Từ 18 tháng Sáu đến 28 tháng Sáu 1905
Tác giả: Alan Lightman
T ừ một thánh đường ở trung tâm Rome, một người dòng người đông đến cả vạn người nối tiếp nhau, như một chiếc kim đồng hồ khổng lồ, vươn ra tới ven thành phố và còn xa hơn nữa. Những kẻ hành hương kiên nhẫn này hướng vào trong chứ không hướng ra ngoài. Họ chờ đến lượt được đặt chân vào Ngôi đền Thời gian. Họ chờ tới lúc được cúi đầu trước cái Đồng hồ Vĩ đại. Họ từ xa đến, thậm chí từ những nước khác, để chiêm bái thánh tích này. Giờ đây họ kiên nhẫn xếp hàng, chậm chạp nhích dần trên những con đường tuyệt hảo. Người đọc sách kinh. Kẻ bế con. Người ăn trái và hay uống nước. Trong lúc đợi chờ như thể hình như họ quên cả thời gian đang trôi. Họ không nhìn đồng hồ của mình, vì họ không có. Họ không lắng nghe tiếng chuông đồng hồ hồ trên tháp, vì trên tháp chả có chiếc đồng hồ nào.
Đồng hồ đeo tay và đồng hồ trên tháp đều bị cấm, duy nhất chỉ còn chiếc Đồng hồ Vĩ đại trong Ngôi đền Thời gian.
Bên trong ngôi đền, mười hai người hành hương đứng quanh chiếc Đồng hồ Vĩ đại, mỗi người đứng cạnh một vạch chỉ giờ trên cái khung khổng lồ bằng kim loại và kính. Một quả lắc bằng đồng thau, ánh lên dưới nến, đung đưa trong cái vòng cung tròn ở độ cao mười hai mét. Đám người hành hương hát thánh ca sau mỗi phút của đời họ bị mất đi. Đó là lễ vật của họ.
Sau một giờ đứng bên chiếc Đồng hồ Vĩ đại, những kẻ hành hương nọ đi ra, mười hai người kế tiếp đi vào qua cái cồng cao vòi vọi. Đám rước đã kéo dài hàng thế kỉ rồi.
Hồi xửa hồi xưa, trước khi có chiếc Đồng hồ Vĩ đại, thời gian được đo theo sự thay đổi của các thiên thể: theo sự di chuyển chậm chạp của các ngôi sao trên bầu trời đêm, theo vòng cung của mặt trời và sự thay đổi của ánh sáng, theo sự đầy khuyết của mặt trăng, theo thủy triều của biển cả và bốn mùa. Thời gian cũng đo bằng nhịp tim. độ buồn ngủ và giấc ngủ, của sự đói, kinh nguyệt phụ nữ, độ dài của cô đơn. Rồi thì chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên được chế tạo tại một thị trấn ở Ý. Người ta thích quá. Nhưng rồi người ta kinh hoàng. Vì đây là một phát minh của con người, nó định lượng thời gian trôi qua, nó đặt thước kẻ và compa lên độ dài của lòng ham muốn, nó đo chính xác khoảnh khắc của một đời người. Nó như có phép, không thể chấp nhận được vì phản tự nhiên. Nhưng người ta không thể chối bỏ đồng hồ. Người ta sẽ phải ca tụng nó. Nhà phát minh nọ được yêu cầu lắp ráp chiếc Đồng hồ Vĩ đại. Sau đó y bị giết và mọi cái đồng hồ khác bị hủy. Bấy giờ bắt đầu có những cuộc hành hương.
