P I - Chương 3
Tác giả: Amy Tan
Trong phòng chờ ở bệnh viện, Ruth nhìn thấy tất cả bệnh nhân, trừ một người đàn ông hói đầu, đều là người Châu Á. Cô đọc bảng tên các bác sĩ: Phong, Vọng, Văn, Thanh, Chinh, Bổng, Quắc, Quyết. Cô tiếp tân trông giống người Hoa, cả các y tá cũng vậy.
Vào những năm 60, Ruth suy ngẫm, người ta mạ lị những tổ chức phục vụ cho những chủng tộc người không phải da trắng, coi như là những chỗ cách ly. Bây giờ người ta lại yêu cầu những nơi này cần phải có tính nhạy cảm văn hoá. Còn nữa, San Francisco có một phần ba là người Hoa nên đây cũng là một môi trường tiếp thị. Người hói đầu liếc nhìn quanh, như thể muốn tìm một chỗ trốn thoát. Không biết ông ta có cái họ giống như họ Young để có thể bị nhận diện một cách nhầm lẫn bởi vì một cái may vi tính mù loà trước sự phân biệt chủng tộc không? Chắc ông ta cũng nhận điện thoại từ những nhân viên tiếp thị bằng điện thoại nói tiếng Hoa, cố gắng ghi tên ông vào lộ tuyến điện thoại đường dài đến Hồng Kông và Đài Loan. Ruth biết điều này có nghĩa là ông sẽ có cảm giác của một người ngoài cuộc, bởi vì cô đã mang cảm giác này trong lòng từ khi còn là một đứa bé. Chuyển nhà đến tám lần đã làm cô nhận thức được cô không phù hợp với một nơi ở nhất định như thế nào.
"Fia bắt đầu học lớp sáu à?" Bây giờ bà Lưu Linh hỏi.
"Mẹ đang nghĩ về Dory," Ruth trả lời. Dory phải học chậm lại một năm bởi vì những biến động do sự thiếu hụt tài chánh. Bây giờ con bé nhận được một chương trình đào tạo đặc biệt.
"Sao Dory lại bị như thế?"
"Fia lớn hơn một tuổi. Nó sẽ vào học lớp 10. Dory 13 tuổi, Nó sẽ học lớp 7".
"Mẹ biết ai là ai!" bà Lưu Linh làu bàu. Bà đếm ngón tay gập những ngón lại khi bà kể "Dory, Fia, đứa lớn nhất Phú Phú, 17 tuổi" Ruth thường đùa rằng Phú Phú, con mèo hoang của cô sinh ra với một sự lộn xộn ghê người là đứa cháu ngoại mà bà Lưu Linh chưa bao giờ có. "Con mèo Phú Phú thế nào?" Bà hỏi.
đã bao giờ cô nói với mẹ là Phú Phú chết chưa nhỉ? Chắc cô phải nói rồi chứ. Hoặc là Art cũng đã nói. Ai cũng biết rằng Ruth đã đau khổ suốt một tuần sau cái chết của con mèo như thế nào.
"Phú Phú chết rồi" cô nhắc mẹ.
"Úi da!" mặt bà Lưu Linh nhăn lại đau khổ "Sao có thể thế được! chuyện xảy ra như thể nào?"
"Con đã nói với mẹ rồi!"
"Không, chưa bao giờ!"
"Ồ, phải. Vài tháng trước, nó nhảy qua hàng rào. Một con chó đuổi theo nó. Nó leo trèo chậm chạp lắm. Vậy nên…"
"Tại sao con lại nuôi chó?"
"Đó là chó của hàng xóm".
"Vậy tại sao con lại để cho chó nhà người ta chạy vào sân nhà mình? Bây giờ coi chuyện gì đã xảy ra! Úi da, chết lãng nhách". Mẹ cô nói oang oang. Nhiều người ngẩng đầu lên nình từ những món đồ đang đan, hoặc cái gì đó đang đọc, kể cả người hói đầu. Ruth cảm thấy khổ sở. Con mèo này cũng giống như con của cô vậy. Cô đã nâng niu nó trên tay ngày nó ra đời, một quả cầu lông hoang dại bé tí tìm thấy trong gara nhà Wendy một ngày mưa. Ruth cũng đã bế nó trong tay khi bác sĩ thú y chích cho nó một phát thuốc độc để chấm dứt cơn đau của nó. Chỉ nhớ về điều đó thôi cũng làm cho Ruth cảm thấy đau xót và cô không muốn oà khóc trong phòng đợi đầy những người xa lạ.
May mắn thay lúc đó người tiếp tân kêu lên "Lưu Linh Young!" Trong lúc Ruth giúp mẹ cô thu nhặt túi xách, áo khoác, cô thấy người đàn ông hói đầu nhảy lên bước nhanh về phía một người phụ nữ Trung Hoa lớn tuổi. "Này Má," Ruth nghe anh ta nói "Mọi việc đã làm xong chưa? Sẵn sàng về nhà chưa?" Anh ta chắc là con rể của bà cụ, Ruth đoán thế. Đã bao giờ Art đưa mẹ cô đi khám bệnh chưa? Cô nghi ngờ điều đó đấy. Thế còn trong những trường hợp cấp cứu, một cơn đau tim hoặc đột quỵ thì sao?
Cô y tá nói với bà Lưu Linh bằng tiếng Quảng Đông và bà trả lời bằng tiếng Quan Thoại. Họ thoả thuận bằng tiếng Anh như một tiếng nói chung. Bà Lưu Linh lặng lẽ đầu hàng ngay từ đầu . Trèo lên cân, 38 ký. Huyết áp 100 trên 70. Xắn tay áo lên nắm chặt tay lại, bà Lưu Linh không hề e ngại. Bà đã dạy Ruth làm điều tương tự, nhìn thẳng vào mũi kim chích và không kêu. Trong phòng khám, Ruth quay đi khi mẹ cô cởi chiếc áo lót bằng vải cô tông rồi đến chiếc quần lót lưng cao của bà.
Bà Lưu Linh mặc chiếc váy giấy, trèo lên bàn khám bệnh rồi dạng chân ra. Trông bà non nớt như trẻ con và mỏng manh làm sao. Ruth ngồi vào chiếc ghế bên cạnh. Khi bác sĩ bước vào, cả hai đều ngồi thẳng lên. Bà Lưu Linh bao giờ cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với các bác sĩ.
"Bà Young!" ông bác sĩ chào bà Lưu Linh một cách vui vẻ. "Tôi là bác sĩ Huy". Ông ta liếc nhìn Ruth. "Tôi là con gái của bệnh nhân. Tôi mới gọi cho ông". Ông ta gật đầu vẻ hiểu biết. Bác sĩ Huy là một người dễ coi, trẻ hơn Ruth. Ông ta bắt đầu hỏi bà Lưu Linh mấy câu hỏi bằng tiếng Quảng đông, mẹ cô giả vờ hiểu điều ông nói cho đến khi Ruth giải thích "Mẹ tôi chỉ nói được tiếng Quan thoại, không hiểu tiếng Quảng đông".
Ông bác sĩ ngước nhìn mẹ cộ "Gouya?"
Bà Lưu Linh gật đầu và bác sĩ Huy nhún vai vẻ xin lỗi. "Tiếng Quan thoại của tôi lại rất tệ. Bà nói được tiếng Anh không?"
"Được. Không có vấn đề gì".
Cuối buổi khám bệnh, bác sĩ Huy mỉm cười, thông báo "Ồ, bà là một quý bà khoẻ mạnh ra trò đấy. Tim và phổi đều rất tốt. Huyết áp tuyệt vời. Đặc biệt là ở tuổi bà. Coi nào, bà sinh năm nào?" Ông ta nhìn vào tờ khai, rồi ngước nhìn lên bà Lưu Linh "Bà có thể cho tôi biết không?"
"Năm sinh à?" mắt bà Lưu Linh dán lên trần như thể câu trả lời ở trên đó. "Thật không dễ gì nói được".
"Tôi muốn biết sự thật, ngay bây giờ" bác sĩ đùa, "không phải điều bà nói với bạn bè".
