Chương 5
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Người chị dâu nói lớn như chưa bao giờ:
- Tôi đã bảo rằng dây điện thoại bị chuột cắn đứt từ lúc nào, tại sao Vy không tin tôi?
Mắt Vy đỏ rừ. Vy muốn thét to cho vỡ trái bong bóng đang lơ lửng trên tay bé Bình. Loan nhìn Vy, ngơ ngác. Loan đã thấy Vy không còn là bé Vy như mọi ngày. Loan dịu ngọt:
- Kìa Vy, sao Vy cứ quả quyết là chị Vĩnh cắt dây điện thoại? Có ai lại điên rồ phá của như thế?
Vy tức nghẹn:
- Chị cũng ngây thơ lắm. Chị không biết gì cả.
Vợ Vĩnh quay sang Loan, phân trần:
- Đây! Cô xem! Chị mới dẫn hai đứa nhỏ ló mặt vào nhà là nghe cô ấy hạch hỏi như hỏi tội tù. Thuở đời nay, điện thoại nhà tôi mà tôi lại cắt đi ư?
Loan nói:
- Vy! Vy cần gọi điện thoại cho ai? Gấp không? Hay là để nhờ anh Trọng chở Vy đến… Thủy hả? Nga? Hay là Liên Chi?
Vy không nén nổi, gắt lên:
- Không phải nhỏ nào hết. Em không cần gọi cho ai hết. Nhưng tại sao lại thế này?
Vy khổ sở cầm máy điện thoại lên. Vậy mà Vy đã chờ tiếng chuông reo. Vy đã lắng nghe từng bước của thời khắc đi qua.Thoại có giận Vy không? Thoại có nghĩ rằng Vy hèn nhát, bạc nhược không?
Vợ Vĩnh ngồi xuống ghế, phân bua với Trọng lúc này đang ngồi cứng ngắc như một nhân chứng bất đắc dĩ:
- Cậu Trọng xem! Cô ấy coi tiểu thuyết nhiều quá rồi đâm ra giàu tưởng tượng. Đã bảo rằng chuột cắn đứt dây điện thoại là thường, cô ấy vẫn cứ bảo là tôi không muốn cho cô ấy liên lạc với bạn bè. Tôi có bao giờ cấm cô ấy chơi với Nga, Thủy hay Chi đâu.
Vy tức tối:
- Em không cần Nga, không cần Thủy, không cần Chi…
Vợ Vĩnh đứng phắt dậy, nói:
- Vậy thì cô cần ai? Cô nói cho cô Loan, cho cậu Trọng biết đi. Quá lắm rồi! Cô hãy nói là cô cần thằng Thoại nào đó. Nó vẫn gọi đến cho cô hàng ngày. Cô hãy nói là cô tức vì không được nghe giọng nói dấu yêu của nó.
Loan giật mình, hỏi gấp:
- Chị Vĩnh, chị nói gì vậy? Thoại nào?
- Thoại, cái thằng râu tóc bê bối như ăn mày đó. Nó ám ảnh cô Vy, gọi điện thoại cho cô ấy hàng bữa.
Vy run lên, nói không ra lời:
- Chị Vĩnh… chị … đừng…
Vợ Vĩnh kể một tràng:
- Cô ta bị thằng đó hớp hồn rồi. Sáng nay nó đến sớm, rủ rê cô ấy đi nhóm, đi họp gì đó. Cô ấy tưởng tôi không hay biết gì. Hừ, đi học mà mang theo toàn là nhạc. Tôi còn lạ gì mấy cô cậu học trò choai choai bây giờ, thích tụ tập từng đám rồi hát hò, cười cợt với nhau, thật là khả ố!
Loan bàng hoàng hỏi Vy:
- Vy! Thật vậy không?
Vy nghẹn ngào:
- Chị Loan tin lời của chị ấy sao? Phải, có Thoại đó, nhưng anh Thoại không phải là ăn mày. Vy cũng không phải như mấy đứa choai choai.
Vợ Vĩnh cười mỉa:
- Đó, thú nhận hết rồi đó. Tội nghiệp cô ấy quá! Thức khuya dậy sớm, đi học cả ngày chủ nhật. Tội nghiệp luôn cả tôi, cong lưng nuôi cơm cho người ta phè phỡn hẹn hò. Nhục nhã quá!
Vy bật khóc:
- Tôi không có đê hèn như vậy. Trời ơi! Mấy người ỷ là anh là chị rồi hiếp đáp tôi. Mấy người phá đám tôi. Tại sao chị Loan có quyền đi chơi với anh Trọng mà tôi thì bị ngăn cản?
