watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trạm Xe-Chương 2 - tác giả Cao Hành Kiện Cao Hành Kiện

Cao Hành Kiện

Chương 2

Tác giả: Cao Hành Kiện

(Cô gái chạy đi, hay tay ôm mặt. Mọi người thiểu não.)
Bà mẹ: (Lẩm bẩm.) Chắc là hai bố con hết quần áo để thay rồi, anh chẳng biết làm gì cả, quần đùi có rách cũng chẳng biết vá. Bội Bội chắc là muốn mẹ khóc đến chết đi sống lại rồi, tội nghiệp Bội Bội của mẹ...
(Cô gái ngồi xổm, mọi người từ từ tụ tập chung quanh.)
Người đeo kính: (Nói khẽ.) Cô có sao không?
Sư phó: Đói không? Trong túi tôi vẫn còn cái bánh nướng.
Ông già: Đau bụng?
Mã chủ nhiệm: (Nói lớn với khán giả.) Bác sĩ đâu? Có ai biết về thuốc làm ơn đến xem xem!
Bà mẹ: (Tự kềm hãm mình, bước lại, cúi xuống bên cạnh cô gái.) Khó chịu chỗ nào? Cho chị biết. (Vuốt đầu cô gái.)
(Cô gái vùi đầu vào lòng bà mẹ, khóc oà lên.)
Bà mẹ: Đây là chuyện đàn bà, mời tất cả quí vị đi chỗ khác.
(Mọi người giải tán.)
Bà mẹ: Cô, cho tôi biết, có chuyện gì?
Cô gái: Chị à... em khổ quá...
Bà mẹ: (Vuốt ve cô gái.) Dựa vào chị. (Ngồi xuống đất, để cô gái dựa vào mình, ghé vào tai cô gái hỏi thầm.)
Ông già: (Già khụ hẳn đi) A, ván cờ này kể như tiêu...
Mã chủ nhiệm: Bác lên phố chỉ để đánh cờ à?
Ông già: Vì ván cờ này, tôi đã đợi mãi, đợi suốt cả đời.
Cô gái: Không, không, anh ấy sẽ không đợi em nữa đâu...
Bà mẹ: Con bé vớ vẩn, thế nào cũng đợi mà.
Cô gái: Không đợi đâu, chị không hiểu.
Bà mẹ: Hai người quen nhau lâu chưa?
Cô gái: Đây là buổi hẹn đầu tiên, bảy giờ mười lăm, tại cổng công viên, bên kia đường cái, dưới cột đèn thứ ba...
Bà mẹ: Hai người chưa từng bao giờ gặp nhau à?
Cô gái: Một người bạn học của em làm việc trong thành phố, chị ấy giới thiệu.
Bà mẹ: Việc gì phải khổ sở, cứ tiếp tục đi tìm, trên đời này đàn ông thiếu giống gì.
Cô gái: Không bao giờ nữa, sẽ không bao giờ còn có ai đợi em nữa!
Mã chủ nhiệm: (Đối diện khán giả, lẩm bẩm.) Tôi phải đi thôi. Không phải là tôi có hẹn đi ăn nhậu ở Đồng Khánh Lâu sao? Thiên hạ mời, cũng là dân tay trong. Tôi không cần phải đợi một năm để lên phố uống rượu. Rượu thì ở nhà tôi không phải là không có. Ngay cả loại Mao Đài nổi tiếng khắp thế giới chứa trong bình sứ trắng cột nơ đỏ. Không phải là khoe khoang chứ, tôi chỉ cần nói một tiếng, chứ chưa cần phải nhọc sức dở chân lên, là có người mang đến ngay. Tôi không cần phải vào thành phố. (Lớn tiếng.) Tôi không cần.
Ông già: (Khích động.) Ván cờ này tôi vẫn không thể không chơi!
