Phần V
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Đó là cái may mong manh và cuối cùng của kẻ thất thế, nên chàng chịu nghe theo lời thiếu phụ nầy.
Tuy thế, Lực chỉ dám thử buông lơi tay Hưng thôi chớ không đủ can đảm thả hẳn bàn tay sát nhơn ấy ra.
Quả nhiên, Hưng thôi đâm xuống.
Nhưng Hưng cứ giữ con đao trong tay và một tay của Lực còn nắm lấy tay ở không của Hưng.
Cúc quát giọng chị cả:
- Hai người có buông hẳn nhau ra hay không?
Hai gã đàn ông riu ríu vâng lời người đàn bà đã giàn xếp được trận giết nhau mà họ không muốn có, hay ít ra, chưa muốn có.
- Anh Hưng bước xuống coi?
Cúc lại quát và Hưng lại riu ríu vâng lời vợ, không ngồi đè lên bụng và ngực của Lực nữa. Nhưng hắn vẫn đứng lom khom cạnh đó, tay thủ con dao.
Lực ngẩng lên, nhìn Cúc mà nói:
- Cám ơn bà đã cứu mạng.
- Không có gì. Nhưng anh nhận lời chớ ? Nhận nhé, anh Lực nhé !
Cúc ngọt giọng mà nói điều ấy. Giọng nàng lại còn đượm hơi hướng van nài.
Lực nhìn Hưng mà rằng:
- Anh đã thắng. Mặc dầu tôi biết chắc rằng hễ tôi gỡ tổ yến xong là anh sẽ giết tôi, nhưng lạ quá, tôi lại thích sống chớ không chán nản như trước nữa.
Đoạn day qua Cúc, chàng châu mày và mỉm cười một nụ cười chua xót, chàng nói:
- Vâng, tôi nhận điều kiện, vì bà đấy. Thôi, sống thêm được ngày nào hay ngày nấy.
- Anh hãy để tôi trói anh lại, - Hưng đề nghị.
- Đã đầu hàng rồi mà vẫn còn bị trói? Anh xấu bụng lắm.
- Tôi rất tiếc. Nhưng tôi cần phải làm cho anh yếu bớt đi, để anh hết có ý nghĩ lật lọng không hay cho cả anh lẫn tôi.
Lực nhẫn nại chịu số phận, làm thinh mà chịu trói. Vừa làm công việc, Hưng vừa cười gay gắt mà rằng:
- Lần nầy thì tôi trói rất khoa học, trói theo tụi hướng đạo. Đố bạn tự giải thoát cho được nữa.
- Khiêu khích hả?
- Ừ, khiêu khích đó.
- Để rồi biết ?
- Á thôi, hai người đừng có kiếm chuyện với nhau nữa.
Cúc lại lên giọng chị cả mà mắng họ, họ mới chịu làm thinh.
Cả ba im lặng một lúc rồi Cúc ra lịnh:
- Anh Hưng vào nấu cơm đi.
- Đó là bổn phận của đàn bà chớ ? Anh phải canh chừng hắn.
- Anh đã tự hào là trói rất khoa học sao còn phải canh chừng ?
- Ai biết đâu được rủi ro nào sẽ xảy ra. Giữ phần chắc là hơn.
- Như thế để em canh cho. Anh mà ở đây trong lúc vắng mặt em, sẽ sanh chuyện lôi thôi nữa.
Hưng không thèm nói nữa, nhưng hắn do dự một hồi rồi lặng lẽ đứng lên đi vào trong.
Lực gọi với theo mà rằng:
- Nên tiết kiệm nước ngọt, vì số nước chỉ dự trữ đủ cho một người dùng mà bây giờ động chứa tới ba người. Tôi lại phải làm việc nhọc, tiêu thụ nước nhiều lắm đấy nhé.
Cúc sợ chồng nghi ngờ nên cũng không ngồi cạnh Lực, mà đứng lên đi ra đi vào từ chỗ Lực nằm tới chỗ nấu ăn.
Giây lát sau, khói nhúm lửa bay ra dày đặc, khiến cả ba đều phải dụi mắt. Nhưng Lực chỉ biết thổi phù phù thôi vì tay chàng đã bị trói chặt.
Một lát có gió từ cửa động vào, dồn hết khói vào đáy hang, khói lại thoát lên trên do cái hang đứng nên họ mới nghe nhẹ thở.
Cúc đi bách bộ mãi mỏi chân quá nên vào trong để ngồi với chồng. Nhưng Hưng xua nàng.
- Em ra ngoài ấy, có động tịnh gì cho anh hay liền để anh kịp can thiệp. Nằm một mình hay nghĩ quấy và có thể lén làm bậy.
Được dịp, Cúc không bỏ qua và trở ra ngồi cạnh Lực, nàng hỏi:
- Anh làm thế nào mà tự mở trói được?
- Bí mật nhà nghề.
Hạ giọng thật thấp, nàng lại hỏi:
- Giờ mở nữa được chăng?
- Chắc bà muốn yên lòng? Không, tôi mở nữa hay không chỉ do theo ý muốn của bà thôi. Bà đã cứu tôi một lần thì bà có quyền cầm sự sống của tôi trong tay bà.
- Anh đừng hiểu lầm. Tôi không sợ anh tự giải thoát, chỉ sợ anh làm không phải lúc mà nguy, như vừa rồi. Tôi hỏi để mà liệu giùm anh.
- Tôi tin bà, và xin thành thật trả lời : lần nầy, chắc tôi không tự mở trói được nữa. Anh ấy trói khoa học thật đó.
- Nếu anh Hưng không giết anh, anh có thể quên ý xấu của anh ấy và tha, không tố cáo anh ấy chớ ?
- Nếu đó là ý muốn của bà.
- Tôi tha thiết mong mỏi cho thỏa hiệp ấy được thực hiện...
- Nhưng khó lòng mà nó sẽ được thực hiện. Xin lỗi bà, anh ấy là người hèn. Kẻ hèn luôn luôn sợ hãi và không tin nơi lời cam kết nào hết.
- Tôi cũng nghĩ như vậy và rất lo.
- Xin bà nói chuyện khác cho vui, nói to lên, kẻo hắn nghi ngờ thì phiền cho bà. Đoạn chàng cao giọng :
- Ở Saigon độ nầy có gì vui, thưa bà?
- Cái đó tùy, cái gì cũng vui cả, mà cái gì cũng không vui nếu mình chán.
Lực lại hạ thấp giọng:
- Ấy, đừng nói sự thật, đừng có vẻ chán đời, hãy làm bộ dụ dỗ tôi.
- Ừ, Saigon có rất nhiều trò vui : Cải lương nè, chiếu bóng nè, đại nhạc hội nè, tuyển lựa tài tử nè, trà thất nè.
- À, trà thất ! Bà chắc thường ngồi trà thất lắm!
- Rất thường. Anh theo vợ chồng tôi vào trong ấy thì biết. Chừng đó anh mới hối hận đã suýt ngoan cố mà chết uổng mạng, trước khi hưởng cuộc đời.
Thình lình, Hưng gọi lớn:
- Cúc ơi, cơm rồi đây, vào dọn ra ăn.
- Anh dọn không được hay sao?
- Anh không ưa công việc đó.
Cúc phân vân rồi nghĩ rằng chỉ có vài phút, họ không kịp giết nhau đâu mà lo, nên đứng lên đi dọn cơm.
Hưng bỏ cả cho vợ, đi ra ngoài nầy. Tới nơi, hắn nói với người bị trói, giọng ra lệnh:
- Ăn cơm xong rồi gỡ tổ yến nghe chưa?
- Trưa lắm rồi! Chỉ có thể gỡ lúc sáng thôi.
Hắn có vẻ không tin lời Lực, nhìn người chủ động bằng đôi mắt ngờ vực, nhưng không thể làm sao khác hơn được, hắn đành phải đợi. Hắn lại hỏi:
- Độ bao lâu thì xong...
- Hòn có năm mặt vách ngoài và bốn động, trừ động mà ta ở...
- Động nầy vẫn có yến kia mà ! Tôi đã thấy yến bay vào động chiều hôm qua.
- Ừ, nhưng chúng đóng tổ trong cái hang thông hơi, nhỏ quá không chui vào được.
- Phải bỏ à ?
- Ừ !
- Hoài của !
- Mỗi nơi phải tốn mất một ngày công, vị chi là chín ngày cả thảy. Đó là trường hợp trơn tru, không có gì xảy ra.
- Gì có thể xảy ra?
- Tôi làm một mình không được, phải có anh phụ, mà anh lại không lành nghề, có thể hỏng việc.
- Ấy, tôi không biết trèo vách đá, phụ thế nào được.
- Đành là thế. Mà cho dẫu trèo giỏi, anh cũng thích ngồi không ở dưới để xem chừng tôi. Vậy công việc của anh là giữ xuồng cho nó khỏi trôi giạt đi.
Thang đặt chân lên xuồng, hễ xuồng trôi là thang ngã, tôi sẽ chết và anh sẽ từ biệt số tiền anh mong mỏi vậy.
Vả lại tôi có tật chân, chui vào các hang hẹp không được, khoản đó, anh phải làm lấy. Tôi đã phải bỏ nghề vì tật nguyền của tôi.
- Chui vào các hang có khó lắm hay không?
- Dễ hơn trèo thang nhiều, nhưng chân phải mạnh để đạp các bực đá mà lên, xuống.
Bấy giờ Cúc đã dọn cơm xong. Nàng gọi chồng vào ăn. Nhưng Hưng nói:
- Em cứ mang ra đây. Cho anh bạn đây ăn chung cho vui.
Sự thật thì hắn không muốn rời khỏi Lực, không muốn để vợ phải ngồi riêng với Lực hầu đút cơm cho Lực.
Lực nghèo, xấu trai hơn hắn, lại tật nguyền, nhưng Cúc lại cảm tình với hắn khiến hắn đâm lo. Hắn tìm mãi mà không rõ được Lực có bí quyết gì để quyến rũ đàn bà, và chính vì không tìm ra bí quyết ấy nên hắn sợ phải đề phòng việc bất trắc có thể xảy ra.
Nếu Cúc mà phản bội thì hắn bại chắc chắn một trăm phần trăm. Trong một tình thế như vầy người đàn bà nghiêng hẳn về bên nào là đòn cân nặng bên ấy.
Hiện giờ thì Cúc còn trung thành với hắn thật đó nhưng ai biết được giọng kèn tiếng quyển của gã kia sẽ gieo ảnh hưởng tai hại nào vào tâm trí Cúc.
Cúc mang các thứ ra bày nơi đây.
Hưng mở dây cột tay cho Lực rồi nói:
- Ngồi dậy mà ăn cơm. Ngoan nhé, đừng có lộn xộn mà mệt với tôi.
Lực bị trói chân, không thể ngồi xếp bằng, cũng không ngồi chồm hổm được. Chàng phải ngồi day ngang để duỗi thẳng hai cẳng ra bên ngoài mâm cơm.
Cúc pha trò để tạo không khí thân thiện:
- Hai anh vừa đánh lộn với nhau dữ, chắc anh nào cũng đói tợn lắm nên tôi đã nấu cơm thật nhiều.
Quả thật đúng như thế và hai người đàn ông đều cười xòa.
