watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người Đọc-P1 - Chương 8.9 - tác giả Bernhard Schlink Bernhard Schlink

Bernhard Schlink

P1 - Chương 8.9

Tác giả: Bernhard Schlink

8.
Những hôm sau đó cô làm ca sáng. 12 giờ trưa cô về đến nhà, và ngày nào tôi cũng trốn học tiết cuối để ngồi đợi cô trên bậc cầu thang trước căn hộ của cô. Chúng tôi tắm và làm tình, trước một rưỡi tôi hấp tấp mặc quần áo rồi chạy vù đi. Hai giờ là bữa ăn trưa. Ngày Chủ nhật từ 12 giờ đã có ăn trưa, nhưng ca sáng của cô cũng bắt đầu và kết thúc sớm hơn.
Thật ra thì tôi muốn bỏ tắm. Cô sạch sẽ kinh khủng, sáng sớm đã tắm rồi, và tôi ưa mùi nước hoa, mùi mồ hôi mới và mùi tàu điện mà cô đem theo từ nơi làm việc về. Song tôi cũng thích cơ thể cô ướt nước, xát xà phòng; tôi thích để cô xát xà phòng cho mình và thích xát xà phòng cho cô, và cô dạy tôi đừng ngại ngùng làm việc đó, mà phải làm kỹ lưỡng một cách tự nhiên và chiếm hữu. Cả khi làm tình cô cũng chiếm hữu tôi một cách hiển nhiên. Miệng cô chiếm lấy miệng tôi, lưỡi cô đùa với lưỡi tôi, cô bảo tôi chạm vào cô ở đâu và như thế nào, và khi cô cưỡi lên tôi cho đến khoái cực thì tôi chỉ tồn tại để cô vui thú với tôi và qua tôi. Không phải là cô không âu yếm và không làm tôi sướng. Nhưng cô làm việc đó để vui chơi thoả mãn cho chính mình, cho đến khi tôi cũng học được cách chiếm hữu cô.
Đó là chuyện về sau. Tôi không bao giờ học được cho thấu đáo. Một thời gian dài tôi cũng không lấy đó làm thiếu. Tôi còn trẻ, và tôi nhanh xong, và sau đó trong khi dần dần hồi sức tôi thích để cô chiếm hữu tôi. Tôi ngắm nhìn cô khi cô ở trên tôi, ngắm bụng cô có một vết gấp sâu trên rốn, ngắm vú cô bên phải to hơn bên trái một chút xíu, khuôn mặt cô với miệng đang mở. Cô chống hai tay lên ngực tôi và hất tung tay lên trong khoảnh khắc cuối, ôm đầu và hắt ra tiếng kêu nấc nghẹn không ra hơi, lần đầu khiến tôi phát sợ, về sau lại hau háu chờ.
Sau đó chúng tôi mệt nhoài. Thường thì cô ngủ thiếp đi trên tôi. Tôi nghe tiếng cưa trong sân, tiếng hò hét của những người thợ bên máy cưa át cả tiếng máy. Khi máy cưa tắt đi thì tiếng xe cộ yếu ớt từ phố Ga lọt vào phòng bếp. Nghe tiếng trẻ con hò hét và chơi đùa, tôi biết là tan trường và đã quá một giờ. Ông hàng xóm về qua nhà buổi trưa tung thức ăn cho chim ra bao lơn, những con bồ câu bay đến và gù.
"Tên em là gì?" Tôi hỏi cô vào ngày thứ sáu hay thứ bảy gì đó. Cô nằm thiếp đi trên tôi và vừa tỉnh dậy. Cho đến lúc ấy tôi tránh gọi cô, tránh dùng cách xưng hô khách sáo hay thân mật.
Cô bật dậy. "Gì cơ?"
"Tên em ấy mà!"
"Tại sao cậu muốn biết?" Cô nhìn tôi vẻ nghi ngờ.
"Em và anh... Anh biết họ của em, nhưng không biết tên em là gì. Anh muốn biết tên gọi của em. Có gì sai đâu mà..."
Cô cười. "Không sao, cậu bé ạ, không có gì sai cả. Em tên là Hanna." Cô cười tiếp, không ngừng lại được, làm lây sang cả tôi.
"Em vừa nhìn rất lạ."
"Em còn nửa thức nửa ngủ. Anh tên gì?"
