HỌC SINH LỚP CHÍN NĂM
Tác giả: Cung Thị Lan
Tôi gọi báo Tuyết Lan biết là tôi muốn thăm mẹ nàng sớm hơn dự định. Tôi nói là cuối tuần nào tôi cũng có việc phải làm cho nên nếu cứ hẹn lần hẹn lựa thì chẳng biết khi nào tôi mới giữ được lời hứa của mình. Tuyết Lan ưng thuận và bảo rằng thứ bảy, chủ nhật nào nàng cũng thăm mẹ cho nên tôi có thể chọn một ngày thuận tiện gần nhất. “Thứ bảy ngày 1 tháng 3 được không Tuyết Lan?” Tôi hỏi. “Ừ thì thứ bảy này đi Cung Lan!” Tiếng trả lời bên kia đầu dây nhẹ rung như tiếng hát ngọt ngào và quyến rũ. “Mấy giờ?”, “Mấy giờ tùy Cung Lan.”, “Mười một hay mười hai?”, “Mười hai giờ vậy nhé Cung Lan!”, “Vậy thì mười hai giờ thứ bảy này tại trước tiệm phở Xe Lửa ở Eden như lần đầu mình gặp nhau phải không?”, “Ừ, thứ bảy này, trước tiệm phở Xe Lửa nghe Cung Lan!”
“Cung Lan! Cung Lan!” Tôi thích nghe Tuyết Lan gọi tên mình trong những lần điện đàm như thế bởi vì cứ ngữ như tiếng nàng đang hát. Mà Tuyết Lan thực sự là ca sĩ trẻ của thành phố Nha Trang từ trước năm 1975 cho nên nếu tôi nói là nghe tiếng nói của nàng như tiếng hát thì chẳng có gì lạ. Chỉ lạ một điều là mặc dù cùng học chung trường Nữ Trung Học Nha Trang nhiều năm, chúng tôi chưa hề gặp mặt hay biết gì về nhau. Trước hè năm 2004, lang thang trên mạng tìm bạn cùng đi dự Hội Ngộ Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang, tôi may mắn được Phan Thu Cúc giới thiệu đến với Tuyết Lan. Qua vài bức điện thư, Tuyết Lan và tôi đã hẹn gặp nhau để biết mặt và định ngày mua vé máy bay đến San José. Sau lần dự Hội Ngộ đầu tiên của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang năm ấy, chúng tôi đã có một kỷ niệm rất đáng nhớ vì cả hai được dịp tâm tình trên máy bay, được gặp lại thầy cô bạn bè sau hai mươi chín năm xa cách và được ghé thăm một vài thắng cảnh của thung lũng hoa vàng. Nhưng cũng từ lúc chia tay ở Hội Ngộ, chúng tôi chưa hề gặp lại nhau, vì Tuyết Lan và tôi không ở chung một bang, không rành đường và không thạo xa lộ. Chúng tôi chỉ có thể liên lạc với nhau qua nhóm điện thư Nữ Trung Học Nha Trang lớp 12 năm 1975, sau có tên là CCH (Chợ Chồm Hỗm) bởi nhóm điện thư này xôn xao náo nhiệt như một cái chợ nhỏ, ngày ngày nhóm họp liên lạc với nhau qua hàng trăm câu chuyện, và điện thư từ những cựu nữ sinh lớp 12 năm 1975 như Tuyết Lan, Hoàng Oanh, Minh Thảo, Minh Trang, Đức Phúc, Bạch Mai Anh, Trần Mai Anh, Nguyễn Bích Lan, Phan Thu Cúc, Nguyễn Kim Phượng, Võ Thị Như Ý, Trương Như Nguyện, Tôn Nữ Như Nguyện, Tôn Nữ Thị Lộc, Tôn Nữ Minh Tuyết, và Chế Hồng Loan, những hội viên mới như cựu nam sinh Võ Tánh lớp 12 năm 1975 như Hiếu và Lành, cựu nam sinh Võ Tánh khóa đàn anh như anh Phi, anh Huỳnh, anh An và anh Tín, cựu nữ sinh Nữ Trung Học khóa đàn chị năm 1974 như Nguyễn Bạch Lan và nữ học sinh bé tí khóa đàn em của Nữ Trung Học năm 1975 như Út Bùi Ngọc Trâm. Nhóm điện thư CCH do Nguyễn Bích Lan, thường gọi