watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bản đàn thôn dã-Phần III - tác giả André Gide André Gide

André Gide

Phần III

Tác giả: André Gide

Ngày 10 tháng Ba.

Ngôi nhà chúng tôi nhỏ hẹp, chuyện riêng tư thật khó khăn, có khi cũng thật bất tiện để làm việc dù tôi đã dành riêng một phòng nhỏ trên gác làm bàn giấy mà cũng để tiếp khách. Bất tiện nhất là khi tôi muốn nói riêng với ai trong nhà; câu chuyện trở thành nghiêm trọng quá trong phòng làm việc này mà tụi trẻ con gọi đùa là Thánh Địa, vì chúng tuyệt đối không được vào. Nhưng sáng hôm nay Jacques lên Neuchatel mua giày đi núi. Thấy trời đẹp, ăn sáng xong lũ trẻ lại ra ngoài dạo chơi với Gertrude (Charlotte â n cần với Gertrude làm tôi mát ruột). Thành thử tới lúc uống trà như thường lệ trong căn phòng lớn, thì chỉ còn hai vợ chồng ở nhà. Đây cũng là điều tôi muốn, vì tôi cũng cần nói chuyện với vợ. Ít khi tôi có dịp nói chuyện riêng với nàng nên cảm thấy như rụt rè, và tầm quan trọng những điều sắp nói với nàng làm tôi lúng túng, tựa hồ như sắp phải bàn về chuyện riêng của chính tôi thay vì tâm sự mới thổ lộ của con. Tôi ghi nhận là vợ chồng chung sống suốt đời, yêu nhau mà vẫn có thể là xa lạ cách biệt (hay sự cách biệt này về sau mới tới); câu chuyện vợ chồng trao đổi nghe lạc lõng như những tiếng cồng dọ dẫm, bị dội lại vì một bức tường ngăn cách, nếu không coi chừng mỗi ngày một bịt bùng thêm.

Tôi nói lúc vợ tôi rót trà:

“Thằng Jacques vừa nói chuyện với anh chiều qua. Nó bảo nó yêu con Gertrude.”

Hôm qua giọng thằng Jacques chững chạc bao nhiêu thì hôm nay giọng tôi lại ngập ngừng bấy nhiêu. Vợ tôi tiếp tục rót trà, trả lời mà mắt không nhìn tôi:

“Nó thưa với anh là phải.”

Giọng nàng bình thản, làm như câu chuyện vừa nói hoàn toàn bình thường, hay đúng ra không có gì mới.

“Nó bảo nó muốn cưới con bé làm vợ. Nó quyết định…”

Nàng nhún vai, khẽ nói:

“Chuyện này thì ai cũng đã tiên đoán.”

“Em cũng đã ngờ vậy sao?”

“Ai cũng thấy trước từ lâu là chuyện sẽ đến. Chỉ có điều là loại việc này đàn ông không biết để ý.”

Tôi thấy không được việc gì cãi với nàng về đàn ông thế này thế khác, vả lại ý nàng cũng có phần đúng, tôi chỉ trách nhẹ:

“Nếu thấy vậy, lẽ ra em nên cho anh hay.”

Nàng cười mím góc môi, nụ cười quen thuộc mỗi khi nàng không muốn bàn thêm về một chuyện gì. Rồi khẽ lắc đầu, nàng nói:

“Đi theo mà nhắc anh những chuyện anh không để ý thì bao giờ cho hết.”

Nàng định ám chỉ gì đây. Tôi không biết mà cũng không muốn biết. Tôi làm làm lơ như không để ý:

“Anh muốn biết ý kiến em về việc này.”

Nàng thở dài:

“Như anh vẫn biết, em không bao giờ ưng thuận chuyện mang con bé về nhà.”

Thấy nàng lại nhắc đến chuyện cũ, tôi gắng dằn nóng giận. Tôi nhắc nàng:

“Anh đâu có hỏi ý kiến em về con Gertrude.”

Nhưng Amélie vẫn nối tiếp ý cũ:

“Ngay từ ngày đầu, em đã nghĩ là con bé chỉ đem lại những điều đáng tiếc cho nhà này.”

Nắm lấy cơ hội, tôi nói theo đà:

“Thì ra em cũng không tán thành hôn nhân này. Thực ra, anh cũng mong em nghĩ vậy. Anh sung sướng thấy vợ chồng mình đồng ý điểm này.”