Mã chủ nhiệm: (Nói với khán giả.) Ngoài loại mê cờ ra, trên đời này loại quái nhân nào cũng có cả, chỉ vì để đánh ván cờ mà đợi ở trạm xe suốt một năm. (Nói với Ông già, đầy hảo tâm và thương hại.) Tôi cũng đánh cờ rất nhiều, nhưng mà chưa mê đến mức độ của bác. Bác bị lên cơn ghiền cờ rồi, đến nhà tôi đi, đánh một vài ván, tôi giúp bác đỡ ghiền, chúng mình cứ uống rồi đánh cờ, đánh cờ rồi uống. Bác à, bác xem bác lớn tuổi như vầy rồi, tại sao phải khổ sở phơi nắng ở trạm xe thế này? Đi với tôi đi.
Ông già: (Khinh khỉnh.) Đi với ông?
Mã chủ nhiệm: Bác à, trong đám trăm người nhân công ở sở tiếp liệu của tôi, kể cả đoàn trưởng, tổ trưởng trên dưới mười người, vẫn chưa có ai là đối thủ của tôi, không tin, bác cứ hỏi họ đi!
Người đeo kính: (Đọc.) pig, books, desk, dog... k... g... k
Ông già: (Khích động đến run lên.) Ông... ông có đọc báo chiều không?
Mã chủ nhiệm: Chưa từng lỡ một ngày! Tôi chỉ mua dài hạn báo chiều. Báo chiều từ thành phố trưa hôm sau là gửi đến bưu điện thị trấn, xế trưa là phân phối đến sở tiếp liệu chúng tôi. Tôi thường giữ báo đến khi ăn cơm chiều xong mới đọc. Chỉ cách một đêm là các tin tức trong thành phố không có gì mà tôi không biết.
Ông già: Ông có biết cái vị tên Lý Mặc Sinh không?
Mã chủ nhiệm: Ô, cái anh ca sĩ mới, tuyệt lắm!
Ông già: Thế mà ông cũng nói chuyện đánh cờ. Vị tôi nói là đương kim vô địch cờ toàn quốc.
Mã chủ nhiệm: Ồ, bác muốn nói cái anh Lý gì đó quán quân kỳ thi cờ tướng chứ gì? Cùng họ với bà xã nhà tôi.
Ông già: Quán quân thì đã sao? Cờ của hắn, vẫn còn thường lắm.
Mã chủ nhiệm: Ông bác, ý bác muốn nói là bác cũng có thể trở thành quán quân?
Ông già: Báo chiều có đăng cái ván cờ mà hắn thắng giải. Tôi... đã từng nghiên cứu qua! Không phải chỉ vì hắn ở thành phố sao? Phải chi tôi cũng ở thành phố...
Mã chủ nhiệm: (Cười.) Thì bác đã là quán quân rồi.
Ông già: Tôi không dám nói thế. Tóm lại, tôi có viết cho hắn một lá thư, hẹn với hắn đánh với nhau một ván ở Cung Văn Hóa trên phố, chính là vào chiều nay. Hừ, chiều hôm nay năm ngoái! Cờ đã đi một nước là không được rút lại, con người không thể không có chữ tín!
Mã chủ nhiệm: Đúng thế!
Người đeo kính: (Đọc lớn.) bik, pook, Dessgdokpik--boog--nghe ghê quá!
Thằng lỗ mãng: Vẫn còn bịch bịch đánh rắm tây phương đó à?
Người đeo kính: (Bồn chồn.) Tôi không giống cậu, cậu có thể đi rong không làm gì cả, tôi thì phải thi vào đại học! Tôi chỉ có cái cơ hội cuối cùng này thôi, nếu như xe buýt không đến, tôi sẽ bị quá tuổi thi! Đợi với đợi, lãng phí hết tuổi trẻ khổ sở biết mấy. Điều này làm sao mà cậu hiểu nổi? Cậu tránh đi cho tôi nhờ.
Thằng lỗ mãng: Tôi đâu có cản trở gì bác đâu?
Người đeo kính: (Khẩn cầu.) Cậu làm ơn đi chỗ khác, để tôi yên tĩnh một chút được không? Chỗ kia của cậu không phải là quang đãng lắm sao?
