P2 - Chương 12.13
Tác giả: Bernhard Schlink
12.
Trong khi không nhớ đã nói dối bố mẹ ra sao trước chuyến đi với Hanna thì tôi lại nhớ được cái giá mà tôi phải trả để được ở nhà một mình trong tuần lễ cuối cùng của kỳ nghỉ. Tôi đã quên là bố mẹ và hai anh chị tôi đi đâu. Vấn đề là đứa em gái của tôi. Nó đáng lẽ phải đến ở nhà một đứa bạn gái. Nhưng nếu tôi ở nhà thì nó cũng muốn ở nhà. Bố mẹ tôi không thích thế, vậy là tôi cũng phải đến ở nhà một người bạn.
Nhìn lại, tôi thấy bố mẹ tôi cũng đáng phục khi sẵn sàng để tôi, một thằng bé 15 tuổi, ở nhà một mình cả tuần. Có phải là bố mẹ tôi nhận ra tính tự lập đã phát triển trong tôi từ khi tôi gặp Hanna? Hay đơn giản là đã thấy tôi dù ốm mấy tháng vẫn được lên lớp, từ đó suy ra là tôi có ý thức trách nhiệm hơn và đáng tin cậy hơn so với trước? Tôi cũng không nhớ ngày ấy có bị truy hỏi đã ở đâu trong những giờ mà tôi ở chỗ Hanna. Chắc là bố mẹ tôi tin rằng sau khi khỏi bệnh tôi thích đi chơi nhiều và học cùng với các bạn. Thêm vào đó, không thể nào chăm chút từng đứa trong bầy bốn đứa trẻ con, mà chỉ tập trung vào đứa nào đang có vấn đề đặc biệt. Tôi đã gây vấn đề đủ rồi; bố mẹ tôi nhẹ cả người khi tôi đã khoẻ và được lên lớp.
Lúc tôi hỏi em gái xem nó muốn gì để đi đến chỗ bạn gái trong lúc tôi ở nhà, nó đòi một cái quần bò - ngày ấy chúng tôi gọi là quần bò xanh hay quần đinh - và một cái nicki, đó là một loại áo bằng nhung the. Tôi hiểu. Quần bò thời bấy giờ là một thứ đặc biệt và sành điệu, lại còn hứa hẹn giải phóng khỏi bộ đồ dệt vân xương cá và áo dài in hoa to. Giống như tôi phải mặc thừa đồ của ông bác, em gái tôi phải mặc quần áo của chị. Nhưng tôi không có tiền.
"Thế thì đi ăn cắp!" Cô em gái tỏ vẻ bất cần.
Thật đơn giản đến kinh ngạc. Tôi mặc thử mấy cái quần bò, đem cả một cái đúng cỡ của nó vào phòng thay quần áo, mặc vào dưới chiếc quần rộng và đem ra khỏi cửa hàng. Áo nicki tôi ăn trộm ở cửa hàng Kaufhof. Hôm trước tôi lang thang với em gái từ quầy này đến quầy khác trong ngăn đồ mốt, cho đến khi tìm thấy đúng quầy và đúng cái nicki mong muốn. Hôm sau tôi đi nhanh và dứt khoát qua ngăn hàng đó, cầm lấy cái áo giấu xuống dưới áo vét và biến luôn ra ngoài. Hôm sau nữa tôi lấy trộm cho Hanna một chiếc váy ngủ bằng lụa, bị tay thám tử nhìn thấy, tôi chạy bán bán sống bán chết và thoát trong gang tấc. Mấy năm liền tôi không đặt chân vào Kaufhof nữa.
Từ những đêm nằm cạnh nhau trong chuyến đi, đêm nào tôi cũng khát khao được cảm thấy cô bên cạnh, rúc vào sườn cô, áp bụng vào mông và tay đặt vào vú cô, khi tỉnh dậy quờ tay tìm và thấy cô, áp mặt vào vai cô. Một tuần ở nhà một mình là bảy đêm với Hanna.
Một buổi tối, tôi mời cô đến nhà và nấu cho cô ăn. Cô đứng trong bếp khi tôi vừa nấu ăn xong. Cô đứng trong khung cửa mở giữa phòng ăn và phòng tiếp khách lúc tôi bày đồ ăn lên bàn. Cô ngồi vào chỗ bố tôi mọi khi bên chiếc bàn tròn. Cô ngắm quanh.