"Đúng là vào năm 1916" bà Lưu Linh nói.
Ruth cắt ngang "Điều bà muốn nói là…" và cô đang định nói là vào năm 1921 thì ông bác sĩ đã đưa đưa tay ra cản lại không cho cô nói. Ông liếc nhìn vào hồ sơ y tế rồi nói với bà Lưu Linh "Thế là điều đó làm bà…bao nhiêu tuổi?"
"82 tuổi vào tháng này!"
Ruth cắn môi, nhìn bác sĩ.
"82 tuổi" ông ghi chép. "Vậy hãy bảo tôi xem có phải bà sinh ở Trung Quốc không? Thành phố nào?"
"Ồ, điều này cũng gk dễ gì nói đâu" bà Lưu Linh bắt đầu ngập ngừng "Không hẳn là thành phố, mà là một chỗ chúng tôi gọi bằng rất nhiều tên khác nhau. Cách cây cầu dẫn đến Bắc Kinh 46km".
"À, Bắc Kinh," bác sĩ nói. "Tôi đã đến đấy trong một tua du lịch vài năm trước. Vợ chồng tôi đã thăm Tử Cấm Thành".
Bà Lưu Linh trông phấn chấn hẳn lên "Ngày xưa thì có quá nhiều thứ cấm đoán không thể thăm được. bây giờ ai cũng bỏ tiền ra để nhìn một cái gì cấm". Ông nói "Bà cho cái gì cấm thì nó là cấm, trả thêm tiền thế thôi". Ruth chỉ chực bùng ra. Mẹ cô ăn nói lung tung với bác sĩ Huy. Cô rất lo lắng cho bà nhưng lại không muốn bỉêu lộ sự lo lắng quan tâm trước mặt người lạ. Sự lo lắng của cô chẳng qua là một sự ngăn chặn bất cứ một nguy cơ nào. Bao giờ cũng là như vậy.
"Bà cũng đi học ở đấy chứ?"
Bà Lưu Linh gật đầu "Người bảo mẫu của tôi cũng dạy tôi nhiều thứ lắm. Vẽ, đọc, viết…"
"Tốt lắm. Tôi thắc mắc là không biết bà có muốn làm một phép toán cho tôi không. Tôi muốn bà đếm ngược từ một trăm, mỗi lần trừ đi một".
Bà Lưu Linh ngớ người.
"Bắt đầu từ 100".
"Một trăm!" Bà Lưu Linh nói một cách tự nhiên rồi chẳng nói thêm gì nữa.
Bác sĩ Huy chờ đợi, cuối cùng ông nói "Bây giờ trừ đi 7 và đếm ngược lại".
Bà Lưu Linh do dự một chút. "92 à 93, 93!"
Không đúng thế. Ruth muốn la lên. Mẹ cô chắc là phải đổi con số ra tiếng Hoa để đếm rồi nhớ lại và dịch câu trả lời sang tiếng Anh. Đầu óc của Ruth chạy đua với thời gian. Cô ước gì cô có thể trao cho mẹ cô câu trả lời bằng thần giao cách cảm. 86! 79!
"Tám mươi…tám mươi…" bà Lưu Linh lại mắc kẹt.
"Cứ từ từ, bà Young".
"Tám mươi" cuối cùng bà nói. " Sau đó là 87".
"Tốt lắm" bác sĩ Huy tuyên bố, vẫn một vẻ tươi vui không có gì thay đổi cả. "Bây giờ tôi muốn bà kể tên vị tổng thống cuối cùng bắt đầu từ vị tổng thống đương nhiệm".
Ruth muốn cự lại. Ngay cả tôi cũng không thể làm thế được!
Lông mày bà Lưu Linh nhíu lại suy nghĩ "Clinton," bà nói sau một chút im lặng "Năm năm trước cũng là Clinton". Mẹ cô thậm chí không hiểu được câu hỏi, tất nhiên bà không hiểu. Bà bao giờ cũng phụ thuộc vào Ruth để hiểu người khác muốn nói gì với bà, cho bà biết cái người ta nói từ một góc độ khác. "Trật tự ngược" có nghĩa là nói "ngược lại trước", cô phải bảo mẹ cô thế. Nếu bác sĩ Huy có thể hỏi một câu tương tự bằng tiếng Quan Thoại, sẽ chẳng có vấn đề gì khó khăn đối với bà Lưu Linh. "Ông tổng thống này, ông tổng thống kia" mẹ cô nói mà không hề do dự "chẳng có gì khác nhau cả, chỉ toàn nói láo. Không phải đóng thuế trước bầu cử, nhưng thực ra, còn phải đóng nhiều hơn. Không có tội ác trước bầu cử, sau đó lại nhiều hơn. Mà bao giờ cũng cắt phúc lợi. Tôi đến đất nước này, mà không được hưởng phúc lợi. Có gì là công bằng? Không công bằng chút nào. Chỉ làm người ta lười lao động!"
Nhiều câu hỏi quái dị tiếp theo.
"Bà biết ngày hôm nay là ngày gì không?"
"Thứ Hai" Các đơn vị thời gian đối với bà là giống nhau.
"Sáu tháng về trước là ngày mấy?"
"Cũng thứ Hai." Khi bạn không nghĩ về điều đó thì bà đúng.
"Bà có mấy cháu nội ngoại rồi?"
"Không biết. Nó còn chưa cưới". Ông bác sĩ không hiểu là bà đang đùa! Bà Lưu Linh giống một ứng viên thua cuộc trong chương trình Jeopardy. Toàn bộ điểm cho bà Lưu Linh Young trong năm phút là một trăm điểm. Và bây giờ cho cuộc thi Jeopardy cuối cùng của chúng ta! Vòng tròn…
"Con gái bà bao nhiêu tuổi?"
Bà Lưu Linh ngần ngừ. "Bốn mươi, có thể là bốn mươi mốt…" Với mẹ cô Ruth bao giờ cũng trẻ hơn tuổi thật.
"Cô ấy sinh năm nào?"
"Cùng năm với tôi. Con rồng". Bà nhìn Ruth chờ một lời xác nhận. Mẹ cô sinh năm Dậu.
"Tháng mấy?" Bác sĩ Huy lại hỏi.
"Tháng mấy?" Bà Lưu Linh hỏi lại Ruth, cô nhún vai vô vọng, "Mẹ tôi không biết".
"Năm nay là năm nào?"
"Chín mươi chín!" bà nhìn bác sĩ như thể ông ta là một tên đại ngốc mới không biết điều đó. Ruth cũng thấy nhẹ cả người khi mẹ cô ít nhất cũng trả lời đúng được một câu hỏi.
"Bà Young, bà có thể đợi ở đây trong lúc con gái bà và tôi ra ngoài thảo luận về kỳ khám bệnh lần tới được không?"
"Chắc rồi. Tôi không đi đâu đâu".
Khi bác sĩ Huy ra đến cửa ông dừng lại "Và cảm ơn bà đã trả lời tất cả các câu hỏi. Tôi chắc rằng bà phải cảm thấy như là bà ở bục nhân chứng".
"Giống như OJ[1]".
Bác sĩ Huy cười "Tôi đoán ai cũng coi vụ án này trên tivi".
Bà Lưu Linh lắc đầu "Ồ không, không chỉ xem TV, tôi ở đó khi mọi chuyện xảy ra. Hắn ta giết vợ và người bạn đã mang kính đến cho cô ta. Tôi chứng kiến hết".
Trái tim trong lồng ngực Ruth nhảy lồng lên "Mẹ đọc bản tường thuật" cô nói để cho bác sĩ Huy hiểu rõ hơn "một bản dự đoán những gì có thể xảy ra, và việc này cũng giống như quan sát những chuyện thật phải không ạ? Có phải mẹ muốn nói thế không ạ?" Bà Lưu Linh xua tay, gạt đi câu hỏi ngớ ngẩn ấy "Có thể con chỉ đọc báo. Còn mẹ thì chứng kiến tận mắt". Bà đưa tay biểu diễn những gì mình thấy "Hắn ta chộp lấy cô ấy như thế này, rồi cắt cổ ở đây – thật sâu, quá trời máu. Kinh lắm."