Tôi cứ tưởng là cô biết rồi. Hồi đó bọn tôi không cho sách vở vào túi mà cặp dưới nách, thế mới là sành điệu. Khi tôi đặt sách lên bàn nhà cô thì tên tôi có trên vở và cả trên các cuốn sách mà tôi bọc bằng giấy cứng và dán nhãn ghi đầu đề sách và tên tôi. Nhưng cô không để ý.
"Anh tên là Michael Berg."
"Michael, Michael, Michael." Cô thử đọc tên tôi. "Cậu bé của tôi tên là Michael, là sinh viên..."
"Học sinh."
"... là học sinh, và, mấy nhỉ, mười bảy tuổi?"
Tôi tự hào về hai năm tuổi dư mà cô gán cho tôi, và gật đầu.
"... mười bảy tuổi, và lớn lên muốn nổi danh là một..." Cô ngập ngừng.
"Anh không biết sẽ định làm gì."
"Nhưng anh học chăm chỉ."
"Không hẳn." Tôi nói với cô rằng đối với tôi, cô còn quan trọng hơn là học hành và nhà trường. Rằng tôi muốn đến với cô nhiều hơn nữa. "Đằng nào anh chả bị lưu ban."
"Lưu ban lớp nào?" Cô ngồi dậy. Đây là cuộc trò chuyện tử tế đầu tiên giữa hai chúng tôi.
"Lưu ban lớp 10. Anh nghỉ học quá nhiều trong mấy tháng bị bệnh vừa rồi. Nếu định qua được lớp này thì anh phải làm việc như một thằng điên mới được. Giờ này đáng lẽ anh phải ở trường mới đúng." Tôi kể cho cô nghe chuyện tôi trốn học.
"Cút." Cô lật chăn ra. "Cút khỏi giường tôi. Và đừng bao giờ quay lại nếu chưa làm xong việc của mình. Công việc của anh là điên à? Điên? Thế anh tưởng bán vé và bấm lỗ vé là gì?" Cô đứng dậy, đứng khoả thân trong bếp và làm động tác của người soát vé. Tay trái cô mở cuốn sổ con với những tập vé, dùng ngón cái tay trái có bọc một đầu chụp bằng cao su đẩy ra hai tấm vé, hất tay phải để tóm lấy cán chiếc kìm bấm lỗ đeo lủng lẳng ở cổ tay và bấm hai nhát. "Hai vé đi Rohrbach." Cô thả rơi chiếc kìm, chìa tay ra, cầm lấy tờ tiền giấy, mở túi đựng tiền đeo trước bụng ra, cho tiền vào, đóng túi tiền lại và ấn xu lẻ ra từ hộp đựng xu gắn bên ngoài túi. "Còn ai chưa có vé không?" Cô nhìn tôi. "Điên? Anh không biết thế nào là điên đâu."
Tôi ngồi ở mép giường. Như bị mê muội. "Xin lỗi. Anh sẽ làm công việc của mình. Anh không biết có làm nổi không, sáu tuần nữa là xong năm học. Anh sẽ cố xem sao. Nhưng anh sẽ không làm nổi nếu không được phép gặp em nữa. Anh ..." Tôi vừa định nói "Anh yêu em". Nhưng tôi lại không muốn. Có thể cô có lý. Nhất định cô có lý. Nhưng cô không có quyền đòi hỏi tôi phải học nhiều hơn và việc chúng tôi gặp nhau bị phụ thuộc vào đó. "Anh không thể không gặp em."
Đồng hồ trong hành lang gõ một rưỡi. "Anh phải đi đi." Cô ngập ngừng. "Từ mai em làm ca chính. Năm rưỡi, sau đó em về nhà và anh có thể đến. Nếu trước đó anh đã xong việc."
Chúng tôi đứng đối diện nhau, trần truồng, nhưng vẻ lạnh nhạt của cô đối với tôi thì có mặc đồng phục chăng nữa cũng không thể tệ hơn. Tôi không hiểu được tình thế. Cô làm như vậy vì tôi? Hay vì chính mình? Nếu công việc của tôi là điên thì công việc của cô mới lại càng điên - điều đó đã xúc phạm cô? Nhưng tôi hoàn toàn không nói là việc của tôi hay của cô điên. Hay cô không muốn có người tình là một kẻ vô dụng? Nhưng liệu tôi có phải là người tình của cô? Tôi là gì của cô? Tôi mặc quần áo, chùng chình và hy vọng cô sẽ nói điều gì. Song cô không nói gì cả. Lúc tôi đã mặc xong thì cô vẫn khoả thân đứng đó, và khi tôi ôm cô từ biệt thì cô không phản ứng gì.

