Agatha Christie
CHƯƠNG 20
Tác giả: Agatha Christie
Hercule Poirot ngắm mặt tiền của ngôi nhà đồ sộ đã có từ thời các vua George, nằm trong một vùng ngoại ô đã có nhiều thay đổi. Tiến bộ đã len mau vào đây, nhưng vẻ sang trọng của “siêu thị” mới, cửa tiệm Margery, cửa hiệu cà phê Peg và ngôi nhà ngân hàng bề thế vẫn chưa đụng chạm tới con đường High Street.
Poirot gật đầu hài lòng khi để ý thấy cái búa bằng đồng ở cửa ra vào còn sáng chói. Ông nhấn chuông.
Cánh cửa mở ngay tức khắc, một bà cao lớn lịch sự, với mái tóc bạc được cuốn lên cao và dáng vẻ kiên quyết xuất hiện
- Ông Poirot? Ông rất đúng giờ.
- Cô Battersby?
- Đúng là tôi.
Bà mời ông vào, đặt cái nón của ông vào cái máng áo tại sảnh và đi trước dẫn ông vào một căn phòng dễ chịu, cửa sổ mở ra một căn vườn hẹp có các bức tường vây quanh.
Ra dấu mời ông ngồi vào ghế và bà cũng ngồi xuống, chờ đợi. Rõ ràng bà Battersby không phải là hạng người chịu mất thì giờ vào các chuyện mào đầu.
- Tôi nghĩ rằng quí cô là người cựu giám đốc của trường trung học ở Meadowfield?
- Phải. Tôi đã về hưu rồi, cách đây một năm. Tôi cho là ông muốn hỏi tôi về một người học trò cũ của tôi? Là Norma Restarick phải không?
- Đúng là như vậy.
- Trong thư, ông không cho biết một chi tiết nào. Tôi biết ông là ai rồi, ông Poirot ạ! Tôi muốn ông cho tôi một vài thông tin trước khi tiếp tục câu chuyện. Ví dụ, ông có ý định mướn cô Norma Restarick?
- Không hề! Nếu cô cho phép, tôi xin trình bày.
- Xin mời ông.
- Tôi làm việc cho người cha của cô ấy, ông Andrew Restarick.
- À! Tôi nghĩ là ông ấy vừa về nước Anh phải không? Sau nhiều năm vắng mặt. Ông có thư giới thiệu của ông ấy không?
- Tôi đã yêu cầu ông ta điều đó.
Người phụ nữ già đưa mắt dò xét ông và Poirot tiếp tục:
- Ông ấy có ngỏ ý muốn đi cùng tôi tới đây nhưng điều đó sẽ cản trở việc tôi hỏi những vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi e là những câu trả lời của cô có thể làm ông ấy buồn.
- Đã có gì xảy ra với Norma?
- Tôi hy vọng rằng không có gì... tuy nhiên, đấy cũng là một khả năng. Thưa cô Battersby, cô có nhớ tới cô ấy không ạ?
- Tôi nhớ tất cả học sinh của mình. Tôi có một trí nhớ rất tốt, vả lại Meadowfield không phải là một trường lớn. Chỉ có trên hai trăm nữ sinh thôi.
- Thưa cô, vì sao cô lại xin về hưu?
- Thưa ông Poirot, tôi nghĩ đó không phải là việc ông cần quan tâm?
- Quả đúng vậy. Tôi chỉ tò mò một cách rất tự nhiên mà thôi.
- Tôi đã bảy mươi tuổi rồi. Đó không phải là một lý do chính đáng sao?
- Không đúng lắm trong trường hợp này. Cô xem ra còn mạnh khỏe và có khả năng tiếp tục nhiệm vụ của mình trong nhiều năm nữa.
- Thời gian đã thay đổi rồi, ông Poirot ạ! Người ta không phải ai cũng ưa mọi cách thay đổi. Tôi xin thỏa mãn câu hỏi của ông. Tôi nhận thấy mình ngày càng ít có lòng kiên nhẫn đối với các bậc phụ huynh. Những dạ án mà họ đề xuất cho những cô con gái của họ ngày càng tỏ ra kỳ quặc. Và bây giờ, xin ông cho tôi biết lý do của sự quan tâm của ông đối với Norma Restarick?
- Cô ấy đã biến mất.
Xem ra cô Battersby không bị tác động lắm.
- Thật vậy? Khi ông nói từ “biến mất”, tôi hình dung là ông muốn nói cô đã đi khỏi nhà không báo cho cha mẹ biết cái nơi mà cô sẽ đến phải không? Tôi nghĩ là mẹ cô đã chết rồi, đây chỉ là việc của người cha mà thôi. Nhưng điều đó có gì là lạ trong thời nay đâu. Ông Restarick đã báo cho cảnh sát chưa?
- Ông ấy cự tuyệt hoàn toàn.
- Tôi có thể đoán chắc với ông rằng tôi không hề biết cô hiện giờ ở đâu. Từ khi cô rời Meadowfield tới nay, tôi không có tin tức tức gì về cô. Tôi e rằng mình chẳng giúp ích cho ông được một điều gì.
- Đó không phải là loại tin tức mà tôi muốn tìm hiểu. Tôi muốn biết xem Norma là loại con gái nào. Xin cô tả cô ấy ra sao? Tôi không nói về dáng vẻ bề ngoài mà về nết của cô ấy.
- Ở trường, Norma là một đứa học trò bình thường như mọi đứa khác, việc học tập cũng thuộc loại trung bình.
- Cô có nghi ngờ là cô ấy bị rối loạn thần kinh không?
- Không đúng như thế. Thêm nữa, cuộc sống của cô ở gia đình cũng không cho thấy điều đó.
- Có thể vì lý do sức khỏe của người mẹ?
- Đúng. Norma có một gia đình không đoàn tụ. Người cha mà cô rất quyến luyến, đột nhiên bỏ đi với một người phụ nữ khác. Bà Restarick có thể đã gây chấn thương về tinh thần cho con gái mình khi nói cho cô ấy biết cảm nghĩ của bà ta.
- Có lẽ, tôi phải hỏi về người đã chết một chút?
- Ý kiến cá nhân của tôi ấy à?
- Nếu điều đó không làm phiền bà.
- Không. Theo tôi bà Restarick là một người phụ nữ đức hạnh, trung thực, chặt chẽ về nguyên tắc, nghiêm khắc, và trong cuộc sống không được hạnh phúc vì bà ta rất là kỳ quặc?
- A! Kỳ quặc?
- Một nữ bệnh nhân tưởng tượng, tự gán cho mình bị đủ thứ bệnh tật. Bà ta tiêu phí thì giờ của mình trong các trại an dưỡng. Một cảnh tượng rất buồn chán cho người con gái, nhất là trong khi cô ta không có đầy đủ cá tính. Norma không có một tham vọng nào về trí tuệ, không có một niềm tin tưởng nào về các khả năng của mình. Một công việc bình thường và một mái ấm gia đình, đó là những điều tôi cầu chúc cho Norma.