Ánh mắt cô chiếu đến mọi thứ, những đồ gỗ kiểu Biedermeier, cây đàn piano cánh, đồng hồ đứng, giá sách, chén đĩa và dao dĩa trên bàn. Tôi để cô một mình để đi làm món tráng miệng, lúc quay lại không thấy cô bên bàn. Cô đi từ phòng nọ qua phòng kia và dừng chân trong phòng làm việc của bố tôi. Tôi khẽ tựa lưng vào khung cửa và ngắm cô. Cô đưa mắt dọc các giá sách đứng kín tường, tựa như đang đọc chúng. Rồi cô đến bên một giá sách, chầm chậm quẹt ngón tay trỏ dọc theo các gáy sách ở tầm cao ngang ngực, đi sang giá sách bên cạnh và quẹt tiếp với ngón tay qua từng gáy sách một, rồi đo bước chân dọc phòng. Đến cửa sổ thì cô ngừng chân, nhìn vào bóng tối, nhìn ánh phản chiếu từ các giá sách và bóng của mình.
Đó là một trong những hình ảnh về Hanna còn đọng lại trong tôi. Tôi lưu giữ những hình ảnh đó, có thể chiếu chúng lên một màn ảnh nội tâm để quan sát mà không sợ chúng thay đổi hay cũ mòn. Thỉnh thoảng tôi lâu lâu không nghĩ đến cô. Nhưng cô luôn hiện ra trong tâm tưởng, và khi ấy tôi phải chiếu hình cô lên màn hình nội tâm mấy lần liền và ngắm nhìn. Một hình là Hanna xỏ tất ở trong bếp. Một hình khác là Hanna đứng trước bồn tắm và dang tay nâng chiếc khăn bông. Hình khác nữa là Hanna đi xe đạp, váy tung bay trong gió. Rồi đến hình ảnh Hanna đứng trong phòng làm việc của bố tôi. Cô mặc chiếc áo dài sọc xanh trắng, hồi đó gọi là áo váy. Trong chiếc áo dài ấy nom cô trẻ trung. Cô quẹt ngón tay dọc theo các gáy sách và nhìn vào cửa sổ. Rồi cô quay sang phía tôi, đủ nhanh để váy sóng lên quấn quanh chân trước khi phẳng phiu rủ xuống. Ánh mắt cô mệt mỏi.
"Sách này bố anh chỉ đọc hay viết ra?"
Tôi biết một quyển về Kant và một quyển về Hegel do bố tôi viết, tìm thấy cả hai và đưa cô xem.
"Đọc cho em nghe một chút trong đó được không hả cậu bé?"
"Anh..." Tôi không muốn đọc, nhưng cũng không muốn chối nguyện vọng của cô. Tôi lấy cuốn sách về Kant của bố và đọc cho cô nghe một đoạn trong sách về phân tích và biện chứng mà cả tôi lẫn cô đều không hiểu như nhau. "Thế đã đủ chưa?"
Cô nhìn tôi, tựa như hiểu tất cả, hoặc không quan trọng là chỗ nào hiểu và chỗ nào không. "Một ngày nào đó, anh sẽ viết những cuốn sách như thế chứ?"
Tôi lắc đầu.
"Anh sẽ viết sách khác?"
"Anh không biết."
"Anh sẽ viết kịch?"
"Hanna, anh không biết."
Cô gật đầu. Sau khi ăn tráng miệng, chúng tôi đi đến nhà cô. Tôi muốn ngủ với cô trong giường mình, nhưng cô không muốn. Ở nhà tôi, cô thấy mình như kẻ đột nhập. Chuyện ấy cô không nói ra lời, nhưng nói qua cách cô đứng trong bếp hay trong khung cửa mở, đi từ phòng nọ sang phòng kia, đo bước chân trong phòng bố tôi và ngồi bên tôi trong bữa ăn.
Tôi tặng cô chiếc váy ngủ bằng lụa màu cà tím với hai dây đeo mỏng để lộ vai và cánh tay, dài đến tận mắt cá. Chiếc áo lấp lánh. Hanna sung sướng, tươi tắn cười. Cô nhìn dọc theo người, quay mình, nhảy nhót vài bước, ngắm mình trong gương, ngắm hình mình trong đó một chút rồi nhảy tiếp. Đó cũng là một hình ảnh của Hanna lưu lại trong tôi.
13.
Tôi luôn coi ngày bắt đầu năm học mới như một bước ngoặt. Chuyển từ lớp mười lên lớp mười một là một sự thay đổi sâu sắc. Lớp tôi bị giải tán và chia vào ba lớp song song. Khá nhiều học sinh không vượt qua được kỳ thi lên lớp mười một, do đó bốn lớp nhỏ bị dồn thành ba lớp lớn.