9.
Tại sao hồi ức về ngày ấy lại làm tôi buồn đến thế? Phải chăng là khát khao về niềm hạnh phúc đã qua - và đúng tôi đã hạnh phúc trong hai tuần kế tiếp, hai tuần mà tôi làm việc như một thằng điên và được lên lớp và chúng tôi yêu nhau như không còn gì đáng đếm xỉa trong thế giới bên ngoài nữa. Phải chăng là sự nhận biết cái gì sẽ xảy ra sau đó, và biết rằng sau đó chỉ hiển hiện những gì vốn đã tồn tại?
Tại sao? Tại sao khi nhìn lại quá khứ thì những gì đẹp đẽ của chúng ta lại rạn nứt bởi sự thật xấu xa tiềm ẩn trong đó? Tại sao hồi ức về những năm tháng hôn nhân nhuốm cay đắng khi lộ ra rằng người kia chừng ấy năm có một người tình? Vì người ta không thể hạnh phúc trong tình cảnh đó được? Song người ta đã hạnh phúc cơ mà? Có lúc hồi ức không trung thành với hạnh phúc, nếu kết cục diễn ra đau đớn. Vì hạnh phúc chỉ đúng thật nếu nó vĩnh viễn tồn tại? Vì chỉ cái gì đã từng đau đớn, cho dù không ý thức và không nhận ra, mới kết thúc đau đớn? Nhưng thế nào là nỗi đau không ý thức và không nhận ra?
Tôi nhớ lại ngày xưa và nhìn lại mình trước đây. Tôi mặc cho đến khi rách những bộ complet lịch sự do một ông bác giàu có để lại và tôi được nhận cùng với mấy đôi giày hai màu, đen và trắng, đen và nâu, da trơn và da lộn. Tay và chân tôi quá dài, không hợp với những bộ complet mà mẹ tôi cho đem ra dùng, nhưng hợp với những cử động của tôi. Kính của tôi có gọng rẻ tiền của quỹ bảo hiểm y tế, tóc tôi là một mớ bờm xờm dù tôi làm gì chăng nữa. Ở trường, tôi không giỏi cũng không dốt. Tôi tin là nhiều giáo viên chẳng biết đến mặt tôi, cả những đứa học sinh có máu mặt trong lớp cũng thế. Tôi không ưa diện mạo, cách ăn mặc và cử động của mình, không ưa những gì mình làm ra và vị thế của mình. Nhưng bao nhiêu năng lượng có trong tôi, bao nhiêu tin tưởng rằng sẽ một ngày trở nên đẹp trai và khôn ngoan, vượt trội và được khâm phục, bao nhiêu mong đợi khi gặp những người mới và hoàn cảnh mới.
Phải chăng điều đó làm tôi buồn? Có phải đó là sự nỗ lực và niềm tin tràn trề trong tôi ngày ấy đón nhận lời hứa từ phía cuộc sống, một lời hứa mà cuộc sống không và mãi mãi không bao giờ đáp ứng? Thỉnh thoảng tôi thấy sự nỗ lực và niềm tin giống như thế trên khuôn mặt của trẻ con và lũ mới lớn, và tôi nhìn nó với một nỗi buồn, hệt như khi tôi nghĩ lại về chính mình. Có phải nỗi buồn ấy chỉ đơn thuần là nỗi buồn? Có phải đó là nỗi buồn đến với chúng ta khi những hồi ức đẹp đẽ bị rạn nứt trong cái nhìn về quá khứ, vì hạnh phúc trong hồi ức không chỉ sinh ra từ một tình cảnh, mà còn từ một lời hứa không được đáp ứng?
Cô ta - có lẽ tôi nên nhắc đến cô với cái tên Hanna như tôi hồi ấy bắt đầu gọi cô là Hanna - dĩ nhiên cô ta không sống bằng một lời hứa mà sống trong tình cảnh, và chỉ trong tình cảnh mà thôi.
