XÁO TRỘN
Tác giả: Bạn Hiền
Không khí đầu năm học thật là lạ, từ ngày đảo chánh đến nay đã có nhiều thay đổi cả về quân sự lẫn dân sự. Thậm chí có một số vị Hiệu trưởng và giáo sư bị đồng nghiệp hay chính học trò của mình tố là Cần lao Cần lực gì đó mà bị thuyên chuyển hoặc mất chức. Trường Nguyên học mặc dù ít thay đổi nhưng cũng có những xáo trộn nho nhỏ.
Qua cuộc chính biến, phong trào Sinh viên Học sinh đã tỏ ra mạnh mẽ hơn, có tiếng nói của mình trên diễn đàn và ngay cả trong một số lãnh vực chính trị, kinh tế. Theo Nguyên thấy, đôi khi các hoạt động hay các đòi hỏi của Sinh viên Học sinh trở thành quá trớn và có người đã cho rằng họ đang bị giật dây từ một thế lực nào đó.
Với lứa tuổi của Nguyên, khi sự nhận xét về xã hội còn nông cạn, kém nhạy bén nhưng lại là lứa tuổi dễ bị lôi cuốn nhất. Đôi khi từ trong hậu trường sân khấu của quyền lực, một số người đã lợi dụng sự bồng bột, hăng say và nhất là tính hay a dua của nhóm tuổi này để mưu cầu một lợi ích riêng cho cá nhân họ hay cho đoàn thể họ.
Sự quá đáng của sinh viên học sinh có thể nhìn thấy qua gương mặt các thầy, cô khi đứng lớp. Một ngày nọ, vị tỉnh trưởng triệu tập toàn thể thầy cô và học sinh vào một rạp hát để hiệu triệu và chỉ thị. Đại khái ông nói chính quyền cần sự ổn định để chống Cộng và xây dựng đất nước và cấm học sinh biểu tình, bãi khoá. Không khí trong trường vẫn còn có vẻ nặng nề, đó có thể là điều xảy ra cho hầu hết các trường trên toàn quốc nói chung và tại Saigon – Gia định nói riêng.
Một hôm, Nguyên nhận được giấy gọi lên văn phòng Hiệu trưởng. Không biết chuyện gì xảy ra nên Nguyên rất lo, thầy Hiệu trưởng bảo cần nói chuyện với phụ huynh về hành vi và hành động của Nguyên. Nguyên giật mình vì không biết mình đã làm gì lỗi, có lẽ do xúc phạm đến thầy, cô một điều gì chăng?
Ông Đức phải nghỉ một buổi sáng để cùng cháu đến trường, lúc cùng cậu gặp mặt thầy Hiệu trưởng Nguyên mới vỡ lẽ ra mình là một thành viên trong vụ rải truyền đơn bãi khóa trong trường. Nguyên khẳng định nói với thầy Hiệu trưởng:
- Thưa thầy con đã không làm chuyện đó và con sẽ không bao giờ làm chuyện đó.
Thầy Hiệu trưởng nói:
- Được thầy tin, vậy em có biết ai đã làm không? Các thầy cô cho thầy biết em giao thiệp rộng rãi với các bạn, ắt biết ai đã làm.
Nguyên đang suy nghĩ không biết vị nào đã ‘trù ếm’ Nguyên nặng như vậy, trước câu hỏi của thầy Hiệu trưởng Nguyên buộc phải trả lời:
- Thứ nhất là con không biết, thứ nhì là nếu con có thấy mà không biết chắc thì cũng không giám nói.
Thầy Hiệu trưởng cho Nguyên ra ngoài, nói chuyện với ông Đức thêm một lúc. Khi ra về, ông Đức có vẻ rất giận và lúc về tới nhà ông trút mọi sự giận dữ trên Nguyên. Nguyên vẫn cho rằng mình bị oan, nhưng ai có thể giải được nỗi oan cho Nguyên bây giờ.
Từ ngày xong kỳ thi Trung học đến nay Nguyên không có dịp đến nhà Kim nữa vì chẳng có lý do gì để đến. Sau mấy ngày liền Nguyên không gặp Kim nên hôm nay đến nhà Kim với lý do mượn cuốn sách. Do sự ồn ào trong gia đình làm Liên để ý và không hiểu sao Liên đã tò mò hỏi được nguyên căn và đem kể hết cho Kim, khi thấy Nguyên đến trước cửa nhà Kim đã nói ngay:
- Nghe nói Nguyên mới bị chuyện gì đó ở nhà phải không?
Nguyên cười:
- Chuyện ở trường mới đúng, Nguyên bị tố là xúc động bãi khóa. Thật oan cho Nguyên quá !
Cái lý do mượn sách không còn nữa, Nguyên hỏi qua loa việc học và bạn mới, trường mới của Kim rồi ra về. Tối đó, sau bữa cơm, Nguyên thưa chuyện với ông bà Đức:
- Cháu học trễ một năm, cháu muốn năm nay học luôn hai lớp một lần, cháu vẫn tiếp tục giữ chỗ ở trường Hồ Ngọc Cẩn nhưng sẽ để nhiều giờ học đệ Nhị và quyết đậu tú một năm nay. Ông Đức ôn tồn bảo:
- Cháu học như vậy có nổi không, cần giữ học bổng nếu không lại “xôi hỏng bỏng không” đấy.