Thằng lỗ mãng: Không vào thành phố được! (Đi ra chỗ khác, uể oải, đột nhiên phát tác.) Đường trong thành phố chỉ để những người thành phố đi hay sao? Tôi không phải là người à? Tại sao tôi không có quyền vào thành phố đi loanh quanh? Ông nhất định muốn đi!
Sư phó: (Phiền não.) La ó làm cái gì vậy? Cậu không ngồi im được à? (Ngồi xổm xuống, xé một mảnh báo cũ từ trong túi đồ nghề ra, lấy ra một phiến thuốc lá, nghiền nát, rồi cuốn lại.)
(Im lặng. Ánh đèn mờ đi. Từ xa tựa như có tiếng xe buýt. Lại có tiếng nhạc mơ hồ nổi dậy, cái âm nhạc của người trầm mặc kia lại thấp thoáng vang lên. Mọi người chăm chú lắng nghe, như thể tiếng gió, sau đó, lại biến mất.)
Mã chủ nhiệm: (Nói với khán giả.) Người nào cũng bị trúng tà rồi. (Nói với mấy người kia.) Này, quí vị vẫn chưa nản chí à? Có đi hay không?
Thằng lỗ mãng: Đi đâu?
Mã chủ nhiệm: Đi về.
Thằng lỗ mãng: Tôi cứ tưởng bác vào thành phố chứ.
Mã chủ nhiệm: Tôi điên sao? Xa xôi như vậy, đi vào thành phố chỉ để nhậu một chầu? Tôi đâu có ghiền đến mức đó.
Thằng lỗ mãng: (Buồn bã.) Tôi vẫn phải lên phố để ăn sữa chua.
Mã chủ nhiệm: Tôi nói chuyện với người khác, đồ nhãi ranh như chú xía vào làm gì? (Nói với Ông già.) Bác không đi tôi cũng phải đi thôi.
(Mọi người nhìn nhau, có hơi động lòng.)
Ông già: Ừ. (Nhìn Mã chủ nhiệm. Ngây người ra, không biết phải làm gì.)
Bà mẹ: (Nhìn Ông già) Bác...
Cô gái: (Nhìn bà mẹ.) Chị...
Người đeo kính: (Nhìn cô gái) Cô...
Sư phó: (Nhìn động tác của người đeo kính.) Này!
(Mã chủ nhiệm đi đến trước mặt sư phó, gật đầu ra hiệu ngụ ý bảo bác ta đi theo. Sư phó vẫn còn nhìn người đeo kính. Mã chủ nhiệm cúi xuống nhìn túi đồ nghề của sư phó, đưa chân ra đá. Ánh mắt của mọi người do đó ngưng lại.)
Thằng lỗ mãng: Này, khứa kia đâu? Lẻn đi rồi à?
Ông già: Ai lẻn đi?
Thằng lỗ mãng: Bác đúng là già lẩm cẩm, cái khứa đứng ngay trước mặt bác đó, bỏ rơi chúng ta, một mình lẳng lặng lẻn đi mất rồi.
Mọi người: (Ai cũng hứng khởi trở lại ngoại trừ cô gái ra.) Ai vậy? Ai vậy? Cậu nói ai? Ai đi rồi?
Ông già: (Vỗ đùi, hốt nhiên nhớ rõ.) Đúng thế. Mới vừa rồi đây còn nói chuyện với hắn. Hắn lẳng lặng bỏ đi mất rồi.
Bà mẹ: Ai, bác nói ai đi rồi?
Người đeo kính: (Nhớ ra.) Hắn đeo một cái túi, xếp hàng trước mọi người. Thủy chung đọc sách ở chỗ đó...
Bà mẹ: Ồ, lúc quí vị đánh nhau, hắn là người can.
Sư phó: Đúng thế, tại sao lúc hắn đi tôi không trông thấy kìa?
Người đeo kính: Biết đâu là hắn lên xe rồi.
Mã chủ nhiệm: Họ mở cửa trước cho hắn à?
Cô gái: (Hoang mang.) Xe vốn không dừng lại, hắn một mình vào thành phố sao?