là Lan muội, phụ trách đã cho chúng tôi có nhiều tin tức cập nhật, nhiều hình ảnh đẹp, nhiều bản nhạc hay, nhiều bài thơ trữ tình, nhiều câu danh ngôn có Ỷ nghĩa thâm thúy và nhất là được trao đổi chít chát hồn nhiên chẳng khác gì học sinh trung học ngày xưa. Cũng nhờ nhóm điện thư vui nhộn này mà tất cả những thành viên trong nhóm CCH của chúng tôi, dù chưa hề gặp mặt hay biết nhau trước đó, cảm thấy rất gần gũi với nhau, được cùng nhau chia sẻ vui buồn, và giảm được bớt những căng thẳng trong đời sống của mình. Tuyết Lan cũng như tôi, thường hồn nhiên đối đáp thư từ với nhóm CCH như là học sinh trong thời trung học, nhưng khi nói chuyện với nhau qua điện thoại, chúng tôi thường tâm tình về đời sống và việc làm một cách nghiêm túc. Cuối tuần nào Tuyết Lan cũng có thói quen gọi thăm tôi và thường kể chuyện về mẹ nàng cho tôi nghe; cho nên, dù chưa gặp mặt mẹ Tuyết Lan, tôi đã biết rất nhiều về bà. Qua những câu chuyện, tôi hình dung được cảnh sinh hoạt của hai mẹ con Tuyết Lan như thế nào và sự ảnh hưởng của căn bệnh của mẹ Tuyết Lan đối với đời sống họ ra sao. “Cung Lan biết sao không, chiều hôm nay đưa mẹ đi shopping, Tuyết Lan chỉ mới ghé xem cái áo, thoáng một chút là mẹ đi đâu mất tiêu. Tuyết Lan phải nhờ bảo vệ trong khu thương xá đi tìm dùm. Tuyết Lan phải tả dáng vóc và y phục của mẹ lúc đó hết sức kỹ càng mà mãi hơn nửa giờ sau họ mới tìm ra.”, “Trời ơi! Bác đến như vậy sao?”, “Ừ vậy đó Cung Lan! Mẹ không còn biết gì nữa Cung Lan à! Mẹ không những không nhớ được tên mình mà còn không biết đói, không biết khát, không biết gì cả... cho nên khi nào Tuyết Lan nghĩ đã đến lúc mẹ đói, khát hay cần những nhu cầu khác thì Tuyết Lan làm cho mẹ thôi!”
Các câu chuyện kể của Tuyết Lan làm tôi chạnh lòng suy nghĩ hoài. Tôi chưa từng tiếp xúc với những người có bệnh Alzheimer nhưng tôi đã nghe lờ mờ về chứng bệnh này. Khi tìm hiểu thêm về sự thoái hóa não, sự sa sút trí tuệ tăng dần theo thời gian và sự bất lực của khoa học ngày nay trong việc điều trị căn bệnh này, tôi cảm thương cho Tuyết Lan và mẹ nàng nhiều hơn. Niềm thương cảm của tôi đối với họ không chỉ dừng ở những câu chuyện tâm tình mà cả ở những bài hát về Mẹ từ đĩa nhạc do chính Tuyết Lan hát, và ghi âm. Thật ra, các đĩa nhạc của Tuyết Lan đều do hội trưởng Lan muội ra công thâu lại từ các băng cát sét mà Tuyết Lan tự thâu với nền nhạc Karaoke rồi gửi tặng cho các hội viên của nhóm điện thư CCH. Âm thanh của các đĩa nhạc này không hoàn hảo và điêu luyện như những đĩa nhạc của các ca sĩ chuyên nghiệp nhưng nó đã làm tôi xúc động bởi giọng ca chất chứa tâm tình thật sự của Tuyết Lan. Mỗi khi nghe bản nhạc “Mẹ Hiền Yêu Dấu ”, tôi đã không cầm nước mắt vì từng lời trong bản nhạc ấy chất chứa bao điều biết ơn và mong muốn chân thành thay cho lời Tuyết Lan muốn nói với mẹ. Tiếc thay, bây giờ bà không thể nào hiểu được và không bao giờ còn khả năng hiểu được nữa.
