Chương 1
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Lũ trẻ nhỏ đang nô giỡn dưới sân. Đó là nhận thức đầu tiên của Vy ngay lúc mở mắt ra. Có tiếng reo cười thật trong trẻo vọng lên. Mình ngủ muộn thế sao? Ít nhất cũng đã tám giờ rồi. Vy toan ngồi dậy, nhưng thôi. Hôm nay là ngày chủ nhật. Vy không phải làm gì ngoài việc đi họp nhóm lúc mười giờ. Nghĩ như thế rồi cứ nằm nhìn mơ màng lên trần mùng. Bên dưới kia dầu còn vọng tiếng cười nhưng ở đây vẫn nghe cả tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ vô dụng để trên bàn.
Vy thở ra…. Căn phòng này, chiếc giường này, tất cả những sự êm ái tiện nghi này, phải chăng đã làm người ta lười biếng?
Gần một tháng ở nhà anh Vĩnh là một thời gian của sự hưởng thụ. Dầu rất cố gắng sống như trước kia mình đã sống, Vy vẫn không thể không chấp nhận những tiện nghi đưa tới hết sức đương nhiên. Đôi lúc Vy cảm thấy như chính con người mình đang có sự xung đột. Nhưng Vy phải ở đây, ít nhất là đến hết niên học. Vì có nhiều tiện lợi. Điều lợi mà cả anh Vĩnh với mẹ đều thấy là Vy đi học gần. Từ nhà anh đến trường Vy chỉ độ nửa cây số, không phải như khi ở nhà mẹ, Vy phải đi một quãng đường dài, phải qua phà rồi mới vào thành phố. Còn điều lợi mà chỉ một mình Vy thấy là ở đây Vy có rộng thì giờ để gặp gỡ bạn bè, nhất là… dễ dàng gọi dây nói cho Thoại. Thế nên, dù không thích ở nhà Vĩnh, Vy cũng ôm sách vở về đây.
Tự nhiên Vy cảm thấy nhớ nhớ. Nhớ căn nhà của mẹ và mảnh vườn xum xuê ở Giồng Ông Tố. Nhớ những buổi sáng, buổi chiều, buổi tối êm ả. Vy thở dài… Buổi chiều, gió mát, dòng sông… tiếng võng đưa… những thứ đó đã làm cho ta ủy mị. Rồi liên tưởng đến giấc mơ vừa qua, có Thoại. Thoại hiện diện sáng chói, hiên ngang. Thoại nắm tay Vy bước lên một đài danh dự, giữa hàng vạn người đang reo hò với những lời ca tụng. Hai người đã trở thành “lãnh tụ”, một thứ lãnh tụ trẻ trung. Thế thôi, giấc mơ không có thêm gì nữa. Thật ngắn ngủi. Nhưng cũng thật khích động. Giống như Thoại, rất gần nhưng cũng rất xa Vy.
Anh có đấy nhưng nhiều lúc bàng bạc như mây gió. Chắc tại vì anh là một mẫu người đặc biệt dưới mắt Vy. Trong khi đó Vy cảm thấy mình nhỏ nhoi và vô dụng. Vy muốn vươn lên cho được gần bằng như Thoại. Vy muốn tham dự vào tất cả các sinh hoạt của Thoại. Vy muốn làm cánh tay trái của Thoại. Vì anh hoạt động quá, nhưng cũng bí mật quá. Mẫu người của Thoại là mẫu người không thể tìm thấy ở mọi người con trai khác. Thoại là ai? Thoại làm gì? Vy không biết rõ. Biết Thoại là một sinh viên, và là một người có mang lý tưởng sáng ngời, thế thôi. Biết Thoại là người có khả năng lôi cuốn Vy vào những đề tài bàn luận của anh, làm cho Vy say mê cái tư tưởng của anh, và biết suy nghĩ những điều không nằm trong khuôn khổ tầm thường của một đứa học trò. Bỏ học mấy lần để gặp Thoại, để họp mặt với nhóm bạn của Thoại, cũng là vì vậy. Thoại xuất hiện nhiều nhất trong đời sống hiện tại của Vy - ở lớp học, trên đường đi, và cả trong giấc mơ. Vy muốn được sống như Thoại, được tung hoành với lý tưởng như Thoại, hơn là sống đời sống của một đứa con gái tầm thường mà gia đình và học đường đã đặt để vào cho Vy.
