Nhìn lại cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa
Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên
Trần Văn Thành (? -1873)(1) còn được gọi là Trần Vạn Thành (khi được thăng Chánh quản cơ, ông còn được gọi là Quản Cơ Thành hoặc được tín đồ giáo phái Bửu sơn kỳ hương gọi tôn là Đức Cố Quản), là một lãnh tụ phong trào kháng Pháp ở “Bảy Thưa - Láng Linh” vào cuối thế kỷ 19 tại An Giang thuộc Nam Bộ, Việt Nam.
I.Tiểu sử:
Trần Văn Thành người ấp Bình Phú (Cồn nhỏ), xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Vợ ông tên Nguyễn Thị Thạnh, người xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Châu Phú, An Giang.(2)
Năm 1840, khoảng ngoài 20 tuổi, ông gia nhập quân ngũ giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên, khởi quân chống lại cuộc bảo hộ của Việt Nam.
Nhờ có sức khỏe, giỏi võ nghệ, khá thông thạo chữ nghĩa, nên được làm suất đội, chỉ huy khoảng 50 lính, từng đóng quân ở Chân Lạp (Campuchia). Sau khi lập được nhiều công lao, ông được thăng Chánh quản cơ (1945), chỉ huy khoảng 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc, để gìn giữ biên giới phía Tây Nam.
Năm 1846, Nặc Ông Đôn qui phục Việt Nam, ông Thành được về nhàn dưỡng tại quê nhà.
Năm 1862, Pháp lấn chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, Trần Văn Thành nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi chống giặc của triều đình.
Ngày 22 tháng 6 năm 1867, một đoàn tàu chiến Pháp do trung tá hải quân GaLey cầm đầu, đến huy hiếp thành Châu Đốc, khiến tổng đốc Phan Khắc Thân phải đầu hàng.
Ngày 30 tháng 8 năm 1967, Phan Thanh Giản tuẫn tiết tại Vĩnh Long, sáu tỉnh Nam Kỳ mất hết vào tay Pháp.
Đứng trước tình thế nguy khổn đó, ông kéo toàn bộ quân lính thuộc quyền mình về Láng Linh - Bảy Thưa, gắp rút xây dựng căn cứ chống lại thực dân.
Cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt 6 năm, gây cho đối phương nhiều tổn thất. Đầu năm 1873, Pháp cho người mang thư đến chiêu hàng, nhưng ông cương quyết từ chối, quyết tâm chống lại đối phương cho đến khi mất (ngày 21 tháng 3 năm 1873).
II.Mật khu Láng Linh - Bảy Thưa:
Thời bấy giờ, Lánh Linh - Bảy Thưa là một cánh đồng trũng phèn rộng bao la, không có kênh, rạch lớn ra vào, suốt năm chỉ gieo gặt một mùa lúa sạ. Phía Bắc giáp vùng biên giới núi Sam, Tây dựa Thất Sơn, Đông cặp sông Hậu giang, Nam giáp núi Ba Thê và Long Xuyên.
Ở đó, hằng năm vào những tháng nước lên (còn gọi là “mùa nước nổi” từ khoảng tháng 7 cho đến giữa tháng 10 âm lịch), là một biển nước mênh mông (vì thế có tên gọi Lánh Linh). Láng Linh tiếp giáp với một cánh đồng tương tự có tên là Bảy Thưa (vì nơi ấy mọc khá nhiều cây bảy thưa. Giống cây này giờ đây đã dần mất bóng, ngay tại dinh Sơn Trung chỉ còn 3 bụi cây non nhỏ nhoi).
Cả hai cánh đồng vào mùa khô, nước không cạn hẳn mà biến thành những ao đìa, mương rạch, những đầm lầy vô số đĩa vắt và cùng lau sậy, cỏ dại thi nhau chen chúc, trùm lấp...Tất cả tạo nên những địa thế thật hiểm trở.
