Nét đan thanh Hà Nội
Tác giả: Băng Sơn
Thời gian là một dòng trôi không ngừng không nghỉ. Năm tháng ngày giờ chỉ là ước lệ do con người đặt ra, tuy vậy, cách phân chia ấy cũng quan trọng lắm. Tính từ tháng 10 năm 1954 đến ngày này năm 2002, là chỉ thiếu 2 năm nữa sẽ vừa nửa thế kỷ. Bao nhiêu thay đổi theo thời gian, thời gian mang thay đổi đến hay con người tạo ra thay đổi ấy? Thời khắc ấy, ước tính Hà Nội có khoảng 25 vạn, trừ người dại dột di cư "Theo Chúa vào Nam" thì Hà Nội còn chừng 15 vạn. Nửa thế kỷ, Hà Nội có số dân 3 triệu, so nội thành nay và trước, khoảng triệu rưỡi thì số dân gấp mười. Dân đông gấp mười nhưng đất đai, nhà cửa, đường sá... lại không nở ra theo tỷ lệ thuận, cho nên Hà Nội vẫn đang là bài toán cho bao nhiêu lo toan, tính toán, suy nghĩ, trăn trở....
Cây quanh Hồ Gươm xanh hơn. Tóc liễu buông rèm tha thướt đẹp như con gái thế kỷ hăm mốt quanh ta trên đường Hà Nội, dù rằng lẫn vào các đường thiếu nữ thanh tân như tiên sa làm cá lặn mây hờn ấy, không thiếu gì lố lăng kệch cỡm như con gái mà để tóc con trai, mà nhuộm đỏ, nhuộm vàng.(Nếu Nhà văn Vũ Trọng Phụng sống lại, hẳn ông vẫn phải viết tiếp những kẻ gọi là xuân tóc đỏ tập hai). Nói năng của Hà Nội xưa là thanh tao, lịch lãm, nói đúng giọng, dùng đúng chữ, mềm mỏng, dễ nghe thì nay bao nhiêu chiếc tai đau khổ phải nghe từ các ca từ đến ngôn ngữ chợ búa tục tằn, nhí nhố, lai Tây lai Tầu, tục tĩu, ngọng líu, ngọng lìu....
Công bằng mà nói Hà Nội vẫn rất Hà Nội qua những con đường rợp bóng xanh xuân, xanh hạ, xanh thu.... vẫn dịu dàng yểu điệu những tà áo thướt tha mềm mại cho lòng ta bay lên niềm mơ mộng lung linh của cuộc đời tươi đẹp, vẫn còn những em học sinh, sinh viên, những trai thanh gái lịch đầy kiêu sa, thơm thảo, hiền dịu nết na, để có thể đủ sức đánh bật đi bao nhiêu rác rưởi không đẹp, không Hà Nội lẫn vào....
Hà Nội vẫn rất Hà Nội khi hương vị thơm ngon kỳ thú của món quà không sánh đâu kịp: Phở. Có lai tạp đấy, có thời thượng đấy, có xô bồ đấy, nhưng tinh hoa thì bao giờ cũng vẫn là tinh hoa. Người Hà Nội vẫn tìm ra những bát phở theo sở thích riêng mình, đó là bát phở chín, dù là chín nạm hay chín gầu, chín sụn, chín nhừ... mặc ai ăn phở trứng tanh lòm, phở giò cho béo bổ, hoặc ngay một món quà dân dã, rẻ đến bất ngờ là bún riêu cua, vẫn còn nguyên hương vị của món riêu cua đồng ngọt mà thanh, sợi bún mềm và mát, trắng tinh như mây trời đậu xuống, bất chấp ai phàm ăn cho đầy bát những giá đỗ, những đậu rán thái quân cờ, những thỏi giò bằng nửa cổ tay, thậm chí giầm vào đấy quả trứng vịt lộn, để lấy lại sức đã đánh mất đêm hôm trước.
Hà Nội như chàng trai vạm vỡ, ngực đã nở như ngực báo, lưng đã to như lưng gấu, tay đã dài hơn sải.... không còn thích hợp với chiếc áo thuở lên năm lên mười, dù nó có được cắt may bằng gấm vóc qua tay người mẹ thương yêu chan chứa hay người thợ may tài hoa.... Vì thế mà nó cần sức bật, sức dướn, sức vươn... Nhiều ngã tư ngã năm đang tự nới mình ra. Đẹp lắm chứ, khu vực Cầu Giấy có đường vòng đường lượn có nét thẳng nét cong... nơi xưa kia chỉ có một nhịp cầu nhỏ bé gọi là cầu Tây Dương nơi cửa ô hun hút và toàn ngõ lầy phảng phất bóng ngọn tre tầu chuối....
