watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lối đi của nắng-ÁNH - tác giả Bạn Hiền Bạn Hiền

Bạn Hiền

ÁNH

Tác giả: Bạn Hiền

Để chuẩn bị cho các con được gần trường học hơn khi lớn lên và phải trả lại căn nhà thuê, ông bà Đức quyết định mua một căn nhà gần chợ Bà Chiểu. Giá mua căn nhà tương đối hời vì nó nằm ở vị trí không tốt đối với một số người tin phong thổ, địa lý. Bà Đức lúc đầu cũng do dự nhưng ông Đức bảo rẻ là được rồi và còn cho là căn nhà có địa thế tốt chứ không xấu như người ta nghĩ.
Cả xóm có khoảng trên dưới mười căn nhà, có căn còn lợp lá. Đầu xóm, ngay ngã ba góc đường là một tiệm hớt tóc và cuối xóm, dưới một gốc cây, cũng có một tiệm hớt tóc dã chiến được che bằng một tấm vải nhựa dày. Vào những ngày rảnh không có bài nhiều, Nguyên thỉnh thoảng đến tiệm hớt tóc đầu xóm để xem đánh cờ tướng và ở đấy Nguyên đã gây được cảm tình với ông chủ tiệm, chính ông đã dạy cho Nguyên cách chơi cờ tướng và trở thành đối thủ của ông khi tiệm vắng khách.
Có chừng mười gia đình trong xóm nhưng Nguyên chẳng hề biết ai vào ai ngọai trừ nhà kế bên. Ông bà hàng xóm có một người con gái, có lẽ là con một nên cô có vẻ đỏng đảnh rất khó thương. Ông hàng xóm rất có cảm tình với Nguyên, đôi khi còn mang những hoạ đồ kiến trúc mà ông thầu xây cất cho Nguyên coi, có lúc ông còn chỉ cho Nguyên biết cách thức xây dựng nhà cửa. Những lúc ấy cô Liên, con gái ông, càng tỏ ra đỏng đảnh dễ ghét hơn nhưng Nguyên chẳng hề để ý.
Một hôm lúc đi học về, Nguyên thấy bên nhà hàng xóm đầy người. Tò mò, Nguyên ngó vào nhà, thấy bà hàng xóm ôm cô Liên khóc lóc thảm thiết. Nguyên đoán có chuyện không lành xảy ra cho ông hàng xóm nhưng nghĩ mình là cái thá gì mà hỏi, nên vào nhà. Lúc đó mấy đứa em đã nhanh miệng nói ngay:
- Ông Đàm chết rồi.
Chiều hôm đó Nguyên mới được biết là ông Đàm trên đường ra thăm thân nhân ở Đà nẵng đã tử nạn do máy bay rớt. Tự nhiên Nguyên thấy thương hại cô Liên và cảm thấy tiếc là từ nay sẽ không còn một ông hàm xóm thỉnh thoảng chỉ cho Nguyên biết các công trình xây cất của ông.
Khoảng hơn một tháng sau, nhà hàng xóm có thêm người, một người em gái của ông Đàm có chồng tử trận trước đó vài năm, mang con đến cùng ở với chị dâu. Bà Hằng, em ông Đàm, cũng có một cô con gái trạc tuổi Liên tên là Ánh và cũng như người anh, bà Hằng có cảm tình với Nguyên ngay từ khi gặp mặt.
Chẳng hiểu là bà Hằng có ý gì khi tỏ vẻ thân thiện với Nguyên ngay từ tuần lễ đầu, nhưng có một điều chắc chắn là với cảm tình của bà, Nguyên đã giúp bà hàng ngày cắt cổ từ mười đến mười lăm con gà cho bà làm một món ăn bán ở “Câu lạc bộ” bệnh viện quân đội ở gần Gò vấp. Được bà Hằng nhờ mỗi ngày, Nguyên cảm thấy hãnh diện, vì rõ ràng cô Liên và cô Ánh chẳng được tích sự gì, chỉ có con trai mới làm được việc cắt cổ gà. Đã thế nếu mẹ các cô có bảo giữ chân gà cho “anh” Nguyên cắt thì hai cô cũng chạy ngay lên gác trốn.
Ngày qua ngày, tự nhiên Nguyên có cái nghề cắt cổ gà không công. Trước bà Hằng hoặc bà Đàm còn gọi Nguyên sang nhờ, sau Liên và Ánh thay nhau gọi Nguyên sang nhờ và sau nữa cứ tới giờ là Nguyên sang xử tử hơn chục con gà. Một tối, khi Nguyên đứng trước nhà ngóng ra đường thì Ánh cũng ra trước cửa nhà. Nguyên thấy Ánh hàng ngày, có khi nói chuyện hàng ngày nhưng không có chuyện nào ra chuyện nào. Rất bình thường Nguyên hỏi Ánh:
- Hôm nay không phải làm bài sao mà ra đây?