Có tiếng rao bánh cuốn văng vẳng trong ngõ cư xá. Vy ngồi dậy. Không nghĩ ngợi nữa, trễ rồi! Tự nhiên Vy cảm thấy xấu hổ. Giờ này, có lẽ Thoại đã dậy từ lâu rồi, và đang làm những công việc của Thoại, hay đang có mặt tại căn nhà mà cả bọn thường hay họp mặt. Vy xếp lẹ mền gối. Phải sửa soạn để đi kẻo trễ. Mền gối này, căn phòng này, chúng đã làm cho ta lười biếng!
***
Chị bếp đặt khay sữa lên bàn ăn, hỏi Vy:
- Cô Vy ăn gì nào? Bánh mì trứng nhé!
- Thôi chị. Cho em ly sữa được rồi. Em phải đi ngay.
Chị bếp hỏi:
- Chủ nhật mà cô cũng đi học sao?
Vy đáp không do dự:
- Phải đi học thêm chứ. Em ngủ quên, gần tới giờ rồi đó chị.
- Vậy cô uống ly sữa đi! Trưa về rồi ăn cơm bù.
Vừa nhìn Vy uống sữa, chị bếp vừa nói:
- Thấy cô Vy lúc nào cũng bận rộn. Cô lo học quá, sang năm thi chắc đậu cao. Cô biết không, mấy cái cô ở bên nhà ông luật sư Thắng đó, bằng tuổi cô Vy mà có lo học gì đâu. Cả ngày tôi cứ thấy các cô ấy chưng diện cho đẹp rồi đi chơi không à. Chủ nhật đẹp trời như thế này, đố mà không đi “bum”, tôi cùi.
Vy tỏ vẻ khó chịu:
- Hừ! “Bum” với “ban”! Em không muốn chị nhắc đến lũ ấy.
Chị bếp cười xuề xòa:
- Đó! Tôi biết thế nào hễ nhắc đến mấy cô con ông luật sư Thắng là cô Vy sẽ bực mình.
- Học làm sang đó chị! Em ghét mấy thứ đó.
Vy đứng dậy, hỏi:
- Anh Vĩnh của em đâu rồi chị?
- Cậu lấy xe đi từ sáng sớm, bảo là đi đón bà về đây chơi.
Vy đập tay vào trán, reo lên:
- À, em nhớ rồi. Tháng trước mẹ em bảo em về đây đi học, rồi mẹ đến sau. Vậy anh Vĩnh em đi một mình sao chị?
- Dạ.
- Còn chị Vĩnh?
- Mợ ở trước sân. Nè… cô Vy đi học mấy giờ về, có đi đâu nữa không? Cô cho tôi biết để tí nữa bà đến tôi thưa lại.
Vy trợn mắt, cười:
- Hôm nay chị có nghề “mật thám” nữa à?
Chị bếp cười theo:
- Đâu có! Tại mợ Vĩnh dặn đó chứ.
Vy giật mình, bước đến gần chị bếp, hỏi nhỏ:
- Chị nói sao? Chị Vĩnh dặn?
Chị bếp ngóng cổ nhìn ra ngoài trước, rồi thì thầm:
- Mợ lo xa, chứ chẳng có gì đâu.
Vy nghiêm mặt:
- Chị giấu em hở? Có gì để cho chị Vĩnh lo xa đâu? Nếu chị không nói, em sẽ không thèm ở đây nữa.
Chị bếp níu tay Vy, nói:
- Cô Vy khoan giận tôi đã. Nè, biết sao không? Sáng nay có người đến hỏi thăm cô đó.
- Ai? Bạn của em à?
- Một cậu thanh niên, cao lắm.
Vy lẩm bẩm:
- Thoại?
Chị bếp lắc đầu:
- Cậu ấy hỏi mợ Vĩnh. Mợ nói cô còn ngủ. Rồi cậu ấy đi, không có nói tên.
- Đúng là Thoại rồi!
Chị bếp tròn xoe mắt, tò mò:
- Thoại nào vậy cô?