Nhà Văn Sơn Nam viết về Trần Văn Thành và mật khu này như sau:
“Trần Văn Thành từng tam gia những trận chống quân xâm lược Xiêm, đời Thiệu Trị. Qua đời Tự Đức, thấy sự áp bức của vua quan, ông trở thành tín đồ của Đoàn Minh Huyên, bấy lâu nổi danh với tài trị bệnh, cải cách Phật giáo, bỏ những nghi thức rườm rà, nhằm huy động nông dân chống lại phong kiến ...''
Ở những đoạn khác:
-''Với chí lớn không chút bi quan yếm thế, ông rút lui về Láng Linh để xây dựng mật khu. Từ năm 1871 đến đầu năm 1873, mật khu lần hồi thành hình... Nghĩa quân gồm quân sĩ cựu trào, thêm khá đông người yêu nước từ các tỉnh miền Tiền Giang. Và Khi căn cứ phát triển, hương chức hội tề địa phương cũng ngầm giúp nghĩa quân .''
-''Do thám báo cáo: “đã có chiến hào và đồn lũy nhỏ nhằm án ngữ một đồn lớn, phòng tuyến là những bao gạo, bao muối chồng chất kè cây to, thêm lò đúc súng đạn với gang, sắt từ bên ngoài đưa vào ”.
- ''Ông phong chức cai đội cho nghĩa quân. Mật khu này xưng danh hiệu là “ Thiên sơn Trung tự”, kiểu chùa chiền; quân đội thì lấy tên Gia Nghị cơ hoặc Giang Nghị cơ, khiến ta liên tưởng đến những đồn điền tổ chức thời Nguyễn Tri Phương, vùng biên giới. Còn gọi là dinh Sơn Trung hay Sơn Trung doanh .''
Nhà sử học Phạm Văn Sơn cho biết thêm:
“ Số quân của ông Thành theo tờ trình của Pháp vào năm 1870 có khoảng 1200 quân (Sau khi càn quét “Hưng Trung doanh”, chủ tỉnh Long Xuyên Emile Puech ước lượng số nghĩa quân chỉ chừng 400 đến 500 người), đa số là tín đồ theo giáo phái ''Bửu Sơn kỳ hương''. Xin nhắc rằng Đức ''Phật thầy Tây An'' (Đoàn Minh Huyên) lập ra đạo phái này và họ Trần là một cao đệ... Đức Phật thầy mất đi thì họ Trần kế tiếp việc hương khói, họ Trần ra kháng chiến, tất nhiên phải sử dụng đến lực lượng này ”(Việt sử tân biên'', Sài Gòn, 1962, tr.211)
III.Trận đồn Sơn Trung:
3.1Pháp chuẩn bị lực lượng:
Năm 1868, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực bị dẹp tan, ông trở thành nhân vật bị Pháp truy nã gắt gao, treo giải thưởng.
Năm 1871, một cộng sự của Pháp là Trần Bá Lộc thử hành quân vào mật khu, nhưng chẳng thâu được kết quả do sình lầy, bốn phía lau sậy mù mịt, thỉnh thoảng bị phục kích.
Nhà văn Sơn Nam kể:
“Tháng 2 năm 1872, Pháp bắt được một nghĩa quân đi mộ lính ở Long Xuyên. Và nhờ cai tổng Mun theo sát những người đặt lọp, giăng câu phía ngọn Mặc Cần Dưng (nay là Bình Hòa, Châu Thành, An Giang), nên đến gần mật khu. Hắn hoảng hốt khi thấy nghĩa quân tích cực củng cố công sự, lò đúc súng đang hoạt động ngày đêm ...''
