Phần IV
Tác giả: André Gide
Ngày 28 tháng Tư.
Đã lâu tôi bận nên không viết tiếp.
Tuyết đã tan và đường xá đã lưu thông trở lại, tôi phải thanh toán xong một số công việc bấy lâu ứ đọng khi làng bị tuyết cô lập. Mãi hôm qua tôi mới được chút rảnh rang.
Đêm qua tôi ngồi đọc lại những điều đã viết…
Hôm nay mới dám gọi đúng tên cái tình cảm tôi đã không chịu nhìn nhận suốt thời gian qua, tôi ngạc nhiên làm sao tôi đã có thể lầm lẫn lâu như vậy; làm sao tôi đã không cảnh giác với những lời bóng gió tối nghĩa của vợ; làm sao sau những tỏ tình thơ ngây của Gertrude, tôi còn hồ nghi tình yêu tôi dành cho nàng.
Có lẽ không chấp nhận yêu đương ngoài hôn nhân, tôi không muốn thấy luyến ái đam mê đang kéo tôi về Gertrude là điều gì cấm kỵ. Sự ngây thơ khi nàng tỏ tình, cũng như sự thật thà của sự tỏ tình ấy làm tôi yên bụng. Tôi tự nhủ, nàng chẳng qua là đứa trẻ. Nếu là chính thực yêu đương, làm sao lại không có thẹn thùng xấu hổ? Còn phần tôi, tôi đã tự thuyết phục rằng chẳng qua là mình xót thương một em bé tật nguyền. Tôi nghĩ tôi săn sóc Gertrude như người ta săn sóc bệnh nhân, và từ sự dạy dỗ nàng tôi đã tạo ra một trách nhiệm tinh thần, một bổn phận. Đúng, sau hôm nói chuyện với nàng như tôi đã kể, tôi vì thấy lòng nhẹ nhàng và hạnh phúc nên lại lầm lẫn nữa khi ghi lại những lời nàng tỏ tình. Tôi nghĩ, yêu nàng trong cảnh tôi là điều đáng khinh bỉ, và chuyện gì đáng khinh bỉ tất làm tâm hồn nặng nề trì trệ. Nên chi, không thấy tâm hồn trì trệ nặng nề, tôi đã tưởng là mình không yêu.
Hôm đó ngồi ghi nhật ký, tâm hồn trong sáng thảnh thơi, tôi đã không nhận ra; giờ đây đọc lại những hàng chữ đó tôi mới hiểu lòng mình…
Kể từ hôm Jacques đi- tôi đã để Gertrude nói chuyện với con trai tôi, và nó chỉ về nhà mấy ngày cuối hè, làm bộ tránh né hay chỉ nói chuyện với Gertrude những lúc tôi có mặt- cuộc sống chúng tôi trở lại bình thường. Còn Gertrude, như đã thu xếp, dọn tới nhà cô Louise ở. Ngày ngày, tôi đến thăm nàng. Nhưng vẫn còn e dè tình yêu, tôi làm bộ tránh nói với nàng những điều có thể làm chúng tôi xúc động. Tôi nói chuyện như Mục sư nói với con chiên, thường thường trước mặt cô Louise. Tôi chuyên tâm dạy nàng giáo lý, sửa soạn lễ thông công cho nàng vào dịp lễ Phục Sinh vừa rồi.
Hôm lễ Phục Sinh, chính tôi cũng rước lễ. Sự việc xảy ra đã mười lăm hôm. Tôi ngạc nhiên, Jacques đang nghỉ lễ ở nhà một tuần, không theo tôi ra ban thờ Chúa. Tôi cũng rất buồn phải nói là Amélie, lần đầu tiên từ ngày lấy nhau, đã không theo chồng làm lễ. Hình như cả hai mẹ con đã hẹn nhau tẩy chay không tới tham dự, chủ tâm làm giảm niềm vui của tôi. Cũng mừng là Gertrude mù lòa, nên tôi một mình được gánh vác nỗi buồn. Tôi quá biết Amélie để không hiểu thái độ trách móc gián tiếp của nàng. Không bao giờ nàng chống đối chồng ra mặt, nhưng dùng sự xa lánh để tỏ ý bất mãn.