- Không, Ánh nói, à mà có, nhưng bài khó thấy mồ nên nghỉ một lúc.
Ra vẻ ta đây là người học trên, Nguyên hỏi:
- Bài gì, và khó thế nào?
- Bài hình học, gớm ông thầy cho bài tập gì khó thấy mồ, nhìn hoài không ra.
Tưởng gì chứ hình học là môn tủ của Nguyên, Nguyên thích toán từ hồi còn nhỏ. Năm ngoái Nguyên rất say mê thầy Học dạy toán ở trường và còn muốn sau này nối gót thầy, Nguyên nói với Ánh.
- Ánh đưa đây anh xem cho.
Không hiểu sao Nguyên xưng anh với Ánh ngọt xớt. Cũng chẳng lạ vì hai bà mẹ của hai cô chẳng gọi Nguyên là anh đấy sao. Ánh thay vì trở vào lấy bài lại hỏi Nguyên một câu cắc cớ:
- Anh cắt cổ gà hàng ngày mà không sợ à?
- Sợ gì? Nguyên hỏi lại,
- Sợ máu, sợ gà trả thù, anh sát sinh nhiều như vậy thì thế nào chúng cũng trả thù anh.
À há, Ánh cũng gọi Nguyên bằng anh như không có chuyện gì hết, hai người không coi nhau như xa lạ. Nguyên không tin là gà sẽ trả thù mình. Máu, lúc đầu Nguyên cũng sợ, riết rồi quen đi. Ánh kể cho Nguyên nghe lúc trước, có những ngày mẹ Ánh cắt tiết xong một con gà, thả ra mà nó còn chạy khắp nơi, hai mẹ con đuổi mãi mới bắt được, Ánh nói tiếp:
- Anh cắt tiết gà là gà chết ngay, chắc anh ác lắm nhỉ?
Chết Nguyên rồi, cậu học trò hiền như bụt là Nguyên mà chỉ vì giúp người hàng xóm cắt tiết gà mà bị cho là ác, thật oan cho mình quá, Nguyên nói:
- Anh đâu có ác, ngay cả với súc vật. Chẳng qua đó là nhiệm vụ hay bổn phận mà thôi.
Ơ hay cái anh này, cắt cổ gà đâu phải là nhiệm vụ của Nguyên, Nguyên chỉ giúp người hàng xóm chứ đâu phải việc mình. Nghĩ vậy nên Nguyên nói chữa lại:
- À, chẳng qua là anh làm vậy để Ánh khỏi phải làm, nếu anh sợ ác mà từ chối chắc là từ ngày mai trở đi Ánh hoặc Liên phải làm thôi.
Ánh và Nguyên nói chuyện mà vô ý không biết Liên đứng ở cửa sổ từ lúc nào, lúc này Liên nói vọng ra:
- Không cắt thì mẹ với cô cắt, có gì đâu mà ác.
Hóa ra Liên đã nghe hết chuyện hai người nói. Chẳng đề cập đến ai, Liên chỉ nói bâng quơ như vậy. Cái tính của Liên khác hẳn tính Ánh, Liên lúc nào cũng muốn cho người khác chú ý đến mình. Thực tâm mà nói, giữa hai người chị em họ này, Nguyên thấy Liên sắc xảo và đẹp hơn Ánh rất nhiều, nhưng ngược lại, cái duyên dáng, tế nhị Ánh lại có phần trội hơn Liên. Cũng có thể là do ở nội trú một thời gian tức là gián tiếp phải ra đời sớm hơn nên Ánh học được bên ngoài nhiều hơn.
Nguyên nói với Liên:
- À, tôi nói vậy chứ hai thím còn nhờ thì tôi còn cắt.
Nguyên không hiểu tại sao Nguyên xưng hô với Liên là “tôi” trong khi xưng hô với Ánh là “anh”. Hai thím là cách Nguyên gọi bà Hằng và bà Đàm vì hai bà cũng chỉ đáng em mẹ Nguyên là cùng. Hằng chắc chắn là tên của mẹ Ánh nhưng Đàm là tên của bố Liên, Nguyên chẳng hiểu tại sao người ta gọi bà chị bằng tên chồng mà gọi bà em bằng tên tục.
