Phần 1 - Chương VII
Tác giả: An Ni Bảo Bối
Du lịch, chính là cứ đi mãi, đi mãi.
Đi trong im lặng.
Bưu điện Sài Gòn giống như một bến tàu. Toà kiến trúc thực dân đồ sộ, đầy những phù điêu màu trắng hoa lệ. Bước vào trong, đập vào mắt là cái trần nhà rộng lớn. Hàng ghế gỗ dài đặt trong đại sảnh trống. Bên ngoài là ánh nắng chính ngọ gắt gao.
Cô mua một tấm thiệp năm mới, màu đen trắng. Hoài niệm về Sài Gòn xưa. Kiến trúc kiểu Pháp, bóng cây ngô đồng bên đường, những quý phu nhân ánh mắt thăm thẳm buồn đầy oán trách rtên những chiếc xích lô, con voi lớn trong đoàn xiếc nâng hai chân trước. Tất cả đều rực rỡ và hoang vu đến không ngờ.
Lấy ra chiếc bút bi, viết vào sau tấm thiệp: Con đang ở Sài Gòn, mọi thứ đều tốt đẹp, rất nóng. Một tấm gửi tới Bắc Kinh, một tấm gửi về vùng quanh duyên hải phía Nam. Chỉ ngắn ngủi như vậy.
Cả con người cô càng đi xa càng trầm lặng.
Buổi sáng trong tiệm ăn nhỏ dưới tầng trệt khách sạn, ngắm các cô gái trẻ người Âu mặt đỏ rực bởi ánh nắng mặt trời, rạp người trên bàn ăn bằng gỗ, lấy bút máy viết lên mặt sau tấm thiếp mừng năm mới. Những dòng chữ tiếng Anh dài dằng dặc. Trôi chảy, đơn giản. Nồng nàn như thế.
Cô ngồi ở bàn đối diện ăn sáng. Bánh mì Pháp cứng, hình dài, hơi mằn mặn, vừa bẻ ra, vụn bánh ở trong không ngừng rơi xuống. Tuy đã kẹp pho mát nhưng ngậm trong miệng vẫn không có mùi vị. Có thể viết một lá thư dài, đã biết có thể viết những gì. Đã biêt có thể viết cho ai, thật là hạnh phúc. Cô ngồi đối diện với hạnh phúc. Đã từ lâu, cô không biết mình có thể viết thư cho ai. Và trên thư có thể nói những gì.
Nhét hai tấm thiệp năm mới vào thùng thư. Tem thư có hình cá và tiên nữ cưỡi voi. Một tấm trong đó có người cẩn thận cất vào túi, khoá vào trong ngăn kéo. Rồi cô lại đem nó quay về Bắc Kinh.
Cô nhận, kết thúc đều như vậy cả. Bỏ ra, rồi lại quay về. Nhận được, rồi lại bỏ đi.
Chúng ta cứ tiếp nhận từ tốn như vậy.
Tiệm đó có tên là ANH. Chuyên bán trang phục tơ tằm làm thủ công. Trên chiếc giá gỗ đặt từng chồng quần áo được làm rất tinh tế. Rất nhiều phụ nữ Nhật. Họ tới Sài Gòn để mua sắm hoặc dừng lại đây mở tiệm. Một thành phố không lạc hậu, giá cả rẻ, lại có phong cách chưa đến nỗi bị quên lãng, rất thích hợp với kinh doanh.
Nhân viên trong các shop quần áo cao cấp ở Sài Gòn đều nói được tiếng Nhật thành thạo. Dịu dàng cẩn thận, e lệ nụ cười khiêm tốn, rất giống người Nhật.
Ở Hồng Kông, do cô im lặng nên có tiệm đã đích thân gọi nhân viên biết tiếng Nhật tới hỏi chuyện cô. Họ ngỡ cô là người Nhật. Phụ nữ Nhật cũng vậy, tóc đen thẳng, sắc mặt nhợt nhạt. Cô khẽ mỉm cười giải thích. Chán tới mức không muốn nói nữa.