Tôi rất buồn chỉ vì bực dọc chừng ấy- tôi muốn nói tầm thường đến nỗi không đáng đếm xỉa- mà Amélie đã hạ tâm hồn tới mức quên mất những chuyện cao cả. Hôm đó về nhà tôi chân thành cầu nguyện cho nàng.
Còn Jacques tẩy chay lễ rửa tội vì một lý do hoàn toàn khác biệt, mà mãi về sau nói chuyện với con tôi mới hiểu.
* * *
Ngày 3 tháng Năm.
Nhân dịp dạy dỗ giáo lý cho Gertrude, tôi có dịp đọc lại Phúc Âm với nhãn quan mới. Tôi thấy rõ là những cấm kỵ trong giáo điều không phải từ lời Chúa, mà do thánh Paul đặt ra.
gauguin_christ-jaune Đây chính là đề tài thảo luận sôi nổi giữa tôi và Jacques. Tính tình hơi khô khan, trái tim nó thiếu tình thương để nuôi dưỡng suy tư; nó trở nên bảo thủ và nặng giáo điều. Nó trách tôi đã chọn trong giáo lý những điều tôi thích. Nhưng tôi đâu có dám gạn lọc lời Chúa, để lựa riêng ra điều này điều nọ. Tôi chỉ chọn Chúa thay vì chọn thánh Paul.
Còn con trai tôi sợ thấy đối lập giữa Chúa và Thánh, đã không chịu ghi nhận sự khác biệt về mạc khải giữa hai vị, và phản đối khi tôi bảo rằng một đằng là người trần gian, còn một đằng là Chúa. Nó càng cãi lý thì tôi càng thấy rõ là Jacques không nhạy bén với những gì thiêng liêng trong lời Chúa dạy.
Tôi lục tìm trong Phúc Âm mà không thấy được dù một mệnh lệnh hay một đe dọa hay một cấm đoán nhỏ… Tất cả những thứ ấy đều từ Thánh Paul mà ra.
Jacques lúng túng vì không tìm được mệnh lệnh hay đe dọa trong lời Chúa. Những linh hồn như nó thường hốt hoảng nếu không được dìu dắt, nếu thiếu lan can để vịn cho khỏi sa ngã lầm lạc. Hơn nữa, họ khó chịu khi thấy kẻ khác dám hưởng quyền tự do mà họ đã tự chối bỏ. Lúc nào họ cũng gò bó, bắt buộc, để đoạt được những mục tiêu mà lẽ ra có thể thu hoạch dễ dàng qua tình thương. Nó bảo tôi:
“Nhưng thưa Ba, con đâu có chối bỏ hạnh phúc của tâm hồn.”
“Không phải đâu. Con muốn tâm hồn phải phục tòng.”
“Hạnh phúc nằm trong phục tòng giáo điều.”
Tránh cãi lý giằng co với con, tôi không đáp lại; tuy nhiên tôi biết rõ rằng hạnh phúc sẽ bị sứt mẻ nếu ta đòi hỏi phải phục tòng trước mới được hưởng hạnh phúc sau, thay vì coi sự phục tòng là kết quả tất nhiên một khi có hạnh phúc- và rằng một tâm hồn yêu thương sẵn lòng phục tòng, nhưng không có gì có thể xa cách hạnh phúc hơn là phục tòng mà không yêu thương.
Ngoài ra Jacques lập luận rất vững chãi. Nếu không vì buồn lòng thấy nó còn trẻ mà đã quá cứng cỏi về giáo lý, thì tôi phải công nhận lập luận của nó rất chỉnh và luận lý của nó rất nhất quán. Nhiều khi tôi thấy mình còn trẻ hơn con; trẻ hơn chính bản thân mình so với hôm qua, và tôi lẩm nhẩm lời Phúc Âm, rằng ‘Nếu các người không trở lại thành trẻ nhỏ, làm sao các người được nhận vào nước Chúa?’