Liên bỏ đi vào phía trong chỉ còn Ánh và Nguyên, Nguyên chuyển sang chuyện học:
- Bài có gấp lắm không, đưa anh xem có thể giúp gì được không?
Lúc ấy Ngần, em họ của Nguyên, đi ra gọi Nguyên vào để coi bài cho cô ấy. Từ ngày ở với ông bà Đức, ngoài việc học và tuần 3 lần rửa chén Nguyên còn có thêm nhiệm vụ kèm các em. Ngần đang học lớp nhất và ông bà Đức muốn Nguyên phải kèm em thế nào để Ngần đậu vào trường công, không được học bổng thì cũng phải đậu. Ngần với Nguyên không ưa nhau lắm nên được dịp là Nguyên la rầy Ngần, có lần Nguyên cầm roi đánh Ngần khiến bà Đức sốt ruột nói:
- Em có ngu thì cũng kệ nó, chứ đừng đánh nó.
Bà Đức mang chuyện nói với chồng, ông Đức gọi Nguyên vào bảo:
- Cháu không được đánh em, cháu dạy nó nếu nó không biết thì chỉ cho nó.
- Nhưng nó lười chứ không phải nó không biết. Nguyên bào chữa.
Ông Đức bảo thôi, lần sau nếu em nó lười thì mách cậu hay mợ, chứ đừng đánh nó.
Nguyên nghĩ “mày học cho mày chứ có học cho tao đâu, mày lười thì tao ra ít bài đi” nhưng lại sợ nếu Ngần thi rớt thì trách nhiệm của mình không hoàn tất, nên bực mình thì bực thật nhưng cũng cố ôn hoà chỉ bảo cho em.
Đầu tháng 11 năm 1963, hôm ấy là ngày nghỉ lễ, khoảng quá trưa có những tiếng súng chốc lát nổ ròn. Ông Đức bảo Nguyên và các con:
- Không đứa nào ra đường hết nghe chưa, chắc lại đảo chánh gì đây.
Đảo chánh, chuyện người lớn, Nguyên không biết và cũng chẳng muốn biết. Nguyên nhớ hồi năm 60 thì phải, cũng có đảo chánh rồi êm ru. Lần này chắc cũng vậy thôi vì trong mấy tháng qua tình hình có lộn xộn thật nhưng chính quyền còn kiểm soát tất cả. Ông Đức bật chiếc radio lên nghe, vẫn chẳng có tin gì ngoài những bài hát hùng tráng. Ông vặn qua đài VOA rồi BBC nhưng giờ này họ đâu có phát thanh tiếng Việt nên đành chờ với cái radio bên cạnh.
Nguyên ra đứng ngoài cửa, ngó ra đường, suy nghĩ vẩn vơ. Ánh cũng từ trong nhà bước ra, thấy Nguyên Ánh hỏi:
- Hình như là có bắn súng ở đâu ấy, anh có nghe thấy không?
Nguyên đáp:
- Có, nghe cậu anh nói là đảo chánh gì đó.
Nguyên rất lờ mờ về vấn đề đảo chánh và Ánh thì còn lờ mờ hơn, Ánh hỏi tiếp:
- Đảo chánh là gì?
- À, người này đòi lên nắm chánh quyền của người khác.
- Em tưởng là người cầm quyền do dân bầu lên chứ, em thấy trong bài công dân có dạy một nước độc lập dân chủ như nước mình các người lãnh đạo là do dân bầu chứ làm gì có chuyện cướp quyền.
- À, như thế mới gọi là đảo chánh.
À, lại “à” nữa. Khi không biết trả lời một câu hỏi gì một cách chắc chắn Nguyên thường mở đầu với “à”, mỗi người có một cái tật. Ánh có vẻ đăm chiêu, chống tay lên hàng rào xi-măng thấp, cái nắng chiều đã bắt đầu đổ vào vỉa hè. Nguyên nhìn Ánh, ở đâu đó Nguyên thấy cái dịu dàng, duyên dáng của Ánh đổ tràn trên khuôn mặt nghiêng nghiêng của người thiếu nữ hàng xóm. Nguyên thấy Ánh hàng ngày nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Nguyên có cái nhận xét thật lạ về Ánh khi nhìn cô.
Ánh thua Nguyên hơn một tuổi nhưng học kém Nguyên hai lớp, Nguyên học trễ một năm nên tính tuổi thì năm nay Ánh đã 15. Tuổi của Nguyên và Ánh là lứa tuổi trẻ con không ra trẻ con mà người lớn thì còn lâu mới thành, cái tuổi toàn mơ với mộng và không muốn ai coi mình là trẻ con đồng thời cũng không muốn ai coi mình là người lớn. Cái mâu thuẫn tâm sinh lý ấy có thể là cái chung của mỗi con người phải trải qua lớp tuổi như Nguyên và Ánh.
