ba" và đã quan sát thoải mái - nếu có thể nói vậy - các phương pháp của "Số Bốn". Chúng ta đã đi được quãng đường không nhỏ. Đành rằng ta chưa thể tố cáo đích danh Ryland hay bà Olivier... và ai sẽ tin ta? À, tôi đã kể với anh là tôi đã phát biểu những nghi ngờ của mình với một số nhân vật ở cấp cao, trong đó có ngài Aldington chưa nhỉ? Tôi đã làm việc với ông ta trong vụ đánh cắp sơ đồ tàu ngầm, ông ấy biết phương pháp của tôi và rất tin tôi. Lúc này ông đã được thông báo về bí ẩn của Bộ Tứ, và nếu một số người còn chưa tin, thì ông ấy tin! Ryland, bà Olivier và Li Chang-yen có thể có hành động, nhưng nhất cử nhất động của chúng được giám sát chặt chẽ.
- Aldington cũng biết sự tồn tại của "Số Bốn"?
- Như vừa nói, tôi mới bắt đầu hiểu cung cách của hắn. Anh cứ cười đi, Hastings, tôi vẫn tin chắc đó là cách làm tốt nhất. Tôi cần biết rõ tính cách của con người này đến mức có thể đoán trước các phản ứng của hắn trong trường hợp này hay trường hợp khác. Chớ quên rằng ta đang đấu tay đôi với hắn. Bao giờ tôi cũng cẩn thận tìm hiểu tâm tính đối thủ, mà không lộ ra cho hắn biết cách nghĩ của mình. Hắn thì ở ngoài ánh sáng, còn tôi đứng trong bóng tối. Tin chắc rằng chúng sẽ càng ngày càng lạ về sự bất động bề ngoài của tôi. Điều chắc, là chúng sẽ để ta yên, chúng không âm mưu hãm hại mình nữa, không giăng bẫy mới nữa, và nói thực ra tôi hơi lấy làm lạ. Hẳn chúng sẽ nẩy ra ý kiến dùng một hay hai cách để tiếp cận chúng ta. Anh hiểu chứ?
- Một khối bom nổ chẳng hạn?
Poirot có vẻ bực mình.
- Ồ không! Tôi để cho anh tưởng tượng, thì anh không nghĩ ra cái gì khác hơn là bom đặt trong lò sưởi! Ôi! Hastings! Hastings! Thôi! Dù thời tiết xấu, tôi sẽ đi dạo một chút cho tĩnh tâm, nhân tiện mua ít diêm. À này, anh đọc củng một lúc các sách: Tương lai Áchentina, Tấm gương xã hội, Nuôi gia súc có sừng, Con đường đỏ và Thể thao trên núi Rocheuses à?
Tôi phá lên cười, nhận là đang đọc cuốn Con đường đỏ.
- Nếu vậy, xếp các cuốn khác vào chỗ cũ. Khổ lắm, bao giơ anh mới có trật tự và phương pháp! Tủ sách dùng để làm gì?
Tôi thực lòng xin lỗi. Sau khi xếp lại sách, Poirot đi ra, để mặc tôi với thứ nghiền ngẫm văn chương.
Tôi hy vọng tác giả Con đường đỏ sẽ lượng thứ cho tôi, nếu tôi thú nhận lúc bà Pearson gõ cửa, tôi đang ngủ gà ngủ gật.
- Thưa đại uý, có một bức điện.
Tôi thong thả mở bức điện, nghĩ rằng chẳng có gì quan trọng. Nhưng nội dung của nó làm tôi thực sự hốt hoảng.
Điện do Bronsen, người quản lý ấp trại của tôi ở Áchentina, gửi. Điện như sau:
“Bà Hastings mất tích hôm qua. Nghi bà bị một băng, tên là "Bộ Tứ Vĩ Đại" bắt cóc. Cho biết cần làm gì. Đã báo cảnh sát. Chưa dấu vết gì.
BRONSEN ”
Tôi ra hiệu cho bà Pearson lui. Đầu óc choáng váng, tôi đọc đi đọc lại. Lọ lem bị bắt cóc! Lọ lem trong tay bọn Bốn Người? Phải làm gì? Poirot đâu, tôi còn có Poirot để chỉ bảo, để phá tan mưu đồ quỷ quái. Hãy bình tĩnh. Poirot sắp về ngay bây giờ.
Lại có tiếng gõ cửa, và bà Pearson lại xuất hiện.
- Có thư cho đại uý. Một người Trung Quốc mang đến. Hắn đợi dưới nhà.
Tôi cầm bức thư, nội dung ngắn gọn, rõ ràng:
“Nếu ông muốn gặp lại bà nhà, hãy đi theo ngay người cầm giấy này. Và không được báo cho bạn ông. Nếu không bà nhà sẽ trả giá”.
Bên dưới có một số 4 to tướng.
Các bạn đã đọc mảnh thư, nếu là tôi các bạn sẽ làm gì?