- Anh có oán tôi lắm hay không anh Lực ? - Hưng hỏi:
- Tôi nhìn đời với rất nhiều triết lý nên không còn biết oán ghét nữa.
Hưng không hiểu Lực muốn nói gì, ngơ ngác nhìn chàng. Cúc thì hiểu đó, nhưng nàng thích nghe chuyện của Lực nên hỏi:
- Anh đưa ra một thí dụ xem về cái triết lý nó giúp anh hết căm hờn.
- Chẳng hạn như cả ba đứa ta đều là bạn thân với nhau và hơn thế, bà là người yêu của tôi - Xin lỗi anh Hưng, tôi chỉ nói thí dụ thôi - Ta cùng đi du lịch một chuyến thật xa và bị đắm tàu giữa Thái Bình Dương.
Cả ba chúng ta đều nhờ một chiếc xuồng cao su mà trôi giạt lên một hoang đảo nhỏ, không cây cối, cũng chẳng có sinh vật trên đó. Đảo không có lấy một khe nước ngọt nào chảy qua.
Lương thực mà chúng ta mang theo được trên xuồng là năm ổ bánh mì và hai bình nước ngọt ước lượng độ mười lít. Như thế, hai người bạn thân đàn ông hẳn phải đánh nhau, kẻ nầy quyết giết kẻ kia để hưởng bánh và nước một mình.
- Ông nói hay sao chớ! Lẽ nào tình bạn cao quí lại hoen ố vì mấy chiếc bánh.
- Tôi nói một điều đúng sự thật một trăm phần trăm. Tư tưởng, quan niệm, tình cảm con người thay đổi tùy trường hợp, tùy tình thế. Hôm nay ở đây bà nghĩ như thế nầy về cuộc đời, nhưng ngày mai về Saigon, bà sẽ nghĩ khác.
- Rồi sao nữa?
- Kẻ nào sống sót sau trận đánh, sẽ được sống thêm vài ngày .
- Trời, đổi một mạng người để được sống thêm vài ngày!
- Chớ sao. Biết đâu trong vài ngày đó lại chẳng có người đến cứu. Và cho dẫu hoàn toàn tuyệt vọng họ cũng giết nhau, vì bản năng tự tồn.
- Ghê tởm quá?
- Ừ. Trong những tình thế như vậy, con người chỉ là những con thú thôi.
- Buồn quá!
- Tôi thì tôi hết buồn nữa được khi tôi nghĩ sâu về chân tướng của con người.
- Anh kể tiếp!
- Bạn hắn chết xong, hắn chia ngọt xẻ bùi với người yêu của hắn thêm một ngày nữa.
Qua ngày thứ nhì, hắn thấy bánh mì và nước ngọt mau hết quá, nên hắn quyết định siết cổ người yêu của hắn cho đến chết.
Cúc buông đũa và nghẹn ngang nơi cổ họng không nuốt trôi và cơm trong miệng.
Lâu lắm, chỗ cơm ấy mới chịu xuống và thiếu phụ thở dài mà than:
- Thật là buồn nôn. Người đàn ông nào cũng như thế cả à?
- Đa số sẽ xử sự như thế.
- Còn anh ?
- Tôi ấy à? Tôi chưa biết thái độ của tôi ra sao nếu gặp cảnh đó vì tôi không dám tin lắm nơi lòng của tôi.
- Anh bôi lọ tất cả những gì thiêng liêng trên đời nầy: tình bạn, tình yêu...
- Chính loài người đã tự bôi lọ chớ tôi có cố ý bôi lọ ai đâu.
- Cứ nghe anh thì loài người thật không hơn thú vật chút nào.
- Họ hơn thú vật rất xa trong cảnh bình thường. Nhưng họ tự hạ xuống thấp lắm trong nghịch cảnh.
- Nhưng anh chớ vơ đũa cả nắm.
- Đành rằng có anh hùng, có thánh nhân, nhưng tôi chỉ nhắm đa số mà nói thôi. Bà thấy chăng? Nhân chi sơ, tánh bổn ác như vậy còn oán giận làm gì.
- Anh nói thế chớ anh vẫn chực để thịt tôi. Hưng mỉa mai nói.
- Cố nhiên, nhưng đó là tôi tự vệ.
- Á Cúc, em vào trong mang chai rượu đế và cái ly ra đây.
Cúc sợ hãi nói:
- Đừng có làm xằng. Đã hòa với nhau rồi kia mà! Anh uống vào vài ly sẽ gây sự nữa.
- Không, em chớ có lo.
- Không, không ai được uống rượu cả.
Hưng nổi đóa nạt:
- Có đi hay không thì nói đi nè!
- Nhất định không.
Một cái tát tai nảy lửa vào mặt Cúc khiến nàng choáng váng và té lăn cù trên đá.
Lực ném chén cơm đang cầm nơi tay vào đầu của Hưng, làm hắn lỗ đầu máu ra linh láng, đoạn choàn tới đánh túi bụi vào người hắn, vừa đánh vừa chửi. . .
- Đồ vũ phu, đồ ăn hiếp đàn bà.
Hưng đang bụm vết thương đầu, vội thả tay ra để đỡ. Hắn đứng lên và một cử động nhỏ ấy đủ để giúp hắn thắng thế rồi.
Hắn không nổi giận một cách ồ ạt mà chỉ căm hờn ngấm ngầm theo lối giận của những kẻ ác hiểm thôi.
Lực vòng tay để ôm chân hắn thì bị hắn đá một cái như trời giáng vào thái dương. Kẻ bị trói ngất liền, không kịp kêu đau một tiếng.
Cúc đã ngồi dậy được và theo dõi từ đầu đến cuối trận ẩu đả giữa hai thằng điên. Vâng, chính Lực cũng đã điên lắm. Người ta đánh vợ người ta mắc mớ gì đến hắn.
Nhưng cái điên của Lực làm cho Cúc cảm động lắm. Nàng tức giận Lực đã làm xằng nhưng chính vì thương hắn nên nàng mới tức giận.
- Cũng tại cô hết đó ngtlen! Tôi lỗ đầu, còn nó thì có lẽ đã chết rồi.
Cúc không đáp, rút khăn ra bó quanh đầu chồng, rồi vào trong ngậm một ngụm nước ngọt, đoạn trở ra phun sương sương lên mặt Lực.
Nàng cố bình thản nói:
- Nếu anh ấy lỡ chết thì thôi, không còn biết sao nữa. Nhưng nếu anh ta còn sống thì nên hòa trở lại. Dầu sao giải pháp mà ai cũng đã nhận, hơn giải pháp nào cả.
- Lần nầy, em hết bảo là anh gây sự.
- Phải, chính hắn đã gây sự. Nhưng người đàn ông tốt nào lại không công phẫn trước cử chỉ vũ phu của anh.
- Lại bênh nó nữa
Hắn nói rồi ngoe nguẩy bỏ đi vào trong.
Khi nãy sở dĩ hắn bắt Cúc đi lấy ruợu vì không dám để Lực ngồi một mình. Cúc không chịu hiểu cho nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc !
Giờ hắn đi lấy rượu đây, vừa đi vừa nghĩ mà giận cho đàn bà hay gây nhiều chuyện lôi thôi một cách vô lý. Nếu Cúc chịu hiểu rằng dầu sao, hắn cũng phải cần rượu thì có phải mọi việc đều yên vui hay không.
Khi hắn trở ra, thì Lực đã tỉnh rồi. Hắn đặt chai rượu và cái ly xuống đá rồi cười hỏi:
- Không giận lắm chớ?
- Ít ra, cũng nguội được như anh.
- Vậy thì hòa. Ta ăn cơm chưa no thì nên tiếp tục, để xí xóa, xin đãi anh một ly rượu.
Lực lồm cồm ngồi dậy, cười ha hả mà rằng:
- Chớ không phải phục rượu tôi cho tôi ngủ say đặng khỏi canh chừng? Nhưng biết thế, tôi cũng uống và anh nên cho tôi uống nhiều vào. Tôi thích say hơn là tỉnh, say để quên những phản bội những tàn ác của loài người.
- Ừ, thích thì cứ uống.
Hưng rót liên tiếp và Lực uống liên tiếp. Thấy chồng không uống, Cúc an lòng không can thiệp nữa. Lực ngủ say thì yên. Nàng lại ăn năn đã từ chối không đi lấy rượu khi nãy vì thế mà sanh chuyện. Nhưng cũng tại Hưng không nói rõ ý định của hắn. Hắn nói điều đó trước mặt Lực cũng không hề gì vì Lực cóc cần. Chàng không thoát được thì có tỉnh cũng vô ích, nên có biết bị phục rượu cũng cứ để cho người ta phục.
Họ lại ăn tiếp bữa ăn bỏ dở, Cúc hỏi:
- Gỡ tổ yến có tội nghiệp cho yến hay không hả anh Lực?
- Tội lắm. Ta gỡ, chúng nó lại nai lưng mà xây tổ khác, rồi lại bị ta gỡ nữa.
- Té ra đây là kho vô tận à?
- Không, thưa bà. Bóc lột con người được mãi, nhưng chỉ bóc lột yến được có hai lần thôi. Lần sau, mất tổ, chúng sẽ chán nản đẻ rơi ngoài biển. Có lẽ tôi cũng sẽ chán nản quá, nhảy từ trên đầu thang xuống cho xong một đời.
- Tội gì anh lại phải tự tử. Anh nên suy nghĩ kỹ càng trước khi làm liều. Hết hồi đen thì tới hồi đỏ, chớ khá bi quan lắm.
Vừa nói câu ấy Cúc nhìn thẳng vào mắt Lực rất lâu. Lực khép mí mắt lại để hi hí cho chỉ còn hình ảnh của Cúc là lọt được vào mắt chàng thôi.
Chàng muốn cuộc đời ngừng lại nơi đây, cả hai cùng hóa đá để chàng được ngắm mãi đến muôn ngàn năm sau người thiếu phụ xinh đẹp nầy.
Lâu lắm, chàng mở mắt ra rồi nói:
- Nếu bà thấy tổ yến huyết, không biết bà sẽ đau lòng đến đâu.
- Yến huyết là yến thế nào?
- Con yến nó nhả nước dãi ra để xây tổ, nhưng đôi con cạn dãi, phải khạc mãi cho đến đỗi phổi rách và chảy máu, nước dãi cặn ấy nhuộm hồng, thấy mà đứt ruột.
Cúc thở dài rơm rớm lệ.
Để xóa không khí u buồn nầy Lực nâng ly lên, nhìn Hưng và cười nói:
- Xin báo trước cho anh hay rằng tôi sẽ tỉnh dậy vào lúc nửa đêm.
- Lần nầy tỉnh dậy cũng vô ích. Tôi đã...
- … Anh đã trói tôi rất khoa học. Nhưng tôi sẽ tự mở trói cũng rất khoa học.
- Như thế, ta sẽ đánh nhau nữa, và anh sẽ chết chắc chắn.
- Thôi hai người đừng nói trêu nhau.
Bỗng Hưng hốt hoảng nói:
- Chết rồi Cúc ơi !
- Gì đó ?
Cúc cũng hết cả hồn vía vội hỏi chồng.