Như linh cảm thấy Nguyên nhìn mình, Ánh quay lại. Nguyên tự nhiên cảm thấy bối rối và Ánh cũng thấy mất tự nhiên. Sau vài chục giây đặc biệt khó hiểu đó, Nguyên ra vẻ biết chuyện nói:
- Mấy năm trước cũng có đảo chánh gì đó, nghe nói cuối cùng chính quyền bắt mấy người làm loạn mang ra xử, có người bỏ trốn đi nước khác.
Nguyên nhớ một chuyện xưa Nguyên đã có dịp đọc, trong những cuộc binh biến luôn luôn kẻ thắng bao giờ cũng có lý nên mới có câu “Được làm vua, thua làm giặc”. Nhưng đó là xã hội ngày xưa, bây giờ văn minh, và theo Ánh nói, bài công dân chẳng dạy là mình tự do dân chủ thì đã có bầu cử, không bằng lòng lần sau đừng bầu người ấy nữa.
Nguyên vẫn còn giao động với cái nhìn của Ánh và Ánh cũng giao động không kém. Ánh thấy mắt Nguyên hôm nay thật lạ, Nguyên không còn là tay “đao phủ” cắt cổ gà như Liên và Ánh có lúc nói chuyện với nhau. Liên là vai chị nhưng nhỏ hơn Ánh vài tháng, một người cuối năm này, một người đầu năm khác nên lấy năm mà trừ thì Ánh hơn Liên tới một tuổi. Thật chẳng có gì công bằng, đàn bà, con gái đâu có ai muốn lớn tuổi đâu, người ta sẽ cho là già đi, chán chết. Vậy mà lúc này, lúc này đây, Ánh thấy mình cần phải lớn, cần phải trưởng thành hơn Liên mới được.
Ánh biết cô thua Liên rất nhiều về sắc, Liên giống bác Đàm lắm vì Liên đẹp và rất giống mẹ Ánh. Ánh nghe mẹ nói là hồi xưa bác Đàm rất đẹp trai và nhiều cô mê mệt nhưng ông bà ngoại của Ánh cuối cùng chỉ chọn bác Đàm gái hiện tại. Mẹ Ánh cũng là gái sắc nước hương trời và nhiều người theo đuổi nên khi có người mai mối và ông bà ngoại Ánh đồng ý gả ngay, vì rất nhiều người theo đuổi mà để lâu thì không tiện. Bố Ánh không đẹp trai nhưng phúc đức nên ông bà ngoại Ánh chấm liền.
Trong cái xã hội thứ bậc này, Liên vẫn là chị của Ánh. Khi nghĩ tới điều này Ánh cảm thấy thấy ngột ngạt đôi chút. Chị Liên đẹp lại là chị của mình, mình sao bị lép vế vậy? Ông trời bất công thật. Ánh thấy lúng túng, chân tay thừa thãi, sao tay mình không có chỗ để mà phải chống trên bờ xi-măng này? Ánh đưa tay vuốt tóc rồi nói rất bâng quơ:
- Đảo chánh mà cũng có bắn nhau nữa.
Chiều hôm ấy, đài phát thanh Saigon thông báo là cuộc cách mạng thành công, Hội đồng Quân nhân thành lập để lãnh đạo đất nước, chế độ độc tài gia đình trị chấm dứt. Nguyên không biết chính trị, chính em là cái gì mà cũng chẳng biết chế độ độc tài gia đình trị ra sao nên không thể xét đoán. Việc của Nguyên là ngày mai liệu mình có còn được cắp sách đến trường không.
Hậu quả trước mắt sau cuộc đảo chánh là chỉ một thời gian ngắn mẹ Ánh không còn được tiếp tục bán cháo gà từ sáng cho tới trưa ở trong “Câu lạc bộ” bệnh viện nữa. Người ta nói rằng người thầu cũ có ăn chia hối lộ gì đó với ban giám đốc bệnh viện nên cả ban giám đốc lẫn nhà thầu đều phải ra toà vân vân và vân vân. Nguyên mất chức “đao phủ” mà Ánh và Liên đặt cho. Liên vẫn đỏng đảnh và Ánh lộ hẳn vẻ mất vui. Một chiều khi hai đứa đứng nói chuyện với nhau trước cửa nhà, Ánh nói với Nguyên:
- Chắc mẹ em và em về ngọai quá.