Mã chủ nhiệm: Hắn đi lối này hay lối kia? (Dùng tay chỉ hai phương hướng tương phản.)
Cô gái: Hắn men theo công lộ đi vào thành phố rồi.
Mã chủ nhiệm: Cô trông thấy?
Cô gái: (Buồn bã.) Hắn liếc nhìn tôi một cái, rồi quay lưng bỏ đi một mạch.
Người đeo kính: Biết đâu hắn vào thành phố rồi.
Thằng lỗ mãng: Đương nhiên rồi!
Ông già: (Nói với cô gái.) Thế sao cô không nói sớm?
Cô gái: (Khủng hoảng bất an.) Chứ không phải mọi người đều đợi xe à...
Ông già: Đúng là có tâm kế...
Cô gái: Lúc hắn nhìn người khác, mắt hắn không chớp đến một lần, tựa như thể nhìn xuyên qua người ta vậy...
Mã chủ nhiệm: (Hơi khẩn trương.) Hi vọng hắn đừng có là cán bộ điều tra từ thành phố phái về. Hắn có chú ý đến đối thoại của chúng ta, lúc tôi và Ông già này làm công tác tư tưởng không?
Cô gái: Lúc ấy thì không, hắn đi qua đi lại, tựa như bận tâm việc gì...
Mã chủ nhiệm: Hắn có thu thập... nói ví dụ như, khi chúng tôi nói về tình trạng thuốc lá và sở tiếp liệu? Tình trạng mở cửa sau bán "Đại Tiền Môn"?
Cô gái: Chưa từng nghe hắn nói gì cả.
Mã chủ nhiệm: Tại sao cô không trình bày với hắn về vấn đề của công ty xe buýt? Quần chúng rất là bất mãn đối với họ!
Ông già: Hiện nay ra khỏi nhà đi lại rất là khó khăn. (Dùng tay rờ lan can sắt, di chuyển bên trong lan can, chà xát.) Giao thông hết sức là rấm rối. Chắc chúng mình không đợi sai trạm chứ?
Sư phó: (Bất an.) Ông già, ông nói gì vậy? Trạm này không lên phố?
Ông già: Biết đâu đúng hơn phải là lên xe ở trạm bên kia đường?
Người đeo kính: (Nhìn về phía bên kia.) Trạm đó là để đi về.
Sư phó: (Yên tâm.) A, ông ơi, ông làm tôi sợ muốn chết. (Ngồi xổm xuống.)
Ông già: (Run rẩy đối diện khán giả.) Chư vị cũng đều đợi xe hả? (Tự lẩm bẩm.) Chẳng nghe gì cả. (Lớn giọng hơn một chút.) Chư vị đợi xe về miền quê phải không? (Tự lẩm bẩm.) Vẵn chẳng nghe gì cả. (Nói với người đeo kính.) Này cậu, tai tôi nghễnh ngãng, cậu hỏi họ xem có phải họ trở về miền quê không? Nếu như họ đều về, tôi chẳng phải khổ sở đi vào thành phố làm gì.
Mã chủ nhiệm: (Lắc đầu, thở dài.) Thành phố cũng đâu có phải là thiên đàng! Thôi quay về còn hơn. Con tôi cũng lại sắp lấy vợ. (Nói với sư phó.) Sư phó này làm nghề mộc phải không?
Sư phó: Ừm.
Mã chủ nhiệm: Bác đóng vài món đồ đạc cho con tôi được không? Như thế còn hơn là phí thì giờ ở đây. Tôi không để bác thiệt thòi đâu.
Sư phó: Không đi.
Mã chủ nhiệm: Ngoài tiền công ra, còn lo cơm nước. Tôi còn biếu thêm bác mỗi ngày hai bao "Đại Tiền Môn" có bọc giấy thiết. (Tự lẩm bẩm.) Không nên nhắc đến "Đại Tiền Môn" nữa, lỡ mà khoa quản lý của thương nghiệp cục nghe thấy thì mệt đấy! Này, tôi vẫn chưa biết nghề của bác như thế nào.