Bác sĩ hỏi "Vậy những ngày ấy bà ở Los Angeles?". Bà Lưu Linh gật đầu.
Ruth cảm thấy bị đánh tơi tả bởi cái gọi là logic.
"Con không nhớ là có bao giờ mẹ đi Los Angeles".
"Đi thế nào mẹ cũng không nhớ. Nhưng mẹ đã ở đấy. Sự thật là thế. Mẹ đi theo cái người đàn ông này, ỗ, ông ta lẩn như trạch. O.J. Trốn trong bụi. Sau đó mẹ cũng đi đến nhà ông ta. Quan sát hắn mang bao tay, đột nhập vào vườn, quay lại nhà thay quần áo…" Bà Lưu Linh giật mình, mắc cỡ. "Phải, ông ta thay đồ, tất nhiên là mẹ không nhìn, quay mặt đi. Sau đó hắn ta chạy ra sân bay, suýt nữa thì trễ, nhảy lên máy bay. Mẹ chứng kiến từ đầu đến cuối".
"Mẹ chứng kiến điều này mà không nói cho ai biết à?"
"Mẹ sợ quá!"
"Vụ giết người này hẳn là một điều kinh khủng nhất mà bà đã chứng kiến" bác sĩ nói.
Bà Lưu Linh gật đầu một cách quả cảm.
"Cám ơn bà đã chia xẻ điều đó. Còn bây giờ cảm phiền bà đợi ở đây ít phút, con gái bà và tôi chỉ sang phòng bên cạnh sắp đặt cuộc khám bệnh lần tới".
"Chẳng gấp gáp gì".
Ruth theo ông bác sĩ sang phòng bên cạnh. "Chị đã phát hiện ra sự lẫn lộn của mẹ chị từ bao giờ vậy?" Bác sĩ đi ngay vào việc.
Ruth thở dài "Sáu tháng trước hoặc lâu hơn bà bắt đầu lẫn. Nhưng hôm nay thì bà nhầm lẫn tệ hại hơn mọi khi. Trừ điều cuối cùng bà vừa nói thì bà cũng chưa bao giờ là người kỳ quặc hoặc hay quên. Có vẻ như chỉ là bệnh lẫn và trong nhiều trường hợp là do mẹ tôi nói tiếng Anh không được tốt, như ông có thể nhận thấy. Câu chuyện về O.J.Simpson – ông biết đấy, đó có thể là một vấn đề ngôn ngữ. Bà ấy chưa bao giờ có khả năng diễn đạt tốt…" "Đối với tôi có vẻ tương đối rõ ràng là bà ấy nghĩ rằng bà ấy đã ở đấy" Bác sĩ nói một cách ân cần. Ruth nhìn đi chỗ khác.
"Chị nói với cô y tá rằng bà đã bị đụng xe. Có bị chấn thương ở đầu không?"
"Mẹ tôi đập đầu vào tay lái" Bất chợt Ruth hy vọng rằng điều này chính là miếng hình bị mất trong trò chơi ghép hình.
"Tính cách của bà có gì thay đổi không? Bà ấy có tuyệt vọng hoặc thích tranh cãi không?" Ruth cố nghĩ xem phải trả lời như thế nào cho phải. "Mẹ tôi bao giờ cũng thích tranh cãi, suốt đời là như thế. Bà lại nóng tính kinh khủng. Kể từ khi tôi biết nhận xét thì bà lúc nào cũng bất đắc ý. Chồng bà, cha của tôi chết 44 năm về trước, bị đụng xe. Mẹ tôi không thể chấp nhận được điều này. Có thể là sự tuyệt vọng càng ngày càng tệ hơn, nhưng tôi đã quen và là người cuối cùng nhận ra điều đó. Còn về sự rối trí của bà, tôi không biết có phải là do chấn thương sọ não trong tai nạn xe vừa rồi hay là có thể bà bị một cơn tai biến nhẹ" Ruth cố nhớ đúng tên y tế của căn bệnh này. "Bác sĩ biết đấy, TIA – Temporary Instant Amnesia – hội chứng mất trí nhớ tạm thời".
"cho đến lúc này tôi chưa thấy có bằng chứng gì về chuyện đó. Phản ứng vận động của bà ấy rất tốt. Huyết áp thì quá tuyệt. Nhưng chúng ta cần làm thêm một số xét nghiệm, cũng để chắc thêm rằng bà ấy không bị bệnh tiểu đường hoặc thiếu máu, ví dụ vậy".
"Những căn bệnh này có thể gây ra những vấn đề như vậy ư?"
"Có thể, cũng như là bệnh Alzheimer và các dạng khác của bệnh tâm thần".
Ruth cảm thấy ruột mình đau thắt lại. Mẹ cô không thể ở trong tình trạng tồi tệ như vậy được. Ông ta đang nói về một chứng bệnh chết người đáng sợ. Tạ ơn Chúa là cô còn chưa nói với bác sĩ về những điều khác mà cô đã kê ra, cuộc cãi vã của mẹ cô với Francine về tiên thuê nhà, mười triệu đô la thắng cuộc từ những tờ các cược ở các tạp chí, việc bà quên bẵng rằng Phú Phú đã chết. "Thế thì thật là tuyệt vọng", Ruth nói.
"Chẳng hề có quy luật trong chuyện này".
"Nếu vậy, ông sẽ bảo mẹ tôi là để chống lo âu trầm cảm bà sẽ dùng sâm hoặc là thuốc viên pochai chứ?" Bác sĩ Huy cười "Thiếu thiện cảm với tây y là rất phổ biến trong những bệnh nhân lớn tuổi ở đây. Khi họ cảm thấy khá hơn, họ thôi dùng thuốc tây ngay lập tức để tiết kiệm tiền". Ông đưa cho Ruth một tờ khai "Đưa cái này cho Lorraine ở bàn vi tính góc ngoài kia. Chuẩn bị lịch khám cho mẹ chị ở viện Tâm thần học và thần kinh, một tháng nữa quay lại chỗ tôi".
"Vào khoảng rằm tháng Tám".
Ông bác sĩ nhìn lên. "Vậy hả? Tôi không thể nhớ ngày âm lịch".
"Tôi chỉ nhớ bởi vì tôi sẽ tổ chức bữa tiệc đoàn viên của gia đình hàng năm vào dịp này".
Buổi tối hôm ấy, khi Ruth hấp những con tôm biển, cô nói với Art như vừa bất chợt nhớ ra "Em đưa mẹ đi khám bác sĩ ngày hôm nay. Bà có thể bị chứng trầm cảm". Thế là Art nói luôn "Thì có gì là mới nào?"
Trong bữa ăn tôi, bà Lưu Linh ngồi cạnh Ruth "Mặn quá" bà nói bằng tiếng Hoa, thọc đũa vào phần cá của bà. Rồi bà nói thêm "Bảo những đứa con gái này ăn hết phần cá của chúng. Không được đổ thức ăn đi".
"Fia, Dory, tại sao các con không ăn?"
"Con no lắm" Dory trả lời "Chúng con dừng lại ở Burger King ở Presidio và chén hết một bịch snack trước khi về nhà".
"Con không nên để chúng nó ăn những thứ này!" Bà Lưu Linh kêu oai oái bằng tiếng Quan Thoại "Bảo chúng là con không cho phép điều này xảy ra nữa".
"Các con, dì muốn các con không làm hỏng khẩu vị của các con bằng những món như thế".
"Và con muốn hai người thôi nói chuyện bằng tiếng Hoa như là gián điệp ấy" Fia nói. "Như thế là bất lịch sự lắm".
Bà Lưu Linh trừng mắt nhìn Ruth, cô liếc nhìn Art nhưng anh lại nhìn xuống đĩa thức ăn của mình. "Bà nói tiếng hoa" Ruth nói "bởi vì đó là thứ ngôn ngữ bà quen dùng", Ruth đã bảo chúng gọi bà Lưu Linh là Waipo, một từ tiếng Hoa trang trọng để gọi "bà ngoại", và ít nhất thì chúng cũng đã gọi thế nhưng sau đó chúng nghĩ đó chỉ là biệt hiệu.