Vy cười:
- Bạn em.
- Bạn học à? Anh chàng này lớn rồi mà! Có vẻ sinh viên hay thầy giáo gì đó.
Vy đáp hân hoan:
- Dĩ nhiên không phải là bạn học rồi. Người này đáng làm thầy em đó! Hơn thế nữa, anh ấy là một người rất giỏi… Một người hoàn toàn…
- Dữ vậy? Tôi tưởng cô Vy chỉ quen toàn bạn gái.
Vy cười tủm tỉm:
- Quen với con trai có làm sao?
Vy muốn nói thêm cho chị bếp nghe, nhưng cảm thấy ngại. Đàng nào thì chị ấy cũng lỡ là “mật thám” của chị Vĩnh rồi, nói nhiều chắc không tốt. Vy đặt tay lên vai chị bếp, nói:
- Nhưng chị yên lòng đi! Em đi học, mười hai giờ về. Chị Vĩnh có hỏi, chị cũng nói như vậy nhé!
Chị bếp chưa hết thắc mắc, nhưng cũng muốn làm vui lòng Vy, gật đầu:
- Dạ.
Vy nói như để chứng minh sự thành thật của mình:
- Chị cũng thừa hiểu em không phải như bọn con gái bên nhà ông Thắng chứ? Chị thấy không, em suốt đời áo dài, dép trệt, đâu có như tụi nó mà chị sợ.
Chị bếp gật gù:
- Cái đó tôi dư biết. Bởi vậy tôi mới quý cô, đâu dám nghĩ quấy cho cô. Nhưng tôi chỉ lo cô còn nhỏ tuổi, rủi bị rủ rê vào mấy chuyện không tốt.
Vy bật cười:
- Chuyện không tốt là chuyện gì chị?
- Thì như là…
Chị bếp gãi đầu, chừng như muốn tìm lời để nói nhưng nghĩ mãi không ra. Vy kéo chị bếp lại gần, thì thầm:
- Em đi nghen! Rảnh sẽ kể chuyện chị nghe.
- Tôi ngu dốt… biết gì mà nghe?
- Lại cái giọng đó nữa. Đã nói chị đừng thưa dạ với em là một, đừng mặc cảm là hai, mà chị cứ vậy. Ở nhà mẹ em có bà vú Sáu, ở đây thì có chị. Nhưng bà vú Sáu già rồi, còn chị thì hợp với em lắm. Có ngày em sẽ kể hết chuyện chị nghe.
Chị bếp chớp mắt cảm động:
- Cô Vy còn cả mấy người anh, người chị. Tôi mà nhằm nhò gì.
- Chị của em đấy à? Chị Hà đi xa, còn chị Loan ở với bạn, ham vui thấy mồ. Các anh thì ai lo phận người ấy. Chị cứ giữ kẽ với em thì thôi.
- Đâu có! Nè cô Vy, chín giờ rồi, cô đi học đi.
Vy ngồi xuống ghế, nói:
- Mười giờ mới vào học.
- Vậy mà khi nãy cô nói cô đi gấp. Chứ không thôi nãy giờ đã ăn được mấy ổ bánh mì.
- Thôi, ăn uống chỉ là chuyện phụ, không đáng nói.
Chị bếp trở lại giọng tò mò:
- Hay là… cô đợi cái cậu Thoại gì đó?
- Không. Anh ấy không trở lại đây đâu. Tuần nào…
Vy giật mình, im bặt. Biết mình đã nói hớ, Vy len lén nhìn chị bếp. Chắc chị bếp không nghe kịp nên đã thản nhiên thu dọn ly tách trên bàn. Vy thở ra. Tự nhiên Vy thấy hồi hộp quá! Chắc sẽ không yên rồi. Chị Vĩnh đã có nghi, mà cái chị bếp này cũng chưa chắc đã thông cảm. Hôm nay lại có mẹ lên nữa. Một tháng rồi còn gì! Gặp Vy, chắc mẹ sẽ hạch hỏi chuyện học của Vy thật nhiều. Chao ôi gia đình! Càng lớn càng thấy gia đình là cái vòng lẩm cẩm. Gia đình là một nơi chốn mà chưa có cuốn tự điển nào định nghĩa đúng nổi. Gia đình , theo các ông nhà văn thì là một nơi đầm ấm, còn theo những kẻ “bụi đời” thì đó là chỗ ngột ngạt nhất không đâu bằng. Vy mỉm cười với sự so sánh đó.