Tôi cũng cho nàng hay là Jacques đã ngoan ngoãn vâng lời cha, và nàng không còn phải bận tâm về việc này nữa. Mọi chuyện đã thỏa thuận là ngày mai nó sẽ lên đường để đi du lịch một tháng.

Sau cùng tôi nói thêm:

“Anh cũng như em, anh không muốn chúng nó còn gặp nhau nữa khi Jacques du lịch trở về. Anh nghĩ tốt nhất là gửi Gertrude cho cô Louise de la M. nuôi. Anh vẫn có thể tiếp tục đến thăm con bé. Anh có trách nhiệm với Gertrude. Cô Louise sẵn sàng chiều ý vợ chồng mình. Như vậy, em cũng khỏi bực mình, không còn phải hàng ngày thấy mặt Gertrude. Cô Louise sẽ săn sóc cho con bé. Cô ta rất hài lòng vì vụ sắp xếp này. Cô ta đang náo nức vì sẽ được dạy nhạc cho nó.”

Thấy Amélie nhất định không chịu hé răng, tôi nói tiếp:

“Anh muốn ngăn ngừa chuyện Jacques sẽ thì thụt chạy sang nhà cô Louise tìm gặp Gertrude. Anh tính cho cô Louise biết hết câu chuyện. Em nghĩ có nên không?”

Tôi trực tiếp hỏi ý kiến nàng, dụng ý buộc nàng nói chuyện. Nhưng nàng mím môi nhất định không góp ý. Tôi lại nói, không phải có điều gì quan trọng, mà vì thái độ yên lặng của vợ làm tôi khó chịu:

“Có thể khi Jacques du lịch về, nó không còn si mê nữa. Ở tuổi nó, người ta nhiều khi không biết mình muốn gì.”

Đến đây, Amélie chêm vào một câu kỳ cục tối nghĩa:

“Ô, nói chi tuổi nó. Già nữa mà có khi cũng không biết mình muốn gì nữa là.”

Bản tính ngay thẳng ghét chuyện úp mở, tôi bực mình vì giọng điệu bí hiểm và nghe như có ẩn ý kết tội của vợ. Tôi quay lại, bảo Amélie muốn ám chỉ điều gì thì cứ việc nói thẳng ra. Buồn bã, nàng chậm rãi:

“Không, em không muốn ám chỉ gì cả. Chỉ tại em tưởng anh dặn em phải cảnh giác anh những chuyện anh vô tâm không để ý đến thôi.”

“Rồi sao nữa?”

“Rồi em thấy không dễ gì mà cảnh giác được ai.”

Như đã nói, tôi ghê sợ bóng gió úp mở, và như một nguyên tắc, tôi nhất định không bận tâm vì những những lời nói mánh. Tôi đối đáp, giọng có hơi phũ phàng:

“Khi nào em muốn anh hiểu em, thì hãy gắng nói cho minh bạch rõ ràng.”

Vừa lỡ miệng, tôi đã ân hận. Tôi nhận thấy môi nàng run run. Nàng quay mặt, rồi ngập ngừng đứng dậy, nàng bước đi mấy bước lảo đảo. Tôi nói với theo:

“Amélie, anh không hiểu sao em còn buồn bực. Mọi việc đã chẳng thu xếp êm đẹp rồi sao?”

Nàng ngại ngùng tránh mắt tôi. Lưng quay lại vợ, khuỷu tay chống bàn, hai tay ôm đầu, khốn khổ, tôi nhỏ nhẹ với nàng:

“Xin lỗi em, anh đã nặng lời với em.”

Tôi nghe tiếng nàng bước trở lại, rồi những ngón tay nàng nhẹ nhàng vuốt nhẹ trán tôi. Nàng dịu dàng, giọng đầy nước mắt:

“Tội nghiệp chồng em.”

Rồi nàng bước ra khỏi phòng. Lúc đó tôi không hiểu những lời bí ẩn của Amélie. Mãi về sau tôi mới vỡ nghĩa. Trước tiên tôi chỉ ghi lại cho đúng nguyên văn. Hôm đó chỉ có điều rõ ràng cho tôi là đã đến lúc Gertrude phải rời khỏi nhà này.

*

Ngày 12 tháng Ba.