"Bà ấy cũng nói được tiếng Anh mà" Dory nói.
"Chậc," bà Lưu Linh làu bàu với Ruth. "Tại sao cha chúng không la rầy mấy đứa này? Anh ấy phải bảo chúng nghe lời con chứ? Tại sao anh ấy không quan tâm đến con nhiều hơn? Chẳng lạ gì là nó không chịu cưới con. Chẳng tôn trọng con chút nào. Nói điều gì với nó đi. Tại sao con không bảo nó đối xử với con tử tế hơn?" Ruth ước gì lại có thể trở nên câm lặng. Cô muốn la lên bảo mẹ cô đừng có than phiền về những điều cô không thể thay đổi được nữa. Tuy vậy cô cũng muốn bảo vệ bà trước bọn trẻ, đặc biệt là bây giờ khi có điều gì không ổn đối với bà. Bà Lưu Linh có vẻ ngoài rất cứng rắn nhưng thực ra bà rất mỏng manh, sao bọn con gái không hiểu điều đó và cư xử ngoan ngoãn hơn?
Ruth nhớ lại cô đã cảm thấy như thế nào khi cô ở vào tuổi chúng. Cô cũng rất bất bình khi bà Lưu Linh nói tiếng Hoa trước mặt người khác, biết rằng họ không thể hiểu được những nhận xét không có thiện chí của bà. "Nhìn bà kia béo chưa kìa" bà Lưu Linh có thể nói như thế, hoặc là "Luyi, hãy yêu cầu người đàn ông kia trả cho chúng ta một cái giá hời hơn". Nếu Ruth vâng lời cô sẽ cảm thấy nhục nhã. Còn nếu cô không nghe lời mẹ, như bây giờ cô có thể nhớ lại, thì hậu quả kinh khủng sẽ xảy ra ngay sau đó.
Bằng việc dùng tiếng Hoa, bà Lưu Linh có thể đặt tất cả các kiểu khôn ngoan vào đầu óc Ruth. Bà có thể làm cho cô tránh khỏi hiểm nguy, bệnh tật và cái chết. "Đừng chơi với nó, quá nhiều vi trùng đấy," một hôm bà Lưu Linh bảo cô bé Ruth 6 tuổi, làm hiệu về phía đứa bé gái ở bên kia đường. Bé gái này tên là Teresa có hai cái răng cửa bị sứt, một cái sẹo ở đầu gối, và chiếc váy lấm lem dấu tay. "Mẹ nhìn thấy nó nhặt một cái kẹo ăn dở ở vỉa hè rồi bỏ tọt vào mồm. Hãy nhìn cái mũi nó coi, bệnh tật đổ ra ở tất cả chỗ này".
Ruth thích Teresa lắm. Nó hay cười và bao giờ cũng bỏ trong túi nó những gì mà nó tìm thấy, những quả bóng giấy, miếng đá cẩm thạch bể, cuống hoa. Ruth mới vào học ở một trường mới, Teresa là đứa con gái duy nhất chơi với nó. Cả hai đứa đều chẳng có gì là nổi bật cả.
"Con có nghe lời mẹ không?"
"Có ạ". Ruth đáp.
Ngày hôm sau Ruth đứng chơi trên sân trường. Mẹ cô đứng ở đầu sân bên kia, giám sát những đứa trẻ con khác. Ruth trèo lên cầu trượt hối hả tuột theo thanh xoắn màu bạc xuống nền cát lạnh, sẫm màu. Cô đã làm như thế với Teresa hàng chục lần mà mẹ cô không nhìn thấy.
Nhưng lần này một giọng nói quen thuộc vang lên, to và the thé, âm vang suốt chiều dài sân chơi "Không, Luyi, có thôi đi ngay không. Mày muốn người mày gãy làm đôi hả?"
Ruth đang đứng trên đỉnh cầu trượt, cứng người lại vì xấu hổ. Mẹ cô là người giám sát nhiễu sự nhất ở vườn trẻ trong khi Ruth là đứa bé mới tập tễnh vào nhà trẻ. Một vài đứa bé lớp dưới cười ầm lên ở dưới sân "Mẹ màt đấy à?" Chúng kêu lên "Bà ta cục tác cái quái gì vậy?"
"Bà ấy không phải là mẹ tao!" Ruth hét lại. "Tao không biết bà ấy là ai!" Đôi mắt của mẹ cô dán chặt vào người cô. Mặc dù rõ ràng là bà đứng ở đầu kia sân chơi, bà nghe thấy hết, nhìn thấy hết. Bà có cặp mắt thần phía sau gáy.
Bà không thể cấm tôi, Ruth nghĩ một cách quyết liệt. Cô tung người xuống cầu trượt, đầu xuống trước, hai tay dang ra – một tư thế chỉ có những thằng con trai liều lĩnh nhất, bất trị nhất mới dám chơi – nhanh, thật nhanh, thật nhanh cho đến khi rơi xuống cát. Và lúc ấy cô bé cọ mặt vào cát đau đến nồi cô cắn chặt lấy môi, kết quả một cục u trên mũi, cặp kính gãy và tay cũng gãy. Cô bé nằm bất động. Cả thế giới bốc cháy, bắn lên trời những tia lửa đỏ rực.
"Con Ruth chết rồi!" một thằng con trai la lên.
Mấy đứa con gái thi nhau gào thét.
Tao chưa chết, Ruth cố gắng gào to nhưng cứ như là nói trong một giấc mơ vậy. Chẳng có gì đến môi theo cái cách cô muốn. Hay là cô đã chết thật rồi? Cảm giác như thế nào nhỉ, nhầy nhầy ở mũi, đau ở đầu và tay còn những cử động của cô chậm và nặng nề như của một con voi trong nước là làm sao? Chẳng bao lâu sau cô cảm thấy một bàn tay quen thuộc vuốt trên đầu và cổ cô. Mẹ cô đang bế cô lên, thì thào một cách âu yếm "Ái chà,sao con lại có thể ngu ngốc thế? Nhìn lại con coi".
Máu từ mũi cô trào ra, nhỏ xuống chiếc áo trắng phía trước ngực làm dơ chiếc cổ áo viền đăng ten rộng bản. Ruth nằm bất động trong lòng mẹ, nhìn lên mặt Teresa và những đứa trẻ khác. Cô nhìn thấy nỗi hốt hoảng và kinh sợ của chúng. Nếu cô có thể cử động được, cô sẽ mỉm cười. Cuối cùng thì chúng cũng đã quan tâm đến cô, đứa con gái mới vào trường học. Rồi sau đó cô bé nhìn thấy khuôn mặt người mẹ, nước mắt chảy ròng ròng trên má bà, rơi xuống mặt cô như những cái hôn ẩm ướt. Mẹ cô không giận dữ, mẹ cô chỉ lo lắng và tràn đầy tình thương. Và trong nỗi kinh ngạc của mình, Ruth quên cả đau đớn .
Sau đó cô bé Ruth nằm trên chiếc giường nhỏ trong bệnh xá. Mũi cô được cầm máu bằng một miếng gạc, chiếc môi bầm dập được lau sạch. Một khăn lạnh đắp trên trán, còn cánh tay gãy được nâng lên bằng một túi nước đá.
"Con bé có thể bị rạn xương tay" cô y tá bảo bà Lưu Linh "Dây chằng cũng có thể bị giãn. Sưng to lắm thế mà con bé không kêu la đau đớn".
"Nó ngoan lắm, chẳng bao giờ than phiền cả".
"Bà cần phải đưa cháu đến bác sĩ. Bà hiểu không? đến bác sĩ".
"Được, được, đến khám bác sĩ".
Khi bà Lưu Linh đưa con đi, một cô giáo nói "Nhìn xem cô bé mới can đảm làm sao! Thậm chí nó cũng không khóc nữa". Hai cô bé nổi tiếng trong trường gửi cho Ruth một nụ cười thán phục. Chúng vẫy tay. Teresa cũng ở đó, và Ruth tặng cô bé một nụ cười kín đáo, thoáng qua.
