Chương 9
Tác giả: Bà Tùng Long
Ngồi co ro giữa bốn bức tường kín, Nguyệt ăn năn hối hận không sao nói được.
Nàng đã gieo gió thì phải gặt bão. Sự đời như thế là thường.
Rồi đây, ra tòa nàng sẽ lãnh một cái án nặng, án giết chồng. Nàng không thể chối cãi được vì làm sao đổ hết tội lỗi cho Tống? Nếu không có nàng xúi xử thì Tống đâu cố ý giết Văn để phải giết lầm Vũ.
Mấy hôm nay, bị giam giữ, vô cùng khổ sở. Từ thuở bé, sống trong nhung lụa, muốn gì được nấy, bây giờ sống giữa chốn lao tù, nàng không thể nào chịu nổ sự cực khổ. Lắm lúc nàng muốn chết mà nào ai cho nàng chết.
Nàng là người quỷ quyệt, gian xảo, thế mà mấy hôm nay cố bươi trong óc những mưu kế thoát tội vẫn không tìm thấy mư nào ổn thỏa cả.
Tống bị bắt, nàng tìm luật sư lo cho Tống, nhưng bây giờ nàng bị bắt , ai sẽ lo cho nàng? Ngoài Văn ra, nàng không còn ai bà con ruột thịt cả. Nàng chỉ còn biết đợi ngày lãnh án mà thôi. Rồi đây đời nàng sẽ mòn mỏi trong bốn bức tường đen tối.
Từ hôm bị bắt giam đến nay, nàng không nhận được ở bên ngoài một món quà nào cả. Nàng thấy chua xót quá và đã nhiều lần, nàng có ý muốn tự tử cho rồi một đời. Chớ nếu đợi cho được trả tự do để trở về với xã hội thì nàng không còn hy vọng gì làm lại cuộc đời được nữa. Còn đâu là tương lai?
Giá nàng đừng ghen với Thủy, cứ là ngơ để Tống thuyết phục Thủy, làm chủ gia tài của Thủy và làm chồng người có học như Thủy thì Tống không bao giờ phải lết bè, kết đảng với bọn lưu manh để đi làm tiền và bị sa lưới pháp luật.
Đầu đuôi cũng tại Nguyệt cả, Nguyệt đã có chồng mà còn đi ghen tương với Tống để Tống oán ghét Nguyệt, cho là Nguyệt đã phá nát cuộc đời của hắn, Tống đã khai cho Nguyệt. Hắn còn đưa ra nhiều bằng chứng khiến Nguyệt không sao chối được.
Một tuần nay không ăn được, Nguyệt gầy ốm xanh xao… Các tù nhân khác mỗi tuần còn nhận được của người nhà các thức ăn, chứ nàng thì ai lo cho nữa. Có ai là người thân để đi nuôi nàng?
Nhưng hôm nay, người ta đã gọi đến tên nàng, gọi ra để lãnh các thức ăn của người nhà gửi vào. Nguyệt mừng rỡ ra nhận một cái gói lớn, có hai bộ áo quần, một cái mùng, một cái mền, vài thứ cần thiết cho phụ nữ, một hộp bánh mì nướng và hai gói trái cây, đường, muối, kẹo…
Nguyệt cảm động đến rơi nước mắt. Ai đã gởi những thức này cho nàng? Nàng lật qua, lật lại cái gói, cố tìm một dấu vết của kẻ đã gởi cho nàng. Bỗng đôi mắt nàng sáng lên. trên một cái gói có viết những chữ: “của dì Sáu gởi”.
Dì Sáu nào? Thôi đích rồi, của chị Sáu, người giúp việc cho mẹ nàng trước kia và mới rồi nàng đem về cho ở tại ngôi nhà của nàng để lo việc hương đèn và trông nom nhà cửa.
Chị Sáu tử tế quá, đã nghĩ đến nàng. Nhưng chị Sáu làm gì có tiền mà mua sắm các thức ăn? cái mùng và cái mền này là của nàng ở nhà Văn. Cả hai bộ đồ mát và những cái quần đen cũng ở nhà Văn, trong phòng ngủ của nàng, trong tủ khóa kín.
Ai đã lấy những thứ ấy đưa cho chị Sáu? Nếu không phải Văn thì còn ai nữa.
Trời ơi! Văn quân tử đến thế sao? Văn không oán ghét, nguyền rủa nàng mà trái lại còn lo lắng cho nàng. Sợ Nguyệt lạnh, Văn gởi mền mùng. Sợ Nguyệt không có áo quần thay đổi, Văn gởi đồ mát. Một người chồng như thế mà Nguyệt toan giết để cướp gia tài thì Nguyệt là người tán tận lương tâm. Nhìn các đồ vật đang trải ra trước mắt, Nguyệt ngồi ôm mặt khóc, không còn thiết gì đến ăn uống. Nhưng bỗng Nguyệt thấy lòng đầy hy vọng. Nếu Văn mà nghĩ đến nàng thì chắc thế nào Văn Văn cũng lo chạy luật sư cho nàng.
Nguyệt lấy một trái cam lột ra ăn.Chưa bao giờ nàng thấy trái cam có hương vị như hôm naỵ Nàng ăn vào nghe mát và khẻo quá. Sự săn s1oc của Văn đã cho Nguyệt một hy vọng và chính hy vọng ấy đã đem lại sinh lực cho Nguyệt. Nàng không quá bi quan như những ngày trước.
Từ ấy mỗi tuần nàng đều nhận ở ngoài gởi vào hai giỏ đủ các thức ăn và các thứ cần dùng, lại có cả dầu nóng, dầu khuynh diệp…
Nguyệt đợi ngày ra tòa. Một hôm có một luật sư được phép vào thăm nàng, Nguyệt có cảm tưởng ông luật sư ấy đã đem ánh sáng chói lọi vào căn phòng giam bé nhỏ, tối tăm mà nàng đang sống. Ông luật sư ấy cho biết một thiếu nữ đã bỏ tiền ra nhờ ông bào chữa cho nàng.