Tôi tự cho mình bổn phận phải dành thì giờ cho Gertrude mỗi ngày; có khi là vài giờ, có khi là vài khắc, tùy theo công việc hàng ngày bận bịu hay rảnh rang. Sau hôm nói chuyện với Amélie, thời tiết tốt như mời mọc, lại được dịp nhàn rỗi, tôi đưa Gertrude vào rừng dạo chơi. Tôi dẫn nàng tới một vùng gần đỉnh Jura, nơi mà nhìn qua hàng cây lơ thơ, quá cánh đồng mênh mông bát ngát dưới bóng núi, khi trời quang có thể bao quát được tất cả dẫy núi Alpes phủ tuyết hiện ra phía trên màn sương mù. Tới góc rừng quen thuộc nơi chúng tôi thường tới ngồi chơi, thì mặt rời đã chênh chếch về phía trái. Dưới chân chúng tôi trải dài nội cỏ thấp và dầy; xa hơn nữa vài ba con bò gậm cỏ; như bò miền núi chúng đều đeo chuông ở cổ. Lắng nghe tiếng chuông leng keng, Gertrude nói:

“Đàn bò đang kể lại cảnh vật cho con.”

Và như thường lệ, nàng đòi tôi tả cho nàng phong cảnh trước mặt. Tôi nhắc nàng:

“Nhưng chỗ này con biết rồi mà. Chính là khoảng rừng thưa nhìn ra núi Alpes đó con.”

“Núi hôm nay trông có rõ không?”

“Hôm nay núi Alpes hiện ra cực kỳ huy hoàng hùng vĩ.”

“Nhưng Mục sư bảo con là cảnh núi thay đổi mỗi ngày mà.”

“Vậy để ta thử nhé. Lấy gì mà ví nhỉ? À, ví với cơn khát giữa ngày hè. Lát nữa đến chiều, chắc núi sẽ tan vào không trung mất.”

“Con muốn Mục sư cho con hay là có thấy hoa huệ đồng nở trong nội cỏ trước mặt mình không.”

“Gertrude con, huệ không mọc trên núi cao thế này. Họa chăng chỉ một vài loại hiếm hoi mà thôi.”

“Ngay cả những cánh đồng gần Neuchatel cũng không có huệ sao?”

“Huệ không mọc ngoài đồng.”

“Thế sao Chúa lại phán rằng: Các con hãy chiêm ngưỡng những bông huệ của đồng nội?”

“Chắc thời Chúa, hoa huệ còn mọc dại ngoài đồng. Có lẽ về sau người ta khẩn hoang canh tác nên không còn nữa.”

“Con nhớ Mục sư thường giảng là Tin và Yêu là những điều vô cùng cần thiết cho thế gian này. Mục sư có nghĩ là chỉ cần tin một chút, người ta có thể thấy hoa huệ lại nở trên cánh đồng không? Mục sư biết không, sau khi nghe lời Phúc Âm này, con quả quyết là con đã thấy được hoa. Mục sư có muốn con tả cho Mục sư nghe không? Đây này, hoa đẹp tuyệt vời, hoa giống như những chuông màu lửa đỏ, hay màu thiên thanh, ăm ắp hương thơm của tình thương, những cái chuông xinh xắn mà gió chiều rung rinh mơn trớn. Vậy mà sao Mục sư lại bảo con là cánh đồng không có hoa. Con ngửi được hương hoa mà. Con thấy hoa nở đầy ắp cánh đồng…

“Gertrude cưng, hoa thật không thể đẹp hơn hoa con thấy.”

“Mục sư nói đi, hoa thật ít ra cũng không xấu hơn phải không?”

“Hoa đẹp in hệt như ý con muốn.”

Nàng đọc lớn, kể lại đoạn Phúc Âm:

“Và ta nói thật cùng các con, rằng ngay cả vua Salomon dù lúc cực kỳ hiển vinh, phục sức cũng không thể huy hoàng hơn…”

Tiếng nàng du dương như âm nhạc, và tôi có cảm tưởng như được nghe đoạn Phúc Âm ấy lần đầu. Đọc xong, nàng lẩm nhẩm một mình ‘Cực kỳ hiển vinh’, rồi yên lặng giây lâu.

Tôi nối tiếp câu chuyện:

“Gertrude, ta vẫn nói với con, những kẻ có thị giác lại chính là những kẻ không biết nhìn.”