- Khi sáng chúng ta quên thổi tù và. Anh Lực ảnh đã nói rằng hễ hòn nào không có tiếng tù và là các hòn khác biết người giữ hòn đó bệnh hoạn. Nếu họ tới đây thăm anh Lực thì sao?
Lực cười ha hả, đáp thay cho Cúc :
- Thì đánh nhau với họ chớ làm sao.
- Liệu họ sẽ đến hay không? Hưng hỏi Lực câu đó.
- Không dại mà cho anh biết sự thật.
- Thôi được. Tôi sẽ tắt đèn. Họ vào động không thấy đường, tôi sẽ thịt họ như chơi.
Lực cười hì hì, gật gù nói láp dáp thêm vài tiếng nữa rồi xin phép thôi ăn. Chàng không kịp uống nước, lắc lư đầu vài cái, gục lên gục xuống rồi ngã đại lên đá.
Vợ chồng Hưng Cúc cũng đã ăn xong rồi. Cúc lo dọn dẹp còn Hưng thì trói tay Lực lại và đi vào trong tìm thêm dây để tăng cường biện pháp đề phòng ấy. Lực say rượu cho đến nửa đêm là ít, nhưng khuya y dậy trong lúc hắn ngủ quên thì dễ sợ lắm.
Chiến tranh giữa hai người đã tái diễn mấy lần mặc dầu có hiệp ước nầy, thỏa hiệp án nọ. Bây giờ hai người đã đi đến giai đoạn giết nhau mà không cần phải có thù hận, giết nhau một cách lạnh lùng, giết vì cần phải hủy sự sống của người khác, thì cuộc tương tàn tương sát còn sẽ ác hệt hơn trước biết bao nhiêu.
Lần nầy hắn còn cẩn thận hơn hôm qua nhiều là xuống mé nước vác xuồng nan lên, đem vào để nằm úp trong đáy động. Lực đã bảo rằng không thể dùng xuồng đó mà vào tới đất liền, nhưng biết đâu rằng hắn nói láo. Vả hắn có thể bơi qua các đảo gần đó để báo động, xin binh tiếp viện, vân...vân…
Hai vợ chồng đánh một giấc ngủ trưa thật say và thật dài; khi giật mình thức dậy là cây nắng nhỏ bên trong hang đã tắt.
Hưng xem lại đồng hồ thì thấy đã bốn giờ rưỡi, cho Cúc biết để nàng lo cơm nước còn hắn thì bước ra ngoài để xem lại coi kẻ say rượu ấy, có say rượu thật hay chỉ giả vờ thôi.
Lực nằm y như khi trưa. Hắn ngủ thế nào thì giờ thế ấy. Người ngủ thường cựa quậy, vẫn thay đổi vị trí giữa giấc ngủ, Lực quả say mèm. Hắn đã uống gần mười ly rượu đế kia mà!
Trong khi Cúc nấu cơm chiều thì yến lại về sào. Lần nầy họ xem đó là trò ngoạn mục, mong nó về cho thật đông kéo dài cuộc biểu diễn nầy cho thật lâu để họ xem cho mãn nhãn.
Hưng .nói:
- Ở tại chợ Lái Thiêu trên đỉnh Bình Dương có một ngôi nhà lầu cổ kia (chỉ cổ độ năm mươi thôi) chứa trên trần hàng vạn con dơi.
Hễ chiều. đến là một số dân ở đó ra sân nhà họ nằm ghế bố nhìn trời để thưởng thức cảnh dơi ra khỏi sào để đi ăn đêm.
Bầy dơi ấy ra hằng giờ mà chưa hết, vẽ lên nền trời xanh một lằn đen dài ngoằn ngoèo trông rất đẹp.
Thế mà chưa thấm vào đâu với dơi ở Núi Dơi ở ven đường Biên Hòa - Đà Lạt. Dơi ở đây là dơi quạ, rất to con. Chúng nó nhiều cho đến đỗi chiều chiều, chúng nó ra sào là bay đen mịt trời.
- Anh nói đến dơi em mới nhớ. Trong một quyển hồi ký kia của một nhà văn Pháp, quyển “Kẻ hành hương ở Đế Thiên Đế Thích” của Pierre Loti, tác giả kể rằng năm ông ấy đến thăm cảnh hoang tàn đó thì mấy ngôi đền đài bằng đá giữa rừng chỉ mới được tìm ra thôi và hội khảo cổ chưa kịp dọn dẹp sạch sẽ như ngày nay. Trong các ngôi đền thờ rộng mênh mông đó, phân dơi lên cao đến ba thước.
- Ba thước? Sách có nói láo hay không?
- Không nói láo đâu. Các ngôi đền ấy bị bỏ hoang giữa rừng hơn năm trăm năm. Lớp phân dơi ba thước là ít đó chớ.
- Anh đã ước ao đi Đế Thiên Đế Thích một chuyến mà chưa đi được. Lần nầy, bán tổ yến xong, hẳn là có thể làm được một cuộc du lịch đó.
- Anh bán da gấu !
Hưng dốt, không biết chuyện tích bán da gấu mà kẻ có học nào cũng biết, nên ngạc nhiên hỏi:
- Anh bán da gấu hồi nào ?
- Em muốn nói anh tin chắc sẽ hưởng cái gì anh chưa nắm trong tay.
- Sao lại không chắc ?
- Ai biết đâu được. Ở đời có rất nhiều chuyện khó lường trước và rủi ro nào cũng có thể xảy ra.
- Không, không làm sao mà có rủi ro được, trừ phi em tùng đảng với hắn.
Hưng lỡ lời rồi giật mình, nhưng không thể níu lại một mũi tên đã bắn ra. Nói như vậy, tức là hắn gợi ý cho vợ hắn. Chưa chắc Cúc đã tính chuyện phản bội. Hơn thế, hắn tự nhiên thú nhận đã nghĩ đến một sự việc có thể xảy ra, mà không biết cách đối phó.
Cúc cười lạt :
- Nếu có ý phản bội, em đã phản bội rồi, đâu đợi anh nhắc.
Rồi mỉa mai và khinh bỉ, nàng lại cười và nói tiếp:
- Anh quả quyết rằng không thể xảy ra chuyện rủi ro, chính là để tự trấn tĩnh anh. Người không sợ, chỉ cười mà không thèm nói rằng mình không sợ. Anh sợ chết đó, mặc dầu hắn đang bị trói cả tay lẫn chơn.
- Á thôi, đừng có nhiều chuyện.
Gió bắt đầu thổi mạnh, lọt vào động, hú nghe kỳ dị và ghê rợn quá trong khi ngoài kia sóng vỗ vào chân vách đá ầm ầm như muốn xô ngã hòn đảo cheo leo nầy.
Anh tù chánh trị cũ, và hiện là tù nhân thường, tù trong tay một tên vô lại, ngáy như sấm, tiếng ngáy của anh lấn át cả tiếng gió hú, tiếng sóng gầm.
Hai vợ chồng Hưng Cúc ăn cơm xong là đi nằm ngay.
Hưng để cây đèn bão ngoài kia, giữa người bị trói và hắn, nhưng gần Lực hơn gần hắn. Ánh đèn chỉ soi mờ nơi đây thôi.
Hắn biết chắc rằng không thể thức suốt đêm nay và nhiều đêm khác nữa, nhưng rất ngại giao phiên canh cho vợ mà hắn không vững tin lắm.
Cúc đang nghĩ gì trong đầu nàng, thật là khó biết. Điều chắc chắn là nàng không tán thành hành động của hắn. Hưng chắc chắn rằng nàng có cảm tình với thằng gác hòn. Nhưng cảm tình đó là do thương xót hay do gì?
Bỗng hắn sực nhớ rằng Cúc đã nằm sau mấy cái thùng thiếc không đêm rồi, nên hắn ngồi dậy lấy thùng mà sắp trước chỗ hắn nằm, làm chướng ngại vật đề phòng Lực mà có sẩy được vào đây tấn công hắn y sẽ gây tiếng động lớn, đánh thức hắn dậy ngay.
Hai vợ chồng gối đầu bằng tay mà nằm ngửa trên nền đá. Thùng thiếc án ánh sáng nên ở đây tối hù.
Trong bóng tối, mỗi người đeo đuổi theo ý nghĩ riêng của họ. Cúc thì lại nghĩ đến thân phận nàng như bất kỳ đêm vắng rào, từ nhiều năm rồi. Nàng thấy rõ rằng tình yêu say đắm của nàng đối với Hưng thật vô lý, và cũng thấy rõ ràng không thể hết yêu hắn được. Nàng giống một kẻ nằm mộng dữ, thấy nguy hiểm nhưng cứ đứng đó, không chịu chạy trốn, không hiểu vì sao.
Nàng lại nhớ Saigon. Nàng còn xuân trẻ, mà rất có thể bỏ xương ở đây nếu hai thằng cha đàn ông nầy mà làm bậy cái gì. Họ giết nhau đã đành, mà có thể điên tiết, họ giết luôn nàng nữa.
Nàng yêu đời ghê lắm và tiếc ghê lắm.
Cúc lại băn khoăn về giải pháp ra khỏi ngõ bí nầy: làm thế nào cứu Lực mà Hưug khỏi vào tù?
Hưng thì chỉ thắc mắc về sự trung thành của vợ thôi. Thật là “Nào ai bẻ thước mà đo lòng người!” Đã ăn ở với Cúc gần bốn năm rồi, hắn vẫn chưa biết rõ lòng dạ của Cúc lắm.
Đành rằng Cúc khác hẳn cả tâm lẫn trí, Cúc có học lại đa cảm, chuộng cái đẹp, cái thiện và mê hắn lắm, nhưng rồi sao nữa? Nàng mê hắn theo cái mê của một số phụ nữ ta ngày nay, mê vì ham sống cái nếp sống thác loạn phần nào, mê sắc đẹp của hắn, mê ăn chơi như hắn, nhưng chưa chắc nhắm mắt mà theo hắn mãi để vào thật sâu trong tội ác của hắn!
Một sự chợt tỉnh và vùng dậy bất ngờ của một tâm hồn khác tâm hồn hắn, phải được tiên liệu để khỏi bị bất chợt thình lình mà phải cua tay.
Hai hôm nay, sự quan hệ giữa hắn và Cúc hơi căng thẳng, không được mật thiết như phải có giữa một đôi vợ chồng trong cảnh hoạn nạn.
Hắn thấy, cần phải làm lành lại với vợ. Sau một buổi ái ân, hận gì cũng xóa được cả.
Vì thế hắn nằm nghiêng qua phía bên Cúc rồi chìa tay ra, định để đầu nàng gối lên đó. Nhưng Cúc vội tránh đi.
Nổi đóa, hắn ngóc đầu lên, mặt hầm hầm, môi bậm lại, hắn soi bói trong bóng tối để nhìn vợ và xẵng giọng hỏi:
- Thương nó lắm hả?
- Đừng có bẻ quẹo. Em ghê tởm anh lắm.
- Anh chỉ tự vệ thôi. Em đui không thấy hay cố ý không thèm biết sự thật?
- Phải, khi sáng anh tự vệ, mặc dầu anh đã gây sự trước. Nhưng em biết chắc thế nào anh cũng giết hắn, một khi hắn làm xong công việc.
