watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Một nàng hai chàng-Phần III - tác giả Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

Phần III

Tác giả: Bình Nguyên Lộc

Mặc dầu không phải là một bậc vĩ nhân, không phải là một tay anh hùng hào kiệt hay một văn nghệ sĩ, ông nầy vẫn hơn hẳn chồng của nàng, một gã ăn chơi và bất lương một cách bỉ ổi. Nàng rất cảm tình với ông ta, rất phục cái dĩ vãng tù chính trị của ông ta, nhưng quả thật không yêu ông ta được.

Nàng than thầm: “Trời ơi, nếu chồng tôi mà có được cái tâm hồn đó!” Nhưng nếu nàng than: “Trời ơi, nếu ông nầy mà có được dung mạo của chồng ta!” thì cũng vẫn cứ đúng y theo ý nghĩ thầm kín của nàng.

Mấy năm trước đây, nàng còn tin rằng người ta chỉ yêu được những tâm hồn cao đẹp thôi, nhưng cuộc đời đã tàn nhẫn, đã trắng trợn cho nàng thấy rõ là mặc dầu nghĩ sao đi nữa, con người cứ tìm sắc đẹp mà yêu.

Trong khi Cúc mấy lần xúc động trước câu chuyện của Lực, Hưng vẫn dửng dưng như không. Hắn là một kẻ không hề biết cảm động, không hề có rắc rối nào về chuyện lòng mà hắn giải quyết mau chóng đúng theo quyền lợi của hắn.

Hắn hỏi chủ động:

- Hòn nầy có nhiều tổ yến không?

- Nhiều nhất trong bảy hòn mà yến xây tổ.

- Mỗi năm lấy được độ bao nhiêu?

- Bốn ngàn tổ, trị giá là nửa triệu bạc.

- Nhiều tiền quá.

Hưng kêu lên như vậy rồi nhìn Cúc mà nói, giọng nửa đùa nửa thật:

- Làm ăn lương thiện cũng kiếm được lợi lớn đó chớ, phải không em? Thật là bất ngờ.

- Không chắc gì là họ làm ăn lương thiện đâu - Lực cãi - Chủ thầu người Tàu họ lường công của bọn tôi nhiều lắm đó. À quên hỏi rõ ông bà điều nầy. Ông bà kể rằng đi chơi thuyền, thuyền bị đắm, có phải như thế không hè ?

Trong khi Cúc lo sợ, bối rối thì Hưng bình thản đáp:

- Đúng như vậy.

- Thật khó lòng mà tưởng tượng được rằng ông bà đã đi chơi xuồng nan từ trong ấy ra đây. Từ thuở giờ, chưa có ai dám đi như vậy cả.

- Không dám không có nghĩa là không làm được.

- Đành là như vậy Nhưng trong trường hợp nầy thì họ không dám vì không làm được. Ông bà đã thực hiện được một kỳ công.

- Anh có nghi ngờ vợ chồng tôi ra đây để ăn cắp tổ yến hay không? Hưng cười mỉa mai và xẳng giọng hỏi như vậy.

- Không, tôi không hề nghi ngờ ông bà là kẻ gian. Bọn trộm tổ yến toàn là người địa phương và phải là những tay thợ nhà nghề như tôi đây chẳng hạn...

- Anh là thợ nhà nghề?

- Thì đã kể cho ông bà nghe rằng trước kia tôi là thợ lấy tổ yến, giải nghệ vì tai nạn làm cho tôi tàn tật. À, phải là thợ nhà nghề như tôi mới ăn cắp được, chớ không phải là người sang trọng như ông bà mà làm công việc đó được đâu.

Vả lại không ai mà cơm ghe bè bạn từ Saigon ra đây để ăn cắp vài mươi tổ yến.

- Nhưng chắc anh không tin là chúng tôi đi chơi thuyền?

- Thành thật mà nói thì đó là điểm thắc mắc nhỏ của tôi. Nhưng tôi không bận tâm về mục đích ra đây của hai ông bà lắm đâu.

Hưng lại uống chén rượu thứ ba Cúc toan ngăn chồng nhưng không kịp. Hắn hứng chí lên và bắt đầu nói nhiều. Hắn hỏi:

- Quần đảo nầy gồm bao nhiêu hòn?