Trong chiếc xe hơi chở đến phòng khám bệnh, Ruth nhận thấy mẹ cô yên lặng một cách khác thường. Bà không rời mắt khỏi Ruth và cô chờ đợi những lời trách mắng nặng nề sẽ bật ra bất cứ lúc nào, Mẹ đã bảo con là cầu trượt rất nguy hiểm cơ mà. Tại sao con không nghe lời mẹ? Con có thể bị vỡ sọ làm đôi như một trái dưa hấu. Bây giờ thì mẹ sẽ phải làm việc thêm giờ để trả tiền thuốc men. Ruth chờ đợi điều đó nhưng mẹ cô chỉ thỉnh thoảng hỏi cô có đau không. Mỗi lần hỏi cô bé lại lắc đầu.
Khi bác sĩ kiểm tra cánh tay của Ruth, người mẹ hớp không khí giữa hai hàm răng trong nỗi đớn đau ghê gớm và rên rỉ "Ái da, xin cẩn thận, cẩn thận. Con bé đau lắm đấy!" Khi mọi việc đã xong xuôi, bà Lưu Linh nói một cách tự hào "Thầu cô giáo, học trò tất cả đều rất xúc động. Lootie không khóc, không than thở, chẳng có gì hết, chỉ im lặng".
Vào lúc họ về đến nhà thì nỗi kích động đã trôi qua, Ruth cảm thấy đau nhói ở tay và đầu. Cô bé cố không khóc. Bà Lưu Linh đặt con lên chiếc ghế bành bọc nhung và làm cho cô cảm thấy dễ chịu "Con có muốn mẹ nấu cháo tấm cho con ăn không? Thế nhé. Nó sẽ giúp con thấy khoẻ hơn. Con muốn ăn cà rốt muối cay không? Ăn một ít trong khi mẹ nấu ăn nhé?"
Ruth càng ít nói bao nhiêu thì mẹ cô càng cố đoán những điều cô có thể muốn bấy nhiêu. Trong khi cô nằm trên ghế dựa, cô nghe mẹ nói chuyện với dì Gal qua điện thoại.
"Nó suýt chết đấy. Làm tôi sợ muốn chết. Thật thế! Tôi không phóng đại đâu! Nó gần như bị cướp khỏi cuộc đời này trên con đường của nó tới suối vàng…Tôi suýt cắn gãy cả răng khi chứng kiến nó đau đớn như thế nào…Không, không một giọt nước mắt, nó thừa hưởng sức mạnh của bà ngoại nó. Phải nó sẽ ăn một chút gì bây giờ. Nó không thể nói được, và thoạt tiên tôi nghĩ nó đã cắn vào lưỡi, nhưng bây giờ tôi biết chỉ vì nó sợ. Đến thăm nó bây giờ ư? Được, được, nhưng bảo mấy đứa con cô phải cẩn thận. Tôi không muốn cánh tay nó gãy rời ra".
Họ đến mang theo nhiều quà. Dì Gal mua cho nó một lọ nước hoa. Dượng Eđmun cho Ruth một cây bàn chải đánh răng mới và một chiếc ly nhựa đồng bộ với bàn chải. Em họ Ruth thì cho những cuốn sách màu, bút chì và một con chó nhồi bông. Bà Lưu Linh đẩy cái tivi lại gần ghế bành của Ruth vì nó khó có thể xem tivi mà không có kính.
"Đau lắm không?" cô em họ Sally ít tuổi hơn, hỏi. Ruth nhún vai, dù rằng cánh tay của nó vẫn đau kinh khủng.
"Ôi trời, con muốn có cái gì để quăng ném chơi" Billy nói. Nó cùng tuổi với Ruth "Ba à, con có thể có một cái không?"
"Đừng nói những chuyện xui xẻo như vậy" dì Gal răn đe.
Khi Billy cố gắng đổi sang kênh truyền hình khác, dượng Edmund nghiêm khắc ra lệnh cho nó quay lại chương trình mà Ruth đang xem. Cô chưa bao giờ nghe dương dùng những lời cứng rắn với những đứa em họ cô. Billy là một cậu ấm được cưng chiều đặc biệt.
"Tại sao chị không nói gì?" Sally hỏi, "có phải chị cũng bị vỡ miệng không?"
"Phải," Billy nói "Có phải cú nhào lộn làm cho mày trở nên đần độn hay một thứ
gì đại loại như thế không?"
"Billy, không chọc chị ấy nữa," dì Gal can thiệp. "chị ấy đang nghỉ ngơi. Chị ấy đau đến không thể mở miệng ra nói được".
Ruth tự hỏi không biết điều đó có đúng không. Cô nghĩ đến chuyện phát ra một âm thanh khe khẽ thật khĩe để thậm chí không ai có thể nghe thấy được. Nhưng nếu cô làm thế thì tất cả những gì tốt đẹp đang xảy ra có thể biến mất. Họ sẽ cho là ổn và mọi việc lại trở lại như thường ngày. Mẹ cô sẽ lại bắt đầu rầy la cô vì tội đểnh đoảng và không nghe lời.
Hai ngày sau tai nạn trên, Ruth hoàn toàn vô dụng, mẹ cô phải bón cho cô ăn, mặc quần áo và tắm táp cho cô. Bà Lưu Linh bảo con gái "Há miệng ra. Ăn một chút đi. Đặt tay lên đây. Cố giữ đầu cho thẳng trong lúc mẹ chải tóc cho con". Thật là cảm giác dễ chịu tuyệt vời khi lại trở lại làm một đứa bé, được yêu chiều và chẳng có lỗi gì cả.
Quay lại trường học, Ruth nhìn thấy một tấm biểu ngữ lớn treo ngay trước cửa lớp "Chào mừng Ruth đã đi học lại!" Cô giáo Sondegard thông báo rằng tất cả bọn con trai và con gái trong lớp đều góp một tay làm ra tấm biểu ngữ đó. Cô để cho cả lớp vỗ tay hoan hô sự dũng cảm của Ruth, trong khi cô bé chỉ cười ngượng nghịu. Trái tim cô muốn nổ tung trong lồng ngực. Cô chưa bao giờ cảm thấy tự hào sung sướng như vậy. Cô ước gì cô gãy tay trước đó từ lâu.
Trong bữa trưa, bọn con gái tranh nhau tặng cô những món đồ trang sức chỉ có trong giấc mộng và chăm sóc cô như những cô hầu gái đầy kiên nhẫn. Cô được mời mọc bước vào "lâu đài bí mật", một khu vực được đánh dấu biên giới bằng một hòn đá gần một gốc cây ở cạnh hố cát. Chỉ có những cô gái nổi tiếng nhất mất có thể trở thành các nàng công chúa. Những nàng công chúa này bây giờ quay ra săn sóc cái tay bó bột của Ruth. Một cô bé hỏi với vẻ quan tâm "Nó vẫn còn gãy à?" Ruth gật đầu, một cô bé khác thì thầm thật to "Hãy mang cho bạn ấy những liều tiên dược", Các cô công chúa chạy nháo nhào đi tìm những nắp lọ, chai bể và những nụ hoa thiên thần.
Chiều ngày hôm ấy khi mẹ Ruth đến lớp để đón con gái, cô giáo dắt tay bà Lưu Linh ra một chỗ, và Ruth làm như cô không nghe thấy gì hết.
"Tôi nghĩ con bé hơi mệt, một điều tự nhiên. Nhưng tôi có hơi băn khoăn một chút khi thấy nó có vẻ lặng lẽ khác thường. Nó thậm chí không nói một lời, không cả một tiếng xuýt xoa".
"Nó không bao giờ than vãn," bà Lưu Linh đồng ý.
"Có thể đó không phải là một vấn đề, nhưng chúng ta cần để ý nếu điều đó tiếp tục xảy ra".
"Chẳng có vấn đề gì" bà Lưu Linh an ủi cô giáo "Nó không có vấn đề gì đâu".