Rồi thời gian mãi trôi và tôi vẫn tiếp tục nghe những câu chuyện kể của Tuyết Lan. Cho đến một ngày khi tôi nghe giọng nói đầy nước mắt báo rằng mẹ nàng phải chuyển vào nhà dưỡng lão vì sức khỏe của bà khá sa sút thì tôi mới nhớ rằng mình đã vô tình đến độ chưa hề đến nhà thăm mẹ Tuyết Lan một lần nào. Dù nghĩ vậy, tôi vẫn cứ cuốn hút vào những công việc phải làm vào cuối tuần cho gia đình và những đứa con tôi. Trước ngày lễ Mẹ năm 2007, tôi có viết hai bài thơ về Mẹ rồi gửi vào nhóm điện thư CCH nhờ Nguyễn Bích Lan làm khung hình để tôi gửi tặng mẹ tôi. Tôi không phải là người chuyên thơ cho nên những tâm tình tôi gửi vào trang thơ chỉ để trải lòng với mẹ của mình chứ không nghĩ đến chuyện phổ biến rộng rãi. Thế mà sau đó vài ngày, Tuyết Lan gọi tôi hỏi chuyện in bài thơ Tấm Lòng Người Mẹ của tôi để tặng mẹ Nàng. Tôi rất ngạc nhiên khi Tuyết Lan muốn làm điều này nhưng không dám hỏi. Vin vào sự ngoại lệ thường xảy ra cho vài trường hợp đặc biệt và sự chế ngự mầu nhiệm đối với chứng bệnh Alzheimer bất trị để giải tỏa bớt nỗi boăn khoăn mà mình có nhưng tôi vẫn không hết thắc mắc với câu hỏi tự đặt là “Có thể nào một người không còn nhớ mà có thể đọc thơ không?”
Cuối cùng thì tôi đã gặp được mẹ Tuyết Lan như dự định. Sau khi gặp nhau ở khu thương mại Eden, Tuyết Lan đã chở tôi đến thăm mẹ nàng. Được ngồi chung xe tâm tình trong lúc nhìn cảnh vật hai bên đường của Virginia vào ngày đầu xuân tôi thích lắm, nhưng xe chỉ đi khoảng mười phút Tuyết Lan đã lái xe tấp vào một bãi đậu trước một khu nhà vuông vắn khiến tôi phải ngạc nhiên: “Ủa! Khu dưỡng lão ở đây sao? Nghe Tuyết Lan thăm mẹ hai, ba lần trong tuần Cung Lan tưởng nhà dưỡng lão của mẹ Tuyết Lan ở gần nhà Tuyết Lan chứ!”, “Mẹ Tuyết Lan ở đây hồi giờ mà Cung Lan!”, “Cung Lan đâu có biết! Nếu biết thuận đường như vầy thì Cung Lan đã thăm bác sớm hơn rồi! Mà sao bác được ở đây hên quá vậy hả Tuyết Lan? Nhà dưỡng lão mà gần khu Eden, sạch sẽ gọn gàng lại nhiều nhân viên phục vụ như thế này thì còn gì bằng!”, “Đúng là Tuyết Lan hên thật đó Cung Lan! Lúc mẹ Tuyết Lan nằm liệt giường, Tuyết Lan xin được y tá đến nhà chăm sóc nhưng thấy nhiều điều bất tiện nên mới làm đơn xin mẹ vào dưỡng lão. Khi làm đơn xin cho mẹ Tuyết Lan ở vào nhà dưỡng lão này Tuyết Lan không hề nghĩ là được chấp thuận sớm vì họ bảo Tuyết Lan ghi tên vào danh sách đợi. Không ngờ vừa làm đơn vài ngày là họ gọi báo có chỗ trống và bảo Tuyết Lan muốn mẹ ở trong đó thì phải đưa mẹ vào ngay không thì mất chỗ nên Tuyết Lan phải nghe theo lời họ ngay. Tuyết Lan nhớ chiều hôm đó Tuyết Lan khóc như mưa bấc vì chưa chuẩn bị gì cả. Hồi giờ không xa mẹ, nay để mẹ đi trong tình trạng bệnh hoạn, Tuyết Lan vừa thấy có tội vừa thấy tủi làm sao. Lúc đó, ngày nào Tuyết Lan cũng vào thăm mẹ cả. Hễ rảnh giờ nào là Tuyết Lan vào thăm giờ ấy, còn bây giờ Tuyết Lan thường xuyên thăm mẹ vào ngày thứ bảy chủ nhật và lâu lâu mới có thêm vài ngày trong tuần.”