Tôi không có thì giờ để suy nghĩ, chỉ thấy có một điều: Lọ lem ở trong tay bọn cướp. Tôi làm theo.
Không thể để vợ tôi bị tra tấn, hành hạ, tôi chỉ còn có cách đi theo tên người Tàu, hắn đưa đi đâu thì đi.
Có thể đây là cái bẫy, tôi sẽ bị bắt, sẽ chết. Nhưng đây liên quan đến người thân yêu nhất đời, tôi không thể ngần ngừ.
Nếu tôi để lại vài chữ cho Poirot! Đó là dấu tích để anh theo mà giải quyết mọi chuyện. Có nên thử không?
Nên lắm... nhưng nếu tên Tàu lên đây để chắc chắn rằng tôi làm đúng theo lời dặn?
Việc hắn đứng lại dưới nhà càng làm tôi lo lắng. Tôi biết bọn Bốn Người rất mạnh, mạnh đến mức tôi sẵn sàng gán cho chúng quyền năng tuyệt đối. Dường như bất cứ ai đến gần tôi lúc này đều là tay chân của chúng!
Hay tôi để lại bức điện? Trông thấy, Poirot sẽ biết hết mọi chuyện.
Tất cả những ý nghĩ ấy giao nhau trong đầu tôi loang loáng, nói ra không kịp.
Hai phút sau khi nhận thư, tôi đội mũ, mặc áo khoác xuống gặp tên liên lạc đang đợi. Đó là một người Trung Hoa to lớn, ăn mặc chỉnh tề, dù quần áo có hơi cũ nát. Không động đậy nét mặt, hắn chào tôi và hỏi:
- Ông, đại uý Hastings?
- Phải - tôi đáp.
- Trả tôi thư...
Đã lường trước việc này, nên tôi nộp lá thư, không nói.
- Đã nhận điện hôm nay, có không? Điện từ Áchentina?
Lòng đầy căm giận, một lần nữa tôi phải khâm phục mạng lưới gián điệp tinh vi của chúng... Chúng đã đoán là Bronsen sẽ đánh điện cho tôi và quyết định thừa cơ gây áp lực.
Chối một điều rõ ràng và có thực, là vô ích:
- Có, tôi có nhận một bức điện.
- Lấy đưa ngay cho tôi!
Giận run ngươi, song tôi phải thi hành.
Lúc lên gác, tôi nẩy ra ý phải báo cho bà Pearson tin vợ tôi bị bắt cóc, nhưng thấy cô hầu gái đứng bên bà chủ nhà, tôi lại do dự... cô hầu này đang theo dõi tôi chăng? Lời lẽ trong thư của lũ Bốn Người còn in rõ trong ức tôi... Tôi quyết định không nói gì.
Sau khi cầm bức điện, tôi chuẩn bị đi xuống, thì chợt nẩy ra ý nghĩ: tôi có thể để lại dấu hiệu gì báo Poirot biết, mà kẻ thù không nhận ra?
Tôi chạy tới tủ sách và làm rơi bốn cuốn xuống sàn. Bạn tôi sẽ thấy, và sau bài học về trật tự vừa lên lớp lúc nãy, hẳn anh sẽ rất bực mình.
Ngoài ra, tôi còn xúc thêm một xẻng than vào lò sưởi và cố tình để rơi vãi bốn hòn ra ngoài.
Tối không thể làm gì khác nữa. Chỉ còn mong là những dấu hiệu ấy được Poirot cảm nhận đúng đắn.
Tôi vội đi xuống, trao bức điện từ Áchentina cho tên liên lạc Trung Quốc; hắn đọc qua, bỏ vào túi ra hiệu cho tôi đi theo.
Sau khi đi bộ một quãng dài, chúng tôi lên xe buýt, rồi xe điện. Hướng về phía đông, chúng tôi đi qua những khu phố lạ lẫm chưa từng biết bao giờ.
Ra đến cảng, tôi hiểu mình đang ở giữa khu phố Tàu.
Chúng tôi đi vào một vùng nhằng nhịt những phố hẹp và ngõ cụt, nhà cửa tồi tàn, thảm hại, cuối cùng dừng trước một ngôi nhà ọp ẹp. Tên liên lạc gõ vào cửa bốn tiếng, một người Tàu khác mở cửa ngay và né sang bên để chúng tôi vào.
Tiếng chốt cửa kéo sau lưng tôi vang lên như chấm dứt hy vọng cuối cùng. Tôi đã ở trong tay kẻ thù.
Tên Tàu thứ hai dẫn tôi bước mấy bậc thang lung lay đưa xuống một căn hầm chất đầy thùng, hòm từ đó bốc lên mùi hăng hăng của gia vị.
Tôi cảm thấy mình bị bao vây bởi môi trường phương đông bí hiểm và bi thảm.
Tên dẫn đường đẩy sang bên hai chiếc thùng to để lộ ra dưới chân tường một lối vào thấp như kiểu đường hầm. Hắn ra hiệu cho tôi đi vào, và tôi đi theo một hành lang dài, thấp đến nỗi phải khom lưng không thể đứng thẳng. Chẳng bao lâu tôi tới một căn hầm khác.