- Hai mươi hòn.

- Có hòn nào tên là hòn Thạch Bàn hay không?

Cúc sợ hãi hết sức, lườm chồng nhưng Hưng bất kể : Lực thì ngơ ngác, cố nhớ rất lâu rồi nói :

- Lạ quá tôi nhớ mang máng hình như đã có nghe tên hòn ấy lần nào rồi, Nhưng giờ tôi đã thuộc lòng từng hiểm hóc nhỏ của hai mươi hòn đảo ở đây, tôi không hề biết có hòn Thạch Bàn. Hòn nầy là hòn Đụn, bên kia là hòn Mun, ngoài ấy là hòn Chà Là vân vân...À...!

Lực vỗ vào đùi chàng kêu đánh đét một cái sau tiếng “à” đó bóp trán suy tưởng giây lâu rồi mừng rỡ nói lớn:

- Tôi nhớ ra rồi!

Vợ chồng Hưng cũng mừng quýnh và hồi hộp lắm, nhưng không dám hỏi, không dám thúc giục chủ động nói gì, họ sợ y tóm được bí mật của họ chăng!

- Tôi nhớ ai đã nói đến hòn Thạch Bàn và nói hồi nào.

Lực lại rót rượu mà uống. Hắn uống rượu mạnh, nhưng chính cặp vợ chồng Cúc - Hưng lại nghe lòng họ nóng nảy như rượu đế cao độ vừa được rót vào bụng họ.

- Nhớ xa và buồn quá! Hay nói cho đúng, vui quá! Vui buồn lẫn lộn, vì đó là kỷ niệm của buổi thiếu thời của tôi.

Câu chuyện nầy gợi nhớ những gương mặt, những hình ảnh rất là thân yêu. Trời ơi tôi cũng có một tuổi hoa niên sung sướng, sao tôi lại quên mất điều đó.

Lực thật dễ ghét đối với Hưng. Trong khi anh chàng nầy nóng lòng, muốn nghe câu chuyện thì tên què chân cứ kể lể dài dòng những đâu đâu, cà kê dê ngỗng mà chưa chịu vào đề.

- Nhưng đó là một câu chuyện cổ tích ông à!

- Chuyện đời xưa thì chắc phải hay?

- Khá hay. Ông nội tôi thường kể cho tôi nghe câu chuyện đó thuở tôi còn bé.

Số là người Hời trải qua mấy trăm năm sau nầy cứ thua ta mãi và cứ mãi mãi bỏ đất để dời đô về phương Nam.

Năm ấy họ lại thua và vua Phê Rum Chơ bỏ đất Khánh Hòa nầy để triệt thối về Bình Thuận.

Bảo vật của hoàng cung rất nhiều, gồm nào là ngọc, ngà, châu, báu nhất là những tượng Phật bằng vàng, những tượng thần Bà La Môn giáo cũng bằng vàng, tượng nào tượng nấy to bằng người, to hơn cả người nữa, không biết phải mấy trăm xe chở mới hết.

Kho tàng đã nặng nề, bề bộn mà giặc lại tới bên thềm và tương lai gần rất là mờ mịt, họ không chắc là họ sẽ định cư được ở Bình Thuận hay không.

Vì thế mà nhà vua mới quyết định chạy tay không, chôn giấu vàng gần đâu đây, để được rảnh tay, nhẹ bước lúc bôn đào, hy vọng rồi sẽ phục quốc, bằng như phải mất nước, nhà vua cũng sẽ cho người trở lại chốn cũ để thâu hồi kho của.

Nhà vua tìm được nơi để của tài tình vô cùng, không dùng hang núi bí luật như dân tộc nào cũng hay dùng, vì bí mật đến đâu, người ta cũng có thể tìm ra, mà chỉ chọn một nơi nằm trước mặt mọi người, cũng không cần lén lút chôn bảo vật mà cất của một cách công khai.

Nơi ấy là hòn Thạch Bàn.

Hòn Thạch Bàn chỉ nhỏ bằng bốn ngôi nhà lớn thôi. Hòn vuông vức như một viên gạch dựng đứng, nhưng cao lắm, cao tới bốn mươi thước.