“Nhưng bác được chăm sóc đầy đủ và cẩn thận hơn mình ở nhà đó Tuyết Lan. Nhiều y tá túc trực ở đây quá mà!”
“Đúng vậy Cung Lan. Vào đây nhiều lần, thấy mẹ được chăm sóc kỹ lưỡng, Tuyết Lan cảm thấy đỡ bứt rứt hơn.”
“Cung Lan mừng cho Tuyết Lan khi thấy bác được như thế này. Cung Lan nghe Tuyết Lan nói bác nằm liệt một chỗ, ngỡ bác hốc hác lắm chứ.”
“Nhờ những bọc thức ăn này đó Cung Lan. Họ phải tiếp thức ăn vào người mẹ Tuyết Lan bằng ống này nên da dẻ của mẹ được hồng hào như thế! Nhưng mẹ thường ngủ li bì ít khi thức dậy lắm. Mẹ ơi! Mẹ ngủ say quá à! Con đưa bạn con vào thăm mẹ nè! Cung Lan bạn con nè mẹ!”
“Mẹ Tuyết Lan ơi đó kìa! Vậy mà Tuyết Lan nói bác không nhớ gì! Bác ơi, con thăm bác đây nè bác!”
“Không phải là mẹ nhớ gì đâu Cung Lan! Chắc là Cung Lan hên nên hôm nay mẹ mới ‘ơi’ như vậy đó!”
“Nhưng bác đang nhìn Tuyết Lan nói đó kia! Còn nhìn Cung Lan rồi nhìn Tuyết Lan nữa. Nếu bác không hiểu gì sao lại nhìn tụi mình nói chuyện? Có phải cái ống ngay mũi này làm bác khó nói hay không?”
“Không phải đâu Cung Lan. Mẹ Tuyết Lan không còn nhớ gì nữa cả và không nói được gì nữa đâu! Vì Cung Lan mới gặp lần đầu nên không biết đó thôi.”
Vừa dứt câu, Tuyết Lan đáp lại tiếng kêu giúp của người nằm cạnh giường mẹ nàng. Liếc mắt sang bức màn chắn, tôi thấy một người đàn bà lớn tuổi Mỹ trắng nằm yên trên chiếc giường nệm trắng tinh, đang nhờ tìm vật bà vừa đánh rơi xuống sàn. Trong khi Tuyết Lan nhặt dùm bà chiếc remote control của Ti Vi, tôi nhìn quanh căn phòng một lúc rồi đến chiếc bàn sát vách đối diện với giường của mẹ Tuyết Lan. Trên bàn có bình hoa và nhiều bức ảnh của mẹ Tuyết Lan cùng với những đứa con của bà. Trên vách cũng có vài tấm ảnh của bà khi còn trẻ và bài thơ Tấm Lòng Người Mẹ của tôi.
Người ta có mẹ có cha
Con đây chỉ có mỗi mình mẹ thôi
Suốt đời quang gánh đơn côi
Thương con mẹ phải ngược xuôi trăm phần
Bán buôn khuya sớm tảo tần
Nuôi con ăn học cho bằng người ta
Con tuy vắng bóng người cha.
Mẹ đây vừa mẹ, vừa cha hai người.
Tuyết Lan đến bên tôi:
“Thấy thơ mình được in trong khung có thích không?”
“Thích lắm nhưng phải chi bài thơ này hay hơn. Cung Lan không ưng Ỷ với từ lập lại ‘người ta’ nhưng không phải là người chuyên thơ nên đành chịu. Cung Lan chỉ không hiểu sao Tuyết Lan lại thích bài thơ này?”
