watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Băng Sơn với Hà Nội-Hà Nội ngày thường - tác giả Băng Sơn Băng Sơn

Băng Sơn

Hà Nội ngày thường

Tác giả: Băng Sơn

May mắn thay mỗi ngày ta còn đủ sức khoẻ và lý do để bước ra đường, đến nơi này chỗ nọ, gặp người nào đó. Mới hôm nay đi chọn hoa đào trên Nhật Tân Quảng Bá, mới sớm nào ăn đĩa bánh trôi để đón hè non, thế mà chợt thu phất phơ xanh liễu, hồ đầy như mắt mọng nỗi niềm... Thu đã sang ư từ đêm qua hay từ đêm trước mưa long bong lòng máng hiên nhà, hay chỉ mới sáng nay, lúc ta mới bước ra đường trong hơi sương ấm, mà thấp cổ run run trong bóng nước lồng mây viễn xứ bay về?
Ta đi một mình hay cùng ta là hàng chục hàng trăm người xưa cũ đang trong ta bên ta, quanh ta bảng lảng trên mỗi chiếc lá rập rờn, trên mỗi ô gạch lát hè, trong mỗi căn nhà âm thầm và tíu tít....
Bà Huyện Thanh Quan từng ngồi ở một góc nền cũ nào trong tịch dương than thở để tiếng thở dài ấy còn vương vít đến muôn đời?
Nguyễn Du đi đò qua sông Cái sang Đông Ngàn, quê mẹ, người thợ mang bộ ngực ốm o dựng trong chiếc áo the hay áo gấm của cậu ấm con quan, khiến cô lái đò cảm thương lăn lóc? Bao nhiêu nước đã qua bên ấy, cô lái đò đã tái sinh trong bao nhiêu lớp cháu con, thanh nữ đài trang hay cô hàng chạy chợ nhọc nhằn lam lũ, thành chị nhà chài buông lưới hay bác vớt củi rểu trôi nổi trên sông, thành cô gái cấm cung Hàng Bạc cổ tay trắng nõn ngó cần hay nàng thục nữ Hàng Gai bày cỗ Trung thu ra vỉa hè cho hàng phố ngợi ca tài nội trợ....
Ta tự lang thang vào thành phố hằng quen thuộc, nhưng như bừng một giấc cô miên, ta lại gặp bao điều nhắc nhở những thời, những thuở có ta và chưa có ta...
Mới hôm nào tinh tuý của đồi Lục Ngạn Bắc Giang lũ lượt bạt ngàn trên bao nẻo phố, ngọt như đường mà chua chua cảm giác, đỏ như hồng ngọc mà trong suốt như mã não.... mà nay chỉ còn là đôi quang gánh toòng teng đi bán cốm nhẹ nhàng, êm lắng gót chân. Đã lâu rồi không còn chiếc đòn gánh cong một đầu như mó thuyền đuôi én vùng Tây Bắc Sông Đà thơ mộng, làm bằng cả một gộc tre chẻ dọc.... Chiếc đòn gánh bây giờ thẳng đơ, cứng quèo, không hiểu hương cốm có đọng vào đấy chút nào cho thành cái duyên nghìn năm, trăm năm đất nước mùa thu?
Chỗ góc Hồ Gươm có hơn 40 cây liễu bên nhau, có lúc quàng tóc vào nhau mà thì thầm, ai đó qua ngồi đó, ai hôm nay qua đó, cô sinh viên hay người nước lạ từ Bắc Băng Dương hay Nam bán cầu trái mùa cùng ta... cái mâm xôi vồng lên làm bằng công sức mấy chị công viên, lúc là xanh cỏ, khi lại tím vàng, có hôm trắng muốt, có thuở rung rinh, có ngày khô khốc... không ai có thể ghi lại được hết từng ngày của mỗi năm, của thế kỷ vừa qua; của đời mình diễn biến cùng đời thành phố.
Ta đi qua phố Bà Triệu để nhớ một người không bao giờ còn viết thêm bài báo nào trên tờ Cứu Quốc và sau là Đại Đoàn kết. Ta thả cái thong dong vào hồ Thiền Quang, ngồi trên chiếc thân cây nằm ngang, một chiếc cây có thế đặc biệt, duy nhất, độc đáo, cái tình Hà Nội, hình như đã một lần ta có người bạn gái thân thương đầy e lệ, không dám bước qua cái ngưỡng rụt rè để đời đời ta mất nhau khi người nằm giữa lòng nghĩa trang Văn Điển từ mấy chục mùa thu lạnh lẽo cỏ vàng.