Tôi hỏi cô về quá khứ của cô, và câu trả lời của cô tựa như phải lục lọi từ trong một cái rương bụi bặm ra. Cô lớn lên ở Siebenbuergen, 17 tuổi tới Berlin, làm công nhân cho Siemens và vào quân đội ở tuổi 21. Sau chiến tranh cô kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Trong nghề soát vé tàu điện mà cô làm từ vài năm nay thì cô thích bộ đồng phục và sự chuyển động, khung cảnh thay đổi và bánh xe lăn dưới chân. Chứ còn cô không ưa cái nghề ấy. Cô không có gia đình. Cô đã 36 tuổi. Tất cả những chuyện ấy cô kể như không phải chuyện mình mà là của người khác, người mà cô không quen và cũng chẳng có dây mơ rễ má gì. Điều gì tôi muốn biết rõ thêm thì thường là cô cũng chẳng nhớ nữa, và cô cũng không hiểu tại sao tôi quan tâm đến chuyện bố mẹ cô ra sao, cô có anh chị em gì không, cô sống ở Berlin thế nào và làm gì trong quân đội. "Cái gì cũng muốn biết thế hả cậu bé!"
Chuyện tương lai cũng vậy. Cố nhiên tôi không có kế hoạch gì về hôn thú và gia đình. Song tôi quan tâm đến quan hệ của Julien Sorel với bà Rênal nhiều hơn là với Mathilde de la Mole. Tôi thích thấy Felix Krull rốt cuộc ngã vào vòng tay bà mẹ thay vì yêu con gái bà. Chị tôi học Đức ngữ, trong bữa ăn hay nói về cuộc tranh cãi liệu quý ông von Goethe có quan hệ yêu đương với bà von Stein, và cả nhà ngạc nhiên khi tôi nhất quyết bảo vệ ý đó. Tôi tưởng tượng quan hệ của chúng tôi sau 5 hay 10 năm nữa sẽ đi đến đâu. Tôi hỏi Hanna mường tượng chuyện ấy ra sao. Cô thậm chí không muốn nghĩ xa đến quá lễ Phục sinh, vào dịp tôi sẽ được nghỉ học và cùng cô làm một chuyến đi xe đạp. Chúng tôi có thể cùng lấy một phòng như mẹ con và ở với nhau suốt đêm. Cũng lạ là ý tưởng ấy không làm tôi ngần ngại. Nếu giả sử đi du lịch với mẹ thì tôi sẽ cố lấy phòng riêng bằng được. Có vẻ không thích hợp ở tuổi tôi khi được mẹ đưa đến bác sĩ hay đi mua chiếc áo choàng mới hoặc đón từ chuyến du lịch trở về. Khi cùng mẹ ra đường và gặp mặt các bạn cùng trường, tôi chỉ sợ bị gọi là thằng bám váy mẹ. Nhưng đi cùng Hanna, dù cho cô có trẻ hơn mẹ tôi mười tuổi song vẫn có thể coi là mẹ tôi, tôi chẳng thấy hề hấn gì. Mà còn làm tôi tự hào nữa.
Hôm nay, nếu nhìn thấy một phụ nữ 36 tuổi thì tôi cho là trẻ. Nhưng nếu gặp một thằng bé 15 tuổi thì tôi thấy nó là con nít. Tôi ngạc nhiên thấy Hanna đã đem lại cho tôi biết bao tự tin. Thành tích học tập của tôi làm các giáo viên chú ý và tôi tin là được họ tôn trọng. Những cô gái mà tôi tiếp xúc nhận ra và thích thú khi thấy tôi không ngại họ. Tôi thấy thoải mái với con người mình.