- Cháu nghĩ là sẽ nổi, cháu muốn chứng tỏ là trong lúc này cháu chỉ biết có học mà không làm hay nghĩ gì khác.
Bà Đức nghĩ khác hơn một chút, bà biết Nguyên đang “giao du” với Kim và nghĩ rằng Nguyên muốn như vậy để hơn Kim thôi.
Nguyên học luyện thi tú tài 1 buổi tối ở một trường bảo đảm lập hồ sơ dự thi cho học sinh, qua một hình thức làm học bạ ma. Những giờ còn lại Nguyên học các môn phụ và chương trình đệ Tam như bình thường. Thấy Nguyên quyết định như vậy ông Đức không bắt Nguyên bỏ nhiều giờ cho các em nữa để có giờ học.
Sự xáo trộn về chính trị vẫn tiếp tục, vẫn chưa có một chính quyền đủ để được lòng đại đa số quần chúng nói chung và đại đa số phe phái nói riêng. Trong không khí giáo dục, hầu như các trường lớp đã trở lại bình thường nhưng mọi học sinh, nhất là nam sinh, đã có nhiều mối lo ra mặt vì việc học, đậu, rớt giờ đây gắn liền với lệnh động viên. Tin tức chiến trường và sự tham dự của người Mỹ vào Việt Nam cho mọi người biết là cuộc chiến khó có thể chấm dứt nay mai.
Nguyên phải gác bỏ hết mọi chuyện, chuyên tâm vào việc học. Trong lớp rất ít bạn biết chuyện Nguyên đang học đệ Nhị bên ngoài và cũng chẳng để ý vì là chuyện không cần thiết ngoại trừ Minh, vì Minh cũng đang cùng kế hoạch với Nguyên.
Trong hai năm đệ Thất và đệ Lục, Minh và Nguyên khá thân nhau. Nhà Minh ở Lăng Cha Cả nên Minh thường đi học bằng xe ô-tô-buýt vàng trên tuyến đường Thị Nghè-Bảy Hiền. Chỉ có vài năm mà ngành giao thông công cộng gần như biến mất mà phần lớn do thiếu tài quản trị của người đầu ngành. Ô-tô-buýt vàng là một công ty tư nhân, chỉ khai thác tuyến đường Bảy Hiền
- Thị Nghè nhưng cũng chết theo ngành giao thông công cộng khu vực Saigon – Gia định.
Từ đầu năm đệ Tam, một số “lão tướng” trong lớp đã nghỉ hẳn để chuyên tâm vào việc học đệ Nhị, chỉ có Minh là còn chân trong chân ngoài và nay thì có thêm Nguyên là đồng minh với Minh. Đã có lúc Minh rủ Nguyên đến học chung trường nhưng không tiện đường nên Nguyên từ chối.
Ngọc theo ban A, anh chàng dự tính theo ngành thuốc sau này. Sau khi có kết quả thi, Ngọc đã rủ Nguyên nhưng Nguyên nói ngay là mình không có khiếu và cũng không có đủ điều kiện học, nên muốn vào ngành nào ngắn ngày giờ hơn như Phú thọ chẳng hạn nên mới chọn ban B. Do học khác lớp, do Nguyên ngại đến nhà Ngọc và do Nguyên quá bận nên chỉ thỉnh thoảng gặp Ngọc sáng chủ nhật.
Đào và Hương cũng đã có nhiều thay đổi, gặp Nguyên các cô không còn vồn vã, nhí nhảnh như xưa. Có lẽ cũng tại Nguyên một phần vì sau khi nghe Kim nói người ta đồn Nguyên có tình ý gì với Đào hoặc Hương nên Nguyên đã cố tình giữ sự ngăn cách. Nguyên chỉ cầu xin là tin đồn ấy đừng bao giờ đến tai gia đình Ngọc.
Một sáng chủ nhật Nguyên quyết định đợi Ngọc ở cổng nhà thờ lúc về để ghé nhà Ngọc. Ngọc bảo lâu qúa không có tay đá banh nên nói đây là dịp thuận tiện để cho tay chân khỏi ngứa ngáy. Khi thấy Nguyên đến nhà, mẹ Ngọc nói ngay trước khi Nguyên chào bà:
- Nguyên, lâu quá mới thấy anh ghé chơi.
Nguyên chào bà, nói:
- Cháu lúc này bận học nên ít đi chơi bên ngoài.
- Mới đầu năm, nghỉ xả hơi đã.
Nguyên không giám nói là bận học thêm, chỉ trả lời:
- Cháu thấy đầu năm hay cuối năm cũng như nhau, cháu sợ lơ đãng rồi theo không kịp.
Mẹ Ngọc cười:
- Cháu biết nghĩ như vậy là phải, chẳng bù với thằng Ngọc, nó bảo đệ Ngũ là để ngủ, đệ Tam là để dưỡng sức nên không cần học nhiều.
Nhìn thấy bàn banh có nhiều bụi, Nguyên biết có lẽ lâu lắm Ngọc cũng chẳng chơi đá banh bàn với ai. Con người ta có tuổi, tuỳ theo tuổi người ta có thú chơi hoặc trò chơi khác nhau. Mấy năm trước Nguyên còn chơi đánh đáo, tạc hình, đánh quay … rồi bỏ hết, quay qua những trò chơi khác. Nguyên nghĩ có lẽ đá banh bàn với Ngọc ngày hôm nay xong còn lâu lắm Nguyên mới lại có dịp như thế này. Tết đã đến mà Nguyên không để ý và cũng không háo hức mặc dù Nguyên vẫn mong tới Tết vì một năm có hai dịp Nguyên gặp mẹ và các em. Năm nay Nguyên thấy mình lớn hẳn ra vì mọi người trong gia đình đều coi Nguyên như một người lớn. Trước hôm nghỉ Tết Kim nói với Nguyên:
- Giao thừa năm nay Nguyên có đi Lăng Ông nữa không?