Đầu hòn bằng phẳng, xa trông thì mặt hòn đảo ấy giống một cái mặt bàn, vì thế mới có tên như vậy.

Bốn tấm vách đá của hòn đứng sững lên, .không có lấy một chỗ lồi lõm nào để ta lợi dụng, bám vào đó mà leo lên đầu hòn được cả.

Đó là những điều kiện khiến cho hòn Thạch Bàn là một nơi bất khả xâm phạm, người mình có biết, cũng chẳng làm sao cướp kho tàng của họ được.

Người Hời là những tay thủy thủ lỗi lạc vốn ở miền ven hải nhiều đời lại thụ huấn được truyền thống hành thuyền, hàng hải, của bọn giang hồ ấn Độ đã ghé qua đây để khai hóa họ, nên không có kỳ công nào trên mặt biển mà họ làm không được cả, kể cả kỳ công giấu của trên đầu Thạch Bàn.

Thế rồi vua tôi Phê Rum Chơ chạy tay không vào Bình Thuận và định đô được nơi đất ấy, kinh đô cuối cùng của họ.

Sau đó một năm họ cho một đội hải thuyền léo hánh ngoài khơi Nha Trang, xa thật xa ngoài khơi, cho thuyền ta không đánh đuổi được. Họ tuần thám như vậy suốt năm và từ năm nầy sang năm khác, chờ một trận bão lớn nổi lên để thừa dịp thuyền ta phải vào bờ ẩn núp để họ thu hồi của cải của họ.

Đã bảo họ xuất chúng trong việc hàng hải thì giữa đại phong, ba đào, họ vẫn có thể cập thuyền sát đảo Thạch Bàn để đổ bộ lên đó dễ như chơi.

Họ đợi tới hai năm mới gặp một trận bão lý tưởng, một trận cuồng phong xô đá lở núi tan, và rủi ro cho ông vua cuối cùng ấy không biết bao nhiêu là trận bão chờ đợi ấy lại gây một cuộc bể dâu là làm cho sụp đến hơn bảy tám hòn đảo trong bầy hòn Thạch Bàn và cố nhiên cái hòn để của ấy cũng sụp mất.

- Trời!

Hai người khách đánh rơi đũa của họ khỏi tay họ và kêu lên một tiếng than đầy tuyệt vọng.

- Sao ông bà lại mến tiếc hòn đảo ấy quá như vậy? Lực ngạc nhiên hỏi.

- Hòn đảo đã sụp mất rồi, còn giấu làm gì em.

Đoạn quay qua chủ động, hắn tâm sự để vơi bớt nỗi sầu tuyệt vọng của hắn:

- Chúng tôi được biết câu chuyện giấu của mà anh vừa kể đó, nhờ một tài liệu cổ. Đó là một câu chuyện đúng sự thật một trăm phần trăm chớ không phải truyền thuyết hoang đường. Chúng tôi lặn lội từ Saỉgon ra đây chỉ để tìm kho tàng đó. Chúng tôi đi bằng thuyền buồm từ bờ ra đây và chính thuyền chạm đá nên đắm chớ không phải đi xuồng nan như đã nói.

- Có thế chớ! Tôi đoán có sai đâu.

Bấy giờ Lực mới quan sát lại người khách sang trọng của chàng. Có hơi men, những nét hung ác nơi mặt hắn hiện lên khá rõ. Ác diện nầy bị bóng sắc của hắn át đi, người mới nhìn hắn, nhất là đàn bà, bị sắc đẹp của hắn làm xúc động nên khó thể nhận được lắm.

Lực lại đoán rằng có lẽ hắn đã hạ sát mấy tay thủy của chiếc thuyền buồm mà hắn thuê, để xoá dấu vết, rồi tìm mãi không ra Thạch Bàn, hắn lại lái thuyền vụng về nên mới thọ nạn.

Hưng đấm ngực kêu trời mà rằng:

- Tiếc quá! Mà lại suýt uổng mạng nữa! Suýt tìm xuống đáy biển để mò số vàng ấy.