- Nhưng tại hắn không tùng đảng với ta. Để hắn sống là ta nguy.
- Anh chỉ tưởng tượng vậy thôi. Điều hiển hiện là hắn đã đầu hàng.
- Không chắc hắn đầu hàng thật, như em đã thấy khi sáng. Hắn chỉ giục huởn cầu mưu, nhận tạm để liệu kế đó thôi.
- Nếu quả như thế thì hắn cũng chánh đáng lắm. Ai lại không ham sống.
Nè em hỏi anh, anh giết hắn xong, làm thế nào vào đất liền?
- Đợi thuyền tiếp tế đến, dụ chúng nó vào đây rồi thừa bóng tối thịt từng thằng.
Cúc cười khanh khách:
- Anh điều khiển nổi chiếc mành ấy để vô bờ chớ ?
- Anh chừa lại vài thằng.
- Không có gì bấp bênh bằng.
- Rồi sẽ hay, giờ chỉ lo thằng ấy thôi. Nhưng nó sẽ không dở thủ đoạn gì được,... nếu... nếu không có một sự tùng đảng.
Hắn đã trót dại miệng nên thấy thà là đặt thẳng vấn đề ra để cho Cúc biết rằng nàng mà phản bội thì hắn thẳng tay tàn ác.
Vừa nói câu đó, hắn lồm cồm ngồi dậy. Đã quen với cái thứ ánh sáng bị che khuất, họ đã trông thấy mặt nhau. Bốn mắt nhìn thẳng vào nhau đầy nghi nan oán ghét, căm hận.
- Cúc ! - Hưng gọi vợ.
- Đồ tàn nhẫn!
Cúc đáp tiếng gọi của Hưng bằng câu mắng ấy.
- Cúc liệu hồn, nếu em phản trắc thì kẻ đền tội trước là em, chớ không phải hắn.
- Đừng có hăm he, không ai sợ đâu. Chính anh mới là kẻ sợ dữ hơn hết. Sự lo sợ hiện rõ ra nơi lời nói của anh, nơi cử chỉ, nơi hành động của anh, không giấu ai được đâu.
Giận tím lặt, Hưng không còn tự chủ được nữa, đưa tay ra toan bóp cổ Cúc.
Thình anh bị Cúc vả vào má một cái tát đổ lửa khiến hắn kinh ngạc, ngã người ra sau. Phản ứng dữ dội, đột ngột và liều mạng của Cúc khiến cho hắn lại đâm sợ cả người thiếu phụ yếu đuối nầy nữa mà mới năm trước đây, hắn còn dày vò thân xác như một tay lãnh chúa ngược đãi nô tỳ trong thời phong kiến.
Kỳ lạ thay, hắn đã khinh rẻ, đã giận, đã ghét, đã thù Cúc và giờ đây vừa sợ Cúc, hắn lại đâm ra yêu nàng.
Hắn có tâm hồn ma cạo. Mà các nhà tâm lý học cho rằng ma cạo lại có tâm hồn đàn bà, cần được che chở bởi những người đàn bà oanh liệt. Ngoài mặt chúng ra vẻ che chở đàn bà, và đôi khi đâm chém để che chở sự thật nữa, nhưng sự thật, chúng ưa được săn sóc như trẻ con được mẹ lo lắng cho.
Cúc, một người đàn bà thường từ thuở giờ, vụt biến thình lình ra một kẻ liều lĩnh, một người đàn bà oanh liệt, và tự nhiên được lý tưởng hóa trong mắt Hưng.
Hắn thích được nàng che chở, trong trường hợp nầy là được nàng khuyên nhủ bày kế cho. Đồng thời hắn lại thích được nàng vuốt ve, một sự che chở thấp hơn, cụ thể hơn. Hắn thèm muốn đụng chạm với nàng. Hắn yêu nàng.
Vả một tuần lễ nay, họ không có gần.nhau. Từ Saigon ra đây đường xa, họ mệt mỏi. Tới nơi là lo thuê thuyền để đi tìm đảo vàng Hời, rồi đắm thuyền, rồi trôi giạt đến động nầy, gặp bước phiêu lưu mạo hiểm nầy, phải qua nhiều cơn xúc động, họ không nghĩ đến đời sống vợ chồng từ lúc lên xe lửa tại ga Saigon đến bây giờ.
Đòi hỏi của xác thịt trở nên mạnh mẽ thình lình kể từ giây phút mà Hưng nghe thèm được Cúc vuốt ve.
Vì thế mà hắn không dám tức giận vì cái tát nẩy lửa của Cúc. Hắn xuống nước nhỏ, lết lại gần Cúc mà thì thầm:
- Em!
Cúc hiểu được biến chuyển tâm trạng của Hưng do phản ứng mạnh của nàng gây ra nên không lấy làm lạ.
Nàng cũng yêu chồng lắm, mê chồng lắm và xác thịt nàng cũng không yên. Hơn thế, nàng cũng muốn làm lành trở lại với Hưng, để lợi dụng ưu thế mới tạo được, mong giải quyết bài toán bể đầu nhờ uy tín của nàng trước mặc cảm của Hưng nên không cố lánh hắn nữa.
Nàng để cho hắn cầm tay, mơn trớn một cánh tay nàng, và với tay khác, nàng vuốt ve hắn. Con thú dữ, được sự dỗ dành nầy, sẽ bớt hung hăng, Cúc nghĩ thế.
Đêm nay, nàng được yêu như năm còn con gái mới xách gói theo Hưng. Những giây phút thần tiên của cuộc ái ân cho nàng cái ảo giác hạnh phúc tuyệt vời và tuyệt đối cũng như năm nào.
Và cũng như năm nào, nàng ngỡ cuộc đời sẽ dễ dàng, tốt đẹp không có gì phải băn khoăn cho lắm.
Những giây phút ái ân đó, cho nàng tưởng nó phải là những giây phút cảm thông mà hai tâm hồn như hai dòng nước chảy ngược chiều và gặp nhau, pha trộn với nhau.
Nhưng đêm nay, như bao đêm rồi, nàng lại phải thất vọng. Cái yêu của Hưng là cái yêu thú vật, hoàn toàn xác thịt, không lên cao được khỏi cái mức vật chất, không leo được đến cái bực trác tuyệt mà đời sống sinh lý được nâng ngang hàng với những hưởng thụ tinh thần, chẳng hạn như nghe nhạc, tuy khoái tai, tức là vật chất, nhưng đồng thời tâm hồn con người được đưa đến một thế giới thần tiên huyền ảo.
Xác thịt Hưng được thỏa mãn, hắn bỏ bạn bơ vơ, hắn xem nàng không bằng một cốc kem, ăn rồi vứt cốc, khi đáng lý phải đặt nhẹ cốc lên bàn.
Con thú dữ vẫn hiện nguyên hình con thú dữ và nàng lại vỡ mộng, không mong tập cho nó thuần được.
Giây lát sau, Hưng nắm tay lại mà ngủ. Cúc nghe biết thế nhờ hơi thở của hắn đã bắt đầu thay đổi. Rồi hắn sẽ ngáy ầm ầm, trong khi nàng tiếp tục trơ trọi cô đơn trong đêm vắng, giữa không gian và thời gian với cái nguy khốn của thân phận nàng.
Đàn bà nguội hơn đàn ông. Nhưng họ nguội cái nguội của những bình trà ủ trong vỏ bình có bọc nệm.
Những bình trà ấy tuy thế mà ấm sáng đêm, năm giờ khuya, rót trà ra uống vẫn ấm lòng được.
Họ không thèm khát dữ dội, không yêu cuồng bạo, nhưng họ lại lắng nghe rất lâu, hằng giờ sau những trận ấp yêu, dư vang chấn động xác thịt nó len vào cả đến trong tâm hồn họ, trong trí tuệ họ.
Tình yêu nẩy nở, trưởng thành và được củng cố chính trong những giờ đó.
Và thất vọng, chán nản cũng sanh ra trong những giờ đó.
Hưng đã bắt đầu ngáy và Cúc càng nghe bơ vơ hơn. Hắn đã đi rồi, đi nhanh và đi xa, vào cõi vô thức và nàng thật tình trơ trọi giờ đây.
Và trơ trọi, nàng lại nghĩ nhiều về nhân sinh quan của nàng. Chính nàng cũng đã sống một cuộc đời thú vật chớ không riêng gì Hưng đâu.
Nàng ham mê khoái lạc vật chất cho đến đỗi căn bản biết cảm nghĩ của nàng gần bị tiêu diệt đi.
Đôi khi, nàng quả có chợt tỉnh, giật mình tự hỏi về ý nghĩa của đời nàng, nhưng rồi lại nhắm mắt buông trôi để hưởng thụ.
Người con gái mơ yêu một tâm hồn đẹp và thanh cao ngày xưa giờ chỉ còn biết ham mê sắc đẹp thôi.
Đêm nay, bơ vơ giữa biển cả, giữa sa mạc tình cảm mênh mông, nàng lại tự hỏi có lý nào mà nàng tự mãn được với cảnh đời nầy, với những ngày ăn, ngủ, vui, chơi, không cảm nghĩ nầy.
Có những người đàn bà hao mòn thân xác trong thiếu thốn, trong cần cù, có những người đàn bà hao mòn tâm não trong chờ đợi một người bạn đời rục xương trong ngục tối, nhưng nỗi khổ của họ dễ chịu biết bao sánh với sự trống rỗng của đời nàng.
Hưng đã ngáy như sấm. Cúc lắng nghe thì lạ quá, ngoài kia Lực đã thôi ngáy.
Ngáy là cái tật riêng của những kẻ sống thú vật, ham thích những hưởng thụ vật chất và tự mãn với những hưởng thụ ấy.
Có lẽ Lực chỉ ngáy vì say rượu và khi men rượu hết ảnh hưởng trên cơ thể hắn, hắn im lặng như thường trong giấc ngủ.
Cúc lồm cồm ngồi dậy, nghe ngóng và biết chắc Hưng đã ngủ say, nàng đi ra ngoài.
Cây đèn bão là biên giới giữa hai địch thủ, mà cũng như là biên giới giữa hai cuộc đời. Cúc có cảm giác như vậy khi đi ngang qua nguồn ánh sáng đó.
Bên kia lằn mức là bóng tối, là ác độc, là thấp hèn. Bên nầy là ánh sáng, là thiện cảm, là cao quí.
Nhưng tối, ác và hèn, hại thay, lại đẹp ghê hồn. Nàng không thể nào hết mê bóng sắc của Hưng được.
Còn sáng, thiện và thanh cao, lại xấu trai và đi cà nhắc.
Oái oăm thay!
Sách vở và người đời toàn nói láo. Họ bảo kẻ nầy yêu vì tình vì nghĩa, kẻ kia yêu vì tâm chí, vì lý tưởng. Không ai có gan thú nhận yêu vì sắc đẹp cả, mà sự thật chỉ có thế, chỉ giản dị như thế thôi.
Nếu nàng yêu Lực được thì không có vấn đề nào cả. Nàng sẽ cứu Lực dễ dàng, mặc kệ Hưng bị gì thì bị.
Tới nơi, Cúc nhìn rất lâu anh tù nhân sắp bị xử tử.