Hồi ức làm sáng tỏ và khắc ghi những lần đầu tiên gặp gỡ Hanna đã trộn lẫn những tuần lễ đầu tiên giữa lần chuyện trò thứ nhất của chúng tôi và giai đoạn cuối năm học. Một lý do là sự đều đặn của những lần gặp nhau và diễn biến của chúng. Một lý do khác nữa là trước đó tôi chưa bao giờ có được những ngày viên mãn, cuộc sống tôi chưa bao giờ khẩn trương và tập trung như vậy. Khi nhớ lại công việc của tôi vào những tuần ấy, có cảm giác là tôi ngồi vào bàn học và ở lại đó cho đến khi tất cả những bài học bị bỏ lỡ trong thời gian mắc bệnh được truy bù, học hết từ vựng, các chứng minh toán học, các hợp chất hoá học. Trên giường bệnh tôi đã đọc về nền Cộng hoà Weimar và Đế chế thứ ba. Những lần chúng tôi gặp nhau trong hồi ức đối với tôi cứ như một cuộc hội ngộ duy nhất kéo dài. Sau cuộc chuyện trò ấy chúng tôi toàn gặp nhau vào buổi chiều - từ ba giờ đến bốn rưỡi vì cô làm ca muộn, ngoài ra thì vào lúc năm rưỡi. Bảy giờ là giờ ăn tối, mới đầu Hanna hay giục tôi về nhà đúng giờ. Ít lâu sau tôi không chỉ ở lại có một tiếng rưỡi nữa, mà bắt đầu bịa ra lý do để bỏ bữa tối.
Lý do là đọc truyện. Một ngày sau cuộc nói chuyện, Hanna muốn biết là tôi học gì ở trường. Tôi kể về trường ca Homer, các bài diễn thuyết của Cicero, truyện Hemingway về ông già và cuộc vật lộn với con cá và biển cả. Cô muốn nghe âm hưởng tiếng Hy Lạp và La Tinh ra sao, và tôi đọc cho cô nghe Odyssey và lời buộc tội Catilina.
"Anh cũng học cả tiếng Đức?"
"Em hỏi thế nghĩa là gì?"
"Anh chỉ học ngoại ngữ hay còn học thứ gì trong tiếng mẹ đẻ nữa?"
"Ở lớp phải đọc luận văn." Trong lúc tôi bị bệnh, ở lớp đã đọc Emilia Galotti và Âm mưu và tình yêu, và sắp tới sẽ viết bài về chủ đề đó. Nghĩa là tôi phải đọc cả hai vở kịch, và tôi làm việc đó lúc mọi bài vở đã xong xuôi. Lúc ấy đã tối, tôi mệt, và đọc gì thì sáng hôm sau quên hết, phải đọc lại lần nữa.
"Đọc cho em nghe đi!”
"Em tự đọc lấy đi, anh đem sách lại đây cho em."
"Anh có giọng rất hay, cậu bé ạ, em thích nghe anh đọc hơn là tự mình đọc."
Cô nói nghiêm chỉnh. Tôi phải đọc cho cô nghe Emilia Galotti nửa tiếng, trước khi cô cho tôi đi tắm rồi lên giường. Bây giờ thì tôi lại thích đi tắm. Sự ham muốn mà tôi mang theo đã nguội lạnh trong khi đọc truyện. Muốn đọc ra sao để ít nhiều phân biệt được tư cách nhân vật, đòi hỏi phải tập trung tinh thần một chút. Sự ham muốn quay trở lại dưới vòi nước tắm. Đọc truyện, tắm, làm tình rồi nằm rốn lại cạnh nhau đã trở thành nghi thức của những lần chúng tôi gặp nhau.
Cô là một thính giả chăm chú. Cách cô cười, khịt mũi khinh bỉ, thốt ra những lời căm phẫn hay đồng tình rõ ràng cho thấy rằng cô hồi hộp theo dõi, coi Emilia và Luise là bọn ngu xuẩn. Những lúc cô sốt ruột bảo tôi đọc tiếp chứng tỏ cô hy vọng rằng sự ngu dại đó rồi sẽ phải chấm dứt. "Chuyện không thể tin được!" Nhiều lúc tôi tự thúc mình đọc tiếp. Khi ngày đã dài hơn, tôi đọc lâu hơn để cùng nằm cạnh cô trên giường lúc trời đã nhập nhoạng. Khi cô ngủ thiếp đi trên tôi, máy cưa im tiếng, con chim két hót và các đồ vật trong bếp chỉ còn mang màu xám ỏ các độ đậm nhạt, đó là lúc tôi tràn đầy hạnh phúc.

Nguồn: Bản tiếng Đức (Der Vorleser) của Nhà xuất bản Diogenes, Zürich 2005; bản tiếng Việt (Người đọc) của Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội 2006.
Người Đọc
Phàn 1 - Chương 1
P1 - Chương 2.3.4
P1 - Chương 5.6.7
P1 - Chương 8.9
Phần 2- Chương 10.11
P2 - Chương 12.13
P2 - Chương 15.16.17