Loan ngơ ngẩn nhìn Vy, không ngờ em mình đã có những lời lạ kỳ như vậy. Vợ Vĩnh cười gằn:
- Có mấy con chuột mới dám phá quấy ngăn cản cô.
Trọng thấy sự có mặt của mình ở đây là vô lý, nên nói nhỏ với Loan:
- Anh về nhé! Chuyện đi xi-nê dời lại dịp khác.
Rồi Trọng khe khẽ đứng lên, chào vợ Vĩnh và rút lui.
Không khí lắng xuống một lát rồi bùng lên với tiếng khóc của Vy:
- Anh Đặng nói không sai. Tôi cứ tưởng chị dâu luôn luôn tốt với em chồng.
Vợ Vĩnh ngạc nhiên:
- Cái gì? Cái gì? Cô nói gì? Chú Đặng thế nào?
Lúc đó mọi người nghe tiếng Đặng nói lớn ngoài sân:
- Chị bếp đâu? Ra xách giỏ vào dùm cô Hà nè. Vy ơi! Có chị Hà lên đây em.
Chỉ có Loan đứng dậy chạy ra. Loan reo lên:
- Chị Hà!
Đặng vừa huýt sáo vừa bước lên thềm. Vừa gặp mặt Đặng, vợ Vĩnh hỏi đón ngay:
- Chú Đặng! Chú nói tôi là người thế nào? Hở? Tôi có làm gì chú? Chú nói đi!
Đặng ngơ ngác và kịp nhìn thấy cô em út mắt ướt sũng đứng rũ rượi như một con mèo ốm. Biết có việc không vui xảy ra, Đặng hỏi Vy:
- Gì thế Vy? Sao lại khóc? Còn chị Vĩnh, chị nói gì lạ vậy?
Chưa bao giờ Vy thấy bực bội như bây giờ. Càng nhìn thấy mặt mọi người Vy càng khổ sở nôn nóng. Vy muốn bỏ đi khỏi nơi đây, nhưng tai vẫn phải nghe vợ Vĩnh rỉ rả:
- Tôi biết rồi! Anh em chú luôn luôn nghĩ tôi là đứa bần tiện. Chú không có trách nhiệm gì hết mà lại còn dẫn đường cho Vy nó khi dễ tôi nữa. Chú hãy để cho người ta trọng tôi với chứ! Tôi thương các cô các chú hơn là thương các em tôi. Đấy, cứ xem thì rõ, em tôi cũng năm, sáu đứa, mà có đứa nào ăn được của anh Vĩnh một đồng xu nhỏ, một bữa cơm lạnh đâu! Trong khi đó, các cô các chú, tôi đã vị nể hết tình. Đã lo từng miếng cơm miếng nước, còn phải chịu trách nhiệm về giờ đi, giấc đứng nữa. Tôi không nói thì thôi, chứ đã nói thì phải nói cho đến nơi.
Đặng đổi nét mặt, hỏi:
- Chị Vĩnh, hôm nay sao lại có vấn đề em của anh, em của chị ở đây nữa?
Vợ Vĩnh cười gằn:
- Chứ còn gì nữa mà không vấn đề? Đấy! Của cải này do ông bác sĩ tạo ra đấy! Tôi chỉ là một thứ mọi giữ của không công. Các cô các chú có quyền phung phí, có quyền chia xẻ. Nếu tôi có động đến lời nào thì các cô các chú cho rằng tôi thế này thế nọ.
Rồi xô chiếc ghế “rầm” một cái, vợ Vĩnh nói:
- Các cô các chú có tụ tập ở đây cho đông cũng chỉ vì vậy. Đó, nhà của anh Vĩnh, mấy người cứ đến ở, hãy hưởng cho hết.
Một người vừa vào đến ngưỡng cửa, tay còn khệ nệ một giỏ trái cây, áo dài màu xanh đậm bám đầy bụi đất, đã phải đứng sững lại. Vừa trông thấy, Vy òa lên:
- Chị Hà!
Giỏ trái cây được đặt xuống. Da mặt của Hà đang bừng đỏ. Không phải vì mệt nhọc sau đoạn đường xa, mà vì những câu nặng nề vừa nghe thấy. Vy thấy Hà run rẩy như người sắp nổi giận. Hà lắp bắp mãi mới thốt được ra lời:
- Chị Vĩnh! Chị ác độc lắm.
Người chị dâu buông một câu thẳng thắn:
- Tôi nói sự thật.