''Chủ tỉnh Long Xuyên tên Emile Puech xin chi viện thêm 40 lính Mã tà (Người Mã Lai (Malais) gọi người lính cảnh sát là ''matamata''. Do đó đẻ ra danh từ "mã tà " (Vương Hồng Sển, ''Sàigòn năm xưa'', NXB Xuân Thu, 1968, tr. 229)) từ Cần Thơ để tăng cường cho 60 Mã tà dưới tay hắn, đồng thời thông báo chủ tỉnh Châu Đốc, tùy khả năng mà hiệp đồng. Phó quản Hiếm trước kia từng ở hàng ngũ của Trần Văn Thành rồi đầu hàng, được cầm đầu toán lính nhỏ. Cánh quân mạnh nhất do phủ Trần Bá Tường (em ruột Trần Bá Lộc) chỉ huy...Viên chủ tỉnh Emile Puech là chỉ huy trưởng, đại úy Guyon làm trợ lý .( Sơn Nam, Lịch sử An Giang, NXB Tổng hợp An Giang, 1988, tr.68-71)
3.2Trận chiến đấu cuối cùng:
Ngày 19 tháng 3 năm 1873, tàu chiến Pháp đậu tại vàm rạch Mặc Cần Dưng, rồi cho quân lính dùng xuồng nhỏ, tuyệt đối im lặng, tiến vào ngọn rạch.
Một hai ngày sau, biết được đối phương sắp tấn công, tiếng trống, tiếng kẻng của nghĩa quân bắt đầu khua và liên tục vang rền...
Nhà văn Sơn Nam viết:
“Tuy biết đang bị bao vây tứ phía và người Pháp có võ khí hữu hiệu, nhưng nghĩa quân và Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh, cương quyết đối phó. Đứng sau phòng tuyến thách thức bọn Pháp. Ông dùng loa chửi rủa thậm tệ, rồi day về phía nghĩa quân để động viên tinh thần .''
''Đến phút quyết liệt, ông mặc áo màu đỏ sậm (màu tấm trần điều mà giáo phái đang thờ phượng)và cắt từng lọn tóc của mình phân phát cho nghĩa quân (một kiểu giống như phù phép, cốt để thuộc hạ lên tinh thần ).”(theo sách đã dẫn)
Phạm Văn Sơn ghi chuyện:
''Đầu tháng hai 1973, Pháp xua quân vào phá đồn Hờ ở Cái Dầu, uy hiếp đường giồng Nghệ rồi kéo dần vào rừng. Họ nả đại bác lên phía trước và bắt dân chúng dọn đường sau. Quân Bảy Thưa tuy tinh thần rất cao, nhưng chống giữ không nổi. Qua 5 ngày chiến đấu, quân Bảy Thưa lui dần. Pháp không dám tiến mau vì ngột nắng và sợ đĩa. Ngày 20 tháng 2, quân Pháp từ Châu Đốc đánh vào đồn Cái Môn, súng quân Việt bắn không được xa, phát nổ phát không nên chẳng bao lâu Pháp quân tràn vào được.''
''Cùng ngày ấy từ phía Vĩnh Thanh, cờ Pháp tiến vào đuổi quân Việt tới ngọn rạch Hang Tra là nơi Trần Văn Thành chỉ huy chiến cuộc. Con thứ tư của ông Thành là Trần Văn Chái làm tiên phong, đề đốc Văn tức đội Văn giữ hậu tập. Đến gần tối thì Chái bị thương ở đùi.( Sau khi bị thương, Trần Văn Chái bị bắt và sau đó tuẫn tiết trong nhà ngục Châu Đốc, bỏ lại người yêu vừa mới hứa hôn, năm ấy Chái mới 18 tuổi), Văn tử trận…
Xong trận, Pháp thu hết các súng nặng, nhẹ; hủy hết cả lò đúc đạn dược, rồi nổi lửa đốt hết doanh trại của nghĩa quân 3 ngày mới tăt… ”(Việt sử tân biên, sách đã dẫn)
Sau trận đánh, chủ tỉnh Emile Puech nhận xét:
“Cai tổng Lý Mun và Trần Bá Tường, từng tham gia đánh nhiều lần, nhưng trong trận này, quả là mất tinh thần. Họ gan lỳ khi bị bao vây, hứng chịu hỏa lực mạnh, chứng tỏ uy tín Trần Văn Thành khá lớn ”(Sơn Nam, sách đã dẫn)
3.3Hy sinh:
Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế cho biết:
''Sau khi “Bản doanh Hưng Trung bị tàn phá, thất bại nặng, ông Thành rút lui vào chiến khu và mất ngày 21 tháng 2 âm lịch năm 1873'' (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam'', NXB KHXH, Hà Nội, 1992.)