Nguyệt ngạc nhiên:
- Thưa ông, ông có thể cho tôi biết thiếu nữ ấy là ai mà tử tế với tôi như thế?
Luật sư Trọng nói:
- Thiếu nữ ấy yêu cầu tôi giấu tên.
Luật sư Trọng hỏi Nguyệt về những âm mưu của nàng và Tống trước kia, và bày cho Nguyệt cách ra tòa phải khai thế nào để được nhẹ tội.
Nguyệt thấy luật sư Trọng sắp ra về thì do dự một chút rồi hỏi:
- Thưa ông, mấy lúc nay, một tuần hai lần, tôi nhận được các thức ăn và quần áo, nhưng tôi chẳng biết những thứ ấy do ai gởi vào.
Luật sư Trọng nói:
- Những thức ấy của ông kỹ sư Văn, chồng bà. Ngoài chồng bà ra, không ai có quyền nuôi bà.
Nguyệt ôm mặt khóc, luật sư Trọng ái ngại hỏi:
- Bà muốn nhắn gì với ông kỹ sư không?
Nguyệt lấy tay lau nước mắt:
- Nhờ ông nói giùm với ông kỹ sư Văn là tôi thành thật cảm ơn ông ấy và cũng thành thật xin ông ấy tha lỗi. Còn với người ân nhân vô danh của tôi, xin ông nói giùm, tôi hết sức đội ơn người…
Luật sư Trọng về rồi, Nguyệt ngồi ôm đầu suy nghĩ, cố tìm cho ra thiếu nữ nào đã bỏ tiền lo thầy kiện cho nàng. Mỹ Dung ư? Vô lý lắm, vì Mỹ Dung có biết nàng là ai? Hay là Thủy? Nhưng Thủy việc gì lại lo cho nàng? Nàng đã làm nhục Thủy… Kể ra thì chính nhờ nàng đã làm nhục Thủy mà Thủy khỏi bị Tống lường gạt. Biết đâu Thủy không lấy đó làm cái ơn?
Nghĩ đi nghĩ lại, Nguyệt không tin Thủy có một tâm hồn cao thượng như thế. Hay là Văn tránh tiếng, bỏ tiền ra nhờ Thủy lỏ Hay là chính Văn đã lo cho nàng mà dặn luật sư Trọng nói dối là một thiếu nữ.
Nguyệt nghĩ chừng nào càng thấy khó hiểu chừng nấy…
Nguyệt sống trong khám đã gần sáu tháng mà chưa thấy tòa xử. Một ngày đối với Nguyệt dài như một năm. Suốt ngày nàng ngồi bó gối nhai đi nhai lại sự ăn năn hối hận hoặc sự đau thương vì cảnh ngộ của mình.
Nàng được “nuôi” tử tế nên cũng không đến nỗi thiếu thốn quá về vật chất. Nhưng có ai trong cảnh ấy mà an phận đâu? Có sống những ngày giam hãm trong bốn vách tường ấy, Nguyệt mới cảm thấy một cách đầy ý nghĩa sự tự do của nàng trước kia. Sự giàu sang chẳng qua chỉ là một giấc mộng. Vì cái bả phú quý mà nàng cố làm vợ Văn cho được. Làm vợ Văn, nàng đâu sung sướng gì. Nàng chỉ được cái hư danh làm vợ của một ông kỹ sư.
Nghĩ lại cái dĩ vãng mờ ám, sống những ngày hiện tại đen tối, Nguyệt ân hận, đau khổ không sao nói được. Nàng chỉ mong sao pháp luật xử khoan hồng để nàng còn kịp ngày giờ sám hối và chuộc tội.
Sau vụ này, lẽ dĩ nhiên, nàng không còn là bà kỹ sư Văn nữa. Nhưng nàng có thể tu tỉnh lại, sống một cách lương thiện…
Sáu tháng dài đăng đẳng đã trôi qua và chỉ còn vài hôm nữa là người ta đưa Nguyệt ra xử.
Nguyệt nao nao, lo sợ đợi cái ngày ấy. Trước ngày xử hai hôm, Nguyệt nhận được một cái giỏ lớn của chị Sáu gởi vào, trong ấy có một chiếc áo dài đen, một cái quần đen và một cái khăn choàng. Chắc chị Sáu muốn Nguyệt ra trước vành móng ngựa với bộ quần áo tử tế ấy. Nhìn bộ quần áo Nguyệt thở dài. Hôm toà xử chắc thiên hạ đi xem đông lắm. Người ta muốn thấy tận mắt người đàn bà độc ác, nham hiểm, lăng loàn, âm mưu giết chồng để cướp của và để sống với tình nhân. Ôi! Xấu hổ cho nàng biết bao nhiêu! Nàng còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa?
Nàng còn nhớ cách đây sáu năm, vụ án cô Qườn giết chồng đã làm dư luận xôn xao không ít.
Lúc ấy còn là một thiếu nữ, nàng đã đón đọc những bài tường thuật về vụ án giết chồng ấy.
Nhưng dư luận ngày ấy không cay nghiệt đối với cô Qườn. Cô Qườn sỡ dĩ phải giết chồng là vì cô bị thầy Sĩ phụ rẫy. Cô đau khổ vì ghen tương nên phạm tội giết chồng. Người ta thương hại cô nhiều hơn là oán ghét nguyền rủa cô.
Nhưng còn Nguyệt? Nguyệt vì ngoại tình mà giết chồng. Cái án của nàng nặng lắm. Người ta sẽ nhỉ phổ vào mặt nàng.