Hắn còn ngủ, nhưng quả không ngáy nữa. Hắn ngủ bình thản như kẻ trên lương tâm không có gì.
Bây giờ có lẽ đã nửa đêm rồi, và Lực ngủ cũng đã mười hai tiếng đồng hồ rồi chớ không ít.
Nếu đánh thức hắn dậy, không gọi là phá giấc ngủ của hắn!
Cúc trơ trọi quá cần một người bạn, nên do dự giây lát, nàng nắm vai Lực mà lay.
Lực được đánh thức dễ dàng. Ở đây, gần đèn nên ánh sáng rất tỏ, mở mắt ra, Lực thấy Cúc đang ngồi chồm hổm cạnh chàng, chàng mỉm cười và gật đầu chào nàng. Chàng hỏi:
- Giờ chắc còn đang đêm phải không bà Hưng?
- Phải. Sao anh biết?
- Nếu ban ngày thì nó đã đánh thức tôi để bắt tôi gỡ tổ yến và bà đã không dám ngồi đây với tôi.
- Té ra anh đã thật tỉnh hẳn nên mới nhớ được chuyện hôm qua.
- Ừ, tôi đã tỉnh hẳn và nghe trí não sáng suốt lắm.
- Vậy à? Thế chắc anh đã nghĩ ra kế thoát thân rồi chớ?
- Đã nghĩ ra, nếu bà sẵn lòng giúp tôi.
- Việc đó là sự dĩ nhiên. Nhưng tôi phải làm những gì bây giờ?
- Bà mở trói cho tôi là đủ rồi.
- Để hai người lại thọc huyết lẫn nhau à?
- Không. Tôi đã nghĩ ra một kế rất êm thắm. Tôi lấy xuồng, bơi qua đảo khác.
- Để báo động cho họ bắt Hưng ?
- Cũng không, chỉ để khỏi bị Hưng hạ sát thôi. Anh ấy sẽ giải thích thế nào cho trôi với bọn tiếp tế, hoặc bọn gỡ tổ yến tùy ảnh.
- Không thể được. Thế nào bên ấy họ cũng hỏi đon hỏi ren về việc bỏ hòn của anh. Anh là người làm việc cẩn thận, có lương tâm, lại bỏ phận sự, ai lại không sanh nghi...
- Tôi sẽ kín miệng.
- Nhưng anh có thể say rượu, để xì ra.
- Nhưng giá họ biết, họ sẽ làm gì được Hưng?
- Họ báo động khắp nơi, và người gác hòn nào cũng sẽ tụ về đây thì chết Hưng. Anh nói làm tôi lo quá, lo nỗi lo trễ muộn. Nếu đêm rồi, bứt dây được, anh làm thế thì có lẽ hôm nay Hưng đã bị chặt cổ thả trôi sông rồi.
- Tôi chỉ mới nghĩ ra kế ấy khi nãy đây thôi. Nhưng bà đừng ngỡ đồng nghiệp của tôi ác đến thế.
- Ai biết đâu được. Anh cũng đừng ngỡ ai cũng tốt như anh mà lầm to.
- Thì thôi vậy
- Nhưng anh nên cố gắng, chớ đừng tuyệt vọng rồi buông trôi.
- Vâng, tôi đã cố gắng đã bươi nát trí, nhưng không tìm được mưu nào khác. Bà khỏi khuyên nhủ, vì bản năng tự tồn đã thúc giục tôi nhiều lắm, không khuyến khích nào mãnh liệt hơn thúc đẩy của nó được.
Tôi nghĩ bà chỉ nên an ủi tôi là đủ rồi. Sở dĩ tôi mà chịu sống nán lại vài ngày, chỉ vì bà thôi, sống để tận hưởng an ủi của bà ban cho, món quà quí giá mà tôi chưa hề được hưởng trong đời tôi.
- Thì tôi vẫn an ủi anh đây. Tôi ra đây chẳng để an ủi anh là gì?
- Như thế, xin bà đừng nhắc tới cái ngõ bí mà tôi không thể ra khỏi. Nói chuyện khác thú vị hơn. Bà nên nhớ cho rằng một tiếng đồng hồ của tôi bây giờ quí báu lắm cho tôi. Tôi cần hưởng hơn là nhai mãi mối sầu, hay sợ hãi.
- Đồng ý. Nhưng nên kể như anh sẽ được ra khỏi ngõ bí nầy. Vậy dự định tương lai của anh là thể nào?
- Tôi không buồn dự tính về tương lai. Tôi không muốn gạt gẫm lòng tôi để rồi phải vỡ mộng. Tôi thích anh ấy thức dậy ngay bây giờ hơn, muốn bị anh ấy mắng chửi hành hạ hơn. Anh ấy sẽ lố bịch, tôi sẽ buồn cười. Mà buồn cười tức là hưởng cuộc đời rồi.
Thưa bà, tôi thèm hưởng đến cái thú nhỏ mọn, mong anh ấy nữa, vì không thể tìm được cái thú nào to hơn ở đây, trong tình cảnh nầy.
Cúc thương xót kẻ lâm nạn quá sau những lời nầy. Đó là một cá tính mạnh, hắn yêu đời và ham sống, đến phút chót cũng không bại hoại tinh thần.
Cầm lấy bàn tay của hắn mà cổ tay bị trói chặt cứng, nàng nói:
- Có một sức mạnh vô hình nó xui tôi mở trói cho anh. Lại có một sức mạnh khác nó ngăn tôi làm việc ấy, thật khó chịu quá.
Lực làm thinh nhắm mắt lại để hé mở hai mi, chừa một cửa sổ nho nhỏ, nhỏ thật nhỏ chỉ vừa cho một hình ảnh lọt vào thôi, hình ảnh của Cúc, như đêm rồi.
- Anh Lực!
- Dạ !
- Sao anh không nói nữa? Anh ngủ à?
- Không, thưa bà. Tôi đang sống và sống mãnh liệt hơn bao giờ cả. Tôi sống cho trọn vẹn, cho đầy đủ thời gian còn sót lại của tôi.
- Vậy à? Nhưng anh đang vui với niềm vui nào? Nhớ lại những ngày anh yêu à?
- Không, những ngày ấy cũng vui thật đó, nhưng tôi không nhớ để trả thù nàng. Tôi đã giết nàng trong tâm trí tôi rồi.
Tôi đang vui một niềm vui phù du và mong manh được gần gũi bà. Và chính vì niềm vui nầy phù du và mong manh quá nên nó to lớn hết sức. Tôi sợ nó tan đi nên vội vàng, hối hả mà hưởng.
- Nếu tôi ngồi đây cho anh vui được, tôi nguyện sẽ ngồi sáng đêm nay, và những đêm sau nữa.
- Không dám làm nhọc lòng bà đến thế, nhưng quả thật tôi sung sướng nhất trong đời tôi là những giờ phút nầy đây.
- Anh Lực ơi ! Tôi tự hỏi, tại sao tôi lại không yêu anh được và cứ yêu chồng tôi!
- Bà phức tạp y như tôi. Lòng chúng ta gai góc nhiều quá, không thể yêu một cách giản dị được, một cách trơn tru, tròn trịa được. Nhưng thú vị trong tình yêu chính nhờ ở chỗ gai góc của nó.
Thú thật với bà là nàng cổ điển quá ! Nếu nàng đủ phức tạp, có lẽ tôi đã yêu nhiều lắm và thất vọng nhiều lắm và đã quyên sinh rồi vì đau khổ. Không, tôi không yêu nàng nhiều lắm đâu vì nàng giản dị quá.
Tình cảm kỳ lạ của bà, mặc dầu không phải là tình yêu nhưng còn quyến rũ hơn là thứ tình yêu cổ điển nữa, nên chi tôi sung sướng vô ngần.
Có lẽ tôi là người đàn ông sung sướng nhất trong địa hạt nầy.
- Nhưng anh có yêu tôi hay không?
- Thật là khó nói. Có lẽ tôi mơ yêu bà, chớ không dám yêu hẳn, và vì thế tôi mới sung sướng ghê hồn, vì mơ yêu hẳn là phải đẹp, phải thơ mộng hơn là yêu nữa.
- Tôi, tôi cũng mơ yêu, tôi mơ yêu một người có tấm lòng của anh, có tâm chí của anh.
- Tôi nghe như tôi còn con trai, với những giấc mơ thiếu niên của tôi.
- Tôi cũng vậy. Tôi nghe như là người hoàng tử đẹp trai của thời con gái của tôi đang quanh quẩn đâu đây.
- Bà vô tình vừa gợi đến thực tế, khiến cho giấc mơ của tôi bớt thơ mộng phần nào. Bà đã nói đến “Hoàng tử” và “đẹp trai” làm cho tôi nhớ ra tôi không phải là một hoàng tử vì hoàng tử phải là một tay hiệp khách cứu gái lâm nạn chớ sao lại bị trói thế nầy. Còn đẹp trai thì tôi không đẹp trai tí nào.
- Sao anh không mở mắt ra?
- Vì mở mắt ra, phải thấy nhiều thứ quá.
Nhưng bà đừng tưởng là tôi nhắm mắt. Mắt tôi đang hé mở để chỉ thấy một mình bà thôi.
Tôi nhớ có đọc một tiểu thuyết Pháp kể chuyện một người bị ám sát kia, trong giây phút cuối cùng đã nhìn sững kẻ hạ sát y nên hình ảnh tên sát nhân được in sâu vào đáy mắt y. Nhờ thế mà cho giải phẫu mắt người chết, cảnh sát tìm ra thủ phạm. Tôi muốn ghi sâu hình ảnh của bà, không phải vào đáy mắt tôi, mà vào đáy lòng tôi. Tôi sẽ mang theo hình ảnh của bà xuống tuyền đài.
- Anh tin nơi sự bất tử của linh hồn và có thiên đàng, địa ngục?
- Vâng, không tin tôi cũng cố mà tin. Tôi quyết gạt gẫm trí tuệ của tôi trong trường hợp nầy. Đó là một lối tiếc đời, tham lam như nhà giàu tiếc của. Tôi giống một anh nghèo, đến lúc hấp hối thì hay tin mình trúng số độc đắc. Anh nghèo ấy vốn trước đây vô thần và trong phút sắp lâm chung, vội vàng đổi quan niệm, tin tưởng vào kiếp sau.
- Ừ, kiếp sau ! Nếu hẹn nhau được, tôi xin hẹn với anh vào kiếp sau.
- Nhưng sao bà bảo tôi cứ hi vọng như là sẽ thoát ra được khỏi tử địa nầy.
- Thì như vậy. Tuy nhiên ta vẫn sẽ không gặp nhau được sau vụ nầy. Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi cho hết cái kiếp nầy mà ta đã trót chọn con đường của ta.
- Dầu sao, tôi cũng sẽ gặp bà, hay nói cho đúng hơn, sẽ gặp bóng hình bà. Tôi sẽ sống với kỷ niệm hôm nay, cho đến trọn kiếp.
- Anh làm tôi xúc động lắm và có thể theo anh, mặc dầu không yêu anh. Ừ, tôi dám hy sinh như vậy lắm, hy sinh tấm tình của tôi đối với người đẹp trai là Hưng, để sống với anh mà tôi không yêu và sẽ mãi mãi không yêu.