Thấy trong Phúc Âm con đường dẫn tới cuộc sống hạnh phúc, đâu có phải là phản Chúa, là phản Thánh Kinh? Hạnh phúc mà tính ngờ vực và trái tim chai sạn cấm đoán, hạnh phúc đó chính là bổn phận của con chiên. Ai cũng có khả năng hạnh phúc. Về điều này, tôi học được từ nụ cười của Gertrude nhiều hơn là nàng học được từ tất cả những bài giáo lý tôi đã dậy nàng.
Và lời Chúa sừng sững sáng ngời trước mắt tôi, ‘Nếu con mù lòa, con sẽ không có tội’. Tội lỗi là những điều làm cho tâm hồn vẩn đục, những điều đối kháng với hạnh phúc. Hạnh phúc viên mãn và tỏa ra nơi Gertrude như hào quang như thế là vì nàng không hề biết tội lỗi là gì. Ở nàng chỉ có sự trong sáng và tình yêu.
Tôi trao nàng bốn cuốn Phúc Âm, mấy cuốn Thánh Thi, cuốn Mạc Thị Lục, và ba tập Sứ Đồ của thánh Jean, trong đó nàng tìm thấy những lời vàng ngọc như ‘Chúa là ánh sáng, và trong Chúa không có âm u tối tăm.’ Qua Thánh Kinh, nàng có thể nghe lời Chúa dạy ‘Ta là ánh sáng, kẻ theo ta không sợ tối tăm’ như nàng đã nghe được lời Chúa rằng ‘Ta là ánh sáng của thế gian; ai đi với ta không phải bước trong tăm tối.’ Tôi nhất định không cho nàng xem kinh của thánh Paul, vì mù lòa, nàng đâu cần biết đến tội lỗi, ích gì làm cho nàng lo lắng phải đọc những câu như ‘Tội lỗi đã thu hoạch được những sức lực mới… như trong kinh Romains VII, 13, v..v..
*
Ngày 8 tháng Năm.
Bác sĩ Martins chiều qua từ La Chaux de Fonds đến thăm tôi. Anh lấy võng mô kính ra khám mắt rất lâu cho Gertrude. Anh cho hay anh có trình bày trường hợp Gertrude với bác sĩ Roux, vị danh y nhãn khoa ở Lausanne. Cả hai vị đều đồng ý là mắt Gertrude có thể mổ sáng lại được. Nhưng chúng tôi quyết định là đợi sự việc chắc hơn mới cho nàng biết. Sau khi họp với bác sĩ Roux, Martins sẽ cho tôi hay. Làm nàng hy vọng hụt, đâu có ích gì? Vả lại ngay cả bây giờ, nàng đã chẳng hạnh phúc rồi sao?
*
Ngày 10 tháng Năm.