Một ngày bình thường thành phố, không cần biết ai sống thế nào, người chui xuống lòng cống ngầm, người leo lên tầm cao chót vót, người trồng cây và người tỉa cây, người bán phở và người ăn phở, người đỡ đẻ và người đào huyệt, người cân vàng bằng cân tiểu li và người cân cả chiếc ôtô tải bằng chiếc cân ngầm dưới đất, người đi học và người dạy học, người viết báo và người đọc báo, người bỏ nội thành để về quê và người từ quê ra thành phố, vào nội thành ngơ ngác tìm nhà....
Ta ở giữa đó chăng hay bên lề những điều quen thuộc đó. Chẳng thể xác định như vôi thì phải trắng, lá thì phải xanh, nước thì phải mềm, đá thì phải cứng....
Đã thưa thớt người đi bán hoa sen, cả trắng lẫn hồng, cả sen lẫn quỳ cứ gọi phứa đi là sen tuốt tuột. Và đã bắt đầu thưa thớt hoa cúc vàng, chưa dại đoá nhưng cũng tạm là thu. Suốt mùa hè hoa hồng không đẹp, từ hồng quế hồng lam đến hồng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Mê Linh, Vĩnh Tuy, Đà Lạt, Hà Lan hay Pháp.... Hình như ta nhớ cách đây vài chục năm, chỗ đầu phố Thuỵ Khuê chưa thành làng Nhật Bản, mà còn là vườn uơm hoa cho thành phố, có một dàn cây thưa thớt, lần đầu tiên bông hồng vàng có mặt, thứ hoa hồng leo quý phái, đặc trưng, mềm mại, lả lướt, kỳ diệu đến nỗi ta phải đưa cả mấy nhà văn mấy tỉnh đến thăm, trong số đó Nguyễn Hà đã mất, Phượng Vũ không còn, Lữ Huy Nguyên đã ra đi.... Nay hoa hồng vàng bán rong khắp phố, có vàng thẫm, có màu kem, có hoàng yến, có vàng thố, vàng thư.... hình như gió bốn phương trời chuyển động, hoa về thoả sức. Ta ngược lên phía bắc Hồ Gươm. Cây đề duy nhất bên hồ đã vặn mình thế nào trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục này khi hiệu kem Hồng Vân Long Vân từng là trụ sở toà báo của con người Hà Nội lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh ngồi đây viết báo, đã thành hiệu ảnh và hàng bán đồ lưu niệm trong nhịp đổi thay. Ai còn nhớ nhà Thuỷ Tạ hoàn thành năm 1940, nay thêm một tầng có hàng ăn "Đình Làng" với những cô gái thắt đáy lưng ong, mớ ba mớ bảy bưng những chiếc nậm rượu bằng sứ Bát Tràng cho khách trăm miền ngồi phòng lạnh, nơi hẹp nhất Hà Thành....
Mới bỏ ra mấy nghìn triệu đồng để sửa được hai ngôi nhà cổ một Hàng Đào và một Mã Mây, còn mấy trăm hay mấy nghìn ngôi nhà hình ống nữa thì sẽ thế nào đây? Đâu là nơi Phạm Đình Hồ ngồi viết "Vũ Trung Tuỳ bút", rằng "Nhà ta ở phường Hà Khẩu", đâu là nơi Nguyễn Trãi viết ra câu thơ "Góc thành Năm lều một gian", đâu là chỗ Cao Bá Quát cúi đầu lạy bông hoa mai "Nhất sinh đê thủ bái hoa mai", đâu là chỗ thầy giáo Nguyễn Siêu ngồi báo học trong cái đình vuông gọi là Phương đình mà thành biệt hiệu....
Ta mới biết ngôi trường của cụ nghè Vũ Tông Phan gọi là Hồ Đình là toà báo Nhân Dân bây giờ, như ta biết ngôi nhà 48 Hàng Ngang là của ông Trịnh Văn Bô và bà Nguyễn Thị Minh Hồ dành riêng cho Bác Hồ viết bản tuyên ngôn Độc lập bất hủ truyền đời, đang được bảo vệ kỹ càng....