Có người lại cho rằng:
''Ngày 20 tháng 3 năm 1873 (21 tháng 2 âm lịch), quân Pháp tấn công vào đồn Hưng Trung là tổng hành dinh của nghĩa quân do Trần Văn Thành chỉ huy. Ông và các nghĩa quân của mình đã xả thân chiến đấu, nhưng chỉ cầm cự được đến tối thì thất thủ. Giặc Pháp không tìm được thi thể ông, nhưng có lẽ ông đã hi sinh trong trận chiến này. ''(4)
Nhà văn Sơn Nam không nói Trần Văn Thành chết lúc nào, lý do gì; ông chỉ cho biết:
Pháp “ đem xác Trần Văn Thành chưng bày tại chợ Cái Dầu (Châu Phú, Châu Đốc), thêm xác của đội Văn (Pháp ghi là Vang) để nhằm ngăn chận những tin đồn thất thiệt cho rằng ông còn sống, đi lánh mặt và tiếp tục kháng chiến .(5)
IV.Nhận xét:
Nhận xét về con người Trần Văn Thành, đối phương viết:
“Vóc to lớn, mạnh khỏ, gương mặt nghiêm nghị, nhìn thấy là phải kính trọng và ngưỡng mộ, Ông hăng hoạt động, rất thông minh. Ông lập ra một đạo gọi là đạo Lành. Trong hầu hết các tỉnh ở đất Gia Định đều có tín đồ. Tín đồ từ các nơi vì tôn kính ông nên tới mật khu, mang theo nào lúa gạo, sắt (để rèn khí giới )...”
Đề cập cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, nhiều sử gia đều đánh giá cao, vì:
-Việc tổ chức khá khoa học, với công sự, kho lương thực; đặc biệt là đúc súng ống tại chỗ, tuy súng hãy còn thô sơ, kiểu “ống lói”.''
-Biết dùng hình thức tôn giáo để qui tụ quần chúng và che mắt thực dân.''
-Trần Văn Thành thấy rõ tương lai dân tộc ở hành động cụ thể là phải chống ngoại xâm, không thể ngồi khoanh tay chờ núi Cấm nứt ra “ bất chiến tự nhiên thành”. Thái độ của ông và nghĩa quân là “chiến đấu không thỏa hiệp”.(Sơn Nam , sách đã dẫn).
V.Di tích chính:
5.1Bửu Hương tự:
Bửu Hương tự tức chùa Láng Linh, hay gọi tắt là chùa Láng, thuộc xã Thạch Mỹ Tây, huyện Châu Phú, nằm giữa đồng lúa Láng linh, bên bờ kênh xáng Vịnh Tre (kênh Tri Tôn), cách thành phố Long Xuyên khoảng 50 km.
Đền thờ do ông Trần Văn Nhu, con trai trưởng của ông Trần Văn Thành đứng ra xây dựng vào năm 1897 để tưởng nhớ cha và các nghĩa quân khác.
Bia tưởng niệm tại Bửu Hưng tự ghi:
“Vào ngày 21-22 tháng 2 âm lịch năm 1913, trong lúc tín đồ cùng nhân dân đang làm lễ tưởng niệm lãnh tụ thì quân Pháp đến bắt giam 83 người. Sau khi kêu án, 76 người bị 2 năm tù giam ở Châu Đốc, 7 người bị 3 năm tù giam ngoài Côn Đảo .”
Hàng năm, vào các ngày 20, 21, 22, tháng 2 âm lịch (kỷ niệm ngày ông Trần Văn Thành hy sinh) và ngày 5 tháng 5 âm lịch (ngày bà Trần Văn Thành mất) là nhân dân tụ hội về đây rất đông để tưởng nhớ và ôn lại một thời chiến đấu oanh liệt và gian khổ của thuở nào.