Lực cười khà và nói:

- Nếu hòn Thạch Bàn mà còn, ông bà cũng chỉ đành ngó rồi trở về thôi. Cả một triều chúa Nguyễn hùng mạnh mà còn phải đành nhìn hòn để mà thèm châu báu, huống hồ gì sức cá nhân nhỏ mọn của ta.

Để quên nỗi thất vọng, Cúc lái câu chuyện sang hướng khác Nàng hỏi:

- Ở đây, nếu có trộm, anh làm sao?

- Trộm ấy à ? Khi sáng có trộm léo hánh đến đây đó, thưa bà. Thường thường thì trộm nó sợ mình. Nhưng nếu nó làm dữ thì mình đã có cách và có phương tiện hạ nó.

Nói đoạn chàng quay ra sau lưng mà lấy một con dao lưỡi dài như một cây gươm.

- Trong khoang xuồng có cây đòng mà bà không để ý. Còn con dao nầy thì làm đủ thứ việc, chặt khô, đánh vẩy cá chém trộm và có thể dùng để tự tử nữa khi nào tôi chán nản quá.

Rồi chàng lại cười vang cả động, nghe đến rợn người.

- Xem chừng anh không thích sống lắm? Hưng hỏi.

- Cũng tùy lúc ông à ! Như lúc nầy thì tôi yêu đời vì có bạn nhậu chơi để đàm đạo. Khi nào cô đơn quá, tôi rất muốn đập đầu vào vách đá, hay muốn rạch bụng chơi như người Nhật Bổn.

Cúc rùng mình nhắm mắt lại.

Giọng Lực lè nhè, nhựa nhựa mà giọng Hưng cũng đã khá dày rồi. Kẻ tìm vàng hụt nói :

- Nếu anh không thích sống thì nên cho chúng tôi mượn xuồng để chúng tôi vào đất liền. Rủi trộm lấy cả tổ yến, chủ anh có đuổi anh, anh chết đói cũng không sao kia mà! Vả tôi đã mướn xuồng anh bằng số tiền lớn, tiền ấy giúp anh sống một năm dư dả, thì đâu còn sợ mất chỗ làm. Hay là như thế nầy. Anh đưa chúng tôi vào bờ rồi cút luôn.

- À, cái đó thì khác huynh à! Mất chỗ làm, tôi không sợ, mà sợ lương tâm nó rầy rà khó chịu lắm.

- Bảo nó im không được sao?

- Không, nó lắm lời và khó chịu như một bà vợ không hiền.

Hai người đàn ông cười xòa với nhau.

- Vui quá!

Lực nói rồi uống thêm luôn hai chén rượu nữa. Rồi chàng nói chuyện không có đầu, không có đuôi rồi cả khúc giữa cũng không có tuốt. Giây lát sau, chàng gục xuống rồi ngã đại lên đá lạnh. Chàng nằm đó mà ngáy như sấm vang.

Bữa cơm trưa dài hơn hai tiếng đồng hồ, mặc dầu chỉ là một bữa cơm nghèo. Đã bao lần cây đèn trời tắt rồi cháy và cây cột nắng đã nghiêng đầu, hay nói cho thật đúng, đã nghiêng chơn, đầu nó vẫn ở nguyên một chỗ là cái lỗ trên trần đá.

Phản ứng đầu tiên của Cúc khi thấy người chủ động ngủ say mèm là cởi áo quần ra phơi nơi chơn cột nắng.

Hưng cũng bắt chước vợ, nhưng chàng toan đi ra ngoài cửa động để phơi trên gộp đá chớ chơn nắng nhỏ quá không thể phơi nhiều món được.

Cúc gọi giựt chồng lại mà rằng :

- Bộ anh muốn gởi gió mang đi sao mà định mang ra ngoài ấy. Cứ trải cạnh áo em đây rồi nắng nó sẽ dời chỗ, đi tới áo anh chớ gì.

Cả hai vợ chồng đều trần truồng như nhộng, nhưng họ đã hết lạnh nhờ lửa nấu cơm sưởi ấm gian buồng nầy và giọt nắng cũng làm được việc ấy phần nào.

Nếu họ tắt đèn, đốt lửa lên thì đây là cái hang của người thượng cổ rồi, người còn ăn lông ở lỗ, còn chưa biết che thân, và mới phát minh được thứ khí giới tối tân là lửa.