Hai giọt nước mắt lăn ra khỏi khóe mắt Hà. Hà nói uất nghẹn:
- Tôi về đây là vì sắp đến ngày giỗ ba. Chị không biết gì sao? Tôi mua đầy giỏ trái cây để cúng ba, cho ba còn nhớ đến sự có mặt của tôi. Tôi có thèm thuồng cái gì ở đây mà về? Tôi đang chờ xe để về nhà mẹ thì gặp anh Đặng. Anh ấy bảo là hôm nay mẹ lên anh Vĩnh chơi nên tôi lại ghé đây. Tôi ghé đây là vì mẹ, đừng hiểu lầm tôi. Chị méo mó, lệch lạc vừa thôi.
Đặng giơ hai tay lên đầu, nói:
- Tôi không hiểu gì hết.
Vợ Vĩnh gằn từng tiếng:
- Chú cần gì hiểu. Chú cứ hiểu rằng em chú nghi ngờ tôi cắt đứt dây điện thoại không cho nó nói chuyện với… bồ, vậy là đủ. Tôi xấu xa lắm, đê tiện lắm. Nhờ chú nhồi cho nó ý tưởng đó, nên mới có ngày hôm nay.
Cùng một lúc, sự ngạc nhiên, nỗi xấu hổ và lòng tức giận làm mặt Đặng tái đi. Đặng chỉ tay vào Vy, quát lớn:
- Trăm sự là do mày, phải không Vy?
Rồi Đặng tát mạnh vào mặt Vy. Vy loạng choạng vì cái tát bất ngờ đó, ngồi phịch xuống ghế. Mắt Vy mở to nhìn Đặng, nhưng đã mờ đi không thấy rõ. Anh ta đó sao? Anh ta trở thành một con người sợ sự thật và thô bạo đến thế ư? Tất cả lòng kính trọng đang hạ xuống thấp. Rõ ràng là Đặng đánh em để mong làm nguôi lòng giận của chị dâu, hầu còn chút hy vọng anh chị Vĩnh giúp đỡ cho mình thực hiện giấc mơ “cau lồng rượu chóe”. Ý nghĩ đó làm Vy không khóc được. Vy giương to đôi mắt cứng trơ như hai khối nước đá, nhìn Đặng, môi mím lại căm giận.
Hà sụt sùi:
- Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi! Vy nó có tội gì? Nó chỉ là một đứa bé, một đứa bé chưa dứt ly sữa. Làm anh làm chị thì phải rộng lượng với nó một chút. Phải hiểu là nó còn bé lắm, còn dại lắm. Nó chưa lần mò hết mấy lớp trung học. Nó chưa tới cái tuổi biết suy xét như chúng ta. Sao không rộng lượng với nó?
Vợ Vĩnh mỉa mai:
- Tôi biết, cô dạy học trò nhà quê mãi rồi quen cái giọng đó. Tôi không cần ai dạy tôi. Tôi rộng lượng đã nhiều rồi.
- Nếu vậy tại sao lại có vụ cắt dây điện thoại?
Vợ Vĩnh hầm hầm cầm máy điện thoại lên, ném mạnh xuống đất, nói:
- Nếu tôi bảo ừ, tôi đã làm như cô Vy nói, thì làm sao?
Vy hét lên:
- Thì chị sẽ nhận lấy hậu quả của việc chị làm!!!
Sau câu nói dữ tợn của Vy, như có một âm vang nào làm mọi người ngơ ngẩn. Không ai dám nói một lời nào nữa. Câu chuyện tưởng sẽ bùng nổ lên nhưng lại lắng xuống không ngờ. Câu nói của Vy có vẻ quá đáng nhưng khiến cho mấy anh em, chị em nhìn nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra?... Và Vy, bất chợt cúi xuống nhìn máy điện thoại nằm trơ vơ dưới chân tủ, Vy nghe một nỗi gì ghê rợn chạy dọc suốt toàn thân.
***
- Chị hãy đợi mẹ lên, rồi có đi cũng không muộn.
- Sợ đến tối không còn qua phà được Vy à.
- Nhưng mẹ chắc sắp về đến nơi. Chẳng lẽ anh Vĩnh chở mẹ đi đến tối?
Hà cúi đầu thở dài:
- Hay là… để chị sang nhà bác Lê? Dám chừng mẹ chơi ở bên đó?
- Thì rồi mẹ cũng về. Mẹ biết rằng em đang mong mẹ.
Vy nói thế rồi buồn bã nhìn ra cổng, thở ra nhè nhẹ. Vy sợ chị Hà nhìn thấu trái tim mình. Vy chống chân đưa khẽ chiếc xích đu. Hai chị em yên lặng bên nhau. Trong nhà, Loan và Đặng mỗi người ngồi một ghế, như hai bức tượng. Vợ Vĩnh đã đem hai con lên lầu.