Đối với Vy, Vy rất thương mẹ, thương các anh các chị, nhất là thương mái nhà ở Giồng Ông Tố, nơi anh em Vy đã lớn khôn nhờ bàn tay của mẹ. Nhưng trong tâm hồn Vy bây giờ đang có một tư tưởng khác, mới mẻ nhưng mãnh liệt, đã xâm nhập và xung đột với con người yếu đuối hiền thục của Vy. Đó là tư tưởng của Thoại. Thoại không có gia đình. Đúng hơn là Thoại không lệ thuộc vào gia đình. Thoại sống trong một đại học xá, vừa học vừa tự kiếm sống. Thoại làm đủ mọi nghề, từ nghề trình dược viên đến nghề gõ đầu trẻ; từ nghề viết báo đến nghề sửa máy vô tuyến. Thoại biết rất nhiều nơi và biết rất nhiều chuyện. Thoại sống cho một lý tưởng nào đó của Thoại. Thoại sống như không bị ràng buộc vào ai. Anh có nhiều cao vọng, nhưng đương nhiên không phải cái cao vọng được vinh thân phì gia như những người bạn khác. Thoại như một cái gì hư hư thực thực, đôi lúc hiện hữu nhưng Vy thấy như Thoại chỉ ở một phía nào đó rất cao xa. Vy muốn sống như Thoại, muốn làm một cái gì khác với nếp sống bây giờ. Từ lúc gặp Thoại trong một cuộc gặp gỡ rất thông thường, nhưng dần dần biết được nhiều đặc điểm trong tính nết của Thoại, rồi họp mặt với các bạn và những người em tinh thần của anh, Vy có ý tưởng mình sẽ không tách rời được với Thoại nữa.
Vy ngồi thừ ra trên ghế, không biết chị bếp đã dọn dẹp xong và đang chống nạnh vào sườn cười hóm hỉnh:
- Cô Vy!
Vy sửa lại thế ngồi, hỏi:
- Gì chị?
- Cô nghĩ gì vậy?
- Hở??? À đâu có! Em đang nghĩ đến mẹ em.
- Nói trớ thì tài lắm nhé! Bà cụ sắp lên đây rồi, cô lo gì nữa?
Vy lái tư tưởng của mình đi:
- Không phải lo, mà em nghĩ đến cảnh nhà vắng vẻ của mẹ em khi không có em. Cực chẳng đã em mới ở đây, chứ bỏ mẹ ở nhà một mình sao thấy không yên.
- Đã có bà vú Sáu.
- Bà vú Sáu cũng già lụm cụm, đâu có làm được việc gì. Mẹ em thì lại không chịu ngồi một chỗ, cứ làm việc tối ngày, hết dọn nhà dọn cửa thì lại tưới rau, trồng cây.
- Vậy chứng tỏ là bà cụ còn khỏe mạnh.
Vy thở dài:
- Đã đành là khỏe mạnh. Nhưng chị biết không, mẹ em bị đau nơi cánh tay, mà cũng cứ làm việc. Không biết em đi ở đây, mẹ em có nhớ mà bóp dầu, uống thuốc không.
- Bà đau làm sao hở cô?
- Để coi… hình như là có cái nhọt gì đó ở nơi cánh tay, thỉnh thoảng mẹ em lại kêu nhức. Có khi lại quên đi, không nghe thấy gì cả.
- Cậu Vĩnh biết không?
- Dạ biết. Thỉnh thoảng về nhà anh ấy lại cho thuốc. Anh ấy đòi chở mẹ em đi mổ, nhưng mẹ em đâu có chịu.
Chị bếp lè lưỡi:
- Gì mà đến mổ lận cô? Tôi nghe mổ là nổi da gà.
Vy cười:
- Có chi mà sợ. Tại mẹ em già nên nghe mổ thấy ghê chứ bây giờ chuyện mổ xẻ là thường. Có khi chỉ là một cục mỡ, hay một tí máu bầm ở trong thịt, mổ ra cắt bỏ đi rồi may lại. Xong.