Trong chừng mực nào đấy cuộc sống tiếp diễn y như trước khi có chiếc Đồng hồ Vĩ đại. Tiếng cười trẻ thơ vẫn giòn vang qua các ngả đường thành phố. Các gia đình vẫn vui vẻ tụ tập uống bia, ăn thịt xông khói. Trai gái vẫn rụt rè nhìn nhau qua khung cửa của một đường vòm. Mấy họa sĩ vẫn tô điểm cho các tòa nhà bằng những bức tranh của họ. Các triết gia vẫn trầm tư mặc tưởng. Tuy vậy mỗi hơi thở, mỗi cái vắt chân, mỗi cái nhìn lãng mạn đều pha chút chán chường nhói cả tim. Vì mọi người biết rằng, trong một giáo đường nọ ở trung tâm Rome có một con lắc nặng bằng đồng thau được gắn tuyệt khéo vơi những chốt và bánh xe răng, và nó lắc để đo cuộc đời họ. Ai cũng biết một lần nào đấy mình phải đối diện với những khoảng đời lười nhác của mình, phải đến bày tỏ lòng tôn kính trước chiếc Đồng hồ Vĩ đại.
Dù đàn ông hay đàn bà, ai cũng phải đến Ngôi đền Thời gian.
Vì thế mà mỗi ngày - mỗi giờ trong mỗi ngày - đều có một dòng cả chục nghìn người từ trung tâm Rome xuyên qua thành phố, ra tận ven đô, một dòng người hành hương chờ cúi đầu trước chiếc Đồng hồ Vĩ đại. Họ bình thản đứng đó, đọc sách, bế con. Họ thản nhiên đứng đó, nhưng trong thâm tâm lại giận sôi lên. Vì họ phải chứng kiến việc đo cái lẽ ra không nên đo. Họ phải chứng kiến sự trôi qua chính xác của những phút và những thập kỷ. Họ bị sự sáng tạo và táo bạo của chính mình phản bội. Họ phải trả giá cho sự sáng tạo và lòng dũng cảm kia bằng chính cuộc đời mình.
*20 tháng Sáu 1905
Trong cái thế giới này thời gian là một hiện tượng cục bộ. Hai chiếc đồng hồ nằm sát nhau chạy với tốc độ gần giống nhau. Hai chiếc đòng hồ ở xa nhau, ngược lại, chạy với tốc độ khác nhau. Càng xa nhau càng khác. Cái gì đúng với đồng hồ thì cũng đúng với nhịp tim, với nhịp thở, vời làn gió thổi trên lớp cỏ cao cao. Trong thế giới này thời gian trôi với tốc độ khác nhau ở những chốn khác nhau.
Khi việc buôn bán đòi hỏi một thời gian thống nhất thì không có buôn bán giữa các thành phố nữa.Chúng quá khác nhau. Làm sao hai thành phố có thể giao thương khi ở Berne người ta chỉ cần mười phút để đếm một nghìn franc tiền giấy, còn ở Zürich cần tới một tiếng? Cho nên mỗi thành phố phải tự lo lấy. Mỗi thành phố là một hòn đảo. Mỗi thành phố phải tự trồng mơ và anh đào, mỗi thành phố phải tự chăn nuôi bò heo, tự xây dựng hãng xưởng. Mỗi thành phố phải tự xoay xở lấy.
Thỉnh thoảng có một người khách liều đi từ thành phố này sang thành phố khác. Hắn điên ư? Một việc ở Berne chỉ mất vài giây thì ở Fribourg có thể mất nhiều giờ, còn ở Luzern mất tới những vài ngày.
Khoảng thời gian để một chiếc là rơi ở nơi này có thể đủ cho một bông hoa ở nơi khác. Khoảng thời gian để một tiếng sấm dậy ở nơi này thì ở nơi khác đủ để hai người yêu nhau. Khoảng thời gian để một chú bé trưởng thành ở nơi này chỉ kịp cho một giọt mưa mới lăn hết khung kính cửa sổ ở nơi khác. Nhưng người khách kia không nhận thấy gì hết thảy trong những điều vừa nói. Trong khi hắn từ múi thời gian này đi sang múi thơi gian khác thì cơ thể hắn thích nghi với tốc độ thời gian tại đó. Nếu mọi thứ- mỗi nhịp tim, mỗi cái đánh của con lắc, mỗi xoải cánh của con chim cốc - đều được điều chỉnh cho giống nhau thì làm sao hắn biết được rằng mình đã sang múi giờ khác? Nếu nhịp độ những đam mê của con người tương ứng với rung động của những con sóng trên mặt hồ thì làm sao người khách kia biết rằng đã có gì thay đổi?