Nhưng anh thử nghĩ, tôi là người, biết đạo làm người. Thà là chúng ta đang ở trong kia, tôi đường hoàng thôi hắn để ở với anh. Chớ nơi đây mà làm thế, tức là phản bội rồi. Tôi không muốn phản bội.
- Bà cao quý hết sức. Chính vì thế mà tôi mơ yêu bà, chớ thật ra, bà không đẹp hơn nàng bao nhiêu.
- Thế thì thôi nhé !
Cúc vừa nói vừa vuốt lên mái tóc cứng của Lực. Một lần nữa kẻ bị trói gô như con heo sắp giao cho đồ tể, nấc lên nho nhỏ và khóc ra những giọt lệ sung sướng.
Cúc nghe trong người mệt mỏi vô cùng và đoán rằng trời đã gần sáng. Nàng nói:
- Thôi giã từ anh, đêm sau ta sẽ gặp nhau.
- Nếu còn có đêm sau.
- Sao lại không, anh bảo phải tốn nhiều ngày lắm mới gỡ hết tổ yến ở hòn nầy.
- Nhưng đó là một công việc vô cùng nguy hiểm và tôi có thể nát thân trong lúc làm việc.
- Mong rằng anh chỉ lo hão.
Nói thế chớ Cúc cũng sợ rằng đây là lần hội kiến cuối cùng giữa họ. Vì thế mà nàng nghĩ rằng phải ban cho Lực một ân huệ lớn, để rủi hắn có chết hắn cũng “ngậm cười nơi chín suối”.
Đây là một cuộc bố thí vì lòng nhân đạo chớ tuyệt nhiên nàng không phải là một gái lẳng lơ, cho dễ dàng vì trắc nết.
Cúc cúi xuống, hôn lên trán của Lực rất dài và nghiêng mặt kề sát vào môi chàng.
- Bà... bà Cúc ơi... tôi muốn được chết ngay trong giây phút nầy.
*
* *
Trời sáng yếu ớt trên chỗ Lực nằm. Anh gác hòn lâm nạn phiếm du trong mộng đẹp và thức dậy đúng vào đúng giờ tảng sáng nầy theo thói quen của anh. Anh ngáp dài rồi quay mặt vào trong gọi to:
- Bà Hưng ơi! Bà Hưng !
Tiếng của người thiếu phụ ở trong xa kia, đáp lại liền.
- Gì đó anh Lực?
Lực biết rằng nàng không có ngủ đêm nay. Thức khuya thế mà đã dậy và tỉnh hẳn vào giờ nầy để đáp ngay tiếng gọi của chàng là chuyện không thể có được đối với hạng người ăn không ngồi rồi.
- Trời đã sáng rồi mà tôi thì đói lắm. Bà làm ơn nấu cho tôi ba hột cơm.
- Được, để tôi nấu ngay bây giờ đây.
Lại nghe tiếng Hưng còn nhựa nhựa:
- Phải đa ! Cho ăn cơm đi em rồi ta gở tổ yến kẻo trưa.
Hưng vừa bét mắt là nghĩ ngay đến mối lợi.
Ánh lửa củi loé lên trong kia. Lực nghe tiếng chân bước thình thịch và giây lát sau đó, Hưng hiện ra trên tấm phông tối bị ánh đèn và ánh lửa xé rách hai nơi.
Lực pha trò hỏi:
- Đêm rồi có dám ngủ không? Có bị ác mộng không?
- Còn anh ?
- Tôi thì tôi chỉ nằm mộng đẹp thôi.
- Mộng gì mà đẹp ? - Hưng hồ nghi hỏi.
- Ai dại gì chia với anh.
- Á thôi, đừng có nhiều lời.
Hắn ngồi chồm hổm xuống để kiểm soát lại các mối dây.
*
* *
Sau bữa ăn, Hưng lại trói Lực lại. Hắn cho xuồng nan xuống nước, đoạn trở lên mở trói chân cho Lực.
Người chủ động gắng gượng đứng lên.
- Cúc, xuống xuồng trước, ngồi đằng mũi nhưng quay ra sau lái, hờm sẵn cây đòng.
Hưng ra lệnh, giọng hách dịch như một viên tướng sắp ra quân. Nhưng giọng ấy vẫn run run. Nối gót theo Cúc là Lực, và sau đó là Hưng mũi dao chìa sát lưng người bị trói tay.
Hưng không lên xuồng, mà kéo xuồng lại sát bệ đá, đoạn đi trên bệ đá ấy, khom xuống, mà dẫn xuồng như dẫn xe đạp.
Qua khỏi khúc quanh, hắn vói xuống trói chân Lực và mở trói tay cho chàng, đoạn hắn giao cho Lực chiếc thang tre mà Lực đã cướp được của bọn trộm, gác nằm dài trên bệ.
Thang bằng tre nhưng quá dài nên rất nặng. Thấy Hưng khệ nệ mà không đưa xuống được, Lực đưa tay lên rước lấy rồi thả trôi trên mặt nước nằm dài theo xuồng.
Miệng con thủy quái khổng lồ, sau ba ngày không làm việc, lại nhả ra chiếc xuồng nan trên đó có ba người ngồi.
Hưng đã đẩy xuồng một cái thật mạnh sau khi giao thang cho Lực xong, rồi nhảy phót lên đó. Chiếc xuồng lắc lia, bắn ra khỏi cửa động.
Bấy giờ Lực mới đưa chiếc thang nặng ấy lên cao, khỏi đầu chàng, đoạn đặt thang nằm dài trên xuồng.
Hưng gọi vợ :
- Cúc à anh mở trói chân cho anh ấy đây. Ảnh sắp hoàn toàn thong thả tay chân, thì em nên đề phòng cẩn mật hơn nhé! Hễ ảnh dở trò gì là đâm liền, không do dự.
Mở trói chân cho Lực xong, Hưng hỏi:
- Bây giờ đi đâu?
- Bơi tuốt ra phía sau hòn. Mặt vách ở đó tương đối dễ trèo hơn.
Lực nhìn lại ánh nắng hôm nay và thấy cảnh vật ở đây y hệt như hôm chàng đuổi trộm. Dó là ngày lịch sử trong đời chàng nếu chàng còn sống được để mà viết nhật ký.
Chính ngày hôm đó chàng đã cứu hai người nầy, và đưa họ vào động, hai người gieo tai họa bất ngờ vào cuộc đời yên ổn của chàng.
Xuồng nan nhảy sóng nhỏ trông giống như một cái vú cau lật ngửa trên mặt rước trong lu mà một đứa bé tinh nghịch đã quậy cho nước xao xuyến!
Vách đá của hòn Đụn nầy đứng thẳng hơn, cao vun vút khiến Hưng vừa bơi xuồng, vừa ngước lên nhìn rồi rùng mình.
Đang bơi, bỗng nghe văng vẳng tiếng tù và, hắn hết cả hồn vía, hỏi Lực:
- Gì đó ?
- Họ gọi nhau từ đảo nầy qua đảo khác.
Hưng vội cúi xuống khoang xuồng lượm chiếc sừng trâu lên, ném tù và vào người Lực rồi ra lệnh:
- Thổi vài hồi cho có tăm tiếng, kẻo họ sanh nghi.
Lực cầm lấy chiếc ốc, nhưng do dự giây lát, chàng ném thật mạnh cái sừng trâu ấy ra thật xa.
Hưng ngạc nhiên rồi điên tiết lên, hắn vừa buột mồm chửi thô lỗ, đúng y theo chân tướng của hắn mà hắn đã che giấu hổm nay: “Đ...m... đồ chó đẻ, sao lại quăng tù và?” vừa chửi, hắn vừa chồn tới toan chém Lực.
- Anh Hưng!
Cúc quát và Hưng dừng tay. Nàng nói:
- Đừng có nóng. Đã trót rồi, không làm sao khác được thì chịu vậy.
Lực thì cười ha hả rất đắc chí.
- Đ...m... coi chừng tao nghen ! - Hưng lại chửi.
- Anh đừng nổi nóng! Tôi làm thế là chánh đáng chớ! Anh tìm cách giết tôi thì tôi tìm cách thoát chớ, có gì mà giận nhau. Xấu bụng lắm đấy nhé! Nhưng tôi cũng chỉ thử thời vận vậy thôi chớ ta im hơi bặt tiếng đã ba hôm rồi mà họ dường như không hay biết gì hết.
Hưng lườm lườm nhìn Lực như muốn ăn tươi nuốt sống chàng bằng mắt.
Xuồng được chèo quanh hòn theo cái nẻo mà Lực đã bơi mỗi ngày và giây lâu, họ đến nơi Lực chỉ định.
Vách đá tư dưới đáy biển mọc thẳng lên, không có bãi để đậu xuồng. Lực chỉ vào hai u đá trên cao độ mười lăm thước rồi nói:
- Đầu thang sẽ tựa vào hai cái u đó. Ở các vách khác, không có chỗ để cho đầu thang bám vào, nguy hiểm vô cùng.
- Còn chân thang? - Cúc hỏi.
- Cố nhiên là chân thang phải đặt lên xuồng. Nguy hiểm là ở chỗ đó.
Xuồng nhẹ quá không vững như thuyền lớn, cứ chòng chành và cứ chực muốn trôi đi, thang có thể ngã vào bất kỳ lúc nào.
Lực nói rồi đứng lên thật lẹ. Hưng hoảng hốt, đưa dao ra chực đâm. Nhưng người gác hòn chỉ lo nghiên cứu vị trí để đặt thang thôi.
Thang tuy trông kềnh càng đồ sộ nặng nề thế mà thật ra mảnh mai lắm vì được nhiều chiếc thang ngắn chắp nối lại với nhau, dài gần ba mươi thước.
Tay Lực rất mạnh nên anh mới dựng đứng thang lên được mặc dầu anh chỉ đứng trên một nơi không cứng.
Xuồng linh đinh vách đá năm thước, thang nằm xiên lối bảy mươi độ.
Hưng và Cúc nhìn từ chân thang lên đến đầu thang rồi rùng mình một lần nữa. Vách cao chớn chở phải ngửa mặt lên trời mới thấy đầu thang được.
Cúc chỉ lên một chấm đen trên đầu vách rồi hỏi:
- Gì mà như một con yến còn đeo trên đó?
- Phải. - Lực đáp. - Con yến tội nghiệp ấy bị đồng loại nó trói nó vào đó.
Cúc nhìn Lực với đôi mắt ngạc nhiên, ngỡ chàng nói mát, ám chỉ chàng và Hưng, lực giải thích :
- Số là yến xây tổ gần với nhau lắm. Con yến đó lúc xây cất xòe cánh ra rồi bị con yến láng giềng nhả nước dãi lên cánh nó. Nước dãi khô rất lẹ và dán cánh chim vào vách. Thế là con yến rủi ro phải chết khô vì bạn bất cẩn.
Cúc than:
- Ở đây cái gì cũng là thảm kịch cả.
- Nhưng tôi lại thèm thảm kịch đó. Tôi cứ muốn được dính luôn trên ấy như con yến tội nghiệp kia.
Giọng Lực rất chua xót, khiến kẻ lòng sắt dạ đá là Hưng cũng khó chịu. Hắn ra lệnh:
- Thôi, bắt tay vào việc ngay!