Khi tòa án xử vụ án cô Qườn, Nguyệt cũng như bao nhiêu người tò mò khác, đã thức dậy từ lúc bốn giờ, để có mặt trước tòa án từ sáng sớm. Nàng đã chen lấn vào ngồi trong phòng xử và đã xem tận mắt phiên xử sôi nổi mà cảm động ấy.
Ngày hôm ấy, cũng như bao nhiêu người đàn bà khác thương hại cho cô Qườn, Nguyệt cảm động đến rơi lệ.
Cô Qườn vì quá yêu chồng mà giết chồng, chứ còn Nguyệt thì chỉ vì có tình nhân mà nỡ âm mưu giết chồng. Chồng không chết, người em chồng bị vạ lây, thành ra câu chuyện đến ngày hôm nay mới đổ bể.
Nguyệt không ngờ bây giờ lại đến phiên nàng ra tòa để mọi người nhìn tận mặt, bàn tán, sỉ vả.
Nghĩ đến lúc phải chường mặt ở tòa án, Nguyệt muốn chết được. Ngày hôm ấy thế nào cũng có Văn, và biết đâu không có cả Mỹ Dung, Thủy và những người quen biết trước kia của nàng?
Nguyệt như người cuồng loạn không còn nghĩ gì hơn là tìm lấy cái chết để khỏi phải trông thấy những người quen biết. Nhục nhã quá và cũng xấu hổ quá.
Cách đây mấy tháng, nàng còn nuôi hy vọng được lãnh một cái án nhẹ để có ngày chuộc tội và làm lại cuộc đời… Nhưng hôm nay thì cái ý nghĩ phải chết để khỏi phải đem thân ra trước tòa, bêu rếu cho mọi người thấy, làm Nguyệt không còn thiết gì nữa cả. Nàng nằm suốt cả ngày, bỏ cả ăn.
Nàng tự nhủ: Tại sao ta không nhịn ăn để chết cho yên thân? Bây giờ có nhịn cũng trễ rồi.
Cả đêm, nàng thao thức không sao ngủ được, vì vậy, hôm sau người nàng hốc hác trông bi thảm hết sức. Chiếc áo dài đen làm lộ hẳn thân hình gầy còm của nàng. Nàng bị còng tay đi giữa hai người lính để vào phòng xử. Ngoài cửa tòa án, người ta đứng đông như kiến, xô lấn nhau để nhìn cho được mặt nàng. Nàng cúi đầu lủi thủi đi, không dám nhìn ai cả. Nhưng tai nàng làm sao không nghe những câu nguyền rủa:
- Nó kia kìa! Cái con giết chồng ấy, các bà không biết sao?
- Vẻ mặt nó đanh ác quá nhỉ?
- Ít ra nó cũng lãnh mười năm khổ sai.
Nguyệt nghe ù cả tai, nhức cả óc, đôi mắt hoa lên, tay chân bủn rủn. Người ta đổ xô về phía nàng, may mà những nhân viên cảnh sát giải tán được đám người ồ ạt ấy để nàng thoát khỏi cái nạn xâu xé.
Phiên tòa bắt đầu.
Nguyệt được kêu ra trước vành móng ngựa để trả lời và tường thuật lại những điều nàng đã khai trước kia. Nàng đã giữ y những lời khai cũ. Trong lúc đứng chờ, nàng nhìn xuống các hàng ghế. Trên hàng ghế đấu, nàng nhìn thấy Văn ngồi một bên chị Sáu. Đôi mắt chị Sáu đỏ hoe, còn vẻ mặt Văn thì buồn như kẻ đi đưa đám ma.
Lúc ấy, tự nhiên Nguyệt không thấy bối rối và hổ thẹn nữa. Nàng trở nên bạo dạn. Nàng thầm cầu mong được lãnh án tử hình để có thể chuộc được những tội ác mà nàng đã gây ra.
Nàng chưa bao giờ thấy Văn đau khổ như thế. Nàng có lỗi với Văn quá. Nàng quay lại nhìn Tống. Hắn đang ngồi giữa hai người lính. Vẻ mặt của hắn lầm lì, đanh ác, trông ghê tởm làm sao! Giữa Văn và Tống, thật là một trời một vực. Một kẻ tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp, một kẻ hiện thân của tội ác. Thế mà trước kia, nàng muốn từ bỏ Văn để sống với Tống thì thật nàng là kẻ có mắt không tròng.
Bằng một giọng đầy hối hận, Nguyệt thú nhận tất cả tội lỗi, rồi xin tòa cho lãnh án tử hình để chuộc tội và cũng để làm gương cho những người đàn bà lăng loàn. Nàng nói:
- Thưa quan chánh án, chỉ với cái chết tôi mới có thể chuộc được tội lỗi của tôi và đền đáp được tấm lòng vàng của người đã vì tôi mà danh dự bị hoen ố. Tôi không dám đổ lỗi cho ai, tôi gieo gió thì tôi phải gặt bão…
Nguyệt ngừng nói, ôm mặt khóc nức nở. Một lúc sau, nàng ngẩng lên nói tiếp:
- Nếu quan chánh án khoan hồng xử nhẹ cho tôi thì sau khi mãn tù, tôi cũng không thể nào sống được. Sự ăn năn, hối hận sẽ giết tôi. Người đời không ai chứa chấp tôi được.
Nguyệt nhìn xuống chỗ Văn ngồi. Nàng nhìn thấy Văn đang nhìn nàng với đôi mắt thương hại. Bỗng nàng nhận ra Thủy, Thủy ngồi ở một góc, đang nhìn nàng đầy vẻ xót xa, còn chị Sáu thì khóc thút thít.