"Tôi phải khuyến khích cháu nói chuyện, bà Young ạ. Tôi không muốn chuyện này trở nên rắc rối hơn".
"Không có vấn đề gì đâu" bà Lưu Linh lập lại.
"Để cho cháu nói từ 'hamburger' trước khi cho nó ăn một miếng bánh. Để cho cháu nói từ 'kéo trước khi nó ăn một cái kẹo".
Đêm ấy bà Lưu Linh làm theo lời khuyên của cô giáo theo nghĩa đen, bà cho Ruth ăn hamburger, một điều mà bà chưa từng làm trước đó. Bà Lưu Linh không bao giờ nấu hoặc ăn bất cứ một loại thịt bò nào. Tuy vậy giờ đây vì quyền lợi của con gái, bà đã đặt một chiếc bánh đơn giản trước mặt Ruth, người đang mê mẩn nhìn bà mẹ đã thực sự làm một món ăn Mỹ.
"Hambugga? Con nói "hambugga", rồi hãy ăn".
Ruth định nói, nhưng cô bé lại sợ sẽ làm hỏng mất phép màu. Chỉ một từ thôi và tất cả những điêu tốt đẹp trong đời cô sẽ biến mất. Cô lắc đầu. Bà Lưu Linh khuyến khích cô nói cho đến khi dòng suối chất béo trong chiếc bánh hamburger chảy ra tạo thành một cái ao trắng đục rất xấu xí. Bà bỏ chiếc bánh vào tủ lạnh rồi bón cho Ruth một tô cháo nóng hổi, một món ăn mà bà bảo dù sao cũng còn tốt cho sức khoẻ của cô. Sau bữa tối, bà Lưu Linh dọn dẹp bàn ăn rồi bắt đầu làm việc. Bà lấy ra một thỏi mực, bút lông và một cuộn giấy. Với những đường nét khoáng đạt và hoàn hảo, bà viết những mẫu tự tiếng Hoa thật lớn "Nghỉ làm. Kéo dài vài ngày. Nghênh tiếp!" Bà để tấm biển sang một bên cho khô, rồi cắt một băng giấy dài mới.
Lúc ấy Ruth đang nằm xem tivi, một lát cô nhận thấy mẹ cô đang nhìn cô. "Tại sao con không học bài?" bà Lưu Linh hỏi. Bà đã bắt Ruth học đọc và tập viết từ khi đi mẫu giáo, để giúp cô trở thành một đứa trẻ "học giỏi hơn những đứa trẻ khác một bậc".
Ruth chỉ vào cánh tay phải bị bó bột.
"Lại đây ngồi" bà Lưu Linh nói bằng tiếng Hoa.
Ruth từ từ đứng dậy. – Ôi chao, mẹ cô lại trở lại là con người hàng ngày rồi.
"Nào cầm lấy, bà Lưu Linh đặt cái bút lông vào tay trái của Ruth. "Viết tên con đi". Cố gắng đầu tiên của Ruth rất vụng về, chữ Ruth gần như không thể nhận ra được, cái lứng gù của chữ R lăn ra khỏi tờ giấy như một chiếc xe đạp vượt khỏi vòng kiểm soát. Cô bật cười khúc khích.
"Cầm chiếc bút thẳng lên", mẹ cô hướng dẫn, "đừng cầm nghiêng như thế. Chỉ đưa nhẹ một cái, như thế này này". Cố gắng thứ hai có kết quả hơn, nhưng chúng cũng chiếm hết chiều dài của tờ giấy.
"Bây giờ thì cố gắng viết nhỏ hơn". Những con chữ lần này trông giống những vết dơ do một con ruồi tẩm đầy mực lên mình xoay cái lưng của nó. Cuối cùng khi đến giờ đi ngủ, bài tập viết đã ngốn mất gần 20 trang giấy cả mặt trước lẫn mặt sau. Đó là dấu hiệu của thành công cũng như của sự hoang phí. Bà Lưu Linh không bao giờ lãng phí cái gì. Bà thu thập giấy dùng rồi, đóng chúng lại và để ở góc phòng. Ruth biết rằng sau này cô sẽ dùng đến chúng, những tờ giấy để cô luyện viết chữ đẹp, cũng như là giấy thấm khi quá mực và những tấm lót tay trong khi nấu ăn.
Tối hôm sau, bà Lưu Linh đặt trước mặt Ruth một khay trà lớn đựng đầy cát ướt mịn từ sân chơi trong trường cô. "Đây" bà nói "Khi con tập viết, con sẽ dùng đến". Bà cầm một chiếc đũa trong tay trái, đoạn vạch những chữ phải học trên mặt cát ướt. Khi viết xong, bà xoá lên cát sạch và mịn bằng đầu kia chiếc đũa. Ruth làm theo, thấy rằng viết chữ như thế này dễ hơn và cũng vui. Phương pháp cát – đũa không yêu cầu sự khéo tay và những cử động tinh tế của chiếc cọ. Cô có thể áp dụng một lực đều đặn. Cô viết tên mình. Rất gọn! Cũng giống như trò chơi ghép chữ Etch-A-Etch mà cậu em họ Billy đã nhận được lễ Giáng Sinh năm ngoái.
Bà Lưu Linh đi đến chỗ tủ lạnh mang ra chiếc bánh nhân thịt bò đã lạnh cứng "Ngày mai con có muốn ăn cái này không?"
Ruth nguệch ngoạc một chữ: BURGR.
Bà Lưu Linh mỉm cười "Hà hà! Bây giờ con có thể nói chuyện bằng cách này!"
Ngày hôm sau bà Lưu Linh mang một khay đựng trà đến trường đổ đầy cát trong sân trường, ở đúng cái chỗ mà Ruth ngã gãy tay, vào khay. Cô giáo Sondegard đồng ý để cho Ruth trả lời câu hỏi của cô theo cách này. Vậy nên khi Ruth giơ tay trong giờ học và viết con số 7 lên cát, tất cả những đứa trẻ trong lớp nhảy ra khỏi ghế ngồi chạy đến xem. Thế là Ruth trở nên rất nổi tiếng. Cô nghe bạn bè nhốn nháo chung quanh. "Cho mình thử một chút!"
"Mình, mình! Bạn ấy bảo mình có thể thử mà!" "Bạn phải dùng tay trái, nếu không sẽ phạm luật!" "Ruth, cậu chỉ cho Tommy làm đi. Nó lóng ngóng quá".
Bạn bè đưa trả cái đũa lại cho Ruth. Ruth dễ dàng viết thật nhanh những câu trả lời bè bạn: Tay bạn còn đau không? Chút xíu thôi. Tôi có thể chạm vào cái nẹp trên tay bạn không? Được. Rocky có yêu Betsy không? Có. Tôi có được cái xe đạp mới trong dịp sinh nhật không? Có.
Chúng bạn đối xử với cô như thể cô là Helen Keller, một thiên tài không để cho vết thương của cô cản trở việc cô chứng tỏ mình thông minh như thế nào. Giống như Helen Keller, cô chỉ việc đơn giản là học hành chăm chỉ hơn và có thể điều này sẽ khiến cô thông minh hơn, giàu nghị lực hơn và được nhiều người hâm mộ. Thậm chí ngay ở nhà, mẹ cô cũng hỏi ý kiến cô. "Con nghĩ gì?" cứ như là cô biết hết bởi vì cô phải viết câu trả lời cho câu hỏi của bà trên cát.
"Cái món sữa đậu đông ăn thế nào con?" một đêm bà Lưu Linh hỏi. Còn Ruth thì nhấm nhẳn: mặn quá. Cô chưa bao giờ nói một nhận xét chê bai như thế về tài nấu nướng của mẹ cô trước đó, nhưng đó là điều mà mẹ cô bao giờ cũng tự phê về món ăn bà nấu.
"Mẹ cũng nghĩ thế" mẹ cô trả lời.
Thật là một việc vô tiền khoáng hậu. Rồi đây mẹ cô sẽ hỏi ý kiến cô về mọi chuyện trên đời.
"Chúng ta sẽ đi mua đồ sau bữa tối hay muộn hơn hả con?" Muộn hơn.