Và từ đáy lòng, tôi nghe dâng trào lên lời kinh cầu “Con đội ơn Chúa đã chỉ cho kẻ ngu độn những điều mà ngài đã giấu những người tinh thông.” Nàng bỗng cất tiếng, giọng thích thú và đầy cao hứng:

“Mục sư ơi, nếu Mục sư biết, nếu Mục sư có thể biết con có thể hình dung dễ dàng làm sao tất cả phong cảnh trước mặt. Dễ lắm. Đây này, để con tả cho Mục sư nhé… Đằng sau chúng mình, bên trên, cũng như xung quanh, là rừng bách với những cây Mã Vĩ Tùng cổ thụ, thơm mùi nhựa thông, thân cây màu thạch lựu, có những tàn lá xòe ngang ra bên, rên rỉ nhè nhẹ mỗi khi gió thổi uốn cành. Còn dưới chân chúng gauguin_alyscampsmình là nội cỏ bao la, xanh ngát, tựa như một quyển sách mở rộng, dựa nghiêng nghiêng trên sườn đồi chân núi. Trên trang sách, có chỗ tô màu lục đậm vì bóng mây, có chỗ lại tô màu vàng vì ánh nắng. Trang sách đầy chữ, mỗi chữ là một bông hoa. Nào hoa khổ-sâm, nào hoa bạch-đầu-ông, nào hoa mao-lương, và tất nhiên là có hoa huệ đồng của vua Salomon. Và có những con bò cổ đeo chuông, bước tới đánh vần từng chữ, và thiên thần cũng bay tới đọc, vì như Mục sư nói, mắt người trần gian khép kín không đọc được sách này. Dưới trang sách con thấy vẽ một con sông sữa trắng bốc khói, phủ sương mù, che giấu một vực thẳm huyền bí, một con sông rộng không thấy bờ bên kia, trong khi ngoài cõi xa xăm trước mặt là núi Alpes lộng lẫy hùng vĩ… Anh Jacques phải đi đến đó phải không Mục sư. Mục sư nói cho con đi. Ngày mai anh ấy phải lên đường phải không? “

“Đúng, mai anh ấy phải đi. Anh ấy nói với con sao?”

“Anh ấy không nói, nhưng con hiểu. Anh ấy phải vắng nhà bao lâu?”

“Khoảng độ một tháng… Gertrude con, ta muốn hỏi con… là sao con không cho ta hay khi Jacques tới gặp con ở nhà thờ.”

“Anh ấy đến gặp con cả thảy hai lần. Ô! Con đâu có muốn giấu Mục sư chuyện gì. Con chỉ sợ làm Mục sư phiền lòng.”

“Con không nói, ta mới phiền lòng.”

Tay nàng tìm tay tôi:

“Phải ra đi, anh ấy buồn lắm.”

“Gertrude con, anh ấy có nói với con là anh ấy yêu con không?”

“Anh ấy không nói. Nhưng chuyện như vậy, dù không nói con cũng biết. Anh ấy không yêu con bằng Mục sư yêu con.”

“Còn con, anh ấy phải lên đường, con có đau khổ không?”

“Mục sư biết quá rồi còn hỏi con. Con chỉ yêu có Mục sư thôi… Ô, sao Mục sư lại rút tay lại. Nếu Mục sư chưa vợ, con đâu dám nói với Mục sư như thế này. Nhưng mà ai mà lấy người mù làm vợ. Vậy thì tại sao chúng mình lại không được yêu nhau. Mục sư ơi, nói con nghe đi. Mục sư có nghĩ như vậy là xấu không?”

“Tình thương không bao giờ xấu.”

“Trong lòng con con chỉ thấy tốt lành. Con không muốn làm cho Jacques đau khổ. Con cũng không muốn làm cho bất cứ ai đau khổ. Con chỉ muốn mang hạnh phúc lại cho mọi người.”

“Jacques muốn hỏi con làm vợ.”

“Mục sư có cho phép con nói chuyện với anh ấy trước khi anh ấy lên đường không? Con muốn anh ấy hiểu là anh ấy phải quên con đi. Mục sư hiểu con. Mục sư biết là con không thể lấy chồng được. Mục sư để cho con nói với anh ấy đi.”

“Ngay chiều nay nhé?”Không, ngày mai, chính lúc anh ấy lên đường…”

Mặt trời đi ngủ trong một buổi hoàng hôn cực kỳ lộng lẫy. Không khí ấm áp. Chúng tôi đứng dậy, và vui vẻ trò chuyện trên đường về đang đẫm bóng chiều.
Bản đàn thôn dã
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V