Hà nghĩ gì rồi lại rơm rớm nước mắt:
- Hay vậy, chị đã không thèm đặt bước đến đây, về thẳng nhà nói chuyện với vú Sáu còn thích hơn.
- Vú Sáu ăn nói lẩm cẩm, chị về đó có nước nằm ngủ một mình.
- Thà như vậy. Chị quen sống ở tỉnh xa, về đây thấy cảnh phù phiếm chịu không được.
Vy hỏi:
- Chị đi chuyến xe mấy giờ?
- Mười hai giờ trưa. Đáng lẽ đến sớm hơn nhưng chị bị kẹt bắc. Trời dưới đó mưa lớn lắm.
- Trời mưa chắc bến sông buồn lắm chị hở?
- Không, lúc chị đi bến còn tấp nập người. Ở đó buổi chiều mới buồn. Khoảng giờ này, phà không còn qua lại nữa, chẳng còn ai qua sông. Trường học của chị nhìn ra đó, buồn thật là buồn.
- Chị nhớ nhà không?
- Vy nghĩ chị là sắt đá hay sao? Chị nhớ mẹ muốn khóc. Nhớ mẹ nên chị mới xin phép về. Mai mốt chị lại xuống ngay. Có khi chị muốn mời mẹ xuống dưới ở chơi với chị vài bữa, nhưng chị biết chắc là mẹ không chịu .
Vy ngắt nhẹ một ngọn lá, vò nát, nói bâng khuâng:
- Tại mẹ già yếu, mẹ ngại đường xa. Anh Vĩnh cũng không muốn cho mẹ đi đâu, sợ gió máy rồi mẹ bệnh.
Hà thở dài:
- Anh Vĩnh! Anh Vĩnh sáng chói nhất đối với mẹ, đối với mọi người. Anh nói gì ai cũng nghe. Không trách được. Anh Vĩnh đã cho mẹ hai đứa cháu nội kháu khỉnh…
Vy ngắt lời:
- Và một nàng dâu ngoan.
- Đừng, Vy! Em lạc đề rồi, hãy để chị nói hết. Mẹ thương anh Vĩnh nhất, chị cũng vậy. Chị thương anh Vĩnh hơn anh Đặng, hơn cả các em. Vì anh Vĩnh tốt, biết suy nghĩ. Chị còn được như hôm nay là nhờ anh Vĩnh. Anh Vĩnh dạy chị học cực khổ hơn một ông cha. Vì lúc nhỏ chị dễ chán nản, chị thấy mẹ nghèo túng chị muốn đi làm thuê làm thợ cho xong. Anh phải kèm chị từng đêm. Tội nghiệp lắm, học ở Y Khoa khổ nhọc mà anh Vĩnh cũng nhắc nhở chị luôn. Chẳng bù với anh Đặng chỉ biết có thân mình.
Hà lau nước mắt, lẩm bẩm:
- Chị chọn công việc của chị, là chấp nhận xa mẹ, chấp nhận thiệt thòi. Chị không đòi hỏi, không ganh ghét. Chỉ buồn là càng lớn càng thấy xa lạ với gia đình. Thôi cũng đành… Bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Chị chịu làm ngón tay dư thừa tật nguyền nhỏ mọn.
Vy hoảng hốt:
- Nếu nói như vậy thì em mới là ngón thứ sáu dư thừa đó!
Hà nắm chặt bàn tay Vy, mắt sáng lên:
- Không. Em là con cưng của mẹ, em cưng của tụi chị. Tin như vậy đi! Ai cũng thương em, và bắt buộc phải thương em. Bởi em là dấu tích thương yêu cuối cùng của ba và mẹ.
Hà nghẹn lời. Chị nói như đang đọc truyện, như đang đọc một bài chính tả cho học trò. Vy nhìn lên cành lá của cây Ngọc Lan. Ở đó mặt trời đang thả những tia nắng cuối. Những đốm tròn nhảy múa với gió đưa qua kẽ lá. Vy đứng dậy. Hà ngạc nhiên hỏi:
- Ngồi đây với chị. Vy đi đâu à?
Vy cắn môi, rồi nhìn ra đường:
- Em sang bác Lê nghen chị!
- Để làm gì?
- Để gọi mẹ và anh Vĩnh về. Sốt ruột quá! Chẳng lẽ em với chị ngồi mãi như vầy?
Vy nói dối tài tình. Hà nhớm dậy:
- Chị đi nữa.
- Chị hãy ở đây. Để em lấy xe đi cho nhanh. Em sẽ về liền.
Để cho Hà ở đó, Vy mở cổng, rồi lấy chiếc Cady phóng nhanh đi.