Chỉ sau khi đã liên lạc với quê nhà thì người khách mới biết mình đã sang một múi thời gian khác rồi. Hắn được biết ràng từ lúc mình ra đi cửa hàng quần áo của hắn đã phát đạt không ngờ, đã chào thêm nhiều mặt hàng mới, rằng cô con gái hắn đã sống hết đời mình, nay hóa gia, hoặc bà vợ ông hàng xóm mới vừa kết thúc bài hát mà bà bắt đầu khi hắn mới bước ra khỏi cổng. Lúc ấy người khách kia mới hiểu rằng mình bị cắt đứt cả về thời gian lẫn không gian. Không người khách nào trở lại thành phố cội nguồn của mình cả.
Có người thích sự cô lập. Thành phố của họ là tuyệt vời đối với họ, nên họ không quan tâm đến việc quan hẹ với những thành phố khác. Còn thứ lụa nào mềm hơn lụa của nhà máy mình? Có thứ bò nào cho nhiều sữa hơn bò trên bãi cỏ nhà mình? Còn thứ đồng hồ nào đẹp hơn đồng hồ trong các cửa hàng của mình? Những con người này thức dậy mỗi sáng, khi mặt trời đã lên quá đỉnh núi, họ đứng trên bao lơn mà không hề nhìn quá khỏi vành đai thành phố.
Người khác lại cần giao tiếp. Họ không ngớt hỏi han người khách lạ hiếm hoi đã tới thành phố của họ về những nơi khách đã qua, về màu mặt trời lặn ở đó, về tầm vóc của người và vật, về những ngôn ngữ ở những vùng đất khác, về cung cách quảng cáo, về những phát minh. Cuối cùng trong những kẻ tò mò kia quyết định phải tự kiểm tra, y rời quê quán tới những thành phố khác để tìm hiểu, trở thành một khách lữ hành. Y không bao giờ trở về.
Cái thế giới của thời gian cục bộ này, cái thế giới của sự cô lập này đưa đến những kiểu sống muôn hình muôn vẻ. Không có sự hòa trộn giữa các thành phố thì cuộc sống có thể phát triển cả nghìn cách khác nhau. Tại thành phố này người ta thích ở gần nhau, tại thành phố khác lại thích ở thật xa nhau. Ở thành phố này người ta thích ăn mặc giản dị, ở thành phố khác lại chẳng mặc gì hết. Ở thành phố này người ta thương tiếc cái chết của kẻ thù, ở thành phố kia chẳng có thù hay bạn. Ở thành phố này người ta đi bộ, ở thành phố kia đi đủ kiểu xe mà người ta tưởng tượng ra. Những khác biệt này và nhiều khác biệt nữa giữa các vùng chỉ cách nhau trăm cây số. Còn ngay sau một quả núi, ngay sau một dòng sông, cuộc sống đã khác rồi. Mà những cuộc sống này không giao lưu với nhau. Chúng không cho nhau gì hết thảy. Cuộc sống phát triển muôn màu muôn vẻ nhờ sự cô lập song cũng lại chết ngấm chính vì sự cô lập đó.
*22 tháng Sáu 1905
Hôm nay là ngày lễ phát bằng tú tài ở trường Trung học Agassiz.Một trăm hai mươi chín thanh niên áo trắng, cravát nâu đứng trên thềm đá cẩm thạch, ngọ nguậy dưới nắng nghe ông hiệu trưởng xướng danh. Trên sân cỏ các ông bố bà mẹ, người thân lơ đãng nghe, họ nhìn xuống đất, gà gật trên ghế. Cậu học trò đại diện cố đọc như máy cho xong bài diễn từ chia tay. Cậu gượng mỉm cười khi được trao huy chương để rồi quăng béng vào bụi cây ngay sau buổi lễ. Không người nào có mặt ở đó chúc mừng cậu. Lũ con trai, các bà mẹ, các ông bố, đám chị em gái thờ ơ đi về nhà ở Amthausgasse hoặc Aarstrasse, hay ngồi chờ trên ghế băng ở quảng trường trước nhà ga. Ăn trưa xong họ tụ lại chơi bài giết thời gian hoặc ngủ một giấc. Những quần áo đẹp được gấp cất đi cho dịp khác.