Người ta đưa Nguyệt về chỗ. Và đến phiên Tống ra trước vành móng ngựa. Trong phòng xử mọi người đều hồi hộp nghe Tống nói.
Tống với đôi mắt trắng dã, làn da nhợt nhạt, nhưng không có vẻ gì là sợ sệt cả. Tống nói giọng lanh lảnh:
- Thưa quan chánh án, tôi sở dĩ làm kẻ đồng lõa của Nguyệt là vì nhiều lẽ. Tôi và Nguyệt tuy có bà con nhưng là bà con rất xạ Bà Định đem tôi về nuôi và muốn lập tôi làm kế tự cho bà.
Tôi có bao giờ dám đèo bồng đến cô Nguyệt. Nhưng cô ấy bị tình phụ, rầu buồn, thất vọng, lấy tôi làm món giải sầu. Khi công việc đã lỡ, bà Định đã không ngả cô cho tôi lại còn xô đuồi tôi đi nơi khác.
Rồi bà gả Nguyệt cho ông kỹ sư Văn vì ông này giàu có, danh giá. Nguyệt đã mất trinh nên ông Văn không thèm ngó ngàng đến nữa. Thế là Nguyệt quay lại với tôi. Tôi cũng biết nếu tôi cứ đeo đuổi theo Nguyệt thì đời tôi không ra gì, chỉ sống trong bóng tối mà thôi. nhưng nhiều lần tôi tìm cách xa lánh Nguyệt mà Nguyệt cứ theo sát bên tôi, ghen với tôi và không cho tôi được tự do lập gia đình.
Rồi sợ bị tôi phụ, Nguyệt mới bàn với tôi cách giết Văn để nàng được tự do sống với tôi và chiếm gia tài của ông Văn.
Tôi không dám nhúng tay vào máu, nhưng Nguyệt cứ theo ép tôi phải giết Văn. Nàng dò biết những giờ đi về của Văn và báo tôi biết để dễ bề hành động.
Nếu Nguyệt đừng làm khổ tôi, thì tôi đã cưới một thiếu nữ có học, con nhà giàu, nết na, và hết sức yêu tôi rồi. Chỉ tại Nguyệt kiếm chuyện ghen tương, phá rầy mà thiếu nữ nọ phải bỏ tôi…
Những lời của Tống, lời nào cũng buộc tội Nguyệt cả. Thế mà Nguyệt ngồi yên lặng, không hề lấy làm khó chịu.
Nàng không còn nghe gì nữa cả. Trước mắt, nàng chỉ thấy có Văn. Văn đang chịu đựng sự nhục nhã do nàng gây ra.
Nguyệt ngồi như kẻ mất hồn, Tống khai xong từ lâu mà nàng cũng không để ý. Bỗng nàng nghe văng vẳng bên tai một gịong nói hiền lành, ấm cúng, rất quen tai. Nguyệt quay lại thì thấy Văn, chàng đang nói:
- Xin quan chánh án khoan hồng đối với bị can. Trong việc này tôi xin nhận thấy mình cũng có một phần trách nhiệm. Vâng lời cha cưới Nguyệt, nhưng tôi không thể nào yêu thương Nguyệt được vì nàng đã hư hỏng như lời Tống khai. Lẽ ra không yêu Nguyệt thì tôi cứ việc ly dị với nàng, đằng này tôi cứ để nàng sống bên tôi mà không thèm ngó ngàng gì đến nàng cả. Nguyệt trở lại với Tống, bị Tống hành hạ, xúi xử làm việc sát nhân cũng vì tôi đã bỏ bê nàng trong lúc nàng còn xuân trẻ.
Mỗi lời nói của Văn là một mũi tên đâm vào tim Nguyệt, nàng không dám nhìn Văn, cúi đầu ân hận.
Tòa tuyên bố nghỉ nửa giờ trước khi tuyên án. Trong khi ấy, ngoài phòng xử mọi người đang trông đợi.
Văn đứng lên đi ra ngoài hành lang, có vẻ bứt rứt lo lắng. Thủy cũng ra theo. Nàng đến bên Văn, cúi đầu chào và nói:
- Xin lỗi ông, ông cho phép tôi được hỏi một lời.
Văn quay lại, thấy Thủy thì nghi nàng là một phóng viên, nên hỏi:
- Cô là ai?
Thủy nói:
- Tôi là người thọ ân của bà Nguyệt.
Văn lại càng không hiểu gì cả, hỏi lại:
- Cô là người thọ ân của Nguyệt?
Thủy liền nói:
- Nếu không có bà Nguyệt thì tôi đã lầm Tống rồi và có thể kết duyên với Tống.
Văn mỉa mai:
- Bà Nguyệt bắt ghen và giải thoát cho cô chớ gì? Nhưng bây giờ cô muốn nói chuyện gì với tôi?
- Người ta đồn rằng ông đã ly dị với Nguyệt rồi. Tôi muốn biết lời đồn đãi ấy đúng không?
Văn rùn vai:
- Dù không muốn, tôi cũng không thể nào ở đời với Nguyệt. Huống nữa…
Thủy không để Văn nói hết lời, chặng ngang:
- Nhưng mấy lúc nay ông vẫn cho người đi nuôi bà Nguyệt chứ?
- Cô hỏi để làm gì?
- Tôi muốn từ rày ông cho phép tôi được nuôi bà Nguyệt.
Văn nhìn Thủy và nói:
- Phiền cô vô ích. Tôi đã nhờ chị Sáu, người giúp việc của Nguyệt, nuôi Nguyệt mấy lúc naỵ Cô tử tế quá. Có phải cô đã bỏ tiền ra nhờ người bào chữa cho Nguyệt không? Tôi chỉ nhờ có hai luật sư mà hôm nay có đến ba người bào chữa cho Nguyệt.