- Chắc có, nhưng Nguyên sẽ đến sau giao thừa vì Nguyên phải đi nhà thờ trước.
- Nguyên ngoan đạo nhỉ. Kim nói.
- Không biết Nguyên có ngoan đạo không, nhưng đó là thói quen và là điều bắt buộc trong gia đình nên Nguyên phải theo. Khoảng một rưỡi sáng Nguyên mới tới Lăng được.
Nguyên cố ý nói giờ ra để hy vọng nếu Kim có đi thì sẽ đợi mình, đừng về sớm.
Sau những thủ tục giao thừa, Nguyên thả bộ ra Lăng Ông, mong là Kim còn ở đó mà chưa về. Trong Lăng người còn đông nghẹt, có lẽ do thời thế nên người ta trông cậy vào các đấng Thần linh nhiều hơn. Người ta nói “phú qúy sinh lễ nghĩa” là nói theo cách lễ nghĩa hay lối lễ nghĩa chứ theo Nguyên nghĩ thì càng gặp khó khăn con người càng cầu xin, khấn vái nhiều hơn. Thậm chí có những người quá cùng khổ, họ cũng đến nhà thờ, chuà, lăng tự để trách móc Chúa, Phật .. là đã làm cho họ quá khổ.
Nguyên thấy Kim ngay sau khi bước vào cổng, có cả Liên và một người cùng xóm mà Nguyên chỉ biết mặt chứ không biết tên, Nguyên mở miệng ngay:
- Năm mới chúc Kim, Liên và … an vui và nhiều may mắn. Nguyên ngừng ở chữ và một chút, trước khi nói hết câu.
Kim và Liên cũng chúc lại Nguyên sau đó Liên lấy lý do phải về vì không muốn mẹ đợi cửa. Sau khi Liên và người bạn ra về Nguyên quay sang nói với Kim:
- Nguyên tưởng Kim về rồi, sao năm nay Kim xin xâm chưa?
- Kim xin rồi, giống y hệt năm ngoái.
Nhớ năm rồi, sau khi xem lá giải thẻ xâm của mình, Kim có vẻ tư lự không vui. Nguyên muốn biết nên hỏi bâng quơ:
- Chắc là quẻ tốt rồi vì Kim đỗ cao lại được vào trường lớn.
- Có một điểm Kim không hiểu là Kim chưa hề nghĩ gì về tình yêu hết mà cả hai lần quẻ đều nói đến.
Nguyên tin là Kim nói thật về chuyện này, ngay như Nguyên đây cũng chẳng biết tình yêu là cái gì hết. Nhưng Nguyên nhớ trong năm đệ Lục, thầy Thế dạy Việt văn có định nghĩa “yêu là muốn gần nhau” và nếu thế thì cả Nguyên và Kim đều đang yêu mà không biết vì Nguyên muốn gần Kim, muốn được ở bên cạnh Kim. Ngược lại Kim cũng muốn gần Nguyên vì nếu không muốn thì tại sao Kim lại đợi Nguyên ở đây làm gì.
Nguyên bảo năm nay thôi không xin xâm, dùng chung số của Kim cũng được, nhưng Kim nói:
- Không được, nam mạng và nữ mạng khác nhau, không thể dùng chung được.
- Cũng được, Kim có số giống năm trước thì cứ coi như Nguyên cũng có số giống năm trước đi.
Nguyên nghĩ đời người đều có số cả và duyên phận con người cũng đã được xếp đặt trước từ đâu đó mà với sức lực của con người, khó có người thắng được số mệnh của mình lắm ngay cả những người chuyên tu thân, tích đức.
Những tín đồ Thiên Chúa giáo cho rằng Chúa đã an bài cuộc sống của họ, những tín đồ Phật Giáo cho rằng Phật Trời đã an định cho họ và tuỳ thuộc vào kiếp trước của họ. “Thượng Đế đã an bài” là một câu ngắn, gọn nói về số kiếp con người.
Riêng chuyện tình duyên, người ta chẳng nói đến ông Tơ, bà Nguyệt ấy sao. Ở phương Tây người ta cũng có một ông thần hay thánh gì đó, ông thánh Valentine hay ông thần Culpid thì phải, là những vị mà khi đã xe duyên cho ai thì cái tròng êm ái đó sẽ đeo suốt đời.
Trời hơi lạnh, Kim và Nguyên thả bộ tới lui trong khuôn viên Lăng Ông, hai người như đang theo đuổi ý nghĩ riêng. Để xóa tan không khí yên lặng giữa hai người, Nguyên hỏi:
- Năm nay Kim ước mong điều gì?
- Bí mật, Kim ước mong ba má luôn an mạnh, Kim học hành tấn tới, các em ngoan và chăm chỉ. Vậy chứ Nguyên ước mong điều gì?
Như đã chuẩn bị trước, khi Kim hỏi lại, Nguyên trả lời:
- Nguyên cũng mong học hành tấn tới, năm nay thi đậu và mong cho đất nước thanh bình.