Chị bếp lắc đầu:
- Thôi. Tôi có bệnh thì cho tôi chết đi chứ đừng có mổ. Làm cứ như người ta là con gà, con vịt vậy.
- Chị còn nhát hơn cả mẹ em nữa. Này nhé, nếu chị có một cái mũi cà chua nhé, muốn thay một cái mũi giả nhé, đến bác sĩ sửa sắc đẹp nhé! Một cái mũi giả, một con dao thật bén, đưa qua, rồi… xoạt!!!
Vy đưa tay quét ngang trước mặt chị bếp. Chị nhắm nghiền mắt lại, rú lên:
- Ái! Ghê quá!
Vy cười ha hả. Chị bếp chưa hết run, nói:
- Thôi cô ơi! Vậy mà bảo sao bà không sợ.
- Nói cho vui chứ một cái nhọt ở tay thì có gì quan trọng đâu chị bếp hở. Mẹ em cũng nhát uống thuốc, chích thuốc lắm. Có lần mẹ bị cảm, đến phòng mạch của anh Vĩnh, chích thuốc có một lần mà mẹ em sợ luôn.
- Sao vậy?
- Mẹ em nói cô y tá chích đau.
Chị bếp tròn mắt ngạc nhiên:
- Tôi tưởng là chính cậu Vĩnh chích cho bà cụ chứ?
- Đâu có! Y tá để làm gì?
- Nhưng bà cụ là mẹ….
Chị bếp bỏ lửng câu nói. Vy cũng lặng im. Hình như chị bếp đang nghĩ gì nữa đây?..
Vy đứng dậy, sắp xếp lại mấy cuốn sách rồi ôm trước ngực, nói:
- Thôi, em đi học.
Ra đến phòng khách Vy gặp hai đứa con của Vĩnh. Cả hai đều mặc quần áo đẹp. Vy xoa đầu đứa nhỏ, hỏi:
- Đi đâu đây?
- Tụi cháu chờ ba về chở đi chơi. Cô Vy đi hông?
- Cô đi học. Hai cháu đi nhé! Me đâu?
Đứa lớn chỉ tay ra sân:
- Me đang ở trước cổng, đang nói chuyện với ông cảnh sát, lâu thấy mồ.
Vy đang ngạc nhiên bỗng nghe có tiếng nói lớn ở ngoài:
- Chị bếp đâu, ra quét cái đống rác trước cổng đi. Đã để bảng cấm đổ rác mà thiên hạ cứ kéo tới đổ bừa bãi, làm mình phiền với ông cảnh sát.
Chị bếp lon ton xách chổi chạy ra. Vợ Vĩnh dừng lại trước thềm nhà, nói thêm:
- Còn cái rãnh nước, chị dội cho sạch. Cái mụ thợ nhuộm chẳng biết ở đâu mà cứ vài ngày lại đến trước cổng nhà mình đổ cả thùng thuốc nhuộm đen ngòm xuống rãnh. Thật dơ dáy!
Chị bếp nói:
- Bà ấy đi nhuộm dạo…
Vợ Vĩnh “hừ” một tiếng rồi đi vào nhà. Hai đứa bé chạy đến, nũng nịu:
- Me thay áo đi me, tí nữa đi chơi.
- Đợi ba về đã.
Nhìn thấy Vy, vợ Vĩnh hỏi:
- Vy đi học nữa sao? Không chờ mẹ lên à?
- Mười hai giờ em về. Chị nói lại với mẹ dùm em nhé.
Vợ Vĩnh nhìn Vy bằng ánh mắt dò xét:
- Mấy giờ vào học?
- Dạ mười giờ.
- Bây giờ hẵng còn sớm. Vy ngồi xuống đây, chị có việc muốn nói.
Vy tần ngần một lát rồi nghe theo. Vợ Vĩnh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Chừng như không muốn quan trọng hóa những lời sắp nói, người thiếu phụ trẻ tuổi nở một nụ cười trên đôi môi thật đẹp:
- Vy có quen một người bạn trai tên Thoại?