Thủy nói:
- Tôi sợ Ông không lo cho bà Nguyệt. Ông tốt quá. Thật tôi đã nghĩ lầm về ông.
Hai người đang nói đến đây bỗng ở bên trong náo động. Nhân viên cảnh sát vẹt đám đông và vực Nguyệt ra một chiếc xe Hồng thập tự. Người nàng cứng đơ và máu ở miệng chảy ra ròng ròng. Một cảnh sát viên ngồi bên Nguyệt nói:
- Cô ấy cắn lưỡi từ bao giờ, chúng tôi không hay.
Văn và Thủy len lỏi trong đám người tò mò, chạy đến chỗ xe Hồng thập tự màng Nguyệt chạy ra khỏi sân tòa án.
Hôm sau, các báo đăng tin Nguyệt cắn lưỡi chết trong khi tòa chưa kịp nêu lên án. Và vì Nguyệt nên Tống lại bị giam trở lại để chờ phiên tòa khác.
Nguyệt đã đền tội và những ai nguyền rủa nàng bây giờ cũng đều thương hại cho nàng. Văn xin lãnh xác nàng để chôn cất. Đám tang cử hành một cách lặng lẽ. Thủy và chị Sáu sụt sùi bên chiếc quan tài. Văn lặng lẽ đưa Nguyệt đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cái chết của Nguyệt đã làm Văn ngậm ngùi thương xót không sao nói được. Chàng ăn năn là đã làm cho Nguyệt tuyệt vọng.
Chôn cất Nguyệt xong, Văn lại tìm chị Sáu nói:
- Tôi sẽ rước Nguyệt về đây để thờ với bà gia của tôi. Chị cứ ở đây, tôi nhờ chị việc lo nhang khói. Chị cứ yên lòng, tôi sẽ trả cho chị mỗi tháng một ngàn đồng, cho chị Ở các gian nhà phía sau, còn nhà trên thì để thờ. Đến ngày giỗ tôi sẽ về. Ngày thường chắc là tôi không về được.
Chị Sáu vừa khóc vừa nói:
- Cô Nguyệt đi sai đường, có một người chồng như ông mà cô ấy không biết quý…
Văn không để chị Sáu nói hết lời:
- Thôi, chuyện đã qua rồi. Mình có ngồi tiếc cũng không ích gì. Chị ráng ở đây, cứ xem nhà này như nhà của chị và khi nào chị trăm tuổi đã có tôi lo.
Chị Sáu:
- Tôi biết ông là người tốt. Tôi xin ở đây giúp ông. Ông cứ yên lòng mà lo công việc. Thưa ông, cô Thủy nào đó vậy ông? Cô ta tử tế với cô Nguyệt lắm, mà cũng đẹp quá phải không ông?
Văn nói:
- Nào tôi có để ý đến ai mà biết đẹp xấu. Hôm ra tòa, tôi không còn thấy ai ngoài Nguyệt. Nàng tiều tụy quá, xanh xao quá. Đến khi nghe tin Nguyệt chết, tôi như kẻ mất hồn, còn biết gì đâu. May quá, chị nhắc tôi mới nhớ. Tôi phải lại nhà cô Thủy để thăm và cảm ơn mới được.
Thế là Văn đứng lên đi ngay lại nhà Thủy. Thủy đang ngồi đan áo, thấy Văn đến liền đứng dậy, vui mừng nói:
- Ai chỉ nhà tôi mà ông biết?
Văn nói:
- Chị Sáu. Tôi đến xin lỗi cộ Lẽ ra tôi đến cảm ơn cô ngay từ mấy hôm trước, nhưng tôi như kẻ mất trí.
Thủy nói:
- Nào có ơn nghĩa gì… Hôm nay ông đã khỏe chưa?
Lúc bấy giờ Văn mới ngước lên nhìn Thủy. Chàng thấy Thủy cũng đẹp đẽ, dịu dàng như Mỹ Dung. Chàng lại nhìn khắp gian phòng.
Thủy nói:
- Thật con người sống chết nào có nghĩa lý gì. Mấy hôm nay tôi ngao ngán quá, nhất là người trong cảnh tôi.
Rồi không đợi Văn hỏi, Thủy kể hết cho Văn nghe về cuộc tình duyên dang dở của nàng, về sự ghen tương của Nguyệt, về cách đối xử của nàng sau khi bị Nguyệt bắt ghen.
Văn ngồi nghe và cảm phục cho sự thành thật của Thủy. Chàng nói:
- Ở đời thật có ít người thành thật như cộ Chỉ vì cô thành thật mà Nguyệt mới để cô yên, tin những lời cô, chứ Nguyệt là người thủ đoạn lắm, cô ạ. Nhưng thôi, đừng nhắc đến người chết nữa.
- Ông nói đùa. Đừng nhắc đến người chết nữa. Nhưng còn với người sống, ông nghĩ thế nào?
Văn ngạc nhiên nhìn Thủy:
- Cô muốn nói đến ai?
Thủy cười đáp:
- Tôi muốn nói đến cô Mỹ Dung, một thiếu nữ bấy lây nay được ông tận tình săn sóc.
Văn nói:
- Mấy lúc nay, tôi không còn gặp Mỹ Dung nữa. Tôi chỉ được biết là cô ấy đã khỏi bệnh và đã ra khỏi bệnh viện rồi.
- Tại sao có chuyện lạ lùng như thế?
- Cô đã thành thật kể tôi nghe tâm sự của cô, thì giờ đây tôi cũng xin kể cô nghe về chuyện lòng của tôi, và biết đâu, sau khi nghe xong, cô không giúp cho tôi được vài ý kiến.