Lễ Phục Sinh, Jacques và Gertrude gặp nhau lại dưới sự chứng kiến của tôi- ít ra Jacques đã tìm gặp lại Gertrude và đã nói chuyện với nàng, tuy chỉ là những câu chuyện thông thường. Nó không tỏ ra xúc động nhiều như tôi đã tưởng. Tôi lại tự trấn tâm là nếu đã nồng nhiệt, thì dù năm ngoái có bị Gertrude cho hay là tình nó vô vọng chăng nữa, tình đó đã không dễ dập tắt như vậy. Nó xưng hô ‘cô, tôi’ với nàng, như vậy thật ra chỉnh hơn; tôi đã không ép nó phải làm vậy, nên rất hài lòng khi thấy nó biết tự giác. Không thể phủ nhận là thằng bé có nhiều điểm tốt lành.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ là sự phục tòng của Jacques khắc khoải khó khăn. Chỉ tiếc rằng nó cho gò bó con tim như vậy là thánh thiện; nó muốn tất cả mọi người cũng gò bó như nó; tôi nhận thấy điều này trong cuộc bàn cãi vừa qua với con mà tôi đã kể lại trước đây. Hình như La Rochefoucauld có nói, trí tuệ thường bị con tim đánh lừa. Tất nhiên tôi không dám nhắc nó điều này bây giờ. Biết tính con bướng bỉnh, khi thảo luận bị trái ý lại càng bướng bỉnh hơn; nhưng ngay chiều hôm đó, lấy ngay trong kinh thánh Paul (phải lấy độc trị độc) câu trả lời cho nó, tôi để lại trong phòng con mảnh giấy nhỏ chép ‘Rằng kẻ nào không ăn đừng phán xét kẻ đã ăn, vì Chúa đã đón nhận người này’. (Romains, XIV, 2).
Và tôi cũng định chép luôn câu tiếp theo ‘Tôi biết vì tôi được Chúa Ky Tô dạy rằng sự vật tự nó không tội lỗi, và chỉ tội lỗi cho những kẻ muốn thấy tội lỗi’. Nhưng tôi lại đổi ý, sợ rằng Jacques sẽ có những suy diễn xúc phạm liên quan đến Gertrude, điều nó không được phép nghĩ tới. Tất nhiên đoạn kinh này nói về thực phẩm. Nhưng trong kinh thánh, có biết bao nhiêu đoạn có thể hiểu theo đôi ba ngả khác nhau… (Như đoạn ‘Nếu mắt con’, hay đoạn làm bánh mì biến hóa một thành nhiều, hay đoạn đám cưới Cana, vân vân). Ở đây không phải chuyện chẻ sợi tóc làm tư; ý nghĩa đoạn kinh trên rộng và sâu rằng không nên lấy luật mà đòi hỏi giới hạn hay cấm đoán, mà phải lấy tình thương… và thánh Paul đã dõng dạc nói rằng: ‘nếu vì một món đồ ăn mà buồn phiền, thì con đã không theo đạo của tình thương.’ Quỷ dữ tấn công chúng ta vì thiếu tình thương. Lạy Chúa, xin gạn lọc khỏi tim con tất cả những điều gì không phải là tình thương… Vì tôi đã lầm khi trêu tức Jacques. Ngày hôm sau tôi tìm thấy trên bàn tôi miếng giấy tôi viết cho nó. Nó viết lại mặt sau, một câu kinh khác, cũng chương đó rằng ‘Đừng vì món ăn của con mà làm hại đến kẻ Chúa đã xả thân cứu rỗi’. (Romains XIV, 15).
Tôi đọc lại cả chương sách một lần nữa. Thật ra đề tài này mà cãi lý thì không bao giờ hết. Nhưng tội gì lại vẩn đục cả bầu trời trong sáng của Gertrude với những thắc mắc dằn vặt loại này. Hai chúng tôi gần gũi với Chúa biết bao, khi tôi dạy Gertrude là tội lỗi nặng nhất là làm phương hại đến hạnh phúc của người khác cũng như của chính mình.
Buồn thay, có những linh hồn không có khả năng chấp nhận hạnh phúc; vì kém cỏi vụng về… Tôi chạnh lòng nghĩ đến vợ. Tôi luôn luôn chào mời nàng hưởng lấy hạnh phúc, xô đẩy nàng về phía hạnh phúc, gần như cưỡng ép hạnh phúc lên nàng. Đúng, lòng tôi muốn nâng mọi người lên cao để hưởng ơn phước Thượng Đế. Nhưng nàng vẫn khăng khăng trốn chạy, tâm hồn luôn luôn khép kín như những loài hoa sầu muộn, mà không nắng nào có thể mãn khai. Chuyện gì cũng có thể làm cho nàng lo lắng bận tâm.