Ta lại thả chân vào hiện tại đồng thời là dĩ vãng và tương lai. Chưa có một cuộc trưng bày nào, triển lãm nào lại đông như mấy hôm nay, hàng vạn người chen nhau vào xem đồ án dựng xây mấy cái nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng... Hiện tại đấy mà tương lai đấy. Xa xôi đấy mà sát sườn đấy.... Phố Tràng Tiền từ ngày cấm để xe đạp xe máy hoang vu hẳn đi, đến bây giờ mới thấy đông như thế dù người trông giữ xe lấy tiền đắt gấp mấy lần mà chưa thấy ai can thiệp....
Ta đang là một phần của hiện tại, có lẽ không ai cần biết là hiện tại có những ai đang sống bên mình, với mình, cùng mình.... may ra như liệt sĩ Lê Gia Định, Hoàng Diệu, Tôn Thất Tùng.... sau khi ra đi mọi người mới giật mình nhận ra niềm mất mát. Triệu người là triệu con ong cần mẫn, hút nhuỵ hoa và nhả mật, là triệu con tằm ăn lá dâu và làm sợi.... Chả bao giờ quanh Hồ Gươm đông đến vài chục vạn như chiều hè lấn bước chiều thu này, may ra dăm chục bàn cờ... có tướng sĩ ganh đua, có xe con tung tẩy....
Đúng là một ngày thường, vì kia kia mấy gương mặt quen thuộc đang tập vung tay, đang đi bộ rèn luyện.... cùng mấy ông già lúc nào cũng chỉnh tề giầy bóng lộn, tóc mượt mà, quần phẳng phiu, ngực cà vạt.... ngồi đọc tờ báo An Ninh Thủ đô hay Hà Nội mới.... Quen và không quen, giơ tay chào và lẳng lặng bước đi.... mặc kệ anh trật tự viên hay đeo băng đỏ ra hiệu cho mấy chú bé không được đi xe đẹp trên vỉa hè lát gạch lá dừa và nay là gạch vừa lát theo cái quỹ gần 17 nghìn triệu đồng sửa chữa Hồ Gươm.
Mười năm đôi cột xi măng đỏ cắm xuống lòng hồ đỡ thân cầu Thê Húc cong cong như vành lược, chắc là còn lâu bền, không còn là nỗi lo đổ cầu như Nguyễn Siêu nghĩ lúc ban đầu, và năm 1952 nó đổ đúng giao thừa Nguyên Đán.
Để Hồ Gươm lại sau lưng, ta lững thững với Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân. Đã có một phố Cầu Đông mới bên cạnh chợ Đồng Xuân thay cho chợ Cầu Đông cũ chỉ còn ngôi chùa 38B Hàng Đường có tấm bia liệt sĩ, tên người cha của nhà sử học Dương Trung Quốc là Dương Trung Hậu. Chợ Đồng Xuân cũng đầy thay đổi. Anh linh những người chiến sĩ quyết tử, đánh giặc Pháp có xe tăng đại bác bằng dao bầu mã tấu, phản thịt.... Chợ Đồng Xuân không là siêu thị, nó vẫn là chợ Việt Nam, mang cốt cách Việt Nam, như bao chợ khác: Chợ Hôm, chợ Đuổi, chợ Hàng Da, chợ 19-12, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Hàng Bè, chợ Cửa Nam.... Người Hà Nội đã dần quen siêu thị như dần quen ăn phở có giá đỗ sống, uống nước trà đá.... mà có người phản đối, cho đó là không Hà Nội. Không sao. Có thể mới là ngày thường, mới là nhịp sống đổi thay mới là vũ bão gió mưa cuộc sống.....
Và một ngày đi qua, trăm ngày đi qua, ta là cái gì đó, một ai đó, nghĩ một nỗi niềm chi đó, nhớ nhung người nào đó... Hà Nội tồn tại trong ta và cũng là tồn tại ngoài ta, bên ta có ta can thiệp và không có ta góp sức....
Có lẽ đó là quy luật, quy luật muôn đời, từ thuở Long Biên, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội, từ thuở chưa có, rồi có, rồi mất đi những Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Trần Quang Khải, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam....
Ta lại thả thân ta vào một ngày thường.... hạnh phúc khi còn đủ sức khoẻ và có lý do để ta hoà vào Hà Nội ngoài kia nghìn vẻ...
Băng Sơn với Hà Nội
Nghìn năm Hà Nội
Nét đan thanh Hà Nội
Hà Nội ngày thường
Mưa xanh Hà Nội
Chân cầu
Mùa đông Hà Nội
Môi trường xanh
Chữ hàng ẩm thực