Lực bắt đầu leo thang. Xuồng nan chòng chành, chiếc thang lay động một cách dễ sợ.
Cúc hồi hộp nhìn thang khi bị đẩy lên, khi tụ xuống vì xuồng nhảy sóng chớ không nằm yên một mực. Lực như làm trò xiếc trên thang, đu mình một cách cheo leo như con vượn trèo non.
Lắm lúc xuồng bị trôi đi độ nửa thước và đầu thang trợt qua một bên, khiến Lực ôm chặt thang lại không dám trèo nữa.
Cúc nín thở, mồ hôi nhỏ giọt.
Hưng thì cố hết sức giữ bằng dầm cho xuồng nằm được yên chừng nào hay chừng nấy. Người đàn ông không bao giờ chịu lao lực nầy, hì hục với chiếc thuyền nan như với một con ngựa bất kham. Anh ta đổ mồ hôi hột và thở ồ ồ, ráng sức chống với gió với sóng lớn muốn đẩy xuồng đi nơi khác.
Lực đã lên tới đầu thang. Trông chàng chỉ còn nhỏ xíu trên kia. Chàng với tay ra xa để gỡ tổ, trông càng cheo leo hơn hồi trèo thang nhiều.
Chàng làm việc rất nhanh, gở xong tổ nào, bỏ vào bị mang sau lưng tổ nấy. Không mấy chốc, chàng đã tảo thanh sạch bách khoảng đá quanh đầu thang.
Bấy giờ, chàng lại bước xuống vài nấc để gở mớ tổ đóng phía dưới. Độ hai mươi phút sau đó, chàng lại bước xuống thêm vài nấc nữa.
Nhưng đến vị trí thứ ba thì thang đã xa vách lắm rồi. Ở đây chẳng những chàng phải vói qua hai bên như ở trên kia, mà còn phải vói vào trong.
Lực bắt đầu xuống thang, sau mười phút làm việc tại vị trí thứ ba đó. Được làm việc, chàng vui vẻ lắm, như quên mất bọn ở dưới là kẻ thù với chàng: Chàng cúi xuống và nói vói:
- Loại chim tinh quái nầy biết loài người cũng tinh quái lắm lên chỉ xây tổ những nơi hiểm trở thôi. Ở dưới thấp, không bao giờ chúng đóng tổ.
Dường như chúng nó thách đố loài người: “Chúng bây có giỏi thì theo ta lên đây!”
Bấy giờ Cúc mới thở ra một cách khoan khoái. Nhưng bỗng nàng kêu rú lên một tiếng rồi bụm mặt lại: xuồng bị đẩy trôi đi và thang trật qua một bên.
Cúc nín thở, đợi lâu quá mà không nghe vật gì rơi hết, nên len lén mở tay ra xem. May quá, đầu thang nhờ một u đá khác cản lại nên thang không ngã.
Hưng cố bơi cho xuồng đổi vị trí để dựng thang đứng lại ngay ngắn, còn Lực thì vội vàng tiếp tục leo xuống để, nếu có ngã càng thấp càng hy vọng được sống.
Suốt buổi sáng hôm đó, anh gác hòn phải leo lên leo xuống như vậy đến bốn bận mới gỡ hết tổ yến nơi tấm vách nầy.
*
* *
Sáng hôm nay, xuồng nan lại chòng chành trước một cửa động nhỏ nằm là là mặt biển.
Lực bị trói ké nằm dưới đáy xuồng, Cúc thì lái xuồng cho nó nằm yên, trong khi Hưng đứng lên hỏi:
- Vào có xa hay không?
- Không xa. Đi độ mười thước thì hang dốc lên. Nên lợi dụng những u đá mà trèo. Khi nào nghe mệt là tới nơi, rọi đèn bin mà gỡ.
Hưng nhìn Lực rất lâu, xét nét chàng, cố tìm giả dối trên mặt chàng. Đoạn hắn kiểm soát lại các mối đây và nói với Cúc:
- Hắn có ý gì em thì đâm liền, khỏi đợi anh. Đoạn hắn nhảy phót một cái qua cửa động. Xuồng bị đẩy mạnh ra xa, lắc lia lịa suýt lật.
Hưng ngó ngoái lại một lần chót rồi biến mất trong cái động khô nầy, mà nước chỉ bò sâu vào lối năm tấc trên nền đá thôi.
Cúc nhìn trừng trừng vào cửa động rất lâu, đoạn cúi xuống ngó Lực, nàng nói:
- Khổ quá, tôi đã bươi nát trí mà không tìm ra được mưu gì cả để cứu anh. Anh có kế gì chăng ? Nên hành động hôm nay là hôm độc nhất mà anh ấy vào hang thay cho anh, không trèo dốc được. Anh có kế gì chăng ?
- Chưa.
- Giờ làm sao?
- Tôi cũng chẳng biết làm sao. Để tùy cơ mà ứng biến.
- Nhưng làm thế nào gây ra cơ hội, chờ đợi mãi mà cơ hội không xảy ra thì lấy gì mà tùy.
Lực cười mà rằng:
- Không có cơ hội thì thôi vậy. Dầu sao, bà đã giúp tôi sống thêm được mấy ngày thú vị nhất trong đời tôi thì cũng đã đủ cho tôi lắm rồi.
Cúc rưng rưng lệ mà rằng:
- Ngồi mà nhìn cái chết của anh từ từ tới, tôi đau lòng quá. Thôi để tôi mở trói cho anh, anh sẽ được tự vệ và thắng hay bại tùy anh. Như vậy hả dạ anh, mà tôi cũng đỡ hận phần nào
Nói xong, Cúc bỏ dầm, ngồi mà bước lại gần Lực:
- Không nên, thưa bà, anh gác hòn vội ngăn. Bà phóng thích cho tôi thì thế nào hắn cũng giết bà một khi hạ sát tôi xong. Phải, tôi sẽ bị hạ sát, vì tôi đã bại một lần rồi, trước mắt bà hôm nọ.
Cúc nghe Lực nói hữu lý, nên thôi. Vả nàng vẫn yêu chồng và không muốn chồng bị rủi ro nào cả. Nếu không, nàng đã mở trói cho Lực ngay từ đầu, hoặc đã cùng Lực trốn qua hòn khác bằng xuồng.
Nàng ngồi bên chân Lực mà khóc, Lực an ủi:
- Nó không bắt bà phụ lực với nó để giết tôi đâu. Chắc nó cũng đủ lịch sự để thi hành cái công việc bẩn thỉu ấy sau lưng bà.
Bà Cúc ơi, tôi chết không được ai thương tiếc, vì tôi không còn người thân. Còn đối với xã hội thì thêm hay bớt một người như tôi không gây ra sự thay đổi nào đáng kể.
- Anh nói nghe tàn nhẫn.quá, không thể nào công nhận những điều đó được, nếu còn một điểm tình cảm trong lòng.
Trời ơi, có lý nào mà tôi chịu bất lực nhìn cảnh anh bị chọc tiết. Thôi, tôi liều vậy, liều làm cái việc mà hổm ray tôi không muốn làm, tôi mở trói cho anh, rồi hai ta cùng trốn qua hòn khác, anh nhé?
- Cám ơn bà nhiều lắm, nhưng không nên. Bà phải thành thật với chính bà mà nhìn nhận rằng tình cảm của bà đối với tôi chỉ là thương xót và mến phục. Bà không thể yêu một người tàn tật, tôi không làm cho bà hạnh phúc được. Bà đừng làm xằng rồi phải hối hận.
- Không yêu anh được, tôi sẽ đi sống riêng một mình, miễn cứu anh khỏi chết thôi.
- Cũng không nên bỏ mối tình thật của bà đối với hắn. Vả đến phút chót, tôi vẫn còn hi vọng thoát hiểm.
- Anh chỉ lạc quan cho tôi an lòng thôi. Tôi thấy không còn cách gì cả mà hôm nay là ngày kế chót, theo lời anh. Tôi quyết cứu anh, mặc dầu anh không muốn...
Nói rồi Cúc đưa tay ra mở mối dây cho Lực. Lực lăn mình qua để giấu mối dây ấy, làm cho xuồng lắc lư và trôi ra xa.
Chàng nói:
- Bà không muốn thấy tôi chết, tôi cũng chẳng muốn nhìn bà ngã gục dưới lưỡi dao của hắn.
- Hắn làm sao mà ra khỏi động được, vì xuồng đã dang xa rồi.
- Từ đây mà lội về động tôi ở có xa gì đâu, hắn lội một lát thì tới.
- Nhưng ta sẽ không về động.
- Không, không thể nào tôi cùng trốn với bà. Không thể nào tôi để bà mất hạnh phúc.
Cúc cứ đưa tay ra, toan mở trói. Lực nói giọng cương quyết:
- Bà mà thả tôi ra, tôi sẽ cắn lưỡi mà chết.
Cúc sợ hãi không dám thi hành ý định. Lực nói :
- Tôi còn hi vọng. Bà mau mau bơi xuồng tới cửa động, vì hắn gần xong rồi đó. Hắn mà bắt gặp cảnh nầy thì hỏng cả.
Cúc nhẫn nại trở ra bơi riết xuồng về cửa hang. Xuồng vừa được kềm cho yên thì quả Hưng vừa ra tới nơi, Cúc cập xuồng sát vách đá cho chồng nhảy xuống. Hưng rơi trên xuồng thật mạnh làm xuồng lắc lư. Hắn lảo đảo như say rượu, giây lát sau xuồng vững lại, hắn mới đứng ngay được. Hắn lấy bị trên vai xuống rồi nói với Cúc:
- Tổ yến trong động tốt hơn tổ yến ngoài vách nhiều lắm.
Lực xía vô nói:
- Phải, trong ấy toàn là tổ yến quan không mà thôi.
- Yến quan là yến làm sao? Cúc bỏi.
- Là thứ tổ yến thật tốt, ngày xưa dành cho quan ăn.
Hưng vừa thở hổn hển vừa nói:
- Hôm nay còn sớm, nhưng đã mệt lắm rồi.
*
* *
Xuồng nan lại chòng chành trước một cửa động. Cửa động nầy bị nước ngập đến tám phần mười.
Lực thấy cái nhìn cật vấn của Hưng nên giải thích:
- Tôi quên mất, trong tuần nầy hễ sáng sớm là nước lớn, cửa động nầy bị ngập luôn, không thể vào được. Đáng tiếc cho anh là tổ yến trong động nầy toàn là yến huyết, thứ cao cấp nhất. Mà cũng đáng tiếc cho tôi. Nếu anh vào động được, tôi sẽ sống thêm được vài tiếng đồng hồ để nhìn ánh nắng giỡn trên đầu sóng. Giờ thì chắc anh phải giết tôi ngay, vì động nầy là động chót, anh không còn lợi dụng tôi được, để tôi sống làm gì. Vả biển sắp động, ghe tiếp tế sẽ ra nay mai gì, anh không thể đợi biển êm mà khỏi nguy.
- Biển sắp động à ? Hưng hỏi.
- Ừ, có dấu hiệu trong gió. Ghe tiếp tế sẽ ra sớm hơn mọi khi. Họ sợ biển động lâu ngày không ra được, tôi sẽ chết đói chết khát mất.