“Vì nó đúng tâm trạng của Tuyết Lan và hoàn cảnh của mẹ Tuyết Lan đó Cung Lan. Khi bố Tuyết Lan mất, Tuyết Lan chỉ được sáu tháng tuổi. Lúc đó mẹ Tuyết Lan chỉ có ba mươi hai tuổi thôi mà ở vậy một mình nuôi sáu người con ăn học đến nơi đến chốn. Là con Út, lúc nào cũng lúc thúc bên mẹ, chứng kiến cảnh mẹ tảo tần trong vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha nên Tuyết Lan muốn tặng mẹ bài thơ này.”
“Có nghĩa là bác một mình tảo tần gánh vác việc nuôi sáu anh chị em Tuyết Lan ăn học, chứ bác không mưu sinh bằng ‘quang gánh’ như trong bài thơ phải không? Vì tấm hình này cho biết bác là nữ quân nhân trước đây mà.”
“Ừ! Trông mẹ Tuyết Lan mặc váy xanh xám, áo sơ mi trắng và đội mũ bê rê như thế này oai ra phết phải không? Nhưng mẹ chỉ là nhân viên hành chính trong bộ phận làm căn cước cho sở cảnh sát chứ không phải là cảnh sát thực thụ đâu Cung Lan.”
“Làm trong sở cảnh sát cũng oai rồi. Dù sao thì cũng được biết nhiều tin trong thành phố trước thiên hạ.”
“Đúng vậy đó Cung Lan! Tức cười là có hôm đi làm về, mẹ Tuyết Lan nói là ‘Tối hôm qua có một đám Hippy bị bắt vì tổ chức nhảy đầm không có giấy phép!’ mà đâu biết con mình được thoát trong đám đó!”
“Trời đất ơi! Tuyết Lan là dân Hippy hả?
“Không phải đâu! Mấy người lớn thời đó thấy ai mặc quần pát thường gọi là dân Hippy đó mà! Cung Lan còn nhớ kiểu áo quần thời đó không? Quần pát áo sơ mi dài tay cổ to bản thường được mấy đứa có dáng cao cao thích mặc lắm đó! Như Kim Khánh, bạn thân Tuyết Lan, thường mặc kiểu này luôn.”
“Nhưng tổ chức nhảy đầm kiểu gì mà để cảnh sát bắt? Rồi làm sao mà Tuyết Lan thoát được?”
“Đi dự sinh nhật mà đâu biết họ tổ chức nhảy đầm không có giấy phép. Lúc nghe ‘bum xì’ là Kim Khánh dẫn Tuyết Lan ra phía sau nhà để leo rào chạy trốn. Kim Khánh vừa cao ráo lại vừa mặc quần tây nên thoắt một cái là ra khỏi rào ngay; còn Tuyết Lan vừa bé tí, vừa mặc mi ni skirt lại mang giày cao gót nên đành đứng ngó mà khóc thôi. May nhờ người nhà thấy tội, nói Tuyết Lan vào giường nằm giả làm người trong nhà nên thoát được.”
“Ha ha ha... Cũng may phước là bác không gặp Tuyết Lan trong sở cảnh sát. Không ngờ lúc đó Tuyết Lan cũng ‘hoang’ chứ vừa gì!”
“Chưa đâu! Tuyết Lan chẳng bằng Kim Khánh tí nào đâu! Kim Khánh còn ‘hoang’ đến độ mướn một ông xích lô giả làm bố để vào phòng giám thị xin cho nghỉ học nữa kìa.”
“Dữ đến vậy hả? Nhưng mà lúc đó Tuyết Lan học lớp nào trong trường mà Cung Lan không biết vậy cà?”
“Lớp chín năm đó Cung Lan. Nhưng học xong lớp chín là Tuyết Lan đã xin chuyển vào Sài Gòn học rồi. Tuyết Lan còn nhớ khi vào phòng giám thị để xin chuyển bản thành tích biểu, cô Ngân hỏi Tuyết Lan học lớp nào. Tuyết Lan vừa trả lời học lớp chín năm là cô chép miệng than trời ngay. Cô nói: ‘Trời ơi, học sinh lớp chín năm phá thì phải biết! Cái lớp phá nhất trường Nữ Trung Học Nha Trang này!’”