Sư phó: Tôi làm đồ gỗ tinh vi, đồ gỗ rắn chắc, làm ghế dựa bằng hồng mộc có điêu khắc, bình phong bằng đàn mộc có điêu khắc để trưng trong phòng khách. Ông chi nổi không? Đó là nghề gia truyền của tôi đấy!
Mã chủ nhiệm: Bác khoe khoang lắm đấy! Tôi nói cho bác nghe, người thành phố thích ngồi trên ghế bành, ai đi muốn ngồi trên ghế dựa cứng đến đau cả đít của bác?
Sư phó: Đồ của tôi làm là để thiên hạ ngắm chứ không phải để thiên hạ ngồi.
Mã chủ nhiệm: A, điều này mới mẻ đối với tôi đấy. Té ra là bác chuyên làm đồ trưng bày.
Sư phó: Hiện giờ đánh phèng la đi tìm cũng không ra được tài năng của tôi. Cho nên ngoại mậu công ty trong thành phố mới muốn mời tôi mở lớp dạy học trò!
Mã chủ nhiệm: Muốn đợi thì cứ việc đợi. Tôi quay về đây, có ai muốn đi theo tôi không?
(Im lặng, ánh sáng còn mờ thêm. Từ xa có tiếng xe buýt. Âm nhạc của người trầm mặc lại nổi dậy, khe khẽ mà rõ ràng.)
Người đeo kính: Quí vị lắng nghe, lắng nghe xem! Có nghe thấy không? Cái...
(Âm nhạc im bặt.)
Người đeo kính: Tại sao quí vị lại không nghe thấy? Người ấy hẳn đã vào thành phố rồi! Chúng ta không còn có thể đợi được nữa! Khổ sở một cách vô ích để chờ đợi một cách vô dụng.
{Ông già: Đúng thế, tôi đã đợi suốt cả đời,
Bà mẹ: Nếu mà tôi biết đi đường khó khăn như vầy, tôi hẳn đã
Cô gái: Tôi mệt lả, đại khái cũng tiều tụy hết sức}
{Ông già: Cứ như vầy mà đợi, đợi... đợi
Bà mẹ: mang theo một cái bao thật lớn, táo đỏ với hạt mè, vứt
Cô gái: Tôi chả còn muốn nghĩ gì nữa, chỉ muốn ngủ một---}
{Ông già: đến già đi...
Bà mẹ: hết thì lại tiếc.
Cô gái: giấc cho đã... }
Thằng lỗ mãng: Đừng có huyên thuyên bát sách nữa! Có biết bao nhiêu là thì giờ, cho là bò đi nữa cũng đã đến thành phố rồi!
Sư phó: Thế tại sao cậu không bò đi?
Thằng lỗ mãng: Bác bò đi rồi tôi bò theo!
Sư phó: Đôi tay tôi là để làm nghề, con người chứ đâu có phải con dòi trong đống phân!
Người đeo kính: (Đối diện khán giả.) Này, này, quí vị vẫn cứ đợi xe chứ? Không động tĩnh gì cả. (Lớn tiếng.) Trước mặt còn có ai đợi xe không?
Cô gái: Tối hù như vầy chả trông thấy gì cả. Đêm rồi, đâu còn có xe đến nữa.
Sư phó: Tôi sẽ đợi đến trời sáng! Trạm xe dựng ở đây, làm sao có thể lừa dối người ta được?
Mã chủ nhiệm: Nếu như xe vẫn không đến thì sao? Bác vẫn cứ ngốc nghếch đợi suốt đời à?
Sư phó: Tôi có nghề, thành phố cần nghề của tôi! Người ta cần ông để làm gì?
Mã chủ nhiệm: (Lòng tự tôn bị tổn thương.) Tôi được mời ăn cơm, tôi chẳng còn muốn đi!
Sư phó: Vậy sao ông không quay về đi?
Mã chủ nhiệm: Tôi vốn đã muốn quay về rồi. (Khổ não.) Cái địa lý đồng không mông quạnh này, trước mặt không thôn làng, sau lưng không hàng quán, trong bóng tối lỡ có con chó xông ra--hừ, quí vị có ai chịu đi với tôi không?