Quê ngoại Ánh là Đà nẵng, thật ra ông bà ngoại Ánh là người miền bắc nhưng định cư ở Đà nẵng nên Ánh coi Đà nẵng là quê ngọai của mình. Từ ngày Nguyên thôi cắt tiết gà, bà Hằng ít gặp Nguyên và có gặp cũng chỉ cười xã giao. Nguyên nghĩ có lẽ bà lo lắng cho cuộc sống nên không còn để ý đến Nguyên chứ không phải là bây giờ Nguyên không giúp được gì cho bà nữa. Nghe Ánh nói sắp về Đà nẵng, Nguyên chợt giật mình và cảm thấy như mình sắp mất một cái gì rất qúy báu, Nguyên hỏi lại một câu thật ngớ ngẩn:
- Em về Đà nẵng thật à?
- Mẹ em bảo tình hình mới khó biết sẽ ra sao. Trong Saigon, những người quen thường giúp đỡ gia đình em đã không còn điều kiện và cơ hội nữa. Mẹ con em chỉ còn cách là về với ngoại hoặc với nội thì cũng thế thôi.
Bà Hằng là người có nhan sắc, sau khi bố Ánh mất một thời gian ngắn đã có vài người để ý đến bà. Thậm chí cả hai bên gia đình bà đều cho phép bà bước thêm bước nữa vì lúc ấy bà chưa tới ba chục tuổi nhưng bà quyết định ở vậy nuôi con. Có một thời gian do phải buôn bán đó đây bà mang con gửi nội trú, bà không muốn gửi con cho thân nhân sợ phiền cho cả hai bên. Biết Nguyên ở với cậu mợ, bà khen là Nguyên giỏi, biết vâng lời và ông bà Đức cũng là người tốt bụng, chăm lo cho cháu.
Có một điều bà Hằng không biết hay không nghĩ tới là có hai đứa trẻ, hiện nay vì một lý do nào đó không giải thích được, hai đứa trẻ ấy không muốn xa nhau và cả hai đứa trẻ ấy cũng chẳng biết tại sao và chẳng nói với nhau tại sao đó là Ánh và Nguyên. Trong thâm tâm, Nguyên muốn nói với Ánh là hãy nói với mẹ là đừng đi nhưng Nguyên không nói ra được. Ánh cũng vậy, cô muốn nói cho Nguyên biết là cô không muốn rời nơi này nhưng cũng chẳng biết nói thế nào, trong giòng tư tưởng đó, Ánh nói:
- Em chỉ mong mẹ đổi ý.
Thực ra nếu có thể nói được là “em chẳng muốn xa đây tý nào, em chẳng muốn xa anh phút giây nào”Ánh cũng nói nhưng Ánh đã không nói được, có một cái gì đó đã làm Ánh phải khựng lại, âm thanh từ cửa miệng cứ luẩn quẩn trong đầu.
Không ngờ sự trở về Đà nẵng của mẹ con Ánh xảy ra nhanh như vậy, nhanh đến độ Ánh và Nguyên không kịp nói lời từ giã nhau. Hôm ấy, lúc đi học thêm về, Nguyên thấy Liên đứng ngoài cửa và khi Nguyên bước vào nhà mình Liên nói ngay, rất bâng quơ, đôi khi thiếu cả chủ từ, túc từ như thỉnh thoảng Liên nói chuyện với Nguyên:
- Người ta về quê rồi, tôi báo cho biết.
Nguyên đứng xựng lại, hỏi Liên:
- Ánh có nhắn, gửi gì cho tôi không?
- Không có gì hết.
Trả lời Nguyên xong, Liên quay vào nhà ngay.
Không biết phải cắt nghĩa, giải thích tâm trạng của Nguyên lúc đó ra sao. Thật sự Nguyên đã mất một cái gì. Nguyên đi ngay lên gác, nằm dài trên giường mà đầu óc lùng bùng. Mất rồi, mất đi những buổi chiều chạng vạng tối hai đứa đứng nói chuyện với nhau. Chính trong những buổi chiều tối nói chuyện với nhau mà Ánh đã kể hết cho Nguyên về gia đình Ánh. Mất đi những lần Nguyên sang giúp Ánh làm bài, có khi ở trễ đến độ em Nguyên phải sang gọi về. Từ hôm nay Nguyên chỉ còn là Nguyên, những câu chuyện trong lớp sẽ không còn có ai mà kể, rồi Nguyên sẽ phải làm gì đây với những chiều trống vắng.
Lối đi của nắng
LONG ĐONG
ÁNH
KIM
XÁO TRỘN
LIÊN