Cô là người không thích nói chuyện. Duy nhất chỉ thích có một từ liên quan tới nói chuyện: giãi bày. Nếu không có giãi bày, mọi từ ngữ đều bị lãng quên và hoang phế. Như những lời hứa hẹn dối trá.
Cô chọn một cái áo tơ tằm Việt Nam thêu hình hoa mẫu đơn, một chiếc đầm bằng vải đay màu trắng,một chiếc áo lụa thêu hoa hồng đỏ, một đôi guốc gỗ quai thêu. Quần áo được bọc cẩn thận bằng giấy mềm, đặt trong một chiếc túi cỏ tết. Những trang phục mềm mại và tuyệt mỹ như vậy được khoác lên người cô sau khi trút bỏ chiếc áo phông và quần vải thô nhuốm bụi và mồ hôi, cảm giác thật lạ lẫm. Cô có linh cảm sau khi mang chúng về, sẽ chỉ nhét sâu xuống tận cùng ngăn tủ. Nhưng cô vẫn mua chúng.
Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một cô gái dịu dàng xinh đẹp. Những năm tháng sau này, cô vẫn luôn thẳng thắn, trầm cảm và ngược đời. Giống hệt một cánh đồng hoang đầy gió rít.
Còn nhớ năm mười sáu tuổi mặc một chiếc váy trắng, đi xem phim cùng một cậu bạn cùng lớp. Gấu váy viền hoa li ti. Cổ tròn giản dị, không tay. Xem phim xong, cô cởi tuột xăng đan, chân trần chạy trên con đường đá. Hăm hở chạy. Gió thổi tung đám hoa tường vy trên tường, bay xuống như một trận mưa.
Mười năm sau, trang phục của cô vẫn vậy, chỉ mặc áo vải bông, thỉnh thoảng có thêm đồ tơ và đay. Không mặc các chất liệu khác. Vẫn thích đi chân đất.
Tình yêu đến rồi đi. Cuối cùng, cô nghĩ mình chỉ thích trong bóng đêm có một trận mưa hoa trong gió. Chỉ như vậy. Không cần gì khác.
Đi trên đường ngắm nhà cửa. Ngoài ngắm nhà cửa, chẳng đi đâu hết.
Những căn nhà đó, cũ kỹ, đọng lại những dấu ấn thời gian dài dằng dặc. Còn có sự phẫn nộ, nhịn nhục, lương thiện và khát vọng sống. Bao gồm cả cái đẹp của sự chết chóc. Các bức tường ngả màu vàng xỉn. Nhưng một số nom lại tươi tắn, đập vào mắt như thể mù quáng. Cửa sổ to dài bằng gỗ, màu xanh thẫm Thổ Nhĩ Kỳ. Bị nước mưa thấm tới bạc trắng. Trên ban côngg thả một bức mành trúc trắng. Có rất nhiều giò hoa rực rỡ. Quần áo khô cong dưới nắng, gió lướt qua, khẽ bay lật phật.
Cô ngắm nghía căn nhà. Đi hết con đường này tới con đường khác. Chụp rất nhiều căn nhà cũ kĩ. Dăm căn nhà nhô cao dưới trời xanh, như thể những vết thương nghiêm trọng. Một số nấp sau bóng cây râm mát ken dày, phát ra những tưởng thở nhè nhẹ. Bên trong không biết đã từng có bao sinh mạng, tìm kiếm một chốn gửi gắm và lưu giữ ở trần gian. Mọi khiếp sợ và khát vọng đều bị đè nén lại, không thể phát ra âm thanh. Rồi, chúng ta chỉ biết tồnt ại trong lặng lẽ.
Bánh xe luân hồi vẫn lăn. Cuối cùng huỷ diệt tất thảy. Trong chiến tranh không cần nói ai là kẻ chiến thắng. Cát bụi vẫn trở về cát bụi mà thôi. Chúng ta cần phải tỉnh giấc lúc bình minh, thơm lên gương mặt người yêu bên cạnh. Mở tung cửa sổ, nhìn thấy nắng lấp lánh trên cành lá. Đó là sống. Chẳng còn gì khác.