"Con nghĩ gì về thị trường chứng khoán? Nếu mẹ đầu tư vào đấy con có nghĩ mẹ có cơ may nào không?" May mắn.
"Con thích cái áo đầm này không?" Không, xí lắm.
Ruth chưa bao giờ trải qua cái cảm nhận vê quyền lực của từ ngữ.
Mẹ cô chau mày rồi lẩm bẩm bằng tiếng Quan Thoại
"Cha con thích chiếc áo cũ này lắm, vậy nên bây giờ mẹ không thể vứt bỏ nó được". Bà trở nên bí ẩn. Bà thở dài, sau đó nói bằng tiếng Anh "Con nghĩ cha con nhớ mẹ không?"
Ruth viết từ Có ngay lập tức. Khuôn mặt mẹ cô sáng bừng lên. Và rồi Ruth nảy ra một ý. Cô bao giờ cũng ước có một con chó. Bây giờ là lúc yêu cầu có một con. Cô viết lên cát: Chó con.
Mẹ cô há miệng thật lớn, nhìn chằm chằm vào chữ chó con viết trên cát, lắc đầu không tin. Ồ thế là hết, Ruth nghĩ rằng ước muốn này không bao giờ thành hiện thực. Nhưng lúc đó mẹ cô bắt đầu sụt sịt bằng tiếng Hoa "Cún con – cún con" Bà nhảy lên, ngực nhấp nhô.
"Dì Báu" bà Lưu Linh khóc, "dì đã quay lại. Con là đứa con của dì đây. Dì có tha thứ cho con không?"
Ruth đặt cái đũa xuống.
Bà Lưu Linh vẫn còn thổn thức "Dì Báu, ôi dì Báu! Con ước sao dì không bao giờ chết! Tất cả là do lỗi của con. Nếu con có thể thay đổi số phận, con thà tự sát còn hơn là chịu đau khổ vì không có dì…"
Ồ không. Ruth biết đó là cái gì. Mẹ cô thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với hồn ma của dì Báu sống vất vưởng đâu đó trong không khí, một thiếu phụ không bao giờ cư xử bình thường, một người bị tổn thương sống ở đầu kia thế giới. Đó là nơi tất cả những người xấu phải đến: một cái ghế không đáy nơi không ai có thể tìm ra họ, nơi họ sẽ bị kẹt lại, nơi họ đi lang thang tóc tai rủ xuống tận chân, ướt mèm và đầy máu.
"Hãy nói cho con biết dì không giận con nhé" mẹ cô tiếp tục. "Hãy cho con một dấu hiệu. Con đã cố nói với dì là con ân hận như thế nào, nhưng con không biết dì có nghe con không. Dì có thể nghe con không? Dì sang đến Mỹ khi nào vậy?"
Ruth vẫ ngồi im, không có khả năng cử động. Cô muốn nói chuyện về thức ăn và quần áo.
Mẹ cô lại đặt cái đũa vào tya con gái. "Này con làm như thế này nhé. Nhắm mắt lại, ngẩng đầu về phía trời cao và nói chuyện với bà. Đợi câu trả lời của bà rồi viết ra. Nhanh lên, nhắm mắt lại!"
Ruth nhắm mắt thật chặt. Cô nhìn thấy người phụ nữ tóc quấn quanh ngón chân.
Cô nghe mẹ cô lại nói bằng thứ tiếng Hoa thật trang trọng "Dì Báu ơi con không muốn nói cái điều con đã nói trước khi dì ra đi. Sau khi dì biến mất, con đã cố đi tìm thi thể dì".
Đôi mắt của Ruth mở thật lớn. Trong trí tưởng tượng của cô con ma tóc dài đi dao trong những vòng tròn.
"Con đi xuống hẻm núi. Con tìm, tìm mãi. Ôi con phát điên vì đau khổ. Nếu như con tìm ra dì con sẽ mang xương của dì vào hang và chôn cất dì chu đáo".
Ruth cảm thấy có cái gì chạm vào vai cô, và cô nhảy dựng lên. "Hỏi bà xem có hiểu tất cả những điều mà mẹ nói không". Bà Lưu Linh ra lệnh "Hỏi bà xem liệu vận may của mẹ có thay đổi không. Có phải lời nguyền đã qua rồi không? Chúng ta có an lành không? Viết câu trả lời ra cho mẹ".
Lời nguyền nào? bây giờ Ruth nhìn chằm chằm vào khay cát, hoang mang cho rằng khuôn mặt của người chết sẽ hiện lên trong một ao máu đào. Câu trả lời nào mẹ muốn nghe đây? Liệu câu trả lời 'đúng' có nghĩa là lời nguyền đã qua không? Hay lại có nghĩa là nó vẫn còn? Cô bé đặt cái đũa xuống mặt cát và không biết viết gì, cô vẽ hai đường thẳng song song. Cô vẽ thêm hai đường nữa và làm thành một hình vuông.
"Khẩu!" mẹ cô kêu lên, vẽ một hình vuông. "Đây là chữ chỉ cái miệng." Bà nhìn Ruth chăm chăm. "Con viết ra từ này mà thậm chí con không biết viết một chữ tiếng Hoa như thế nào! Con có cảm thấy dì Báu cầm tay con hướng dẫn không? Cảm giác ấy thế nào? Nói mẹ nghe đi!"
Ruth lắc đầu. Chuyện gì đang diễn ra đây? Cô muốn kêu lên nhưng không dám. Cô được coi là không có khả năng thốt lên lời.
"Dì Báu, con cám ơn dì đã giúp con gái con. Tha thứ cho con về việc nó chỉ nói được tiếng Anh. Thật là khó cho dì trong khi giao tiếp với nó như vậy. Nhưng bây giờ thì con biết là dì có thể nghe thấy con nói. Dì biết là con đang nói gì, rằng con ước gì con có thể lấy xương của dì mang về Chu Khẩu, đến hang Hàm Khỉ. Con sẽ không bao giờ quên đâu. Ngay khi con có thể quay về Trung Quốc con sẽ hoàn thành tâm nguyện của mình. Cám ơn dì đã nhắc nhở con".
Ruth ngạc nhiên về điều cô đã viết. Làm sao mà một hình vuông có thể nói nhiều như thế? Có phải có một hồn ma trong phòng? Có cái gì trong tay cô và trong cái đũa? Tại sao tay cô lại run rẩy?
"Bởi vì con không có cơ hội trở lại Trung Quốc trong một thời gian dài" bà Lưu Linh tiếp tục "con hy vọng dì sẽ tha thứ cho con. Xin dì hiểu rằng đời con chỉ còn đau khô từ khi dì từ bỏ con. Đó là lý do tại sao con xin dì lấy đi cuộc sống của con cứu lấy cuộc sống con gái con nếu như lời nguyền không thể thay đổi được. Con biết là tai nạn mới rồi của nó là một lời cảnh cáo."
Ruth đánh rơi chiếc đũa. Người đàn bà với mớ tóc đẫm máu muốn giết nó! Nếu điều đó là đúng thì cái ngày ở sân trường ấy nó đã suýt chết. Nó cũng đã nghĩ thế và điều đó là đúng.
Bà Lưu Linh nhặt chiếc đũa lên cố nhét vào tya nó. Nhưng Ruth đã nắm chặt tay lại, nó phủi cát trên khay đi. Mẹ nó lại gom lại và tiếp tục thổn thức những câu vô nghĩa "Con thật sung sướng khi cuối cùng dì đã tìm thấy con. Con đã đợi dì bao nhiêu năm qua. Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau. Hàng ngày dì có thể hướng dẫn con. Hàng ngày dì sẽ bảo con làm sao điều khiển cuộc đời con như là con phải làm". Bà Lưu Linh quay về phía Ruth. "Xin bà hãy đến đây hàng ngày". Ruth lắc đâu, cô bé cố trượt khỏi ghế. "Nói đi" bà Lưu Linh khăng khăng rồi đập vào cái bàn đặt khay cát. Và lúc đó Ruth chợt lấy lại giọng nói của mình "Không", nó nói to. "Con không thể".