Hưng đi qua đi lại trong hang đá. Mặc dầu không quen bỏ guốc bỏ giày, hai bàn chân chàng rát rân, chàng vẫn cứ đi như là những ý nghĩ đang sôi nổi trong đầu chàng bắt chàng phải hoạt động cho ăn nhịp như vậy.

Cúc đoán là chồng nàng đang suy nghĩ lung lắm và ngỡ hắn nghĩ cách để vào đất liền. Nàng định bụng hắn sẽ đề nghị ăn cắp xuồng nan của ông chủ động say rượu.

Nàng không lo Lực chết đói ở đây vì thấy lương thực có khá nhiều, cũng không lo hắn bị đuổi cho lắm. Nhưng nàng sẽ ngăn chồng liều mạng. Suýt chết một lần, nàng rất sợ nước, sợ phiêu lưu trên mặt biển bằng một chiếc xuồng nhỏ quá. Vả lại đã xế rồi và lát nữa đây gió chiều lộng thổi, sóng sẽ dậy lên thì càng nguy. Đợi trời sáng mai sóng yên gió lặng thì Lực đã tỉnh rượu rồi.

Giây lát sau Hưng cúi xuống xách cây đèn bão lên rồi bước lại rọi vào mặt của anh gác hòn. Lực toát mồ hôi dầm dề và vẫn ngáy như sấm động. Kẻ tìm vàng hụt đặt đèn xuống cạnh đó, đoạn với tay lấy con dao lưỡi dài mà người gác hòn què cẳng đã quăng xuống nền đá khi nãy.

Hắn nắm chặt cán dao, đoạn nhìn vợ, không phải để hỏi ý nhưng hắn là kẻ không cương quyết nên không hỏi mà vẫn là để hỏi ngầm đó. Cúc mà làm thinh thì hắn ra tay liền, vì sự im lặng của vợ hắn có nghĩa là : Không sao đâu, anh cứ mần thịt nó đi !

Cúc lo lắng trông thấy, vội đứng lên để kịp lúc can thiệp. Tuy nhiên không hiểu sao nàng không mở lời ngay trước có lẽ vì biết chồng không phải là người tốt mà mong thuyết phục hắn. Nàng còn bận tìm mưu.

Hết nhìn vợ, Hưng nhìn ân nhân của hắn. Lực vạm vỡ lắm và hai bàn tay của chàng có thể bẻ cổ một tên lính Lê Dương. Chàng tuy đi cà nhắc, nhưng có thể vật ngã hắn như chơi.

Hưng không can đảm lắm, cứ sợ người chủ động lực lưỡng trỗi dậy vì hắn không ngọt nhát dao đầu. Nếu Lực mà trỗi dậy được thì mặc dầu chàng bị thương, hắn chắc chắn phải chết trước khi Lực tắt thở.

Vì thế mà hắn cứ ngắm nghía, cân nhắc từng chút, từng chỗ nhược của kẻ đang ngủ say, để có thể hạ tay xuống là xong việc tức khắc trong nháy mắt; nghiên cứu tỉ mỉ mọi biến trạng của cuộc chiến đấu nếu rủi ro hắn không thành công liền và bắt buộc phải đánh nhau với kẻ bị thương bất khuất.

Vả lại đây là lần đầu tiên hắn giết người nên hắn sợ lắm.

Bấy giờ Cúc mới bước đến níu tay chồng rồi hỏi:

- Anh định giết hắn để làm gì?

- Tìm vàng hụt không lẽ ra về tay không. Giết hắn để cướp mớ tổ yến nầy. Với nửa triệu bạc, số tiền mà chính hắn đã ước lượng, ta sẽ qua được một năm túng thiếu.

Hưng là một tay ăn chơi mà không biết làm ra lấy một đồng xu. Hắn chuyên lường gạt thiên hạ mà hắn gọi là làm áp phe cho oai và sang trọng. Năm nay, đã mấy tháng rồi, không trổ tài được nữa, hắn khổ sở lắm mà phải nhịn phung phí mãi cho đến ngày tình cờ bắt được tài liệu cổ để nói về kho tàng ở hòn Thạch Bàn.