Trường trung học của tôi lâu nay chỉ nhận học sinh nam. Khi có cả học sinh nữ thì ban đầu có ít đến mức họ không thể chia đều được vào các lớp song song, mà tất cả vào một lớp, sau này cũng vào hai và ba lớp, cho đến khi số học sinh nữ chiếm một phần ba sĩ số của từng lớp. Cùng tuổi tôi không có nhiều học sinh nữ nên ở lớp cũ không có ai được phân vào. Lớp tôi là lớp thứ tư cùng bậc, toàn con trai, do vậy bị giải tán và chia ra chứ không phải một lớp khác.
Mãi tới đầu niên khoá chúng tôi mới được thông báo. Ông hiệu trưởng gọi chúng tôi vào một phòng học, cho biết rằng chúng tôi bị chia ra và chia theo kiểu nào. Cùng với sáu bạn khác, tôi đi dọc hành lang trống trải tới phòng học mới. Chúng tôi nhận các chỗ ghế còn thừa, tôi ngồi ở dãy thứ hai. Đó là các ghế đơn, nhưng trong ba hàng dọc cứ hai ghế kê thành một hàng. Tôi ngồi hàng giữa, bên trái là Rudolf Bargen, một bạn cùng lớp cũ, to béo, trầm tính và đáng tin cậy, chơi cờ và khúc côn cầu. Ở lớp cũ tôi hầu như không chơi với cậu, nhưng chúng tôi rất nhanh chóng thân nhau. Bên phải tôi, cách lối đi là các bạn gái.
Người sát tôi là Sophie. Tóc nâu, mắt nâu, da rám nắng hè, lông măng vàng óng trên cánh tay để trần. Khi tôi ngồi xuống và quay nhìn xung quanh, cô cười với tôi.
Tôi cười đáp. Tôi thấy dễ chịu, vui vẻ với sự bắt đầu mới mẻ và với các nữ sinh. Tôi đã quan sát các bạn trai cùng trường hồi lớp mười: bất kể có con gái trong lớp hay không, bọn nó đều ngại con gái, tránh mặt chúng, làm bộ làm tịch trước mặt hoặc si mê bọn con gái. Tôi đã biết đàn bà nên có đủ tư thế để bình thản hoặc thân mật. Bọn con gái thích thế. Tôi sẽ quan hệ bình thường với bọn nó và qua đó được bọn con trai chấp nhận.
Ai cũng thế ư? Hồi còn trẻ, hoặc là tôi cảm thấy quá tự tin hoặc là quá thiếu tự tin. Hoặc là tôi thấy mình hoàn toàn bất tài, xấu trai và hèn mọn, hay là tôi cho rằng nhìn chung thì tôi thành đạt và tôi làm gì cũng phải trôi chảy. Khi cảm thấy tự tin thì tôi chinh phục được những khó khăn lớn nhất. Nhưng chỉ một thất bại nhỏ nhất là đủ thuyết phục tôi tin vào sự hèn mọn của mình. Thành công không bao giờ giúp tôi lấy lại được tự tin; so với những gì mà tôi mong đợi ở khả năng của mình hay so với lời khen ngợi của mọi người thì thành công nhỏ nhoi một cách thảm hại. Để tôi cảm nhận được sự thảm hại đó hay tự hào về thành công, điều đó còn phụ thuộc vào tâm trạng của tôi. Hàng tuần liền bên cạnh Hanna, tâm trạng của tôi ổn - mặc cho những chuyện xích mích, mặc cho cô luôn xua đuổi tôi và tôi luôn nuốt nhục. Nhìn vậy thì mùa hè ở lớp mới cũng bắt đầu tốt đẹp.
Tôi còn thấy rõ phòng học trước mắt: phía trước bên phải là cánh cửa, trên tường bên phải có tấm ván với những mắc áo, bên trái là dãy cửa sổ nối tiếp nhau để tầm mắt nhìn tới núi Heiligenberg, và giờ nghỉ đứng bên cửa sổ chúng tôi nhìn được xuống đường, thấy con sông và đồng cỏ phía bên kia bờ. Đằng trước là bảng, giá treo bản đồ và tranh ảnh, bàn giáo viên và ghế kê trên bục. Tường quét sơn dầu màu vàng cao đến đầu, trên đó sơn trắng, hai ngọn đèn hình cầu trắng đục treo từ trần xuống. Căn phòng không có gì thừa, không có tranh ảnh, không có cây lá, không có ghế nào thừa, không có tủ đựng sách vở bị bỏ quên hay phấn màu. Ngước mắt lên, ánh mắt sẽ phóng qua cửa sổ hoặc vụng trộm đưa sang người ngồi cạnh. Khi nhận ra tôi ngắm cô, Sophie quay sang phía tôi và mỉm cười với tôi.