Nguyên và Kim nói chuyện không đâu vào đâu một lúc nữa rồi ra về vì Đạt, em Kim, đã từ phía trong đi ra nói:
- Chị Hai, kiếm hoài không thấy đâu, thôi đi về đi.
Nguyên cũng về cùng với hai chị em Kim, cả ba về ngang qua rạp hát Cao Đồng Hưng, những bàn bầu cua bày trước sân rạp hát vẫn còn rất sôi nổi.
Kim vào nhà, Nguyên trở về nhà mình. Các em vẫn còn đánh bầu cua, Nguyên bảo các em cho chơi với và đòi làm cái nhưng chẳng đứa nào chịu. Không làm cái thì làm người chơi vậy, Nguyên móc túi lấy tiền và lôi ra tờ giấy giải quẻ của Kim, không biết đã bỏ vào túi lúc nào.
Nguyên chơi một lúc lấy cớ là đen quá nên nghỉ, chạy lên gác vội vàng lấy tờ giấy ra xem. Có nhiều chi tiết Nguyên không hiểu được nhưng đại khái trong vấn đề tình cảm quẻ xâm cho biết rất nhiều trắc trở và không bền. Nguyên tính thế nào cũng phải tìm một ông thầy để ông ấy giải cho xem sao.
Chiều mồng một, Nguyên ra khu ngoại viên Lăng Ông để tìm một thầy giải quẻ xâm. Khách thập phương vẫn còn rất đông và các ông thầy bình thường rất vắng khách nay không đủ giờ để tiếp khách. Nhìn những ông thầy đeo kiếng đen, Nguyên không biết các ông có mù loà thật không mà lại vô lý nữa, mấy ông hành nghề ở đây phải biết chữ vì có đến 90 phần trăm khách hàng muốn các ông giải lá xâm, mà đọc chữ thì phải sáng mắt vậy tại sao các ông cứ phải đeo kiếng đen? Làm nghề thầy bói cũng hay, biết bắt mạch khách hàng, biết tâm lý một chút là khách hàng cứ khai ra rồi dựa vào mà nói. Nguyên biết vậy nhưng bài giải khó hiểu, các ông có kinh nghiệm sẽ giải được cho mình.
Đi qua đi lại một lúc, thấy một ông thầy vừa có người khách đứng lên đi, Nguyên xà vào ngay:
- Năm mới chào thầy, xin thầy xem cho một quẻ.
Dù đeo kiếng đen, nhưng ông thầy cũng ngước nhìn Nguyên từ đầu đến chân xem anh chàng này có giống mấy cậu học sinh ưa chọc phá các ông không, rồi sốt sắng nói:
- Cậu muốn xem gì? Tình duyên gia đạo hay chuyện học hành thi cử?
- Cháu muốn xin cụ giải cho lá xâm này vì cháu đọc mà không hiểu.
- Cậu đặt quẻ đi.
Nghe ông nói đặt quẻ là Nguyên biết liền, hầu hết học sinh trường Nguyên học đều biết chuyện này. Nhiều cậu cắc cớ còn đeo kính đen ngồi ngay cả bên trong khuôn viên Lăng, đợi mấy tà áo trắng đi qua xin bói không công cho một quẻ.
Nguyên đặt tờ mười đồng vào chiếc đĩa, Nguyên nghe có người nói đặt quẻ càng nhiều thì thầy bói càng linh. Điều đó cũng công bình thôi, bói toán là một dịch vụ, trả tiền cao sẽ được phục vụ chu đáo hơn.
- Cháu chỉ xin giải tờ xâm Đức Tả Quân cho thôi.
Ông thầy làm bộ không nhìn vào đĩa, cầm lấy tờ giấy, xem qua một lúc rồi nói:
- Tờ này không phải của cậu.
Nguyên giật mình là tại sao ông thầy biết, lúc đó Nguyên mới nhận ra tờ giấy của nữ mạng chứ không phải của nam mạng. Đã đâm lao thì phải theo lao, Nguyên nói:
- Dạ, không phải của cháu mà của chị cháu, có lẽ chị cháu cầm lộn tờ của cháu, xin thầy cứ giải cho ngày mai cháu mang tờ của cháu đến nhờ thầy giải thêm cho.
Không ngờ lời nói dối của Nguyên làm ông thầy tin hay ít ra cũng có vẻ tin, nhất là được khách hàng hứa mai xin giải tiếp nữa thì tội gì mà không giải cho xong.
- Chị cậu có người yêu hay ý trung nhân chưa?
Nguyên ấp úng:
- Chắc chưa, cháu không thấy chị cháu quen với ai hết.
Rồi ông thầy chắc lưỡi:
- Quẻ của chị cậu rất tốt, tương lai đi mây về gió, có điều là gặp ngang trái với một người nhỏ tuổi hơn mình nhưng rồi qua đi rất mau.
Ông còn giảng thêm một vài chuyện gia đạo nữa nhưng Nguyên không để ý theo dõi, cuối cùng ông thầy nói:
- Không có chị cậu ở đây tôi không thể nói hết được vì còn cần phải coi sắc diện và chỉ tay. Ngày mai cậu bảo chị cậu ra đặt quẻ tôi xem tiếp cho.