Cuối hè, có vài cậu vào đại học ở Berne hay Zürich, vài cậu làm việc trong hãng của bố, vài cậu khác sang Đức hay Pháp tìm việc. Mọi sự thay đổi này diễn ra dửng dưng, máy móc, như nhịp đánh xuống của con lắc, như ván cờ vua bó buộc phải đi một bước. Vì trong thế giới này tương lai định sẵn rồi.
Đây là một thế giới trong đó thời gian không ở thể lỏng, nó không còn mở đường cho cái sự kiện diễn ra nữa. Ngược lại, thời gian có một cấu trúc cứng ngắc giống như xương vậy; nó kéo dài vô tận về phía trước và phía sau, khiến tương lai cũng như quá khứ bị hóa thạch. Mỗi hành động, mỗi ý nghĩ, mỗi làn gió, mỗi cánh chim bay đều được ấn định dứt khoát và mãi mãi.
Trong nhà hát thành phố một vũ nữ ba lê chạy trên sân khấu ròi tung người lên cao. Nàng lơ lửng một lúc rồi lại đáp xuống. Saut, batterie, saut. Hai chân nàng khẽ rung vừa bắt chéo nhau, đôi cánh tay nàng vươn ra thành một vòng cung. Nàng bắt đầu quay tròn. Nàng đưa chân phải ra phía sau, vị trí thứ tư, xoay người, hai cánh tay giúp nàng quay nhanh hơn. Nàng là hiện thân của sự chính xác. Nàng là cỗ máy đồng hồ. Trong lúc nhảy nàng nghĩ lẽ ra mình có thể tự do đôi chút khi tung người lên, nhưng nàng không thể tự do được vì nhưng động tác kia thật ra không phải của nàng. Những tác động giữa thân thể nàng với sân khấu và căn phòng đã được xác định sẵn tới một phàn tỉ milimét. Không có kẽ hở nào cho tự do. Vì kẽ hở đồng nghĩa với chao đảo. Không thể có chuyện chao đảo được. Cho nên nàng di chuyển trên sân khấu với sự chính xác của cỗ máy đồng hồ, nàng không tung người hoặc có những pha táo bạo bất ngờ mà đặt chân đúng trên vạch phấn, nàng không hề mơ đến những cabriole ngoài dự tính.
Trong một thế giới mà tương lai được định sẵn thì cuộc sống là một dãy buồng bất tận, trong đó cứ một phòng có đèn thì phòng kế tiếp tối, nhưng được chuẩn bị để bật sáng. Ta đi từ phòng này sang phòng kia, nhìn vào căn phòng vừa được bật sáng, đó chính là khoảnh khắc hiện tại, rồi ta đi tiếp. Ta không biết gì về những căn phòng kế tiếp, nhưng biết rằng mình không thay đổi được gì hết ở những căn phòng ấy. Ta là khán giả của chính cuộc đời mình.