Vy hoảng hồn. Việc gì sắp xảy ra đây? Biết mình đã kẹt vào cái bẫy êm ái của chị dâu rồi, Vy cố gắng làm ra vẻ thật thản nhiên, đáp:
- Dạ. Sao chị biết?
-Sáng sớm anh ta có tới đây, không xưng tên, chỉ hỏi Vy rồi đi ngay. Nhưng nghe giọng nói, chị đoán ngay là Thoại.
Vy mở to mắt, ngạc nhiên:
- Chị… chị biết anh ấy?
Vợ Vĩnh cười:
- Suốt cả tuần nay, anh ta gọi điện thoại đến đây hoài, nhưng nhằm lúc Vy đi học hay mắc bận, chị trả lời thay.
- Anh ấy có chuyện gì gấp không?
- Không. Chỉ là những câu hỏi thăm. Với lại, chị là người lạ, làm sao anh ta nói cho chị nghe những chuyện mà anh ta chỉ muốn nói với Vy.
Vy cắn môi. Mình đang vùng vẫy trong cái lưới càng lúc càng rối ren đây. Vy cúi đầu nghe những lời vừa như thông cảm vừa như kể tội:
- Có một lần, anh ta nghe tiếng chị, tưởng là Vy nên hỏi: “Vy đó hả? Thoại đây”. Thế là chị biết tên anh ta.
Vy nghe nóng bừng cả mặt. Người chị dâu nói chuyện thật thản nhiên, nhưng Vy thì cảm thấy tay chân mình thừa thãi và muốn giấu mặt đi đâu. Có lẽ dưới mắt chị dâu, Vy không còn là đứa bé nhỏ nhắn ngây thơ như chị thường khen nữa. Chị đang nhìn Vy bằng một cái nhìn khác, không bằng cái nhìn như ở những ngày cách nay bốn năm, khi lần đầu chị được anh Vĩnh dẫn về nhà giới thiệu với mẹ, với Vy. Chị đã khám phá cô em út suốt ngày chỉ thích trèo lên ngồi trên cây xoài tượng xoi mói nhìn những trái chín, trái xanh. Ngày ấy chị phải hết lời nhỏ nhẹ mới gọi được cô bé trèo xuống nhận của chị phong bánh “bích quy” thơm phức. Mới bốn năm ngắn ngủi, mà con sóc bé nhỏ đã biến thành một con mèo yểu điệu.
- Vy nè!
- Dạ?
- Điều mà chị muốn nói với Vy, là Vy hãy thành thật với chị. Không ai cấm Vy quen bạn trai, nhưng phải dè dặt. Anh chị bảo Vy ở đây để đi học tức là đã thay mẹ, chịu trách nhiệm với mẹ nếu Vy có chuyện gì.
- Em có làm gì đâu! Anh Thoại chỉ là … anh của một đứa bạn.
- Anh ta làm nghề gì? Học đến đâu?
Vy cảm thấy hơi ức trước câu hỏi thông thường của những người lớn khi hạch hỏi con em mình. Vy nén lòng, đáp:
- Anh ấy học Văn Khoa, sắp lấy cử nhân. Anh ấy giỏi lắm, biết nhiều nghề lắm. Em coi anh ấy như một ông thầy dẫn dắt cho em.
- Thoại có đi làm không?
- Dạ có. Hiện nay anh ấy đang làm ở một tòa báo. Nhưng ngoài ra anh ấy có nhiều nghề nữa…
Vy nói về Thoại một cách say sưa. Vy muốn nói thêm rằng Thoại còn có nghề dạy học, nghề viết văn, nghề trí thức cũng như nghề lao động, ăn cơm nhà hàng cũng như uống nước quán cóc, nghề xuống đường, nghề bãi khóa… Nhưng Vy lặng thinh. Hãy để cho Thoại sáng ngời trong một mình Vy mà thôi.
- Vy này!
- Dạ?
- Chị nhận thấy anh ta có một vẻ gì không được đàng hoàng lắm. Râu tóc hình như cũng làm biếng chăm sóc, và nói chuyện với người khác thì bất cần. Lạ quá! Chị chẳng hiểu hắn thuộc “týp” người nào.