Nguyên cám ơn ông thầy rồi ra về, trong thâm tâm suy nghĩ lời ông thầy nói. Kim gặp ngang trái với một người nhỏ tuổi hơn, ai đây? Nguyên học trễ mất một năm thì chắc chắn phải lớn hơn Kim, vả lại Kim cũng không già dặn gì hơn Ánh thì nhất định là phải nhỏ tuổi hơn Nguyên. Làm thế nào để biết tuổi đích thực của Kim đây, không thể dang tự nhiên mà hỏi Kim được.
Từ Tết đến hè sao mau thế, Nguyên càng chuẩn bị ráo riết cho việc thi, nếu ở lại thêm năm đệ Nhị sẽ làm Nguyên rất nản, vả lại thế nào thì thế cũng phải học trên Kim một lớp để nếu lỡ mồm gọi Kim bằng em cũng không ngượng. Trong lúc Nguyên chưa biết dùng cách gì để biết tuổi Kim thì tờ “Văn Nghệ Tiền Phong” có bài bói toán qua ngày sinh tháng đẻ. Chộp được cơ hội Nguyên đánh bạo qua nhà Kim nói chuyện học hành rồi sang chuyện bói toán và để làm cho Kim phải đi vào cái bẫy của mình. Nguyên tiết lộ là hôm Tết có đọc tờ xâm của Kim nhưng chẳng hiểu gì cả, định mang trả nhưng bỏ đâu mất và nhớ số nếu Kim có đòi sẽ vào Lăng lấy lại mấy hồi.
Quả nhiên Kim mắc bẫy, Nguyên bảo Kim dùng ngày sinh tháng đẻ của mình để tính toán ra con số xem tốt hay xấu. Nguyên giật mình khi thấy Kim viết ngày sinh tháng đẻ của Kim trên giấy, không phải là nhà toán học Nguyên cũng nhận ra được là mình nhỏ hơn Kim hơn 5 tháng. Vậy là đúng rồi, không lẽ chuyện tiền định đã được xếp đặt trước cho hai trẻ chưa hề nói yêu nhau sao?.
Không tin, không thể có chuyện như vậy được, mấy ông thầy bói chỉ nói dựa chứ làm sao có chuyện như vậy. Không ai có thể biết được ngày mai mình sẽ ra sao, mình sẽ làm gì vì nếu ai cũng biết trước sự việc đến với mình hoặc được các ông thầy bói cho biết trước thì chẳng ai bị tai nạn oan uổng.
Trong một chuyện cổ tích dân gian, có một con chó đá báo cho người thư sinh biết anh sẽ làm quan to rồi cũng chính nó báo cho anh biết kết quả xấu để anh phải tu tỉnh. Nay Nguyên biết Kim gặp ngang trái mà người ấy có thể chính là Nguyên thì tại sao Nguyên không tìm cách để giữ Kim, để chấm giứt, để tháo gỡ, phá tan cái ngang trái mà hai người sẽ gặp.
Nguyên cũng viết tuổi của mình ra, định viết trệch đi một năm để lớn hơn Kim nhưng nghĩ sao Nguyên viết ngày sinh tháng đẻ thật của mình. Kim hơi giật mình vì cô liên tưởng ngay đến hai bài giải xâm mà cô thành khẩn cầu xin trong hai đêm giao thừa. Vì giật mình nên Kim nhận ra ngay là mình đang có một cảm tình đặc biệt gì đó với Nguyên và có một ngang trái, ngăn trở giữa hai đứa.
- Vậy là Nguyên phải làm em Kim đấy nhé. Kim nói cho tan sự im lặng của hai đứa.
Nguyên cũng phải nói đùa:
- Cũng được, làm chị là phải chiều chuộng em đấy nhé.
Những ngày thi qua mau, Nguyên theo đúng chiến thuật là đánh đợt một rất kỹ để đợt hai nếu có rớt thì còn khóa hai. Sau khi xem các bài giải trên báo Nguyên biết chắc chắn mình đủ điểm đậu nhưng vẫn rất hồi hộp. Ngày ‘kéo bảng’ rồi cũng tới, khi thấy tên mình trên bảng Nguyên rất vui mừng, ít nhất cũng đã qua được một cầu, cái công hàng ngày đạp xe đi học thêm đã được đền bù. Sau khi báo cho nhà và Kim biết tin, Nguyên xin phép ông bà Đức đi Long Khánh thăm mẹ và các em.
Sau hơn một tuần vui chơi ở Long Khánh, Nguyên mang về Gia định những bụi đất đỏ của vùng đất phún xuất thạch cổ. Ngay tối hôm đó, sau khi cơm nước xong ông Đức bảo Nguyên ở lại bàn cho ông nói chuyện, ông mở đầu:
- Cháu đự định sẽ làm gì cho năm học tới?
Chưa chuẩn bị trong đầu, Nguyên thưa:
- Cháu định kiếm việc làm một buổi còn một buổi đi học.
- Cậu thấy cũng được nhưng cháu cần giữ chỗ ở Hồ Ngọc Cẩn, đi học thêm buổi tối và cứ ở nhà chăm sóc các em cho cậu mợ.
Nguyên nghe cậu lo liệu cho mình như vậy nên trả lời:
- Vâng, cậu mợ muốn vậy cháu xin nghe theo.
Chợt ông Đức hắng giọng và nói:
- Cháu có đi lại với cô Kim tromg xóm này phải không?
Thấy cậu hỏi với giọng đặc biệt như vậy, biết là có chuyện quan trọng nên Nguyên cẩn thận đáp:
- Vâng, chúng cháu học chung với nhau.