Nói xong Văn bắt đầu kể. Chàng nói bằng một giọng trầm trầm, và Thủy nghe một cách chăm chú. Khi Văn kể xong, Thủy nói:
- Câu chuyện ông kể cảm động thật. Thật tội nghiệp cho Mỹ Dung, yêu đến nỗi có thể lầm ông với ông Vũ. Nhưng bây giờ thì Mỹ Dung đã biết mình lầm chưa?
- Tôi cũng không hiểu nữa. Bác sĩ Quân không cho tôi vào gặp Mỹ Dung, từ khi nàng tỉnh lại sau cơn mê hai ngày một đêm ấy. Vì vai trò của tôi đến đấy là chấm dứt.
- Đành là thế. Nhưng tôi tin chắc rồi đây thế nào Mỹ Dung cũng đến thăm ông và cảm ơn ông.
- Cảm ơn cái gì?
- Chính ông đã bỏ tiền ra chạy chữa cho Mỹ Dung kia mà.
- Nhưng Mỹ Dung đâu biết chuyện ấy. Ai cũng bảo với nàng là ông giám đốc hãng Hồng Tân đã bỏ tiền ra lo cho nàng nằm ở bệnh viện bác sĩ Quân.
Thủy hỏi:
- Nhưng ông có muốn Mỹ Dung biết là nàng lầm không?
Văn lắc đầu:
- Vô ích. Tôi sở dĩ làm việc ấy là vì Vũ đã chết thế cho tôi. Tôi nghĩ đến Vũ nên đã lo cho Mỹ Dung.
Thủy nói:
- Nếu vậy ông không nên gặp Mỹ Dung nữa. Nếu thật cô ta đã tỉnh hẳn thì cô ta sẽ nhớ lại tất cả. Vũ đã chết thì còn ông Vũ nào vào nuôi cô ta ở bệnh viện? Cô ta sẽ tìm hiểu và thế nào rồi cũng khám phá ra sự tử tế của ông. À, mấy lúc nay đọc báo, chắc cô Mỹ Dung cũng thấy nói đến vụ án của Tống và bà Nguyệt. Người ta tường thuật kỹ lắm. Và có nhiều báo đăng ảnh của ông bên cạnh ảnh của ông Vũ, người bị giết. Cô Mỹ Dung thế nào cũng hiểu. Cô ấy chưa đến tìm ông là còn có một nguyên nhân chi đây.
Văn suy nghĩ rồi nói:
- Cô nói cũng có lý. Mấy lúc nay vì câu chuyện của Nguyệt, tôi chẳng nghĩ ra việc gì cả. Nay cô nói, tôi mới nhớ ra là Mỹ Dung có thể xem báo.
Hai người nói chuyện một lúc rồi Văn đứng dậy cáo từ ra về. Thủy nói:
- Lúc nào rảnh, ông đến chơi để cho tôi biết về tin tức của cô Mỹ Dung.
Ơû nhà Thủy ra, Văn đi ngay về nhà. Chàng suy nghĩ về những lời Thủy đã nói với chàng:
- Vì sao mấy lúc nay ta quên về những bài báo? Những bài báo ấy có thể cho Mỹ Dung biết anh chàng Vũ vào bệnh viện nuôi nàng không phải là Vũ của nàng mà là một kẻ khác, là anh của Vũ mà thôi. ta có nên gặp Mỹ Dung không? Không, ta không nên gặp. Vì nếu ta phải đóng vai Vũ, thì cũng chỉ vì muốn Mỹ Dung khỏi bệnh mà thôi.
Ta đâu được phép gặp nàng một khi nàng đã biết ta không phải là Vũ nữa. Huống chi nàng đã nói với cô Hồng và bác sĩ Quân là nàng không muốn gặp ta nữa.
Cô Thủy nói đúng. Nếu Mỹ Dung nhận thấy ta là người ân của nàng thì bổn phận nàng phải đến tìm ta để cảm ơn, chứ sao ta lại tìm nàng?
Ta quên Mỹ Dung đi. Dù nàng có nhu mì, đẹp đẽ đi nữa thì ta cũng không có quyền yêu nàng. Dù sao nàng cũng là em dâu chưa cưới của ta, ta phải tác thành cho nàng.
Nghĩ đến đây, Văn thở dài, nhưng chàng lại tự an ủi:
- Các nhà tâm lý học thường nói chỉ có ái tình là chữa được bệnh ái tình. Vậy tại sao ta không đeo đuổi Thủy để đừng nghĩ đến Mỹ Dung nữa. Kể ra Thủy có thua gì Mỹ Dung đâu. Nàng cũng hiền lành, nết nạ Ta với Thủy lại cùng một cảnh ngộ, bị nhiều khổ đau trên đường tình ái.
Thế là từ hôm đó, ngày nào Văn cũng đến thăm Thủy. Nhiều hôm hai người rủ nhau đi thăm mộ Nguyệt.
Văn lợi dụng xự đi thăm mộ Nguyệt để có dịp đưa Thủy đi xạ Nhưng mỗi lần như thế là mỗi lần Văn nhớ lại những chuyến đi chơi với Mỹ Dung trong thời kỳ nàng còn bị bệnh. Văn nhớ lại những câu nói ngây thơ và đầy tình ái của Mỹ Dung. Mà hễ nhớ lại là Văn kém vui và chàng quên cả việc hiện Thủy đang ngồi bên chàng.
Có lần, thấy Văn buồn, Thủy hỏi:
- Sao ông buồn quá vậy? Có phải ông đang nghĩ đến Nguyệt không
- Không, tôi đang nghĩ đến những kỷ niệm đã quạ Những kỷ niệm ấy buồn quá.
- Tại sao ông không nghĩ đến hiện tại, như thế có phải vui hơn?