Nhà hóa học làm việc trong phòng dược ở Kochergasse đi dạo trong phố vào giờ nghỉ trưa. Ông dừng lại trước một hiệu đòng hồ ở Marktgasse, rồi lại tiếp tục đi về hướng những cánh rừng và sông. Ông còn thiếu nợ một người bạn, song thay vì trả nợ ông khoái mua quà tặng hơn. Trên đường đi - ông cứ tấm tắc chiếc áo măng tô mới của mình - ông suy tính có thể sang năm sẽ trả bạn món nợ kia, biết đâu chừng ông sẽ lờ luôn. Ai trách ông được chứ? Trong một thế giới mà tương lai đã được định thì làm gì có chuyện tốt hoặc xấu. Tốt hoặc xấu đòi quyền tự do lựa chọn, nhưng khi mỗi hành động đều được án định từ trước thì đâu còn tự do quyết định nữa. Trong một thế giới mà tương lai đã được ấn định thì không một ai phải chịu trách nhiệm cả. Những căn phòng đằng nào cũng đã được bài trí từ trước. Nhà hóa học suy nghĩ những điều trên trong lúc đi dọc con đường qua Brunngashalde, thở hít làn không khí rừng ẩm mát. Ông tự cho phép mình nhếch mép, ông quá hài lòng về quyết định của mình. Ông hít bầu không khí ẩm, thấy mình - lạ làm sao - được tự do làm những chuyện mình thích, tự do trong một thế giới không tự do.
*25 tháng Sáu 1905
Chiều Chủ nhật. Người ta đi dạo dọc sông Aare trong bộ cánh dành cho ngày Chủ nhật, no nê sau bữa ăn thịnh soạn cuối tuần, người ta khẽ trò chuyện trong tiếng thì thầm của dòng sông. Các cửa hàng đều đóng cửa nghỉ. Có ba bà đi dọc Marktgasse, họ dừng lại đọc các quảng cáo, họ dừng lại ngắm các món hàng trưng bày trong tủ kính rồi lại thong thả đi tiếp. Một gã chủ quán lau chút mấy bậc tam cấp rồi ngồi xuống đọc báo, tựa lưng vào bức tường bằng sa thạch, nhắm nghiền mắt. Phó xá đang ngủ. Phố xá đang ngủ, trong không gian trầm bổng tiếng vĩ cầm.
Giữa một căn phòng đầy sách vở trên bàn có một chàng trai đứng kéo vĩ cầm. Anh yêu cây đàn của mình. Anh chơi một khúc du dương. Vừa chơi đàn anh vừa ngó xuống đường, thấy một đôi trai gái ôm nhau, anh quan sát họ với đôi mắt nâu thẫm rồi quay đi. Anh đứng im đến nỗi tiếng nhạc của anh là sự vận động duy nhất, tiếng nhạc của anh tràn ngập căn phòng. Anh đứng thật lặng lẽ, nghĩ tới vợ và thằng con nhỏ ở căn phòng ngay tầng dưới.
Trong lúc anh chơi đàn thì một người khác, giống hệt anh, đứng giữa phòng kéo cây đàn của y. Y ngó xuống đường, thấy một đôi trai gái ôm sát nhau, y quay đi và nghĩ tới vợ với thằng con. Trong lúc y kéo đàn thì lại thêm một người thứ ba đứng đó kéo vĩ cầm. Thêm một người thứ tư, thứ năm... vô số những chàng trai đứng trong phòng kéo đàn. Có vô số làn điệu và ý nghĩ. Và một giờ đồng hồ này, thời gian mà những chàng trai kia chơi đàn, không phải chỉ là một giờ riêng lẻ thôi, mà nhiều giờ. Vì thời gian chỉ cũng như ánh sáng giữa hai tấm gương. Nó nhảy qua lại, tạo ra vô số hình ảnh, giai điệu ý tưởng. Trong một thế giới của vô số bản sao.
Trong lúc ngẫm nghĩ, người đàn ông thứ nhất cảm thấy có những người khác. Anh cảm thấy nhạc và suy nghĩ của họ. Anh cảm thấy chính mình bị sao thành nghìn lần, cảm thấy căn phòng với đống sách vở này được sao thành cả nghìn lần. Anh cảm thấy ý nghĩ của mình bị sao chụp. Anh có nên rời bỏ vợ không? Anh đã cảm thấy gì lúc nàng nhìn anh qua chiếc bàn trong thư viện trường Đại học Bách khoa? Mái tóc nâu dày của nàng giờ đây thế nào? Nàng đã đem lại cho anh niềm an ủi gì? Còn nỗi cô đơn nào nữa, ngoài cái giờ anh kéo đàn này?