Đường sang Gia Lâm, nơi thế kỷ trước còn là đất của Đông Ngàn Kinh Bắc.... nơi năm 1924 còn là bến phà chở những chiếc ôtô đầu tiên qua sông, sang qua bãi mới tiếp tục rồ máy lên đường (vì cầu sông Cái chưa xong). Nút cầu Chương Dương như mở ra dải lụa sang nhiều tỉnh bạn miền đông, miền bắc kinh đô... Vì thế mà càng giận kẻ nào xô bừa lên, lao xe máy vào đường ô tô, làm tắc đường, làm mất thì giờ và cũng làm đau Hà Nội...
Cái ông hoạ sĩ Cát Tường còn gọi là hoạ sĩ Lơ Muya (Le Mur) có sáng kiến cải tiến cái áo cổ xưa thành chiếc áo dài tân thời, nay, tà áo ấy đã thành quốc hồn, thành Hà Nội- hồn làm mê mẩn cả trai năm châu bốn biển. Ừ thì cho rằng nó thoát thai từ chiếc áo dân tộc Chăm, từ chiếc áo tứ thân.... nhưng ngày nay áo dài đồng nghĩa với Hà Nội, đồng nghĩa với Việt Nam, chắc hồn hoạ sĩ đang dâng lên niềm sung sướng vì nét đẹp truyền đời, và mỗi chúng ta Hà Nội, sao mà không rung động cho được khi ta áo ấy phơ phất giữa tâm hồn ta sâu thẳm. Khó mà cải tiến nó hơn, hoạ chăng bày vẽ chỉ làm nó hỏng (lời phu quân của nhà tạo mẫu Ngân An, ông Quang), giống như người ta đang cải tiến tóc đen thành tóc nâu, phớt thành tả pí lù, đường rộng hoá đường bó hẹp và bao nhiêu thứ khác...
Hàng ngày, hơn triệu người Hà Nội (tính khu vực nội thành) sinh hoạt ra sao? Quanh Hồ Gươm có bao nhiêu người dạo mát và bao nhiêu bàn cờ những pháo lồng lệch, tốt sang đông. Nếu thế kỷ trước có thể đếm trên đầu ngón tay là đủ mấy ông đỗ tú tài, mấy danh nhân danh sĩ, thì sang thế kỷ này, Hà Nội là chiếc lò đúc khổng lồ đào tạo những tài năng. Nếu một Cao Bá Quát "suốt đời chỉ cúi đầu trước hoa mai", nếu Nguyễn Siêu người có công dựng Đài Nghiên Tháp Bút và cầu Thê Húc, nếu cụ nghè Vũ Tông Phan trồng cây đa nơi trường Hồ Đình (sân toà báo Nhân Dân), nếu một Nguyễn Quyền, Lê Đại.... mở ngôi trường tư gọi là Đông Kinh Nghĩa Thục.... thì mới ít ngày vừa qua, Hà Nội đã có hàng chục vạn cô tú cậu tú đi so tài cao thấp vào các trường đại học.... Thay đổi này là không thể ngờ, là không thể hiên ra trong óc nhưng ai xa đất nước vài chục năm chưa có dịp trở về...
Mùa này hoa sữa đang xông hương cho những đêm thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm và cũng là mùa Hà Nội đẹp nhất cho lòng ta ngây ngất đắm say mà đi vào tình ái, mà hồi tưởng tình yêu mà mê man cùng niềm đẹp, mà ân tình với Hà Nội trầm tư trong sôi động, thanh tao đài các trong xô bồ, thanh thản trong bận rộn..... Hà Nội tự mình đan cài các trạng thái để tự mình không đơn điệu như một nhà thơ đầy tài năng không hề đơn điệu. Đôi khi ta bắt gặp một hương hoa hoàng lan trên đường Phan Đình Phùng. Lại cũng không quên một cây nơi cung Thiếu Nhi, một cây giữa phố Lý Thường Kiệt, một cây giữa phố Triệu Quốc Đạt, một cây gần Văn Miếu.... Hoa hào phóng thế, cứ cho người Hà Nội toàn bộ hương mình, hình như có thế hoa mới tự hài lòng, và có thế người Hà Nội mới thanh tao lịch lãm, diễm lệ đến thế....
Mới gần nửa thế kỷ, thời gian trôi nhưng đâu có dài. Con tầu Hà Nội có lẽ mới đi qua một nửa ga, một đoạn đường, một chớp mắt trên đường đi rên dòng đời của mình. Vậy mà ta không thể tính hết được những gì thay đổi, mà đâu phải ta là người không trí nhớ, ngược lại, Hà Nội bao giờ cũng luôn thường trực hàng ngàn bộ não ưu việt, hàng ngàn pho từ điển sống.... Chỉ vì Hà Nội yêu quá, đẹp đến thiêng liêng nên ta không thể nào theo kịp, không thể nào mang hồn ta bé nhỏ ra mà đong đếm, giống như ta hiếu thảo cũng không thể đo hết lòng mẹ, tình mẹ đã cho ta....
Và như vậy ta vui sướng được là một nét đan thanh trong bức tranh kỳ vĩ muôn đời Hà Nội, đã vẽ và đang còn vẽ tiếp.