Suy nghĩ một lúc, ông Đức nói:
- Đó là năm trước kìa, năm nay có khác.
Không biết có chuyện gì, Nguyên muốn tìm hiểu:
- Vâng, năm nay khác nhưng chúng cháu vẫn có thể học chung, có chuyện gì vậy thưa cậu?
- Mấy hôm trước bố của cô Kim sang nói chuyện với cậu là ông ấy cần gặp cháu để cho biết là cháu không nên và không có chuyện gì cần phải qua bên nhà ông ấy nữa đồng tời cũng không nên tìm cách gặp cô ấy nữa.
Từ ngạc nhiên sang hoảng hốt, Nguyên không biết mình đã làm gì lỗi để ba của Kim phải sang tìm mình và coi như cấm mình giao thiệp với con gái ông. Nguyên ấp úng nói với ông Đức:
- Cháu không làm gì quấy, tại sao có chuyện lạ vậy ! Để cháu tìm ra lẽ.
Ông Đức khuyên Nguyên không nên qua gặp gia đình Kim lúc này:
- Cháu đợi từ từ, ngay lúc này không tốt. Vả lại cháu còn trẻ mà để ý tới chuyện trai gái làm gì ?
Chết thật, đành rằng trai gái đến tuổi Nguyên và Kim quen nhau, biết nhau, thân thiết với nhau đều có thể là do kết qủa của tình cảm, của con tim nghĩa là có thương, có nhớ, có mơ mộng, có quyến luyến, có giận hờn. Đối với những người như Nguyên, yêu thương, trộm nhớ một người có cảm tình với mình là một chắp cánh, một hy vọng, một ước mơ. Nhưng đối với người lớn, khi nói chuyện trai gái trong tuổi học trò là một điều không đúng, cái tự do luyến ái đó có khi còn là một cái tội .
Nguyên chưa hề nghĩ tới việc mình sẽ nói chuyện yêu đương với ai. Với Ánh trước đây, biết rằng tình yêu có thể đang bắt đầu nhen nhúm trong mình, cái rung động, cái rạo rực đang xâm chiếm trái tim Nguyên nhưng Nguyên thấy rằng cả hai còn rất trẻ nên không thể nói và không được nói. Với Kim bây giờ, tuổi đời của cả hai đủ để mà nói cho nhau biết tình cảm của mình, được phép bộc lộ ánh mắt, nụ cười, được hẹn hò, nhưng Nguyên vẫn nghĩ rằng hãy cứ để cho tình cảm chín mùi, hãy cứ để cho cuộc đời trôi qua và bốn hoặc năm năm nữa, lúc ấy nói với nhau cũng chưa muộn.
Dù hè qua thật chậm, đầu năm học mới đã gần kề, Nguyên vẫn chưa biết lý do gì mà ba của Kim cấm chân Nguyên. Trong hơn một tháng qua Nguyên đã cố gắng tìm gặp Kim nhưng không có kết quả, Nguyên chợt nghĩ đến Liên, may ra Liên có thể giúp được vì Liên và Kim khá thân với nhau, nhưng làm cách nào để hỏi Liên đây, chỉ còn cách sang nhà để hỏi vì bà Đàm sẽ không để ý đến đâu.
Một chiều, Nguyên mạnh dạn sang nhà Liên, Nguyên hỏi ngay khi gặp bà Đàm:
- Liên có nhà không thím, cháu muốn nhờ Liên một tí chuyện.
Bà Đàm rất thân thiện:
- Có, em có nhà. Rồi bà đi vào trong gọi Liên ra:
- Liên, có anh Nguyên muốn hỏi con chuyện gì này.
Phải mất vài phút Liên mới từ trên gác xuống, Nguyên mở đầu:
- Nhanh nhỉ, xắp hết hè rồi, năm nay phải thi Liên có lo không?
- Cũng lo chứ, Liên đang xin mẹ cho đi học thêm. Trường anh với chị Kim học năm trước chắc họ dạy giỏi lắm vì cả anh lẫn chị Kim đều đỗ cao. Liên cũng muốn đỗ cao để được vào Lê Văn Duyệt như chị Kim.
Ra vẻ rất rành về chuyện học, Nguyên nói:
- Cũng nên đi học luyện thi vì trường mình học chỉ dạy tổng quát, không gò bài như trường luyện thi điều đó có cái hay là để học sinh tự phát, tự tìm tòi để giải quyết vấn đề, không nhồi sọ nhưng đi thi là học sinh bị kẹt vì cái lối ra đề thi của bộ Giáo dục. Đôi khi ở trường luyện thi họ dạy bài tủ, khuyến khích học sinh học gạo nhưng lại có kết quả trước mắt và trường càng có nhiều bài tủ càng có đông học sinh.
Không ngờ Nguyên nói trôi chảy như vậy, Nguyên thấy mình có lý vì báo chí chẳng nói lối dạy và học ở nước mình chẳng là lối học nhồi sọ, từ chương đó sao. Chuyện trước mắt đây là phải hỏi về Kim nên Nguyên trở lại mục đích cuộc gặp Liên hôm nay:
- Lâu nay Liên có nói chuyện với Kim không?
- Có, mới nói chuyện với chị ấy hôm qua. Rồi rất ranh mãnh Liên tiếp:
- Tưởng phải hỏi anh câu ấy mới đúng chứ. Nguyên nghĩ: may quá, có lẽ Liên biết chuyện nên nói ngay:
- Lâu rồi tôi không có cơ hội gặp Kim và không sang nhà Kim được vì ba Kim cấm, tôi cũng không hiểu tại sao ba Kim không cho chúng tôi gặp nhau.