Anh cảm thấy những người kia. Anh cảm thấy mình bị sao cả nghìn lần, cảm thấy căn phòng này bị sao cả nghìn lần, cảm thấy ý nghĩ của mình bị sao chụp. Bản chụp nào thật là bản nguyên, là chính anh trong tương lai? Anh có nên rời bỏ vợ không? Anh đã cảm thấy gì lúc ấy trong thư viện trường Đại học Bách khoa? Nàng đã đem lại cho anh niềm an ủi gì? Còn nỗi cơ đơn nào nữa, ngoài cái giờ anh kéo đàn này? Ý nghĩ của anh nhảy qua nhảy lại cả nghìn lần giữa những bản sao của chính anh và nhạt đi sau mỗi lần nhảy như thế. Anh có nên rời bỏ vợ không? Nàng đã đem lại cho anh niềm an ủi gì? Còn nỗi cô đơn nào nữa? Ý nghĩ của anh cứ mơ hồ dần, cho đến khi anh không còn biết mình hỏi gì và tại sao. Còn nỗi cô đơn nào nữa? Anh nhìn ra ngoài đường không bóng người và kéo đàn. Tiếng nhạc của anh tràn ngập căn phòng, rồi khi cái giờ ấy, vốn là vô số giờ, trôi qua thì anh chỉ còn nhớ có tiếng nhạc.
*27 tháng Sáu 1905
Mỗi thứ Ba, một người đàn ông đứng tuổi đều chở đá từ mỏ đá ở phía đông Berne đến cửa hàng của người thợ nề trên Hodlestrasse. Ông có vợ, hai con đã lớn và ở riêng, một người anh mức chứng lao sống ở Berlin. Suốt năm ông khoác cái áo bông xám, làm việc ở mỏ đá tới lúc nhá nhem mới về ăn tôi với vợ rồi đi ngủ. Chủ nhật ông săn sóc vườn tược. Sáng sáng thứ ba ông chất đá len xe tải chạy vào phố.
Vào tới phố, ông ngừng ở Marktgasse để mua bột và đường. Ông ngồi yên lặng nửa giờ nơi nhũng hàng ghế cuối trong ngôi nhà thở chính tòa. Ông ngừng ở Bưu điện, gửi một lá thư đi Berlin. Rồi trong khi đi ngang qua những người khác trên đường phố, ông cúi nhìn xuống đất. Có vài người quen biết tìm cách làm ông chú ý hoặc là chào ông. Ông lẩm bẩm gì đó rồi đi tiếp. Tuy cung cấp đá cho người thợ nề trên Hodlergasse nhưng ông không thể nhìn thẳng vào mặt y. Ông nhìn qua một bên, ngó bức tường, đứng ở một góc khi đáp lại lời trò chuyện thân mật của người thợ nề trong lúc cân đá.
Bốn mươi năm trước, hồi đi học, ông đã đái ra quần trong lớp vào một chiều tháng Ba. Lúc ấy ông không nén nổi. Sau đó ông định cứ ngồi lì, nhưng đám trẻ kea thấy bãi nước bèn truy đuổi ông chạy khắp lớp. Chúng hò la chỉ vào vệt ướt trên quần ông. Hôm ấy nắng như dòng sữa tun qua cửa sổ, chiếu rọi trên hành lang lát gỗ của lớp học. Hơn hai chục cái áo khoác treo trên móc cạnh cửa ra vào. Phấn vạch trên bảng tên những thủ đô của châu Âu. Các bàn học có mặt gỗ đẩy lên cao được và một ngăn bàn. Bàn của ông, góc trên cùng bên phải có khắc chữ "Johann". Không khí ẩm và ngộp vì hơi nước lò sưởi. Một cai đồng hồ có kim màu đỏ thật to chỉ hai gờ mười lăm.
Lũ trẻ chế nhạo ông trong lúc đuổi ông chạy khắp lớp với vết ướt trên quần. Chúng hò la: " Đái dầm! Dấm đài! Đái dầm!"