Vy hơi chới với trước câu phê bình ấy, lặng im. Vợ Vĩnh đưa tay sửa lại mấy cánh hoa cắm trong chiếc bình pha lê để trên bàn, chép miệng:
- Vy còn nhỏ lắm, nên chị muốn lưu ý một điều. Quen ai cũng được, nhưng phải chọn bạn mà quen. Vy thử nghĩ nếu anh Vĩnh nhà mình mà gặp anh chàng Thoại ấy thì sao? Đàng nào, Vy cũng là em của một ông bác sĩ…
Vy nghẹn giọng:
- Chị không nói luôn em là em của một ông giáo sư nổi tiếng khắp các trường Sài Gòn, em của một cô dược sĩ tương lai, em của một cô giáo làng và…
Người chị dâu kêu lên:
- Kìa, Vy, sao lại nói thế? Chị không có ý gì cả. Chị chỉ muốn nhắc cho Vy nhớ là gia đình ta là một gia đình đàng hoàng, từ đời này qua đời nọ là giòng giống trí thức. Cha mẹ ở đây, cũng như cha mẹ bên chị, dù không giàu có gì nhưng cũng không phải là hạng cu li lem lấm.
Vy thấy tối cả hai mắt. Vy muốn khóc, muốn nói với chị dâu rằng chị đã lầm rồi.
Chị không biết rằng đã có một thời gian mẹ làm nghề thợ nhuộm, một nghề lem lấm.
Chị chỉ thấy cái hào quang rực rỡ là anh Vĩnh của chị mà thôi. Thì ra anh Vĩnh không bao giờ kể cho chị nghe về cái quá khứ khổ nhọc của mẹ và của anh em mình.
Ngày chị đến nhà mẹ lần đầu tiên cho đến nay, chị luôn thấy mẹ thong dong như một bà mệnh phụ lớn tuổi và anh em Vĩnh ai cũng đã nên thân. Vy mỉm cười đau đớn. Chuyện thật là dễ hiểu, chẳng có chàng con trai nào chịu khó hay có can đảm nói cho người yêu của mình nghe rằng cha mẹ tôi trước kia kéo xe, đi ở mướn hay làm nghề thợ nhuộm!
- Vy, em hiểu chị không?
Vy gượng cười:
- Dạ. Nhưng… chuyện anh Thoại có liên quan gì?
- Không liên quan gì, nhưng chị chỉ ngại anh Vĩnh biết được, rầy la Vy, chị cũng không vui. Vy còn nhỏ lắm, chưa đến tuổi… “này nọ” đâu. Thôi, Vy đi học đi!
Vợ Vĩnh đứng lên, móc túi đưa cho Vy hai trăm, nói:
- Vy cầm đi, khát nước thì uống.
Thấy Vy ngồi yên, chị mở quyển sách của Vy, để tiền vào. Đôi mắt chị mở tròn khi thấy những bài hát trong quyển sách.
- Đi học mà đem theo cái này hở Vy?
- Nhạc sinh hoạt của lớp em.
Rồi Vy đứng dậy, đi lấy xe. Vợ Vĩnh làm như không để ý đến sự việc nhỏ nhặt ấy, nhìn vào trong, gọi:
- Long, Bình, ra đây con.
Vy thẫn thờ bước ra sân. Xuyên qua những kẽ lá của cây Ngọc Lan, nắng đã chói lọi những tia rực rỡ như tơ vàng. Trời thật đẹp. Nhưng hôm nay sẽ có một điều gì không ổn?
Vy đạp máy. Tiếng chiếc xe Cady nổ dòn dã như tiếng cười. Chị bếp đã mở sẵn cánh cổng rộng. Vy phóng xe chạy ra. Bãi rác trước đường đã được thu dọn xong, nhưng rãnh nước dùng để thoát nước mưa thì đen ngòm cả màu thuốc nhuộm. Vy nhìn, chợt nóng bừng mặt. Lời của người chị dâu như xoáy vào tai: “Cái mụ thợ nhuộm… thật dơ dáy!...”.
Vy muốn trở vào, muốn hét lên rằng hãy đóng cổng lại, đừng đón mẹ vô nhà. Ngày hôm nay, nếu phải nghe những lời vô tình đó, mẹ sẽ chua xót biết bao!....