Văn buồn bã lắc đầu:
- Khổ nỗi là cái hiện tại có dính dấp với những chuyện đã qua thì mình làm sao không nhớ dĩ vãng được? Như vậy chỉ có cách là đừng nghĩ đến gì cả là hơn.
Thủy cười:
- Ai bắt mình nghĩ làm gì? Kìa đồng rộng, gió êm, phong cảnh buổi chiều dịu dàng quá, tại sao ông không thưởng thức?
- Ừ nhỉ… Nhưng những vùng ngoại ô của đô thành đâu có gì là đẹp? Hôm nào rảnh chúng ta đi Cấp để tắm biển, cô có thích không?
- Nếu tôi sắp đặt được thì giờ.
- Bộ cô bận lắm sao?
- Bận lắm. Vì ngoài việc làm ở sở tôi còn phải tham gia công tác xã hội. Một người có chuyện không vui như tôi nếu không sống với xã hội thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi sở dĩ làm việc thật nhiều là để quên những chuyện buồn, những chuyện ngang trái. Sự làm việc là một phương thuốc trị bệnh chán nản hiệu nghiệm nhất.
Thấy Văn tỏ vẻ suy nghĩ, Thủy nói tiếp:
- Tôi thấy mấy lúc sau này hình như ông ít làm việc thì phải?
Văn thú nhận:
- Cô nói đúng đấy… Từ ngày xảy ra vụ ám sát Vũ, tôi không thiết gì đến công ăn việc làm nữa. Tôi chán nản làm sao ấy… Đã vậy mà Nguyệt lại làm cho tôi không thiết làm ra tiền nữa. Cô nghĩ làm ra tiền làm gì nữa chứ? Tôi không bỏ nhà mà đi cũng là can đảm lắm rồi. Lúc nhỏ, sống trong gia đình, tôi có mẹ mà cũng như không. Mẹ tôi không hề lưu ý gì đến tôi cả, chỉ lo săn sóc, vỗ về Vũ mà thôi. Cả thời thơ ấu của tôi, tôi chỉ biết học và học. Kịp đến tuổi trưởng thành thì tôi gặp ngay câu chuyện hôn nhân cưỡng bách. Tôi không hề được yêu và cũng chưa biết yêu ai…
Nghỉ một lát, Văn lại nói:
- Tôi định đi xa nhưng nghĩ lại thì chưa thể đi được.
- Nhưng rồi ông sẽ vui vẻ và hăng hái làm việc, tôi tin như thế.
Văn cười ngượng:
- Cô làm thầy bói à? Sao cô biết tôi sẽ vui vẻ? Ai làm tôi vui vẻ?
Thủy cười, vui vẻ đáp:
- Tự lòng mình làm cho mình vui vẻ, chứ ai làm cho mình vui vẻ bây giờ?
- Cô nói thế thì chắc tôi không bao giờ vui vẻ được cả.
- Tôi không thích có một người bạn yếm thế, chán nản như ông. Vì, xin lỗi ông, đời tôi cũng chẳng vui gì.
- Nghĩa là cô không cho tôi đến thăm cô nữa?
- Nếu lúc nào ông cũng mang bộ mặt phiền muộn.
- Tôi sẽ ráng không buồn nữa.
- Tôi nói ông đừng giận nhé. Việc gì mà ông buồn? Nguyệt chết đi là một sự may cho ông. Nếu Nguyệt cứ sống bên ông thì có phải là phiền cho ông không? Biết đời nào ông mới thoát khỏi ngục tù gia đình ấy? Có bao giờ ông được tự do nghĩ đến ngày làm lại cuộc đời, xây lại hạnh phúc và tạo nên một tương lai sáng lạn. Chứ còn bây giờ, Nguyệt đã tự tử sau khi mọi âm mưu bị lộ, là Nguyệt giải phóng cho ông đó. Ông nên mừng mà đừng có nghĩ ngợi xa gần làm gì nữa. Nguyệt độc ác, nham hiểm như thế mà ông vẫn tử tế, thì chuyện gì mà ông phải ăn năn? Chính Nguyệt cũng nhận thấy ông tử tế cho nên nàng phải lấy cái chết để tạ lòng ông.
Thủy nói thật nhiều và Văn phải công nhận là Thủy có lý.
Chẳng mấy chốc, Văn và Thủy trở thành đôi bạn thân. Không chuyện gì họ không kể cho nhau nghe. Tuy nhiên cách xưng hô của họ vẫn không có gì thay đổi. Thủy vẫn gọi Văn bằng ông như khi mới gặp. Một hôm, Văn nói với Thủy:
- Cô đừng gọi tôi bằng ông nữa. Tiếng ông nghe sao trịng trọng quá. Cứ gọi tôi bằng anh thì hơn.
- Ông đã cho phép thì còn gì hay bằng. Tôi cũng muốn gọi ông bằng anh nhưng lại sợ gọi như thế, ông cho rằng tôi quá thân tình.
- Cô dè dặt quá.
- Không dè dặt sao được? Anh vừa mất vợ, rồi anh lại lui tới thăm tôi, người ta có thể nghi ngờ tôi…
Văn cướp lời:
- Nếu cô nghĩ như thế thì tôi không đến nữa.
- Tôi bảo người ta nghi ngờ, chớ tôi có nói tôi nghi ngờ đâu, sao anh nghe lầm như thế?
Văn ngập ngừng:
- Nhưng nếu tôi có ý muốn cùng cô làm lại cuộc đời thì cô nghĩ thế nào?