Tên Tàu gõ bốn tiếng vào một mảng tường, lập tức nó chuyển động như phông màn sâu khấu. Trước mắt tôi là một lâu đài kiểu Nghìn lẻ một đêm.
Phòng dài và thấp, giát toàn đồ thêu lộng lẫy, đèn sáng trưng. Những mùi hương là lạ phảng phất trên không. Toàn bộ đồ đạc gồm năm, sáu chiếc giường và những tấm thảm tuyệt đẹp.
Sau một tấm màn, có tiếng nói vọng ra:
- Khách đến chưa?
- Dạ đã - tên dẫn đường đáp.
- Mời vào!
Bức màn vén lên; trong cái hốc mà nó che khuất là một giường lớn chất đầy gối, nệm. Ngự trên đó là một người châu Á cao, mảnh, mặc bộ quần áo thêu rực rỡ. Nhìn những móng tay để rất dài, tôi hiểu mình đứng trước một nhân vật quan trọng. Hắn phẩy tay làm hiệu:
- Đại úy Hastings, mời ông ngồi. Tôi rất vui là ông quá bộ đến thăm.
- Ông là Li Chang-yen? - Tôi hỏi.
- Ồ không, tôi chỉ là một trong những kẻ phục vụ Người. Tôi chỉ làm theo lệnh của Người, cũng như các đồng nghiệp của tôi ở khắp nơi. Ở Áchentina chẳng hạn.
Tôi tiến lên một bước:
- Vợ tôi đâu? Ông làm gì vợ tôi?
- Bà ấy ở nơi an toàn, không ai tìm thấy được. Đến lúc này bà nhà chưa làm sao cả. Ông nghe rõ chứ: đến lúc này.
Trán tôi toát mô hôi lạnh. Tôi nhìn đăm đăm vào tên quỷ phương Đông, hắn cười mà cứ như nhăn mặt.
- Ông muốn gì? - Tôi kêu lên - Tiền?
- Đại uý Hastings thân mến, chúng tôi không muốn tước mất của ông số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi. Ông vừa nghĩ ra một câu hỏi thông minh đấy... Bạn ông chắc không đặt câu hỏi như thế.
Tôi dằn từng tiếng:
- Tôi cho rằng ông muốn giăng bẫy bắt tôi? Vậy là làm được rồi! Ông xử tôi thế nào cũng được, nhưng xin thả vợ tôi ra. Bà ấy không biết gì hết, do đó giữ không ích gì, ông đã dùng bà ấy để bắt tôi, nay được rồi, hãy trả tự do cho bà.
Đối thủ của tôi khẽ xoa má, nghiêng mắt nhìn tôi nói, giọng mơn trớn:
- Ông vội quá! Và hơi có chút hiểu lầm những ý định của chúng tôi. Mục đích không phải là bắt ông, mà là qua ông, bắt được ông Hereule Poirot, bạn ông.
- Sợ rằng khó đấy - tôi cười khẩy.
- Tôi đề nghị thế này - hắn nói tiếp, như không nghe thấy lời tôi - Ông sẽ viết thư cho ông Hercule Poirot, nhắn đến đây gặp ông.
- Không đời nào tôi làm việc ấy!
- Từ chối thì hậu quả vô cùng tai hại...
- Mặc xác ông đe doạ! -
- Ông muốn chết ư?
Tôi cố kìm không để lộ nỗi kinh hãi.
- Ông ép tôi vô ích. Cảnh sát sẽ đến đây bây giờ.
Tên đệ tử của Li Chang-yen vỗ tay một cái, và hai tên tay sai hiện nhanh như chớp. Mỗi đứa giữ một tay tôi. Chủ chúng ra lệnh bằng tiếng Trung Quốc, và chúng kéo tôi vào một góc.
Một thằng cúi xuống và đột nhiên tôi thấy đất sụt dưới chân. Nếu thằng thứ hai không níu lại, ắt tôi đã lao xuống cái vực thăm thẳm vừa mở ra, từ đó vang lên tiếng ầm ào của thác nước.
- Ông nghe tiếng sông chảy đó - người ngồi trên giường lại nói. Hãy suy nghĩ, đại uý Hastings! Nếu ông cứ từ chối, ông sẽ lao đầu xuống cõi vĩnh hằng! Dòng nước tối tăm vĩnh viễn cuốn ông đi. Một lần cuối, ông chịu viết thư không?
Tôi không tự coi là mình dũng cảm hơn số đông đồng loại, và thẳng thắn thú nhận mình sợ hãi thực sự. Rõ ràng tên này nói nghiêm chỉnh; tôi không tuân theo thì nhất định vĩnh biệt cõi đời này. Tôi đáp, cố giữ giọng mạnh bạo:
- Không! Quỷ tha ma bắt cái thư của ông!
Rồi bất giác, tôi nhắm mắt, lẩm nhẩm cầu nguyện.