Ngày nào cô cũng tới tiệm ăn nhỏ đối diện khách sạn để dùng bữa. Cô còn nhớ tên của tiệm đó: Gon Café. Anh nhân viên trong tiệm da ngăm đen, còn rất trẻ, nói cho cô biết số lương anh được nhận hàng tháng. Thấp tới kinh ngạc. Nhưng cô không hề để lộ bất kỳ sự phản ứng nào. Họ nói chuyện bằng những từ ngữ tiếng Anh đơn giản. Anh kể nhà anh ở Hà Nội. Anh yêu Hà Nội nhưng dễ tìm việc làm hơn tại Sài Gòn.
Cô cũng yêu Hà Nội. Đó là thành phố trong kiếp trước của cô. Là thành phố mà cô yêu tới rơi lệ dù chẳng có lý do gì.
Đứa trẻ đứng ngoài cửa. Vừa nhìn thấy cô, đã cười tươi vẫy tay rối rít. Ngày nào cô cũng tới đó. Sáng. Tối. Có lúc đêm hôm cũng đi ăn một đĩa đu đủ tươi. Thằng bé chừng mười lăm tuổi, gầy và đen, răng trắng, mắt sáng, lanh lợi đứng ngoài cửa đỡ xe đạp giúp khách Tây. Cô nhờ nó chụp giùm cô một tấm hình. Cô khẽ cười ngượng ngùng với nó.
Chỗ thường ngồi là bàn thứ hai từ cửa vào, phía trái trong cùng. Cô mặc một chiếc áo tơ tằm thêu anh đào đỏ, cổ áo và nút bọc theo kiểu Tàu. Mua trong cửa tiệm Viu Viu kế bên. Còn có một tiệm tên là La Sa. Bán mũ và túi xách làm từ vải thô và hoa vụn ghép lại.
Cô ăn tối ở đó. Chả giò, Napcake, cơm chiên được làm từ cá, dứa và cà rốt. Dừa ướp lạnh, cắm một ống hút, vị mát lành. Đu đủ có màu đỏ tuyệt đẹp. Sau khi rửa sạch, xắt từng miếng, đặt trên đĩa sứ trắng. Cô thích cách phát âm của nó, Papaya, sinh động và tinh nghịch biết bao. Còn có kem và sữa tươi nữa.
Trời luôn nóng bức, dưới ánh nắng vẫn có đám khách du lịch đeo balô nặng trịch đi tới đi lui, giống hệt như ở Hà Nội. Ở Sài Gòn, nơi cô dừng lại lâu nhất chính là con đường tập trung đông đúc đám Tây ba lô này. Họ mặc quần áo vải, mang theo sách và tư tưởng, ăn những món sạch sẽ, quan tâm tới ánh nắng và con người. Sống theo cá tính. Hưởng thụ sự tồn tại trong từng phút từng giây. Họ ở đây đọc tiểu thuyết, uống bia, viết nhật ký, trò chuyện, đi bar, nghe nhạc. Ngoài ra, không làm gì hết.
Cô ăn rất nhiều hàng ngày.
Cô thường ăn nhiều uống nhiều. Hồi nhỏ đã vậy, cảm thấy cô đơn nên ăn luôn mồm. Ăn rất nhiều thứ. Không biết phải tìm cách nào để diễn đạt. Ăn. Rất đơn giản. Có thể dùng nó để tự an ủi mình. Thực phẩm thật ấm áp, có độ sáng, có mùi thơm, có thể vuốt ve dạ dày, rồi cập bến linh hồn.
Cô chưa bao giờ ăn kiêng, nhưng cũng không béo lên nổi. Những người dễ béo đều có mục tiêu. Cô đã gặp nhiều thương nhân rất thành công đều béo phì. Cô không phải như vậy. Cô không có mục tiêu. Dù đối với những đồ ăn yêu thích, cô cũng không có mục tiêu.
Khoảnh khắc yên tĩnh là giây phút hoàng hôn. Ngồi sau chiếc bàn ăn trải khăn trắng trong Gon Café, vừa chờ mang đồ ăn tới, vừa ngắm ráng chiều trên đường dần mịt mùng và đặc quánh. Màn đêm sắp buông. Những khách du hành sau một ngày rong ruổi đã lục tục quay về nơi trọ. Trong căn phòng khách sạn đối diện, có người đang cởi đồ, có người đang nhảy nhót, có người đang hút thuốc, có người đang hôn nhau.