"Berg, Sophia là một cái tên Hy Lạp, nhưng không có nghĩa là trong giờ học tiếng Hy Lạp em cứ nghiên cứu cô bé ngồi bên cạnh đâu. Em dịch đi!"
Chúng tôi đang dịch Odyssey. Tôi đã đọc bản tiếng Đức, tôi thích Odyssey, đến tận bây giờ vẫn thích. Nếu bị gọi đến lượt, tôi chỉ cần một giây để tìm thấy đoạn cần dịch và dịch được. Sau khi thầy giáo lấy Sophie ra để trêu tôi và cả lớp đã ngừng cười, tôi lắp bắp vì một lý do khác. Nausikaa với thân hình và vẻ mặt như tiên nữ, trinh bạch với cánh tay trắng ngần - tôi nên tưởng tượng ra hình ảnh Hanna hay Sophie nhỉ? Nhất định là một trong hai người đó.
14.
Khi động cơ máy bay bị hỏng, chuyến bay chưa phải chấm dứt ngay. Máy bay không rơi như hòn đá từ trên trời xuống. Nó tiếp tục lượn, những chiếc máy bay chở khách khổng lồ nhiều động cơ còn lượn hàng nửa tiếng đến 45 phút trước khi nổ tung lúc cố gắng hạ cánh. Hành khách không cảm thấy gì. Cảm giác bay khi tắt động cơ không khác gì lúc động cơ còn làm việc. Tiếng ồn ít đi, nhưng không đáng kể, vì tiếng gió mài vào thân và cánh máy bay còn to hơn tiếng động cơ. Một lúc nào đó nhìn qua cửa thấy mặt đất hay biển gần sát đến phát sợ. Hay đang lúc chiếu phim và các tiếp viên đã hạ tấm che cửa sổ xuống. Thậm chí có khi hành khách còn thấy dễ chịu khi tiếng ồn của máy bay giảm đi chút ít.
Mùa hè ấy là chuyến bay mất động cơ đối với mối tình của chúng tôi. Hay đúng hơn là đối với tình yêu của tôi cho Hanna; cô yêu tôi đến mức nào thì tôi hoàn toàn không rõ.
Chúng tôi giữ nguyên nghi lễ đọc truyện, tắm, làm tình và nằm bên nhau. Tôi đọc cuốn Chiến tranh và hoà bình, với tất cả các giải trình của Tolstoi về lịch sử, vĩ nhân, nước Nga, tình yêu và hôn nhân, phải đến 40 hay 50 tiếng đồng hồ. Hanna lại hồi hộp theo dõi diễn biến trong sách. Nhưng khác với từ trước đến nay, cô không bày tỏ nhận xét của mình nữa, không biến Natasha, Andrey và Pierre thành một phần trong thế giới của mình như cô đã làm với Luise và Emilia, mà bước vào thế giới của họ, như ai đó ngơ ngác trên một chuyến viễn du hay được phép bước vào một lâu đài, nhưng không thể rũ hết được vẻ rụt rè. Cho đến giờ, tôi đã biết trước tất cả các truyện mà tôi đọc cho cô nghe. Chiến tranh và hoà bình thì tôi chưa đọc. Chúng tôi cùng bước vào chuyến viễn du ấy.
Chúng tôi đặt ra những cái tên để nựng nhau. Cô không những bắt đầu bỏ chữ "cậu bé" để gọi tôi, mà còn thay vào đó những từ chỉ đặc tính và âu yếm, cóc và nhái, chó con, viên sỏi và bông hồng. Tôi để nguyên tên Hanna cho đến khi cô hỏi: "Anh nghĩ đến con vật nào khi anh ôm em rồi nhắm mắt lại và nghĩ đến các con vật?" Tôi nhắm mắt và nghĩ đến các con vật. Chúng tôi nằm áp sát vào nhau, đầu tôi cạnh cổ cô, cổ tôi áp vào ngực cô, tay phải đỡ dưới cô còn tay trái đặt lên mông. Tôi xoa tay lên tấm lưng nở nang, cặp đùi khoẻ mạnh, bờ mông rắn chắc và cảm thấy vú và bụng cô ép vào cổ và ngực tôi. Da cô trơn và mềm, thân thể cô mạnh mẽ và che chở. Khi để tay lên bắp chân cô, tôi cảm thấy các cơ động đậy liên hồi. Nó làm tôi nghĩ đến con ngựa giật giật lớp da để đuổi ruồi. "Con ngựa."