Một hôm nàng nói với tôi:
“Biết làm sao đây? Em không có may mắn được mù lòa.”
Chao ôi, lời nàng mai mỉa cay đắng làm sao. Đạo đức nào che chở cho tôi khỏi bị tổn thương bởi miệng lưỡi độc ác này. Tối thiểu nàng cũng phải biết tôi đau đớn dường nào, nếu ai ám chỉ đến tật nguyền của Gertrude. Nhưng hành động của vợ tôi làm tôi cảm thấy lòng vị tha nơi Gertrude lại càng cao quý hơn. Gertrude chưa hề mở miệng trách móc hay oán hờn bất cứ một ai bao giờ. Thật ra tôi không để nàng biết những chuyện có thể thương tổn nàng.
Nếu một tâm hồn hạnh phúc tỏa hào quang ra và reo rắc tình thương và niềm vui, thì xung quanh Amélie chỉ có tối tăm bệnh hoạn. Nếu Amiel nhà văn chuyên về bất an của đời sống tả nàng, chắc ông ta đã viết rằng tâm hồn Amélie phát ra những tia sáng đen. Sau một ngày thăm viếng những kẻ ốm đau tật nguyền, tôi về nhà mệt mỏi từ tâm hồn đến thể xác, mong đợi một tình yêu đầm ấm… vậy mà tôi chỉ tìm được những lo lắng buồn phiền hay đay nghiến oán trách. Mưa lạnh gió buốt bên ngoài còn muôn vàn dễ chịu hơn. Tôi biết vú già Rosalie nhiều khi cứng đầu chỉ muốn làm theo ý mình, tuy nhiên không phải bao giờ vợ tôi cũng đúng mà người làm cũng sai. Tôi cũng thừa biết là thằng Gaspard và con Charlotte là hai đứa trẻ tinh nghịch, nhưng nàng có thể thành công hơn nếu bớt to tiếng và kềm kẹp chúng suốt ngày. Lúc nào cũng mắng, lúc nào cũng phạt, thét ra rồi chúng chai lì rắn mày rắn mặt như sỏi đá. Kết quả là nhà tôi mắng chửi con mà chỉ có mình tôi khó chịu. Tôi cũng biết thằng út Claude mọc răng, nhưng nó vừa o oe là Amélie hay Sarah lại chạy lại bế ẵm… như thế có khác gì là khuyến khích cho nó hay nhè. Tôi tin rằng nó sẽ ít hét hơn nếu cứ để hét vài lần cho thỏa thích khi tôi không có ở đấy. Nhưng tôi biết chỉ những lúc tôi có mặt hai mẹ con mới vội vã bế nó.
Sarah càng lớn càng giống mẹ, làm tôi muốn bỏ nó vào nội trú. Sarah không giống mẹ khi Amélie còn trẻ vào cỡ tuổi nó khi chúng tôi mới đính hôn. Không, nó giống như mẹ nó bây giờ, sau tất cả những lo lắng và bận tâm của đời sống vật chất, tôi muốn nói sau cái thú nuôi dưỡng lo âu phiền muộn (vì quả thật Amélie có cái thú này). Nhìn vợ bây giờ, tôi không thể tưởng tượng lại hình ảnh nàng tiên mỉm cười với mỗi ước vọng hướng thượng của tôi, người con gái mà tôi muốn gắn bó tất cả cuộc đời, vị thiên thần đi trước và kéo tôi về phía ánh sáng _ Phải chăng tình yêu thủa đó đã làm tôi mù quáng? Bây giờ nơi con gái, tôi chỉ thấy những bận tâm nhỏ nhen tẹp nhẹp như mẹ nó. Ngay cả dung nhan nó thiếu cái ấm tình nội tâm, sao mà cứng cỏi buồn bã. Nó không thích thi ca, mà cũng chẳng ham sách vở; tôi chưa từng bắt gặp hai mẹ con bàn bạc chuyện gì mà tôi muốn dự vào; bên cạnh vợ con tôi còn thấy cô đơn hơn là khi lui vào phòng làm việc, điều mà mỗi ngày tôi làm mỗi nhiều hơn.