Bửu Hương tự được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa vào ngày 6 tháng 12 năm 1989
5.2Dinh Sơn Trung:
Từ Lộ tẻ Bình Hòa đi Tri Tôn, qua cầu sắt "chợ Cầu số 5", rẽ phải đi khoảng 4 cây số lộ đất nữa sẽ đến ''dinh Sơn Trung''.
Dinh thuộc xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Theo lời kể của Ban Quản lý di tích thì trước năm 2003, nơi đây có một ngôi chùa xây dựng sơ sài bằng cây lá (nên được gọi là Chùa Lá) trên một nền đất rất ẩm thấp, ngay địa điểmđặt bản doanh Sơn Trung khi xưa. Sau đó, người dân vì tôn kính, tưởng nhớ ông nên đã tự nguyện quyên góp tiền của, công sức tạo dựng mới một nơi lễ bái rộng lớn, khang trang và đẹp đẽ như ngày nay (hoàn thành năm 2007
VI.Tưởng nhớ:
Nho sĩ Cao Văn Cảo có thơ tưởng niệm
Vô danh dịch:
Non sông Hồng Lạc, giặc xâm lăng
Thẳng thắng, Trần công cố sức ngăn.
Trời đất biết cho lòng sốt sắng,
Kiếp đời ghi mãi chí thù hằn.
Đền thờ tỏ dấu dân trong nước,
Thơ vịnh nêu tình khách viết văn.
Những đứa phản thần qua đến cửa,
Gục đầu, run mật, cặp mày nhăn.
Ngoài những dinh và đền thờ ở nhiều nơi, tên ông còn được đặt cho trường học, đường phố trong tỉnh An Giang.
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn.
Chú thích:
( 1)Theo Thạc sĩ Trần Văn Đông: Căn cứ vào quá trình hoạt động, có thể phỏng đoán ông sinh năm 1818 hoặc 1819, vào cuối triều Gia Long (Cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa, báo Thất Sơn số 45, 1999)
(2)Nguyễn Thị Thạnh (1825-1899), là người vợ hiền hậu, đảm đang và cũng là người góp nhiều công lao, nhất là về mặt hậu cần, trong công cuộc khởi nghĩa của chồng. Ông Thành và bà có 3 người con: một tên Trần Văn Nhu (1947-1914), còn gọi là Cậu hai nhà Láng (người miền Nam gọi con đầu lòng thứ hai), người lập ra Bửu Hương tự; người thứ hai không biết trai hay gái, không nghe ai nói đến; người thứ ba là Trần Văn Chái (1855-1873), người đã tham gia cuộc khởi nghĩa của cha mình.
Hiện phần mộ bà Thạnh ở gần Bửu Hương tự và Bửu Hương các tức trại ruộng của bà khi xưa.
(3)Có thể nói Trần Văn Thành là người đầu tiên dám nghĩ đến việc canh tác ở vùng trũng phèn này (theo Sơn Nam,Lịch sử An Giang, NXB Tổng hợp An Giang, 1988, tr.68-71)
(4) Theo web : http://vietkiem.com/forums/lofiversion/index.php/t12763.html
(5) Đến nay, nhiều người theo giáo phái Bửu Sơn kỳ hương vẫn tin rằng ông Thành không thể bị Pháp giết chết. Dọ hỏi, không ai biết mộ ông Thành và cậu Chái ở đâu. Trong khu mộ của dòng họ Trần ở gần chùa Bửu Hương tự, không có mộ của hai người. (theo Bùi Thụy Đào Nguyên, qua chuyến đi tìm hiểu mật khu Láng Linh - Bảy Thưa vào ngày 30 và 31 tháng 3 năm 2008).
Ảnh từ trên xuống:
1/ Tượng đài Trần Văn Thành tại Châu Phú, An Giang.
2/ Cây bảy thưa chỉ còn 3 bụi tại dinh Sơn Hưng Trung.
3/ Dinh thờ được làm mới trên nền bản doanh Sơn Hưng Trung xưa.