"Ngựa à?" Cô buông tôi ra, ngồi lên và nhìn tôi. Ánh mắt kinh hoàng.
"Em không thích à? Anh nghĩ đến ngựa vì da em rất đẹp, trơn và mềm, phủ lên sự cứng rắn và mạnh mẽ. Và vì bắp chân em giật giật." Tôi giải thích cho cô nghe mối liên tưởng của mình.
Cô nhìn xuống bắp chân mình. "Ngựa", cô lắc đầu, "em không biết nữa..."
Đó không phải kiểu của cô. Mọi khi cô hoàn toàn rạch ròi, đồng ý hay từ chối. Nhìn ánh mắt kinh hoàng của cô, tôi sẵn lòng rút lại mọi câu nói của mình nếu buộc phải làm thế, sẵn sàng nhận tội và xin thứ lỗi. Nhưng bây giờ thì tôi muốn xin cô dàn hoà với con ngựa. "Anh cũng có thể gọi em là Cheval, hay Hottehueh, hay Equin yêu dấu, hay Bukeffel bé nhỏ. Nói đến ngựa, anh không nghĩ tới hàm răng hay sọ dừa hay thứ gì mà em không ưa, mà một cái gì đó tốt đẹp, ấm áp, mềm mại, mạnh mẽ. Em không phải là con thỏ con hay mèo con, và con hổ thì có vẻ độc ác, không phải là em."
Cô đặt lưng xuống, lót tay sau gáy. Bây giờ tôi ngồi dậy và nhìn cô. Ánh mắt cô dõi vào hư vô. Một lát sau cô quay sang nhìn tôi. Vẻ mặt cô biểu hiện nội tâm rất lạ. "Có chứ, em thích anh gọi em là ngựa hay các tên khác của ngựa. Anh giải thích cho em đi."
Có lần chúng tôi đến nhà hát ở thành phố bên cạnh, xem vở Âm mưu và tình yêu. Đó là lần đầu Hanna đến nhà hát. Cô tận hưởng mọi thứ, từ vở diễn cho đến ly champagner trong giờ giải lao. Tôi quàng tay qua eo cô, và không bận tâm xem người khác nghĩ gì về đôi chúng tôi. Tôi tự hào là đã không phải bận tâm. Đồng thời cũng biết là nếu ở nhà hát thành phố mình thì tôi sẽ không như thế. Liệu cô có biết điều đó?
Cô biết là cuộc sống của tôi trong mùa hè không chỉ xoay quanh một mình cô nữa. Mỗi ngày một thường xuyên hơn, lúc chiều muộn tôi đi từ bể bơi về chỗ cô. Ở đó bọn con trai và con gái trong lớp gặp nhau, cùng làm bài tập, chơi bóng đá, bóng chuyền và bài tay ba. Đó là nơi diễn ra sinh hoạt xã hội của lớp mà tôi muốn được góp mặt. Tùy vào giờ làm việc của Hanna mà tôi đến muộn hay về sớm hơn các bạn, chuyện đó không làm giảm thể diện mà còn khiến tôi được chú ý. Tôi biết chứ. Tôi cũng biết là không bị bỏ lỡ gì cả, tuy nhiên thường có cảm giác rằng khi tôi vắng mặt thì có trời mới biết chuyện gì xảy ra. Một quãng thời gian dài tôi không dám tự hỏi mình thích ra bể bơi hay ở bên Hanna hơn. Nhưng hồi tháng Bảy, khi sinh nhật tôi được tổ chức ở bể bơi thì mọi người luyến tiếc chia tay tôi ra về, và Hanna mệt mỏi bẳn tính đón tôi. Cô không biết là tôi có sinh nhật. Đã có lần tôi hỏi sinh nhật cô và được biết là ngày 21 tháng Mười, cô không hỏi lại xem sinh nhật tôi là bao giờ. Hôm nay cô cũng không bẳn tính hơn mỗi lần mệt mỏi khác, nhưng tôi bực mình, và tôi chỉ muốn biến khỏi đây, ra bể bơi, đến với các bạn cùng lớp, đến với sự thanh thản khi chuyện trò, đùa cợt, vui chơi và tán tỉnh. Khi tôi cũng phản ứng một cách cáu bẳn, chúng tôi cãi nhau và Hanna lạnh nhạt với tôi thì nỗi sợ mất Hanna lại trở lại. Tôi nhịn nhục và xin lỗi, cho đến khi cô chấp nhận tôi. Nhưng trong lòng tôi đầy căm hận.