Cúc nói :

- Từ thuở giờ anh đã phạm những tội nho nhỏ nên em không nói gì. Nay chuyện nầy lớn tày trời, em buộc lòng phải ngăn anh. Tội giết người, anh có biết là nó hệ trọng đến mức nào hay không?

Nếu anh không biết quí sanh mạng của người khác, ít ra anh cũng phải lo cho chính cái đầu của anh chớ.

- Hắn không thiết sống thì mạng hắn cũng chẳng ra gì đối với chính hắn. Còn đối với pháp luật à ? Không thể nào ai biết được thủ phạm đâu mà em lo.

- Sao anh dám chắc rằng hắn không thiết sống, hắn chỉ nói vậy thôi chớ.

- Nhưng không giết hắn, làm sao mà cướp tổ yến cho được.

Cúc im lặng trước khoản cướp tổ yến. Nàng đã từ một cô gái hiền lương và thơ ngây bị lôi cuốn vào những cuộc trộm cướp lường gạt của Hưng nên đã quen lần với các thủ đoạn lưu manh ấy được rồi.

Nàng không phản đối hành động bất lương của chồng nàng mà chỉ không đồng ý về phương pháp dùng để thi hành hành động ấy thôi.

Hưng nói rồi giựt tay ra, chính sự ngăn cản của Cúc đã giúp hắn can đảm lên và Cúc không đưa ra được lý do nào vững cả đối với hắn, thành thử hắn thấy rằng hạ sát ân nhân của hắn, hắn sẽ không gặp mối nguy nào đáng ngại.

Cúc hoảng sợ cố bám vào tay chồng, lại toan giựt con dao nữa.

Hai người hì hục với nhau, Hưng cố nhiên mạnh hơn vợ nhưng không nỡ bạo tay nên Cúc mới kéo giằng co được rất lâu.

Nhưng rốt cuộc hắn cũng đâm cáu, tát mạnh vào má Cúc một cái tát nảy lửa rồi chửi:

- Đồ khốn nạn ! Người ta kiếm tiền cho mà ăn xài, lại cứ làm bộ đạo đức hoài.

Cúc đau điếng hồn buông tay ra để ôm mặt. Nhưng rồi chính nàng cũng đâm cáu và trong lúc Hưng còn bận mắng chửi chưa kịp xuống tay, nàng nhảy tới mà cấu xé chồng.

Hưng không nhịn được nữa. Hắn xô mạnh Cúc và nàng té lăn cù trên đá. Không có y phục để che chở thân thể của nàng, Cúc chạm da vào đá nhám đau rát không thể tả được. Nhưng nàng không kêu la gì cả, cố ngóc lên trong lúc Hưng dơ con dao toan chém xuống.

- Coi chừng sau lưng anh!

Cúc hét to lên như vậy và tiếng hét của nàng vang dội trong hang đá, khiến Hưng kinh hoảng nhảy trái qua một bên rồi quay lưng lại tức thì để thủ thế.

Hắn ngạc nhiên, trố mắt cố soi mói các hốc tối mà ánh sáng của cây đèn bão soi không tới, nhưng không thấy không nghe gì cả.

- Cái gì đó Cúc? Hắn hỏi vợ bằng một giọng cố bình tĩnh, nhưng vẫn hơi run run.

Cúc lồm cồm ngồi dậy rồi đứng lên đáp:

- Không có gì hết. Em chỉ gạt anh để anh dừng tay cho em kịp nói chuyện rất quan trọng, kẻo rồi anh phải ân hận về sau.

- Chuyện gì? Hưng nổi giận xẵng giọng hỏi.

- Anh ngốc lắm đấy nhé! Anh đâu phải là thợ chuyên môn mà gỡ tổ yến được. Giết hắn thật vô ích, đã mang họa vào thân lại không lợi được một đồng xu nào.

Thật ra thì Cúc mới tìm ra được luận cứ nầy trong giây phút nầy đây thôi, chớ không phải đã nghĩ đến điều đó từ trước mà để dành tới phút cuối cùng mới chịu đưa ra, cho đến phải bị đánh, bị xô.

- Thây kệ, Hưng nói, dầu sao ta cũng sẽ được dịp thử gỡ. Để hắn sống ta không còn may mắn nào cả.