Từ độ sang thu ngày ngắn dần, tôi hay sang nhà cô Louise dùng trà, mỗi khi mục vụ xong sớm và có dịp rảnh rỗi. Tôi quên chưa kể từ tháng mười một, cô Louise đã nhận thêm mấy em bé mù do bác sĩ Martins gửi tới; Gertrude bây giờ trở thành cô giáo kèm học các em, và kết quả thật khả quan.
Biệt thự La Grange đầm ấm và an bình biết bao. Nếu hai ba hôm liền mà không tới được, tôi thấy khổ sở thiếu thốn làm sao. Cô Louise thật ra không phải vất vả lắm khi chăm sóc cho Gertrude và ba em bé mù; ba người làm tận tâm phục vụ, đỡ đần cô chủ những việc nặng nhọc. Nhưng phải nói là tiền của và thời gian xử dụng như vậy không thể còn cách nào xứng đáng hơn. Cô luôn luôn tỏ lòng thương người khốn khó. Thật là một tâm hồn ngoan đạo, một thiên thần tạm lưu lại cõi trần chỉ vì yêu thương và muốn giúp đỡ kẻ khác; dù cô đã có tuổi, mái đầu đã bạc trắng, nhưng không có gì trẻ trung hơn nụ cười của cô, hài hòa hơn dáng điệu của cô, êm đềm hơn giọng cô nói. Gertrude đã học được nơi cô, không những về lời ăn tiếng nói, mà còn về đường lối suy nghĩ cũng như cung cách toàn diện con người. Tôi hay trêu hai người về sự giống nhau này, nhưng cả hai không nhận thấy như tôi. Thật là êm đềm cho tôi, nếu hôm nào có thì giờ ở lại trễ với họ, ngắm họ ngồi bên nhau, Gertrude tựa đầu vào vai cô Louise, hay để cô cầm tay, nghe tôi đọc thơ Lamartine hay Hugo; sung sướng tuyệt vời cho tôi khi được ngắm ý thơ mỹ miều phản chiếu lại từ hai tâm hồn trong sáng. Tốt lành lan tràn đến ba em bé mù. Trong môi trường an bình và ấm tình thương, chúng tiến bộ nhanh chóng. Mới đầu tôi không tin, khi cô Louise nói đến chuyện cho các em học khiêu vũ, vừa giải trí mà lại tốt cho sức khỏe; nhưng bây giờ tôi phải thán phục tài vũ của các em, khi ngắm những bước điệu uyển chuyển các em thực hiện được. Chỉ tiếc các em không có thị giác để biết mình nhảy khéo đến đâu. Tuy nhiên cô Louise thuyết phục tôi rằng tuy không thấy được bằng mắt cái đẹp của những động tác khéo léo, các em vẫn cảm được qua cơ bắp mình. Gertrude cũng tham dự vào những điệu vũ này với duyên dáng, và cũng tỏ ra rất thích thú. Có lúc cô Louise nhảy chung với các em, trong khi Gertrude ngồi đàn dương cầm. Tiến bộ của nàng về âm nhạc thật là bất ngờ; bây giờ nàng phụ trách cây phong cầm mỗi chủ nhật, và đệm cho những buổi cầu kinh sáng chủ nhật bằng những đoạn ngắn tùy hứng.