Tần ngần một lúc, Liên nói:
- Lẽ ra Liên không được quyền nói nhưng thà cho anh biết còn hơn, có hai lý do mà ba chị Kim không muốn anh và chị Kim tiếp tục gặp gỡ nhau, thứ nhất anh là người đi đạo và thứ nhì anh là người Bắc.
Nguyên chết lặng, không ngờ ba Kim bảo thủ và hẹp hòi đến thế. Không biết nói gì hơn, Nguyên chào Liên về nhà.
Có nhiều vấn đề đã đưa con người đến chiến tranh và hai trong số những vấn đề ấy là vấn đề tôn giáo và vấn đề chủng tộc. Theo Nguyên nghĩ không có tôn giáo nào dạy tín đồ mình làm điều xấu. Đạo nào cũng hướng, cũng dạy cho con người đến chân, thiện, mỹ. Đạo nào cũng dạy con người biết làm điều lành, tránh điều dữ, sống lương thiện, có lòng từ bi, bác ái, sống cho tha nhân và vì tha nhân.
Người Nam hay người Bắc cũng là người Việt Nam, nếu nói theo tôn giáo thì tất cả loài người là một chủng tộc, là anh em với nhau và nếu như thế thì một người Nam phi hay một người Mỹ đều được sống và có quyền sống. Do hoàn cảnh lịch sử, đất nước ta bị chia làm ba miền và những người đứng sau đã lợi dụng cái hố ngăn địa dư, thậm chí cái giọng nói để cố tình mưu lợi cho họ vì chủ trương của họ là chia nhỏ ra, phân tán ra mới dễ cai trị.
Tiếc thay cái quan niệm về đạo tôi tốt, đạo anh xấu, chỉ có tôi mới là người Việt Nam anh là người từ nơi khác đến đã vô hình và vô tình ăn vào tâm trí một số người Việt Nam. Cái vô hình tiềm ẩn trong tâm tư một số người đã vô tình gây nên bao nhiêu sự xung khắc, sự chống đối giữa người và người, giữa miền này với miền kia, giữa đạo này với đạo khác.
Giờ này đây, nạn nhân của quan điểm lỗi thời, của sự xung khắc phi lý ấy là Nguyên, tự nhiên Nguyên thấy ba của Kim hủ lậu và nhỏ bé quá. Cũng có thể là trong vài năm qua, cuộc đảo chánh lật đổ chế độ đệ nhất cộng hoà và những cuộc đảo chánh, chỉnh lý nho nhỏ kế tiếp đều bắt nguồn do vô tình hay cố ý từ cái quan điểm lỗi thời ấy. Cũng có thể là do những vị phù thuỷ, tà phép đã dùng bùa phép của mình để mưu cầu cho một lợi ích riêng tư của họ.
Một cậu học sinh chưa hết bậc trung học như Nguyên không thể nghĩ nổi, không thể hiểu nổi tại sao. Muốn hỏi không có người để hỏi, muốn được hướng dẫn không có người hướng dẫn. Trong trường học, các thầy cô đã làm hết sức mình để truyền thụ kiến thức, để dạy dỗ thế hệ trẻ nên người. Có những bài học dạy sự đoàn kết, có những bài học dạy nhân nghĩa, có những bài học dạy lòng trắc ẩn, lòng bác aí, lòng tương thân tương ái. Nhưng ngoài xã hội, người ta tranh giành nhau, người ta xâu xé nhau, người ta tạo mối thù cho nhau. Cái học ở nhà trường và cái hành ở ngoài đời nhiều khi mâu thuẫn với nhau, khác biệt nhau một trời một vực.
Nguyên nhớ có đọc ở đâu liên quan tới môn học là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra ai cũng có lòng thiện, cái gốc của con người là thiện và xã hội đã biến đổi con người. Thế nhưng xã hội do đâu mà có? Xã hội chẳng phải do con người tạo nên sao? Cái mâu thuẫn cứ xoay quanh trong đầu làm Nguyên cảm thấy choáng váng, ngộp thở, cảm thấy muốn làm một cái gì đó nhưng chịu bó tay.
Nằm vắt tay lên trán, hình ảnh Kim, Ánh rồi Liên, Đào lởn vởn trước mắt Nguyên. Có nên tin Liên hay không? Có lẽ thật vì chẳng có gì mà Liên phải đặt chuyện vì chỉ có thế thì ba Kim mới tìm Nguyên để thông báo. Lúc Ánh về Đà nẵng, Nguyên thấy mất một thứ gì yêu qúy và thứ ấy vĩnh viễn đi mất, Nguyên có muốn tìm kiếm thì cũng là cả một vấn đề. Nay có lẽ Nguyên mất Kim nhưng Kim vẫn còn đó, mấy ngày nữa đây đi học thế nào cũng thấy nhau, gặp lại nhau nhưng bây giờ gặp lại nhau là một sự tội lỗi vì đã có sự cấm đoán của gia đình.
Ông Đức quyết định là Nguyên tiếp tục học đệ Nhị giữ chỗ và giữ học bổng để lấy tiền đóng tiền học luyện thi tú tài 2. Ông Đức bảo Nguyên:
- Cháu chỉ nên học luyện thi, ít giờ đến trường hơn và tiền học tương đối rẻ hơn, các môn phụ cháu cứ mua sách về chăm chỉ học là được.