Có một tiệm bán CD, tên gọi 211. Rất nhiều đĩa lậu chất lượng kém, in ấn thô vụng nhưng khá phong phú về thể loại. Có thể mua được tất cả những album ngôi sao ca nhạc và đĩa nhạc nhớ tới. Đủ các loại bản cũ và mới. Họ cầm một cái giỏ nhựa, giống như những siêu thị, cho vào đó những đĩa CD đã chọn xong. Rồi ngồi lên cái ghế băng thấp trước máy CD, đeo tai nghe lên, nghe thử từng đĩa. Các cô gái trẻ đều chọn DiDo.
Ở đây, có thể dễ dàng chiếm được âm nhạc, như thể bia và hoa hồng.
Phía sau có một chàng trai trẻ người Nhật. Có lẽ mới học cấp ba. Ngày nào cũng ăn ở đây, rồi đi lại trên đường. Mặc chiếc quần bò xanh rộng thùng thình và cái áo phông trắng. Trên mặt có nốt ruồi lớn. Trong tiệm ăn, cậu ta thường ngồi một mình, lặng lẽ trước Coca Cola. Nom rất tuấn tú. Một lần, cô nhìn thấy cậu ta đi dạo với một người đàn ông Nhật khác. Có thể là bố cậu ấy. Cả hai đều im lặng, rảo bước dưới ánh nắng.
Bàn bên là một anh chàng Âu tóc vàng. Đeo headphone, đang hí hoáy viết trên một cuốn sổ lớn bằng bút máy. Viết nhanh như bay. Bên cạnh luôn là một tách cà phê Việt Nam đang uống dở. Chắc hẳn là một nhà văn. Sắc thái rất nhạy cảm.
Hai cô gái Nhật mặc bộ đồ vừa mua giống hệt nhau, may theo kiểu Tàu. Mẫu thịnh hành nhất Sài Gòn, không tay, bằng tơ lụa, tơ tằm hoặc đũi. Họ tâm tình với nhau rất nhỏ, rồi trao đổi địa chỉ. Là bạn đồng hành mới quen trong chuyến đi.
Sống trong thời khắc này, mọi thứ đều quá tuyệt mỹ, không chút khiếm khuyết.
Buổi tối cô tới khu giải trí. Có người nhảy Disco. Có các cô gái tóc dài xinh đẹp tiếp đãi từng đám đàn ông. Họ uống rượu ở ghế sôpha, trò chuyện rất lớn tiếng Nhạc rất thịnh hành. Đám trẻ mặc đồ trắng nhảy nhót.
Cô thấy thất vọng. Máy lạnh mở quá lớn. Do vậy mới được giữa chừng đã bỏ ra.
Đi qua quảng trường lớn ở trung tâm, cây rất cao, không rõ tên. Chỉ thấy lá cây rụng xào xạc. Dưới đất một lớp lá phủ đầy.
Chợ Lớn.
Đúng vậy. Đó là ký ức thuộc về Marguerite Duras. Chỉ thuộc về cô.
"Những âm thanh mà họ phát ra đều rất vang. Tất cả đều sống động, như tiếng còi xe hơi ngân dài, cái ồn ào của bi thương kiệt sức nhưng không được đáp trả. Trong phòng có mùi đường cháy, còn có mùi thơm của lạc rang, mùi canh hầm Trung Quốc, mùi các loại cỏ xanh, mùi hương hoa nhài, mùi của bụi bậm, mùi cây nhũ hương, mùi than cháy. Than ở đây được chất trong làn, bán rong trên đường. Vì thế mùi của thành phố chính là mùi được phát ra từ những thôn xóm hẻo lánh nơi rừng sâu, nơi đồng cỏ...". Đó là Chợ Lớn của Marguerite Duras, không phải của bạn.