Kỉ niệm này đeo theo ông suốt đời. Sáng sáng khi thức dậy, ông là đứa trẻ từng đái ra quần. Gặp người ta trên đường phố, ông biết họ nhìn vệt ướt trên quần mình. Ông ngó vội xuống quần rồi quay đi. Khi các con về thăm, ông ở lì trong phòng, chỉ tiếp chuyện chúng qua cánh cửa. Ông là đứa trẻ đã không nhịn nổi cơn mót tiểu.
Nhưng quá khứ là gì nhỉ? Có thể nào sự không thay đổi được gì của quá khứ chỉ là ảo tưởng? Có thể nào quá khứ là cái kính vạn hoa, là một mẫu hình mà mỗi làn gió, một tiếng cười, một ý nghĩ lại làm cho thay đổi? Và nếu mọi sự thay đổi thì bằng cách nào chúng ta biết được sự thay đổi ấy?
Trong một thế giới với quá khứ đổi thay thì một buổi sáng kia, ông chủ mỏ đã thức dậy mà không còn là đứa nhỏ không nhịn nổi cơn mót tiểu nữa rồi. Cái buổi chiều tháng Ba xa xôi kia chỉ là bất cứ một buổi chiều nào đấy.Vào cái buổi chiều đã quên nọ, ông ngồi trong lớp, khi thầy giáo gọi thì ông trả bài, tan học ông với đám trẻ kia chơi trượt băng. Bây giờ ông làm chủ một mỏ đá. Ông có chín bộ quần áo. Ông mua cho vợ đồ sứ cao cấp, chiều Chủ nhật nào phòng vợ chồng ông cũng đi dạo thật lâu. Ông ghé thăm bạn bè trên Amthaugasse và Aarstrasse, mỉm cười bắt tay họ. Ông bỏ tiền di nghe hòa nhạc...
Một buổi sáng ông thức dậy và...
Khi mặt trời mọc trên thành phố thì cả vạn người ngáp, ăn bánh mì, uống cà phê. Những lối đi mái vòm ở Speichergasse có cả vạn người, họ đi tới chỗ làm ở Speichergasse hay dắt con cái ra công viên. Mỗi người có kỉ niệm riêng: một ông bố không thương nổi con, một người anh lúc nào cũng trội hơn em, một người tình biết cách hôn tuyệt vời. Chép bài của nhau trong lớp, sự yên ắng sau khi tuyết vừa rơi, việc công bố một bài thơ. Trong một thế giới với quá khứ đổi thay thì những kỉ niệm này giống nhau như trấu trong gió, chỉ là những giấc mơ thoáng qua,a những hình thù trong đám mây. Cái gì đã xảy ra đều mất đi thực chất của nó, nó biến đổi - chỉ qua một cái nhìn, một trận bão, một đêm thôi. Trong thời gian, quá khứ chưa hề xảy ra. Nhưng ai có thể biết được điều đó? Ai có thể biết được rằng quá khứ không thật bề vững như khoảnh khắc này đây, khi mà nắng tràn ngập vùng núi Alps ở Berne, khi những gã chủ tiệm vừa hát vừa nâng mái hiên bằng vải bạt và người chủ mỏ đã bắt đầu chất đá lên xe tải.
*28 tháng Sáu 1905
"Đừng ăn nhiều thế", bà mẹ già vỗ vai con trai. "Con sẽ chết trước mẹ mất thôi, rồi ai lo cho số bạc của mẹ đây?" Gia đình họ đi picnic trên bờ sông Aare, mười cây số về phía Nam Berne. Mấy bé gái đã ăn xong, đang chơi đuổi bắt quanh một gốc thông. Cuối cùng chúng nằm như lịm đi trên bãi cỏ rậm, sau một lúc nằm yên chúng lăn qua trở lại cho đến khi chóng mặt mới thôi. Người con trai, cô vợ béo núc ních và bà mẹ già ngồi trên một cái chăn, ăn thịt nguội xông khói, pho mát, bánh mì chua với mù tạt, nho và bánh sôcôla. Trong lúc họ ăn uống, một làn gió nhẹ từ sông thổi đến, họ thở hít làn không khí mùa hè ngọt ngào. Anh con trai tháo giầy, ngúc ngoắc mấy ngón chân trong đám cỏ.