Ngày tựu trường, Nguyên đứng đón đường Kim và trao cho Kim một lá thư. Kim nhận và nói sẽ trả lời Nguyên vì hai đứa không có lỗi gì với nhau. Nghe như vậy Nguyên thấy chắc là Liên nói thật. Hai ngày liên tiếp Nguyên đón đường Kim nhưng không gặp. Ngày kế tiếp Nguyên đi học rất sớm, Nguyên ra tận mãi phía cổng chính của lăng Đức Tả Quân đứng đợi.
Những tà áo trắng đi qua, thỉnh thoảng có những nhóm vài ba người. Có những cô nhìn Nguyên, nói gì đó rồi cả nhóm cười khúc khích với nhau. Kim và Nguyên thường đi chung với nhau rất nhiều người biết, nay thấy Nguyên lủi thủi một mình nên các cô cho rằng Nguyên và Kim đang có vấn đề gì với nhau. Thường trong lứa tuổi học trò, người con trai ưa bị coi là còn non nớt, dễ bị bỏ rơi hoặc bị lãng quên.
Kim đi bộ tới, nhìn Kim gần đến Nguyên rất hồi hộp và hy vọng lần này thế nào cũng biết tin. Nguyên đến gần Kim nói ngay:
- Mấy bữa nay trông Kim hết sức, Kim đã đọc thư Nguyên chứ?
- Kim đọc rồi và viết trả lời Nguyên đây.
Kim mở cặp lấy đưa Nguyên một bì thư màu xanh, Nguyên cầm lấy muốn mở ra đọc ngay nhưng nghĩ những giây phút đang được gần Kim đây nên bỏ thư vào túi áo rồi cùng đi với Kim đến trường. Nguyên đợi cho Kim khuất vào cổng trường mới đi bộ về trường mình. Nguyên muốn tìm một chỗ nào đó trong sân Lăng đọc thư của Kim ngay nhưng sợ trễ giờ học nên vội vàng về trường kẻo đi trễ mà gặp thầy tổng thì thế nào cũng được thầy lấy tên cho vào sổ “những tên đi trễ” của thầy.
Suốt buổi học đầu Nguyên chẳng thu thập được gì. Có hai yếu tố làm cho việc học của Nguyên lúc này không được lưu tâm đến, thứ nhất là mọi sự Nguyên học bây giờ coi như là học lại và thứ hai là nỗi bồn chồn, nóng lòng của Nguyên.
Những năm trước đây, khi có những truyện để đọc lén bọn Nguyên đều có thể chuyền tay trong lớp mà đọc. Có một lần Nguyên và mấy bạn làm báo lậu, viết văn thì ít mà viết tào lao thiên địa thì nhiều, cũng đóng bìa, vẽ màu rồi chuyền nhau đọc. Được một kỳ, bọn Nguyên hăng máu làm kỳ hai, nhiều trang hơn và kết qủa là đã bị thầy Thế tịch thu trong giờ Việt Văn của thầy. Tý nữa cả bọn còn bị ra hội đồng vì trong đó có người viết bài phạm thuần phong mỹ tục . Nguyên lén đọc thư Kim trong lớp lúc này thế nào mà chẳng có bạn để ý, họ sẽ đè Nguyên ra mà lấy chứ chẳng phải chơi. Nguyên đành bấm bụng về đến nhà mới đọc.
Ngày x tháng y năm 1965
Nguyên,
Không ngờ là Liên đã nói cho Nguyên nghe lý do ba Kim cấm cản Kim tiếp xúc với Nguyên, Kim chẳng biết nói gì hơn vì đó là quyết định của ba mà Kim là con, không có quyền cãi lại.
Ba Kim nói là ba làm chuyện này sớm trước khi Kim và Nguyên có thể đi xa hơn về vấn đề tình cảm, ba sợ là lúc đó ba không thể ngăn được ba sẽ phải từ Kim và nếu bây giờ Kim không nghe lời ba thì ba cũng sẽ từ Kim.
Kim đã thưa với ba về chuyện chúng mình chỉ là bạn, giúp nhau học tập chứ không có ý gì khác nhưng ba nhất định không chịu thành ra Kim cũng không biết nói sao.
Có lẽ Nguyên sẽ cho là ba Kim cổ hũ, lạc hậu khi mang vấn đề tôn giáo và địa phương ra để ngăn cản con cái. Kim rất mong Nguyên thông cảm cho ba vì bao năm nay, từ một người sinh sống trong một khu vực ít va chạm, ít thay đổi, mọi người chung quanh đều coi nhau như là bà con nay gia đình Kim phải sống với nhiều va chạm trong cuộc sống nên ba Kim trở nên độc đoán khi nhận định về con người. Tiếc thay ba đã nhận định quá độc đoán đến độ sai lạc về Nguyên.
Hy vọng Nguyên hiểu và chúng ta luôn luôn giữ cho nhau tình bạn tốt đẹp.
Kim
Mặc dù không đồng ý với Kim nhưng Nguyên thán phục Kim qua cách bênh vực cho cha vả lại Nguyên thấy Kim cũng không thể nào làm sao hơn được. Kim đã tuyên bố đầu hàng như vậy là Nguyên không có đồng minh để chiến đấu cho một cuộc chiến mà phần bại đã nắm chắc trong tay.