Chợ Lớn mà bạn được nhìn thấy nhếch nhác, lộn xộn, khắp nơi là xe cộ và dòng người thập cẩm, những căn nhà nát, một bờ mương đục ngầu bốc mùi, những dãy nhà gỗ tạm bợ bên bờ sông treo đầy quần áo, ngập ngụa rác rưởi. Chỉ nhìn thấy một khách Tây. Ông ta đang giơ máy ảnh chụp con mương đen ngòm. Bạn sẽ không thể nhìn thấy cái nghèo đói nào trực tiếp và thô bạo hơn thế nữa.
Trong một tiệm mì, ăn một bát phở. Chủ tiệm biết nói tiếng Quảng Đông, nhưng rất nghiêm nghị, hầu như vắng bóng nụ cười.
Đứng ở đầu đường vô cùng huyên náo, nhớ lại trong phim, cảnh cô gái ngồi xe xích lô trong đêm mưa, tới căn phòng từng hò hẹn với bạn tình. Cô ngồi bên giường trong bộ đồ thấm nước mưa, ngắm căn phòng trống. Lặng đi. Rồi bỏ về. Con đường ướt át tối tăm trong mưa.
Mọi tuyệt vọng và dục vọng đều bị gột hết. Bao gồm cả kẻ ra đi, cũng chỉ ao ước giữ được một phần ký ức, không dám mong tái hiện lại.
"Quê hương tôi là vùng sông nước, là quốc gia của hồ ao, sông ngòi. Có nước nguồn chảy từ núi xuống, có ruộng nước, còn có bùn đất phù sa ven sông trên bình nguyên. Những khi mưa bão, chúng tôi trốn trong con sông nhỏ. Mưa nhỏ ken dày, rất có hại. Chỉ cần mười phút, nước mưa đã làm ngập úng vườn hoa. Sau cơn mưa, đất nóng hực, bốc mùi khó chịu. Có đám hoa trôi. Vườn ai đó trồng hoa nhài. Tôi là một người sẽ không quay về với quê hương được nữa. Con người một khi đã khôn lớn, mọi thứ như thể vật ngoài thân, không nhất thiết để những ký ức tồn tại cùng mình mãi mãi. Cứ để chúng lưu lại nơi mà chúng đã hình thành. Tôi vốn sinh ra tại nơi không có mảnh đất cắm dùi".
Quê hương là nơi không thể quay về được nữa.
Sài Gòn. Phát âm rõ ràng.
Không hiểu tại sao thành phố này luôn khiến người ta thấy mùi của bi ai. Hồng Kông cũng vậy. Đi trong đám người huyên náo và những cửa tiệm chen chúc nhưng lòng vẫn thấy chua xót. Phồn hoa quá cũng dở. Phồn hoa rất dễ khiến người ta liên tưởng tới hoang giá. Cảnh tượng thế gian như ảo ảnh. Con người sẽ không nghĩ tới một giấc mơ quá náo nhiệt vì rất dễ ngắn ngủi.
Sông Sài Gòn mà cô nhìn thấy là một con sông rất bình thường. Trên dòng nước xanh đục ngầu có lục bình trôi và những chiếc thuyền nát. Đối diện chính là những căn nhà gỗ sơ sài của nghèo khó. Nhưng ngay bên bờ là khách sạn lớn rực rỡ sang trọng. Kiến trúc thực dân vô cùng hoa lệ, mang tên Riverside Hotel.
Phòng khách ở lầu bốn. Ngay sát phố. Dù lúc canh khuya cũng có thể nghe thấy guốc gỗ lọc cọc của lũ trẻ Nhật đi chơi về muộn, tiếng đi lại trên con đường đá. Con chó lớn uể oải đi vào bóng râm dưới gốc cây. Mặt trăng rất vàng, cực kỳ tròn. Hơi có sương mù.
Quạt trần quay vù vù suốt đêm. Có lúc cô nóng quá không ngủ được, ra ban công hút thuốc. Mở cửa sổ hóng những cơn gió vu vơ lướt qua. Không khí nóng ẩm. Cô khẽ trào nước mắt rất vô cớ.
Cứ như vậy, chân trời cũng dần sáng.
Một ngày mới lại bắt đầu.