Cúc tức lắm hỏi:
- Ghe tiếp tế ra, tức là hy vọng được giải cứu của anh, sao anh lại cho chúng tôi biết ?
- À, thưa bà, vì tôi không muốn cho bà bị hại. Ghe tiếp tế ra họ sẽ cứu tôi và bắt chồng bà. Bà sẽ mắc tội tùng đảng với kẻ gian. Cứ nghĩ đến viễn ảnh bà bị còng tay dẫn đi vào lao là tôi nghe làm sao ấy. Tôi chết là hơn.
- Không, tôi không giết anh đâu. - Hưng vội cãi. – Anh cố tìm cách vào hang yến huyết giùm tôi đi.
Lực cười ngất mà rằng:
- Đáng lý gì tôi phải câm miệng lại. Giúp anh để được sống thêm vài tiếng đồng hồ nữa không ích lợi gì cả.
- Không, tôi không giết anh đâu mà!
- Chỉ có trẻ con mới tin anh được. Khí sát nhân đầy mắt anh kìa.
- Tôi thề với anh.
- Vô ích. Nhưng nói thế chớ tôi cũng mách giúp anh lần chót, để anh thương tình, giết cho ngọt nhát dao, đừng bắt tôi chịu đau đớn.
Trên đỉnh hòn, có một cái hang ăn thông xuống động yến huyết nầy, giống hệt cái hang thông dơi đằng động của tôi. Nhưng hang ở đây to hơn hang đằng ấy và vách hang có đá lồi, đá lõm, lợi dụng mà mượn đường hang đó để xuống hang yến huyết được. Thợ nhà nghề ra đây nhằm lúc nước lớn, vẫn sử dụng lối vào động ấy.
- Xuống hang có nguy hiểm hay không?
- Không, chỉ nhọc lúc leo lên thôi, vì hang đứng. Còn thì cũng như nơi khác, trượt chân là nát xương ra.
- Nhưng làm sao lên đỉnh hòn được? Thang không đủ cao, mà tôi lại leo thang không sành?
- Có đường đi, đằng cửa động nơi tôi ở.
- Ta đi về đó thôi.
*
* *
Họ đứng trên mô đá nơi mà mấy hôm trước Lực ngồi buồn rồi thấy cặp Hưng, Cúc chết đuối đằng xa.
Lực được mở trói, nhưng Hưng và Cúc đều cầm sẵn khí giới nơi tay.
Vách đá nơi đó lài lài, u đá lại nổi nhiều từng nơi.
Lực chỉ lên mà rằng:
- Anh cứ bám vào các u đá kia mà leo lên.
- Tôi mở trói cho anh để anh cùng leo với chúng tôi.
- Có cần gì tôi trên ấy đâu!
- Tôi biết sao được. Lỡ anh gạt tôi vào cạm bẫy thì làm sao! Anh leo trước tôi cầm đòng leo theo sau, vợ tôi theo chúng ta.
Lực thở dài:
- Cái chân của tôi ! Khổ quá, anh hành tội làm chi vài tiếng đồng hồ cuối cùng của đời tôi? Tôi cố trèo thì nó đau, nhức, lại có thể trượt chân rơi xuống.
- Anh cứ trèo, đừng có nhiều lời.
Nhẫn nại, Lực lẩm bẩm:
- Trèo thì trèo!
Cúc ái ngại lắc đầu rồi nói với chồng trong khi Lực bắt đầu đăng đỉnh:
- Anh à, anh Lực ấy đã tỏ ra sẵn lòng giúp ta tới cùng, vậy để anh ấy sống nhé ?
- Cố nhiên.
Lực đã trèo được một bực đá, Hưng nối gót theo chàng. Cúc còn đứng nguyên tại chỗ vì chưa có khoảng trống để leo theo họ.
Để làm cho không khí bớt căng thẳng, Cúc gọi Lực, hỏi to:
- Anh Lực ơi, tổ yến huyết là tổ yến gì?
- Hình như tôi đã giải thích cho bà nghe một lần rồi. Tổ yến huyết còn một tên nữa là hồng yến. Người Tàu họ tin thứ tổ yến ấy có dược tánh trị lao, mà thứ đó lại hiếm nên rất mắc tiền. Mười kí lô hồng yến trong động nầy giá bằng ba mươi kí lô yến quan và năm mươi kí lô yến thường.
Lực trèo cẩn thận nên rất chậm. Nhưng một tiếng đồng hồ sau, tất cả đều tới được trên đỉnh.
Cả ba thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại, họ đưa mắt một vòng: đầu hòn khá bằng phẳng. Mênh mông biển cả.
Dưới kia sâu thăm thẫm. Cúc nhắm mắt và rùng mình.
Hưng thấy địa thế hiểm trở nếu đánh nhau mà thua thì sẽ bị xô xuống vực sâu, nên rút dao ra cầm lăm lăm nơi tay và thủ thế.
Miệng hang trổ ngay ra giữa mặt hòn, hẹp vừa một người chui vào trông sâu như cái giếng ở xứ khô.
Cạnh miệng hang, một tảng đá to bằng cái thúng giạ rằm trên một mũi đá nhọn, cao độ một gang tay. Nó nằm thăng bằng như vậy không biết từ bao đời rồi : Hễ gió thổi là nó rung rinh như chiếc nón lá úp trên đầu một cây nọc.
- Em nghĩ anh ấy gạt anh hay là nói thật?
- Em tin là anh Lực nói thật. Vả dưới ấy có gì mà anh sợ. Nếu có con gì thì con ấy đã xơi anh Lực rồi...
Nếu hang khó vào là một chuyện khác, ai cẩn thận thì thoát nguy ai sơ ý, hoặc rủi ro thì thiệt mạng, cái đó là số của mỗi người và Lực đã báo trước.
- Theo em thì thế nầy, bỏ yến huyết để tránh rủi ro, và tha anh Lực làm phước.
Hưng cười gằn rồi thình lình quay lại nhìn Lực mà quát:
- Nằm xuống !
- Không!
Cúc hoảng hốt van lơn:
- Anh Lực ơi, chân anh yếu lắm, ở đây anh không thắng được đâu, mà thua là anh nát xương chắc chắn. Anh nên biết điều một chút.
Lực gật đầu rồi vâng lời Cúc mà nằm dài xuống trên đá. Hưng tháo sợi dây buộc thang quanh bụng hắn nãy giờ rồi trói Lực lại. Anh gác hòn nói:
- Gở tổ yến huyết xong, chắc anh quăng tôi xuống biển. Nhưng nhớ phải đi ngay, biển sắp động rồi, không khéo bà Cúc sẽ làm mồi cho bụng cá nuột cách oan uổng.
- Im! Cúc à! Hắn mà cục cựa là chặt ngay. Không còn dùng hắn được nữa thì khỏi phải rương tay.
Nói xong hắn bước lại hang, đứng nơi miệng lỗ mà do dự, giây lâu hắn thòng chân vào hang mà mò thử để tìm u đá mà Lực đã nói đến, rồi quả quyết vào hang.
Hắn bị miệng hang nuốt đứng lần lần, đến đùi, đến bụng, đến ngực, đến cổ rồi mất hẳn.
Cúc lắng tai giây lâu, rồi cũng bước lại miệng hang mà dòm vào đó. Nàng không thấy Hưng đâu cả.
Bối rối, nàng đưa mắt từ miệng hang qua Lực rồi hỏi:
- Bây giờ làm thế nào?
Cúc quýnh lên, nhưng Lực vẫn bình tĩnh đáp:
- Tôi không biết làm thế nào cả.
- Cố gắng lên thử xem. Anh là người anh hùng...
- Bà đừng lầm. Tôi chỉ là một người thường thôi.
- Nhưng anh là tù chính trị cũ.
- Tù chính trị cũng chỉ là người thường thôi: Mà cho dẫu tôi là anh hùng đi nữa, cũng chẳng làm gì được. Anh hùng cũng lắm kẻ gặp bước đường cùng phải bỏ mạng.
Cúc đứng lên xem bộ tịch bứt rứt lắm, vẻ mặt thì nặng nề những suy nghĩ. Đoạn cả quyết, nàng bước lại vịn tảng đá mà xô thử.
Tảng đá lắc lia nhưng không xê đi một li nào cả. Lực bỗng hiểu, hoảng hốt la lên :
- Ấy đừng, bà không lên làm thế !
Cúc không thèm nghe, cứ xô đá.
- Tôi van bà!
Cúc vẫn làm lơ, tiếp tục công việc của nàng. Nàng ráng sức đến đỏ cả mặt, tai và gân cổ nổi to lên, Lực cầu khẩn:
- Bà ơi, thôi bà cứ mở trói cho tôi đi rồi tôi với bà cùng trốn. Như thế còn hơn là...
Cúc dừng tay lại mà đáp:
- Anh gạt tôi. Không, cấp bách lắm rồi, không thể chậm trễ được nữa.
Rồi nàng lại cố sức xô. Tảng đá rung rinh dữ, coi mòi muốn mất thăng bằng.
Lực lăn đi mấy vòng, quyết đến nơi để cản trở Cúc.
Nhưng trong một nỗ lực vô biên, Cúc đã đẩy được tảng đá rơi xuống khỏi mũi đá lồi chỏi nó một cách bấp bênh. Nó rơi đánh ầm một cái và nằm bít miệng hang.
Cúc té ngồi xuống mà thở kêu như ống bễ lò rèn.
Lực trố mắt nhìn Cúc, kinh dị vô cùng trước cuộc sát phu ghê gớm đó.
Giây lâu Cúc bớt mệt, bước lại cắt dây cho Lực. Chàng ấp úng hỏi:
- Sao bà lại...
- Tôi không thể để anh chết được.
- Nhưng hắn là chồng bà...
- …Và hơn thế, tôi còn yêu chồng tôi lắm. Nhưng tôi không thể nhìn hắn giết anh.
Thiếu phụ ngưng nói, bước lại tảng đá đang chôn chặt chồng nàng dưới hang. Nàng đi lảo đảo như người say rượu, và lúc đến nơi, nàng ngồi phệt xuống, ôm lấy nắp hang rồi khóc mùi mẫn.
Lực chạy theo Cúc, xô thử cục đá ngàn cân ấy. Anh lắc đầu rồi nhìn Cúc đau thương mà rưng rưng nước mắt.
Khóc lâu lắm, Cúc mới đứng lên rồi lại lảo đảo đi. Lực nghe nàng lẩm bẩm “Trời ơi, Hưng chết rồi, đời tôi thật là không còn nghĩa nữa?”
Bỗng giật mình kinh sợ. Cúc đang đi lần ra mé vực. Anh kêu lên:
- Coi chừng, bà Cúc.
Cúc tiếp tục đi, Lực toan chạy theo, nhưng đã trễ quá rồi. Không biết rủi ro hay cố ý, Cúc té nhào xuống vực sâu.
Lực té ngồi trên tảng đá rồi gục đầu xuống, ôm lấy mặt.
- Hết -
Chú thích
[1] Thổ ngữ Quảng Đông, có nghĩa là: Nói bậy nói bạ.
[2] Năm xảy ra câu chuyện nầy, phụ nữ ta chưa mặc jean.