- Em có mưu hay lắm.

- Mưu gì?

- Cứ để hắn sống mà lợi dụng hắn, bắt hắn gỡ tổ yến cho ta, hắn đã khoe rằng trước kia hắn là thợ chuyên môn. Xong ta trói hắn lại rồi cướp xuồng mà về.

- Nhưng hắn què cẳng làm sao giúp ta được? Nếu hắn từ chối thì rồi ta cũng lại sẽ phải giết hắn thôi.

- Nên đề nghị chia hai với hắn.

- Nếu hắn không chịu?

- Trước đó, ta đã trói hắn lại rồi, lúc hắn còn say mèm.

Hắn thức dậy là thấy mình thất thế, hẳn là phải chịu, không muốn chia vẫn phải nhận điều kiện của ta.

- Nếu hắn làm bộ nhận để ta cởi trói rồi, được tự do, hắn trở mặt thì làm thế nào?

Cúc cười dài, giọng rất khinh bỉ rồi mỉa mai nói:

- Anh là người lành lặn lại đi sợ một anh què à?

Hưng mắc cỡ nên nổi đóa nạt đùa:

- Đừng có nhiều chuyện, phải liệu thế nào cho chắc ăn thì hơn.

Cúc lại cười của mai:

- Thì anh liệu đi. Anh nhiều thủ đoạn lắm mà!

Hưng không tìm ra mưu mẹo nào hay mà tự ái hắn lại to, nên hắn ngồi đó mà làm thinh.

Cúc đã được thỏa mãn vì sự im lặng của Hưng là một lời thú nhận thấp trí. Hắn đã qui hàng nàng rồi vậy.

- Nè, không có gì mà khó liệu. Đừng bao giờ thả tự do cho hắn cả và chỉ mở trói cho hắn lúc đưa hắn ra ngoài xong và hắn sắp sửa gỡ tổ yến.

- Cũng hay, nhưng không biết hắn gở tổ yến cách nào để liệu lúc mà mở trói cho hắn.

- Có lẽ hắn dùng thang, chiếc thang mà ta thấy dựng nằm ở bệ đá ngoài kia ấy. Ta sẽ mở trói khi hắn leo thang.

- Nhưng lúc đó hắn vẫn có thể phản công.

- Ta có khí giới, còn hắn thì tay không, sao anh lại cứ sợ! Giờ nên tìm dây mà trói hắn lại ngay đi, kẻo hắn tỉnh mà hỏng cả.

Cúc thấy rằng thà hợp tác đắc lực với chồng, làm quân sư cho hắn và cùng hắn đi sâu vào tội lỗi còn hơn là để hắn bí lối rồi hạ sát anh gác hòn tội nghiệp nầy, nên nàng định việc với tất cả sáng suốt và hăng hái của nàng, làm như chính nàng đã chủ mưu hoặc đã là một đồng lõa phấn khởi và hăng say.

Hưng ném mạnh con dao lên nền đá kêu cái kẻng rồi cúi xuống xách đèn bão mà đi vào trong, vừa đi vừa lẩm bẩm, càu nhàu:

- Còn phải tìm dây nữa! Nếu không có dây thì chặt mẹ nó cho rồi.

Giọt nắng bấy giờ thôi chảy vào hang vì có lẽ mặt trời bị mây áng. Cúc nhìn theo chồng thì thấy bóng tối chụp lần lấy Hưng, chỉ còn một vùng sáng quanh cây đèn thôi mà vùng sáng ấy cũng teo nhỏ lại lần lần và rốt cuộc chỉ còn thấy một ngọn lửa nhỏ di động trong đáy động. Ngồi buồn, Cúc sờ lại da thịt nàng. Tất cả bộ phận lồi của người nàng đều trầy da và rướm máu, hai cùi chõ, hai cái mông, xương sống ! Còn phía sau đầu thì bị u lên một cục to. Khi té thì cố nhiên các phần lồi bị chạm đá nhưng hai khuỷu tay cũng do phản ứng tự vệ của người ngã quyết chống đỡ thân mình nên nó lại bị thương nặng nhất.
Một nàng hai chàng
Lời mở đầu
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V