"Ôi trời! Bây giờ con có thể nói lại được rồi" mẹ cô chuỷên sang tiếng Anh. "Dì Báu đã chữa cho con phải không?"
Ruth gật đầu.
"Có nghĩa là lời nguyền đã qua?"
"Vâng, nhưng bà nói bà sẽ trở lại sau. Và bà nói con cần phải nghỉ ngơi".
"Bà tha thứ cho mẹ. Bà…"
"Bà nói mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Mọi thứ. Phải. Mẹ không cần phải lo lắng nữa".
Mẹ cô thổn thức hồi lâu vì cảm giác được giải thoát.
Trong lúc lái xe chở mẹ cô về nhà sau bữa tối, Ruth tự hỏi về những lo lắng mà cô đã có từ ngày còn bé. Nhưng điều này chẳng là gì so với những cái mà bọn trẻ ngày nay đang phải trải qua. Một người mẹ bất hạnh ư? Đó là một mẩu bánh đặt cạnh những khẩu súng và những tên cướp, là bệnh lây lan qua đường tình dục, đó là chưa kể đến những thứ mà các bậc cha mẹ buộc phải quan tâm: lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng internet, thuốc gây nghiện cực mạnh như ectasy, bạo hành trong học đường, nạn biếng ăn, việc tự làm tổn thương, thủng tầng ozon, siêu vi khuẩn…Ruth đếm những điều này một cách tự động trên các đầu ngón tay và chuyện này nhắc cô là cô còn có một nhiệm vụ nữa trong ngày hôm nay, gọi điện thoại cho Miriam đề nghị cho bọn con gái tham dự bữa tiệc đoàn viên. Cô nhìn đồng hồ trên tay. Đã gần 9 giờ tối, không phải lúc thích hợp gọi cho một người không phải là bạn thân.
Đúng là cô và Miriam bị ràng buộc với nhau bởi những mối dây gần gũi nhất, những đứa con gái và cha chúng. Tuy vậy họ đối xử với nhau theo kiểu lịch sự của những người xa lạ. Cô vẫn thường tới gặp Miriam để trao đổi về những chuyện liên quan đến mấy đứa con gái, gặp nhau nhân dịp những sự kiện thể thao trong trường và một lần cô đã gặp Miriam trong phòng cấp cứu nơi Ruth đã mang Dory đến khi nó bị bể mắt cá chân. Cô và Miriam nói chuyện chút đỉnh về những căn bệnh thời đại, thời tiết xấu và nạn kẹt xe. Nếu như không tại hoàn cảnh, họ có thể đã thích làm bạn với nhau. Miriam thông minh, vui tính và có những ý kiến rất riêng, và Ruth thấy phiền lòng khi Miriam đưa ra những ngụ ý về sự thân mật mà cô đã có với Art khi họ còn chung sống với nhau: khoảng tgin vui thú họ có với nhau trong chuyến đi Italy, một nốt ruồi trên lưng Art phải kiểm tra lại xem có phải bệnh ung thư không, rồi việc anh thích được massage. Trong dịp sinh nhật năm ngoái của Art, Miriam đã tặng anh một phiếu massage hai khóa với nhân viên massage ưa thích nhất của cô, một món quà mà Ruth cảm thấy có vẻ thân mật không thích hợp. "Anh vẫn kiêm tra cái vết sau lưng hàng năm đấy chứ?" Miriam hỏi Art vào một dịp khác và Ruth giả vờ không nghe thấy, trong khi đó thì tưởng tượng họ như thế nào khi bên nhau lúc còn trẻ và đang yêu nhau say đắm, và cô vợ cũ bây giờ vẫn quan tâm đủ sâu sắc để nhận thấy một sự thay đổi nhỏ về kích thước của cái nốt ruồi này. Cô hình dung họ sống nhàn tản trong một biệt thự Tuscan với cửa sổ phòng ngủ trông xuống những ngọn đồi uốn lượn trồng hoa quả, cười cợt và gọi tên mỗi nốt ruồi trên lưng hai người như thể chúng là những vì tinh tú. Cô có thể nhìn thấy điều này: hai người xoa dầu olive vào bắp chân cho nhau với những động tác xoa bóp dài mơn trớn. Một lần Art đã cố làm điều này với Ruth và cô hình dung rằng anh ta phải học được những thao tác này từ một người khác.
Mỗi khi anh cố gắng massage bắp vế của cô, anh chỉ làm cho cô cảm thấy căng thẳng. Trong khi được xoa bóp, cô không hề cảm thấy thư giãn mà lại thấy nhột nhạt, không thể kiềm chế được, rồi sau cảm thấy ngạt thở, hoảng loạn đến mức muốn nhảy lên, bỏ chạy.
Cô không bao giờ nói với Art về phản ứng âm tính này của cô, chỉ nói rằng với cô massage là một cái trò chỉ lãng phí thời giờ và tiền bạc. Mặc dù hết sức tò mò về cuộc sống tình dục của Art với Miriam và những phụ nữ khác, cô không bao giờ hỏi anh về những gì anh đã thực hiện trên giường với những người tình trước. Cả anh cũng không hỏi cô về điều đó. Nhưng việc Wendy ép buộc Joe phải kể cho vợ những chi tiết chính xác về những trò tiêu khiển trên giường và trên bãi biển cũng như là phải mô tả những xúc cảm chân thực của anh lần đầu tiên ngủ với vợ đã làm cho Ruth sửng sốt "Mà anh ấy kể cho cậu bất cứ điều gì cậu hỏi ư?" Ruth thăm dò.
"Anh ấy chỉ nói tên, ngày tháng năm sinh, số thẻ an sinh xã hội. Rồi tớ đả anh ấy tơi tả cho đến khi anh ấy nói hết cho tớ nghe".
"Vậy cậu có cảm thấy hạnh phúc không?"
"Tớ tức điên lên!"
"Thế thì hỏi làm gì?"
"Cứ như là có một phần trong tớ nghĩ rằng mọi thứ về anh ấy đều là của tớ, cảm xúc của anh ấy, trí tưởng tượng. Tớ biết điều đó là không phải, nhưng đó là những cái tớ cảm thấy về mặt xúc cảm. Quá khứ của anh ấy là quá khứ của tớ, nó thuộc về tớ. Cứt thật, nếu mình có thể tìm thấy hộp đồ chơi hồi còn bé của anh ấy, mình sẽ muốn nhìn xem bên trong có gì và nói "của tôi". Tớ muốn xem tạp chí khiêu dâm mà anh ấy giấu dưới nệm rồi lôi ra để thủ dâm".
Ruth cười xoà khi nghe Wendy nói thế, nhưng trong thâm tâm cô cảm thấy khó chịu. Có phải là hầu hết phụ nữ hỏi người tình của họ những câu hỏi kiểu này? Miriam có bao giờ hỏi Art như thế không? Có phải là quá khứ của Art thuộc về Miriam nhiều hơn là cô không?
Tiếng mẹ hỏi làm cô giật mình "Con Phú Phú thế nào?"
Không thêm một lần nữa, Ruth hít một hơi thật sâu tự nhủ "Phú Phú khoẻ ạ".
"Thật hả?" bà Lưu Linh tiếp "Conh mèo này già khú rồi. Con thật may là nó còn chưa chết".
Ruth ngạc nhiên, cô vừa cười vừa khịt mũi. Đó là một cảm giác hành hạ khi bị thọc lét. Cô không thể chịu đựng được, nhưng cô cũng không thể không cười thành tiếng được. Nước mắt cô ứa ra và cô cảm thấy mừng vì trong xe rất tối.
"Tại sao con lại cười?" bà Lưu Linh rầy la. "Mẹ không đùa đâu. Bây giờ thì đừng để chó vào trong sân nhà con nhé. Mẹ biết có người làm thế. Bây giờ con mèo đã chết".
"Mẹ nói đúng", Ruth trả lời, cố gắng tập trung vào con đường trước mặt. "Con sẽ cẩn thận hơn".
Chú thích
[1] Vụ án cầu thủ bóng rổ OJ Simpson bị tố cáo giết vợ và bạn trai của vợ