Gertrude thường tới tôi ăn trưa với gia đình; đám con tôi rất mừng mỗi khi nàng tới, tuy rằng sở thích và thẩm mỹ của nàng mỗi ngày mỗi khác với chúng. Amélie nói chung, không tỏ ra khó chịu lắm, và bữa ăn thường thường trôi qua êm đẹp. Xong bữa, chúng tôi tiễn Gertrude về lại biệt thự La Grange, và chúng tôi ở đó tới chiều để uống trà. Đúng là một dịp vui hiếm có cho đám con tôi, và cô Louise có gì ngon ngọt là đem ra đãi chúng. Cả Amélie, thường không nhậy ứng với sự tiếp đón ân cần nói chung, cũng thư giãn, và sau cùng cũng như có phần trẻ lại trong những dịp thăm viếng này. Tôi nghĩ nàng cũng thích thói quen mới này, như một chút nhàn hạ cho cuộc sống vội vàng tất bật của nàng, và nếu phải bỏ chắc nàng sẽ thấy cũng hơi khó khăn.
*
Ngày 18 tháng Năm.
Bây giờ thời tiết đã ấm áp, và tôi lại có dịp dẫn Gertrude ra ngoài, việc đã không làm khá lâu (vì tuyết lại rơi, và mãi gần đây đường xá ở trong tình trạng lầy lội). Vả lại lâu lắm tôi cũng không có dịp gặp riêng nàng.
kand1 Ra khỏi nhà, chúng tôi vui vẻ rảo bước; gió lạnh làm nàng đỏ má, thổi mấy lọn tóc vàng phất phơ trước trán. Lúc đi dọc theo một đầm lầy, tôi với tay hái vài bông cói mới nở cho nàng gài dưới mũ và bím vào mái tóc để giữ cho khỏi bay.
Một lát rồi mà chúng tôi vẫn chưa nói chuyện, như còn ngạc nhiên sung sướng vì thú vui được gặp riêng nhau, khi Gertrude bỗng ngoảnh lại hỏi tôi:
“Mục sư có nghĩ là anh Jacques còn yêu con không?”
Tôi vội trả lời:
“Anh ấy đã cam kết không theo đuổi con nữa.”
Nàng lại hỏi:
“Mục sư có nghĩ là anh ấy biết Mục sư yêu con không?”
Từ câu chuyện mùa hè năm ngoái tôi đã kể, từ sáu tháng nay chúng tôi không nói đến yêu đương. Chúng tôi không có dịp gặp riêng nhau, mà kể như vậy cũng là điều hay… Bây giờ câu hỏi của Gertrude làm tim tôi đập liên hồi, đến nỗi tôi phải chậm bước lại. Tôi đáp:
“Ai chả biết là ta thương con.”
Nàng không chịu thua:
“Không đâu. Như vậy là Mục sư không trả lời câu con hỏi.”
Một giây yên lặng trôi qua, nàng cúi đầu khẽ nói:
“Dì Amélie biết. Mà con biết là biết điều này, Dì con buồn lắm.”
“Không có chuyện này thì Dì cũng vẫn buồn. Bản tính Dì không bao giờ vui.”
Nàng có vẻ bực mình:
“Ô! Mục sư luôn luôn tìm cách làm con an lòng. Con không muốn an lòng như vậy. Con biết có nhiều chuyện Mục sư giấu con, sợ con buồn. Vì có nhiều chuyện con không được biết, nên nhiều khi con nghĩ…”
Giọng nàng nhỏ dần rồi tắt, tựa hồ như hụt hơi. Bắt lấy mấy chữ cuối cùng nàng vừa nói, tôi hỏi:
“Nên nhiều khi làm sao hở cưng?”
Nàng tiếp lời, buồn bã:
“Thỉnh thoảng con thấy như thể là tất cả niềm hạnh phúc Mục sư dành cho con là dựa trên việc con không được biết hết cả mọi chuyện.”
“Gertrude con, nhưng mà…”
“Không, Mục sư để cho con nói hết: Con không muốn hạnh phúc như vậy. Hãy hiểu cho con là… Con không cần hạnh phúc. Con muốn biết sự thật hơn. Có rất nhiều chuyện, nhiều chuyện buồn mà con không thấy được, nhưng Mục sư không được giấu con. Mấy tháng mùa đông, con đã suy nghĩ rất nhiều. Mục sư, con sợ rằng thế giới không đẹp như Mục sư muốn con nghĩ, thậm chí còn xấu hơn nhiều lắm.”