Lúc ấy một đàn chim bay qua. Anh con trai nhổm người nhảy khỏi tấm chăn, cứ chân không chạy theo chúng. Anh biến mất sau ngọn đồi. Những người khác thấy đàn chim bay từ phố ra cũng chạy vội theo anh.
Một con chim đáp xuống cây. Một bà leo lên, vươn tay bắt, nhưng nó nhảy lên một cành cao hơn. Bà thận trọng ngồi thòng hai chân trên cành nọ trườn theo nó. Con chim nhảy trở lại cái cành thấp. Bà kia đành chịu kẹt trên cây. Một con chim khác sà xuống mổ hạt. Hai ông cầm một cái chụp bằng thủy tinh to tướng len lén bò lại gần nó. Nhưng con chim nhanh hơn, nó tung cánh theo bầy.
Giờ đây lũ chim bay qua thành phố. Ông cố đạo đang đứng trên tháp chuông tìm cách nhử chúng vào cái cửa sổ hình vòm. Trong khu vườn Kleine Schanze, một bà lão thấy lũ chim sà xuống ngủ trên bụi cây. Bà lão cầm cái chụp thủy tinh lò dò tới nhưng biết chẳng hy vọng gì bắt được con nào nên buông cái chụp òa khóc.
Nào phải riêng bà cụ thất bại đâu. Dù đàn ông hay đàn bà, người nào cũng muốn bắt được chim. Vì bầy chim sơn ca này chính là thời gian. Thời gian vỗ cánh, nhảy nhót với đàn chim. Nếu chụp được chim bằng cái chụp thủy tinh thì thời gian sẽ ngưng đọng. Khoảnh khắc ấy sẽ bất động cho mọi người, mọi cây cối và mặt đất trên một phạm vi rất rộng.
Quả thật hiếm khi bắt được lũ chim. Lũ trẻ vốn nhanh chân nhanh tay nhất lại không có nhu cầu níu thời gian lại. Với chúng thì thời gian như thế này đã là trôi quá chậm. Chúng hối hả theo từng khoảnh khắc, sốt ruột chờ đến sinh nhật, năm mới, chúng không đủ kiên nhẫn chờ những gì sẽ tới trong đời.
Còn người lớn khao khát níu kéo thời gian, nhưng lại quá chậm chạp và đuối sức, khó bắt nổi chim. Đối với người lớn thì thời gian trôi vù vù thấy mà khiếp. Họ khao khát níu lại được một phút trong lúc ngồi ở bàn ăn sáng uống trà, níu được cái khoảnh khắc đứa cháu vướng tay vướng chân khi cởi áo tắm, níu được buổi chiều khi tuyết hắt ngược ánh mặt trời lại khiến phòng chơi nhạc sáng lòa. Nhưng họ chậm chạp quá. Họ đành nhìn thời gian nhảy lung tung và bay biến đi.
Còn khi bắt được một chú sơn ca thì những kẻ tóm được nó sẽ miệt mài trong cái khoảnh khắc ngưng đọng ấy. Họ mê say nhìn ngắm chỗ ngồi và nét mặt của người thân và bè bạn, tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc về một phần thưởng vừa giành được, một đứa bé chào đời hay một chuyện tình, mùi thơm lưu lại của quế hay của bông hoa hai màu tím màu trắng. Những kẻ tóm được chim sẽ miệt mài trong cái khoảnh khắc ngưng đọng đó, nhưng họ sớm nhận ra rằng con chim sơn ca kia sẽ chết, giọng hót trong như tiếng sáo của nó câm bặt, rằng cái khoảnh khắc họ bắt được kia sẽ tàn lụi và tắt ngấm.