Ông già: Tôi vốn cũng muốn quay về, nhưng mà con đường về đen tối, lại còn khó đi hơn, chao...
Thằng lỗ mãng: (Bò dậy, vỗ mông.) Có đi hay không?
Mã chủ nhiệm: Được, chúng mình làm bạn đường.
Thằng lỗ mãng: Ai mà đi với bác? Tôi vào thành phố để ăn sữa chua.
Sư phó: Sữa đàng hoàng lại đi làm cho chua đi, còn ngon lành gì nữa? Trong thành phố còn có cả bia, uống cứ như nước đái ngựa! Không phải cái gì trong thành phố cũng tốt đẹp đâu, đồ cù lần!
Thằng lỗ mãng: Tôi vẫn muốn uống, tôi sẽ đi uống sữa chua, làm một hơi cạn luôn năm hũ! (Nói với người đeo kính.) Đừng phí thì giờ với họ nữa, hai đứa mình đi!
Người đeo kính: Nếu như mình vừa đi mà xe đến thì sao? (Đối diện khán giả, tự lẩm bẩm.) Nếu như xe đến rồi vẫn không dừng lại thì sao? Trên mặt lý trí, tôi cảm thấy nên đi, nhưng mà không nói chắc được, lỡ may thì sao? Không sợ cái thường tình, sợ là sợ cái lỡ may. Nhưng mà cần phải quyết định! desk, dog, pig, book, đi, hay là đợi? Đợi, hay là đi? Đây đúng là nan đề của đời sống! Cũng có thể là định mệnh đã quyết định, phải đợi ở đây suốt đời, đến già, đến chết. Tại sao con người không tự khai sáng tiền đồ của mình mà lại phải khổ sở đi chịu sự chi phối của định mệnh? Nói đi thì phải nói lại, định mệnh là cái gì? (Hỏi cô gái.) Cô có tin định mệnh không?
Cô gái: (Nói khẽ.) Tin.
Người đeo kính: Định mệnh cũng giống như một đồng tiền cắc. (Móc từ trong túi áo ra một đồng tiền cắc.) Cô có tin cái này không? (Ném lên rồi lại bắt lấy.) Mặt hoa hay mặt chữ! Pig, book, desk, dog, như thế là quyết định rồi! Are you teacher? No. Are you a pig? Không, cái gì cũng không phải, I am I, tôi chính là tôi! Mình không tin nơi mình lại đi tin nơi cái này? (Tự châm biếm mình, ném đồng tiền lên, rồi lại bắt lấy.)
Cô gái: Anh nghĩ mình phải làm gì? Tôi chẳng còn chút khí lực nào để có ý kiến nữa.
Người đeo kính: Vậy thì chúng mình chơi đùa với định mệnh một phen đi. Chữ thì đợi mà hoa thì đi. Tùy thuộc vào lần này thôi! (Anh ném đồng tiền lên, đồng tiền rơi xuống đất, anh úp tay lên đồng tiền.) Đi hay là đợi? Đợi hay là đi? Để xem coi định mệnh chúng ta như thế nào?
Cô gái: (Vội vã đè tay lên tay anh) Tôi sợ! (Phát giác ra rằng tay mình chạm tay anh, cô vội vàng rút tay lại.)
Người đeo kính: Cô sợ định mệnh của chính cô?
Thằng lỗ mãng: Hừ, hai cái người này mới lạ. Này, rốt cuộc các người có đi hay không?
Sư phó: Đã xong chưa? Ai muốn đi thì đi! Trạm xe dựng ở đây, ai cũng đang đợi, tại sao xe lại không đến? Không thu tiền vé của hành khách, lấy tiền đâu ra trả tài xế?
(Im lặng. Tiếng xe buýt và âm nhạc của người trầm mặc cùng truyền đến Càng lúc càng rõ ràng, tiết tấu cũng phân minh ra.)