Thủy nhìn Văn với đôi mắt ngạc nhiên:
- Anh nói đùa hay sao anh Văn? Tôi chỉ xem anh là một người bạn. Tôi tin chắc anh không bao giờ tìm thấy hạnh phúc ở một người vợ như tôi, và cũng chẳng bao giờ anh muốn lập gia đìng với tôi. Chẳng qua anh muốn mượn tôi để làm một thứ thuốc trị bệnh cho anh mà thôi. Nếu anh nghĩ như thế thì anh lầm rồi, anh Văn ạ. Tôi không phải là một vị thuốc, mà tôi là một chứng bệnh. Có đời nào người ta lấy bệnh này để chữa cho bệnh khác không? Tôi chứ đến nỗi mê muội thiếu sáng suốt mà bảo rằng thấy anh là kỹ sư, có địa vị xã hội, có tiền của, xe hơi, nhà lầu mà nhận lời làm vợ anh. Tôi cũng giàu không thua gì anh cơ mà…
Anh Văn ơi, đừng có gây thêm một cô Nguyệt thứ hai hay một ông Văn thứ hai nữa. Nếu tôi mù quáng cứ nhận lời bừa thì sau này tôi cũng sẽ như anh, thất vọng vì có một người chồng không yêu gì mình, bỏ bê mình và gieo cho mình một sự ân hận suốt đời.
Nếu tôi nhận lời anh thì sau này trong gia đình của chúng ta, tôi là anh mà anh lại là cô Nguyệt.
Văn chưa bao giờ nghe ai nói một cách chân thành như thế, nên cảm động nói với Thủy:
- Cô thành thật lắm, tiếc rằng chúng ta đã gặp nhau quá trễ. Cô thông minh lắm nữa.
Thủy nói như tiếp tục theo những ý nghĩ của mình:
- Anh định lấy tôi làm một phương thuốc… Và anh đã có ý nghĩ lập gia đình với tôi. Một người như anh đối với vấn đề hôn nhân đâu có còn dễ dãi nữa. Nguyệt đã cho anh một bài học chua chát thì muốn làm lại cuộc đời, anh cũng cần phải có ngày giờ để tìm lại sự bình tĩnh cho lòng đã chứ. Về phần tôi cũng vậy, sau một lần bị đau khổ vì mất người yêu, tôi phải mất cả ba năm mới thấy lòng vơi bớt thương tiếc. Rồi chẳng may tôi gặp Tống. Đành rằng tôi chưa yêu Tống, chưa có cái gì đáng hối tiếc hay ăn năn, nhưng dầu sao tôi cũng vì Tống mà bị ê chề nhiều. Giờ đây tôi rất dè dặt về chuyện hôn nhân.
Anh và tôi xem nhau như hai người bạn thì tốt, vì chúng ta cùng chung một cảnh ngộ, có thể hiểu nhau và tha thứ nhau. Nhưng nếu anh và tôi trở thành vợ chồng thì chúng ta sẽ đau khổ và không đời nào chúng ta tìm thấy hạnh phúc gia đình. Như vậy sum họp làm chi để rồi thấy sự gãy đổ hả anh?
Trong cảnh anh bây giờ thì chỉ có cách này là thượng sách…
Nói đến đó, Thủy ngừng lại nhìn Văn với đôi mắt mơ màng. Văn vội vã hỏi:
- Cái gì mà thượng sách?
Thủy nói:
- Anh nên đi chơi một lúc. Đi Pháp, đi Nhật… đi bất kỳ một nơi nào có thể đi được. Anh có thể đi được chứ? Công việc anh cứ giao cho một người tín cẩn là được.
- Tôi sẽ thu xếp và làm theo lời khuyên của cộ Nhưng trước khi đi, tôi còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
- Anh ráng thu xếp gấp đi. Có việc gì cần tôi, anh cứ bảo, tôi sẽ giúp anh ngay.
Văn mừng lắm:
- Tôi định nhờ cô trông coi về tiền bạc. Tôi có một người quản lý rất giỏi, nhưng tin cậy họ thì tôi chưa thể tin cậy được. Khi tôi đi vắng, mỗi ngày cô nhín lấy một giờ tạt ngang để nhận và cất hộ tôi.
- Sao không bảo họ gửi ngân hàng?
- Cô có thể nhận và gởi giùm tôi không?
- Cũng được.
Thế là Văn về nhà thu xếp công chuyện và lo giấy tờ để xuất ngoại. Giấy tờ lo chưa xong, thì bỗng một việc xảy đến khiến cho đời Văn thay đổi một cách bất ngờ.
Văn đang ngồi sắp xếp giấy tờ trong phong bì có người tùy phái mang vào cho chàng một cái gói lớn bao giấy màu hồng và trên có gài một tấm danh thiếp lên xem. Mắt chàng sáng lên khi trông thấy dòng chữ:
TRẦN MỸ DUNG
Thư ký hãng Hồng Tân – Sài Gòn
Lật tấm danh thiếp lại, chàng đọc thấy những dòng chữ sau:
“Em mới đi ngoại quốc về, có chút quà mọn kính mừng anh, người đã cứu em thoát chết.”
Văn run lên vì sung sướng. Mỹ Dung đã biết chàng là người chăm nom, săn sóc nàng lúc nàng bị bệnh. Mỹ Dung không lầm chàng là Vũ nữa! Trời ơi! Ai ngờ sẽ có ngày nay?
Văn mở gói ra. Đó là một cái máy phát thanh kiểu tối tân, có gắn chiếc đồng hồ báo thức.
Văn nhìn món quà, lòng vui mừng không sao nói được. Chàng vội vàng quay điện thoại hãng Hồng Tân. Người trả lời cho chàng ở đầu dây kia là Huệ:
- Alô! Cô Huệ đấy à? Cô cho tôi biết cô Mỹ Dung hiện giờ ở đâu? Mỹ Dung chưa đến hãng à?… Cô bảo số 128 phải không? Vâng. Cảm ơn cô.
Lòng Văn như mở cờ. Chàng sửa soạn đến thăm Mỹ Dung.