Câu nói này vừa dứt, chúng tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Vài giây sau, chúng tôi phải ngưng lại để chào người đàn ông Mỹ trắng đang cầm xích dắt một con chó rất lớn đang đứng ngoài cửa phòng. Đi cùng ông và con chó còn là hai đứa bé một trai, một gái độ mười ba, mười bốn tuổi. Ông nói với Tuyết Lan là ông hay đưa con chó của ông vào khu dưỡng lão này ghé thăm các phòng nhưng lần nào ghé phòng của mẹ Tuyết Lan, cũng thấy bà ngủ li bì nên không biết là bà có thích nhìn con chó của ông không. Tuyết Lan nói cảm ơn rồi hỏi han ông bằng giọng nói rất thân mật nhưng khi ông ta vừa đi khỏi, tôi hỏi ông ta là ai thì nàng nói là nàng chẳng biết ông là ai. Nàng giải thích là nhiều người thăm người thân của họ trong khu dưỡng lão thường ghé thăm mọi người ở các phòng kế bên, hay tất cả các phòng cho nên những người khách viếng chào nhau vui vẻ thân mật không có nghĩa là biết nhau. Tôi cảm thấy thú vị khi nghe những câu chuyện về những người khách viếng đối với người trong nhà dưỡng lão, rồi cảm thấy thú vị hơn khi nhìn Tuyết Lan nựng mẹ với những cái dí yêu trên mặt, những cái hôn trên má và những cái vuốt ve trên tay trên tóc. Khi chào chia tay với mẹ nàng, tôi thực sự biết rằng bà không hề biết hay nhớ một điều gì như Tuyết Lan diễn tả trước đây. Nhìn đôi mắt dửng dưng của bà khi Tuyết Lan chào từ giã, tôi hiểu rằng những gì Tuyết Lan làm cho mẹ chỉ có mình Tuyết Lan biết được mà thôi.
“Tuyết Lan cảm ơn Cung Lan đã thăm mẹ Tuyết Lan.”
“Cung Lan phải nói cảm ơn Tuyết Lan đã chở Cung Lan thăm mẹ Tuyết Lan đúng hơn.”
“Không có gì đâu mà Cung Lan. Cuối tuần nào mà Tuyết Lan không đi thăm mẹ! Ngày mai Tuyết Lan còn chở con gái Tuyết Lan vào thăm mẹ nữa đó.”
“Mỹ Linh, con gái Tuyết Lan, mới đó mà đã tốt nhiệp Đại Học gần hai năm rồi phải không? Vậy là Tuyết Lan có khác gì mẹ Tuyết Lan ngày xưa đâu! Cũng ‘vừa làm mẹ vừa làm cha’ lo cho con Tuyết Lan học thành tài đó chứ!”
“Ừ! Mới đó mà mau ghê Cung Lan! Không ngờ mới đó mà Ti Ti đi làm đã được hai năm rồi đó Cung Lan.”
“Thời gian tàn nhẫn ghê phải không Tuyết Lan? Bây giờ con mình còn lớn tuổi hơn mình vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 nữa đó. Mới đây, Bích Lan lại gửi hình chụp của Tuyết Lan trong tờ báo Time năm 1975 vào ‘chợ’. Trước tháng tư, Bích Lan thường hay gửi tấm hình này!”
“Ủa, vậy đó hở? Tuyết Lan bận quá, không vào CCH được nên không biết. Nhưng mà tấm hình đó chụp Tuyết Lan tại tòa Đại Sứ Quán Mỹ vào ngày 29 tháng 4 chứ không phải ngày 30 tháng 4 đâu Cung Lan.”
Trên đường lái xe về nhà tôi nghĩ mãi về cô bạn lớp chín năm của trường tôi năm nào. Các thầy cô giáo của chúng tôi chắc không bao giờ ngờ cô học trò trong lớp nổi tiếng phá phách nghịch ngợm nhất trường của mình năm ấy nay là một người con rất hiếu thảo và là người mẹ rất đảm đang. Đó là nữ sinh của lớp nghịch phá nhất trường tôi, còn các nữ sinh của các lớp khác đang làm gì cho cha mẹ họ và con cái họ thì tôi không hề biết được.
Cung Thị Lan
Ngày 1 tháng 3 năm 2008