Mã chủ nhiệm: (Vung tay, tựa như muốn xua đuổi cái âm thanh làm người ta phiền não kia.) Này, có ai muốn đi không?
(Âm nhạc tan biến. Ông già nãy giờ vẫn dựa trạm xe ngủ khụt khịt một tiếng.)
Ông già: (Không mở mắt.) Xe đến chưa?
(Không ai trả lời.)
Thằng lỗ mãng: Bị dính cả vào cái bảng gỗ này. Bết thật! (Lộn một vòng, rồi nhẹ nhàng ngồi dưới đất.)
(Ai cũng ngồi xổm hoặc ngồi bệt dưới đất. Lại có tiếng xe buýt. Không ai động đậy cả, chỉ chăm chú lắng nghe. Tiếng xe buýt lớn dần. Ánh đèn theo đó sáng dần ra.)
Thằng lỗ mãng: (Vẫn nằm dưới đất.) Đến rồi, hừ.
Bà mẹ: Rốt cuộc cũng đến. Ông cụ, đừng ngủ nữa, trời sáng rồi, xe sắp đến rồi!
Ông già: Đến rồi? (Vội vàng đứng dậy.) Đến rồi?
Cô gái: Đừng có lại không dừng ở trạm này nữa!
Người đeo kính: Nếu không dừng nữa mình sẽ chận xe lại!
Cô gái: Họ sẽ không dừng đâu.
Ông già: Không dừng là họ sẽ thất nghiệp!
Bà mẹ: Nếu như xe không dừng thì sao?
Thằng lỗ mãng: (Đột nhiên nhảy bật dậy.) Sư phó, trong túi của bác có chiếc đinh lớn nào không?
Sư phó: Để làm gì?
Thằng lỗ mãng: Nếu không dừng nữa mình sẽ đâm nổ lốp xe, không ai vào thành phố được nữa!
Cô gái: Không được, phá hoại giao thông là phạm pháp.
Người đeo kính: Chúng mình chận xe lại, đứng chắn cả ngoài lộ, xếp thành một hàng!
Sư phó: Đúng!
Thằng lỗ mãng: (Nhặt một chiếc gậy.) Nhanh lên, xe đến rồi kia!
(Tiếng xe buýt đến gần, mọi người đều đứng lên.)
Cô gái: (Hét.) Dừng lại--xe!
Bà mẹ: Chúng tôi đã đợi suốt một năm!
Ông già: Ê, ê, dừng xe lại!
Mã chủ nhiệm: Này--
(Mọi người lấn về phía trước sân khấu, đứng chắn đường lộ. Tiếng kèn xe buýt vang lên.)
Người đeo kính: (Chỉ huy mọi người.) Một, hai!
Mọi người: Dừng xe! Dừng xe! Dừng xe!
Người đeo kính: Chúng tôi đã đợi mất cả một năm.
Mọi người: (Vừa vẫy tay tới tấp vừa la hét.) Chúng tôi không còn đợi được nữa! Dừng xe! Dừng xe! Dừng xe! Dừng xe đi! Dừng xe--
(Xe buýt không ngớt bấm kèn.)
Ông già: Tránh ra! Mau tránh ra!
(Mọi người vội vã tránh qua một bên, rồi lại vội vã đuổi theo xe, vừa hò hét.)
Thằng lỗ mãng: (Vung gậy lên xông tới trưóc.) Ông đập nát mày ra!
Người đeo kính: (Giữ nó lại.) Nó cán cậu chết bây giờ!
Cô gái: (Sợ đến nhắm chặt mắt lại.) A--
Sư phó: (Nhào đến, nắm chặt lấy thằng lỗ mãng.) Cậu đừng có liều mạng như thế!
Thằng lỗ mãng: (Vùng thoát, đuổi theo xe, ném chiếc gậy trong tay tới trước.) Đồ chó đẻ cho mày rơi xuống sông cho rùa xơi tái mày!
(Tiếng xe buýt chạy xa đi. Im lặng.)
Trạm Xe
Lời giới thiệu
Chương 1
Chương 2
Chương Kết