Sợ hãi, tôi gắng biện minh:
“Thật ra thì loài người nhiều khi làm thế giới này xấu đi.”
Đà suy nghĩ của nàng làm tôi lo sợ. Như tuyệt vọng, tôi tìm cách đổi hướng câu chuyện. Nàng bắt lấy lời tôi nói, như một chiếc chìa khóa để cởi mở mối bận tâm. Nàng nói:
“Chính vậy. Con không muốn thân phận con lại làm cho cuộc đời thêm xấu.”
Trong giây lâu, chúng tôi yên lặng rảo bước. Những lời tôi có thể nói với nàng chưa nói đã cảm thấy vấp phải những điều nàng đang nghĩ; tôi sợ nói lỡ ra một câu nào đó có khả năng quyết định số phận chúng tôi. Nghĩ đến lời anh bạn Martins cho hay mắt nàng nếu mổ có thể nhìn lại được, lòng tôi bỗng vô cùng bất an.
Sau cùng nàng nói:
“Con có chuyện muốn hỏi Mục sư, nhưng không biết nói làm sao…”
Tất nhiên là nàng đang vận động tất cả can đảm để nói, mà tôi cũng đang vận động tất cả can đảm đợi nghe. Nhưng làm sao mà tôi đoán nổi câu hỏi của nàng:
“Con cái người mù đẻ ra, có bắt buộc phải mù không?”
Trong chúng tôi, tôi không biết ai ngột ngạt hơn ai; nhưng đã đến thế này thì chỉ còn cách tiếp tục. Tôi nói:
“Không Gertrude, trừ trường hợp bất thường lắm. Thật ra không có lý do gì mà con cái người mù, bẩm sinh là đã phải mù.”
Câu trả lời làm nàng hoàn toàn yên tâm. Tôi muốn hỏi tại sao nàng lại thắc mắc chuyện này. Không đủ can đảm hỏi thẳng, tôi vụng về nói quanh:
“Gertrude ạ, phải có chồng rồi mới có con được.”
“Mục sư đừng nói dối con. Con biết sự thật đâu có phải như vậy.”
“Ta chỉ nói những điều đàng hoàng trang trọng. Thật ra có nhiều chuyện thiên nhiên cho phép, mà phong tục loài người cũng như luật Chúa không cho.”
“Thế sao Mục sư lại dạy con là luật Chúa chính là luật của Tình Thương?”
“Tình Thương đây là tình thương tế độ.”
“Mục sư thương con với tình thương tế độ sao?”
“Gertrude cưng. Con dư biết là không phải vậy.”
“Vậy Mục sư cho là tình chúng ta vượt ra ngoài phép Chúa sao?”
“Con muốn nói gì?”
“Mục sư biết mà. Lẽ ra con không phải là người nói ra chuyện này.”
Tôi đã hoài công lẩn trốn. Tim tôi đổ hồi, và những lý lẽ nêu ra lúng túng bất thông. Như điên dại, tôi nói lớn:
“Gertrude… con nghĩ tình con tội lỗi?”
Nàng sửa lời tôi:
“Mục sư muốn nói ‘tình chúng mình’… Con nghĩ là có tội lỗi.”“Vậy tính sao hở con?”
Tôi ngạc nhiên thấy trong giọng mình có van xin năn nỉ. Như hụt hơi, nàng nói tiếp:
“Nhưng dù sao đi nữa, con không thể ngừng yêu Mục sư được.”
Câu chuyện xẩy ra hôm qua. Tôi ngần ngại không ghi chép ngay. Tôi không còn nhớ buổi vãn cảnh đó kết thúc làm sao. Chúng tôi rảo bước như trốn chạy. Tôi ghì chặt cánh tay nàng. Linh hồn như đã lìa khỏi xác, và chỉ một viên sỏi nhỏ trên đường cũng đủ làm chúng tôi vấp ngã.